ỨNG DỤNG CHÁNH KIẾN TRONG ĐẠO PHẬT
VÀO XÃ HỘI HÔM NAY
THÍCH NỮ MINH NGỌC
Lời dạy của Đức Phật về niềm tin đã xóa tan mây đen bao phủ đời sống tâm linh, có khả năng đưa chúng ta một bước ra khỏi màn đêm u tối. Nhưng chúng ta cần thực hành điều đó bởi “Niềm tin không hành động là niềm tin chết.”1 Tuy nhiên, để hiểu và vận dụng chánh kiến (sammā-saṅkappa) một cách hiệu quả, chúng ta cần am hiểu các giáo lý căn bản mà đức Phật đã dạy như: Phân biệt rõ các pháp thiện và bất thiện, hiểu rõ tứ đế, duyên sanh, nhân quả, tam tướng... Chúng ta thực hành theo ngũ lực một sung mãn những điều đó trong cuộc sống để giữ vững quan điểm đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng giúp ta giải tỏa mọi ưu tư, phiền muộn, tránh các tâm bệnh và có niềm an lạc của Niết-bàn ngay hiện tại.
Về mặt tâm lý (Anto cetasikavijjā)
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF): “Khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết”2.
Một trong những nguyên nhân ít được thống kê là các vấn đề xã hội: bất mãn về chính sách kinh tế xã hội, bất lực trong việc đấu tranh đòi công lý, công bằng. Sự khủng hoảng niềm tin vào giá trị sống, hiện tượng xuống dốc của đạo đức xã hội và mâu thuẫn trong cuộc sống gia tăng làm cho tâm lý, tinh thần nhiều người bị khủng hoảng, dẫn đến gia tăng những căn bệnh xã hội. Vì vậy, việc áp dụng niềm tin chánh kiến mà đức Phật đã chỉ dạy giúp xã hội chữa lành những tâm bệnh này.
Điều phục và chuyển hóa cơn giận
Chúng ta vô cùng hạnh phúc vì đã tiếp cận lời Phật dạy, hiểu được thân này do tứ đại tạo thành. Ta như ngọn đèn, khi hết dầu lửa sẽ tắt, trả thân về cho cát bụi.
“Không bao lâu thân này
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng”3.
Theo Phật giáo, cơn giận không do bên ngoài đưa vào, nếu ta không có hạt giống tức giận bên trong, thì cơn giận không xảy ra. Giận chính là tự bảo vệ cái ngã của mình, vì mình nghĩ cái ngã của mình bị xâm phạm. Các nhà tâm lý học cho rằng có hai cách, có thể hành xử cơn giận một là kìm nén bên trong, hai là biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng theo đạo Phật, chúng ta nên nhận diện, ý thức rõ sự tức giận đang nảy sinh, thừa nhận sự hiện hữu của nó, bằng cách thực hành chánh niệm thường xuyên và liên tục, chúng ta mới đủ tỉnh giác để nhận diện cơn giận của mình, đồng thời giữ cho tâm mình được an tĩnh bằng cách tập trung vào hơi thở, thở nhẹ, hít sâu và trải lòng từ bi đến cơn giận của mình.
Chúng ta cần tu tập tâm từ bi, để yêu thương mình, yêu thương mọi người, luôn nhìn vào điểm tốt, điểm mạnh và tích cực của người khác là một giải pháp tốt để điều phục và chuyển hóa cơn giận. Trong Kinh Từ Bi, đức Phật dạy rằng:
“Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy, cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch”4.
Giải tỏa lo âu, sợ hãi
Nguyên nhân lo âu là sự luyến ái, chấp thủ và tâm chấp ngã đây là vấn đề của nội tâm và chủ yếu là do suy nghĩ của chúng ta. Phương pháp giải tỏa lo âu là làm sao chuyển đổi tư duy và thay đổi những ý nghĩ, thường dẫn đến sự lo âu. Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy sự vô thường của cuộc sống qua sinh, lão, bệnh, tử và vạn pháp trong thế giới này không có gì là bất biến nên chúng ta đừng có bám víu.
“Tham ái sinh sầu ưu
Tham ái sinh sợ hãi
Không sầu, không sợ hãi”5
Việc tập quán vô thường và tâm yêu thương, trách nhiệm đối với những người xung quanh mình, khi đó tâm chúng ta sẽ thay đổi, trở nên mạnh mẽ. Một khi chúng ta biết sống trọn vẹn chánh niệm, tỉnh thức trong hiện tại, thì tâm được giải thoát, mọi việc trở nên đơn giản và không điều gì làm cho chúng ta còn sợ hãi, lo âu kể cả cái chết. Câu chuyện đi hoằng pháp của Phú-lâu-na6 đến vùng đất của những người ngoại đạo hung dữ nhưng Ngài an nhiên, điềm tĩnh vì hiểu rõ vô thường, sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì xảy ra đến với mình để hoàn thành tâm nguyện chuyển hóa chúng sanh ở vùng đất dữ đó. Khi đức Phật hỏi nếu họ đuổi, họ đánh, họ giết thì ông phải làm gì, khi đó Phú-lâu-na đã thưa đức Phật rằng: Con sẽ cảm ơn vì họ đuổi nhưng chưa đánh, cảm ơn vì họ đánh nhưng chưa giết, và họ giết thì cảm ơn vì đã giúp con tái sanh.
Hóa giải lòng thù ghét
“Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn tự chính mình,
Có làm hay không làm”7.
Tình trạng do khủng hoảng về mặt tâm lý, có người có những biểu hiện tiêu cực ở các nước phương Tây như: Mỹ, Canada, Úc... Những người này đã xả súng vào đám đông ở trường học, siêu thị, quán bar, nhà thờ,8 hay có người căm hận phụ nữ nên họ thực hiện hành vi tàn bạo chỉ với phụ nữ. Tất cả những hành động vô thức đó là bởi họ quỵ ngã trước khủng hoảng nội tâm, biểu hiện yếu đuối của tâm hồn. Sự thù ghét là bởi lòng tham, sân, si, trong đó tâm sân và tâm si mạnh hơn.
Theo Phật giáo, chúng ta phải chánh định để bảo toàn tâm mình, hóa giải hận thù, kiên trì luyện tập ngũ căn để tăng cường sức mạnh nội tâm. Nương tựa, tin tưởng vào con đường đức Phật đã chỉ dạy. Tấm lòng vị tha cao cả của đức Phật sẽ khiến chúng ta có niềm cảm mến, dâng trào lòng vị tha của mình là liều thuốc tích cực giải tỏa tinh thần, xóa bỏ hận thù, vui vẻ nhận trách nhiệm không đổ lỗi cho bản thân và xã hội.
Trị liệu trầm cảm
Phật giáo cho rằng trầm cảm bắt nguồn từ nội tâm của chúng ta,9 bởi tâm vị kỷ, coi trọng chính mình, lấy mình làm trọng tâm là những nhân tố chính gây ra trầm cảm.
Trong đời, mỗi người đều có vết thương lòng, có người giải tỏa được với bạn bè, với cha mẹ hoặc với những vị Thầy của mình, làm cho vết thương đó liền da nhưng có những người không dám, không muốn hay lo sợ khi chia sẻ, vì vậy những vết thương lòng tồn tại, dẫn đến căn bệnh này. Theo Phật giáo, trong tất cả mọi chuyện xảy ra chúng ta nên suy nghĩ tích cực, cởi bỏ tư duy vị kỷ, luôn chia sẻ, thân thiện, vui vẻ với mọi người xung quanh, trân trọng, nghĩ đến hạnh phúc mỗi sáng thức dậy vì mình còn hơi thở.
Để chữa lành vết thương tâm một cách hiệu quả theo phương pháp của đạo Phật, chúng ta hãy nghe William James, tác giả người Mỹ, một trong những vị khai sáng ra nền tâm lý học hiện đại đã nói: “Tôi thử ngừng tư duy một thời gian nhưng rõ ràng là không được, tuy nhiên điều này là không khó đối với các vị Thiền Sư”.
Thiền chính là Pháp rốt ráo của đạo Phật, để có thể giữ tâm hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh, khi tỉnh thức thì các tư tưởng vẫn vơ lắng dịu và đầu óc luôn sáng suốt. Lúc đó, chúng ta sẽ nhận diện được những dòng ý tưởng sinh khởi và cách mình phản ứng lại chúng,10 những lối tư duy tiêu cực hay là những tác nhân bên ngoài tạo nên sự trầm cảm của ta thế nào. Chánh kiến về điều này, sẽ tác động tích cực, giúp con người đón nhận những hiện tượng bất ổn của bản thân và xã hội với thái độ điềm tĩnh khi đối mặt với khủng hoảng. Khi tâm an, cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Từ đó, chúng ta cảm thấy cuộc sống này thật tươi đẹp, hạnh phúc và an vui. Đức Phật dạy:
“Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến”11.
Về mặt triết học
Không có học giả hay một triết gia nào xuất hiện trên thế giới, có khả năng thách thức hoặc từ chối các lĩnh vực của triết học Phật giáo. Đức Phật, nhà minh triết vĩ đại. Giáo Pháp của Ngài là thực tế hiện tiền, có giá trị áp dụng vô hạn với thời gian. Đức Phật không tìm thấy bất cứ điều gì đổi mới, của hiện tượng tồn tại trong vũ trụ vì bản chất thực sự của thế giới không bao giờ thay đổi. Đó là sự thành, trụ, hoại, không đối với vô tình và sanh, trụ, dị, diệt của hữu tình.
Triết học của Phật giáo đã đóng góp tư tưởng cho nhân loại bằng những lời dạy minh triết trong giáo Pháp của Ngài. Trong Bát chánh đạo, Phật đặt chánh kiến lên hàng đầu. Cái nhìn về cuộc đời đưa đến một triết lý sống và triết lý này chi phối mọi hoạt động tư tưởng của chúng ta. Niềm tin triết học trong Phật giáo dựa trên thuyết trùng trùng Duyên khởi cho chúng ta thấy đây là một liên hệ hai chiều, ba chiều, năm chiều cái này phản chiếu cái kia, ảnh hưởng cái kia trong một vòng tròn linh động: “Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt”12. Mọi thứ đủ điều kiện (duyên) sinh ra, không đủ điều kiện không sinh ra.
Phật giáo là một tôn giáo hay một triết lý? Cho đến nay người ta vẫn còn bàn cãi. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời một cách hóm hỉnh “Tội nghiệp cho Phật giáo, đã không được những người ngoan đạo chấp nhận vì cho là vô thần, một sản phẩm trí thức, và đối với các triết gia thì lại liên kết với tôn giáo”. Theo Ngài, Phật giáo là chiếc cầu nối giữa tôn giáo và triết học, bởi vì Phật giáo liên quan đến những nguyên lý siêu hình cao nhất, và Phật giáo cũng không loại bỏ đức tin của các Tôn giáo bạn, nếu chúng ta hiểu đức tin đó là sự tín mộ sâu xa không gì lay chuyển được nảy sinh từ những khám phá chân lý nội tại. Niềm tin cũng chính là sự chuyển hóa nội tâm đó.
Không có chánh kiến trong tất cả các triết lý và hành động, con người sẽ tạo nghiệp bất thiện. Chánh kiến triết học là dựa vào tứ đế để hiểu rõ nguồn gốc của đau khổ (dukkha), hiểu rõ cách diệt trừ đau khổ là đường đi của giới-định-tuệ, đó là triết học thực nghiệm, thâm nhập chân lý để giải thoát khổ đau, phát triển lĩnh vực tâm linh đem lại cuộc sống an lạc, không phải triết học chỉ để suy diễn rồi đưa ra những triết lý mơ hồ gây nhiễu loạn, cản trở sự hiểu biết của con người, vì vậy triết học Phật giáo cho rằng “Nếu tôn giáo nào có Tứ diệu đế và Bát chánh đạo thì có thể coi là một tôn giáo đích thực”13.
Phật giáo tượng trưng cho một hệ thống niềm tin triết học quan tâm sâu sắc đến việc vượt qua đau khổ, Hy vọng của Niết-bàn thực sự là một hy vọng cuối cùng chấm dứt chu kỳ đau khổ trong thế giới này, không ai trên thế giới có thể từ chối hay thay thế sự minh triết giáo lý Phật giáo, trong thế giới hiện tại và tương lai.
Tuy vậy, cũng như ví dụ về ‘chiếc bè’, triết học theo lời đức Phật trong kinh tập 837: “Này con, trong ta không hề có suy nghĩ phân chia ý kiến nào là của riêng ta. Bởi vì khi mang chấp niệm dù với bất kỳ suy nghĩ nào thì cũng từ chấp niệm đó mà sinh khổ. Ta nhận thấy, mọi suy nghĩ, mọi tư tưởng đều có xu hướng làm rối loạn tâm trí nên ta không nắm giữ bất kỳ một suy nghĩ nào. Do vậy ta vứt bỏ mọi suy nghĩ, tư tưởng, triết học để tọa thiền, suy gẫm tìm kiếm sự yên tĩnh trong lòng.14
Về mặt giáo dục
Đức Phật là nhà giáo vĩ đại, ngài dạy bằng tình yêu thương vô bờ với học trò của mình. Tùy thời điểm, căn cơ, tùy duyên, của từng học trò, đức Phật có những bài giảng khác nhau. Lớp học của đức Phật đông nhất thời bấy giờ, 1.250 vị. Họ đến từ mọi tầng lớp, giai cấp, giới tính, mọi thành phần, lứa tuổi. Lại nữa, lúc có một số học trò hiểu sai, hiểu nhầm lời dạy, Ngài đã ôn tồn giải thích cặn kẽ bằng tình yêu, tâm từ bi. Bài giảng của Ngài chủ yếu là đưa con người đến thiện lành và an lạc. “Nước biển có duy nhất một vị: vị mặn. Cũng vậy, giáo pháp của Phật chỉ có vị duy nhất: vị giải thoát”.
Đức Phật là bậc Thầy thành công, hiệu quả nhất, học trò của Ngài thật xuất chúng, trí tuệ của họ vượt khỏi vũ trụ, đó là những bậc A-la-hán, bản chất giáo dục theo đạo Phật là không phải chỉ trở thành người học giỏi bằng này, bằng nọ nhưng vô tàm, vô quý. Giáo dục là để trở thành người lương thiện, biết phân biệt xấu, tốt, phải, trái, đúng, sai. Người có giáo dục là người có chánh kiến trong lời nói, tư duy và hành động, là người có trí tuệ nhận ra chính mình.
Ứng dụng chánh kiến vào giáo dục từ gia đình cho đến nhà trường phải được thực hiện ngay từ lớp nhỡ, đó là tìm ra phương pháp dạy trẻ em có niềm tin chân chính, lễ phép, biết phân biệt điều xấu, điều sai, có tự tin, sống có trách nhiệm, có lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, thành thật, khoan dung, hào hiệp, biết yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tất cả các điều này, không chỉ thuộc lãnh vực cá nhân, cha mẹ, thầy cô mà còn là trách nhiệm của cả nền giáo dục.
Chánh kiến được áp dụng sẽ giúp ngành giáo dục không còn căn bệnh chỉ tiêu, thành tích, gian lận trong thi cử15 hay bằng cấp, bên cạnh đó giúp các nhà làm giáo dục tăng cường kiến thức chuyên môn, phát huy năng lực của học sinh trong tư duy để tăng trưởng thiện lành và phát triển một cách hoàn hảo về mặt trí tuệ.
Một trong những thành công rực rỡ, nổi bật của Đại Lễ Vesak 2019 tại Hà Nam, Việt Nam chính là lãnh đạo Phật giáo Thế giới thể hiện quyết tâm “... kêu gọi các trường học trên toàn thế giới từ mẫu giáo đến phổ thông trung học đưa năm điều đạo đức của đạo Phật (Buddhasamaya) vào giảng dạy như một phần của chương trình học chính quy”16.
Về mặt khoa học
Đức Phật không bao giờ khuyến khích niềm tin cứng nhắc vào giáo điều mà để cho chúng ta quyền tự do tư duy. Ngài khuyến khích đệ tử không nên chấp nhận giáo lý nào cho đến khi tự mình nghiên cứu, phán đoán và kiểm chứng được sự thật của giáo lý đó (Kinh Kālāmā),17 David P. Barash, nhà sinh vật học tiến hóa nổi tiếng, đã trích dẫn một số ví dụ, trong đó các khái niệm cơ bản của Phật giáo và các nguyên tắc cơ bản của sinh học trùng khớp với nhau, đó là sự liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng trong hệ sinh thái. Ông lập luận rằng đức Phật là một nhà sinh vật học kỳ cựu khi nhận biết “Có 84.000 con vi trùng trong một bát nước, và có ba nghìn đại thiên thế giới trong cấu trúc của vũ trụ”18, cách đây hàng ngàn năm về trước, mà không có bất kỳ thiết bị khoa học nào trợ giúp, nay đã được các nhà Vi sinh học và Thiên văn học của khoa học hiện đại, với sự hỗ trợ của kính hiển vi xác nhận là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Hơn thế nữa, phân tích của đức Phật về luật Nhân quả tương ứng với việc tạo ra các hợp chất có điều kiện và Vô thường với bản chất phân rã của các hiện tượng tự nhiên, theo Barash, thật đáng kinh ngạc. Một trong những giáo lý căn bản của Phật giáo là tái sinh. Chúng sinh có cuộc sống luân hồi bất tận chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Các nhà khoa học của thế kỷ XX đã thực hiện một số lượng lớn các nghiên cứu, đã chứng minh sự tái sinh là một thực tế19. Nhiều lĩnh vực khác của giáo lý Phật giáo trùng với khoa học hiện đại. Các nguyên tắc cơ bản của Phật giáo tương thích với các kết quả khoa học hiện nay. Tuy nhiên, trong trường hợp của khoa học, một số lý thuyết được xây dựng dựa trên những suy luận, dựa trên giả thuyết được thực hiện bởi các nghiên cứu khoa học vì vậy khoa học không phải tất cả đều đúng bởi vì bản chất khoa học hoàn toàn thế tục và không quan tâm gì đến mục tiêu, tinh thần của con người.
“Tôn giáo không khoa học sẽ bị tê liệt, khoa học không tôn giáo sẽ bị mù quáng”20. Kết quả khám phá khoa học chỉ tương đối vì còn phụ thuộc vào những thay đổi trong khi giáo pháp của đức Phật là chân lý, vì vậy chúng ta cần chánh kiến trong nghiên cứu khoa học là phải có căn cứ, bằng chứng, được thực nghiệm chứ không phải chỉ suy luận, phỏng đoán.
Chánh kiến trong khoa học là hiểu rõ nhân quả, để khai thác thiên nhiên và những yếu tố tiện nghi, phải phù hợp với môi sinh, giúp vũ trụ này xanh tươi tràn đầy sự sống. Chánh kiến đó giúp chúng ta hiểu biết hơn về thế giới để sử dụng những sản phẩm khoa học một cách hài hòa, thân thiện với môi trường và đem lại cuộc sống an lành cho nhân loại.
Niềm tin Chánh kiến trong khoa học sẽ loại bỏ những phát minh, sáng chế ra các loại vũ khí hạng nặng hay vũ khí sinh học, hủy diệt loài người và môi trường. Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng khoa học mà thiếu niềm tin chân chính, sẽ đe dọa, tàn phá, hủy hoại thế giới.
Về văn hóa tín ngưỡng dân gian
“Không vì mình, vì người.
Không cầu được con cái,
Không tài sản quốc độ,
Không cầu mình thành tựu.
Với việc làm phi pháp,
Vị ấy thật trì giới,
Có trí tuệ, đúng pháp”21.
Lời khuyên của đức Phật là không nên lệ thuộc vào các năng lực tín ngưỡng thần, thánh, thuật chiêm tinh, bói toán, mê tín, coi đồng cốt, phong thủy, và các loại tín ngưỡng nghi lễ có tính dị đoan, vì không có ý nghĩa tinh thần và giá trị gì cả. Điều đó chỉ làm con người lún sâu vào đường tà không lối ra.
Chánh tín theo đạo Phật, là phải vượt qua tất cả những vấn đề và khó khăn của mình bằng nỗ lực tự thân, không qua trung gian những tín ngưỡng trên. Người Phật tử được khuyên bảo cẩn trọng, đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan, khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết và vô căn cứ. Theo lời Phật dạy, một người có đời sống phạm hạnh, thắng lướt tất cả những khó khăn của mình và hưởng được hạnh phúc vững chắc.
“Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
Ăn uống có tiết độ,
Có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió”22.
Vị Tỷ-kheo có bổn phận giáo dục các Phật tử tại gia thế nào để các Phật tử ấy có chánh kiến. Để đạt yêu cầu đó, vị Tỷ-kheo cần khích lệ các Phật tử học pháp, nghe pháp, tư duy về pháp và hành pháp. Như thế, các vị Phật tử có điều kiện gần gũi các bậc chân tu, các vị Tỷ-kheo có học, có hạnh để học tập. Phần của vị Tỷ-kheo cần giới thiệu rõ ràng chánh kiến (trong Bát thánh đạo) và những nhân duyên để làm phát khởi chánh kiến. Cần cắt nghĩa rõ ràng để người cư sĩ các lợi ích thiết thực do chánh kiến mang lại23. Đó là điểm bắt đầu của đích Niết-bàn.
Kết luận
Dù Phật giáo có cao quý và thanh tịnh cũng sẽ vô dụng cho quần chúng, nếu chúng ta không áp dụng được đạo vào cuộc sống hằng ngày, trên thế giới hiện đại nhưng đầy đau khổ này. Niềm tin chánh kiến giúp chúng ta thanh lọc tư tưởng chống khủng hoảng, các tư tưởng bất thiện giảm dần, khi tâm được thanh lọc, tự động dẫn đến thân thể trong sạch và khỏe mạnh. Điều đó, giúp chúng ta trau dồi một sức mạnh ý chí mạnh mẽ, vượt qua mọi biến cố của bản thân và xã hội. Nếu một người thấu hiểu và hành trì giáo Pháp, người đó có thể nhận thức rõ ràng những vấn đề khó khăn của bản thân và khắc phục nó mà không phải lệ thuộc bên ngoài. Giáo lý của đức Phật cho thấy nhiều loại bệnh được diệt trừ do điều kiện của tâm. Vì vậy, chúng ta cần tinh tấn tu tập thiền định để thân tâm được an lạc, thấy được nguy hiểm của tín ngưỡng sai lầm. Nếu không, danh nghĩa đẹp đẽ của tôn giáo sẽ bị hoen ố, xã hội rơi vào lầm than không lối thoát.
1. M. Bristol Claude (2018), tr.157.
2. Tình trạng trầm cảm ở Việt Nam hiện nay, https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/tinh-trang-tram-cam-o-viet-nam-hiennay/? link_type=related_posts
3. Kinh Pháp cú, kệ 41, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.40. Nguyên tác Pāli: Aciraṁ vatayaṁ kāyo pathaviṁ adhisessati, chuddho apetaviññāṇo niratthaṁ va kaliṇgaraṁ.
4. Kinh Tiểu bộ 1, Phẩm rắn uragavagga, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.509.
5. Kinh Pháp cú, kệ 216, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.74.
6. Kinh Trung bộ 2, Kinh Giáo giới Phú-lâu-na, Thích Minh Châu dịch, 2012, tr.612-613.
7. Kinh Pháp cú, kệ 50, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.41. Nguyên tác Pāli: Na paresaṃ vilomāni, na paresaṃ katākataṃ, attanova avekkheyya, katāni akatāni ca.
8. Xả súng trường học ở Mỹ, https://zingnews.vn/xa-sung-truong-hoco-my-nghi-pham-tha-mang-nhung-nguoi-han-thich-post844006.html
9. Hoàng Minh Phú (2016), tr.108.
10. Lama Thubten Yeshe (2017), tr.47.
11. Kinh Pháp cú, kệ 36, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.39.
12. Kinh Tương ưng 2, Gia chủ phẩm, Thích Minh Châu dịch, 1991, tr.129.
13. K. Sri Dhammanand (2011), tr.306.
14. Ryunosuke Koike (2019), tr.251.
15. Trang Nhung, Chủ mưu vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình lĩnh 8 năm tù, https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/chu-muu-vugian-lan-diem-thi-o-hoa-binh-linh-8-nam-tu-642812.html
16. Vesak 2019 ra tuyên bố hướng tới hoạt động toàn cầu, https://vnexpress.net/thoi-su.
17. Kinh Tăng chi bộ 1, Các vị ở Kesaputta, Thích Minh Châu dịch, 1996,tr.338.
18. Thích Bổn Huân dịch, Phật giáo Không Phải Mê Tín mà là Khoa Học Vĩ Đại, https://giacngo.vn/nguyetsan/2019/12/20/32D69A/
19. Martin Willson (2006), Thuyết luân hồi và Phật giáo tây phương, Chương V, Thích Nguyên Tạng dịch, https://www.tuvienquangduc.com.au/Taisanh/18luanhoi-05.html
20. K. Sri Dhammanand (2011), tr.324-329
21. Kinh Pháp cú, kệ 84, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.48.
22. Kinh Pháp cú, kệ 8, Thích Minh Châu dịch, 1999, tr.33. Nguyên tác Pāli: Asubhānupassiṁ viharantaṁ indriyesu susaṁvutaṁ, bhojanamhi ca mattaññuṁ saddhāṁ āraddhavīriyaṁ, taṁ ve nappassahati māro vāto selaṁ va pabbataṁ.
23. Thích Chơn Thiện (2009), tr.521.
Bình luận bài viết