Thông tin

TƯỢNG THÁNH TỔ TỪ ĐẠO HẠNH VÀ CHƯ VỊ

THÁNH TỔ TRIỀU LÝ TRONG CÁC NGÔI CHÙA Ở HÀ NỘI

 

NCS. PHẠM THỊ LAN ANH*

 

Thánh tổ Từ Đạo Hạnh tục danh là Từ Lộ, không biết năm sinh[1], tịch năm 1116, đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tiểu sử và hành trạng của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và chư vị Thánh tổ triều Lý (Nguyễn Minh Không, Giác Hải, Dương Không Lộ) được nhắc nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Thánh tổ thực hành diễn âm ca và được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam với nhiều truyền thuyết và giai thoại huyền diệu, như việc đi học pháp ở Tây thiên, tái sinh ở cõi thế gian làm vua Lý Thần Tông và nhất là việc tu tập và hành trì Phật pháp của các vị mang đậm màu sắc Mật giáo/ Mật tông[2]

Văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc (chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) ngày 9 tháng 8 năm thứ 9 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa (tức ngày 5 tháng 9 năm 1109) do Sa môn Thích Huệ Hưng - một người sống cùng thời và rất gần gũi với Từ Đạo Hạnh soạn ra không những giúp chúng ta hiểu rõ con người Từ Đạo Hạnh mà còn hiểu thêm về đạo Phật và những nét sinh hoạt văn hóa Phật giáo thời Lý, trong đó có đoạn: Nay có thiền sư Đạo Hạnh: tuổi nhỏ thanh tú khác thường, lớn lên thiên tư kỳ lạ. Khi tụng tập Liên kinh, tiếng ngọc vang sang sảng; lúc xuất gia hành lễ, tâm Phật thấm từ bi. Dựng Bát chủng tháp mà khắp cõi hết mực uy nghiêm; đọc Tam kíp thư mà kinh Phật thảy đều quán triệt. Gặp thời đại hạn, đốt một ngón tay mà mưa xuống tràn trề; học người xưa không ăn, ngồi đó nhiều năm mà sắc mặt không đói. Dân mắc dịch bệnh, bưng bát nước vảy mà dứt hết ốm đau; việc chưa manh nha, dự đoán trước mà trúng như bùa phép. Kinh Phật nói: “Phật có bát biện, không có thầy thì không ai nối viên âm; Phật đặt ra thi la, không có thầy thì không thể vững chắc; phúc điền của Đế Thích, không có thầy thì không truyền bá được hương Phật; Dược Vương đốt cánh tay, không có thầy thì không ai có thể chịu được nỗi khổ; Quan Âm cứu nạn, không có thầy thì không ai tiếp nối công danh; cao tăng hiện rõ linh dị, không có thầy thì không ai kế gót thần linh”[3]. Còn nhiều điều trong bài văn khắc này rất phù hợp với An Nam chí lược[4] khi viết về Từ Ðạo Hạnh, cũng như rất phù hợp với những điều mà Lê Quý Đôn đề cập tới trong cuốn Kiến văn tiểu lục[5] về việc Từ Đạo Hạnh cho xây dựng mở mang chùa, đúc chuông, tạo tượng, đặc biệt là Phật học của ngài Đạo Hạnh đã đạt đến chỗ uyên bác thâm hậu, ngộ được lý mầu của Phật tổ qua bài kệ mà ngài để lại bất hủ với thời gian[6]… Có lẽ vì vậy mà Thánh tổ Từ Đạo Hạnh được thờ ở khá nhiều chùa trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các chùa vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung.

I. BỐ CỤC MẶT BẰNG THỜ TỰ

1. Những ngôi chùa thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh

* Chùa Thầy - Thiên Phúc tự, thuộc địa phận hai thôn Đa Phúc và Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa được khởi dựng từ thời Lý, được tu bổ mở rộng vào các thời gian sau song chủ yếu vẫn mang dấu vết của thế kỷ XVII. Chùa chính có kết cấu kiểu “tiền công, hậu nhất” với hai dãy hành lang hai bên kết liền với gác chuông, gác trống và đằng sau là nhà Hậu đồng thời là nhà Tổ. Tòa nhà chữ công là khu điện Phật gồm Tiền đường, nhà Cầu và Thượng điện thờ Phật, tòa điện Thánh phía sau, cao nhất là nơi thờ đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh ở ba kiếp với 3 pho tượng đặt ở ba gian, trong đó tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp Phật đặt trên bệ đá sát hương án gian giữa, tượng vua Lý Thần Tông (hậu thân của Từ Đạo Hạnh) đặt trên ngai ở gian bên hữu và tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp tu Tiên đặt trong khám thờ ở gian bên tả.

* Chùa Láng - Chiêu Thiền tự thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo tấm bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi năm Thịnh Đức thứ 4 (1657) thì vua Lý Thần Tông đã ban dụ cấp cho các hạng quan viên, chức sắc, bình dân xã Yên Lãng, lời dụ nhấn mạnh: Trong xã tô ruộng công truyền cho con cháu được hưởng, các thứ thuế khác đều để phục vụ nhà chùa Chiêu Thiền. Ân huệ này được truyền lại cho muôn đời con cháu để tiện việc dâng hương thờ cúng, coi trọng đạo Phật lâu dài mạch nước. Chùa Chiêu Thiền từ xa xưa đã được coi như một danh lam thắng tích nổi tiếng của Kinh đô Thăng Long. Kiến trúc chùa gồm Tam quan, lầu bát giác, hai dãy dải vũ, Tiền đường, Trung đường, Thiêu hương, Thượng điện. Hai bên Thượng điện dựng hai dãy hành lang nối ra nhà khách, khu thờ Tổ, thờ Mẫu phía sau chùa. Tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh được đặt trong khám thờ tại Thượng điện.

* Chùa Bến Thôn - Phúc Nghiêm tự thuộc xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất có bố cục mặt bằng kiến trúc  kiểu chữ công (I) gồm các hạng mục Tiền đường, Ống muống, Thượng điện, ngoài ra chùa còn có những công trình kiến trúc khác như nhà Tổ, nhà Khách...

 Chùa Bến Thôn thờ Phật đồng thời là điểm tín ngưỡng trong vùng văn hoá liên quan đến Từ Đạo Hạnh, một vị Thánh tổ tu ở chùa Thầy, có ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá tâm linh của nhân dân phủ Quốc Oai ở thời Lý. Tượng của ngài được tôn thờ trong khám đặt ở gian riêng độc lập bên trái Thượng điện. Tại đình Bến Thôn còn lưu giữ cuốn thần tích ghi chép về Từ Đạo Hạnh là tư liệu quý để đối chiếu, nghiên cứu sâu thêm về đạo Phật ở Việt Nam…

* Chùa Dị Nậu - Bảo Quang tự thuộc xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất là ngôi chùa lớn bề thế trong vùng. Tấm bia dựng năm Dương Hoà 3 (1637) cho biết chùa Dị Nậu do Nguyễn Kính - một nhân vật lịch sử thời Mạc làm quan đến chức Thái sư tước Tây Kỳ bỏ tiền của ra công đức và tổ chức xây dựng. Sau đó, con ông là Đà Quốc Công Nguyễn Liễn và con gái là Mạc Thị Ngọc Đĩnh trùng tu những phần bị hư hỏng và xây dựng thêm một số hạng mục. Chùa gồm Tam quan ngoài, Tam quan trong, Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.

 Chùa Dị Nậu ngoài việc thờ Phật còn thờ vị Thánh tổ Từ Đạo Hạnh nổi tiếng thời Lý tu ở chùa Thầy. Hiện nay, gian bên trái nhà Tiền đường có khám thờ lớn, trong là ngai vàng và tượng của ngài.

* Chùa Linh Chung được xây dựng giữa khu dân cư thôn Hai, xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất. Chùa có bố cục mặt bằng chữ công gồm tòa Tiền đường, Ống muống và Thượng điện, trong đó tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh được thờ trong khám gỗ chạm đặt tại gian bên trái Thượng điện.

2. Những ngôi chùa thờ Tam vị Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Minh Không, Giác Hải

* Chùa Lý Triều Quốc Sư tọa lạc tại số 50 phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xưa kia đây vốn thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương với tên gọi đền Lý Quốc Sư hay đền Tiên Thị. Đền được xây từ thời Lý để thờ Quốc Sư Minh Không. Năm 1855 đền được xoay lại hướng Đông như cũ và mở rộng quy mô kiến trúc với 3 gian tiền tế, 5 gian hậu cung, 2 dãy giải vũ mỗi dãy 3 gian, xây thêm Tam quan phía trước và sơn thếp lại tượng thờ trong đền, tạc lại tượng Quốc sư Nguyễn Minh Không. Năm 1930 Hòa thượng Thích Thanh Định tự Quang Huy đến trụ trì đã tôn trí thêm tượng Phật, Bồ Tát và đổi thành Chùa “Lý Triều Quốc Sư”. Trong Thượng điện, tầng trên an vị bộ tượng Tam Thế, tầng dưới chính giữa là tượng Quốc sư Minh Không, hai bên là phù điêu tượng đức Thánh Từ Đạo Hạnh và Giác Hải.

* Chùa Cả La Phù - Trung Hưng tự thuộc xã La Phù, quận Hà Đông. Tương truyền, khi xưa, các nhà sư Minh Không, Giác Hải sau khi đắc đạo ở Tây Trúc trở về qua đây thì gặp bạn mình là Từ Đạo Hạnh giả hoá hổ để thử tài hai người. Từ đó, dân làng La Phù đã thờ ba vị quốc sư này. Chùa được trùng tu lần đầu vào năm Vĩnh Trị 2 (1667). Năm 1945, chùa bị huỷ hoại, nhiều di vật quý được đưa về chùa La Phù ở trong làng. Năm 1998, chùa được xây dựng lại với quy mô to đẹp như xưa. Bộ tượng Tam vị Thánh tổ được rước trở lại chùa và an trí theo hàng ngang trên Phật điện (giáp với Tiền đường).

* Chùa La Phù - Thiên Hương tự cũng thuộc xã La Phù, quận Hà Đông. Chùa được dựng nhìn theo hướng Tây với chùa chính bố cục mặt bằng chữ đinh gồm tòa Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra còn có Tam quan, nhà Tổ, nhà Mẫu, hệ thống sân, vườn rộng rãi. Tượng Tam vị Thánh tổ được bài trí trên Phật điện theo hàng ngang, phía trước tượng Thích Ca Sơ Sinh.

3. Những ngôi chùa thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và song thân

* Chùa Đồng Bụt - Thiền Sư tự thuộc thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Chùa có từ lâu đời, được xây dựng lại vào năm 1361, thời nhà Trần, niên hiệu Đại Trị thứ 4,  và được trùng tu vào năm 1670, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8.

Chùa có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thượng điện và Ống muống. Tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh được tôn thờ trong khám ở gian bên tả Thượng điện, bên hữu là khám thờ tượng song thân của ngài. Làng Đồng Bụt còn lưu giữ cuốn thần phả và 11 đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong Ngài là Từ Đạo Hạnh tôn giả đại đức thiền sư.

* Chùa Nền - Đản Cơ tự, Cổ Sơn tự thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Chùa Nền gồm có tiền đường và thượng điện theo hình chữ đinh (J). Phía sau có nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà vọng và tịnh xá. Kiến trúc chùa đơn giản, trên các bức cốn của chùa chính và nhà tổ được chạm khắc hổ phù, hoa lá cách điệu. Chùa còn giữ được khám thờ chạm thủng đề tài tứ linh của thế kỷ XVII. Ngoài các pho tượng Phật, chùa Nền còn có tượng Từ Đạo Hạnh và song thân.

II. GIÁ TRỊ VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT TƯỢNG THỜ

1. Tượng Từ Đạo Hạnh

* Bộ tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh tại chùa Thầy

Tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp Phật được tạo hình chung giống với các tượng Phật nhưng mang nhiều nét chân dung đời thực. Tượng cao 95cm trong thế ngồi thiền định, hai tay kết định ấn. Đầu tượng đội mũ thất Phật, mình mặc cà sa trùm rộng phủ qua vai chảy tràn xuống bệ. Khuôn mặt tượng hơi gầy, làn da mỏng hiện rõ các nếp nhăn trên trán và mạch máu ở thái dương. Tượng được đặt trên một bệ đá sư tử đội tòa sen với tầng trên là một đài sen nhiều lớp cánh để trơn, với từng cánh sen hơi múp phồng không có đường chỉ chìm viền mép, mũi cánh nhô lên vừa phải, hình ảnh của những cánh sen thời Lý quen thuộc. Ở phần giữa là một con sư tử mắt mở to tròn lồi, mũi bạnh, mồm mở rộng nhe răng, thân hình phục phịch, nằm bò. Theo quan niệm xưa, con sư tử chính là biểu hiện cho sức mạnh của tầng lớp trên, của trí tuệ, là hiện thân về sự trong sáng của các thần linh, nó cũng biểu tượng cho tầng trời và việc đội đài sen đã chỉ ra rằng muôn loài, muôn vật đều quy y và tôn sùng Phật pháp.

Tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp vua Lý Thần Tông: được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng trong tư thế ngồi trên ngai, khuôn mặt nghiêm trang, điềm đạm. Tượng mặc áo choàng thụng mềm mại, có đai lưng. Đầu đội mũ trang trí hình lá đề nổi với các tia lửa dài dạng đao mác. Phần ngai tượng được trang trí nhiều hình hạt tròn nổi và những cặp sừng ngọc báu trong quầng lửa.

Tượng Từ Đạo Hạnh ở kiếp tu tiên được tạo tác bằng gỗ chiên đàn có kích thước tương tự người thực đặt trong khám thờ chỉ được mở ra mỗi năm một lần vào dịp làm lễ mộc dục trước kỳ lễ hội. Phía trước khám là một long ngai bài vị lớn thường được khoác y phục và mũ áo đầy đủ như sự hiện diện của đức Thánh.

* Tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh trong các chùa khác: thường được thờ riêng trong các khám nhưng không hình thành điện Thánh như chùa Thầy, phong cách tạo tượng khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn nằm trong tư tưởng chủ đạo là tượng Thánh.

- Tượng đức Thánh ở chùa Láng (phường Láng Thượng, Q. Đống Đa) được làm theo phong cách chân dung, nét mặt trẻ, mặc áo dạng cà sa nhiều lớp, ngồi trên bệ nhị cấp, chân trái co, bàn chân gác lên đầu gối bên phải, tay trái kết ấn cát tường, tay phải đặt úp trên gối phải. Pho tượng Đức Thánh Láng khá giống với tượng ở chùa La Phù, tuy nhiên, qua lần tu bổ gần đây nhất (năm 2004) các giám định về chất liệu vải bó tượng của Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á và những đồng tiền "Đại Thuận Thông Bảo" tìm thấy trong lòng tượng đã cho chúng ta biết tượng có niên đại khoảng giữa thế kỷ XVII, sớm hơn tượng chùa La Phù vài trăm năm.

- Tượng chùa Linh Chung (xã Canh Nậu, H. Thạch Thất) trong tư thế ngồi thiền Liên họa tọa lộ bàn chân phải trên đùi trái, đầu cạo trọc, khôn mặt đầy đặn, mình mặc áo cà sa với móc khóa bên vai trái, hai tay cầm tràng hạt đặt trên chân. Toàn thân tượng được sơn thếp vàng.

- Tượng chùa thôn Bến và chùa Dị Nậu (xã Dị Nậu, H. Thạch Thất) trong tư thế Liên hoa tọa, tay kết định ấn đặt ngửa trong lòng đùi. Đầu tượng đội mũ tỳ lư với vành cao, chính giữa mũ chạm nổi hình mặt trời.

2. Tượng Tam vị Thánh tổ

Đây là bộ tượng gắn với 3 vị đại sư nổi tiếng ở triều Lý, đã từng tu tập và tinh thông một số phép tu của Mật tông, có những đóng góp lớn với triều đình, giúp phát triển đạo pháp và xây dựng, mở mang chùa chiền. Tượng Tam vị Thánh tổ gắn liền với những địa phương là quê hương bản quán hoặc nơi các ngài đã từng tu hành Phật pháp. Trong các chùa chúng tôi đã khảo sát có 3 chùa hiện còn bộ tượng cả Tam vị là chùa Lý Triều Quốc Sư (Q. Hoàn Kiếm), chùa La Phù và chùa Cả La Phù (Q. Hà Đông).

* Bộ tượng chùa Lý Quốc Sư: thờ nhân vật chính là Quốc sư Nguyễn Minh Không, bên cạnh đó là tượng Từ Đạo Hạnh, Giác Hải. Có lẽ xa xưa tượng của quốc sư được làm bằng đá cùng thời với các tượng đá khác ở đây, nhưng đến nay còn pho tượng gỗ ở chính điện ngay dưới hàng tượng Tam thế. Tượng Minh Không được thể hiện theo các tượng Tổ chùa phổ biến ở thời Nguyễn, đầu đội mũ Tỳ lư, tư thế ngồi Liên hoa tọa, tay trái để úp lên đùi, tay phải cầm bông sen giơ lên, mặc áo cà sa phủ dài kín đến chân với các nếp chảy rất thực. Mặt tượng mang chất chân dung, mắt và miệng đăm đăm như chứa đựng một tâm trạng đau đáu, cánh mũi rộng và tai dài là quý tướng của bậc chân tu.

Tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh thực chất là một phù điêu nổi rất cao ở trong lòng một vòm động khoét sâu vào tấm bia đá ở phía sau. Tượng cao 74cm, hai vai rộng 33cm, rộng nhất ở hai đùi là 44,5cm. Khối tượng và bia làm riêng, được đặt trên bệ là tòa sen hai lớp cánh tạo nên sự tôn nghiêm của đức Thánh.

Tượng ở tư thế ngồi liên hoa tọa để bàn chân phải lộ trên đùi trái, hai bàn tay cầm tràng hạt đặt úp trên đùi một cách tự nhiên. Áo dài vắt vạt trái lên vạt phải, nếp áo tự nhiên, song mép ngoài của khăn ở lòng bụng lại như cánh sen. Khuôn mặt tượng mang chất chân dung riêng với cá thể, rất đời thường, tai không dài, mặt vuông chữ điền hơi gầy nhìn rõ xương quai hàm và các nếp nhăn, miệng hơi mím lại, cổ ngắn, đầu cạo, chân tóc cao như nhà sư trong đời thường. Vẻ mặt đăm chiêu tư lự. So với toàn thân đầu hơi to nhưng toàn thể vẫn tạo được vẻ cân đối, tạo hình rất thực.

Tượng Thánh tổ Giác Hải đặt ở phía ngoài gian bên phải, là tượng tròn nhưng đằng sau vẫn gắn với tấm bia đá, cao 84cm. Tượng ngồi thế Liên hoa tọa, tay kết định ấn đặt ngửa trong lòng đùi. Tượng mặc áo dài với những nếp chảy gấp tự nhiên. Pho tượng Giác Hải được tạo hình thành một người cao tuổi, dáng đẫy đà, béo khỏe với bụng hơi phệ. Mặt tượng bầu bầu, đầu tròn được cạo trọc với chân tóc rất cao, khuôn mặt mang tính chất chân dung rõ nét.

Cố PGS Chu Quang Trứ trong nghiên cứu của mình trước đây đã cho rằng: “Dù được tạc theo tưởng tượng về những nhân vật có trước vài trăm năm, song cặp tượng đá Từ Đạo Hạnh và Giác Hải ở chùa Lý Quốc Sư đã làm sống lại hai vị thánh có phong độ khác hẳn nhau, nhưng đều rất thực với nhân dạng và cá tính cụ thể, sống động, có thể xem là những tượng chân dung đích thực, có sớm ở Việt Nam”[7].

* Bộ tượng chùa Cả La Phù - Trung Hưng tự: Bộ tượng đồng tam Thánh (Minh Không, Giác Hải, Đạo Hạnh) đều ngồi trên ngai, dàn một hàng ngang trước Phật điện, ngay phía dưới tượng Cửu Long, tạo sự gắn bó với đời thường, rất gần gũi với các Phật tử vào chùa lễ Phật.

Ba pho tượng đồng này được đúc cùng một đợt và thời Nguyễn muộn, có kích thước và tạo dáng khá giống nhau. Trong tư thế ngồi trên ngai buông chân xuống, tượng cao trên dưới 100cm. Để tượng ngồi ngai, rõ ràng nhân vật không mang tư cách là người tu hành xuất thế, mà là Thánh nhân. Tuy thế dáng người và y phục thì lại mang phong thái các nhà tu hành trong độ tuổi trưởng thành, người tầm thước, dáng ung dung thư thái, tai hơi dài, đầu tròn trịa cạo trọc, mặt trái xoan, các chi tiết trên mặt rất thực. Tượng mặc áo dài, gấu áo trùm đến bàn chân, vai trái tượng có khóa áo đeo những vòng của một dây đai là dấu hiệu thường gặp trên nhiều tượng Bồ tát và tượng Tổ thời Nguyễn. Cả ba tượng đều để úp bàn tay phải trên đùi, tay trái kết ấn cũng để trên đùi. Tượng có cấu tạo cân đối, các phần có quan hệ tỷ lệ gần với người thực, mang tính tượng trưng hơn là tượng chân dung, hoàn toàn khác với bộ tượng này bằng đá ở chùa Lý Quốc Sư được tạo tác sớm hơn vài thế kỷ.

* Bộ tượng chùa La Phù - Thiên Hương tự: Được làm tương tự như bộ tượng chùa Cả La Phù cùng xã nhưng chất liệu bằng gỗ, ngồi trên bệ nhị cấp (không có ngai). Ngược với ba pho tượng chùa Cả, các tượng ở đây đều để úp bàn tay trái trên đùi, tay phải kết ấn gia trì bổn tôn , hai ngón giữa và ngón nhẫn cong lại, ngón cái giữ lấy, ngón trỏ và ngón út để thẳng. Ấn này mong dựa vào sức Phật phù trợ cho hành giả khỏi sa lạc, nhằm nâng cao cái tâm chân như, cốt lõi, tức tâm Phật của mình. Áo tượng màu nâu sẫm, cũng với phong cách tượng chân dung kiểu các vị sư Tổ của chùa nhưng có tỉ lệ tạo hình khá chuẩn, đường nét trau chuốt và mềm mại hơn. Tượng có niên đại thế kỷ XIX.

Như vậy, có thể thấy tượng Thánh tổ Từ Đạo Hạnh được thờ ở hầu hết các chùa có liên quan đến ngài trên địa bàn Thủ đô Hà Nội[8], mở rộng khảo sát cho thấy các chùa thờ Từ Đạo Hạnh còn trải qua địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức về Đống Đa rồi sang tỉnh Hưng Yên (chùa Ông), tỉnh Nam Định (chùa Bi, chùa Tây Lạc, chùa Lương Hàn, chùa Vũ Lao). Hầu hết các chùa ở Hà Nội đều thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh làm trung tâm, một số chùa phối thờ cùng đức Thánh Minh Không và Giác Hải thì tượng của Từ Đạo Hạnh bao giờ cũng được đặt ở vị trí chính giữa. Chúng tôi cũng chưa gặp chùa nào ở Hà Nội thờ đức Thánh Dương Không Lộ như chùa Keo (tỉnh Thái Bình) hoặc thờ cả tứ vị (Từ Đạo Hạnh - Nguyễn Minh Không - Giác Hải - Dương Không Lộ) như chùa Nghĩa Xá (Viên Quang tự - tỉnh Nam Định). Các ngày lễ hội truyền thống của các chùa hầu hết đều diễn ra từ mùng 5 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch, trùng với lịch lễ hội của các chùa riêng thờ Từ Đạo Hạnh như chùa Thày, chùa Láng (Hà Nội), chùa Bi (Nam Định). Trong các ngày lễ hội ngoài các lễ vật, trò diễn khá giống nhau thì các làng lân cận chùa Thầy còn có lễ rước chung chứng tỏ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đức Thánh Từ Đạo Hạnh với nhân dân trong vùng.

  đức Thánh Từ Đạo Hạnh cũng được thể hiện với nhiều hình tướng khác nhau nhưng chỉ duy nhất ở chùa Thầy có tượng thờ ngài ở cả ba kiếp “vi Tiên - vi Phật - vi quốc vương” tại điện Thánh, hình thành nên dạng chùa theo kiểu tiền Phật hậu Thánh - mô hình kiến trúc chùa Mật giáo/ Mật tông độc đáo ở Việt Nam, trong đó chùa Thầy được coi là nơi khởi nguồn cho cấu trúc kiểu này. Chúng ta được biết, trong tu tập Mật tông, vai trò của người Thầy/ Kim Cương Thượng Sư/ Đạo sư rất quan trọng, với chùa “tiền Phật hậu Thánh” thì vai trò của các đạo sư còn được đề cao bằng một không gian thiêng là tòa điện Thánh chùa Thầy được làm ở vị trí trung tâm, cao nhất với hàng diềm cánh sen bao quanh toàn bộ nền nhà như mô phỏng tòa điện Thánh như đang đặt trên một hoa sen khổng lồ và chư vị Phật, Thánh tổ trong chùa an tọa trên liên hoa đài đó. Trong kinh Phật đã dùng hoa sen để ví với các vị Phật, Thánh và Bồ tát, tuy sinh nơi thế gian nhưng vẫn không bị nhiễm bẩn. Quyển 8 Đại Trí Độ Luận chép nguyên nhân Phật, Bồ tát dùng hoa sen làm tòa ngồi là do: với sự mềm mại và sạch sẽ của hoa sen, nên chư Phật hiện thần lực có thể ngồi trên đó; lại có nguyên nhân là dùng trang nghiêm diệu pháp tòa; Quyển thứ 4 kinh Tạp A Hàm ghi: Như thị phiền não lậu, nhất thiết ngã dĩ xả, dĩ phá dĩ ma diệt, như Phần Đà Lợi sinh, tuy sinh, nhi vị tằng trước thủy (nghĩa là: cũng như đối với các loại phiền não hữu lậu, hết thảy ta đều đã xả bỏ, đã phá hoại, đã diệt trừ, giống như là Phần Đà Lợi hoa vậy, mặc dù sinh trưởng trong nước, nhưng không dính nhiễm nơi nước)[9].

DANH MỤC CHÙA THỜ TAM VỊ THÁNH TỔ TẠI HÀ NỘI

 

TT

Tên gọi

Địa điểm

Vị thánh được thờ

01

Chùa Thầy (Thiên Phúc tự)

Xã Sài Sơn, H. Quốc Oai

Từ Đạo Hạnh

02

Chùa Láng (Chiêu Thiền tự)

P. Láng Thượng, Q. Đống Đa

Từ Đạo Hạnh

03

Chùa Linh Chung

Xã Canh Nậu, H.Thạch Thất

Từ Đạo Hạnh

04

Chùa thôn Bến

(Nghiêm Phúc tự)

Xã Dị Nậu, H. Thạch Thất

Từ Đạo Hạnh

05

Chùa Dị Nậu

(Bảo Quang tự)

Xã Dị Nậu, H. Thạch Thất

Từ Đạo Hạnh

06

Chùa Cả La Phù

(Trung Hưng tự)

Xã La Phù, H. Hoài Đức

Từ Đạo Hạnh (giữa)

Minh Không

Giác Hải

07

Chùa La Phù

(Thiên Hương tự)

Xã La Phù, H.Hoài Đức

Từ Đạo Hạnh (giữa)

Minh Không

Giác Hải

08

Lý Triều Quốc Sư

Q. Hoàn Kiếm

Minh Không (giữa)

Từ Đạo Hạnh

Giác Hải

09

Chùa Múa (Thiên Vũ tự)

P. Dương Nội, Q. Hà Đông

Từ Đạo Hạnh (giữa)

Minh Không

Giác Hải

10

Chùa La Dương

(Diên Khánh tự)

P. Dương Nội, Q. Hà Đông

Từ Đạo Hạnh (giữa)

Minh Không

Giác Hải

11

Chùa Đồng Bụt

(Thiền Sư tự)

xã Ngọc Liệp, H. Quốc Oai

Từ Đạo Hạnh và song thân

12

Chùa Nền (Đản Cơ tự)

P. Láng Thượng, Q. Đống Đa

Từ Đạo Hạnh và song thân

13

Chùa Vằn (Thiên Văn tự)

P. Dương Nội, Q. Hà Đông

Thờ vọng Tam vị

 

14

Chùa Ngãi Cầu

(Phổ Quang tự)

Xã An Khánh, H. Hoài Đức

Thờ vọng Tam vị

 


* Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội.

[1] Theo Nguyễn Duy Hinh (2009) trong Lịch sử đạo Phật Việt Nam, Nxb Tôn giáo - Nxb từ điển bách khoa, tr 153 cho rằng: Nếu chấp nhận huyền thoại đầu thai thành Dương Hoán con Sùng Hiền hầu thì theo ĐVSKTT năm 1117 Dương Hoán 2 tuổi mới được lập làm hoàng tử, vậy Đạo Hạnh phải đầu thai vào năm 1116 như ĐVSKTT ghi năm đó Đạo Hạnh hóa. Trong TUTA ghi Đạo Hạnh gặp Sùng Phạm (1004 - 1087), như vậy năm chết của Đạo Hạnh và Sùng Phạm cách nhau 29 năm, có thể hai ông đã gặp nhau trước khi Đạo Hạnh mất, tức khoảng năm 1086, lúc bấy giờ Sùng Phạm đã 81 tuổi. Nếu phải 20 tuổi mới thụ cụ túc giới rồi sau thi đỗ tăng quan thì Đạo Hạnh phải sinh khoảng năm 1066 thời Lý Thánh Tống (1023 - 1072), thọ 50 tuổi hay hơn, vì vậy tạm lấy năm sinh của Đạo Hạnh là năm 1066.

[2] Nguyễn Duy Hinh trong Lịch sử đạo Phật Việt Nam - sđd, qua các phân tích và tu học và hành trì Phật pháp của các vị Thánh tổ đã nhận định rằng: Tư tưởng Đạo Hạnh ảnh hưởng Mật giáo dạng Lạt Ma giáo của Tây Tạng với đầu thai, phát hiện đứa trẻ Phật sống… nên không phải thiền sư (tr 159); Minh Không là pháp sư không phải thiền sư (tr 166); Không Lộ không phải thiền sư, ông chuyên thần chú và pháp thuật thuộc truyền thống sơn môn Dâu hơn là sơn môn Kiến sơ, hơn nữa tu ở chùa Hà Trạch thuộc truyền thừa Khương Tăng Hội (tr 246)...

[3] Nguyễn Văn Thịnh (chủ trì) - Hoàng Văn Lâu - Phạm Văn Ánh (2010), Văn bia thời Lý, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 106.

[4] Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, Nxb Lao động - Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông - Tây, Hà Nội.

[5] Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục, Viện Sử học biên dịch, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội.

[6] Xem thêm Thích Viên Thành (1997), Danh thắng chùa Thầy, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, tr 30 - 36 và Thượng tọa, TS. Thích Đồng Bổn “Đóng góp thêm các bản dịch mới về bài kệ của Thiền sư Từ Đạo Hạnh” tr 43-49 trong Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại đức, TS. Thích Đức Thiện - TS. Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia 2011.

[7] Chu Quang Trứ (2001), Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, trang 214.

[8] Một số chùa thờ vọng, không có tượng như chùa Ngãi Cầu, chùa Vằn (huyện Hoài Đức).

[9] Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Toàn tập giải thích hình tượng hoa sen Phật giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 144.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 201
    • Số lượt truy cập : 6948041