Thông tin

ỨNG DỤNG TU TẬP KHỔ ĐẾ THEO KINH TRUNG BỘ VÀ ABHIDHAMMA

ỨNG DỤNG TU TẬP KHỔ ĐẾ THEO KINH TRUNG BỘ

VÀ ABHIDHAMMA

 

THÍCH TINH TUỆ

 


 

Cách tu tập này sẽ giúp hành giả phát triển tuệ quán và thấy được mọi thứ là vô thường. Nhờ thấy được sự vô thường của vạn vật trên thế gian nên hành giả dễ dàng buông bỏ mọi thứ mà mình đang có theo sự chế định, như tài sản, vợ chồng, con cháu và những gì mà mình thương yêu quý mến, bởi đó là tâm tham ái và nỗ lực tu tập để đạt được sự giải thoát.

Trong Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta) có đoạn trình bày phương pháp tu tập về Tứ đế, trong đó có khổ như sau: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bốn Sự Thật? Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo như thật biết: “Ðây là Khổ”; như thật biết: “Ðây là Khổ tập”; như thật biết: “Ðây là Khổ diệt”; như thật biết: “Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt””1.

Tu tập khổ đế theo Kinh Trung Bộ

Câu “Vị Tỷ-kheo như thật biết: “Đây là Khổ”” trong Kinh Niệm Xứ (Satipaṭṭhānasutta) vừa dẫn trên là chỉ cho chúng ta phương pháp tu tập về Khổ đế, và cách tu tập như sau:

- Thứ nhất, hành giả tu tập quán thấy rằng sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, cầu không được và sự chấp thủ năm uẩn đều là những phiền muộn, lo âu, sợ hãi trong cuộc sống mà người ta nhầm lẫn đây là hạnh phúc.

Khi quán thấy như vậy, hành giả không còn đắm chìm trong đời sống hạnh phúc tạm bợ của thế gian, mà từ đó nỗ lực tu tập, không còn chấp thủ để đạt được sự giải thoát.

- Thứ hai, hành giả tu tập quán thấy rằng sanh, già, bệnh, chết… đều do duyên sanh, như trong kinh có đề cập: “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.”2, hoặc nói cách khác “Bởi vì có A nên B phát sanh, bởi vì có B nên C phát sanh. Khi nào không có A tất nhiên không có B. Khi nào không có B thì C cũng không có”3, hoàn toàn không có cái gì là ta sanh, ta già, ta bệnh hay ta chết.

Khi quán thấy như vậy, hành giả đã thấy được Lý duyên khởi và khi nỗ lực tu tập sẽ đạt được sự giải thoát như trong Tượng Tích Dụ Đại Kinh (Mahāhatthipadopamasutta) có đề cập: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”4.

- Thứ ba, hành giả có thể lấy một trong những khái niệm tục đế thuộc về khổ đế trên để tu tập:

♥ Quán về sanh là khổ: Hành giả nghĩ đến đời sống quá khứ hoặc tương lai của mình. Trong suốt quá trình luân hồi, cơ hội để được sanh làm người rất khó. Ví như hình ảnh con rùa mù được đề cập trong Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍitasutta): Trên mặt biển, một khúc cây có lỗ hổng vừa với cái đầu của con rùa đang trôi nổi bồng bềnh. Tại đấy, con rùa mù một trăm năm mới từ đáy biển trồi lên một lần. Con rùa mù may mắn gặp được khúc cây đó, đưa đầu vào lỗ hổng5. Qua thí dụ đó, hành giả thấy kinh cảm về đời sống luân hồi và cố gắng nỗ lực tu tập. 

♥ Quán về già là khổ: Hành giả suy xét về sự già và tu tập theo như trong kinh: “Ta phải bị già, không thoát khỏi già”.

♥ Quán về bệnh là khổ: Hành giả thấy được thân này là ổ bệnh tật và tu tập: “Ta phải bị bệnh, không thoát khỏi bệnh”.

♥ Quán về chết là khổ: Hành giả nhìn thấy sự chết của người khác và tu tập về sự chết theo lời kinh: “Ta phải bị chết, không thoát khỏi chết”.

Cách tu tập quán về già, bệnh và chết này giúp hành giả từ bỏ được sự kiêu mạn về tuổi trẻ, về sức khỏe và tuổi thọ để thấy được sự vô thường, khổ, vô ngã và nỗ lực tu tập đạt được sự giải thoát6.

♥ Hoặc hành giả có thể chọn đề mục quán về năm uẩn để tu tập nhằm giúp mình từ bỏ sự chấp thủ theo cách hướng dẫn trong Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Mahārāhulovādasutta).

Thí dụ: Khi tu tập suy xét về sắc uẩn, hành giả quán: “Cái này không phải của ta, ta không phải là cái này, cái này không phải tự ngã của ta”7. Bốn uẩn còn lại cũng có phương pháp tu tập tương tự.  

Tu tập khổ đế theo Abhidhamma

Có nhiều cách tu tập khổ đế trong Abhidhamma được trình bày theo đề mục tu tập thiền quán. Chúng tôi xin chia sẻ ba phương pháp tu tập theo Tam tướng gọi là Vô thường tùy quán, Khổ tùy quán và Vô ngã tùy quán8 như sau:

- Vô thường tùy quán: Hành giả quán thấy khổ đế chỉ là sự sanh diệt của danh pháp và sắc pháp, tất cả đều là vô thường. Hoặc nếu trình bày chi tiết thì phân ra thành ba trường hợp:

♥ Thứ nhất, hành giả quán thấy rằng sự sanh diệt của 81 tâm hiệp thế (54 tâm dục giới, 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới) cùng với 51 tâm sở phối hợp (13 tâm sở tợ tha, 13 tâm sở bất thiện, 25 tâm sở tịnh hảo)9 thông qua ba giai đoạn là sanh, trụ, diệt, đều do duyên trợ tạo, chúng là vô thường.

♥ Thứ hai, hành giả quán thấy sự sanh diệt của 28 sắc pháp, trong đó có sắc tứ đại là đất, nước, lửa, gió, và 24 sắc y đại sinh10 thông qua bốn giai đoạn là sanh, tiến, dị, diệt, đều do duyên trợ tạo, chúng cũng là vô thường.

♥ Thứ ba, hành giả quán để thấy được sự sanh diệt của từng trạng thái tâm. Như khi tâm tham hay tâm sân hoặc tâm si… sanh khởi, hành giả nhận biết được nó và thấy rằng nó là vô thường. Trong phần sắc pháp, hành giả cũng có thể phân ra từng thành phần như là đất, nước, lửa và gió… để tu tập. 

Cách tu tập này sẽ giúp hành giả phát triển tuệ quán và thấy được mọi thứ là vô thường. Nhờ thấy được sự vô thường của vạn vật trên thế gian nên hành giả dễ dàng buông bỏ mọi thứ mà mình đang có theo sự chế định, như tài sản, vợ chồng, con cháu và những gì mà mình thương yêu quý mến, bởi đó là tâm tham ái và nỗ lực tu tập để đạt được sự giải thoát.

- Khổ tùy quán: Hành giả quán thấy rằng bất cứ một sự sanh diệt nào, một sự thay đổi nào của danh pháp và sắc pháp hoặc 81 tâm hiệp thế cùng với 51 tâm sở phối hợp và 28 sắc pháp đều là khổ. Điển hình như khi chúng ta đang đi và bị mỏi thì đứng lại hoặc ngồi xuống; khi ngồi lâu lại bị đau lưng thì chúng ta lại đứng lên hoặc nằm xuống…

Trên đây là phần trình bày về phương pháp tu tập Khổ tùy quán một cách tổng quát, hành giả có thể phân ra nhiều cách tu tập khác nhau như ở phần tu tập Vô thường tùy quán.

Nhờ sự tu tập Khổ tùy quán, hành giả thấy được tất cả những gì tồn tại trên thế gian đều là khổ. Vì thế, hành giả không đắm mình trong việc hưởng thụ dục lạc và nỗ lực tu tập để thoát khỏi khổ đau. Cách này, giống như con nai thấy mình đang bị mắc bẫy và cố gắng vùng vẫy để thoát thân. Nhưng hành giả không phải là con nai, nên nỗ lực tu tập là được.

- Vô ngã tùy quán: Hành giả quán tổng quát hoặc chi tiết từng trạng thái tâm, từng yếu tố sắc pháp để thấy rằng, sự sanh diệt của 81 tâm hiệp thế cùng với 51 tâm sở và 28 sắc pháp đều là vô ngã, không có ta, không có cái của ta.

Phương pháp tu tập này giúp hành giả dẹp bỏ được sự chấp thủ đối với danh và sắc hay đối với thân năm uẩn và nỗ lực tu tập đạt được sự giải thoát.

 


1. Thích Minh Châu (dịch) (1973), Kinh Trung Bộ, tập 1, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, tr.62.

2. Thích Minh Châu (dịch) (2000), Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.55.

3. Phạm Kim Khánh (dịch) (2005), Đức Phật Và Phật Pháp, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.416.

4. Thích Minh Châu (dịch) (1973), Kinh Trung Bộ, tập 1, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, tr.191.

5. Thích Minh Châu (dịch) (1975), Kinh Trung Bộ, tập 3, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, tr.346.

6. Thích Minh Châu (dịch) (2003), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.421-427.

7. Thích Minh Châu (dịch) (1974), Kinh Trung Bộ, tập 2, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, tr.420.

8. Thích Minh Châu (dịch) (2005), Thắng Pháp Tập Yếu Luận, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.136.

9. Thích Giác Nguyên (dịch) (2013), Triết Học A-Tỳ-Đàm Của Phật Giáo Truyền Thống, Nxb. Hồng Đức, tr.400.

10. Thích Minh Châu (dịch) (2005), Thắng Pháp Tập Yếu Luận, tập 2, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.7-16.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 353
    • Số lượt truy cập : 6947196