Thông tin

TƯ TƯỞNG SINH THÁI PHẬT GIÁO

TRONG TRUYỆN NGẮN NAM BỘ ĐẦU THẾ KỈ XXI

 

PGS.TS. BÙI THANH TRUYỀN
HOÀNG THỊ TÚ ANH

 


 

Văn học thế kỉ XXI phản ánh nhiều vấn đề của đời sống, trong đó có vấn đề môi trường. Bắt nhịp nhanh với điều ấy, truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XXI cũng chọn cho mình “lối viết sinh thái” nhưng có dấu ấn, màu sắc Phật giáo. Bài báo đề cập đến mối quan hệ giữa Phật giáo và sinh thái, từ đó phác thảo lên bức tranh đa dạng với nhiều mảng màu thể hiện tư tưởng sinh thái Phật giáo phương Nam. Chính tinh thần nhân văn đã giúp cho những sáng tác này tác động mạnh mẽ đến tâm thức con người, nói lên tiếng nói góp phần bảo vệ Trái đất chúng ta.

1. Mở đầu

Năm 2015 tại Paris (Pháp), các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu đã cùng nhau thỏa thuận và đã ra Bản tuyên bố chung cho hành động liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Hoạt động này đã kết hợp hơn 10.000 nhà hoạt động, giáo sư, hàng giáo phẩm và các nhà lãnh đạo từ 73 quốc gia và 50 đức tin để đối phó với biến đổi khí hậu1. Quả thật, các vấn đề môi trường đang diễn ra từng ngày từng giờ đã khiến cho các quốc gia, các tổ chức tôn giáo không thể thờ ơ. Sự bắt tay giữa các tôn giáo đã tạo ra một nguồn lực vô cùng to lớn để bảo vệ sự sống của thiên nhiên, của con người trên Trái đất này. Trong những nỗ lực đáng ghi nhận đó, Phật giáo cũng góp cho mình một tiếng nói mạnh mẽ        đối với vấn đề môi trường.

Văn học không nằm ngoài sự vận động, phát triển của đời sống, thậm chí đôi khi đó còn là sự phản ánh cực kì nhanh nhạy và thấu suốt mọi lẽ. Là một vùng đất mới nhưng Nam Bộ không thể nằm ngoài ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng và phức tạp hơn. Nó tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người, và nhà văn vùng đất này tất yếu phải “lên tiếng” bằng ngòi bút để thức tỉnh cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi sinh. Đó là một kiểu của “sinh thái học tinh thần” vì “cứu vãn hệ sinh thái và tính bền vững của nó nhất thiết phải phụ thuộc vào nhận thức tâm linh và tinh thần, thái độ, trách nhiệm của mỗi người” (Bùi Thanh Truyền chủ biên, 2018, tr.161). Trong nỗ lực đó của văn chương phương Nam, truyện ngắn cũng góp phần thể hiện tiếng nói riêng của mình - với một dấu ấn sinh thái mang tư tưởng của Phật giáo.

2. Lương duyên giữa tư tưởng Phật giáo và sinh thái

Một trong những tư tưởng cốt lõi của Phật giáo đó là thuyết “Duyên khởi”. Đây được xem như học thuyết cơ bản để giải thích sự hiện hữu, mối quan hệ nhân quả của mọi sự vật hiện tượng trên thế giới. Phật giáo cho rằng mọi sự hiện hữu trên thế giới đều là kết hợp của rất nhiều nhân duyên, các nhân duyên không thể tồn tại độc lập mà luôn phải nương tựa vào nhau hình thành mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Kinh Phật có viết: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh... cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”. Như vậy, Phật giáo nhìn mọi sự vật trong tương quan chỉnh thể, mạng lưới các quan hệ tạo thành và bao quanh sự vật, con người, trong đó “Giữa con người với giới tự nhiên có sự tương nhập lẫn nhau, cùng tác động lẫn nhau. Vòng sinh vật là một chỉnh thể không thể chia cắt được, tỉ lệ cân đối, động thái có trật tự; con người nương giới tự nhiên để sinh tồn, giới tự nhiên là “thân thể” vô cơ của con người” (Thích Nhuận Đạt, 2010: tr.9).

Thuyết “Duyên khởi” cũng cho thấy sự bình đẳng giữa con người và vạn vật, và “vạn vật giai hữu Phật tính” (Vạn vật đều có Phật tính). Cây cỏ, chim muông có đời sống riêng của nó, và chúng có giá trị, đứng ngang bằng với con người. Con người yêu quí sinh mạng mình, thì cũng biết rằng tự nhiên có sinh mệnh của nó. Kinh Pháp cú có ghi lại lời dạy của Đức Phật cho các đệ tử của Ngài khi bước xuống sống giữa cuộc đời:

Như ong đến với hoa

Không hại sắc và hương

Che chở hoa lấy nhụy

Bậc Thánh đi vào làng.

Nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa con người và chúng sinh, Phật giáo cũng nói đến “Vật ngã nhất như” (Mọi vật với ta như một), “Ái vật hộ sinh” (Yêu và bảo vệ sinh mạng của vạn vật), “Phá chấp ngã, đoạn tham dục” (Bỏ chấp ngã, trừ tham dục). Phật cũng dạy: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”. Những chủ trương này đã làm cho tư tưởng sinh thái Phật giáo có những điểm tựa vững chắc, đem đến những giá trị nhất định cho việc giáo dục đạo đức môi trường. Phật giáo (một tư tưởng phương Đông) và những vấn đề sinh thái (vốn bắt nguồn và đề ra từ phương Tây) tưởng như xa cách nhau nhưng thực ra xích lại gần nhau cũng bởi đều hướng đến tinh thần nhân văn, bình đẳng.

Có một thông tin khá thú vị đó là trên thực tế, những nhà sư cũng đã bắt đầu có những hành động để thức tỉnh cộng đồng thay đổi vì môi trường. Các nhà sư ở miền Bắc Thái Lan đã thực hiện nhiều nghi thức “quy y” đặc biệt cho cây. Theo đó, những cây nào nhận được nghi thức quy y, sẽ được các sư quấn quanh thân cây một tấm vải màu vàng, như chiếc y của các sư theo truyền thống Nam tông tại đây như “một cách giúp chúng trở nên thiêng liêng và bảo vệ chúng khỏi những mối đe dọa, hủy hoại và tàn phá từ con người”. TS. Susan Darlington, Giáo sư ngành Nhân chủng học và Nghiên cứu châu Á tại Trường Cao đẳng Hampshire ở Massachusetts, tác giả cuốn Quy y cho cây: Phong trào môi trường của Phật giáo Thái (The Ordination of a Tree: The Thai Buddhist Environmental Movement, Suny Press, 2013) đã lí giải về việc làm này: “Tạo công đức là điều cực kỳ quan trọng đối với Phật tử Thái Lan. Vì vậy, việc họ nhìn thấy những cái cây được quy y kia như một cách để tạo công đức phước báo, giúp cho đời sau có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Đi xa hơn thế, đó cũng là những hành động tôn trọng tự nhiên vì vạn vật đều có Phật tính.

 


 

3. Tinh thần sinh thái đậm Phật tính trong truyện ngắn phương Nam đương đại

Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người đã được phản ánh trong văn học dân gian và văn học trung đại. Đó là tình yêu thiên nhiên, sự trân trọng từng cành cây ngọn cỏ, từng tiếng cá đớp nước hay ngọn gió nhẹ trong lành đêm trăng, đó là sự tìm về và xem thiên nhiên là bầu bạn... Tuy vậy, những sáng tác thực sự mang ý thức sinh thái như trong văn học đương hiện bởi lộ rõ tinh thần xem con người là trung tâm, tự nhiên chỉ là “ngoại vật”, được quan sát, chiếm lĩnh, gá gởi nỗi lòng, chưa thực “lấy lợi ích chỉnh thể của hệ thống sinh thái làm giá trị cao nhất để khảo sát và biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và truy tìm nguồn gốc xã hội của nguy cơ sinh thái” (Vương Nặc, 2003: tr. 11).

Từ năm 1986, trong truyện ngắn Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện khá thành công tư tưởng sinh thái. Truyện kể lại chuyến đi săn của ông Diểu vào mùa xuân, khi mà “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm”. Ông đã cố gắng giết cho bằng được con khỉ để thỏa mãn thú vui săn bắn của mình, nhưng sau lại mủi lòng, cứu sống nó và cuối cùng đã “phóng sinh” cho con vật. Đoạn cuối truyện, tác giả miêu tả những bông hoa tử huyền nở tuyệt đẹp và nhân vật xuống núi trong mưa xuân dịu dàng. Phật giáo cho rằng phải “đoạn chấp ngã, trừ tham dục” (phá chấp ngã, trừ lòng  tham). Con người phá bỏ đi lòng tham của mình (một trong những nguyên nhân gây ra nỗi khổ) cũng đem lại niềm vui, sự an yên cho chính bản thân họ và cũng là việc giúp họ đến gần hơn người mẹ thiên nhiên, môi trường.

Như một bản hòa ca, những trang văn sinh thái có sức hấp dẫn đặc biệt có lẽ vì nó tạo được sự hô ứng, đồng vọng. Trong văn học phương Nam, từ những trang viết về thiên nhiên, môi trường của lớp nhà văn thế hệ trước như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy... đến những sáng tác của Nguyễn Trí, Trần Bảo Định, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt... là cả một quá trình dài với những sự thay đổi mang tinh thần thời đại. Không còn là những lời nói “sám hối” nhẹ nhàng như lời của cụ Lục chùa Sóc Ven (Hương rừng Cà Mau - Sơn Nam): “Mình có lỗi với đất với nước. Đất và nước cho mình tất cả cuộc sống, mà mình lại làm nhiều điều không phải với đất, với nước”, truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XXI đã gióng lên lời cảnh báo về hậu quả nhãn tiền đến từ những hành động con người gây ra cho thiên nhiên như nạn chặt phá rừng, tận diệt thủy hải sản, đô thị hóa nông thôn nửa vời... Tiếng nói mạnh mẽ ấy như một hồi chuông cảnh tỉnh đầy thống thiết cho con người phương Nam nói riêng, cho nhân loại nói chung.

3.1. Sự lên tiếng của môi trường tự nhiên

Truyện ngắn Nam Bộ đầu thế kỉ XXI đã lên tiếng róng riết về những vấn đề của môi trường tự nhiên và đồng thời cũng là môi trường sống của con người. Lê Minh Nhựt - “gã giang hồ vặt” xứ Cà Mau kể nhiều chuyện, nhỏ thôi nhưng nói lên biết bao điều. Đó là câu chuyện ở một xóm nhỏ trong truyện Vũ điệu quét rác: “Mỗi con nước rằm hoặc ba mươi âm lịch, nước lớn tràn lên xâm xấp mặt hẻm lùa hầm bà lằng đủ loại rác rến mà người ta vẫn thường vô tư tuôn xuống sông nay chúng theo con nước trở vô nơi xuất phát. Một cách ăn miếng trả miếng của tự nhiên thật đáo để!”. Đến khi nước rút, những người trong hẻm lại quét, lại hốt và đổ rác trở xuống con sông. Trong Chuyện chẳng đi đến đâu, nhân vật Phong thấy “Rác rưởi tr ên thế gian này hình như đều tập trung đổ về con kinh trước mặt, vùn vụt trôi qua như trêu ngươi” mà thực chất đó chính là những rác rưởi do triều cường lên làm con đường trước phòng trọ ngập đầy rác - những thứ do “thời đại của chúng ta”. Truyện Quán bánh xèo ở bìa rừng tràm lại như bâng quơ mà nhắc đến một câu chuyện khác: “Mùa qua mùa, rừng bị đẩy lùi về phía xa, còn chỗ trước kia là rừng đã trở thành bìa rừng, thành ruộng nương, vườn tược, thành thổ cư, đất lập vườn... thành nhiều thứ khác nữa nhưng không phải là rừng như trước kia”. Trang văn Nguyễn Ngọc Tư là những câu hỏi về sự đô thị hóa nhanh chóng của nông thôn: “Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, [...]. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt)” (Cánh đồng bất tận). Cuộc sống con người rồi sẽ ra sao khi họ dần đánh mất đi người bạn tốt là thiên nhiên? Có chăng những gì tốt đẹp nhất sẽ được lưu giữ ở Viện di sản thiên nhiên và con người, là nơi “Anh đạo diễn phim sẽ tới đây để tham khảo những âm thanh của khu rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi cho bộ phim mới. Tôi sẽ đưa cháu mình tới, chỉ cho chúng biết kia là chim sẻ, kia là núi...”. Cũng là những chuyến đi, nhưng là đi vào rừng vì “năm sau, người ta sẽ san phẳng chúng và trồng lên một khu công nghiệp lớn nhất nước. Chúng tôi được lùa tới đây, làm chuyên đề rừng, mong vớt vát được chút gì trước khi nó biến mất” (Khói trời lộng lẫy). Thiên nhiên đã kêu cứu, con người đã nghe chưa?

3.2. Lời nhắc nhở về tôn trọng sinh mệnh của vạn vật

Được xem là một nhà văn sinh thái, Trần Bảo Định chọn cho mình một hướng đi riêng khi thấm đẫm trong trang văn là những tư tưởng, giáo lý nhà Phật. “Nét riêng của Trần Bảo Định có lẽ là sự kết hợp bước đầu chủ nghĩa nhân bản Phật giáo với chủ nghĩa nhân văn sinh thái. Thiên nhiên nuôi dưỡng và vun đắp Phật tánh nơi con người. Bông trái đâu chỉ chữa bệnh cho người mà còn bồi đắp tình yêu, tấm lòng thủy chung, tính hướng thiện ngay trong nghịch cảnh” (Huỳnh Như Phương, 2018: tr.273). Đó là những trái sầu riêng được Cậu Năm giữ lại để chín rụng theo lẽ tự nhiên, là lời cảnh báo “Phá vỡ quy luật tự nhiên của trời đất, người tự rước họa vào mình. Vậy, mà rồi quay lại than trời trách đất!” (Sầu riêng chín rụng); những xót xa cho bông, cho trái cà na: “Con người thay thiên nhiên trồng cây cà na. Bông cà na bây giờ hoàn toàn thuộc về con người như hoàn toàn thuộc về cái chết. Con người nhân danh cà na, buộc cà na ra bông ra trái theo cách duy ý chí của mình. Quê tôi, cây cà na thiên nhiên đã mất tích theo từng mùa nước lở đất sạt bờ sông” (Bông cà na quê nhà). Tiến bộ khoa học kĩ thuật đem lại nhiều lợi ích, nhưng con người phải biết dùng nó trong giới hạn cho phép và đôi khi con người cũng cần biết rằng: “Thiên nhiên cân bằng sinh thái trước khi cái ngã con người tự cho mình được quyền thay đổi”.

Võ Diệu Thanh trong truyện Tiếng khóc của trăm năm cũng kể về một người chồng mê cây kim quýt đến nỗi cạy tủ lấy tiền của vợ, bỏ ra mười cây vàng để mua cho được cây kim quýt cổ thụ gần trăm năm tuổi. Bao sương gió không làm cây gục ngã, vậy mà khi về với ông nó lại chết, chỉ vì “Ông đang cầm cây kéo sửa kiểng trong tay. Đầu nghiêng nghiêng nhìn theo từng cái nhánh được cắt ngọt thả xuống đất”. Ông muốn uốn nó ra dáng “Đại bàng vượt bão” mà quên mất rằng cây cối cũng là một sinh thể, cần được sống một cách tự do. Nó đã kêu những tiếng kêu thảng thốt, tuyệt vọng, ông có nghe thấy không? “Dù có lúc người ta đốn nó trụ trơ, xô bật rễ trong mưa, phơi lụi tàn trong nắng, nó vẫn cố dành dụm từng giọt nhựa hiếm hoi để sinh tồn, để đến với ông”. Vậy mà “Ông đã giết nó bằng quá nhiều yêu thương”. Con người hãy nhìn thiên nhiên như chính nó, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên vì nó cũng là một sinh mệnh, cũng mang “Phật tính”.

3.3. Trừ bỏ lòng tham vô độ của con người

Phật giáo cho rằng nguyên nhân của nỗi khổ đó là Tham, Sân, Si. Đặc biệt, lòng tham khiến cho con người trở thành con người khác, cũng như có những hành động làm tổn hại thiên nhiên. Nói như nhà văn Trần Bảo Định trong truyện Thần khẩu hại xác phàm: “Thời hòa bình, không gì ngăn nổi lòng tham và sự ham muốn vô độ của con người. Từ ăn no, mặc ấm; chuyển một cái rẹt qua ăn ngon, mặc sang thì, cái ăn đứng đầu tứ khoái có cơ mang gây biết bao điều hiểm họa”. Vậy nên con người tha hồ tận diệt, đó là con cá Hô ngày càng hiếm vì “Động lòng tham, con người bất chấp nhơn nghĩa, dùng trí tuệ bắt và ăn thịt cá, những mong tăng sinh lực cho mình. Vì vậy, các loài cá Vàm Nao - trong đó có cá Hô “tan đàn xẻ nghé”” (Đời cá Hô); là câu hỏi nhức nhối: “Nói đi nói lại, con còng hiến thân là thức ăn ngon miệng người là, mong được trả cái khẩu nghiệp thời làm ba đía. Con người ăn con còng sướng cái lỗ miệng thì, mong hoán đổi nghiệp gì...Trời!?” (Thần khẩu hại xác phàm); là “Thú vật tu nhiều kiếp thành người. Khi thành người, thì người quay lại ăn tươi, nuốt sống đồng loại cũ của tiền kiếp xưa!” (Đuổi bóng).

Truyện của Nguyễn Trí nói nhiều đến sự “xâm lấn” của con người vào không gian vốn là của thiên nhiên. Con người vào rừng đào vàng, tìm đá quý, trầm hương, tận thu từ rừng và kết cục con người phải gánh lấy nhiều hậu quả nặng nề (truyện Cầm giùm đi, Trầm hương, Tiền rừng...). Vậy nên, họ phải biết trừ bỏ lòng tham của mình, vì “Rừng linh hiển lắm, không nghe ăn của rừng rưng rưng nước mắt sao?(Tiền rừng).

Sự trả giá của Thiện trong truyện ngắn Trên hàm ếch (Võ Diệu Thanh) cũng là lời cảnh tỉnh cho lòng tham con người. Thiện giàu lên từ việc khai thác cát ở bờ sông, biệt thự xe hơi đều đến từ việc mua bán cát với ý nghĩ cho rằng “toàn cát vàng, hút hoài còn hoài, hút nhấp nháy đã đầy sà lan”. Thiện đến vùng đất Cây Dương để bàn bạc về chuyện bồi thường cho người ta khi Ngàn (người làm công) cho anh hút cát bị sạt lở. Câu chuyện kết thúc khi Ngàn vẫn chưa tìm được Thiện, trong khi Thiện vẫn nằm im trên đống cát và chỉ nghe được tiếng Ngàn gọi mình qua điện thoại chứ không biết làm gì. Sự tàn phá vô độ đó của con người đã làm cho họ phải trả giá cho hành động của mình.

Đổi mặt là một truyện thú vị của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Câu chuyện có hơi hướng kì ảo khi một nhân vật ăn thịt chó nhiều nên biến thành chó. “Qua ánh đèn cao áp ban đêm lập lòa, tôi thấy người mình đầy lông, tôi không nói được, tôi tru tréo và toàn thân đầy ứ bản năng dục tình. Không! Không! - tôi gào lên và chính lúc ấy, chút ý thức người còn sót lại trong tôi, khiến tôi phải rụt mình, và trong chớp sáng cuối cùng của đầu óc mụ mị mê cuồng thú tính, tôi bứt chạy, chạy vào trời đêm, chạy trên những lối cỏ mù sương dưới trăng nhàn nhạt. Tiếng tôi tru lên man dại vọng qua những khu vườn, vọng vào những ngôi nhà còn hiu hắt đèn đêm... Có một sự chuyển biến lớn mà tôi không cưỡng được: Tôi đã ở kiếp chó”. Sự hóa thân, đổi kiếp ấy tuy được bọc dưới lớp màn hoang đường nhưng thực sự là một lời nhắc nhở cho con người về sự tôn trọng thế giới tự nhiên.

Trong Kinh Pháp cú, Đức Phật đã dạy:

“Người nhiều lòng tham dục.

Ắt hại mình, hại người.

Khi quả chưa chín muồi.

Người ngu cho là ngọt.

Khi quả báo ác đến.

Đành cam chịu khổ đau”.

Con người nên chăng cần điều chỉnh lại lối sống, bỏ bớt đi sự tham lam vô độ của mình để quay về sống hài hòa với tự nhiên, bởi con người cùng với tự nhiên là mắt xích quan trọng trong vũ trụ này.

4. Kết luận

“Từ quan điểm sinh thái, chính sự kiêu ngạo duy lí của con người trong thời đại “Thượng Đế đã chết” đã đem đến nhiều hệ lụy khủng khiếp” (Nguyễn Đăng Điệp, 2018: tr.7). Những hậu quả về môi trường sống của tự nhiên, của con người đều đến từ những hành động, việc làm do con người đã gây ra. Con người phải hiểu ra rằng: “Đất là mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình” (Bức thư của những thủ lĩnh da đỏ)2. Điều đó cũng giống như quan điểm trong Phật giáo, nói như Thích Nhất Hạnh: “Nếu chúng ta thấy  được rằng chúng ta và các loài sinh vật khác đều có chung một bản thể thì đâu có sự chia cách hay phân biệt, chúng ta sẽ sống chung hòa bình với mọi loài và thiên nhiên”. (Thích Nhất Hạnh, 2010: tr.61)

Để thay đổi một việc gì không phải là điều dễ dàng vì để lại tác động lâu dài nhất đó là tác động đến tình cảm, trí óc con người. Văn học có khả năng làm được và làm rất tốt điều đó. Với những điều đã làm được, tin chắc rằng truyện ngắn Nam Bộ sẽ tiếp tục góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, nhiệt huyết cho những vấn đề môi sinh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Thích Nhuận Đạt (2010). Đạo Phật và Môi trường. TP.HCM, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

- Nguyễn Đăng Điệp (2018). Đô thị, môi trường và nhân tính trong văn học Việt Nam đương đại. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2018, trang 7.

- Trần Bảo Định (2016). Đời bọ hung. TP.HCM, NXB Văn hóa - văn nghệ.

- Trần Bảo Định (2018). Bông trái quê nhà. TP.HCM, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thích Nhất Hạnh (2010). Hướng đi của Đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh. TP.HCM, NXB Phương Đông.

- Giao Hảo (tổng hợp) (2018). “Nhà sư sinh thái”- nỗ lực của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường tại Thái Lan. Báo Giác Ngộ, số 968 ngày 5/10/2018, trang 17,18.

- Đỗ Lan Hiền (2018). Tôn giáo học sinh thái - Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Lý luận chính trị. Truy cập tại: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2361-ton-giao-hoc-sinh-thai-thuc-tien-tren-the-gioi-va-o-viet-namhien-nay.html,ngày truy cập: 15/01/2019)

- Lê Minh Nhựt (2011). Những đám mây bốc cháy. TP.HCM, NXB Văn hóa - văn nghệ.

- Nguyễn Vĩnh Nguyên (2005). Năm mười mười lăm hai mươi. Hà Nội, NXB Hội Nhà văn.

- Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Lưu Oanh (2016). Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái. Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam.

- Nhiều tác giả (2018). Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ. TP.HCM, NXB Văn hóa - văn nghệ.

- Võ Diệu Thanh (2016). Con nước say mèm. TP.HCM, NXB Trẻ.

- Nguyễn Huy Thiệp (2013). Tình yêu, tội ác và trừng phạt. TP.HCM, NXB Trẻ.

- Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017). Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương. Hà Nội, NXB Khoa học xã hội.

- Nguyễn Trí (2014). Bãi vàng, đá quý, trầm hương. TP.HCM, NXB Trẻ.

- Bùi Thanh Truyền (2014). Yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Hà Nội, NXB Văn học - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

- Nguyễn Ngọc Tư (2017, tái bản lần thứ nhất). Khói trời lộng lẫy. TP.HCM, NXB Trẻ.

- Nguyễn Ngọc Tư (2018, tái bản, in lần thứ 41). Cánh đồng bất tận. TP.HCM: NXB Trẻ.

- Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (đồng chủ biên) (2014). Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. TP.HCM, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM.

- Vương Nặc (2003). Âu Mĩ sinh thái văn học. Bắc Kinh xuất bản xã.

 


1. Dẫn theo số liệu trong bài báo Tôn giáo học sinh thái – Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay (Đỗ Lan Hiền, tạp chí Lý luận chính trị, 24/01/2018).

2. Trích trong phần phụ lục sách Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương (Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017, tr.537,538)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6713071