Thông tin

TỤNG KINH PHÁP HOA

TỤNG KINH PHÁP HOA

HOẰNG TÔN

 

Một trong những hoạt động Phật sự có ý nghĩa lớn, được đông đảo Phật tử khắp nơi ủng hộ cũng như sự ra đời và tồn tại lâu năm nhất của Tổ Đình Vạn Đức là “Tụng Kinh Pháp Hoa”.

Sở dĩ tôi cho là có ý nghĩa lớn vì “Kinh Pháp Hoa” đã được Hòa Thượng Viện Chủ chùa Vạn Đức (thượng Trí hạ Tịnh) chọn là bộ kinh đầu tay dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt, khởi đầu cho sự nghiệp dịch kinh có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam (đã được xác lập Kỷ Lục Việt Nam).

“… Tôi khởi sự dịch kinh năm 30 tuổi (1947). Bộ kinh Pháp Hoa được khởi dịch đầu tiên ở chùa Kim Huê (thị trấn Sa Đéc) Đồng Tháp, ngay nơi sanh quán của tôi. Sau đó, tôi dịch tiếp các bộ kinh Tam Bảo, Địa Tạng, Phẩm Phổ Hiền, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết Bàn, Đại Bát Nhã, Phạm Võng, Đại Bửu Tích…”. Và hiện nay, chùa Kim Huê vẫn còn lưu lại ngôi thiền thất mà như thầy Thích Thiện Lâm, Tri sự chùa Kim Huê, tâm sự: “Tôi muốn lưu lại ngôi thiền thất này để làm di tích cho thế hệ sau biết được nơi Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch bộ kinh Pháp Hoa, khởi đầu cho sự nghiệp dịch kinh đồ sộ của vị Cao Tăng này…”

Tôi gặp Thượng tọa Thích Hoằng Tri và được nghe như sau: “…Khoảng năm 1976, gia đình cô Năm Nga muốn cầu an cho họ tộc nên thỉnh chư Tăng Ni đạo tràng Vạn Đức tụng kinh Pháp Hoa tại Tịnh thất Tịnh Ý, gần chùa Vạn Đức. Sau đó, chị Lê Thanh Mai, pháp danh Huệ Ngọc, là chủ tiệm cơm chay Ngọc Duyên (Thủ Đức), thỉnh chư Tăng chùa Vạn Đức tụng kinh Pháp Hoa tại Chánh điện của chùa, và chương trình Phật sự này đã được Thượng tọa Thích Hoằng Thông (nay đã được tấn phong Hòa thượng) đưa vào sinh hoạt chính thức của chùa Vạn Đức, và từ 20 đến 30 người, ở những buổi đầu tiên, phát triển lên khoảng 200 người cho mỗi thời khóa tụng kinh Pháp Hoa...”. Sau đó, do sức khỏe của thầy Hoằng Thông không tốt (mỗi ngày tụng trọn bộ chia làm ba thời khóa, sáng từ 6g đến 8g, tụng hai quyển. Từ 9g đến 11g, tụng hai quyển. Chiều từ 1g30 đến 4g tụng ba quyển còn lại), nên Hòa thượng Hoằng Thông cử thầy Hoằng Tri tiếp tục điều hành chương trình Phật sự này cho đến ngày hôm nay.

Cũng theo lời kể của thầy Hoằng Tri thì: “…Khi ấy chùa Vạn Đức thiếu kinh và kệ nên mỗi lần tụng kinh phải dùng xe kéo để mượn kinh và kệ của những Tịnh thất chung quanh. Cũng có lúc do tình hình kinh tế ảm đạm, Phật tử phải lo toan cho gia đình nên thời khóa tụng kinh Pháp Hoa chỉ còn khoảng 15 người, những Phật tử trụ cột thời ấy như Thanh Mai, Nhất Thành, Diệu Phúc v.v… gồm chin người hạ quyết tâm – “Dù thế nào thì chín người chúng con vẫn có mặt để duy trì chương trình nhiều ý nghĩa này” – Và thời khóa “Tụng Kinh Pháp Hoa” đã được duy trì không hề bị gián đoạn…”.

Và tôi có mặt tại chùa Vạn Đức để ghi lại những hình ảnh cũng như tìm hiểu tâm tư của những Phật tử tham gia thời khóa tụng kinh này.

“…. Tôi đã tham gia tụng kinh Pháp Hoa ở chùa Vạn Đức hơn hai mươi năm, mỗi tháng một lần vào ngày chủ nhật đầu tháng (tính theo Âm lịch). Tôi là đệ tử của Hòa thượng Viện Chủ. Từ đạo tràng này, tôi cũng đã tổ chức những buổi tụng kinh Pháp Hoa ở nhiều nơi khác…”, Phật tử Thanh Khởicho biết như thế. Một nữ Phật tử ngồi bên cạnh bổ sung: “… Tụng kinh Pháp Hoa lâu ngày, mỗi người đều có cách hiểu riêng của mình về bộ kinh này”. Tôi mỉm cười buột miệng: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri”.

Do số lượng Phật tử rất đông, di chuyển từ nhà Tổ lên Chánh điện cũng mất một thời gian khá dài, thầy Tri sự (chủ lễ) đã cùng Phật tử niệm hồng danh “Nam Mô A Mi Đà Phật” để mỗi bước chân là một câu niệm Phật, các Phật tử được sự yêu cầu của Ban Hướng dẫn sắp hàng một để tiến vào Chánh điện, nơi những kệ, kinh, tấm bồ đoàn đã được sắp sẵn ngay hàng thẳng lối…, trong lòng tôi không khỏi thán phục sự tổ chức của chùa, quan tâm đến từng chi tiết dù là rất nhỏ.

Và tôi giật mình khi biết số người dự buổi “Tụng Kinh Pháp Hoa” ngày hôm nay, hơn một ngàn người, ngồi khắp từ trong Chánh điện ra tới những hành lang bên ngoài, từ hành lang trái cũng như phải, trước cũng như sau và cả dưới nhà Tổ. Tuy nhiên, với sự sắp xếp của Ban Hướng dẫn, Ban Trật tự… tất cả đều được tổ chức một cách chu đáo, nề nếp.

Những Phật tử vẫn chăm chú tụng kinh, lúc này họ không quan tâm gì ngoài những hàng chữ trong cuốn kinh Pháp Hoa trước mặt. Tôi hy vọng họ hành trì kinh Pháp Hoa như câu liễn bằng chữ Hán của Hòa thượng Viện Chủ được đắp nổi trước cửa chính giảng đường: “Đại Từ Bi Vi Thất – Nhu Hòa Nhẫn Nhục Y / Chư Pháp Không Vi Tòa – Như Lai Huấn Thị Ư Diệu Pháp” (Lấy từ bi lớn làm nhà – Lấy nhu hòa nhẫn nhục làm áo / Lấy các pháp Không làm tòa – Đức Như Lai đã dạy trong kinh Diệu Pháp).

Và Hòa thượng đã có ý gì khi bên phải (từ ngoài nhìn vào) là câu liễn được trích từ “Chứng Đạo Ca” của Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác:

Bất Kiến Nhất Pháp tắc Như Lai - Phương Đắc Danh Vi Quán Tự Tại – Liễu Tắc Nghiệp Chướng Bổn Lai Không – Vị Liễu Ưng Tu Hoàn Túc Trái;

Và bên trái là câu đối của Ngài:

Trang Nghiêm Vạn Hạnh Thị Bồ Tát – Như Thị Xứng Hiệu Đại Phổ Hiền – Cụ Tắc Phước Huệ Nhậm Vận Viên – Vị Túc Tắc Đương Lịch Kiếp Tu.

Phải chăng những câu đối đặt tại giảng đường, nơi mà trước đây Ngài đã dạy kinh cho Tăng Ni hằng ngày và ngay cửa tăng phòng để các vị ra vào luôn lấy đó làm tâm niệm?

Tôi xin trích ra đây từ cuối tập thứ chín của kinh “Đại Bửu Tích” để biết tâm nguyện của Ngài:

“… Chư pháp hữu thân mến, cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia, tôi có ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là tứ lưu bát nạn, cạm bẫy của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chơn thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại ngửng mặt tự xưng là Tỳ-kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhứt tâm sám hối mười phương pháp giới.

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ-Tát.

Chùa Vạn Đức          
Ngày Trùng Cửu, Năm Kỷ Tị. (08-10-1989)            

Thích Trí Tịnh      
Cẩn Chí            

Thật khiêm cung!

Tiếng tụng kinh của quí Thầy và Phật tử vẫn vang vọng, đều đều…., và tất cả đạo tràng ngày hôm nay sẽ là “…người bạn quyến thuộc thân thiết…” với Hòa thượng, chẳng những trong đời này mà còn: “…mãi mãi những đời sau…” và đây là: “… ý nguyện nhỏ, dầu nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha…” của vị Cao Tăng luôn vì Phật Pháp, vì chúng sinh ở cõi Ta bà này…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6128017