Thông tin

ỨNG PHÚ ĐẠO TRÀNG PHẢI CHĂNG LÀ NỀN TẢNG

CỦA PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN?

 

TK. THÍCH ĐỒNG BỔN

 

 

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải), TP.HCM
chiều ngày 24-5-2016

 

Nhắc đến Phật giáo cổ truyền là phải nhắc đến khía cạnh lễ nhạc trong tất cả nghi lễ trong một ngôi chùa hay trong các nghi thức của Phật giáo. Người ta thường hay quan niệm rằng, người tu theo đạo Phật, thì giáo phái nào cũng có căn bản giống nhau là hướng vào nội tâm để tu hành giải thoát, về mặt thể hiện bằng hình thức bên ngoài, đó là tụng kinh niệm Phật lễ bái... thế thì có gì để nhận diện được điểm khác biệt giữa hệ phái này hay của giáo phái kia? Đúng là để nhận định về một bản sắc của một giáo phái, thì chúng ta phải đi sâu vào cửa thiền, dần dần mới hiểu thấu và nắm rõ được điều khác biệt đó.

Sắc thái đặc thù của hệ phái Phật giáo cổ truyền, đơn giản nhất để chúng ta dễ nhận ra, đó là việc các nhà sư thực hiện nghi lễ cúng bái với lễ nhạc dân gian theo vùng miền, mà dân gian gọi nôm na là "Thầy cúng", hoặc theo cách gọi ngôn ngữ bác học hơn trong thiền môn, đó là "Ứng phú đạo tràng".

Nói đến nghi lễ trong Phật giáo cổ truyền, luôn gắn với nhạc lễ dân tộc. Nghi lễ mà không có âm nhạc, chỉ là gõ mõ tụng kinh đơn thuần, thì giáo phái nào, ông sư hay Phật tử nào cũng làm được. Nhưng với nghi lễ mà có lễ nhạc, thì phải là những nhà sư có chuyên môn về khoa giáo âm nhạc cổ truyền, có học hỏi đến nơi đến chốn mới có thể thực hành nhịp nhàng cùng với dàn nhạc cổ ngũ âm của dân tộc. Hình tượng nhà sư lúc này được nhân dân xem trọng kính ngưỡng nhất, bởi chính nhà sư chứ không ai khác,và qua những nghi thức tán thán Tam bảo trong thiền môn, mà có sự hòa quyện lễ nhạc cổ truyền dân tộc đã ngấm trong huyết quản của dân tộc bao đời qua, đại chúng mới thấy gần gũi, dấy lên tính uy linh của thần Phật. Qua những nghi thức như thế, nhân dân biết thêm trên đời này ngoài “vạn vật hữu linh” mà họ thờ cúng lâu nay, thì có thêm ông Phật uy linh hơn cần phải nương tựa. Nhân dân ta từ xưa, thậm chí không ít người ngày nay biết tới Phật là nhờ qua những nghi lễ như thế, chứ không phải qua kinh sách. Bây giờ, trong nghi thức triệu thỉnh vong linh ở các đám ma chay, hay triệu thỉnh thập loại cô hồn trong nghi thức cúng thí trai đàn chẩn tế ở các lễ hội… vẫn là như thế.

Điều chúng tôi muốn đặt ra ở tham luận này, đó là quan điểm về "Ứng phú đạo tràng" có phải là cốt lõi của Phật giáo cổ truyền hay không? Ta biết rằng, nét đẹp văn hóa Phật giáo, chính là phần nghi thức thể hiện bằng lễ nhạc Phật giáo. Lễ nhạc Phật giáo vốn là bản sắc nằm trong văn hóa và âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Chính vì thế, hai chữ "cổ truyền" cũng nói lên một tính chất đặc thù của Phật giáo cổ truyền Việt Nam.

Chính loại hình “Ứng phú đạo tràng” đã gắn kết với Phật giáo từ ngàn xưa, nên đại diện cho Phật giáo truyền thống giữ được nếp cũ thiền môn nối truyền đời này sang đời nọ, vốn là điều kiện để bảo tồn ngôi chùa và hình bóng nhà sư ở mọi thôn làng, thăng trầm đời sống thịnh suy của dân gian. Với quan điểm xuất thế, Phật giáo cổ truyền cũng như bên Phật giáo truyền thống đều có ánh nhìn tránh xa phù hoa danh lợi của thế quyền qua các triều đại phong kiến, cũng như họ không có quan niệm xử thế, không hướng theo sự mời gọi tham gia vào công việc chính trị xã hội.

Thế nhưng, Phật giáo cũng có truyền thống đồng hành cùng mọi thăng trầm của đất nước, thế thì quan niệm đồng hành trên đây mà lâu nay mọi giới suy nghĩ, phải chăngPhật giáo cổ truyền có quan điểm trái lại với tinh thần chung của cộng đồng Phật giáo? Đây là điều chúng ta cần phân tích cặn kẽ, để tìm ra lý tưởng nào là bản chất thực sự của Phật giáo cổ truyền.Việc làm sáng tỏ vấn đề này để thấy rằng, Phật giáo cổ truyền thật sự là xứng đáng với tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc, cùng với cộng đồng Phật giáo trải qua bao thăng trầm của đất nước.

1. Phật giáo cổ truyền gắn bó với dân tộc qua loại hình Ứng phú đạo tràng

Trong giáo lý Phật giáo xưa nay, luôn có hai khuynh hướng về nhân sinh quan nhìn ra cuộc đời này là CÓ hoặc KHÔNG, hay mọi người cũng có cách nghĩ khác khi nhìn lại bên trong sinh hoạt nội tại của Phật giáo, đó là các nhà sư tu thực hành giáo lý qua hình thức LÝ hay SỰ. LÝ đây có nghĩa là thuyết giảng, giảng dạy giáo lý, cũng tức là triết lý KHÔNG. SỰ đây có nghĩa là việc thực hành tôn giáo qua nghi lễ cúng bái, theo quan điểm triết lý CÓ. Còn theo cách gọi nôm na nữa trong giới nhạc lễ dân gian, họ gọi các thầy tu học các pháp môn khác trên con đường giải thoát là bên THIỀN. Còn các thầy bên ứng cúng phục vụ nhân sinh là bên GIÁO... Đó cũng là các thầy đại diện cho Phật giáo cổ truyền, là một hệ phái trong lòng Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Nhận diện về Phật giáo cổ truyền, trước hết chúng ta phải hiểu về phương pháp Ngũ minh của Phật giáo. Ngũ minh Phật giáo là: Nội minh; Nhân minh; Thanh minh; Công xảo minh và Y phương minh. Các nhà sư bên THIỀN, thì chuyên tâm về Nội minh và Nhân minh, bởi đó là hành giả phải giỏi về kinh và luận của Phật giáo để đem khả năng đó hoằng pháp lợi sanh và thực hành các pháp môn tu tập giải thoát. Các nhà sư bên GIÁO, thì chuyên tâm về Thanh minh (âm thanh sắc tướng), Công xảo minh (Ứng phú đạo tràng, các ngành nghề nghệ thuật) và Y phương minh (bốc thuốc chữa bệnh theo y học). Như thế ta thấy, muốn làm một nhà sư thực thụ theo Phật giáo cổ truyền thực không hề đơn giản, ngoài yếu tố là năng khiếu bẩm sinh, việc luyện tập để trở thành một nhà sư có tài năng ứng phú đạo tràng không phải ai cũng có khả năng theo đuổi làm được. Kế đó, họ lại còn phải nghiên cứu về các ngành nghề Công xảo minh để giúp nhân dân có công ăn việc làm, học hỏi Y phương minh để có thể bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng, thể hiện lòng từ bi của người gánh vác Phật giáo của địa phương...

Ta thấy rằng, chung quy lại những nhà sư Phật giáo cổ truyền có tập tính sống gần gũi nhân dân, lo việc quan, hôn, tang, tế, vui buồn cùng dân làng, chữa bệnh bốc thuốc cho người dân thể hiện lòng từ bi, là lãnh đạo tinh thần của họ ở từng địa phương cụ thể. Đó là thiên hướng bản chất của một nhà sư cổ truyền là sống với dân, lo cho dân, gánh vác cho dân về lĩnh vực tâm linh đạo đức. Vì thế, chúng tôi xác định phẩm chất tốt đẹp của Phật giáo cổ truyền là luôn luôn có truyền thống gắn bó keo sơn với nhân dân và dân tộc.

2. Phật giáo cổ truyền gắn bó với dân tộc qua tinh thần yêu nước

Mảng thứ hai này, chúng tôi nghĩ hầu hết tham luận đều đã đề cập đến công lao không thể phủ nhận của chư tôn đức Phật giáo cổ truyền tỏ rõ hành động yêu nước của mình qua việc đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc. Vì sao như vậy? Chư tôn đức Phật giáo cổ truyền có truyền thống luôn sống với dân và gần dân, bảo vệ dân chúng của mình chống lại bất công xã hội bởi nạn cường hào ác bá sách nhiễu nhân dân. Hễ tầng lớp cai trị nào không lấy dân làm gốc, chạy theo ngoại bang làm hại cho dân tộc đất nước, thì các ngài luôn đứng về phía nhân dân, sẵn sàng đứng lên giúp đỡ lực lượng cách mạng giành lại chủ quyền tự quyết của nhân dân và dân tộc mình.

Gần nhất, ta có thể trong hai cuộc cách mạng, cách mạng chống thực dân Pháp giành độc lập từ năm 1950 - 1957 và cách mạng thống nhất nước nhà từ năm 1961 - 1975. Công lao của các Hòa thượng Phật giáo cổ truyền đứng trong hàng ngũ cách mạng hoặc hỗ trợ cách mạng ở khu vực miền Nam Việt Nam có thể điểm qua như sau:

- Hòa thượng Thích Thành Đạo         Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Minh Nguyệt       Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Thiện Hào           Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Pháp Dõng          Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Pháp Lan             Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Thiện Tòng          Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Bửu Ý                 Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Hiển Pháp           Tp. Hồ Chí Minh

- Hòa thượng Thích Huệ Thành          Tỉnh Đồng Nai

- Hòa thượng Thích Trí Tấn                Tỉnh Bình Dương

- Hòa thượng Thích Thiện Hương       Tỉnh Bình Dương

- Hòa thượng Thích Giác Điền            Tỉnh Tây Ninh

- Hòa thượng Thích Hoàng Minh        Tỉnh Tiền Giang

- Hòa thượng Hồng Căn Chí Tịnh       Tỉnh Tiền Giang

- Hòa thượng Thích Huệ Hòa             Tỉnh Tiền Giang

- Hòa thượng Thích Hoằng Thông      Tỉnh Tiền Giang

- Hòa thượng Thích Pháp Tràng         Tỉnh Tiền Giang

- Hòa thượng Thích Hồng Liên           Tỉnh Bến Tre

- Hòa thượng Thích Pháp Thân          Tp. Cần Thơ

- Hòa thượng Thích Bửu Đồng           Tỉnh Long Xuyên

- Hòa thượng Thích Huệ Viên             Tỉnh Bạc Liêu

- Hòa thượng Thích Hiển Giác            Tỉnh Bạc Liêu

v.v.

Và còn rất nhiều vị khác nữa. Ở đây, chúng tôi chỉ đơn cử một số vị điển hình của Phật giáo cổ truyền tại miền Nam.

3. Phật giáo cổ truyền gắn bó với dân tộc qua bảo tồn văn hóa

Một thành tựu khác nữa của Phật giáo cổ truyền, đó là tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, gần như là lưu giữ trọn vẹn những chân giá trị ngàn xưa của chư Tổ, không để biến đổi bởi thời gian. Ngày xưa, các Tổ hành đạo sinh hoạt như thế nào, nếp cũ trong sinh hoạt thiền môn như thế nào, thì ngày nay các hành giả của Phật giáo cổ truyền vẫn bảo tồn nguyên vẹn như vậy, từ hình thức nghi lễ âm nhạc đến đường nét rêu phong sắc màu cổ kính của ngôi chùa, nhìn vào là nhận diện được ngay đó là tính chất của Phật giáo cổ truyền.

Chúng ta thấy rằng ngày nay hầu hết du khách nước ngoài khi tìm đến du lịch ở đất nước Việt, họ đều rất chú ý tìm hiểu về các nét văn hóa đặc trưng của đình, đền, chùa, miếu, nhất là những ngôi chùa cổ của hệ phái Phật giáo cổ truyền. Họ đến những nơi ấy, không chỉ là tham quan, tìm hiểu nét đẹp cổ kính, mà còn có sinh hoạt tâm linh, điều mà văn hóa phương Tây không biết nhiều. Như ta thấy, ví như ngôi chùa Ngọc Hoàng, chùa Giác Lâm ở Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Long Thiền, Đại Giác, Bửu Long ở Biên Hòa, chùa Hội Khánh ở Bình Dương... với tấp nập du khách, đa phần là khách Tây phương đến nghiên cứu tìm hiểu.

Từ ngày xưa, mái chùa trong dân gian luôn là biểu tượng văn hóa tâm linh của người Việt. Ngôi chùa tồn tại trong lịch sử vốn được tiếp nối trải qua nhiều thế hệ truyền thừa giữ gìn, chính vì thế mà ca dao Việt Nam cũng có nói đến đặc trưng sinh hoạt của Phật giáo cổ truyền như sau:

Con vua thì được làm vua

Con sãi ở chùa thì quét lá đa...

Ở một ngôi chùa hệ phái Phật giáo cổ truyền, là nơi lưu giữ được tất cả những gì là sinh hoạt tâm linh, điểm chú ý nhất là hệ thống tượng pháp thờ phụng và các khí cụ phục vụ nghi lễ và lễ nhạc. Hệ thống tượng pháp của một ngôi chùa cổ truyền rất nhiều tượng và có cách tôn trí rất khác với một ngôi chùa hiện đại. Về khí cụ sử dụng trong nghi lễ thì đa dạng, mỗi loại khí cụ thể hiện giá trị âm nhạc khác nhau, khi sử dụng thì âm hưởng lại hòa quyệnvào nhau, làm nên một nghi lễ có ý nghĩa và rung động tâm linh vô cùng. Âm nhạc Phật giáo đã xuất phát từ đây, tạo nên mỗi sắc thái âm hưởng riêng biệt của từng địa phương vùng miền, đó là tính chất đặc trưng của lễ nhạc, trở thành niềm tự hào của các nhà sư thuộc hệ phái Phật giáo cổ truyền.

o0o

Qua những gì chúng tôi đề cập đã thấy rằng Phật giáo Việt Nam nói chung hay cộng đồng các hệ phái Phật giáo truyền thống nói riêng, đều có sự hỗ tương gắn bó, bởi trong Phật giáo quan điểm CÓ và KHÔNG, SỰ và LÝ vốn không thể tách rời nhau, mà phải do đáp ứng vào cơ duyên của quần chúng, của xã hội có nhu cầu mong muốn. Có người thích học thiền tĩnh lặng nội tâm, có kẻ thì cần đến nghi lễ cúng bái với âm nhạc lan tỏa, để họ chuyển tải mong ước và nỗi niềm của mình hầu báo đáp hiếu ân ở ngưỡng cửa thế giới tâm linh. Đạo Phật ngàn đời là thế, cái này có thì cái kia cũng có. Người thích tịnh tu giải thoát cho mình thì cũng có người ưa lan tỏa lòng từ bi vì tiếp độ chúng sinh bằng hình thái cúng bái nghi lễ... Đó chính là quy luật cân bằng vạn vật và hỗ tương lẫn nhau trên con đường hoằng hóa giáo pháp Phật đà bằng đa dạng pháp môn để lợi lạc độ sanh vậy.

Viết tại chùa Phật học Xá Lợi, ngày 15 tháng 3 năm 2020

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6795791