Thông tin

TỪ VỆT SÁNG THIÊNG, ĐẾN TƯỢNG GÕ MẬT BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM

TỪ VỆT SÁNG THIÊNG,

ĐẾN TƯỢNG GÕ MẬT BỒ TÁT QUAN THẾ ÂM

 

NHUẬN NGHI - HOÀNG VĂN LỄ

  

Gõ mật (Gụ mật) Sindora cochinchinensis H.Baill

 

Một câu chuyện rất có ý nghĩa khi chúng tôi tiếp cận Đại đức Thích Đạo Viên, trụ  trì chùa Phước Lâm, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Nơi đây có tên gọi thông dụng là Xoài Minh Nam, tức dân cư người miền Nam, lưu trú lâu đời từ thuở khai canh lập ấp hàng mấy trăm năm trước. Như nhiều miền quê Nam bộ, xứ này có đủ các đền thờ như đình, miếu và chùa; chùa Phước Lâm là ngôi chùa lâu đời trên đất này.

Vùng đất nầy là trận địa chiến thời chống Mỹ nên bị bom đạn tàn phá, rất nghèo và lạc hậu. Giải phóng miền Nam, đất Xoài Minh Nam mới dần dần phôi phục và phát triển, hiện nay là vùng đất như vàng của Nhơn Trạch đang trên đà phát triển vượt bậc.

Là vị Sư sinh năm 1975, tu tập từ nhỏ đến nay, nét đạo hạnh, oai nghiêm, trẻ, có học nên sư Đạo Viên được dân chúng tromg xã và các xã bạn quý trọng. Đạo tràng được xây dựng từ gần như không đến nay sinh hoạt nghiêm túc, đặc biệt các dịp cúng, lễ các ngày rằm, mồng một, lễ an cư tại chùa. Từ ngôi chùa mái lá, tường che, nay thành một ngôi chùa có tiếng của xã Vĩnh Thanh, rất khang trang, hiện đại. Sư phụ là Hòa thượng Thích Nhật Quang, bậc tu hành nghiêm cẩn, đệ tử Hòa thượng Thích Thanh Từ, nay Đại đức Thích Đạo Viên nối tiếp. Phòng tiếp khách có những ảnh của Hòa thượng Thích Thanh Từ với nụ cười từ ái và ảnh Sư Thích Nhật Quang; chùa Phước Lâm ngày thêm tôn nghiêm, bề thế theo hướng tích cực.

Từ câu chuyện vệt sáng thiêng...

Sư trẻ Thích Đạo Viên nói lại rằng: Sư đã trông thấy nhiều lần, vệt sáng hình ống từ nền đất, lên thân cây gõ mật, vút lên cao vào hư không. Được hỏi thời gian nào trong đêm, Sư đáp vào 19-20 giờ, trong nhiều đêm. Sư nghĩ rằng đây có thể là điềm báo sự linh nghiệm về một hoặc nhiều vị thần trú ngụ tại tàn cây này chia tay với chùa về cõi khác.

Về cây gõ mật quý giá, được dân chúng trong làng truyền rằng đã hàng trăm tuổi, có vị suy tính là trên 200 tuổi, có từ thời lập ấp, mở làng. Tàn cây đã được dân làng tôn kính từ nhiều đời. Chúng ta đều biết, gõ mật là loại gỗ quý của Việt Nam và các nước liền kề như Thái, Campuchia...

Rồi cây gõ mật dần dần lụi tàn (lá úa, gãy cành...) trong hơn 6 năm; bấy giờ chùa xây dựng, nền sân tráng xi măng lót gạch xung quanh cây gõ quý giá này. Sư Đạo Viên nghĩ rằng có lẽ cây 200 tuổi này bị ngộp nên chết dần. Nhiều người lại nghĩ khác, các vị thần đã về trời và đã điềm báo cho Sư trụ trì để sớm ứng dụng thân cây vào tôn tạo danh lam này chăng?

Đến năm 2015, khi thí chủ Lê Văn Thái được Bồ tát báo mộng: tạt tượng Quan Thế Âm trên thân gỗ này; nghiêm túc tiếp thu điềm báo, chùa chủ trương bứng nhổ cây trên 30m chiều cao này, huy động tài lực và thu thập  ý tưởng của Phật tử và các vị cúng dường tịnh tài, trong đó ông Lê Văn Thái cúng dường nhiều nhất. Quyết tâm khắc tượng Bồ tát Quan Thế Âm được Ban Trị sự Phật giáo huyện Nhơn Trạch và chính quyền xã, huyện ủng hộ, đề án được khởi công tiến hành đầu quí II năm 2015.

 

 

... Đến việc điêu khắc tượng Bồ tát Quan Thế Âm

Theo sắp xếp đã có, bên phải chùa nhìn ra đường Hùng Vương đã có tượng Bồ tát Quan Thế Âm (tượng đúc xi măng cốt thép từ năm 1992). Khi bứng cây gõ mật khắc tượng thì đặt tượng ở đâu? Câu hỏi chưa được giải đáp, song việc bứng cây là việc trước tiên.               

Để bứng cây gõ cao trên 30m này, sân chùa trở thành nơi thi công cơ giới. Đào rộng đến 4-5 m cách tâm là gốc cây. Cắt các rễ của cây đã hóa gỗ rất cứng, rễ ăn rộng đến vài chục mét (có rễ xuyên qua đường Hùng Vương đến nhà người dân đối diện chùa). Tiếp đến đục xuyên phía dưới thân để cắt đứt các rễ cái ăn sâu vào lòng đất, đây là việc hệ trọng để có thể bứng cây an toàn hơn, quá trình này rất chú ý cây có thể nghiêng hoặc ngã, phải chăng dây thật chắc chắn đề phòng, nhất là tránh ngã phía tượng Quan Thế Âm đang hiện tồn.

Động tác lo ngại nhất là dùng xe cẩu để bứng. Xe có sức nâng 50 tấn đã không chuyển nổi thân cây, phải cắt bớt ngọn, phải tỉa thêm rễ cái dưới thân... Cuối cùng, xe có sức nâng 75 tấn với sự hỗ trợ của các thiết bị liên quan đã đưa toàn thân rời chỗ đứng, một nguồn nước đậm đặc từ rễ cái trào lên (có nét linh thiêng không diễn giải được). Toàn thân và hệ thống rễ nặng hàng chục tấn được chuyển về vị trí và an vị như chọn lựa từ trước, tới đây thân cây đồ sộ không di chuyển thêm được. Thân cây đã trả lời câu hỏi "đặt tượng ở đâu?” nêu trên. Vị trí rất tương xứng ngay sau lưng tượng đúc đã có từ trước.

Các việc như có thần linh ứng bái lời cầu nguyện nhiều ngày của vị Sư trẻ đầy nhiệt huyết trước đó. Bao nỗi lo đã qua, song đó chỉ là công đoạn đầu của công trình khắc tượng trên toàn thân và rễ cây gõ mật hàng trăm tuổi.

Việc an vị thân cây cơ bản xong, việc chêm chặt thân gắn liền bộ rễ (đường kính 6-8m) trên nền đất được thực hiện, thân cây chỉ có thể nghiêng qua ngã lại để chỉn chu, không thể di chuyển toàn thân được nữa. Việc điêu khắc bắt đầu từ ngày cuối tháng 4-2015.

Đề án khắc tượng Quan Thế Âm được nhiều ý kiến từ giới tu sĩ đến các Phật tử, từ các vị kiến trúc thẩm mỹ đến các nhà cúng dường tịnh tài. Chùa mời nhóm điêu khắc từ Huế vào thi công.

Điều không mong muốn là phải tiếp tục cắt ngọn (hơn 1m) vì phần trên thân lại chẻ thành hai cành lớn, nên chiều cao của tượng (chưa kể bộ rễ) chỉ 5m, do đó tượng như bị thấp (lùn), song không làm mất tư thế của "Bồ tát". Một chi tiết khác là tà áo của "Bồ tát" không đủ rộng và tung bay như nhiều tượng "Bồ tát" thường gặp, đây là kích thước có được của thân cây, không thể và không nên chắp thêm tà áo. Việc này làm cho tượng gọn hơn song chưa thật bao trùm ý tưởng Bồ tát đạo.

Ngoài điêu khắc tượng phần trên thân cây, bộ rễ rắn chắc chìa ra từ thân có nhiều hình dạng và độ lớn nhỏ khác nhau, có rễ đường kính đến 0,4m, có rễ dưới 0,1m. Tất cả đầu rễ được khắc nhiều dạng hình đầu rồng rất đặc sắc; hàm ý loại linh vật đã bái phục "Bồ tát", được "Bồ tát" tỳ lên thân vân du cứu khổ các loài.

Qua 5 tháng thi công, là thời gian rất tâm tư lo ngại của nhiều người, nhất là sư trụ trì của chùa; công trình được hoàn tất: tượng được đặt trong mái che mỹ thuật, kiên cố.

Lễ an vị tượng Bồ tát Quan Thế Âm tổ chức ngày 19-6-2016. Chùa thỉnh mời các chư tăng, chư ni các chùa trong huyện Nhơn Trạch, đồng thời cung thỉnh Ban Trị sự Phật giáo huyện chứng minh. Đạo tràng Phước Lâm cùng rất đông Phật tử (khoảng một ngàn người) về dự;  Chính quyền, đoàn thể xã Vĩnh Thanh và huyện Nhơn Trạch cung nghênh, chia sẻ niềm vui cùng chùa, có phần tự hào về công trình tâm linh này.

Chúng tôi cũng hết sức vui mừng khi biết đã có hàng ngàn người về chiêm bái Bồ tát và giới thiệu nhiều người đến tham quan. Đó cũng là ý nguyện của chúng tôi, rất mong giới thiệu đến quí Phật tử xa gần đến chiêm bái.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6784554