Thông tin

UY TÍN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA HT. THÍCH THIỆN HƯƠNG

TRONG TỔ CHỨC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO

CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Hòa thượng THÍCH NHUẬN THANH
Thành viên HĐCM GHPGVN
Nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước

 

Nói đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là nói đến một tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước. Trong hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gần như quy tụ hầu hết các bậc chân tu giới đức, đều mang nặng tấm lòng yêu nước thương dân, đều có quá trình cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, trong đó có thể kể đến Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hương (1903-1971).

Tôi là người nhập chúng tu học tại chùa Hội Khánh trong những khoảng thời gian Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hương đảm trách các chức vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, như Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam vào năm 1960 (Canh Tý) và Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) từ năm 1953 cho đến ngày ngài viên tịch vào năm 1971 (Tân Hợi). Nay hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”, có thể nói đây là cơ hội hiếm hoi để tôi được bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân công đức cao dày của một bậc Tôn sư tiền bối, nhân đây tôi xin đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Uy tín và ảnh hưởng của Hòa thượng Thích Thiện Hương trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”.

Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hương là bậc thạch trụ tòng lâm, trụ trì đời thứ 8 của Tổ đình chùa Hội Khánh từ năm 1941 đến năm 1971. Trong khoảng thời gian ngài làm trụ trì chùa Hội Khánh, tôi có diễm phúc được tu học tại đây và vinh dự được làm đệ tử y chỉ của ngài, do từng làm thị giả cho ngài nên được thọ nhận những lời giáo huấn ý nghĩa sâu sắc của ngài. Những lời dạy dỗ bảo ban của ngài từ mấy thập kỷ qua vẫn luôn là hành trang quý báu đối với bản thân tôi trên con đường tu học và hoằng dương chánh pháp. Chính vì vậy tôi có điều kiện ghi nhớ những bài học quý giá về con đường tu hành Phật pháp, về tinh thần yêu nước mà ngài đã chỉ dạy, cũng như những cống hiến của ngài trong tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng.

1. Thân thế

Hòa thượng Thiện Hương thế danh Lê Văn Bạch, sanh ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão (1903) tại làng Tương An – Bình Thổ, quận Bến Thế, tỉnh Thủ Dầu Một. Năm lên 12 tuổi, ngài xuất gia với Hòa thượng Quảng Long trụ trì chùa Long Minh và được Bổn sư thế độ đặt pháp danh là Như Huệ. Năm lên 15 tuổi, chú tiểu Như Huệ được dự khóa luật và thọ Sa di tại giới đàn Trường Kỳ chùa Long Phước tỉnh Tân An. Một năm sau, Sa di Như Huệ được thầy Bổn sư cho theo học khóa giáo lý tại Tổ đình chùa Hội Khánh tỉnh Thủ Dầu Một do Đại lão Hòa thượng Chơn Thanh - Từ Văn khai mở và Sa di Như Huệ nhập chúng tu học luôn tại chùa Hội Khánh.

Năm Nhâm Tuất (1922), Sa di Như Huệ được thầy Bổn sư cho đi thọ đại giới tại giới đàn tại chùa Giác Lâm do Hòa thượng Hoằng Nghĩa làm đàn đầu. Tại đại giới đàn này, Tỳ kheo Như Huệ được Hòa thượng Hoằng Nghĩa ban pháp hiệu là Nhuận Huệ, pháp tự là Thiện Hương.

Năm 1930, Đại đức Thiện Hương được Hòa thượng Từ Văn và Tăng chúng cử làm thủ tọa điều hành Tăng chúng tại Tổ đình chùa Hội Khánh. Đến năm 1932, sau một năm kể từ khi Hòa thượng Từ Văn viên tịch, Hòa thượng trưởng lão chùa Từ Ân cùng chư sơn thiền đức đứng ra lập ban trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh, gồm Hòa thượng Từ Tâm là Chánh trưởng tử, giáo thọ sư Thiện Quới làm trụ trì, thủ tọa Thiện Hương làm Phó nhất trưởng tử.

Lúc bấy giờ, nhằm để phù hợp theo thứ tự truyền thừa, nên Hòa thượng Từ Tâm đã đặt chữ thế độ cho thầy Thiện Hương là Thị Huê. Vào lúc này, do Hòa thượng Từ Tâm đã làm trụ trì chùa Bình Long và đa đoan Phật sự, hơn nữa Hòa thượng Từ Tâm còn phải lẩn tránh sự khủng bố theo dõi của thực dân Pháp do Hòa thượng từng là hội viên hội danh dự yêu nước, tham gia phong trào chống pháp và phong trào tiền Nam Kỳ khởi nghĩa (HT. Từ Tâm bị giặc Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó). Trong khi đó, sư cụ Thiện Quới thì tuổi già sức yếu, nên mọi công việc Phật sự ở Tổ đình chùa Hội Khánh đều do một tay thầy Thiện Hương quản lý điều hành.

Năm 1933, thủ tọa Thiện Hương được suy cử ngôi vị Yết ma A xà lê trong đại giới đàn Chúc Thọ chùa Sắc Tứ Thiên Tôn; đến năm 1936 ngài đứng ra trùng tu lại cổng tam quan chùa Hội Khánh.

Năm 1941, sau khi sư cụ Thiện Quới viên tịch, chư tôn giáo phẩm tỉnh Thủ Dầu Một và tông môn công cử Yết ma Thiện Hương làm trụ trì chùa Hội Khánh.

Năm 1945, ngài làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một, đến năm Quý Tỵ (1953) ngài thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một. Cũng trong năm này, Yết ma Thiện Hương được Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng cùng toàn thể Tăng tín đồ Thủ Dầu Một suy cử ngài lên ngôi vị Hòa thượng, và ngài chính thức đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một. Đến năm Canh Tý (1960), ngài được suy cử chức vụ Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.

Trong suốt thời gian hành đạo, Hòa thượng Thiện Hương đã tham gia nhiều công tác Phật sự quan trọng như Phó pháp sư trường gia giáo chùa Tân Long (Gia Định), Chánh chủ kỳ chùa Long Quang, Chánh thư ký trường kỳ chùa Long Khánh (Thủ Dầu Một), Chánh chủ kỳ chùa Long Sơn (Thủ Dầu Một), Phó chủ kỳ chùa Long Hội (Mỹ Tho), Chánh chủ kỳ chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức) và nhiều Phật sự quan trọng khác…

Hòa thượng Thiện Hương là hàng pháp tôn của Trưởng lão Hòa thượng Chơn Thanh Từ Văn nên đã ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng chấn hưng Phật giáo và tinh thần yêu nước. Nhờ đó Hòa thượng đã kế thừa và phát huy hiệu quả nền móng quan trọng này trong vai trò lãnh đạo hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, vai trò và uy tín của Hòa thượng được đồng bào và chính quyền địa phương tại Bình Dương rất nể trọng.

Nói về sứ mạng tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Hòa thượng đã đào tạo nên nhiều thế hệ Tăng tài làm hạt nhân kế thừa cho Giáo hội, như Hòa thượng Quảng Viên, Hòa thượng Đồng Lưu, Hòa thượng Đồng Nghĩa…

Suốt một đời tận tâm vì đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng Thiện Hương xứng đáng là một bậc cao Tăng thạc đức, thạch trụ thiền môn của Phật giáo Nam Bộ nói chung và của Phật giáo Bình Dương nói riêng.

Sau thời gian ngắn thị hiện vô thường, Hòa thượng đã xả bỏ xác thân giả huyễn vào lúc 17 giờ ngày 10 tháng 5 (nhuần) năm Tân Hợi (tức ngày 2/7/1971) thế thọ 68 tuổi, hạ lạp 56 tuổi, đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh.

2. Vai trò của Hòa thượng Thích Thiện Hương trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một

Như chúng ta đã biết, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập vào năm 1969, có khởi nguồn hình thành từ việc sáp nhập hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử, mà hai tổ chức này vốn là từ Giáo hội Lục Hòa Tăng tách ra. Hơn nữa, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập vào năm 1969, trong khi đó, Hòa thượng Thiện Hương viên tịch vào năm 1971, do vậy, khi chúng ta nói đến vai trò của Hòa thượng Thích Thiện Hương trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, tức là chúng ta cần phải ghi nhận vai trò và những đóng góp của Hòa thượng Thiện Hương ở giai đoạn trước khi tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, đó là giai đoạn Giáo hội Lục Hòa Tăng đang trong thời kỳ hoạt động sôi nổi.

Về bản chất, lý tưởng, chủ trương, đường lối và cả về nhân sự thì Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thực chất chỉ là một, chỉ khác nhau ở danh xưng, sự khác nhau về danh xưng chỉ nói lên đặc điểm ở mỗi giai đoạn mà hệ phái Lục Hòa Tăng thể hiện vai trò hộ quốc an dân, dấn thân phụng sự đất nước, chứ cơ bản không hề có sự khác biệt.

Trên tinh thần này, tôi xin trình bày một số ý về vai trò của Hòa thượng Thích Thiện Hương trong tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng như sau:

Nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy, Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời vào năm 1952, đó là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã được Hòa thượng Từ Văn thành lập vào năm 1920; Giáo hội Lục Hòa Tăng cũng chính là hậu thân của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ ra đời vào năm 1947.

Bắt đầu từ năm 1947, đây là mốc thời gian Phật giáo cứu quốc Nam Bộ được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Thiên Kim (Tháp Mười) do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Hội phó. Đến năm 1949, do yêu cầu của tổ chức và để phù hợp với tình hình thực tế, nên tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc phải chuyển hướng hoạt động, do đó ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tự giải tán, tuy nhiên tất cả các vị ủy viên ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ đều trở thành sáng lập viên, đều cùng đồng tâm chung sức vận động thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng, nhờ vậy mà đến tháng 2/1952, thì Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam chính thức được thành lập.

Sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam được thành lập vào ngày 9/2/1952, trong khoảng thời gian này, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh. Do yêu cầu kháng chiến nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tình hình tham gia hoạt động các phong trào yêu nước, nên Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc, hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử. Đến năm 1960, Hội Lục Hòa Tăng trở thành Giáo hội Lục Hòa Tăng, cơ cấu lãnh đạo gồm: Hòa thượng Thành Đạo (Tổ đình Phật Ân) làm Tăng trưởng, Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng giám và Hòa thượng Thiện Hương (Tổ đình Hội Khánh) làm Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương, trụ sở đặt tại chùa Phật Ân, sau dời về chùa Giác Lâm (cùng địa điểm với trụ sở Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam).

Trên cương vị Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Hòa thượng Thiện Hương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hệ phái Lục Hòa Tăng tại tỉnh nhà và đẩy mạnh các hoạt động thi đua yêu nước. Qua đó cho thấy, Hòa thượng vừa đóng vai trò lãnh đạo Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, vừa đóng vai trò trực tiếp tiến hành các hoạt động đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trong giai đoạn toàn dân tộc đang dấy lên cao trào đồng khởi.

Trong vai trò lãnh đạo Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và là Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một, đương thời Hòa thượng Thiện Hương là bậc giáo phẩm của hệ phái Lục Hòa Tăng rất có uy tín tại địa phương. Tất cả các tổ chức Phật giáo thời bấy giờ muốn hình thành trên đất Bình Dương thì đều phải có ý kiến đồng thuận của Hòa thượng Thiện Hương, cụ thể như tổ chức Phật giáo Tăng già Khất sĩ Nam Việt đến Bình Dương thành lập tịnh xá thì lúc bấy giờ Ni sư Huỳnh Liên phải đến chùa Hội Khánh xin ý kiến của Hòa thượng Thiện Hương. Sau khi được Hòa thượng đồng ý, Ni sư Huỳnh Liên mới tiến hành lập Tịnh xá Ngọc Bình (người dân địa phương gọi là chùa úp nồi vì trên nóc tịnh xá có chụp lên một cái nồi để tránh mưa). Hay vào tháng 10/1965, Thượng tọa Thích Tâm Châu lúc đó là Viện trưởng Viện Hóa Đạo (1964-1967) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trước khi tiến hành Đại hội thành lập Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Bình Dương cũng đã đến Tổ đình chùa Hội Khánh, trụ sở Giáo hội Lục Hòa Tăng Bình Dương để gặp Hòa thượng Thích Thiện Hương xin phép. Đồng thời, cung thỉnh quý ngài lãnh đạo trong tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng Bình Dương vào thành phần lãnh đạo Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Bình Dương. Lúc đó Hòa thượng Thiện Hương và các hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Lục Hòa Tăng Bình Dương chỉ nhận vai trò chứng minh và cố vấn tối cao, như Hòa thượng Tăng trưởng Thích Thiện Hương, Hòa thượng Thích Quảng Nhu, Hòa thượng Thích Pháp Huệ, Hòa thượng Thích Chơn Hương. Đồng thời, Hòa thượng Tăng trưởng Thích Thiện Hương cắt cử Thượng tọa Thọ Thiện (chùa Phổ Minh) làm Chánh Đại diện, Đại đức Thích Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng) làm Phó Đại diện kiêm đặc trách hoằng pháp; Đại đức Thích Quảng Viên và Đại đức Thích Trí Bổn đặc trách Tăng sự, văn phòng của tổ chức này được đặt tại chùa Thiện Đức, phường Phú Cường, Thị xã Thủ Dầu Một. Được biết, trong khoảng thời gian tiến hành Đại hội thành lập Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Bình Dương, Thượng tọa Thích Tâm Châu đến chùa Hội Khánh gặp Hòa thượng Thiện Hương xin được làm thành viên của Phật giáo tỉnh Bình Dương, nhân đó cũng mời Hòa thượng Thiện Hương làm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Bình Dương, thì Hòa thượng Thiện Hương đã rất khéo léo trả lời rằng “Ở đây chỉ có Bình Dương hóa, chứ không thể nào hóa Bình Dương”. Điều này một lần nữa cho thấy, vai trò và uy tín của Hòa thượng Thiện Hương có sức ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với nội bộ hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng, đối với các tổ chức hệ phái Phật giáo đóng trên địa bàn tỉnh, mà còn đối với chính quyền sở tại và đồng bào, quần chúng Phật tử tại Bình Dương.

Quay lại giai đoạn thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam vào năm 1952, cũng trong thời gian này, ở Thủ Dầu Một, hòa cùng phong trào chung của tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng, quý hòa thượng trong tổ chức Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một trước đây, cũng đứng ra thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một vào ngày 31/12/1953 (tức ngày 25 thánh 11 năm Quý Tỵ) do sự ủy quyền của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ngày 27/11/1953 và giấy phép chấp nhận của chính quyền tỉnh Thủ Dầu Một ghi ngày 1/2/1954. Lúc bấy giờ, Hòa thượng Thích Thiện Hương đang làm trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh, được Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng cùng toàn thể chư Tăng trong hệ phái Lục Hòa Tăng suy cử chức vụ Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một.

Lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một gồm có Hòa thượng Thích Thiện Hương làm Tăng trưởng, Hòa thượng Thích Quảng Nhu (chùa Long Thọ) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Khoa (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám, Giáo thọ Thích Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng) làm Tổng Thư ký; trụ sở đặt tại Tổ đình chùa Hội Khánh. Tôn chỉ của Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một là hòa hợp đoàn kết trên tinh thần lục hòa cộng trụ, truyền bá chánh pháp, gìn giữ truyền thống yêu nước bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử Phật giáo Bình Dương1 ghi nhận, sau khi Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam thành lập vào tháng 2/1952, thì chỉ hơn một năm sau đó, tại Thủ Dầu Một cũng đã hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một, điều này cho thấy sự nhanh chóng hòa nhập vào hệ thống tổ chức Lục Hòa Tăng để kịp thời tổ chức triển khai các hoạt động đấu tranh góp phần giành độc lập cho dân tộc, xây dựng và phát triển Phật giáo tỉnh nhà. Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi ra đời, Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Thiện Hương đã tiến hành thành lập các tổ chức cấp quận huyện hội để điều hành Phật sự. Cụ thể, tại Quận hội Lục Hòa Tăng Châu Thành do Hòa thượng Quảng Nhu (chùa Long Thọ) làm Tăng giám; Quận hội Lục Hòa Tăng Lái Thiêu do Hòa thượng Giác Hoa (chùa Thiên Bửu) làm Tăng giám; Quận hội Lục Hòa Tăng Bến Cát do Hòa thượng Thiện Đức (chùa Hương Sơn) làm Tăng giám; Quận hội Lục Hòa Tăng Phú Giáo do Hòa thượng Thiện An (chùa Bửu Phước) làm Tăng giám…

Lúc bấy giờ, Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một (sau là Sông Bé và nay là Bình Dương) có trên 60 tự viện, chiếm 70% các cơ sở tổ chức giáo hội Phật giáo tại tỉnh nhà và hàng chục ngàn tín đồ Phật tử. Có thể nói rằng, nhờ uy tín và đức độ của Hòa thượng Thích Thiện Hương nên chỉ trong một thời gian ngắn tổ chức này phát triển cực thịnh ở Thủ Dầu Một cho đến trước năm 1981. Tính từ ngày thành lập Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng tại Thủ Dầu Một vào năm 1953 đến năm 1970, trong suốt ngần ấy thời gian, Giáo hội đã tổ chức 15 khóa học giáo lý cho Tăng chúng và các hội viên gồm: Lịch sử đức Phật, Qui nguyên trực chỉ, Nhị khóa hiệp giải, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng và mở nhiều khóa học giáo lý cho tăng chúng tu học. Ngoài ra Hội còn tổ chức các buổi giảng kinh cho trên 1.000 tín đồ Phật tử đến dự, tái bản hàng ngàn kinh sách giáo lý và vô số công tác từ thiện vì cộng đồng. Điều này cho thấy Hòa thượng Thích Thiện Hương đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của tổ chức hệ phái Lục Hòa Tăng tại Thủ Dầu Một, nhất là các hoạt động thi đua yêu nước thông qua công tác an sinh xã hội đã được đông đảo Tăng, Ni, Phật tử và quần chúng nhân dân hưởng ứng.

Cũng cần nói thêm, từ năm 1922 trở đi, Tổ đình chùa Hội Khánh từ thời Hòa thượng Từ Văn làm trụ trì, đã được xem là cái nôi của công cuộc chấn hưng Phật giáo miền Đông Nam Bộ và cũng là cái nôi của các phong trào hoạt động yêu nước, nên khi Hòa thượng Thích Thiện Hương làm trụ trì Tổ đình chùa Hội Khánh đã kế thừa truyền thống quý giá này từ thế hệ đi trước. Hơn nữa, Hòa thượng Thích Thiện Hương trước khi làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một- Bình Dương, thì vào năm 1945 ngài đã làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một, chính vì vậy, khi đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một, ngài có một tiếng nói rất lớn đối với nội bộ Phật giáo tỉnh nhà và cộng đồng Tăng, Ni trong toàn khu vực, nhờ đó mà ngài đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, điều hành và phát triển Giáo hội Lục Hòa Tăng trong phạm vi ngài phụ trách, cũng như trong các hoạt động yêu nước của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam tại Thủ Dầu Một nói riêng và tại các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ nói chung.

Thấm thoát thời gian gần nửa thế kỷ trôi qua, khi nói về Ngài, Tôi cảm nhận ngài luôn hiện hữu trong tâm tư, ký ức của toàn thể Tăng, Ni, Phật tử cũng như những người yêu mến đạo Phật vùng đất Thủ Dầu Một. Nhân buổi Hội thảo này, một lần nữa đã giúp tôi nhớ và ghi lại cuộc đời của một vị cao Tăng đã cống hiến cho đạo pháp, dân tộc trong suốt thờ gian lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền – Lục Hòa Tăng - Lục Hòa Phật tử nói chung và Thủ Dầu Một - Bình Dương nói riêng.

 


1. Thích Huệ Thông (2015), Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6953856