Thông tin

TƯƠNG QUAN NHO - PHẬT THỜI LÝ

 

VÕ PHƯƠNG LAN*

 

Nói về hệ tư tưởng của một thời kỳ lịch sử. Trước hết, quan trọng nhất phải nói đến cái nguyên lý tinh thần hướng dẫn nền chính trị. Bên cạnh còn có các luồng triết lý, ngành học thuật, các loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác... có ảnh hưởng không chỉ tới nhà cầm quyền, mà còn lưu hành trong giới trí thức hay phổ biến trong tầng lớp bình dân. Tất cả đều để lại dấu ấn lên đời sống chính trị, xã hội, văn hoá, kinh tế... từ đó tạo nên tâm thế chung của cộng đồng thời ấy.

Vương triều Lý là chính quyền ổn định đầu tiên của người Việt sau thế kỉ 10, là thế kỷ độc lập đầu tiên đầy phân tranh cát cứ. Nhiều ý kiến cho rằng Phật giáo đã là quốc giáo, là ý thức hệ chính thống vào thời Lý - Trần. Sự sùng kính hết mức đạo Phật, số lượng chùa chiền, tín đồ và Phật sự, lối sống Phật giáo phổ biến trong dân gian và nơi triều đình hai thời Lý - Trần cho chúng ta cảm quan đó. Có tác giả còn gọi Lý - Trần là thời Quân chủ Phật giáo để phân biệt với các chế độ Quân chủ Nho giáo thời Lê, Nguyễn sau này.

Tuy nhiên đọc các tư liệu lịch sử, xét về toàn cục thì hệ tư tưởng Lý phức tạp, đa chiều hơn như thế nhiều. Bài viết này, chúng tôi chỉ chú tâm vào hai triết lý ảnh hưởng lớn nhất tới xã hội phong kiến Lý nói riêng và Đại Việt nói chung. Đó là Phật giáo và Nho giáo.

I. NHO GIÁO VÀ BỘ MÁY CAI TRỊ  HOA HÁN 

Ngay những triều đại tự chủ đầu tiên, bộ máy nhà nước phong kiến Đại Việt đã được xây dựng dựa trên mô hình nhà nước phong kiến Nho giáo Trung Hoa. Đó là kết quả tất yếu từ ảnh hưởng của nền chính trị, hành chính Trung Hoa qua ngàn năm Bắc thuộc.        

Nền chính trị Hán Đường nghìn năm Bắc thuộc đem lại cho người Việt mô hình quản lý xã hội trình độ cao hơn mô hình Lạc Việt (liên minh bộ lạc Hùng vương). Tầng lớp trên người Việt (gồm các thủ lãnh và các nhân vật trí thức phò tá) đã học hỏi những kiến thức chính trị đó. Ngàn năm, mỗi khi có cơ hội nổi lên giành quyền tự chủ, bộ máy quản lý của người Việt, trừ chính quyền Trưng Trắc ra[1], từ Bà Triệu, Lý Bôn, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền cho đến các họ Đinh, Lê và các triều đại phong kiến Đại Việt về sau đó nữa... đều tổ chức theo mô hình đó trên cấp độ địa phương hay trung ương. Tất nhiên với ít nhiều thay đổi cho hợp với thời thế và hoàn cảnh. Cho nên tư tưởng Nho giáo phải có tác động, ít ra là trong tầng lớp lãnh đạo với tư cách là cơ sở lý luận chính trị xây dựng bộ máy.

Bộ máy quân chủ tập quyền phong kiến Nho giáo Trung Hoa được quy hoạch từ trung ương đến địa phương, bao quát nền kinh tế - chính trị - xã hội của một quốc gia nông nghiệp. Trên cùng là ngôi Thiên tử, nhận mệnh Trời (Thiên mệnh) cai trị thần dân. Bộ máy là Triều đình[2] với cơ cấu Tam Sảnh Lục Bộ. Tập trung quyền lực cao độ, trong điều kiện bình thường, bộ máy cho phép điều hành và kiểm soát một cách hiệu quả từ trung ương xuống đến địa phương.

Ngôi Thiên tử có từ thuyết Thiên mệnh. Nhân sự bộ máy là đội ngũ các nhà Nho được vương triều đào tạo, tuyển lựa, nuôi dưỡng. Thấm nhuần Trung quân, Nho sĩ luôn gắn vận mệnh của mình với vương triều.

Về phương diện quản lý xã hội, rõ ràng so với hình thức Liên minh các bộ lạc Hùng vương buổi đầu hình thành quốc gia dân tộc Việt cổ đã là một bước tiến văn minh lớn. Có thể nói đây là mô hình bộ máy cai trị tốt nhất đối với một quốc gia nông nghiệp phong kiến. Các quốc gia phong kiến Đông Á đều đã áp dụng mô hình này một thời gian dài.

Tuy nhiên tại Đại Việt, trí thức phò tá các chính quyền độc lập Việt đầu tiên (thế kỉ 10) đều là các nhà sư Phật giáo. Không có một khuôn mặt Nho sĩ nào trong các chính quyền mới. Có những nguyên nhân:

Hết Bắc thuộc, Nho học Giao Châu vẫn chưa mạnh đủ (số lượng không nhiều, chủ yếu ở tầng lớp trên) để tạo thành một tầng lớp trí thức có thể gây ảnh hưởng. Nho học xuất phát từ Trung Nguyên, học thuyết Nho coi Hoa Hán là trung tâm. Có thể trong mắt người học Nho, các chính quyền ly khai là không chính thống. Thuyết Trung quân Nho giáo khó cho phép các nhà Nho đi theo các thủ lãnh quân sự nổi lên tự trị tại những vùng phên dậu quanh đế chế Hán Đường. Hơn nữa trong thế kỉ độc lập đầu tiên, Giao Châu đầy biến động, các chính quyền cát cứ lại dễ đỗ vỡ, thay thế nhau nhanh chóng (Ngô Đinh Lê, không một vương triều nào tồn tại quá hai đời vua).

Thực ra, những người có học thức trong khu vực văn hoá Hán đều có thể mang danh hiệu là Trí thức Tam giáo được. Bởi vì bản thân ba triết thuyết đó có sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Việc dịch kinh Phật ra tiếng Hán đã phải sử dụng các thuật ngữ của Đạo giáo; Nho giáo (thời Tống) khi hoàn thiện phần Hình nhi thượng phải mượn nhiều những tư biện siêu hình từ Phật giáo, Đạo giáo; nhiều nhánh phái Đạo giáo phổ biến khắp Trung Hoa là sự kết hợp Đạo giáo với Phật giáo, Đạo giáo với Nho giáo hay thu nhận tư tưởng cả ba giáo ấy... Văn tự bấy giờ là chữ Hán, người học nó đều biết Nho, bởi giáo trình Hán văn đều là sách Nho. Nho Phật Đạo, ba giáo ấy bao gồm hầu đến kiến thức hàn lâm đương thời mà người có học vấn đều tham bác. Cho nên, nói là nhà Nho, nhà Phật hay nhà Đạo là nói về mục tiêu, lý tưởng lựa chọn cho cuộc đời, chứ về kiến thức thì am hiểu cả ba. Bởi nền học vấn đương thời gồm cả ba giáo ấy. Cho nên Khuông Việt Ngô Chân Lưu thời trẻ theo Nho học khi trưởng thành theo Phật. Thiền sư  Đỗ Pháp Thuận khi vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, ông đã khuyên nhà vua giữ thái độ Vô Vi, là khái niệm thuộc tư tưởng Lão Trang. Thiền sư Vạn Hạnh thủa nhỏ học Nho sau theo Phật. Không chỉ khảo cứu kinh luận nhà Phật mà còn đọc khắp Tam giáo. Ông còn hiểu biết về quân sự và đặc biệt còn giỏi sấm ngữ và độn số (Đạo giáo). Những kiến thức đó đã được vận dụng rất hiệu quả trong quá trình tham chính ở hai triều Đinh, Lê và công cuộc tạo dựng vương triều Lý...

Vì là người nhà Phật nên về tư tưởng, đối với chính quyền, các Thiền sư có tư thế độc lập, ứng xử một cách tự do tự tại hơn nhiều so với các nhà Nho. Với họ, nền độc lập non trẻ của nước Việt quan trọng hơn nhiều so với sự tồn vong của một vương triều. Các sự kiện lịch sử cho thấy khi một vương triều nào đó không còn đủ năng lực bảo toàn nền độc lập Việt thì các trí thức Phật giáo không hề lưu luyến mà rời bỏ ngay, tập trung sức lực phụ tá hay gây dựng cho một thế lực hay nhân vật mới đủ khả năng ấy hơn. Rõ ràng ý thức thời đại của thế kỉ X chưa sẵn sàng cho tư tưởng Trung quân Nho giáo tuy bộ máy cai trị đã từ lâu theo khuôn mẫu đó. Và cũng chính do yếu tố linh hoạt, thức thời trong tinh thần nhập thế của các Thiền sư nên họ đã góp phần quan trọng thành tựu nền độc lập Đại Việt buổi ban đầu ở thế kỉ X. Sau có lẽ cũng vì lý tưởng Phật giáo nên những thiền sư đã tham gia vào việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua như Khánh Văn, Vạn Hạnh, Đa Bảo ... khi sự đã thành đã không nhận một chức vụ nào ở triều đình, họ trở về với tôn giáo của mình. Đương nhiên chính quyền vẫn coi trọng và tham bác.

II. TƯƠNG QUAN NHO PHẬT THỜI LÝ

1. Thiết chế văn hoá

Thời Lý, đương nhiên bộ máy cai trị theo mô hình quân chủ phong kiến tập quyền Nho giáo đã được thiết lập. Nhưng nếu xét về việc xây dựng các thiết chế văn hoá thì tình hình lại khác.

Phật giáo đã đưa Lý Thái Tổ lên ngôi. Ngay sau khi dời đô ra Thăng Long, cùng với việc xây dựng kinh thành mới, nhà vua đã cho xây sửa rất nhiều chùa quán ở Thăng Long, phủ Thiên Đức và khắp các địa phương trong nước, ban y phục cho tăng đạo, đúc chuông lớn, độ dân làm sư, sai sứ sang Bắc xin kinh Tạng, cho sao chép, xây nhà Tàng kinh. Chính sử cho thấy những công trình chùa tháp, chuông tượng Phật, Pháp hội, giới đàn, các  Phật sự khác... bằng công quỹ quốc gia, bằng sự cung dưỡng của quan lại quý tộc tiếp diễn liên niên suốt vương triều Lý.

Vì bộ máy là Nho giáo nên những công trình thuộc Nho giáo dần dần cũng được triều đình xây dựng, dù muộn hơn rất nhiều so với phía Phật giáo. Lên ngôi được 10 năm Thái tổ mới cho dựng nhà Thái miếu (thờ phụng tổ tiên vua), 60 năm sau (1070) Thánh tông mới cho dựng Văn miếu để thờ Chu công Khổng Tử, lập Quốc Tử giám giảng dạy Nho giáo. Năm 1075 vua Nhân tông cho mở khoa thi Nho giáo đầu tiên. Các cơ sở thờ tự trong hệ thống triều đình Nho giáo là đàn Xã Tắc (thờ thần đất, thần lúa) làm năm 1048, Vu đàn (đàn cầu mưa) năm 1137, đàn Viên Khâu (thờ trời đất) năm 1154 (nhưng chính sử không ghi lại một lễ tế Giao nào), miếu Phong thần các xứ xây  năm 1189... Những lễ nghi trong khuôn khổ Nho giáo khác như tế Khổng Tử, cày ruộng Tịch điền, tế thần Nông... ghi trong chính sử thưa thớt hơn nhiều so với những pháp hội, giới đàn Phật giáo. Đền thờ Khổng Tử được xây dựng 3 lần dưới triều Lý vào các năm 1070, 1156, 1171. Trong khi số công trình chùa tháp các vua Lý, quý tộc quan lại xây dựng có đến hàng trăm. Các pháp hội, giới đàn nhà Phật nhiều không kể xiết.

Việc quản lý tôn giáo tín ngưỡng từ phía triều đình cụ thể ra sao ngày nay không thật rõ: chỉ biết rằng triều Lý theo chế độ các nhà Đinh Lê đặt phẩm cấp các tăng quan. Sách sử ghi lại các chức Quốc sư, Tăng thống, Tăng lục, Tăng chính. Cơ quan làm việc có Tả nhai, Hữu nhai Tăng Đạo. Năm 1088, vua Lý Nhân tông định đẳng cấp cho các chùa. Các chức Tăng quan theo phẩm cấp trụ trì ở các hạng đại, trung, tiểu danh lam. Mỗi sở danh lam được nhà nước cấp ruộng, điền nô để cày cấy. Số ruộng chùa có diện tích khá lớn. Kinh tế nhà chùa chiếm một tỷ trọng nào đó trong nền kinh tế chung.

2. Nhân sự bộ máy

Thế hệ các Thiền sư tham gia tạo dựng vương triều Lý không tham gia chính quyền. Nhưng việc nhập thế tham chính của giới trí thức Phật giáo vẫn tiếp tục suốt triều Lý.

Thiền uyển tập anh(TUTA), sách kể về hành trạng và truyền thừa của các thiền sư của các dòng thiền Vô Ngôn Thông và Tì ni đa lưu chi, cho thấy hầu hết các thiền sư đều có quan hệ với chính quyền.

Thời Lý còn có Thiền phái Thảo Đường, truyền thừa phần nhiều là vua quan quý tộc, họ là cư sĩ. Trong đó vua Lý Thánh tông là thế hệ đầu tiên, vua Anh tông, Cao tông đều là truyền nhân của dòng này.

Theo sách TUTA, triều đình có các Nhai tăng đạo (Tả Nhai, Hữu Nhai) là nơi làm việc của các cao tăng, đạo sĩ. Phần chép về Quốc sư Viên Thông trong TUTA cho thấy hình ảnh của cơ quan này “Năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 8 (1106 thời vua Nhân tông) vua chọn những bậc hoằng tài trong thiên hạ để bổ vào chỗ khuyết trong Giai tăng đạo, sư (Viên Thông) lại đứng đầu trong kì thi tuyển này. Vua càng cho là lạ, sắp đem trao sư quyền hành chăn dân...” Tăng thống Huệ Sinh cũng đã được thăng chức Tả Nhai đạo Tăng thống thời Lý Thánh tông...

Các cao tăng thường được mời về kinh đô có thể vì nổi danh đạo cao đức trọng nên nhà vua muốn được tiếp xúc để tham cứu Thiền chỉ, hỏi han về thời thế. Hoặc là khi nhà nước có Phật sự cần lo như việc trụ trì các chùa lớn ở kinh đô, chủ trì các pháp hội giới đàn của nhà nước, soạn sửa chỉnh lý kinh sách, nghiên cứu và giảng dạy đạo Phật. Hoặc cũng có khi nước gặp nạn hạn hán, lụt lội, dịch bệnh cần đến các nhà sư cầu đảo hay chữa bệnh, hoặc khi nhà nước tổ chức các lễ tạ ơn, cầu phúc cho cho quốc dân hay hoàng gia...

Mức độ nhập thế tham chính của các thiền sư là rất khác nhau.

Có vị tham gia tích cực vào công việc triều đình, điển hình nhất là trường hợp Quốc sư Viên Thông, từng giảng về sự trị loạn vong hưng trong thiên hạ cho vua Thần tông, lời lẽ không khác gì một Nho thần. Thiền sư trong thời gian tham chính tại triều đình từ đời vua Thần tông sang Anh tông từng giữ các chức: Tả Nhai Tăng lục, Hữu Nhai Tăng thống tri Giáo môn Công sự, Tả Hữu Nhai Tăng thống Nội cung tri Giáo môn Công sự Truyền giảng Tam tạng Văn chương ứng chế Hộ quốc Quốc sư, Tứ tử y Đại sa môn. Vua Thần tông rất mực kính trọng, khi vào triều thiền sư được đứng ngang hàng với Thái tử. Khi vua Thần tông mất, thiền sư “nhận cố mạng phụng di chiếu, chủ trì mọi việc bàn tính phó thác”.

Tư liệu cổ cho thấy: thời Thánh tông, Nhân tông, Thần tông đã có những nhà sư tu Mật tông, liên kết với các nhân vật quý tộc quan lại, dùng pháp thuật cao cường can thiệp vào chính trị cung đình. Sách nhà Phật, các truyền thuyết dân gian thời Lý, và cả chính sử đều có ghi lại những chuyện ly kỳ về sự tham dự của pháp thuật Mật tông vào những thời điểm khủng hoảng nhân sự  kế vị ngai vàng nơi hoàng cung.

Nhưng trong Phật giáo lại cũng có những vị kiên quyết từ chối sự triệu vời của triều đình như thiền sư Trường Nguyên, Huyền Quang,Trí Nhàn ...

Thái độ và mức độ tham chính của các thiền sư là rất khác nhau tuỳ theo cá tính và suy nghĩ của từng người, hoàn toàn không bị ràng buộc. Phần đông, khi xong việc họ đều trở về với việc tu hành vốn là lý tưởng của họ.

Vậy còn giới trí thức Nho giáo thì sao?

Triều Lý, 65 năm đầu tiên hoàn toàn chưa có nền Quốc gia giáo dục Nho giáo nhằm tuyển người cho bộ máy. Thế mà nhân sự  có vẻ như không hề thiếu trong một thời gian dài. Có lẽ ban đầu các vua Lý đã sử dụng các quan văn võ, các trí thức cố vấn của những triều Đinh Lê trước đó. Sau để bổ sung thêm vào đội ngũ thì tuyển mộ những người tài đức trong dân gian. Thời kỳ Phật giáo thịnh hành, chùa Phật không chỉ là nơi tu tập, truyền dạy giáo lý nhà Phật mà còn dạy các tri thức văn hoá xã hội nói chung, trong đó có những kiến thức cần cho người làm chính trị, Lý Công Uẩn chắc chắn không phải là môn sinh duy nhất từ cửa chùa. Phật giáo, một thời gian rất dài đã giữ vai trò giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cao cấp cho xã hội.

Bên cạnh đó, hoàng gia quý tộc Lý cũng tham gia nhiều vào việc quản lý nhà nước: Các hoàng tử được phong tước vương, trấn giữ đất đai và cầm quân đánh dẹp, việc mà bản thân các vua Lý cũng thân chinh nhiều lần. Các công chúa coi việc trưng thu thuế má. Các vua cũng tự mình chăm lo nền nông nghiệp, thường xuyên đi xem cày ruộng, gặt hái...

Phải qua hơn 60 năm tồn tại mới xuất hiện các yếu tố đầu tiên tạo nên tầng lớp Nho sĩ ở cấp nhà nước. Điều này là tất yếu bởi cơ cấu hành chính đã là Nho giáo thì các vua Thiên tử trước sau cũng phải tính đến nhân sự chuyên nghiệp cho việc điều hành bộ máy đó. Thêm nữa, sự tận tuỵ gắn bó suốt đời, lòng trung thành tuyệt đối với vương triều theo tinh thần Nho giáo cũng quan trọng không kém. Chuyên nghiệp và trung thành tuyệt đối, hai yếu tố đó không thể có ở Phật giáo. Vì lý tưởng tối hậu của Phật là giác ngộ giải thoát, là xuất thế Niết bàn. Phật giáo hoàn toàn không phải là triết lý dành cho kinh bang tế thế, cho việc điều hành quản lý quốc gia. Nhiệm vụ này thuộc về Nho giáo. Các nhà sư Phật giáo đều phải dùng kiến thức Nho học mà tham chính và họ cũng sẵn sàng rời bỏ khi thấy không cần thiết nữa.

Cho nên dù sùng bái Phật, Lý Thánh tông, đệ tử thế hệ thứ nhất của Thiền phái Thảo Đường đã cho xây Văn miếu thờ Khổng tử và lập Quốc Tử giám giảng dạy Nho giáo năm 1070. Vợ ông là bà Ỷ Lan, con ông là Nhân tông là những người đầu tiên mở khoa thi Nho giáo vào các năm 1075, 1086.

Nói về sự bền vững của vương triều thì phải nói tới vụ Loạn Tam vương năm Mậu Thìn (1028), ngay sau khi Thái tổ Công Uẩn băng hà. Đó là dư âm chưa dứt được của xu hướng phân tranh cát cứ từ thế kỉ 10.

Chưa có một tầng lớp Nho sĩ có thể gắn bó, phò tá với lòng trung thành tuyệt đối. Lại không thể hoàn toàn trông cậy vào lòng trung nơi Phật giáo, nên tại chính thời điểm chuyển giao quyền lực Lý sang thế hệ thứ hai, trước âm mưu tranh đoạt ngai vàng giữa các hoàng tử, mà nguy cơ là đất nước có thể quay lại tình trạng nội chiến thời Đinh Lê, vương triều Lý đã phải nhờ cậy vào quyền uy thần linh Cổ Việt. Thần Đồng Cổ (Trống đồng) của thời văn hoá Đông Sơn Cổ Việt đã được phong, trở thành Thiên hạ Minh chủ thần, làm chủ đàn trong Hội thề cực kì long trọng, lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết!”. Hội thề cấp quốc gia được tổ chức hàng năm, uy nghiêm cờ xí, giáo gươm, cắt máu ăn thề, ai không tham gia sẽ bị phạt tội. Đó là dùng quyền uy thần linh Việt cổ để ràng buộc lòng trung thành của quý tộc, tướng lĩnh, quan lại. Từ sau Loạn Tam vương, thần Đồng Cổ đã trở thành vị Thần Bảo hộ vương triều Lý. Hội thề thực tế đã tồn tại suốt thời Lý, sang vương triều Trần và cả đầu thời Lê.

3. Con đường của Nho học và khoa cử thời Lý

Nho giáo và Nho sĩ thời Lý trải nhiều thăng trầm.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (TT) ghi lại những sự kiện đầu tiên:

Canh Tuất, Thần Vũ năm thứ hai (1070)... mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng tử đến học ở đây.

Ất Mão - Thái Ninh năm thứ tư (1075) Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh Kinh Bác Học và Nho học Tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.

Bính Dần - Quảng Hựu năm thứ nhất (1086)... Mùa thu, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn Lâm Viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn Lâm học sĩ.

Về sự hình thành và phát triển của tầng lớp Nho sĩ thời Lý không thể không nói đến Lê Văn Thịnh, người mở đầu nền khoa bảng Nho học Đại Việt. Cuộc đời và hành trạng của ông để lại nhiều nghi vấn và tranh cãi, mà đến nay vẫn còn chưa sáng tỏ. Sách TT ghi: “Bính Tý - Hội Phong năm thứ 5 (1096) Mùa xuân, tháng hai, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát, mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt nói: Việc nguy rồi! Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp.

Trước đây Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.

Lê Văn Thịnh, ngay sau khi đỗ đã được tuyển vào giảng học cho vua (Nhân tông mới hơn 10 tuổi). Năm 1084 ông giữ chức Thị lang bộ Binh, được cử sang trại Vĩnh Bình thương nghị với sứ bộ nhà Tống về cương giới. Do tài ngoại giao khôn khéo, ông đã khiến cho nhà Tống trả lại cho ta sáu huyện Bảo Lạc và sáu động Túc Lang. Năm 1085 ông được gia phong Thái sư. Ông giữ chức Tể Tướng trong 12 năm cho đến sự kiện năm Bính Tý 1096.

Sự vụ này các sách sử đều có ghi, tinh thần nhận định chung của các sử gia phong kiến đều cho là ông đã mưu phản, tuy chi tiết sự kiện có ít nhiều khác nhau ở các sách khác nhau. Hậu quả, vị Tể tướng khoa cử Nho học đầu tiên bị cách chức và phải đi đày ở trại Thao Giang.

Tư liệu cho thấy Lê Văn Thịnh là người thực tài, được trọng dụng, có công lao và thăng tiến nhanh. Sau hơn 20 năm tham chính, ông đã nắm giữ chức vụ trọng yếu (Tể tướng). Đọc kỹ sự kiện xảy ra vào năm 1096 ta thấy nó giống như một huyền thoại chứ không phải là việc có thật. Rất mờ mịt và hoang đường. Vậy thực sự chuyện gì đã xảy ra lúc đó?

Các học giả sau này có những ức đoán khác nhau. Nhiều người cho rằng Lê Văn Thịnh tuy là nhà Nho nhưng lại mượn phép thuật của nhà Phật mưu phản. Người lại cho rằng có thể đây là tấn kịch được dựng lên nhằm mục đích đánh đổ uy thế của giới Nho sĩ. Lại có ý kiến cho đó là cuộc xung đột tay ba giữa Nho giáo - Đạo giáo - Phật giáo. Có tác giả đã viết về vụ án: “Đường lối chính trị của ông (Lê Văn Thịnh) đã gặp phải sức chống đối có thế lực rất mạnh dẫn đến việc ông bị khép tội mưu phản.”...

Điều chắc chắc là đã có sự tranh đoạt giữa các thế lực khác nhau trên trường chính trị Lý. Hãy xem xét những gì xảy ra tiếp theo sự kiện năm Bính Tý 1096:

Ngoài hai khoa thi năm 1075, 1086 đã nói trên, triều Lý còn tổ chức thêm 4 khoa thi Nho học khác vào các năm 1152, 1165, 1185, 1193.

Hãy chú ý hai khoa thi quốc gia Nho học thứ hai (vào năm 1086) và thứ ba (năm 1152): chúng cách xa nhau tới 67 năm, suốt từ cuối thế kỉ 11 cho đến hết nửa đầu thế kỉ 12. Nếu tính từ sự kiện năm 1096 thì có đến 57 năm sau  không khoa cử cấp triều đình. Một khoảng trống rất dài, dài một cách không bình thường, trải đến ba đời vua Lý: Nhân tông, Thần tông và Anh tông. Cho thấy rõ ràng sự vụ Văn Thịnh là rất nghiêm trọng, đã để lại ảnh hưởng nặng nề cho nền Nho học thời Lý.

Sử liệu còn cho biết: triều Lý, đền thờ Khổng Tử được xây dựng ba lần  vào các năm 1070, 1156, 1171. Hai lần xây cất miếu Khổng tử vào các năm 1070 và 1156 cách nhau đến 87 năm. Như vậy có thể ức đoán rằng miếu thờ  đức Khổng tử đã bị bỏ không ít ra cũng đến nửa thế kỉ, khớp (một cách logich) với thời gian khoa cử gián đoạn 1086 - 1152. Như vậy, giáo dục khoa cử Nho giáo cùng lễ thờ cúng Khổng tử đã bị triều đình Lý lơ là sau vụ Lê Văn Thịnh là có thực. Mãi cho đến thập nên 50 của thế kỉ 12, Nho học mới quay trở lại, đền thờ Khổng tử cũ bấy giờ chắc đã đổ nát, được xây lại theo yêu cầu của Nho thần Tô Hiến Thành.

Triều Lý kéo dài 216 năm, tổ chức được 6 khoa thi Nho học với những tên gọi khác nhau, số lấy đỗ được được biết có 22 người. Một triều đại phong kiến dài hơn hai thế kỉ mà số lượng khoa cử Nho giáo chỉ là như vậy quả là rất khiêm tốn.

Tuy nhiên sách sử lại cho thấy, trong triều không vắng bóng các Nho thần. Giới quan lại cao cấp chuyên nghiệp, những người thực sự điều hành nền chính trị Lý như các ông Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lê Bá Ngọc, Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Lý Công Tín, Trần Trung Tá... đều mang tư tưởng, đều có phong cách và hành xử  như những nhà Nho chân chính. Họ đều là những người mang tư tưởng Nho. Trong khi các thiền sư tham chính tuy cũng có số làm cố vấn chính sự, nhưng chủ yếu vẫn là tham gia Phật sự triều đình hay hoạt động trong các lãnh vực giáo dục, văn hoá...

Năm 1195, dưới triều vua Lý Cao Tông, khoa thi Tam giáo được tổ chức lần đầu tiên. Có tác giả nhìn thấy ở đây một bước lùi của Phật giáo trên trường chính trị, đã bị đặt ngang hàng với Nho giáo và Lão giáo: Người nhà Phật muốn có danh hiệu để hành nghề hay được tuyển làm quan phải là người có thực học và phải chịu sự sát hạch chính thức từ phía triều đình.

Nho giáo tới đây đã có cơ hội hồi phục và phát triển. Tuy nhiên lại trùng với thời điểm vương triều Lý đang trên đà suy tàn, thời kì khủng hoảng và suy vong của một triều đại đã bắt đầu. Hai lực lượng, Nho và Phật phải đợi đến vương triều Trần lên mới có cơ phát triển trở lại trên trường chính trị.

III. VỀ HỆ TƯ TƯỞNG LÝ VÀ NHÂN VẬT TỪ ĐẠO HẠNH 

Vị vua thứ nhất của vương triều Lý từ ngôi chùa Phật bước lên ngai vàng, vị vua cuối cùng bỏ ngai vàng đi tu và mất trong chùa. Thời Lý Trần, Phật giáo đã là tôn giáo của các bậc Thiên tử, đương nhiên Phật giáo được triều đình bảo hộ, được dân chúng sùng mộ, ảnh hưởng tư tưởng sâu rộng vô cùng. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật”. Các vua Lý đều là Phật tử, phong cách cai trị của họ mang đậm dấu ấn Từ bi nhà Phật, đều nhân từ, đều có lòng thương xót người dân. Bài Việt giám thông khảo tổng luận mang tính tổng kết lịch sử, mở đầu bộ Đại Việt sử ký toàn thư do tiến sĩ Lê Tung[3] soạn vào năm Hồng Thuận thứ 6 (1514) thời Lê có đoạn nhận xét về các vị vua có công trong thời Lý “... Triều  Lý trải tám đời vua, ngôi truyền hơn 200 năm, bậc đáng khen là Thái tổ có độ lượng đế vương, Thái tông có tư chất trí dũng, Thánh tông có lòng yêu nước thương dân, Nhân tông có đức ban ơn dân...”

Xã hội thời Lý đậm màu Phật giáo, nhưng đạo Phật hoàn toàn không phải là quốc giáo. Bởi Nho giáo vẫn là nền tảng tư tưởng của bộ máy tập quyền, việc điều hành chính sự bao giờ cũng phải theo các nguyên tắc và phương pháp Nho giáo, dù nhân sự là Phật, Nho hay Đạo. Các vua Lý chắc chắn đều hiểu rõ giá trị của thuyết Thiên mệnh, của tư tưởng Tôn quân quyền, của đạo đức trung hiếu đối với sự bền vững của ngôi Thiên tử. Vấn đề ở đây là tâm thế xã hội Việt thời Lý vẫn chưa sẵn sàng cho những giá trị tư tưởng Nho giáo đó. Nên lòng trung thành cần cho sự bền vững vương triều mới phải cậy nhờ vào vị thần Việt cổ (thần Đồng cổ) linh thiêng. Nho giáo phải thăng trầm có thể cũng là hệ quả từ đó. 

Thực tế, suốt thời Đại Việt, không một triết lý hay tôn giáo nào (trong bộ ba Nho Phật Đạo) được “độc tôn” mà chỉ có thể một trong ba được coi trọng hơn trong một thời kì nào đó, triều đại nào đó. Dung hoà văn hoá là yếu tố cơ bản và nổi bật của Đại Việt. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng đã nhận xét: “khuynh hướng dung hoà tư tưởng và tôn giáo chắc chắn là một bản tính của tâm thức Việt Nam”.

Nói về tâm linh. Thời Lý còn hơn thế nữa. Một quang cảnh tâm linh phong phú và đầy thần bí. Có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là từ tâm thế của các vua Lý. Ngoài sùng mộ đạo Phật, các vua đều rất mẫn cảm với linh thần, với điềm triệu. Thời đó thần linh được tập hợp, điềm triệu rất nhiều. Sự xuất hiện không ít của những con vật thiêng như rồng, rùa...  rồi vết chân người khổng lồ, dấu vết người thần nơi cung miếu, chùa Phật. Những hiện tượng thiên nhiên đột ngột, sự vật lạ thường, các con vật hay cây hoa khác lạ đều được cảm nhận và suy diễn (ghi lại rất nhiều trong sách sử).

Góp mặt với văn hoá Việt cổ bản địa, ngoài những yếu tố Ấn - Hoa từ lâu (thời Bắc thuộc) đã được người Việt tiếp nhận, còn có sự hội nhập của văn hoá Chiêm Thành: sau các cuộc đánh dẹp phương nam, các vị thần gốc Chiêm đã được đưa về (nữ thần Hậu Thổ, nàng Mỵ Ê ....). Rồi số rất đông tù binh, vũ nữ, nhạc công người Chiêm được triều đình cho định cư. Lối sống, kỹ năng ca vũ, những khúc nhạc ảo não đầy thương nhớ của người Chiêm lưu vong được dân Việt (nhất là vua quan) thưởng thức và ưa thích. Thậm chí còn có một dòng thiền Lý (dòngThảo Đường) xuất hiện từ một nhà sư lẫn trong số tù binh đưa về từ đất Chiêm... Tất cả các yếu tố đó đã ảnh hưởng không ít tới khung cảnh văn hoá chung thời đó.

Về phía Phật giáo, có nhiều vị tu hành theo Mật tông. Pháp môn này khi tu đến mức độ nào đó thì hành giả sẽ đạt được những khả năng siêu việt (thần thông), mà khi thi hành ra thì thật là thần kì dưới mắt người thường. Cho nên hành trạng của những vị sư đậm Mật giáo được truyền tụng như thần thoại dân gian từ thời Lý, luôn được người đời ưa chuộng. Trong số đó, nhân vật Phật giáo Mật tông nổi bật nhất, pháp thuật cao cường, hàng trạng ly kì, được ưa thích truyền tụng nhiều nhất là truyện nhà sư Từ Đạo Hạnh.

Từ Đạo Hạnh sinh ra và lớn lên vào thời vua Lý Nhân tông (1072 - 1127). Vua lên ngôi mới 7 tuổi, làm vua tới 56 năm, lâu nhất trong lịch sử phong kiến Đại Việt. Những năm Nhân tông còn nhỏ, Thái hậu Ỷ Lan nhiếp chính với sự phò tá của Lý Đạo Thành nơi triều đinh và Lý Thường Kiệt đánh dẹp bên ngoài. Đó là thời thịnh đạt về văn hoá và lẫy lừng về võ công, cũng là thời xảy ra nhiều biến cố văn hoá chính trị của vương triều.

Về võ công: năm 1075 nhà Lý đem quân đánh Tống; năm sau (1076) lại đánh bại quân Tống sang xâm lược. Hai trận đều thắng lợi, là công lao của Lý Thường Kiệt. Năm 1084, Lê Văn Thịnh đi sứ  Tống, lấy lại được toàn bộ đất đai; về phương nam là hai cuộc đánh bại Chiêm Thành năm 1075 và 1103 đều do Lý Thường Kiệt cầm quân đi.

Vê văn hoá: đó là thời điểm triều đình Lý khởi động nền giáo dục và thi cử Nho học (2 khoa thi đầu tiên 1075, 1086). Cũng là thời nhà Nho Lê Văn Thịnh tham chính và thăng tiến nhanh chóng. Nhưng khi ông đạt đến chức vụ có quyền lực cao nhất nơi chính trường (Tể tướng) thì vụ việc hồ Dâm Đàm (1096) xảy ra khiến ông bị khép tội mưu phản, phải đi đày. Nho giáo chỉ mới nổi lên mà đã thất thế.

Đây cũng là thời gian liên tiếp khủng hoảng nhân sự ngai vàng nơi hoàng cung. Việc thiếu nhân sự đã xảy ra từ thời Lý Thánh tông (1054 - 1072). Vua Thánh tông 40 tuổi mà chưa có con nối dõi, phải đi cầu tự mà gặp phu nhân Ỷ Lan, rồi sau mới sinh được con trai (sách sử có ghi lại việc nhà sư chùa Thánh Chúa đã dạy cho Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông phép đầu thai khi bà Ỷ Lan sai ông cầu tự). Đến thời Nhân tông câu chuyện còn ly kì huyền bí hơn rất nhiều. Đó là truyền thuyết về nhà sư Từ Đạo Hạnh.

Sách sử và sách nhà Phật đều có viết về ông, vậy ông là một nhân vật lịch sử (có thật). Ông được thờ phụng trước tiên với tư cách là một nhà sư Mật tông, sau đó như một vị vua (vua Lý Thần tông là hậu thân nhờ thuật đầu thai Mật giáo). Truyền thuyết còn liên hệ với các nhân vật Mật tông khác như Nguyễn Minh Không, Dương Không Lộ, Giác Hải... đều là pháp thuật cao cường, hành trạng khác lạ. Các nhà sư này đều sống vào thời Lý Nhân tông, cho thấy tông phái Phật giáo này bấy giờ thực đã rất phát triển, có ảnh hưởng không nhỏ, đã thi thố quyền năng tại triều đình và nơi dân dã, để lại xung động mạnh mẽ, ấn dấu sâu đậm trong tâm thức cộng đồng Việt.

Đó thực là những truyện hay nhất của Phật giáo Đại Việt, cũng là những cổ tích tuyệt vời nhất trong kho tàng truyền thuyết dân gian Việt Nam. Chỉ có vương triều Lý với văn hoá tâm linh vô cùng phong phú, đa chiều mới có thể tạo ra được những truyền thuyết hay và tồn tại lâu dài trong cộng đồng đến như vậy.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (TT)Tập I, II, Nxb. Khoa học Xã hội. Hà Nội 1993

2. Khuyết danh. Đại Việt Sử Lược. Nxb. TPHồ Chí Minh. 1993

3. Lý Tế Xuyên.Việt Điện U Linh(VĐUL). Ngọc Hồ dịch. Nhất Tâm tân chú. Sống Mới xuất bản. Sài Gòn.

4. Vũ Quỳnh - Kiều Phú. Lĩnh Nam Chích Quái(LNCQ). Đinh Gia Khánh chủ biên, Nguyễn Ngọc San biên khảo giới thiệu. Nxb. Văn học Hà Nội 2001.

5. Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược. Quyển 1, Nxb TP Hồ Chí Minh. 2000.

6. Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 1999.

7. Nguyễn Duy Hinh. Văn minh Đại Việt. NXB Văn hoá Thông tin & Viện Văn hoá. Hà Nội. 2005.

8. Nguyễn Duy Hinh. Hệ tư tưởng Lý. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 1/1986. Lê Thành Lân. Hai thái sư Lê Văn Thịnh: một nghịch thần, một danh nhân (hay là nỗi oan khuất của thái sư Lê Văn Thịnh). Tạp chí Sông Hương. 122, 4/1999

9. Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Viết Lực, Nguyễn Đức Dũng. Từ Đạo Hạnh Trần Nhân Tông. Nxb.Văn hoá - Thông tin. 2011.

 


* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1] Có học giả cho rằng sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng một phần là do tổ chức thiếu chặt chẽ của chế độ Liên minh bộ lạc so với tổ chức tập trung và hiệu quả của bộ máy Hán. Mô hình chính trị Hùng Vương mà Hai Bà khôi phục đã bất cập trước đòi hỏi của tình hình.

[2] Mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa tập trung quyền lực cao độ. Có thể trình bày một cách vắn tắt như sau: Trên cùng là ngôi Thiên tử Thế tập, nhận mệnh Trời cai trị thần dân (thần và người) trong cõi. Thần học Nho giáo gọi vua là Con trời (Thiên tử) có quyền lực tuyệt đối, cai trị đất nước thông qua Triều đình (bộ máy thực thi quyền lực). Triều đình gồm: trên là Tam thái (hay Tam công) gồm một số quan Đại thần cố vấn thân tín, tham gia vào các việc cơ mật, các đường hướng chung. Thường họ có thể giữ chức Tể tướng, Thừa tướng (đứng đầu quan lại) hay tham gia vào bộ ba cơ quan đầu não (Tam sảnh) giúp vua về sách lược chung. Tam thiếu (Tam cô): là những trí thức học vấn uyên thâm và lòng trung thành, được ủy thác việc phò tá dạy bảo Thái tử. Không tham chính nhưng lại rất quan trọng đối với triều đình, bởi đó là cơ chế chuẩn bị  cho việc truyền ngôi (chuyển giao quyền lực) trong dòng họ nhà vua (Thế tập).

Tam sảnh gồm: Trung thư sảnh: đề xuất các đường lối, chính sách... Môn hạ sảnh: thẩm định, biện bác, giám sát đường lối chính sách. Thượng thư sảnh: thực thi. Điều hành hoạt động hàng ngày làsáu Bộ chuyên ngành (Lục Bộ) thường trực thuộc Thượng thư sảnh, đó là:

Bộ Lại: coi việc tổ chức bộ máy hành chính, quản lý nhân sự...

Bộ Hộ: quản lý dân cư, hộ khẩu, ruộng đất, thuế má...

Bộ Lễ : phụ  trách lễ nhạc, ngoại giao, giáo dục, tín ngưỡng...

Bộ Binh: coi việc quân sự, tổ chức cung ứng quân binh...

Bộ Hình: coi về luật pháp, hình án...

Bộ Công: phụ trách về xây cất, giao thông, công kỹ nghệ và các ngành kinh tế...

Bên cạnh các Bộ, có cơ quan khác làm nhiệm vụ hỗ trợ hay giám sát công việc và nhân sự bộ máy. Ngoài ra còn các tổ chức khá chuyên biệt cần thiết, thí dụ như: Quốc tử giám (đại học quốc gia), Khâm Thiên giám (coi thiên văn, làm lịch số), Quốc Sử quán (làm sử), Thái Y viện (coi về y dược, chũa bệnh), Tôn Nhân phủ (coi việc hoàng gia)... Mô hình đại thể là như vậy... Đương nhiên không phải luôn đúng y thế, mà thường có thay đổi về tên gọi, về quy mô, tầm mức quan trọng của các bộ phận qua từng thời kì, từng triều đại. Cơ cấu này gọi chung là Tam Sảnh Lục Bộ.

Đơn vị hành chính địa phương là các châu, quận huyện trực thuộc, có các quan lại chuyên coi về hành chính, an ninh hay hình án... do Trung ương bổ nhiệm và quản lý.

Về quốc phòng: tại kinh đô có quân Cấm vệ lo bảo vệ kinh thành, nhà vua và hoàng gia. Địa phương và các vùng biên giới có quân binh cùng các tướng lĩnh được Triều đình sai trấn giữ hay phái đi khi hữu sự.

Tại Trung Hoa phong kiến, nhân sự bộ máy cai trị luôn là các nhà Nho, thấm nhuần ý thức Trung quân, được vương triều phong kiến đào tạo, tuyển dụng và nuôi dưỡng. 

[3] Lê Tung, tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) đời Lê Thánh tông, làm quan đến Thiếu bảo Lễ bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 297
    • Số lượt truy cập : 6948294