Thông tin

TÙY SỞ TRÚ XỨ THƯỜNG AN LẠC

 

VIÊN THẮNG

 


 

Thuở còn hành điệu, tôi không hiểu vì sao hàng đệ tử Phật xuất gia cũng như tại gia, mỗi khi gởi thiệp chúc Tết hay lúc gặp nhau và khi giao tiếp thường chúc: ‘Thân tâm an lạc’. Đến khi trưởng thành từ chốn thiền môn lâu năm, tôi cũng nếm trải thăng trầm được gặp thuận duyên hay bị nghịch duyên trên con đường học đạo và hành đạo, tôi luôn ứng dụng lời đức Phật dạy ngay trong cuộc sống hàng ngày nên cũng hiểu đôi chút về bốn từ này.

Vậy, thế nào là “thân tâm an lạc?”. Chắc chắn là khi không có phiền não thì thân an và tâm được lạc. Ngược lại, khi tâm cứ mãi lo âu phiền não thì sớm muộn gì thân cũng bị lâm vào bệnh tật. Bởi vì thân và tâm luôn gắn liền với nhau như bóng không rời hình.

Trong cuộc sống hằng ngày thì ai cũng phải lo bươn chải mưu sinh, gánh nặng cơm áo gạo tiền bức bách nên thân thể mỏi mệt, tâm luôn bất an; lại còn tác động môi trường hoàn cảnh nơi làm việc. Cho nên cuộc sống của con người đôi lúc căng thẳng như dây đàn, tâm hồn đầy ắp những suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng mâu thuẫn, quay cuồng… Những lúc đó, họ bị rơi vào tình cảnh bế tắc thì làm sao thân tâm họ an lạc được? Chính vì thế, chúng ta thấy có rất nhiều doanh nhân, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, v.v… tiền tài vật chất dư thừa, mà vì sao họ chọn cho mình cái chết bằng cách tự vẫn? Bởi vì thân tâm họ bất an, phiền não đầy ắp trong lòng. Nếu như họ biết ứng dụng lời đức Phật dạy, chuyển hóa những nỗi đau khổ bế tắc trong cuộc sống để tạo cho thân tâm mình được an lạc thì họ không làm việc dại dột như vậy.

Ngồi viết đến đây, tôi chợt nhớ cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của đức Phật. Thật sự mà nói từ xưa đến nay, chỉ mình đức Thế Tôn là người duy nhất đi ‘rong ruổi’ gần hết cuộc đời mình để thuyết pháp độ sinh. Sau khi thành đạo, Ngài đã dành trọn 49 năm còn lại đi khắp mọi nơi trên đất nước Ấn Độ, chịu biết bao khó khăn gian khổ, những ngày thời tiết nắng nóng oi bức, hay mưa dầm lạnh buốt thấu xương; lại còn có rất nhiều kẻ ngoại đạo phỉ báng chống đối nhưng thân tâm Ngài vẫn bình thản. Cho dù ở bất cứ nơi nào, Ngài vẫn sống an lạc biểu hiện trên nét mặt hiền hòa.

Khi Ngài đến các vương quốc xa lạ, từ vua quan, trưởng giả giàu sang hay vùng dân quê hẻo lánh cúng dường vàng bạc, châu báu, vật dụng, nhưng Ngài đều từ chối tất cả. Ngài đi mãi như thế, trên thân chỉ mặc chiếc áo vá, đôi chân trần, tay ôm bình bát; bước chân đi nhẹ nhàng, khuôn mặt từ ái, trí tuệ siêu việt, truyền dạy cho con người phương pháp thoát khổ, thoát si mê, tham giận để có một cuộc sống an vui tỉnh thức đạt đến giác ngộ. Hình ảnh Ngài thật đúng như bài kệ 81, phẩm Hiền Trí, kinh Pháp Cú nói:

Như tảng đá kiên cố,

Không gió nào lay động,

Cũng vậy, giữa khen chê,

Người trí không dao động.

Và trong phẩm Phật Quốc, kinh Duy Ma Cật, Ngài cũng dạy: “Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. Nghĩa là nếu tâm người thanh tịnh thì có cõi Phật thanh tịnh.

Đức Phật khẳng định, khi tâm chúng ta thanh tịnh, không còn dính mắc vào các pháp thế gian như được mất, khen chê, thành bại, v.v… thì ở đâu cũng là cõi nước Phật thanh tịnh. Do đó, điều quan trọng của người tu là phải kiến tạo được niềm vui, hạnh phúc trong hiện tại.

Vì thế, chúng ta phải chủ động kiến tạo hạnh phúc và sự an vui cho chính mình. Đó là khi chúng ta suy nghĩ, nói năng hay hành động luôn biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì? Có chánh niệm như vậy thì mới giảm bớt tâm tham, sân, si. Khi gặp việc không như ý, chúng ta sẽ kiềm chế được tâm sân hận thì không xảy ra chuyện đau lòng làm tổn thương người khác.

Ngoài việc giữ tâm chánh niệm, chúng ta còn nỗ lực tăng trưởng làm nhiều việc thiện thì mới đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân mình và an lạc cho mọi người và cả môi trường sống. Nói theo tinh thần Phật dạy, nếu sáng nghĩ việc lành,  trưa nói lời tốt, chiều làm việc thiện thì chắc chắn buổi tối sẽ có một giấc ngủ an lành, một ngày tốt đẹp. Thế nên, Thiền sư Vô Đức từng dạy người học đạo: “Giữ gìn cái tâm thanh tịnh thuần khiết cũng giống như thế. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta giống như nước trong bình, còn chúng ta là hoa. Chỉ có thường xuyên lọc sạch thân tâm, sửa đổi tính tình và luôn luôn sám hối, sửa đổi khuyết điểm mới có thể tạo nên sự tươi mát, an nhiên”.

Mỗi ngày, chúng ta cố gắng thực hành một chút lời chư Phật, chư Tổ dạy để làm chất liệu ngay trong cuộc sống, là thường xuyên quán chiếu lại tâm mình, loại trừ bớt tâm tham, sân, si, mạn nghi, đố kỵ, ganh ghét, v.v… thì cảnh giới Tịnh độ ngay hiện tiền. Cho dù chúng ta ở chốn phố thị náo nhiệt giành giật, đua tranh hay miền quê hẻo lánh nhưng thân tâm mình vẫn luôn an lạc tự tại.

Nhân mùa Phật đản lại sắp về với khắp nhân loại, hàng đệ tử chúng con vô cùng hân hoan chuẩn bị đón mừng ngày đấng Từ Phụ đản sanh. Với lòng kính ngưỡng biết ơn Ngài vô cùng sâu sắc, con xin trích một đoạn trong phẩm Phật Quốc, kinh Duy Ma Cật, để bày tỏ lòng mình: “Trưởng giả Bảo Tích thay lời đại chúng ở trước đức Phật nói lên bài kệ xuất phát từ tâm ngưỡng mộ tôn kính vô biên:

Mắt Phật đẹp như hoa sen xanh,

Tâm Phật thường trụ trong thiền định,

Tịnh nghiệp tích lũy từ lâu đời,

Đại chúng cúi đầu nguyện tu học”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6920617