TƯỞNG NIỆM CỤ THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA
GS. MINH CHI
Học viện PGVN tại TP Hồ Chí Minh
Tôi rất tiếc là vì tuổi tác (trên 83) không thể ra Hà Nội được để dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha mà tôi được hân hạnh quen biết, và vô cùng kính trọng trong những năm 1942 -1946 là những năm tôi ở chùa Quán Sứ để theo học trường Đại học Luật Hà Nội.
Tôi không ở Đông Dương học xá như những sinh viên khác mà ở chùa Quán Sứ, vì lúc bấy giờ tôi đã ăn trường trai, nên ở Đông Dương học xá sẽ rất bất tiện.
Trong đời học Phật của tôi có hai vị cư sĩ gây cho tôi ấn tượng sâu sắc khó quên. một là cụ cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, nhà Phật học lỗi lạc miền Trung, chủ tịch An Nam Phật học Hội kiêm chủ bút tờ Viên Âm. Cụ đã tổ chức ra đoàn Phật học Đức Dục ở Huế mà một số học sinh trường Trung học Khải Định (Huế) và tôi là những đoàn viên đầu tiên. Vị cư sĩ thứ hai là cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, lúc bấy giờ phụ trách chủ biên tờ Đuốc Tuệ đồng thời cũng phụ trách nhà in báo Đuốc Tuệ.
Tuy cụ Tâm Minh Lê Đình Thám và cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đều ăn chay trường như nhau và đều là những nhà Phật học và Nho học uyên bác, nhưng phong cách hai người thì lại khác biệt nhau. Cụ Tâm Minh thì lúc nào cũng vui vẻ tươi cười thoải mái còn cụ Thiều Chửu bao giờ cũng lầm lì, ít nói, mặc quần áo nâu và đi đôi guốc mộc như một bác dân quê.
Phong cách cụ Thiều Chửu tất nhiên khác xa với cụ Tâm Minh Lê Đình Thám là một bác sĩ Tây học, nhưng cũng rất khác xa với các tăng sĩ và cư sĩ mà tôi quen biết lúc bấy giờ ở chùa Quán Sứ. Trong số các tăng sĩ có mặt thời bấy giờ ở chùa Quán Sứ có các cụ Trí Hải, Tuệ Chiếu, Tâm Tịch v.v... (cụ Tâm Tịch hiện nay là Pháp Chủ đương chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cùng với một số tăng sĩ trẻ khác. Trong hàng cư sĩ lui tới thường xuyên ở chùa Quán sứ có các cụ Trần Văn Giáp, công tác tại trường Viễn Đông Bác Cổ, cụ Sở cuồng Lê Dư- nhà báo đồng thời là bậc thâm Nho, cụ Văn Quang Thuỳ - một nhà Phật học từng dịch nhiều kinh Phật từ chữ Hán sang chữ Việt, ngoài ra còn có những vị cư sĩ tuy trình độ Phật học kém hơn nhưng lại rất năng nổ tham gia nhiều công tác Phật sự như bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết trưởng đoàn Thanh niên Phật tử, cụ Bùi Hưng Gia một doanh nghiệp lớn ở Hà nội, ông Thuỵ Ký chủ nhà in Thuỵ Ký v.v...
Có thể nói, phong cách khổ hạnh của cụ Thiều Chửu khác biệt hẳn với các tăng sĩ và cư sĩ nói trên ở chùa Quán Sứ hay là lui tới chùa Quán Sứ. Hình như toàn bộ sự chú ý của cụ Thiều Chửu đều tập trung vào việc nghiên cứu, phiên dịch kinh sách Phật, quản lý tờ báo Đuốc Tuệ và nhà in Đuốc Tuệ. Ngoài ra, hình như cụ không quan tâm đến việc gì khác, mọi việc Phật sự cụ đều làm với thái độ cẩn trọng, nghiêm túc. Những cuốn kinh cụ dịch và in xong, trước khi phát hành cụ đều cho đọc trước điện thờ Phật. Bản thân cụ thì chắp tay lắng nghe rất kính cẩn. Tôi và bạn tôi là anh Ngô Điền, một đoàn viên đoàn Phật học Đức dục, đã từng được dự một buổi đọc kinh như vậy của cụ Thiều Chửu tại chùa Quán Sứ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hôm ấy cụ cho đọc bản dịch kinh Thiện Sinh của cụ (tên kinh này theo tiếng Pali là Singalovada). Anh Ngô Điền tỏ vẻ rất ngạc nhiên về thái độ của cụ: đầu đội khăn đen, mặc áo choàng lễ, đứng im như phỗng, thu mình lại giống như co ro vì lạnh bên cạnh điện thờ, hình như cụ không muốn cho ai thấy mình mặc dù cụ là nhân vật chính, là dịch giả của bản kinh đang được đọc. Tôi có cảm nhận là bất cứ Phật sự gì cụ đều làm với thái độ nghiêm túc thậm chí ít nhiều thiêng liêng. Với việc đọc kinh trước điện thờ Phật hình như cụ muốn cho Phật và Bồ tát chứng giám lòng thành của cụ.
Tất nhiên với một phong cách sống và làm việc như vậy cụ cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha không dễ hoà mình vào sinh hoạt chung ở chùa Quán Sứ, sinh hoạt của tăng sĩ cũng như cư sĩ. Cụ không những ăn chay trường với mâm cơm "không có gì" mà còn chỉ ăn một ngày một bữa trước giờ Ngọ như các sư Nam Tông vậy. Về quần áo, cụ ăn mặc không khác gì người dân quê, quần áo thô, đôi guốc mộc. ăn như thế, cụ làm thế nào hoà mình với các tăng sĩ của chùa thường ăn một ngày ba bữa không kể bữa ăn lót dạ buổi chiều. Mặc quần áo như thế cũng khó hoà mình vào những Phật tử, cư sĩ đến chùa bao giờ cũng quần áo Tây đàng hoàng, thắt nơ hay cà vạt.
Lúc bấy giờ quân đội Nhật đã vào Việt Nam. Trong số các tăng sĩ trẻ ở chùa cũng có người học tiếng Nhật và nói tiếng Nhật, thậm chí tôi còn thấy có cả tăng sĩ đeo súng. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp một vài tăng sĩ Nhật đến chùa làm lễ, hình như họ làm việc cho quân đội Nhật Hoàng. Tôi thấy cụ Thiều Chửu hoàn toàn không quan tâm gì đến tình hình chính trị đang đổi thay xung quanh mình ở chùa cũng như ngoài xã hội. Đôi khi nói chuyện với tôi, cụ tỏ vẻ không hài lòng về một vài vị trong chùa thích làm chính trị nhưng sống có phần buông thả, không tôn trọng giới luật nhà Phật. Cụ Thiều Chửu trong lòng phải bức xúc lắm mới phải nói với tôi như vậy, bởi lẽ tính cụ thường ít nói.
Điều mâu thuẫn là nếp sống của cụ càng giản dị, khiêm tốn trong sáng bao nhiêu thì vị trí và ảnh hưởng của cụ lại càng nổi bật lên bấy nhiêu, không những trong hàng chư tăng và cư sĩ trong chùa mà cả sau này nữa, khi cụ rút ra vùng kháng chiến tiếp tục chăm sóc trẻ con nghèo. Cụ thực hiện đúng phương châm của Lão tử trong Đạo Đức kinh: Bất tranh vi thiên hạ tiên- nghĩa là không tranh đứng trước người khác, nhưng nếp sống giản dị, trong sáng, vốn học uyên bác, tư tưởng cao thượng của cụ khiến cho cụ dù đi đâu làm gì, cụ vẫn là một con người nổi bật hàng đầu. Và đó chính là đầu mối ganh ghét đố kỵ của kẻ xấu, và đó cũng chính là bi kịch cuộc đời của cụ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, một bi kịch chuyển thành thảm kịch!
Sài Gòn, tháng 5 năm 2002
Ghi chú: Bài này đăng đồng thời trên Tạp chí Xưa & Nay số ra tháng 6 năm 2002
Bình luận bài viết