Thông tin

TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN HOÁ

THIỀU CHỬU - NGUYỄN HỮU KHA

 

NGUYỄN ĐÔNG A

 

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày ông qua đời nhưng nhiều người vẫn biểu lộ tình cảm, sự kính trọng và mong muốn tìm hiểu thêm về những cống hiến của Nguyễn Hữu Kha nhân dịp tròn 100 năm ngày sinh của ông (1902 - 2002).

Nguyễn Hữu Kha, hiệu là Thiều Chửu (khi còn trẻ là Tịnh Liễu và Lạc Khổ), quê ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ nay là địa bàn của phường Kim Liên và Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Cha là Nguyễn Hữu Cầu, tục gọi là cụ Cử Đông Tác, tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, hành trạng được ghi trong một chương của sách Danh nhân Hà Nội, tập 2 (Hội Văn Nghệ Hà Nội xuất bản 1976). Nhà nghèo phải lao động từ nhỏ, Thiều Chửu không được đến trường nhưng nhờ trí thông minh và nghị lực, ông đã dần dần có được một căn bản Hán học, vốn kiến thức văn hoá và thông thạo tiếng Anh, Pháp, Nhật. Khi niên thiếu ông đã có thiên hướng về đạo Phật cứu nhân độ thế. Từ năm 18 tuổi ông ngày càng đi sâu vào các giáo lý nhà Phật, tám năm sau bắt đầu dịch kinh và giảng dạy một số lớp học của Tăng Ni. Năm 1930, ông cùng người em họ vay tiền mua một máy in để in thuê, làm thêm việc bán sách vở, nhờ đó vừa tạm đủ sống vừa dần dần in được một số Kinh. Sau khi Hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập cuối năm 1934, ông làm người chủ chốt biên tập báo và quản lý nhà in của Hội (đều mang tên Đuốc Tuệ) và diễn thuyết về Phật học. Đồng thời vẫn tiếp tục 2 việc mà ông hết sức coi trọng là dịch Kinh viết sách và giáo dục Tăng Ni. Ngay cả trong hoàn cảnh rất khó khăn của kháng chiến chống Pháp, ông vẫn kiên trì hai việc đó cho nên đến khi qua đời năm 1954.

Cống hiến lớn của ông, theo như Nguyễn Q Thắng và Nguyễn Bá Thế đã viết trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội 1997, tr 1243) là đã để lại cho đời một sự nghiệp trước tác về Phật học làm giàu cho thư tịch, cũng như văn hoá Việt Nam. Hơn sáu chục tác phẩm gồm 20 sách dịch Kinh nằm trong các bộ Kinh cơ bản của đạo Phật, nhiều sách Phật học và văn hoá khác nhau và bộ Hán Việt tự điển. Nhiều nhà nghiên cứu rất thán phục trước khối lượng trước tác to lớn với chất lượng đáng trân trọng đó.

Bài “Vì nhân duyên gì mà tôi dịch Kinh Kim Cương” (NXB Tôn giáo, Hà Nội, 1999) đã giúp hiểu rõ hơn cái tâm của ông trong học Phật và trước tác. Sau khi nêu sự kém cỏi của mình trong mười mấy năm đầu học kinh đó, ông cho biết đã cố gắng học thêm nhiều năm nữa, qua 6 bản chữ Hán khác nhau, 82 sách chú giải, mãi khi hiểu được thấu đáo mới dám bắt đầu dịch, sợ rằng đã lầm mình lại lầm người nữa. Có thể nói chính tài năng trí tuệ và thái độ nghiêm túc đã làm cho cây bút của Thiều Chửu được đánh giá là rất vững chãi và sâu sắc. Hai đệ tử đã nhiều năm thụ giáo ông và làm ở nhà Nhà in Đuốc Tuệ kể rằng các Hoà thượng Trí Hải, Tố Liên, học giả Nguyễn Văn Tố, cụ Bùi Kỷ... thường đến thăm ông và đều ca ngợi: “Các bản Kinh Phật ra tiếng Việt, hay nhất là của Thiều Chửu”.

Một nét đẹp xuyên suốt và rất quý nữa, cũng là một trong những nguồn sức mạnh tinh thần của ông là ý thức dân tộc mạnh mẽ đi đôi với tinh thần cách tân. Việc bản dịch Kinh được ấn hành đầu tiên của Thiều Chửu là Khoá Hư Lục do một nhà Phật học Việt Nam soạn có thể nói lên những tinh thần đó. Ông cũng là người đầu tiên đã viết: Các bậc thượng đức khắc Kinh chữ Hán đã nhiều lắm, giải nghĩa kinh luận cũng không ít, nhưng vì tính ta kém tự lập về tinh thần nên cứ vùi đầu với chữ Hán. Kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán được thì dịch ra chữ ta cũng được. (Lời tựa Kinh Nhật tụng). Và ông là người Việt Nam đi đầu trong việc dịch nhiều Kinh Phật. Nếu biết rằng cách đây bảy chục năm, các hoạt động tâm linh hầu như chỉ dùng chữ Hán, ta sẽ hiểu ý thức dân tộc và cách tân của ông mạnh như thế nào.   

Cũng do ý thức đó, ông đã sớm cùng một số nhà Phật học đạt tới một quan niệm về hoằng hoá Phật pháp sau này được coi là đúng. Báo Đuốc Tuệ ra đời từ cuối năm 1935 đến năm 1945 đã không ngừng đề cao chính tín, gắng làm sáng tỏ giáo lý đạo Phật, không chỉ như thế, còn phải hoà mình vào quần chúng, đem lợi ích cho dân, trước hết là gắng sức trong điều kiện ngặt nghèo của thời Pháp thuộc, cứu tế cho người đời, xoá nạn mù chữ, nâng cao dân trí, dạy nghề cho thanh thiếu niên nghèo... và chính ông tích cực thực thi điều đó.

Theo 2 nhân chứng, khi nhà in Đuốc Tuệ rời vào địa phận phường Thanh Xuân Trung ngày nay để tránh máy bay đồng minh, nơi ở của ông đã là một cơ sở bí mật tin cậy trong năm 1944 - 1945 của nhà yêu nước Nguyễn Lương Bằng. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ cuối năm 1946, nhà in của ông đã in các bản tin chiếu đấu cho Liên khu 3, Hà Nội, cho tới khi địch tiến gần, phải phá máy chôn con chữ và rút về phía sau. Tiếp đó, suốt 8 năm kháng chiến, dù bao phen phải di chuyển do chiến trận lan tới, nhiều năm ăn sắn khoai cũng không đủ no, ông vẫn kiên trì. Các đệ tử đi theo, ông khuyến khích nhập ngũ chiến đấu, người thì hy sinh, người thì thành cán bộ cao cấp. Cũng chính trong những ngày gian khổ mà hào hùng này, ông đã viết cuốn sách đầy tâm huyết: “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX”, một trong 5 trước tác trong kháng chiến của ông (xuất bản 1952). Theo ông, lập trường của đạo Phật là đúng với cái đích của nhân loại tiến hoá. Nhưng ngày nay nhiều đệ tử của Phật đi sai hẳn nguyên tắc của Phật khiến cho Phật giáo biến thành như một tôn giáo dựa vào điều thần bí... Để cứu vãn, cần phải tổ chức lại Tăng Ni cả nước một cách có hệ thống. Quan trọng nhất là triệt để cải tiến việc giáo dục Tăng Ni, nhằm đào tạo nên các Tăng đồ chân tu thực chứng, gánh nổi trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, và ông đóng khung câu: “Học để thực hành, thực hành cho Phật giáo nhân gian, Học để tu tỉnh, tu tỉnh cho thực chứng được Phật pháp”. Về việc hoằng hoá, ông viết: “Phải lấy quần chúng làm nền tảng, sát cánh với quần chúng, hy sinh tài lực để góp vào việc cải tạo đời sống nhân quần, và ông đóng khung: “Phải tận hiếu với nhân dân, nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai”, đặt ở đầu sách.

Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội đang tái bản một số Kinh do ông dịch, tác phẩm “Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX” cũng sắp được ấn hành.

 


Ghi chú: Bài đăng trên báo Đại Đoàn Kết số 295 ra ngày 21 tháng 4 năm 2002.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 40
    • Số lượt truy cập : 6951831