TỤC CÚNG TỔ NGHỀ TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
CỦA NGƯỜI KHMER TỈNH VĨNH LONG
NGUYỄN HUY TUỆ
Người Khmer cúng thần Krung Bôli, Phisnukar trước khi khởi công một công trình.
Ảnh chụp ngày 6/9/2014 tại chùa Chằm Ca, P.8, Thành phố Trà Vinh - LQV
DẪN NHẬP
Trong việc mưu sinh, người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho đến nay vẫn còn bảo lưu nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian của dân tộc mình1. Theo quan điểm của họ, thì Phật pháp mới chỉ giúp họ đạo lý sống làm người, còn trong cuộc sống lao động sản xuất thường ngày, dù muốn hay không họ vẫn phải va chạm với những may rủi, thành công hay thất bại thì cần phải có sự trợ giúp của các lực lượng siêu nhiên. Trong nghề trồng lúa nước, phụ thuộc vào thiên nhiên, nhưng với trình độ nhận thức và kỹ thuật canh tác còn thô sơ, thì việc được hay mất mùa vẫn còn rất bí ẩn, cho nên việc sùng bái, thần linh hóa các thế lực thiên nhiên thần bí không chỉ vì lòng thành tín, mà còn vì nhu cầu nhân sinh.
Ngoài nông nghiệp, người Khmer ở Vĩnh Long còn làm một số nghề thủ công như đan lát, rèn, điêu khắc... Và ở mỗi một nghề, trên bình diện nghề nghiệp, mỗi năm họ thường tổ chức cúng tổ nghề.
Trong Người Việt gốc Miên, Lê Hương có viết về những nghề thủ công của người Khmer, nhưng không đề cập đến tín ngưỡng tổ nghề2. Tuy nhiên trong dân gian, người Khmer ở Vĩnh Long nói riêng và người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tin rằng: Hầu hết các nghề thủ công của họ là do một nhân vật truyền thuyết tên là Pôpit Xnô Ka3 truyền dạy. Trong cộng đồng người Khmer ở Vĩnh Long có cả một truyền thuyết về ông tổ này.
Mỗi nghề có cách cúng tổ nghề bằng những vật cúng và nghi lễ riêng được quy định từ xưa. Ngày cúng tổ của mỗi nghề thường được tổ chức trước lễ Chol Chnam Thmay - lễ mừng năm mới của người Khmer. Những tổ nghề của người Khmer thường có tên gọi chung chung là chư thiên4 (Têvôđa - Trừ nghề xây dựng sẽ trình bày phía dưới), không có tên tuổi cụ thể như tổ nghề của người Việt, người Hoa địa phương.
Việc xây cất
Việc xây cất có từ rất lâu trong lịch sử nhân loại, hầu như tộc người nào cũng có những tín ngưỡng, những nghi thức cúng tế, kiêng kỵ về việc xây dựng từ những công trình dân sinh nhỏ như chuồng trại, đến các công trình dùng để cư ngụ như nhà cửa hay các công trình có tầm vóc như đền đài, cung điện, các công trình tôn giáo như chùa, miếu, thánh địa; nếu người Hoa, người Việt tin vào Lỗ Ban thì người Khmer tin vào thần Krung Bôli và Phisnukar5 qua các câu chuyện dân gian cổ truyền miệng.
Đặc trưng kiến trúc người Khmer biểu hiện rõ nét nhất là trong các ngôi chùa. Khi đến Nam bộ, nhất là miền Tây, người ta thường sẽ bị choáng ngợp trước những công trình đồ sộ, cao vút, nằm lẫn sâu trong những hàng cây cổ thụ sum suê. Nó uy nghi, bề thế, vượt qua cả không gian, thời gian bởi những kiến trúc chùa nơi đây đã tồn tại qua hàng trăm, hàng ngàn năm6.
Nét đẹp chùa Phù Ly (xã Đông Thành, thị xã Bình Minh)
Ảnh: Phước Hòa (7/5/2021)
Các công trình của người Khmer Nam bộ luôn được đánh giá cao bởi giá trị thẩm mỹ cao chính do được quy hoạch bài bản, hệ thống. Ngoài ra, không thể không nhắc đến các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tập tục thờ cúng truyền thống được lưu giữ và bảo tồn cẩn thận qua nhiều thế hệ.
Vishvakarma hay Phisnukar trong văn hóa Hindu giáo
Thần Vishvakarma trong văn hóa Hindu giáo được xem là vị chúa tể của nghệ thuật, vĩ đại và bất tử. Qua các tranh ảnh, tượng thờ trong các ngôi đền của người Bà-la-môn, ông thường được miêu tả như một người đàn ông trung niên, có bốn tay, trên người đeo nhiều trang sức quí giá, điểm đặc biệt dễ nhận thấy nhất là ông thường mang theo một cuốn sách cùng với các dụng cụ thủ công.
Vishvakarma trong điêu khắc và tranh họa người Khmer tỉnh Vĩnh Long
Người Khmer ở đây, khi xây cất thường cúng thần Krung Bôli trước khi cúng thần Phisnukar; việc cúng Bôli nhằm mục đích hồi hướng cho người quá cố; nghi thức cầu an chúng sanh; nghi thức cầu an cho những người trong họ hàng thân tộc; nghi thức cầu an cho quốc gia7, vật tế cho thần Krung Bôli gồm: Thức ăn ngọt một mâm, mặn một mâm, trầu cau, thuốc lá vải vóc một bộ, vật trang trí có lược, gương, dầu thơm, phấn một bộ, nước một hủ nhỏ, mâm vuông làm bằng tàu chuối sáu tấc cạnh. Sau đó, làm một cái mâm tròn nhỏ hơn8 đặt giữa cái mâm lớn đó. Làm bốn cái mâm ba cạnh đặt ngay bốn góc của mâm lớn.
Mâm lễ cúng thần Krung Bôli được đem vào chùa cho các vị Sư đọc kinh chúc phúc cầu bình an,
tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Phước Hòa (30/7/2018)
Để cơm trắng, cơm đỏ, trái cây trong mâm, tất cả được đặt trên một cái bàn có khăn trải bàn và bình bông, có dù che, có dàn ngũ âm được đánh lên để cúng thần Krung Bôli. Đặc biệt, trong khi xây cất nhà mới, người Khmer kiêng cử không cho phụ nữ leo lên nhưng đến khi chuẩn bị dọn vào nhà mới, dưới sự tư vấn của Achar, chủ nhà phải nhờ một số phụ nữ trong phum - sóc, những người có tính nết tốt rước giúp những vật dụng quan trọng: Nước, trầu, vải, chiếu, gối vàng bạc, tiền… đi vào nhà cùng gia chủ.
Bà con xã Loan Mỹ chuẩn bị mâm lễ cúng thần xây dựng Phinuska trước khi động thổ
Ảnh: Phước Hòa (30/7/2018)
Nghi thức cúng tổ nghề xây dựng của bà con Khmer tỉnh Vĩnh Long
Sau khi cúng thần Krung Bôli, gia chủ bắt đầu nghi thức cúng thần xây dựng Phisnukar, đối tượng được cúng tế chính. Người Khmer tin rằng Phisnukar, một vị thần có năng khiếu về xây dựng, người đã thiết kế các cỗ xe bay, vũ khí, lâu đài… cho cõi Trời; và thường gọi ông là Thái tử Phisnukar hay Thái tử Visakama. Ông được xem là vị thần tối cao trong tất cả các thần xây dựng và vì thế người Khmer tôn ngài là tổ nghề xây dựng9.
Tùy theo quy mô công trình, mà người ta có các nghi thức và vật phẩm cúng tế khác nhau. Về cơ bản có 3 cách:
Gia chủ khấn vái trước khi động thổ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long
Ảnh: Phước Hòa (30/7/2018)
Cách 1: Khi xây chính điện hoặc các công trình lớn thường có:
Giàn cúng 5 tầng, các vật để cúng bao gồm: 4 cây bông giấy, 4 lọ nước( nước có xịt dầu thơm), 5 cây nến, 5 cây nhang, 5 chén cốm (chén nhỏ làm bằng giấy), vải trắng 2.5 mét, một ít tiền hay giấy vàng giấy bạc, 2 đầu heo và một dàn nhạc ngũ âm.
Đến lúc cúng, phải lấy hết tất cả các công cụ xây dựng như là cây cưa, búa, bào, đục,… đem để trước giàn cúng. Tất cả thợ chính, thợ phụ phải ngồi trước giàn cúng cùng nhau thỉnh thần Phisnukar, thổ địa đến dùng những cúng vật đó và phù hộ cho mọi việc suôn sẻ. Sau khi khấn vái xong, dàn nhạc ngũ âm được dựng lên.
Cách 2: Khi đóng sửa các tàu lớn thì các vật tế cúng gồm có:
Một giàn cúng thần 3 tầng, 4 cây bông giấy , 4 lọ nước hoa, 5 cây nến, 5 bông hoa (thường hoa vạn thọ), 5 chén giấy cốm nhỏ, 2.5 mét vải trắng, 5 miếng bạc hoặc giấy vàng giấy bạc, hai tấm vải đỏ rộng 5 tấc vuông và được vẽ loại bùa bốn góc và có vẽ chữ: Simbali. Sau đó cột vào mũi tàu và đuôi tàu.
Cách 3: Nếu làm nhà, phải chuẩn bị lễ vật cúng tổ như sau:
Một giàn cúng thần 3 tầng trong đó có: 2 cây bông giấy, 2 lọ nước hoa, 5 cây nến, 5 bông hoa, 5 chén giấy cốm, 2.5 mét vải trắng, giấy vàng giấy bạc. Lấy vải đỏ 5 tấc vuông, vẽ loại bùa bốn góc và treo ở giữa nóc nhà. Sau đó, làm nghi lễ cúng như phần trên.
Ghi chú: Vải vẽ bùa này còn có tên gọi khác như vải thổ địa hay vải Phisnukar.
Về các tỉnh miền Tây Nam bộ, những nơi tập trung đông người Khmer sinh sống,
chúng ta có thể thấy những bức tranh kiếng, vải vẽ hình thần Phinuskar
để thờ cúng trong các gia đình người Khmer.
Việc cúng thần xây dựng Phisnukar là nhằm tránh tai nạn rủi ro, do đó khi chuẩn bị dụng cụ xây dựng xong, phải thực hiện nghi lễ này. Còn việc cúng thần Bôli là khi mọi việc như bào, gọt cơ bản xong và chuẩn bị bắt tay vào việc xây cất đầu tiên10.
KẾT LUẬN
Cúng tổ nghề là một loại hình tín ngưỡng dân gian nhằm tri ân những vị tổ khai sinh ra những nghề thủ công truyền thống, và đó cũng là nét đẹp trong văn hóa người Khmer các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì thế, Nhà nước, các cấp chính quyền cần chung tay hỗ trợ cộng đồng này trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống. Đồng thời cũng tuyên truyền, giáo dục, hạn chế những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan gây lãng phí, tiêu cực trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của cộng đồng, dòng họ, gia đình và cá nhân người Khmer đang sinh sống nơi đây.
1. Arak (thần bảo hộ dòng họ), Neakta (thần bảo hộ), Teevada (các thiên thần chăm sóc thế gian).
2. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Nxb. Thanh Quan, Sài Gòn, tr. 226 - 251.
3. Huỳnh Ngọc Trảng (2002), Truyện dân gian Khmer, tập 1, Nxb. Đồng Nai, tr. 62 - 71.
4. Têvôda: chư thiên, có nguồn gốc từ chữ Devata trong tiếng Sankrit; danh từ được người Khmer sử dụng gọi chung cho các chư thiên, những bán thần, phi giới tính nhưng thường được biểu hiện qua hình ảnh người nữ trong các công trình kiến trúc cổ của họ.
5. Phisnukar (sa. Vishvakarma, pi. Visakama).
6. Chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm), được xây dựng năm 632; Chùa Măng Khol Bô rây, (ấp Đại Thọ, Loan Mỹ, Tam Bình), năm 1060; Chùa Phù Ly (xã Đông Thành, thị xã Bình Minh), năm 1672…
7. Viện Phật học, (PL 2059), Phong tục tập quán Khmer, tr. 44 - Thạch Ngọc Châu dịch.
8. Chú ý: Mâm nhỏ ở giữa dành cho thần Krung Bôli. Còn 4 cái mâm nhỏ dành cho Neak Tà cai quản khu đất đó.
9. Tín ngưỡng thờ thần Vishvakarma trong cộng đồng người Khmer nói chung và người Khmer tĩnh Vĩnh Long nói riêng bắt nguồn từ Hindu giáo. Người Ấn Độ theo đạo Hindu tin rằng thần Vishvakarma là kiến trúc sư của các vị thần và gọi ông bằng nhiều danh xưng khác nhau “Builder of temples”, “God of contruction”…
10. Trong khoảng thời gian xây cất các công trình lớn, người Khmer còn có những kiêng kị riêng. Trong đó có thể kể đến như: Kiêng kị trong việc xây cất nhà có kích thước ra sao, vị trí nào được xây cất, hướng xây cất thế nào… chúng tôi nhận thấy, những hình thức kiêng kị này gần giống như người Kinh trong khu vực tỉnh Vĩnh Long.
Bình luận bài viết