Thông tin

TƯỢNG PHÁP TRONG MỘT NGÔI CHÙA BẮC TÔNG

LƯƠNG THỊ THU

 

 Chánh điện chùa Viên Giác

 

So với một số ngôi chùa khác, chùa Viên Giác là ngôi chùa theo hệ phái Bắc tông hội tụ nhiều tôn tượng Phật, Bồ tát, kể cả các vị theo tín ngưỡng dân gian như: Thần Tài, Thổ Địa, ông Hùm, ông Hà, các vị Hộ pháp thiện thần như: Kim cang Mật tích, Già lam Thánh chúng, Giám trai Sứ giả, Đức ông Cấp Cô Độc (vốn được người Việt quan niệm là thần tài của người Việt Nam)… với mục đích phục vụ niềm tin cho mọi tầng lớp xã hội khi có nhu cầu lễ bái cầu nguyện. Cách bày trí tượng thờ liên quan ít nhiều đến lễ tục dân gian.

Chùa Viên Giác

Chùa Viên Giác tọa lạc tại số 193, đường Bùi Thị Xuân, phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Thích Hồng Tịnh khai sáng. Trước năm 1945, chùa chỉ là một cái am nhỏ. Am có tên là Độc Giác, do hạnh nguyện của Hòa thượng mà có tên gọi đó. Về sau, do nhu cầu tín ngưỡng, năm 1955, ngài đã kiến tạo lại một cách quy mô hơn. Từ đấy, am Độc Giác được đổi thành chùa Viên Giác. Năm 2001, ngôi Tam bảo được trùng hưng lần nữa. So với các chùa khác trong cụm quận Tân Bình, diện tích của chùa chỉ có 1.900 m2.

Chùa thành lập đến nay chỉ có 64 năm, nhưng cách bài trí tôn tượng các điện đường lại mang hình bóng của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Cảnh quan chùa từ năm 2007 đến nay, kiến trúc ban đầu cơ bản vẫn giữ nguyên, nhưng có bổ sung những tiểu tiết trong khuôn viên và đặc biệt là sự linh động uyển chuyển của cách bài trí, hoặc thay đổi vị trí một số tôn tượng, hoặc bổ sung, hoặc làm mới tượng thờ những năm gần đây.

Bày trí tượng thờ

Ngoại trừ điện thờ Giám trai Sứ giả (thường gọi là nhà trù), còn lại hầu hết đều linh động thay đổi cho phù hợp với nhu cầu lễ bái của khách tham quan cũng như Phật tử tu tập tại chùa. Đó là Miếu Tiêu Diện Đại sĩ, kiến trúc ban đầu chưa có, nay ở góc trái từ cổng sơn môn vào, hoặc là mở rộng thêm không gian của điện Tiếp dẫn, nơi mà mỗi đêm phần lớn Phật tử cầu nguyện cho hương linh người thân ký gửi. Nổi bật là hai trụ kinh (Kinh tràng) bằng đá nên gọi là thạch tràng, dựng đối xứng trên khuôn viên hai bên ngôi Tam bảo, bên trái là Tôn Thắng Đà La Ni Bảo Tràng (尊勝陀羅尼寶幢) và bên phải là Đại Bi Tâm Đà La Ni Bảo Tràng (大悲心陀羅尼寶幢). Cả hai được xem như pháp bảo.

Năm 2018, cách bài trí gần đây nhất là tôn tượng Phật A Di Đà cao 3,3 m tính từ tòa sen lên tới đỉnh đầu; tượng Quán Âm Bồ tát và tượng Địa Tạng Bồ tát đều cao 2,6 m, tôn trí dưới sân chùa để Phật tử đến chùa thắp hương cầu nguyện. Đặt trước ba tượng đó một chiếc lư hương lớn bằng đồng có ba chữ nổi bằng Hán tự là Giới Định Tuệ.

Tháng Bảy, ở Phạm âm đường thì bài trí sáu tôn tượng Địa Tạng cỡ trung, đầu trần đặt trước các bàn linh. Có thể nói, tùy thuận tính chất pháp hội mà bài trí để mọi người đến chùa chiêm ngưỡng và lễ bái. Các tôn tượng lớn đều có vị trí cố định trong ngôi già lam này và mỗi một tôn tượng đều hàm chứa triết lý sâu xa.

- Đông đường, Phật tử quen gọi là nhà Tổ, nay thờ các vị cổ Phật và gọi là Cổ Phật đường;

- Tây đường giữ lại nguyên vẹn, Tây đường gọi là điện Giám trai Sứ giả. Trước điện là hai câu đối thờ vị này:

Phật lực vô biên, hỏa thực biến thành pháp thực;

Thần công cự trắc phàm trù tức thị thiên trù.

(佛力無邉火食變成法食, 神功巨測凡厨即是天厨).

Điện này, thờ chính giữa là Ngài Giám trai với tôn hiệu đầy đủ là Giám trai Sứ giả Khẩn Na La Vương, là một vị Thần trong chùa. Vị Giám trai này với nghệ thuật tạc tượng thể hiện xuất tích ở Nam Bộ “cầm búa, bổ củi, nấu cơm” là từ vị Giám trai mặt đen, tay cầm búa mà trong kinh điển đã từng đề cập đến là một vị thần trông nom việc ăn uống cho chúng tăng trong chùa. Vị thần này thường thờ ở nhà bếp, là hiện thân của La hán Tân Đầu Lô Phả La Đọa, còn có nhiều truyền thuyết về vị Giám trai này. Bên cạnh Giám trai có Ngài Tu Đạt Tài Thần và Kiên Lao Địa Thần phò trợ hai bên. Đến năm 2018, các điện, đường có thay đổi vị trí và bổ sung như sau:

- Địa Tạng đường nay là Già Lam Chơn Tể, tôn trí tượng Đức Ông.

- Quán Âm đường nay là Khải Giáo Đại Sư, tôn trí Tu Đạt Tài Thần và Kiên Lao Địa Thần, dân gian quen gọi là Thần tài và Thổ địa.

- Phạm âm đường trước là giảng đường, trên tường có các họa phẩm Bức tranh nhân quả trong Kinh Địa Tạng Thập Vương Biến Tướng. Vào cuối tháng Bảy hàng năm, đều có thiết kế khám thờ Thập điện Diêm Vương, từ điện thứ nhất - Tần Quảng Vương cho đến điện thứ mười - Chuyển Luân Đại Vương1.

Bức tranh nhân quả này còn được dán trên các vách khuôn viên chùa. Lối bài trí này mang tính giáo dục sâu sắc, tất cả đều không ngoài vấn đề nhân quả nghiệp báo, nhằm cảnh tỉnh mọi người nên làm lành lánh dữ, quy hướng về Tam bảo tu hành để mau thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Năm 2019, điện Phạm âm ngộ chùa này là nơi hợp nhất các điện thờ:

- Thứ nhất là Tổ đường, hai bên có câu đối:

“Tổ đạo cao thâm vạn tải trường hưng pháp phái;

Sư truyền yếu chỉ thiên thu vĩnh chấn tông phong”

(祖 道 高 添 萬 載 镸 興 法 派。師 傅 要 旨 千 秋 永 振 宗 風),

Chính giữa là tấm hoành phi Ngũ Diệp Lưu Phương viết thư pháp tiếng Việt. Ý nghĩa là Ngũ Diệp (năm dòng phái): gồm Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn; Lưu Phương là truyền bá rộng rãi để hương giới pháp sẽ được lan tỏa khắp nơi;

- Thứ hai là Địa Tạng đường, đối diện với Tổ đường;

- Thứ ba là linh vị được người thân gửi vào chùa, bố trí hai bên.

Như vậy, trong cùng một khu vực nhưng bốn bên đều thờ: Bồ tát, chư Tổ, hai vị cố trụ trì và nhiều nhất là thờ các hương linh ký gửi. Tổ đường còn bài trí di ảnh của hai vị trụ trì đời thứ nhất là Hòa thượng Thích Hồng Tịnh2 và đời thứ hai là Thượng tọa Thích Minh Phát3.

Tại đây cũng có Long vị thờ chung các vị Tổ từ Tây Thiên, Đông Độ cho đến Tổ Việt Nam thuộc dòng thiền Lâm Tế, Phật tử quen gọi là nhà Tổ.

- Khai sơn đường trước đây, nay đổi tên lại là Cổ Phật đường thờ các vị cổ Phật. Hiện vẫn còn tấm hoành phi Đức Lưu Phương (德 流 芳), có nghĩa là cái đức của gia đình để lại tiếng thơm muôn đời sau.

Tầng trên Phạm âm đường là ngôi chánh điện, bước lên các bậc thang và tạm dừng chân trước Đâu suất nội viện (兜率内院), nhìn vào là đức Di Lặc tôn trí ở Bái đường. Bái đường hay còn gọi là Tiền đường, nơi đây, ở giữa tôn trí Phật Di Lặc với nụ cười hoan hỉ. Tượng được khắc họa theo tư thế Tam đa (Phước - Lộc - Thọ). Đâu suất nội viện là nơi vào buổi tối, Phật tử ngồi trước Bái đường tụng thời kinh tối và nghi thức thí thực từ 18 giờ cho đến 19 giờ 30.

- Vào trong là một lớp cửa “Thập nhị thời thần” là Thần chủ của 12 con giáp cũng là 12 vị thần Ðại Dược Xoa Tướng trong pháp hội Dược Sư được chạm trổ khá công phu và tỉ mỉ. Đó là: Cung Tỳ La đại tướng, Phạt Chiếc La đại tướng, Mê Súy La đại tướng, An Để La đại tướng, Át Nể La đại tướng, San Để La đại tướng, Nhơn Đạt La đại tướng, Ba Di La đại tướng, Ma Hổ La đại tướng, Chiêu Đỗ La đại tướng, Tỳ Yết La đại tướng. Mười hai vị đại tướng này mỗi vị đều có 7.000 Dược xoa làm quyến thuộc hộ trì Phật pháp. Hai vị hộ pháp nghiêm nghị đứng hai bên cửa vào điện Phật là Kim cang Mật tích và Già lam Thánh chúng4 như viên võ tướng một tay gươm, một tay cầm viên ngọc.

Nhìn lên trên là ba tấm hoành phi sơn son thếp vàng với bốn chữ Hương Quang Trang Nghiêm (香光装嚴)5, Liên Giới Từ Hàng (連界慈航)6 và chính giữa là ba chữ Phổ Trí Tôn (菩志尊)7 được tôn trí từ lúc lập chùa cho đến nay.

- Điện Phật còn gọi là chánh điện, nơi bài trí pho đại tượng đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật với tư thế chuyển pháp luân. Bái đường luôn tiếp nhận ánh sáng mặt trời từ bên ngoài soi vào, còn điện Phật bên trong phải luôn nhờ ánh sáng của các chiếc đèn lồng. Ánh sáng dịu mờ tăng thêm vẻ uy nghiêm, làm rõ nét đại hùng của Phật tượng, uy nghi mà từ bi giữa không gian u tịch qua ánh đèn phản chiếu. Đây là pho tượng gỗ to nhất trong chùa, xung quanh thân quang có bảy vị hóa Phật. Hai bên tôn tượng là hai bảo tháp bằng gỗ chạm trổ công phu, bên trái là tháp Hoa Nghiêm Hải Hội (華嚴海會塔) và bên phải là tháp Pháp Hoa Hải Hội (法華海會塔) được bố trí cân xứng.

- Tượng La hán, A la hán là quả vị thứ tư trong bốn quả Thanh văn, chứng được quả này thì không còn sanh tử nữa. Tác giả Trần Hồng Liên trong công trình nghiên cứu Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam (Từ thế kỷ XVII đến 1975) cho biết:

Sự sáng tạo trong kế thừa hệ thống tượng thờ còn được thể hiện qua hình ảnh của 18 vị La hán. Ở Trung Quốc, La hán được thờ tại chùa Cung Trúc, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam là 500 vị, chùa Tây Phương ở miền Bắc Việt Nam thể hiện 16 vị, vốn là những vị tổ ở Ấn Độ. Khi vào Nam Bộ, 18 vị La hán được tạc buổi đầu là 18 vị đại hiền của phái Tịnh độ do đại sư Huệ Viễn sáng lập ở Trung Quốc, nhưng sau đó có sự Việt hóa dần…8.

Nếu ở Đẳng Quan tháp, bên ngoài cẩn hình tượng 18 vị thì tại Chánh điện tôn trí 16 vị La hán được diễn lại tích Đức Phật thuyết kinh A Di Đà, mỗi vị đều có tài năng, mật hạnh khác nhau, bài trí ở hai bên Phật điện.

- Sau lưng Phật điện là điện Tiếp dẫn, nơi đây tôn trí bộ Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí) với các tư thế đầy triết lý. A Di Đà trong tư thế đứng, cũng được gọi là tướng dẫn dắt, tay phải buông xuống làm tư thế giữ nguyên ấn, tay trái gập ở ngực, trong lòng bàn tay cầm đài sen vàng. A Di Đà là dịch âm từ tiếng Phạn, ý nghĩa là Vô Lượng Quang Phật hoặc Vô Lượng Thọ Phật, là giáo chủ của thế giới Tây phương Cực lạc, người ta còn gọi Ngài là “Phật dẫn đường”. Những đại nguyện mà Phật A Di Đà phát ra trong kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà có những ghi chép số lời nguyện khác nhau là hoặc 24, hoặc 36, hoặc 48 lời nguyện.

Hiện nay, Quan Âm Tống Tử, Diên Thọ Địa Tạng cũng được thờ ở điện Tiếp dẫn. Đối diện A Di Đà trước đây là tôn tượng Địa Tạng Vương Bồ tát (地藏王菩 薩), nay thay vào là Bồ tát Chuẩn đề (准提觀音), giỗ kỵ vốn được tiến hành ở đây. Cuối năm 2018, toàn bộ các linh vị được dời xuống Phạm âm đường và thay vào là các tôn tượng 8 vị Bồ tát trong kinh Dược sư: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát (文殊师利菩 薩), Quán Thế Âm Bồ tát (觀世音菩薩), Đắc Đại Thế Bồ tát (得大勢菩薩), Vô Tận Ý Bồ tát (無盡意菩薩), Bảo Đàn Hoa Bồ tát (寶檀華菩薩), Dược Vương Bồ tát (藥 王菩薩), Dược Thượng Bồ tát (藥上菩薩), Di Lặc Bồ tát (彌勒菩薩). Trước mỗi tôn tượng đều có long vị viết bằng chữ Hán.

Tóm lại, chùa Viên Giác từ năm thành lập đến nay chỉ có 64 năm, nhưng cách bài trí tôn tượng các điện đường lại mang hình bóng của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Cảnh quan chùa từ năm 2007 đến năm 2018, kiến trúc ban đầu cơ bản vẫn giữ nguyên, nhưng có bổ sung những tiểu tiết trong khuôn viên và đặc biệt là sự linh động uyển chuyển của cách bài trí, hoặc thay đổi vị trí một số tôn tượng, hoặc bổ sung, hoặc làm mới tượng thờ những năm gần đây. Nhìn chung, cách bài trí của chùa luôn có nhiều sáng tạo khiến cho ai thỉnh thoảng về lại đều không nhận ra cảnh cũ. Mọi sự canh cải đều đáng được trân trọng vì tạo sự dễ dàng cho tín đồ và những ai yêu mến đạo Phật đến tu tập.

Sự hiện diện của các bộ tượng pháp như dẫn dắt mọi người đi vào không gian của nghi lễ.

Ý nghĩa về tượng thờ ở chùa Viên Giác

Tôn tượng vốn là một sắc tướng có sức chi phối tính trang nghiêm của đạo tràng. Mỗi tôn tượng đều có ý nghĩa biểu tượng, nghệ thuật và cách thể hiện. Chẳng hạn như trong pháp hội Địa Tạng, có Bồ tát Địa Tạng (tiếng Phạn: Ksitigarbha Bodhisattva) là một trong bốn vị Bồ tát nổi bật trong kinh điển Đại thừa, Ngài mặc tăng bào, đội mũ tỳ lư, một tay cầm tích trượng, trên đầu tích trượng có bốn khâu, mỗi khâu lại kết vào ba khoen. Bốn và mười hai khoen đều là những pháp số tượng trưng cho giáo lý Phật đà, một tay cầm viên ngọc Như ý (hạt minh châu), biểu thị trí tuệ rộng lớn, soi sáng cõi u minh, khiến cho chúng sanh bị giam cầm trong ngục tối trông thấy ánh sáng được thoát khỏi ngục hình.

Bồ tát thường tùy nguyện ứng hiện vào thế giới Ta bà bằng nhiều hình tướng để hóa độ chúng sanh. Người viết nghĩ rằng nghệ nhân thực hiện các tôn tượng phải am hiểu về công hạnh, hình tướng cũng như sự tu chứng của vị Bồ tát này mới thổi vào đó một tôn tượng sống động. Tôn tượng Địa Tạng an trí cố định, vốn chỉ có hai tượng nhưng đến tháng Bảy, từ khi khóa lễ khai kinh Vu lan, Phạm âm đường đã được bổ sung thêm tượng Bồ tát đầu trần và được đặt trước hai dãy thờ các hương linh ký tự đối diện nhau.

Trên chánh điện thì tôn trí thêm tôn tượng Mục Kiền Liên đứng, mặc y vấn, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm bình bát. Nếu ngài Địa Tạng cầm nơi tay trái là viên ngọc Như ý tượng trưng cho ánh sáng xua tan bóng đêm, còn tay phải cầm tích trượng để mở cửa địa ngục thì ngài Mục Kiền Liên chỉ cầm bình bát, ngụ ý để mang cơm dâng cho mẹ đang thọ khổ ở dưới địa ngục. Ngài không ngồi mà luôn ở thế đứng, như để sẵn sàng đi xuống cõi âm ty dâng bát cơm giúp mẹ no lòng.

Mặc dù các tôn tượng chỉ là hình tướng, nhưng khi lễ bái các tôn tượng sẽ giúp chúng ta định tâm hơn, giảm bớt các tạp niệm ngay trong lúc hành lễ. Thế nhưng tại sao các pho tượng lại có thể thu nhiếp vào trong đó bao tình cảm tư tưởng khác nhau? Đặc biệt là trao gửi vào đó một nguyện ước mà cuộc sống hiện thực khó hoặc không thể thực hiện được!

Trong công trình Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, pháp sư Thánh Nghiêm cho rằng: “Lúc Phật tại thế, Ngài dùng ngôn giáo và thân giáo. Sau khi Phật nhập diệt thì lấy tượng giáo làm trung tâm tín ngưỡng. Phàm khi Phật giáo đã có hình tượng, thì hình tượng Phật có công dụng “hóa thế điệu tục” (giáo hóa thế gian, dẫn dắt người đời), đã thế thì không điều gì là không thuộc phạm vi tượng giáo)9.

Với ý nghĩa này, chúng tôi cho rằng, nếu pháp hội thiếu cách bài trí các tôn tượng vốn xuất xứ từ một số kinh điển Bắc truyền thì sẽ thiếu mất một kiến trúc tâm linh. Bởi nghi lễ thì không thể thiếu lễ bái, lễ bái thì phải có tôn tượng, có tôn tượng thì sẽ định tâm hơn. Chính sự chiêm bái ngẫu tượng sẽ sơ khởi giúp mọi người hướng tâm về một chỗ. Dù trong giây phút, khi ngưỡng vọng lễ bái tôn tượng, vừa có âm thanh của pháp khí, thanh nhạc của khí cụ hòa với tán dương, cùng phẩm vật dâng cúng… thì trong không gian đó, thời gian đó, chúng sanh đã được giải thoát tạm thời cuộc sống vốn chứa đựng nhiều phiền não.

Có thể thông qua hình ảnh các tượng thờ trong pháp hội Dược sư hay pháp hội Địa Tạng, tín đồ Phật tử sẽ cảm nhận vai trò quan trọng của tượng thờ ví như của một loại biến xứ mà các hành giả tu thiền thâm nhập vào nơi tâm.

Đến chùa Viên Giác, chúng ta thử suy tư một chút về các tôn tượng ở điện Tiếp dẫn, ba tôn tượng tam thánh Tây Phương, chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi tại sao trong bộ tam tôn đã có Quán Thế Âm tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu rồi tại sao phía bên trái của Ngài lại có thêm tôn tượng Quan Âm tống tử? Và phía bên phải của Đại Thế Chí là Địa Tạng diên thọ? Phải chăng là hàm ý độ sinh? Phải chăng, trong cuộc sống thường nhật, con người vẫn còn đó những khao khát. Nói đến Địa Tạng chúng ta luôn có ấn tượng về một vị Bồ tát: “Tay cầm châu sáng tròn vành. Dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sanh”. Chính triết lý độ sanh và độ tử này của nhà Phật đã thâm nhập vào quần chúng, đã trở thành tín ngưỡng Địa Tạng bên cạnh tín ngưỡng Quan Âm. Mọi người biết đến những vị này xuất phát từ đạo Phật từ bi, trong lễ hội Phật giáo, hòa trong tín ngưỡng dân gian mà ra.

Bao đời qua, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, tùy thuận theo hoàn cảnh, phương tiện mà tiếp nhận từ dân gian. Đây là cách hành đạo của các tổ sư, trước là hội nhập cùng với nhân dân, kế đến là đưa chánh pháp lồng vào trong những sinh hoạt, nghi lễ để hoằng pháp độ sanh trên tinh thần nhập thế. Cũng vậy, tượng pháp chùa Viên Giác trong các pháp hội cùng với cờ lọng, phan xí, pháp khí, lễ, nhạc, cả đến pháp ngữ cùng ấn, quyết… đó là sự tổng hòa các nghi thức trong quá trình tiếp biến tín ngưỡng bản địa vào trong nghi lễ Phật giáo. Bên cạnh đó, còn có vai trò cộng hưởng của chủ sám, trang nghiêm của toàn thể đạo tràng đủ tạo ra một không gian vừa mang tính chất tâm linh, vừa mang tính chất văn hóa Phật giáo. Đến với pháp hội chùa Viên Giác, mọi người thành kính lễ bái tôn tượng như gửi gắm vào đó nhiều nguyện vọng mà cuộc sống hiện thực chưa có cơ hội thực hiện và chính nghi lễ trong thời khóa như tái hiện một không gian thiêng vốn có trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền.

 


1. Thích Đồng Văn (2011), Bức tranh nhân quả, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 3-155.

2. Hòa thượng Thích Hồng Tịnh (1913-1972 )cố Trụ trì đời thứ nhất, là viên chức thời Pháp thuộc. Sau khi sắp đặt việc nhà, ngài xuất gia học đạo, ngài cất một cái am tranh mà nay đã thành một đạo tràng có kiến trúc trang nghiêm thanh tịnh để Phật tử về tu học. Ngài có trình độ Pháp văn, được Hòa thượng Thích Thiện Hòa mời về Phật học đường Nam Việt giảng dạy cho Tăng sinh, sau đó về Phật học Ni trường Dược sư để giảng dạy Ni sinh. Ngài viên tịch tại chùa Viên Giác, để lại những pháp âm và công hạnh tu tập cho hàng tứ chúng xuất gia và tại gia.

3. Thượng tọa Thích Minh Phát (1956-1996) cố Trụ trì đời thứ hai, cuộc đời và công hạnh của Thầy đã được tỳ kheo Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác và tỳ kheo Thích Quảng Chơn, trị sự tổ đình Ấn Quang, dưới sự cố vấn chỉ đạo của Hòa thượng Thích Lệ Trang thực hiện 3 tập tư liệu về Cuộc đời Thầy Minh Phát, Nhà xuất bản Hồng Đức, được bảo lưu tại chùa Viên Giác để cúng dường nhân lễ Giỗ lần thứ 20 ngày viên tịch và kỉ niệm 61 năm đáo tuế của Thầy.

4. “Già lam thánh chúng” ở đây có nghĩa là thần bảo vệ giữ gìn cho ngôi chùa Phật giáo. Thần Già lam ở miền Bắc gọi là Đức Ông, là hình tượng ông Cấp Cô Độc, một đại phú gia đã bỏ ra nhiều vàng để mua một mảnh vườn của thái tử Kỳ Đà làm Tịnh xá mời Đức Phật đến thuyết pháp. Thế nhưng, ở miền Nam, thần Già lam được cụ thể hóa là Quán Thánh Đế Quân (Các tượng cổ thường làm không có râu, do dân gian quan niệm Quán Thánh Đế Quân đã quy y Phật pháp nên đã cắt bỏ).

5. “Hương quang trang nghiêm”: Kinh Chánh Hợp chép: Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, như nhiễm hương nhơn. Thân hữu hương khí, thử tắc danh viết: “Hương Quang Trang Nghiêm”(香光装嚴). Chẳng cần nhờ phương tiện khác, tự nhiên tâm được khai ngộ, như người thoa hương thơm. Thân có mùi thơm, đây gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.

6. “Liên Giới Từ Hàng” (連界慈航) nói lên hạnh nguyện độ sanh của Phật A Di Đà, chúng sanh ở thế giới cực lạc do hoa sen hóa sanh và Đức Phật A Di Đà vì lòng bi nguyện nên dùng thuyền từ đưa hết tất cả chúng sanh về thế giới cực lạc, chúng sanh nơi ấy chỉ hưởng quả vui, không còn buồn khổ.

7. “Phổ Trí Tôn”(菩志尊) là trí tuệ rộng lớn của chư Phật.

8. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam (Từ thế kỷ XVII đến 1975), (tái bản lần thứ nhất), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.121.

9. Pháp sư Thánh Nghiêm (Thích Tâm Trí dịch - 2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, Cà Mau, tr. 286.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6794761