Thông tin

ỨNG DỤNG LỜI PHẬT DẠY TRONG PHÒNG HỘ

VÀ ĐOẠN TRỪ PHIỀN NÃO

 

THÍCH NỮ HẢI LIÊN

 

 

Hằng ngày, trong cuộc sống với những lo toan về ăn, mặc, ở, bệnh, con người phải tiếp với những ngoại trần lôi cuốn. Nhu cầu vật chất càng ngày càng cao khiến con người bị mê mờ về trí tuệ, đạo đức bị sa sút. Từ nhu cầu ăn, họ toan tính làm sao có đủ ăn, đủ ăn rồi muốn cho ăn ngon, ăn sang… Đến nhu cầu mặc, từ mặc để che thân đến mặc áo lụa quần là để phô bày sự sang giàu, chạy theo model thời trang đắt giá…hay để thỏa mãn sở thích cá nhân, được người mến mộ tôn vinh.

Sự tham đắm khoái lạc giác quan của ngũ dục trần (tài, sắc, danh, thực, thùy) như những dòng thác lũ cuốn hút và nhấn chìm con người trong khổ đau của dục lậu. Những trạng thái tâm lý bất an bởi những ước vọng cá nhân, ích kỷ của hữu lậu và cuối cùng dẫn đến hành động, lời nói sai lầm khi tâm không sáng suốt, không nhận biết đúng sai, gây khổ đau cho mình và người. Họ bị kiến lậu che lấp nên không còn biết lắng nghe lời hay tiếng phải, chấp chặt cho rằng ý kiến, việc làm… của mình là đúng. Lịch sử đã chứng minh điều đó, nữ sắc khiến vua mất ngôi, triều đại sụp đổ, gia đình tan nát, ly tán do sự chi phối của vô minh lậu. Không có lực hấp dẫn nào hơn nữ sắc đối với người khác giới. Đức Thế Tôn đã dạy: “Ta không thấy một sắc nào xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà…1. Vì thế, sự ngăn ngừa ái dục phát khởi phải từ tác ý chân chính là hàng đầu. Chú tâm suy nghĩ đến những tư tưởng hướng thiện là cửa cổng đầu tiên chặn đứng các pháp bất thiện. Đối với người nam: Khi tiếp xúc với người nữ cao niên phải xem như cha mẹ mình; với người nữ lớn tuổi hơn mình phải xem như chị; với người nhỏ tuổi phải xem như em, nhỏ tuổi hơn nữa thì xem như con cháu. Đối với người nữ: Khi tiếp xúc với người nam cũng thế: xem như cha, anh, chị em, con cháu. Có tác ý đến thiện tầm như vậy thì sắc dục khó có thể nảy sinh. Từ đó, sự tham đắm nhục dục được thay thế bởi cảm xúc thương yêu, đùm bọc trong tình thân tộc. Chánh tri kiến hiện hữu với “cái nhìn chỉ là nhìn, cái thấy chỉ là thấy”… “Nhìn chỉ là nhìn, thấy chỉ là thấy” không có nghĩa là vô cảm. Là con người, ai cũng cần có tình thương, gia đình là điểm nương tựa để con người có được sự ấm áp trong tình người. Sau thời gian làm việc ngoài xã hội với nhiều sự va chạm, lắm việc trái lòng. Nhìn đúng bản chất sự vật, thấy rõ hậu quả của hành động qua thân, lời nói qua khẩu. Kết quả, hậu quả ra sao trong từng việc làm đó, lời nói đó. Chúng ta sẽ kiểm soát được cảm xúc của mình để không bị cảm thọ sai sử dẫn đến khát ái mang theo khổ đau. Đa số tâm lý người đời chạy theo sự hấp dẫn của ngũ dục trần, con người bị tham dục lôi cuốn ví như người khát nước lại uống nước biển, càng uống càng cảm thấy khát. Khát ái được xem là lẽ sống của đa số người đời. Hạnh phúc đối với họ là thỏa mãn khát ái. Du sĩ Magandiya, một tiêu biểu điển hình cho người theo quan điểm sống để thỏa mãn dục vọng đã lên án đức Phật “Sa môn Gotama là kẻ phá hoại sự sống2. Bởi vì, họ không thấy được “không bệnh lợi tối thắng” nghĩa là không khát ái là sự lợi ích thù thắng nhất. Ái là nguyên nhân phát sanh sầu bi khổ não, làm cho tâm không an tịnh. Hình ảnh một người cha, một người mẹ đau khổ mất đi đứa con duy nhất, đến nỗi không muốn làm việc, chẳng thiết đến uống ăn, hằng ngày ra mộ con than khóc khổ sở là do ái sanh. Một người nam và một người nữ yêu thương nhưng không đến được với nhau. Họ chọn giải pháp kết liễu đời mình, có phải là do ái không? Khi con tim đặt trên khối óc là lúc tình cảm lấn át trí tuệ. Chúng ta cần tỉnh thức để tâm mình sáng suốt, nhớ đến lời đức Phật dạy “… có cấu uế lớn hơn các cấu uế, vô minh là cấu uế lớn nhất3.

Đối với người tại gia, đức Phật có lời khuyên là nên tiết dục. Tiết chế lòng tham dục trong đời sống vợ chồng phải nên một vợ một chồng, sống chung thủy, có trách nhiệm và bổn phận, cùng vun đắp hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái thành nhân, thành tài. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” nói lên sự đồng tâm hiệp lực, cùng có bổn phận với nhau giữa vợ và chồng để gia đình được an vui hạnh phúc.

Trong kinh Thiện Sanh (Trường A Hàm), đức Phật đưa ra lời khuyên cho Bà La Môn Thiện Sanh về bổn phận người chồng như vầy: “Này Thiện Sanh, chồng có năm điều đối với vợ:

Một là, lấy lễ đối với nhau: Đối xử với vợ phải bình đẳng, không có tư tưởng “chồng chúa vợ tôi” như quan niệm thời phong kiến. Người chồng phải dẹp bỏ tự tôn, cái ngã của mình để thương yêu vợ như chính thân mình, không năm thê bảy thiếp bạc đãi vợ.

Hai là, “Oai nghiêm nhưng không nghiệt”: Người chồng phải gương mẫu về tư cách đạo đức. Là người chủ gia đình phải giữ khuôn phép gia đình nhưng không đối xử nghiệt ngã khiến người thân trong nhà khiếp sợ, xa lánh.

Ba là, “cho ăn mặc phải thời”: Người chồng phải tâm lý, cho vợ ăn mặc đúng lúc đúng thời. Khi ở trong nhà cũng như khi ra khỏi nhà cho tươm tất, đẹp đẽ.

Bốn là, “cho trang sức phải thời”: Làm đẹp là nhu cầu, sở thích của người nữ. Vì vậy, người chồng thể hiện sự quan tâm đến vợ qua những món quà trang sức cho vợ.

Năm là, “phó thác việc nhà” nói lên sự tin tưởng của người chồng về việc tề gia nội trợ của vợ. Vợ chồng cùng phân công làm việc nhà “người xay lúa thì không bồng em” cùng làm cùng ăn trong không khí gia đình vui vẻ, biết chia sẻ với nhau từ việc nặng đến việc nhẹ.

Người vợ cũng có năm bổn phận đối với chồng:

Dậy trước: Người vợ phải siêng năng thức dậy sớm hơn chồng. Tuy nhiên người chồng cần phải linh hoạt, uyển chuyển khi vợ bệnh hoặc thức khuya, làm ca đêm.

Ngồi sau: Thể hiện sự vị nể chồng, đứng ngồi theo thứ lớp.

Nói lời hòa nhã: Vợ ăn nói tế nhị, khi “cơm sôi bớt lửa” để khi cơn giận của chồng dịu bớt thì dùng lời nói khuyên giải.

Kính nhường hòa thuận: Thuận theo và ủng hộ những việc làm đúng của chồng. Thể hiện kính nhường của vợ trước những ý nghĩ, hành động của chồng không đúng ý mình.

Đoán trước ý chồng: Người vợ phải hiểu ý chồng, để cùng chia sẻ, cảm thông nhau trong cuộc sống gia đình. Chẳng hạn, vợ biết sở thích chồng, món ăn nào chồng mình thích ăn để từ đó mua tặng hoặc nấu nướng cho gia đình cùng ăn. Cuộc sống gia đình có sự quan tâm lẫn nhau sẽ gắn kết tình cảm càng sâu đậm giữa vợ và chồng.

Đối với người đệ tử tại gia, đức Phật khuyên giữ năm giới là nền tảng đạo đức trong gia đình và xã hội. Mỗi thành viên trong gia đình luôn tác ý về hậu quả của suy nghĩ, hành động, lời nói của mình như người xưa có câu “phàm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Từ ý nghĩ chân chính sợ tội lỗi, tin nhân quả, mỗi cá nhân tự thúc liễm hành động xấu ác: Không sát sanh hại mạng, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu. Lời nói gây tổn mình hại người được chế ngự nên chúng ta không nói dối. Người biết trì giữ năm giới sẽ tránh được lỗi lầm của thân, khẩu, ý. Từ đó, cuộc sống của họ được an vui, đạo đức được nâng cao và tạo được nhiều niềm tin, sự thân thiện, an tâm cho người xung quanh mình. Tự thân mỗi cá nhân có đời sống tuân thủ theo năm giới được an lạc hạnh phúc. Niềm an lạc này sẽ có sức mạnh lan tỏa đến những người xung quanh từ gia đình, cơ quan làm việc, xã hội qua các mối quan hệ tương tác. Do vậy, người sống theo năm giới góp phần cho xã hội giảm bớt tệ nạn, tránh được những mâu thuẫn tranh chấp. Thậm chí, tranh chấp dẫn đến giết hại họ hàng ruột thịt trong gia đình, dần dần lan rộng có khi xảy ra chiến tranh giữa quốc gia này và quốc gia khác.

Năm giới mang đến hạnh phúc thiết thực không những cho người đệ tử Phật mà còn cần thiết cho tất cả những ai muốn có đời sống an lành, hướng thiện. Năm giới căn bản là thềm thang đưa con người đi đến giải thoát khỏi phiền não cho cá nhân. Đồng thời nó cũng đem lại an vui, hòa bình cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng thọ trì được năm giới. Bởi lẽ, nếu ai cũng hành đúng theo năm giới thì cõi đời này đã không còn những người bất thiện, gây hại cho mình và mang lại đau khổ đến cho người khác bằng hành động, lời nói hay ý nghĩ xấu ác hại người..., không còn những người tự hành khổ mình, sống bê tha, rượu chè tự chuốc bệnh vào thân và thiêu chột căn lành trí tuệ của kiếp người. Chúng ta phải làm gì để không khỏi phiền não khi tiếp xúc hay phải sống chung với những người như thế?

- Cách xử trí thứ nhất: Mang tính chất khách quan khi chúng ta không có duyên để chuyển hóa họ. Năm giới được đức Phật chế ra nhằm dứt trừ tội lỗi cho cá nhân, mang lợi ích cho mình và người. Ngài không bắt buộc chúng ta phải tuân thủ đủ năm giới hay răn đe trừng phạt nếu không hành trì theo. Do vậy, chúng ta không khỏi phiền não khi bản thân hoặc người thân tiếp xúc với người không giữ năm giới. Với cái nhìn nhân quả: làm ác quả báo xấu, làm thiện sẽ được quả báo lành, tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng, không để phiền não phát sanh và răn nhắc tự tâm đừng để tái phạm nếu tự bản thân sai phạm.

- Cách thứ hai: Để ngăn ngừa lầm lỗi sai phạm, tự thân nên tránh duyên tiếp cận đối tượng gây phiền não cho mình. Đối với việc sai trái của người ta “thấy cũng như không thấy, nghe cũng như không nghe”. “Mắt lấp tai ngơ” không có nghĩa là hành động ủng hộ cái sai, cái xấu ác mà là để tự kiềm chế những cái bất thiện tâm sanh khởi, làm lắng dịu những trạng thái tâm bất như ý. Ví dụ, mâu thuẫn xảy ra giữa hai người, tâm sân bùng phát: “người kia nóng giận nói ồn ào, chẳng lẽ ta đây cũng thế sao? Một đứa ồn ào thêm đứa nữa, thì ra hai đứa cũng như nhau”. Trong tình cảnh này, thương mình thì nhẫn nhục “mắt lấp tai ngơ”, tránh né cho qua chuyện.

- Cách thứ ba: Tu tập hành thiện nghiệp để chuyển hóa ác nghiệp. Một người vì sinh kế gia đình phải buôn bán mạng súc vật. Không thể chuyển nghề khác, người này thường phóng sanh, giúp người cứu vật để tự chuyển nghiệp cho mình.

- Cách thứ tư: Đối với người không nhận thức được thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp của bản thân mang đến hậu quả tự hại, hại người hoặc hại cả hai. Trường hợp người mẹ của cô gái giao gà ở Điện Biên phạm tội mua bán ma túy đã dẫn đến con gái mình cái chết thảm thương là một điển hình gây nhiều xôn xao trong dân chúng vào đầu xuân năm 2019. Chúng ta cần nên tránh né tiếp cận. Bởi không biết tàm quý, không sợ tội lỗi nên tội ác nào họ cũng chẳng từ. “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng ngừng”. Do vậy, chúng ta phải tránh xa loại người này, không giao du kết bạn cũng không phản ứng để họ không sanh hiềm hận trả thù. Hãy để tòa án lương tâm và pháp luật làm việc với họ.

Trong các mối quan hệ tương quan giữa người trong gia đình đến xã hội, cách cư xử và thái độ sống nêu trên sẽ giúp chúng ta bớt va chạm, tránh được phiền não.

Một phương diện khác trong đời sống mang đến lợi lạc cho chúng ta. Lời Phật dạy giúp con người giảm bớt khổ đau khi gầy dựng tài sản và sử dụng tiền bạc. Làm ra nhiều tiền, tích lũy được nhiều tài sản để có đời sống vật chất đầy đủ là mong ước của con người. Trong thực tế, có nhiều người đạt được ước nguyện trên nhưng không được an lạc, hạnh phúc, lại bị rơi vào tù tội, khổ đau,... Với lòng từ bi, đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cách tạo dựng tài sản đúng pháp: “Người cư sĩ không nên làm năm nghề này: Buôn bán vũ khí, buôn bán động vật còn sống, buôn bán thịt, buôn bán các chất gây nghiện, buôn bán thuốc độc4.

Phật ngôn trên giúp chúng ta có chánh nghiệp kiếm sống và nuôi mạng một cách chơn chánh, không làm tổn hại đến mình và người, bảo vệ môi trường sống được lành mạnh, trật tự xã hội được ổn định. Lời dạy trên càng thể hiện giá trị cho đến ngày nay, mai sau thiết thực ở mọi thời đại và tất cả quốc gia trên thế giới. Trong tình trạng thế giới, nhân loại đang đối đầu với những tệ nạn xã hội dẫn dắt con người ngày càng đi sâu vào tội lỗi: Nạn mua bán ma túy với quy mô hàng tấn hàng khi bị công an phát hiện, mua bán nội tạng, thuốc giả, thuốc tăng trọng hóa chất trong thức ăn gây hại cho người tiêu dùng,... Bên cạnh đó, nguy cơ thế chiến thứ ba là nỗi ám ảnh cho nhân loại. Đó là những nguyên nhân gây bất an, đau khổ đối với đời sống của nhân loại và môi trường sống xanh sạch đẹp.

Tuy không có một bài kinh nào đức Phật dạy chúng đệ tử làm giàu, nhưng qua những lời dạy đó, chúng ta rút ra được bài học về gây dựng và sử dụng tài sản.

Tạo dựng tài sản phải do nỗ lực của tự thân. Bằng chính sức lao động chân chính của mình thì tài sản tạo được mới mang đến hạnh phúc. Những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt rơi trước những chướng ngại khó khăn, khi tạo ra của cải mới thật sự mang an vui đến cho mình và người thân.

Tạo ra của cải đã khó nhưng giữ gìn, bảo vệ tài sản được lâu bền và càng ngày càng phát triển lại càng khó hơn. Chúng ta làm gì để bảo vệ tài sản không bị rơi vào tình trạng thiếu nghèo, phá sản, nợ nần khổ sở?

Đức Phật dạy phải tuân thủ bốn pháp là “bốn cửa vào” để tài sản hưng khởi:

Đầy đủ sự tháo vác, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa5.

Đầy đủ sự tháo vác giúp chúng ta cần mẫn trong nghề nghiệp, tìm tòi nâng cao tay nghề đến mức độ thiện xảo như người xưa nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Đầy đủ phòng hộ để giữ gìn tài sản khỏi bị hao tổn mất mát bởi giặc cướp, bị lửa thiêu, nước cuốn, con phá sản. Muốn vậy, chúng ta phải hành nghề hợp pháp, không buôn bán hàng cấm và phải làm tròn nghĩa vụ đóng thuế đủ cho Nhà nước để không bị pháp luật trừng trị. Tránh rủi ro, bất trắc do nạn cướp, thiên tai lũ lụt xảy ra, chúng ta phải gởi tài sản ở nơi an toàn hay người có tín nhiệm hoặc người thừa kế, thân thuộc đáng tin cậy.

Làm bạn với thiện: Kết bạn với những người có đạo đức giới hạnh, biết bố thí có chánh tín và có trí tuệ.

Sống thăng bằng điều hòa: Giữ quân bình giữa thu – chi trong đời sống hàng ngày, sống không phung phí xa hoa cũng không keo kiệt, bỏn xẻn.

Biết tránh xa bốn pháp, đức Phật gọi là “bốn cửa xuất” làm tiêu phí tài sản:”Đam mê đàn bà, đam mê rượu chè, đam mê cờ bạc, bạn bè kẻ ác, thân hữu kẻ ác, giao du kẻ ác”. Đây là những đam mê xấu xa làm nhiễm ô tâm, đưa đến tan nhà nát cửa” bởi nữ sắc, bởi những nguồn gốc làm phát sinh hành động tội lỗi, đánh mất phẩm chất con người, tăng trưởng tham dục, thiêu đốt trí tuệ con người. Muốn giữ gìn tài sản, người gia chủ phải biết kiềm chế và chuyển hóa những đam mê này. Chặn đứng đam mê này phải thấy được quả báo tồi tệ mà nó mang đến cho chính mình và gia đình. Đó là cách bảo vệ tài sản thế gian.

Về cách sử dụng đồng tiền do công khó chính mình làm ra, đức Phật dạy: “Chia số tiền mình có làm bốn phần: một phần dùng vào việc chi tiêu hằng ngày, một phần dành để tiết kiệm, phòng khi có bất trắc xảy đến, một phần để kinh doanh sinh lời, tiếp tục phát triển tài sản, một phần làm công đức bố thí6.

Theo thói thường ở đời, có ít người khi có tài sản dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với người khác”7. Vì thế, biết sử dụng tiền bạc sẽ mang đến niềm vui cho mình, cho người thân, cho những người xung quanh khi chúng ta biết chia sẻ giúp đỡ người khác, không chấp giữ cho cá nhân mình. Biết làm chủ đồng tiền, không để tiền bạc sai sử mình làm điều xấu ác là cách sống đúng của người đệ tử Phật.

Qua đó, người sống chân chính bằng chánh nghiệp mang đến tài sản, của cải vật chất đúng pháp. Việc làm giàu không có tội, tội hay phước là do cách sống và cách sở hữu tiền bạc của mình. Con người được hạnh phúc, khỏi khổ đau khi biết sử dụng tiền tài vật chất là phương tiện đảm bảo đời sống cho mình và chia sẻ giúp đỡ người.

Như vậy, trong cuộc sống đời thường muốn tránh khỏi khổ đau phiền não bởi sự cám dỗ của ngũ dục trần, chúng ta phải làm chủ cảm xúc của mình và chuyển hóa chúng hướng thượng, phát triển những ham muốn mang đến kết quả tốt đẹp và tiết dục đối với những ham muốn mang đến hậu quả xấu. Chẳng hạn phát triển ham muốn, làm giàu đúng pháp theo lời Phật dạy, giữ gìn giới cấm của người tại gia. Hạn chế những đam mê bất thiện. Người biết sử dụng tiền bạc là người biết giữ gìn tài sản, không để đồng tiền sai sử mình, biết chia sẻ, tạo phước đức từ đồng tiền do mình làm ra.

 


1. Tăng chi bộ kinh (Anguttara), Chương Một, pháp Phẩm Sắc.

2. Kinh Trung Bộ II, Kinh 75: Kinh Mangandiya (MagabdiyaSuttam), XN in Tổng Hợp 1987, trang 253.

3. Tăng Chi Bộ Kinh III, chương 8, phẩm Lớn, phần Các cấu uế, Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam, 1996.

4. Tăng Chi Bộ Kinh I, chương V, phẩm Ba pháp.

5. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ III, chương 8: Dighajanu, người Koliya VNCPHVN, 1996, trang 662.

6. Đại Tạng Kinh Việt Nam (1991) HT. Thích Minh Châu dịch - Tiểu Bộ Kinh IV, Kinh 56: chuyện khối vàng (24) Tiền thân Kancanakkhandha.

7. Đại Tạng Kinh Việt Nam (1991) HT.Thích Minh Châu dịch - Tương ứng bộ Kinh 1 chương 3 V. thiểu số (S, I, 73).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 109
    • Số lượt truy cập : 6920566