TƯ TƯỞNG THIỀN HỌC
TRONG THƠ CỦA THIỀN SƯ HUYỀN QUANG
NGUYỄN THỊ DUY ĐÔNG
Khi đọc những tác phẩm thơ văn của những tác giả trong thiền phái Trúc Lâm, chúng ta thấy họ phản ánh khá sinh động và hấp dẫn về thế giới bản thể giải thoát cùng với những cảm thức sâu lắng trong tiến trình tu tập giải thoát tâm qua nguyên lý “Duyên sinh vô ngã” của họ, và bản thân họ không chỉ thuần tuý sống trong cửa thiền, họ hoà nhập cuộc sống bụi trần để rồi chứng ngộ với một tâm hồn khai phóng của người đạt đạo. Họ dùng ngòi bút cùng với những ngôn ngữ mang đậm tính chất thơ ca nghệ thuật phổ cập đến bạn đọc và quần chúng. Bài viết này nhắc đến một nhân vật đại diện cùng với những tác phẩm tiêu biểu của ông được chọn để phân tích đó là thiền sư Huyền Quang.
Chủ đề thơ ca của thiền sư Huyền Quang
Thiền sư Huyền Quang (1254-1334,tên thật là Lý Đạo Tái),ông là một thiền sư đồng thời cũng là một nhà thơ, thế nên thơ của ông không chỉ mang đậm hướng tư duy thẩm mỹ về bản thể giải thoát và tinh thần ngộ đạo, mà còn thông qua những ngôn ngữ,giọng điệu chân chất nhưng không kém phần sống động của câu thơ để miêu tả cảnh thiên nhiên hữu tình với hoa lá cỏ cây, tạo nên một bức tranh hiện thực cuộc sống với nhiều gam màu và đường nét lung linh, và để lại dấu ấn tâm linh cho người đọc trong cuộc hành trình tìm về bản lai diện mục.
Trên bình diện tổng thể, những tác phẩm thơ của thiền sư để lại, chúng ta có thể phân thành một số chủ đề như sau:
1. Chủ đề Hoa cúc
Phong cách của thiền sư Huyền Quang không giống với Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông và vị sư tổ thứ hai Pháp Loa, ông yêu thích một nơi thanh tịnh, thế nên ông rất ít đi ra ngoài giảng pháp và xây dựng chùa chiền. Ngoài thời gian giảng pháp tại chùa, ông dành hết thời gian vào việc biên tập kinh sách và đưa tất cả tâm linh nghệ thuật của mình hoà nhập vào niềm đam mê thiên nhiên sông núi, thổi sáo ngắm trăng, những linh cảm này đã tạo nên những vần thơ tuyệt diệu của thiền sư. Trong thơ của thiền sư Huyền Quang, thường xuất hiện hình ảnh và bóng dáng của hoa Cúc. Hoa Cúc không những không khiến cho thiền sư cảm thấy sự cô đơn tĩnh lặng của tuổi già mà ngược lại nó khiến cho thiền sư như được quay về với thời tuổi trẻ thanh xuân tràn đầy sức sống:
Đường nhà Tưởng Hủ thông gieo gió,
Lều ẩn Tây Hồ mai gội sương.
Nghĩa khí khác nhau đành khác cảnh,
Vườn xưa sau trước rộ hoa vàng1.
Những tác giả khác coi Tùng - Trúc - Cúc - Mai là bộ tứ quý tượng trưng cho bậc quân tử, nhưng đối với thiền sư Huyền Quang thì ông chỉ chọn một loại đó là hoa Cúc. Trong con mắt của thiền sư thì hoa Cúc được gửi gắm những ý nghĩa và tượng trưng rất đặc biệt “Xinh tươi mai cũng phải nhường câu”2.
Hoa cúc tượng trưng cho sự thanh cao, là bậc quân tử, quang minh chính đại, vô tư, có trách nhiệm và không chịu đầu hàng trước bất kỳ trở ngại và khó khăn nào, thế nên mới có được sự xuất thế phi thường và nhập thế tích cực:
Quên mình quên hết cuộc tang thương,
Ngồi lặng đìu hưu mát cả giường.
Năm cuối trong rừng không có lịch,
Thấy hoa Cúc nở biết trùng dương.
Khi đọc bài thơ này, chúng ta cảm nhận thấy trong thơ có nhiều tình tiết rất cảm động, lời thơ bình dị nhưng siêu thoát. Từ “quên” là nội dung chính của cả bài thơ, không bị vướng bận vào bất cứ việc gì, đây chính là phương thức sống mang ý nghĩa sống trong thực tại mà không truy tìm về quá khứ và cũng không mộng tưởng gì về tương lai. Không bị gượng ép gò bó với những giới hạn của phép tắc, mà hoà nhập vào không gian bao la của vũ trụ. Phương thức sống và tư duy này chính là dòng tư tưởng của thiền sư Huyền Quang - vị sư tổ đời thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đối với thiền sư, thiền chính là không khí,là sự hít thở hoà nhập vào tiết tấu của cuộc sống, thế nên trong thơ ca cũng hàm chứa sự tinh thâm huyền diệu của thiền học. Phương thức và phong cách ngắm hoa của thiền sư cũng rất đặc biệt “Hoa ở trước sân người trên lầu”3, vốn tưởng người và hoa không có gì liên quan đến nhau, nhưng thiền sư Huyền Quang ở trong một không gian rất là thanh tịnh, “Đốt hương ngồi lặng bỗng quên sầu”4. Vừa ngồi thiền vừa ngắm khói hương toả ra từ bát nhang, đồng thời quên đi hết những gì phiền muộn chứ không phải bị ngây ngất đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa:
Hoa ở trước sân người trên lầu,
Đốt hương ngồi lặng bỗng quên sầu.
Hồn nhiên người vật không canh trạnh,
So với muôn hoa, Cúc đứng đầu.
Thiền sư không những yêu hoa mà còn hết sức trân trọng và nâng niu, coi Hoa như một vật báu. Có lẽ vì thế cho nên thiền sư cười những người không hiểu và không biết trân trọng hoa:
Vẻ đẹp tinh khôi người chẳng hiểu,
Bẻ về cài tóc, đáng cười không?5
Thiền sư từ trong lòng cảm thấy chua sót nhưng không nói ra được thành lời, ông chỉ có thể lặng lẽ quan sát mọi việc đang diễn ra, trong thâm tâm hình như đang trách cứ những người không hiểu về nghệ thuật, không biết về giá trị của Hoa, không nên làm theo sở thích của mình mà làm tổn hại đến sự tự nhiên thuần khiết của tạo hoá. Tư tưởng này có thể cho chúng ta thấy được quan điểm của thiền sư đối với thiên nhiên, vũ trụ và nhân sinh.
Có được một trái tim khoáng đạt cho nên vũ trụ bao la cũng sẽ trở nên nhỏ bé,thiền sư nắm bắt được quy luật của nhân sinh và vận hành nó một cách rất hanh thông. Không chỉ có thế, thiền sư còn chỉ ra cho hậu thế biết được bản chất hư hão và hào nhoáng của vẻ bên ngoài con người, giống như khi mùa xuân tới, trăm hoa đua nở, hương thơm ngào ngạt, cho dù rực rỡ đến mấy thì cũng rất nhanh đến ngày héo khô và lụi tàn, nhưng chỉ có riêng hoa Cúc là lặng lẽ dâng hiến cho con người một vẻ đẹp thanh cao và độc đáo, và thời gian tồn tại của hoa Cúc đều dài hơn so với những loài hoa khác:
Xuân đến trăm hoa đua sắc thắm,
Một thời hương sắc kém chi nhau.
Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng,
Riêng cúc đông ly vẫn đượm màu6.
Khi đọc thơ của thiền sư, chúng ta cảm nhận được cuộc sống tu hành của thiền sư, tất cả được thể hiện qua phương thức sống rất bình dị, Và thơ thiền sư cũng chỉ miêu tả những sự việc rất bình dị, không thiên về lí luận, không phô trương về ngôn ngữ, ngữ điệu thơ dịu dàng, thuần khiết nhưng hàm chứa một ý nghĩa và triết lý thiền sâu sắc.
Thông qua hình tượng hoa Cúc, chúng ta càng thấu hiểu nội tâm cuộc sống và giá trị nhân sinh của thiền sư Huyền Quang. Ông không chỉ là vị sư tổ đời thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, ông còn là một vị thiền sư ngộ đạo và là một nhà thơ nổi tiếng, thơ của ông góp phần làm cho thiền viện Yên Tử tăng thêm sắc mầu, toả ra càng nhiều hương thơm, đồng thời còn là một cống hiến lớn đối với nền văn học Phật giáo nước nhà.
2. Chủ đề thế sự
Thiền sư Huyền Quang, trong đôi mắt của một người học đạo, đối với tình cảnh của bản thân hoặc đối với những sự việc đang diễn ra, thiền sư đều toát lên những tình cảm và lòng cảm thông từ tận đáy lòng mình, ví dụ như khi nhìn thấy một phạm nhân bị bắt giải qua đường, chúng ta lại bắt gặp sự quan tâm và lòng thương cảm của thiền sư dành cho những con người có số phận không may đó:
Chích máu thành thư muốn gửi lời,
Lẻ loi nhạn lạnh,ải mù khơi.
Đêm nay mấy kẻ sầu trăng nhỉ?
Xa cách nhưng lòng chỉ một thôi7.
Đây là một bài thơ miêu tả những người bị coi là phạm nhân, trên con đường xa vời không nhìn thấy đích bị dây xích còng chân và bị giải đi, họ cũng nhớ đến gia đình và người thân của mình, khiến cho nội tâm của họ cảm thấy đau khổ đến cực độ, không có bút mực mà chỉ có “Chích máu thành thư muốn gửi lời” để khi người thân nhận được tin của mình thì sẽ yên tâm và không phải lo lắng gì về mình nữa.
Khi ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, chỉ nhìn thấy “Lẻ loi nhạn lạnh,ải mù khơi”, bản thân là một phạm nhân, sẽ không có ai giúp họ gửi thư về nhà, nếu có, thì ở một nơi hoang vắng, một con đường đi đến cõi chết, không hề có một bóng dáng của người đưa thư mà chỉ có những người đang áp giải mình mà thôi.
Hình bóng của chim Nhạn đơn độc bay trong không trung chính là tâm trạng của người phạm nhân đang bị áp giải trên mặt đất, có điểm không giống nhau là, chim Nhạn tuy cô đơn nhưng vẫn được bay lượn trên bầu trời cao, nhưng người đang bị áp giải dưới mặt đất này không chỉ cô đơn mà còn không có được sự tự do.
Chỉ người có một trái tim yêu thương chúng sanh như thiền sư Huyền Quang, mới thấu hiểu được tâm trạng của người thất thế. Cuộc đời con người thật ngắn ngủi, giầu sang phú quý không vĩnh cửu, nhưng từ trước tới nay, có biết bao nhiêu người vì để có được công danh lợi lộc, được giầu sang phú quý mà tự nguyện bị đẩy vào vòng xoáy không lối thoát đó. Thiền sư Huyền Quang đối với những phạm nhân đó không chỉ cảm thấy họ thật đáng thương và cảm thông với họ, mà còn đối với những người đang tìm đủ mọi cách để được rơi vào vòng xoáy công danh lợi lộc này mà cảm thấy tiếc nuối. Ở trong bài “ Tặng sĩ đồ tử đệ”ông có viết:
Giàu sang đến chậm như mây nổi,
Năm tháng trôi vèo tựa nước sa.
Rừng suối chi bằng về ẩn quách,
Gió thông một sập, chén đầy trà8.
Vinh hoa phú quý không phải là con người từ khi chào đời là đã có, mà là sau khi trưởng thành, là mục tiêu mà con người tìm kiếm. Thông qua nỗ lực lao động và học tập hi vọng một ngày sẽ có được vinh hoa.Sự vinh hoa này đến rất chậm, nhưng chỉ cần gặp phải một cái hạn hoặc một trận ốm, những tài sản của cải này cũng sẽ tiêu tan, bởi vì nó giống như “phù vân” vậy, bởi “mây” khi gặp phải “gió” sẽ tan biến mất không còn gì.
Trên thế gian này tất cả đều là thường hằng không ngừng thay đổi, tất cả đều dẫn đến kết quả là một khi mất đi sẽ dẫn đến sự đau khổ. Nhưng không phải bất kỳ ai đều có thể hiểu rõ được bản chất của nó, thế nên có người dùng cả cuộc đời và tâm huyết của mình để tìm kiếm nó, có biết đâu thời gian trôi đi rất nhanh, đời người thì thật là ngắn ngủi, “Năm tháng trôi vèo tựa nước sa”.
Mấy ai hiểu được bản chất thời gian không đợi người, tài sản không trường tồn cố định, vậy thì “Rừng suối chi bằng về ẩn quách, Gió thông một sập, chén đầy trà”. Thế nên khi được vua Anh Tông cho phép xuất gia đi tu, bỏ hết tất cả danh lợi, thoát khỏi nơi là nguyên nhân nảy sinh những việc trớ trêu trong cuộc sống, đến một nơi rừng sâu núi cao sinh sống cùng với điều kiện vật chất thiếu thốn, tằn tiện. Nhưng ở nơi đây thiền sư Huyền Quang lại cảm thấy được hít thở một bầu không khí trong lành, bên cạnh có âm thanh của dòng suối chảy, làn gió nhẹ thổi qua làm cho lá cây lay động “Sau mưa núi lặng khe trong, êm đềm một giấc rừng phong lặng tờ”. Thiền sư Huyền Quang chợp mắt nghỉ trưa với một giấc nghỉ trưa thật lý tưởng. Có lẽ khi còn làm quan thiền sư cũng có giấc nghỉ trưa, nhưng sẽ không được thư thái, tự do như bây giờ.
Cho nên khi nghỉ trưa tỉnh dậy “Ngoảnh nhìn thế giới bụi mờ”, làm cho thiền sư giật thót mình, sự sợ hãi này là vì ở trong một môi trường hết sức thanh tịnh với một tinh thần hết sức tỉnh táo, nơi đây tâm mới có đủ khả năng nhận thức và hồi tưởng lại tất cả những sự việc trước đây đã từng xảy ra. Khi tỉnh dậy, mở mắt ngoảnh lại nhìn bản thân mình vừa thoát ra từ một xã hội đó mà cảm thấy “như say”vậy. Đây không phải là uống rượu bị say, mà là “độc tố” trong xã hội đó khiến con người chìm sâu không thể tỉnh được, đó là một cảm giác bị rất nhiều độc tố trong đời sống xã hội khiến cho con người bị thôi miên.
3. Chủ đề về tư tưởng thiền học
Đối với người bình thường mà nói, một người từ bỏ cuộc sống ở nơi đô thành phồn vinh, cởi bỏ chiếc áo quan và khoác lên mình chiếc áo sờn cũ, rồi đi lên núi ở là một việc rất là quái dị không thể hiểu được. Bởi vì ai ai cũng muốn sống một cuộc sống sung túc giầu sang, ít ai có thể từ bỏ một địa vị cao sang để đi sống một cuộc sống nghèo khổ như vậy.
Nhưng nếu là đối với những ai chưa từng làm quan thì sẽ không thể hiểu được nỗi khổ của người làm quan, những ai chưa từng vứt bỏ tất cả để đi vào rừng sâu để tu hành thì sẽ không thể hiểu được sự an lạc của người tu.
Một mình sinh sống ở một nơi rừng sâu vách núi cao, chỉ có chim chóc làm bạn, rất ít người qua lại, đây chính là một cơ hội để tĩnh tâm ngồi thiền và suy ngẫm về kinh văn:
Nửa gian nhà đá, bạn cùng mây,
Tấm áo lông thô, lạnh tháng ngày.
Sư khểnh giường thiền, kinh trước án,
Lò tàn than lụi, sáng nào hay9.
Trong thơ cho thấy thiền sư không tham vọng, biết hài lòng với thực tại hiện có, với một phương thức sống đơn giản “Nửa gian nhà đá” có thể che mưa che nắng qua ngày, có những chùm mây che phủ tạo nên một không gian ngập tràn ý thơ. Ở một môi trường như này, cuộc sống của tăng nhân rất là thanh bần, chỉ có “Tấm áo lông thô” nhưng đạo thì không hề bần, thế nên chỉ cần một cái giường nhỏ và mấy quyển kinh sách “Sư khểnh giường thiền,kinh trước án” thế là đủ. Cảnh vật tĩnh lặng, thiền sư đắm chìm vào trong phật pháp thần diệu, tuy “Lò tàn than lụi, sáng nào hay” nhưng thiền sư không cần bận tâm, đây chính là một tinh thần giải thoát thực sự.
Thiền sư đón nhận một cuộc sống thanh bần, không bận tâm lo lắng vào bất cứ việc gì, thậm chí đối với những thanh củi đốt để sưởi ấm thiền sư cũng không để tâm, bởi vì tự bản thân thiền sư đã có đầy đủ tất cả những yếu tố này rồi:
Vườn tược cha ông mặc sức cày,
Quanh vườn xanh mượt mấy ngàn cây.
Ngoài song cành quế chim cưu vắng,
Gió mát triền miên giấc ngủ ngày10.
“Vườn tược của cha ông” và tâm địa của bản thân không có gì khác nhau, chỉ cần đưa Phật pháp ứng dụng vào lĩnh vực canh tác, thì sẽ có một thu hoạch lớn. Con người sinh sống trong xã hội đều phải thông qua lao động để tạo ra của cải vật chất để phục vụ cho cuộc sống, nhưng đối với người xuất gia thì không cần phải lao tâm khổ tứ mưu sinh, chỉ cần một nắm rau rừng, một bát nước suối là đủ sống rồi “Ngoài song cành quế chim cưu vắng, gió mát triền miên giấc ngủ ngày”.
Đối với người bình thường mà nói, một người từ bỏ cuộc sống nơi thành phố phồn vinh để đi lên núi ở, cởi bỏ chiếc áo quan để mặc chiếc áo cũ rách là một việc rất là quái dị không thể hiểu được. Nhưng những ai chưa từng làm quan thì sẽ không thể hiểu được nỗi khổ của người làm quan, những ai chưa từng vứt bỏ tất cả, đi vào rừng sâu để tu hành thì sẽ không thể hiểu được sự an lạc của người tu.
Khói nhạt đồng hoang quê lắm vẻ,
Lầu Nam quán Bắc, xế vừng hồng.
Thơ không thi liệu, xuân không chủ,
Mấy cội hoa sầu nhớ gió Đông11.
Bài thơ này miêu tả cảnh tượng sau giấc ngủ tiêu tư của mùa xuân “Khói nhạt đồng hoang quê lắm vẻ”, nội tâm của thiền sư Huyền Quang trào dâng những suy nghĩ sâu lắng và trầm tĩnh. Tia ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào những nhà lầu, nơi dành cho những lữ khách dừng chân nghỉ ngơi sau chặng đường dài mệt mỏi “Lầu Nam quán Bắc, xế vừng hồng”. Ánh nắng chiều làm nổi bật lên cả một cảnh quan đang hiển hiện trong con mắt của nhà thơ có thêm phần đìu hiu lạc lõng.
Nhà thơ cảm thấy tiếc nuối bởi vì mùa xuân không có chủ, bởi lẽ chính vì không có chủ nên mùa xuân có mang lại cảnh tượng đẹp đến mấy, thoáng một cái là đã chuyển đến một thời khắc giao mùa. Tất cả vạn vật tràn đầy sức sống của cảnh tượng mùa xuân trước đây, bây giờ chỉ còn lại sự quạnh vắng và héo tàn, tất cả đều khô héo trong nháy mắt, và như thế đã kết thúc một đời hoa “Thơ không thi liệu xuân không chủ, mấy cội hoa sầu nhớ gió Đông”, Hoa hình như cũng đang luyến tiếc lúc đầu xuân khi hoa đang chớm nở có gió đông nhè nhẹ thổi, dâng hiến cho con người một thời khắc đẹp nhất của ngày đầu xuân. Đây là một tình cảm và tâm thái của thiền sư dành cho một sự việc trải qua vô thường mà cảm thấy quyến luyến.
Nếu như nói bài thơ miêu tả mùa xuân này để lộ ra sự lãng mạn và tâm tư quyến luyến của thiền sư, thì trong bài thơ viết về mùa thu của thiền sư lại càng đậm nét sự sâu lắng và trầm tĩnh, thể hiện ra một người đang đối diện với một bên là hiện thực của cuộc sống và một bên là đạo mà cảm thấy ưu sầu:
Hơi mát đêm thâu lọt tới mành,
Cây sân xào xạc báo thu thanh.
Bên lều quên bẵng hương vừa tắt,
Lưới bủa vầng trăng mấy khóm cành12.
Bài thơ này được sáng tác vào một đêm tối đầu thu, gió thu lành lạnh nhẹ thổi, khiến cho cành lá lay động “Hơi mát đêm thâu lọt tới mành,cây sân xào xạc báo thu thanh”, thiền sư ngồi trong nhà trúc ưu tư, quá chuyên tâm suy nghĩ về một sự việc thế nên quên bẵng việc thắp hương “Bên lều quên bẵng hương vừa tắt”, ngoài trời ánh trăng đã lên cao toả sáng khắp nơi và xuyên qua từng kẽ lá “Lưới bủa vầng trăng mấy khóm cành”. Cả bài thơ cho ta thấy tâm trạng của thiền sư khi mùa thu tới. Có lẽ đây là bài thơ được sáng tác khi thiền sư xuất gia chưa lâu, bởi vì nó bộc lộ ra thiền sư đối với những sự việc xảy ra vẫn nảy sinh tình cảm và sự quan tâm. Theo một góc độ khác thì chúng ta cũng có thể nhìn nhận một cách đơn giản là thiền sư đang tận hưởng cảnh sắc đầu thu, đắm mình vào trong phong cảnh ấy, quên cả mọi việc ở xung quanh.
4. Chủ đề về phong cảnh thiên nhiên và chùa chiền
Thiền sư Huyền Quang có nhiều bài thơ viết về cảnh thanh tịnh, rời xa trần thế, ý thơ tràn ngập ý thiền, miêu tả cảnh sông nước thiên nhiên và ngữ cảnh vượt qua bức họa tả cảnh tự nhiên bình thường, mà đi sâu vào cảnh giới giải thoát, thể hiện ra việc tu dưỡng Phật học của thiền sư.
Thiền sư tiếp nhận và hấp thụ sự siêu thoát của thiền tông, dùng con mắt của Phật pháp để nhìn nhận thế giới, ở trong một môi trường thanh tịnh và tĩnh tâm để tu tâm dưỡng tính, lĩnh hội pháp lý Phật pháp. Khi sáng tác những tác phẩm thơ sơn thuỷ, thiền sư vận dụng những động tĩnh âm thanh và cảnh quan của thiên nhiên tạo dựng nên một bức tranh sơn thuỷ huyền diệu. Thiền sư nắm bắt được quy luật núi non sông nước của tự nhiên rất là chuẩn xác, qua những ngôn từ tinh xảo và sâu đậm ý thơ để biểu đạt một cách rất linh hoạt và sống động như trong bài thơ “Chơi thuyền”, thiền sư viết:
Lướt gió thuyền con ruổi lít mù,
Non xanh nước biếc ánh trời thu.
Khuất lau sáo nổi vài ba tiếng,
Sương phủ trăng chìm dưới sóng sâu13.
Gió thu, nước thu và ánh trăng thu, là một tổ hợp tạo dựng nên một bức tranh phong cảnh thu tuyệt diệu. Ánh trăng thu dịu dành nho nhã, cộng với những âm luật ngôn từ tinh tế, làm sống động lên nhịp thở của người đang thả hồn vào trong những giấc mơ, rung lên những nốt nhạc mà chỉ có mùa thu mới có được vẻ đẹp của sự tĩnh lặng ấy, ánh trăng toả sáng hài hoà nhẹ nhàng, thiền sư từ từ hoà nhập vào một tâm trạng bình thản và thư thái, tận hưởng bầu không gian huyền diệu của đêm thu. Thiền sư thả mình đắm say trong ánh trăng mông lung và chiếc thuyền nhỏ tự do bơi lượn trên mặt nước, khung cảnh đêm khuya thanh tịnh, bầu trời thu không có mây, núi thanh nước trong, tạo nên một bức thanh sơn thuỷ tuyệt diệu nhiều mầu sắc nhưng không hề chói mắt “Lướt gió thuyền con ruổi lít mù, Non xanh nước biếc ánh trời thu”.
Bầu trời thu thanh cao, thi thoảng có làn gió mát nhè nhẹ thổi, ánh trăng toả sáng dịu dàng, từ xa xa thoang thoảng tiếng sáo “Khuất lau sáo nổi vài ba tiếng”, cùng với sự bay bổng của tiếng sáo làm cho không gian tĩnh lặng bị đánh thức, dòng sông nhỏ trở nên hài hòa, bầu không khí càng trở nên ấm áp, ánh trăng thu thuần khiết xua tan đi những phiền muộn ưu sầu của nhà thơ về những năm tháng đã trải qua, tâm thái dần dần trở nên khoáng đạt. Càng về khuya, mặt nước hồ giống như được dát bạc lấp lánh, cùng với những hạt sương đêm được soi chiếu dưới ánh trăng làm cho càng trở nên lung linh huyền ảo “Sương phủ trăng chìm dưới sóng sâu”, cảnh tượng lúc ẩn lúc hiện giống như tiên cảnh vậy, thiền sư với một tâm trạng mông lung và say sưa đắm chìm trong đó.
Sau khi xuất gia, thiền sư càng có nhiều thời gian hơn để đi cảm nhận và tận hưởng vẻ đẹp và sự kỳ diệu của thiên nhiên. Thiên nhiên với phong cảnh bình dị, thích hợp một tâm trạng chất phác. Ở trong một một môi trường như vậy có thể quay về với bản chất thực và cảm ngộ tự nhiên, bước ra khỏi dòng thơ của cuộc đời, nó phảng phất giống như một tấm gương nhiệm mầu. Nó phản chiếu bản chất đích thực của chính bản thân, để có thể cảm nhận và lĩnh hội được cuộc đời và sự thăng hoa của tâm linh. Thiên nhiên là khoảng không để con người sinh sống, mỗi một tấc đất, một cây cỏ, mỗi một dòng sông và mỗi một cây xanh đều đang bầu bạn với con người. Thiên nhiên là sự vĩnh hằng, cần con người dùng hết tâm huyết để lĩnh hội nó. Hòa mình với thiên nhiên, con người mới có thể thoát khỏi những gì bụi bặm mù mịt và bận rộn của cuộc sống. Ở đây con người mới có thể thoải mái hít thở, thả lỏng tâm hồn, hưởng thụ một niềm vui vô hạn.
Những tác phẩm thơ của thiền sư Huyền Quang, ngoài những bài thơ sơn thủy, thì phong cảnh chùa chiền cũng là nơi mà thiền sư gửi gắm tình cảm và những cảm xúc sâu đậm. Có không ít những bài thơ thiền sư miêu tả những ngôi chùa mà mình đã từng đến, như bài “Đề chùa Đạm Thuỷ” thiền sư viết:
Bên đình Đạm Thuỷ cỏ đua tươi,
Mưa tạnh non quang bóng ngả dài.
Tiện lối xe vua vào vãng Phật,
Thỉnh chuông giúp sãi nhặt hoa rơi14.
Bài thơ miêu tả ngôi chùa Đạm thủy ở kinh đô Thăng Long lúc bấy giờ, xung quanh chùa cây cối xum xuê xanh tươi, hiện ra một phong thái thanh bình của chùa “Bên đình Đạm Thuỷ cỏ đua tươi”. Chùa ở ngay cạnh núi, sau một cơn mưa, ánh nắng chiếu rọi làm cho bóng của núi ngả dài “Mưa tạnh non quang bóng ngả dài”, đặc biệt là vị trí của ngôi chùa về giao thông rất là thuận tiện, cho nên vào những lúc rảnh rỗi nhà vua đi qua cũng đều ghé vào thăm chùa và viếng Phật “Tiện lối xe vua vào vãng Phật”. Nhà vua một mình chuyên tâm bái phật, rồi cùng sư sãi thỉnh chuông và nhặt hoa rơi, cảnh tượng này rất đẹp và hiếm có,và đây cũng chính là cảnh tượng chủ đạo của cả bài thơ “Thỉnh chuông giúp sãi nhặt hoa rơi”. Thông qua hình ảnh này cho chúng ta thấy được sự kính trọng của vua đối với phật pháp, đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa nhà vua và sư sãi, một mối quan hệ không phân biệt tướng và quân, mà là một mối quan hệ bình đẳng, không giai cấp giữa người với người. Trong thơ, thiền sư miêu tả hình tượng nhà vua ấy, không biết là có phải là vua Trần Anh Tông hay là vị vua nào? Cho dù là vị vua nào đi nữa thì cũng đủ để cho chúng ta nhận thấy một điều là tư tưởng bình đẳng của Phật giáo đã ảnh hưởng và phổ biến đến các tầng lớp và toàn dân tộc trong xã hội của cả đất nước vào thời bấy giờ.
Kết luận
Thông qua một số bài thơ tiêu biểu được chọn để phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy được tính chủ đạo trong thơ của thiền sư là được thiết lập trên cơ sở giáo lý Phật giáo, đó là nhận ra đời là bể khổ trầm luân qua nhiều kiếp, và nguyên nhân của sự khổ là lòng tham ái, vì thế nên đoạn diệt với nguyên nhân và thực hành Bát chánh đạo. Cộng với tấm lòng từ bi và đồng cảm của thiền sư dành cho những con người có số phận không may mắn, đặc biệt là thể hiện rất rõ sự ngộ đạo sâu sắc của thiền sư đối với thiền tông Phật pháp.
Biểu hiện trên bề mặt những tác phẩm thơ của thiền sư hạn chế bởi hình thức miêu tả và bày tỏ cảm xúc, nhưng nhìn từ góc độ nội tâm sâu xa thì nó bao hàm tính chất giải thoát của thiền tông. Bởi đối với người ngộ đạo mà nói, cho dù họ làm bất cứ việc gì, nói những gì đều xuất phát từ lòng từ bi hỷ xả, thương sót đồng loại và cả chúng sinh và cùng với mục đích không chỉ để giải thoát cho mình mà còn là giác tha. Vì có được tinh thần này thế nên nó giống như một sợi dây liên kết tất cả những bài thơ của thiền sư lại thành một thể thống nhất.Thông qua trạng thái tinh thần và cảm xúc của thiền sư có thể phản ánh ra hiện thực của thiên nhiên, xã hội và trạng thái biến đổi nội tâm của chính bản thân thiền sư.
Trong những tác phẩm thơ của thiền sư chúng ta thấy ông yêu hoa, quan tâm thế sự cùng với những quan niệm và cách nhìn nhận đối với cuộc đời nhân sinh. Qua đó chúng ta cũng cảm nhận được môi trường và hiện thực xã hội của thiền sư đang sinh sống.
Còn về phương diện tinh thần giải thoát tâm linh của thiền sư thì sao? Những tác phẩm thơ của thiền sư đã bộc lộ một giá trị không nhỏ, đối với một người xuất gia, mục đích lớn nhất là tu hành và được giải thoát, tiếp theo đó là độ hoá chúng sinh. Muốn hoàn thành được mục đích thứ nhất, đầu tiên phải tạo cho mình một môi trường phù hợp để tu hành đó chính là ở ẩn trong rừng sâu, không ham muốn những vinh hoa phú quý, lợi lộc và công danh, người đời có bình phẩm nhận xét gì về mình cũng không quan trọng, chuyên tâm tu hành để có một trái tim thanh tịnh và tu hành thiền định.
Những bài thơ được sáng tác trong thời gian thiền sư ẩn cư sinh sống trong rừng, cho chúng ta thấy được phương pháp tu hành của thiền sư, khách quan mà nói thì đấy là con đường tu hành của thiền phái Trúc Lâm. Hàng ngày người vẫn thông qua thiền định để tu tâm, dùng kinh sách làm tiêu chuẩn để thẩm định sự tiến bộ tâm linh của bản thân, dùng kinh văn để soi sáng trong quá trình thực tiễn tu hành nảy sinh những vấn đề còn nghi hoặc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Mật Thể: “Việt Nam Phật giáo sử lược”, Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1943.
2. Thích Thanh Từ: “Thiền sư Việt Nam”, Nxb. TP HCM, 1993; Thích Thanh Từ: “Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX”, 1992.
3. Thích Phước Sơn (dịch và chú thích): “Tam tổ thực lục”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995.
4. Thích Đức Nghiệp: “Đạo Phật Việt Nam”, Thành hội Phật giáo TPHCM, 1995.
5. Tài liệu Trúc Lâm Yên Tử, Tỉnh Quảng Ninh, 2006.
6. Viện Văn học: “Thơ văn Lý -Trần”, Nxb. khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
7. Nguyễn Lang: “Việt Nam Phật giáo sử luận”, tập 1, Hà Nội, Nxb. Lá Bối, 1997.
8. Ban Phật giáo Việt Nam: “Thiền học đời Trần”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995.
9. Ngô Sĩ Liên: “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004.
1. Thiền sư Huyền Quang “Hoa cúc -I”, Lê Hữu Nhiệm dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 698.
2. Thiền sư Huyền Quang “Hoa cúc -II”, Huệ Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 698.
3. Thiền sư Huyền Quang “Hoa cúc-V”, Huệ Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 698.
4. Thiền sư Huyền Quang “Hoa cúc-V”, Huệ Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 698.
5. Thiền sư Huyền Quang “Hoa cúc-IV”, Băng Thanh dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 698.
6. Thiền sư Huyền Quang “Hoa cúc-VI”, Băng Thanh dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 698.
7. Thiền sư Huyền Quang “Thương tên giặc bị bắt”, Huệ Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 690.
8. Thiền sư Huyền Quang “Tặng sĩ đồ tử đệ”, Huệ Chi dịch,“Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 695.
9. Thiền sư Huyền Quang “Nhà đá”, Huệ Chi dịch,“Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 683.
10. Thiền sư Huyền Quang “Ngủ ngày” Kiều Thu Hoạch dịch,“Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 689.
11. Thiền sư Huyền Quang “Hoạ bài thơ đề trên vách chùa Bảo” Nguyễn Đổng Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 684.
12. Thiền sư Huyền Quang “Thu sớm” Nguyễn Đổng Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 697.
13. Thiền sư Huyền Quang “Chơi thuyền” Huệ Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 692.
14. Thiền sư Huyền Quang “Đề chùa Đạm Thuỷ” Huệ Chi dịch, “Thơ văn Lý Trần” tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 696.
Bình luận bài viết