Thông tin

VÀI BÀI HỌC NGHĨ TỪ

PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

HT.TS THÍCH GIÁC TOÀN*

 

Để thực sự đóng góp vào sức mạnh nội tại của dân tộc, làm nên thế mạnh trong các quan hệ quốc tế, Phật giáo Việt Nam vẫn cần phải chấn hưng. Điều này cũng bình thường vì việc chấn hưng Phật giáo cũng đang được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới…

Từ thập niên 20 của thế kỷ trước, một cuộc vận động tư tưởng rộng lớn đã diễn ra hết sức sôi nổi trên khắp ba miền Nam, Trung, Bắc ở đất nước ta với kết quả là đã làm thay đổi rất nhiều nội dung và hình thức hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam; cuộc vận động này được gọi là Phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngay từ lúc phát khởi, phong trào đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các bậc nhân sĩ trí thức đương thời với nhận định: Phật giáo hưng thịnh thì quốc gia hưng thịnh.

Chấn hưng có nghĩa là khơi dậy và làm cho hưng thịnh. Trong ý nghĩa này thì cho đến nay và mãi mãi về sau, việc chấn hưng Phật giáo vẫn tiếp tục không ngừng.

Ở Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, tình hình Phật giáo trong nước không lấy gì làm sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn có những vị cao tăng duy trì được mạng mạch Phật pháp. Có thể kể, tại miền Nam, các vị thiền sư Từ Phong, trụ trì chùa Giác Hải (Chợ Lớn), thiền sư Khánh Hòa, trụ trì chùa Tiên Linh (Bến Tre), thiền sư Chí Thành, trụ trì chùa Phi Lai (Châu Đốc)… Tại miền Trung, ở Huế có các vị thiền sư Tuệ Pháp, chùa Thiên Hưng, thiền sư Thanh Thái, chùa Từ Hiếu, thiền sư Đắc Ân, chùa Quốc Ân, thiền sư Tâm Tịnh, chùa Tây Thiên…; ở Bình Định có các vị thiền sư Phước Huệ, chùa Thập Tháp, thiền sư Phổ Tuệ, chùa Tĩnh Lâm… Tại miền Bắc, các chùa Vĩnh Nghiêm, Hòe Nhai, Linh Quang… vẫn là những tổ đình có uy tín với quần chúng Phật tử. Từ những trung tâm Phật giáo rời rạc đó, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đã từng bước bùng phát.

Diễn tiến từ phong tro chấn hưng

Ngay từ những năm 1920, trên báo chí quốc ngữ Việt Nam đã xuất hiện những bài viết kêu gọi chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, về hành động cụ thể thì lịch sử ghi nhận rằng Hòa thượng Khánh Hòa, chùa Tiên Linh, tỉnh Bến Tre là người mở đầu phong trào để rồi sau đó các tổ chức nghiên cứu Phật học nối tiếp nhau ra đời. Ban đầu là Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1930, kế đến là Hội An Nam Phật học được thành lập tại Huế năm 1932 và Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập tại Hà Nội năm 1934.Các hội này đều xuất bản các tạp chí Phật học, chủ yếu viết bằng chữ quốc ngữ, làm cơ quan hoằng pháp. Các tổ chức đầu tiên đã quy tụ được nhiều bậc cao tăng và nhân sĩ trí thức tham gia hoạt động tích cực. Lễ suy tôn Thiền gia Pháp chủ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ được tổ chức rất long trọng vào đầu năm 1936, có đại diện của hầu hết các sơn môn và tông phái miền Bắc. Lễ Phật đản tại Huế năm 1935 đã mời được vua Bảo Đại và Thái hậu làm Hội chủ danh dự. Các trường giảng dạy Phật học được tổ chức ở khắp ba miền, tập trung tại các chùa lớn, đào tạo nhiều Tăng Ni sinh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước tập trung vào công cuộc kháng chiến. Để vận động đồng bào Phật tử, mỗi tỉnh đều lập một Ủy ban Phật giáo Cứu quốc. Thời kỳ này có nhiều tổ chức được chuyển đổi, thành lập, trong đó có 6 tổ chức lớn tại ba miền, mỗi miền gồm một tổ chức của Tăng sĩ và một tổ chức của Cư sĩ. Ngày 6.5.1951, các đại biểu của sáu tập đoàn Phật giáo Nam Trung Bắc họp hội nghị tại chùa Từ Đàm - Huế, đồng thanh quyết nghị thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức thống nhất, đặt trụ sởtại Huế, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội trưởng.

Sau Hiệp định Genève chia cắt đất nước, Tổng hội Phật giáo Việt Nam cũng bị chia cắt. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động, vì trên thực tế các Hội vẫn hoạt động độc lập và một số tổ chức vẫn cố gắng duy trì những thành quả đã đạt được, đặc biệt là trong lãnh vực đào tạo tăng tài. Năm 1958, các tổ chức của Tổng Hội tại miền Bắc thống nhất lại thành Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, tôn Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Phó Hội trưởng.

Tại miền Nam, sau Pháp nạn năm 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập vào năm 1964 với thành phần nòng cốt là các tổ chức thuộc Tổng Hội Phật giáo Việt Nam vẫn hoạt động liên tục.

Cũng cần ghi nhận rằng ngoài những tổ chức Phật giáo có tính cách truyền thống của người Việt như đã nói trên, tại miền Nam Việt Nam sau năm 1945 còn có hai hệ phái Phật giáo mới xuất hiện là Phật giáo Nguyên thủy và Đạo Phật Khất sĩ.

Trước đây, Phật giáo Nam tông ở Việt Nam chỉ thịnh hành trong cộng đồng người Khmer. Khoảng năm 1940, người Việt bắt đầu tiếp nhận truyền thống Phật giáo Nam tông do các ngài Hộ Tông, Thiện Luật du học ở Nam Vang truyền về. Ban đầu, Phật giáo Nam tông Việt Nam xây dựng chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Đức để làm cơ sở hoằng pháp. Đến năm 1957, khi nhân sự đã vững vàng và cơ sở hành đạo đã phát triển, Tổng Hội Cư sĩ và Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đã được thành lập tại chùa Kỳ Viên ở Sài Gòn rồi từng bước phát triển.

Vào năm 1947, trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là tại tỉnh Mỹ Tho, một tổ chức Phật giáo mới với danh xưng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đã ra đời. Tổ chức này xuất phát từ việc truyền đạo của một tu sĩ tự tu tự chứng là ngài Minh Đăng Quang đã một mình tìm lên đất Campuchia để học tiếng Khmer và tìm hiểu kinh Phật. Sau khi nắm được yếu chỉ của đạo Phật, ngài xướng xuất chủ trương “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” và hành trì theo lối “xin ăn tu học” – nghĩa là phương pháp khất thực đã được các Phật tử thời nguyên thủy hành trì từ nhiều ngàn năm trước ở Ấn Độ.

Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, các tổ chức Phật giáo ở hai miền Nam Bắc vận động thống nhất thành một Giáo hội chung nhất. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, do Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ và Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự.

Nhận định về phong trào chấn hưng Phật giáo đến năm 1981

Khởi phát từ đầu thế kỷ XX, trong hoàn cảnh đất nước còn nằm dưới sự cai trị của người Pháp, Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ vẫn chịu sự ràng buộc của những luật lệ khắt khe dành cho người dân xứ thuộc địa. Tuy nhiên, qua những phong trào yêu nước, nhất là sự ra đời các Đảng Cộng sản và được thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, đã buộc chính quyền thực dân điều chỉnh chính sách với hy vọng lôi kéo quần chúng nhân dân, trong đó có chú ý đến tín ngưỡng truyền thống. Chính vì thế, trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1945, các hội đoàn Phật giáo đã có thể có mặt và được sự ủng hộ phần nào của chính quyền thuộc địa. Cụ thể là Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học có sự tham gia của Thống đốc Nam kỳ Khrautheimer trong vai trò Hội trưởng Danh dự; ở miền Trung, Khâm sứ Huế là Maurice Fernand Graffeuil nhận lời làm Hội trưởng Danh dự của Hội An Nam Phật học; và tại miền Bắc, Toàn quyền Đông Dương René Robin cũng giữ chức Hội trưởng Danh dự của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Nhưng từ sau 1945, khi thấy rõ các hội đoàn Phật giáo đều có thiện cảm với cuộc đấu tranh giành độc lập do Việt Minh lãnh đạo, chính sách của thực dân lại được điều chỉnh một lần nữa, theo chủ trương chia rẽ lương giáo, tuyên truyền dị đoan, dùng sức mạnh quân sự để trấn áp và thủ tiêu lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm của nhân dân mà phần lớn nhân dân Việt Nam có lòng hướng về đạo Phật.

Sau khi đất nước bị chia đôi, chính thể miền Nam đã triệt để áp dụng chính sách đàn áp Phật giáo, dẫn đến sự kiện năm 1963. Nhận định về hoạt động của phong trào trong thời kỳ đầu, các nhà nghiên cứu đều thống nhất những điểm sau:

1. Việc hầu như tất cả các hội Phật giáo đều xuất bản tạp chí viết bằng chữ quốc ngữ làm cơ quan hoằng pháp của mình đã góp phần đẩy mạnh việc học chữ quốc ngữ trong cả nước bấy gờ đang phát triển. Điều đó, một mặt đã góp phần nâng cao tỷ lệ biết chữ trong dân chúng; mặt khác, làm phong phú thêm cho văn học quốc ngữ. Việc thể hiện tư tưởng Phật học bằng chữ quốc ngữ đã đóng góp một lượng từ vựng rất lớn vào kho từ vựng quốc ngữ lúc ấy đang được tích tụ dần.

2. Phong trào trong thời kỳ đầu chú trọng đến việc chỉnh lý Tăng già và đào tạo tăng tài. Các mục tiêu này tuy không đạt được như mong muốn nhưng đã góp phần đẩy lùi nhiều quan niệm mê tín dị đoan vốn bám rễ sâu trong lòng người dân thiếu kiến thức, đã xây dựng được một thành phần tu sĩ bấy giờ còn trẻ tuổi, có học thức, có giới hạnh, hiểu rõ Phật pháp, có khát vọng góp phần trong việc xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam ngang tầm với Phật giáo thế giới. Nhiều người được đào tạo trong thời gian này đã trở thành các bậc cao tăng có những đóng góp xứng đáng cho Phật giáo Việt Nam về sau. Hoạt động giáo dục của Phật giáo Việt Nam đã tiến tới việc thành lập các trường Phật học được tổ chức quy củ, có chương trình đào tạo tương đối hợp lý, có hệ thống từ sơ cấp đến cao cấp, có kết hợp nội điển với ngoại điển và đã bước đầu cử Tăng ni ra nước ngoài du học.

3. Việc tổ chức và hoạt động của các hội đoàn tham dự vào việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ đã tạo được một bộ mặt mới mang tính tích cực cho Phật giáo Việt nam, hứa hẹn những thành tựu mới. Nếu như trước đây các tổ đình và sơn môn hoàn toàn độc lập và bình đẳng trong việc tu tập, đào tạo và hoằng pháp thì việc xuất hiện các Hội Phật giáo, nhất là An Nam Phật học hội đã có hình thái của một tổ chức hàng dọc, có các cấp từ trung ương tới địa phương. Lại nữa, các Hội thu hút cả thành phần cư sĩ tham gia hoạt động, cũng có tiếng nói trong mọi vấn đề quản trị, góp phần bổ khuyết phương diện nhập thế cho sinh hoạt Tăng già. Sự có mặt của các nhà trí thức nữ lưu đã khiến cho các Hội Phật học có mặt đủ tứ chúng (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di) như thời nguyên thủy.

4. Phong trào đã làm mới các hoạt động hoằng dương Phật pháp. Thông qua việc xuất bản sách báo, giáo lý của đạo Phật được đông đảo quần chúng Phật tử hiểu rõ. Những tranh luận về tư tưởng triết học và giáo lý của đạo Phật đã làm nổi bật tính cách tích cực của Phật giáo, xóa bỏ dần quan điểm Phật giáo là tôn giáo yếm thế.

5. Do sự tham gia tích cực của hầu hết các bậc nhân sĩ trí thức hàng đầu, Phật giáo thực sự củng cố được uy tín trong lòng quần chúng. Những nhận định chủ quan phiến diện về Phật giáo như thuần mê tín, yếm thế lánh đời… dần dần đã bị đẩy lùi; thay vào đó, quan điểm đạo Phật là nền tảng tư tưởng Việt Nam ngày càng được củng cố.

6. Việc thành lập các ban đồng ấu và các nhóm Gia đình Phật hóa phổ ở khu vực miền Trung; các tổ chức này giúp đưa Phật pháp đến với mọi tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng, tạo một nền tảng tương lai cho Phật giáo Việt Nam.

7. Phong trào gây được tiếng vang ở nước ngoài qua việc cử những phái đoàn đại diện Việt Nam tham dự các Hội nghị Phật giáo Quốc tế; nhờ đó, một mặt nâng cao uy tín Phật giáo Việt Nam trước bạn bè quốc tế, mặt khác đã tạo cơ hội cho Phật tử Việt Nam làm quen và có kinh nghiệm về các hoạt động hội thảo, hội nghị.

Nhìn chung, có thể nói hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã thực sự đem lại sinh khí cho đạo Phật Việt Nam, có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng nền quốc học và đã trở thành nền tảng cho việc thành lập một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trên cả nước vào thời điểm thích hợp sau này. Tuy nhiên, đã có những lúc phong trào không duy trì được sự thống nhất về ý chí và hành động. Lại nữa, có những nhà lãnh đạo Phật giáo quá hăng hái muốn đẩy mạnh những thành quả hoạt động của phong trào nên đã có những biện pháp táo bạo gây nên sự mất đoàn kết khiến có lúc Phật giáo đã chịu những tổn thất không đáng có ngay sau thành công trong việc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Những bài học cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay

Nhìn lại các hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo, những người có tâm huyết đối với mạng mạch của Phật giáo Việt Nam đều mong muốn tìm được một số bài học kinh nghiệm để góp phần vào việc định hướng sự phát triển của Phật giáo, nhờ vậy mà Phật giáo có thể có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển bền vững của đất nước, nâng cao uy thế của dân tộc Việt Nam trong cộng đồng loài người. Qua những nhận định có tính tổng quát nêu trên, chúng tôi muốn nêu ra bốn bài học lớn mà Phật giáo Việt Nam cần quan tâm:

Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam cần giành được sự ủng hộ của chính quyền đương thời để xây dựng một nền Phật giáo thực sự có tính dân tộc, phù hợp với giáo pháp của Đức Bổn sư và đáp ứng được tính cách thời đại. Như trên đã thấy, dù với động cơ nào, chính là từ khi có sự thay đổi chính sách của chính quyền thực dân mà các hội đoàn Phật giáo đầu tiên đã được thành lập; đến khi các nhà cầm quyền đương thời cảm thấy lo ngại về sự hiện diện của Phật giáo, họ đã tạo nên những áp lực khiến Phật giáo không thể phát triển được mà phải áp dụng những biện pháp tranh đấu, tuy là bất bạo động, nhưng vẫn mang lại tổn thất. Ngày xưa, Đức Phật đã thuyết phục được những bậc vương chủ thời ấy như vua Ba-tư-nặc, vua Tần-bà-sa-la, vua A-xà-thế… chấp nhận giáo pháp của Ngài; Đức Phật không bao giờ chỉ trích hay chống đối các nhà cai trị đương thời. Vấn đề là Phật giáo không giành sự ủng hộ của chính quyền để cầu tìm những ưu đãi về vật chất, mà để có không gian giới thiệu giáo pháp từ bi và trí tuệ của Phật giáo. Vì vậy, trong lúc tìm kiếm sự ủng hộ của chính quyền, Phật giáo vẫn phải gìn giữ những điểm cốt lõi trong tư tưởng của Đức Phật, thẳng thắn trong việc trao đổi những vấn đề xã hội dựa trên nền tảng giáo pháp và lợi ích của dân tộc.

Thứ hai, Phật giáo phải luôn luôn giữ được sự tin cậy của quần chúng. Chính sự tin cậy của quần chúng đã mang lại cho phong trào chấn hưng Phật giáo sức mạnh cần thiết để thực hiện các Phật sự từ chỉnh lý Tăng già đến đào tạo tăng tài, từ xóa bỏ mê tín hủ tục đến củng cố niềm tin vào giáo pháp và xây dựng cơ sở giáo dục thanh thiếu niên, từ mở rộng việc quảng bá Phật pháp đến xác lập tính cách nhập thế tích cực vì đời của giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy. Chính nhờ sự tin cậy của quần chúng mà các chùa chiền, tự viện, cơ sở hoằng pháp… được xây dựng. Cũng chính nhờ sự tin cậy của quần chúng mà cuộc vận động chống lệnh cấm treo cờ Phật giáo trong dịp Phật đản năm 1963 đã đi đến thành công.

Thứ ba, Phật giáo phải bắt nhịp được với cuộc sống của thời đại, không chỉ trong đất nước mình mà phải nhìn ra toàn cầu. Chính việc tiếp xúc với tư tưởng chấn hưng Phật giáo trên toàn thế giới thông qua những sách báo tiến bộ từ bên ngoài đưa vào mà các nhân sĩ Phật giáo đã nhìn thấy thời cơ của việc phát động và đẩy mạnh phong trào hồi đầu thế kỷ XX. Ngày nay, hầu như toàn thể giới trí thức khoa học đương thời đã công nhận giáo lý căn bản của Phật giáo là có tính cách hợp lý và phù hợp với tinh thần khoa học, không giáo điều, không đòi hỏi niềm tin vô căn cứ và không có chủ trương củng cố sức mạnh của giáo đoàn. Do vậy, giới học thuật đương thời đã tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề toàn cầu trong những lời dạy của Đức Phật để giải quyết các khủng hoảng thời đại. Phật giáo Việt Nam cần bám sát các tiến bộ ấy của Phật giáo trên toàn thế giới để góp phần với các cộng đồng Phật giáo toàn cầu đưa những quan điểm Phật giáo vào đời sống.

Thứ tư, các cư sĩ cả nam lẫn nữ là thành phần đáng kể của tứ chúng trong Tăng đoàn của Đức Phật thời nguyên thủy, là thành phần có khả năng trực tiếp đưa giáo pháp của Đức Phật vào cuộc sống, cần phải có vai trò trong Giáo hội tương xứng với năng lực và trí tuệ của họ để phát huy sức mạnh của Phật giáo Việt Nam. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX sở dĩ có được những thành tựu mang tính cách nền tảng cũng nhờ có sự hoạt động hăng hái và nhiệt tình của các vị nhân sĩ trí thức, đã đóng góp cả trí tuệ lẫn công sức cho hầu như mọi hoạt động của phong trào. Ở toàn châu Á, ngay từ đầu, phong trào cũng khởi phát từ những vận động mạnh mẽ của các cư sĩ người Sri Lanka và người Trung Quốc; sau đó các vị cư sĩ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có những hoạt động tích cực để đẩy mạnh phong trào trên kháp thế giới.

Ở đây, để tiếp thu những bài học từ phong trào chấn hưng Phật giáo từ đầu thế kỷ XX, chúng tôi xin nêu một vài yêu cầu đối với hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện tại:

Thứ nhất, mọi Tăng Ni thuộc Giáo hội đều phải tinh cần thực hành giáo pháp của Đức Phật, thể hiện đúng Tam vô lậu học, lấy Giới-Định- Tuệ làm kim chỉ nam cho mọi hành hoạt của mình, để nêu cao uy tín của Phật pháp, của Giáo hội; và có đủ bản lãnh giành được sự ủng hộ của chính quyền, của Phật tử và sự đồng tình của quần chúng nhân dân.

Thứ hai, việc làm sống động giáo pháp của Đức Phật cũng như việc hành trì, gìn giữ và phát huy những nguyên tắc đạo đức của Phật giáo cần được thực hiện trong sự hài hòa với các tôn giáo khác và phải hòa nhập sâu vào thực tại xã hội.

Thứ ba, việc truyền bá giáo pháp của Đức Phật phải phù hợp với lợi ích của dân tộc và của cả loài người. Mặc dù việc thực hành Phật pháp khác với các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị, nhưng Phật giáo cần quan tâm đến xã hội và luôn có ý thức trách nhiệm với xã hội.

Kết luận

Trở lại với quan điểm đã nêu ngay từ đầu rằng việc chấn hưng Phật giáo là việc cần phải được tiến hành thường xuyên, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến hai ý kiến của các bậc thức giả đã nêu ra trong các cuộc tranh luận về nhu cầu chấn hưng Phật giáo hồi đầu thế kỷ XX, đó là Phật giáo hưng thịnh thì quốc gia hưng thịnh đạo Phật vẫn là viên đá tảng của nền văn hóa và tư tưởng Việt Nam. Nói khác đi, Phật giáo luôn là một thành phần thiết yếu của dân tộc cả về mặt nền tảng tư tưởng lẫn triển vọng tương lai; vì thế Phật giáo phải trở nên một thành tố quan trọng trong sức mạnh nội tại của dân tộc và là một thế mạnh của Việt Nam trong các quan hệ và trao đổi quốc tế.

Dựa vào tình hình hoạt động thực tế của Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm qua, rõ ràng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, để thực sự đóng góp vào sức mạnh nội tại của dân tộc, làm nên thế mạnh trong các quan hệ quốc tế, Phật giáo Việt Nam vẫn cần phải chấn hưng. Điều này cũng bình thường vì việc chấn hưng Phật giáo cũng đang được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới; ngay cả ở Sri Lanka, nơi đã phát khởi phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Thực vậy, trong nghiên cứu chuyên đề Chấn hưng Phật giáo ở châu Á: Vấn đề và triển vọng, sau khi nêu lên những thành tựu trên khắp thế giới mà phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi xướng từ đầu thế kỷ XX đã mang lại, ngài Ananda W.P. Guruge đi kết luận: “Với một thành tích như vậy, người ta có thể tìm được lý do để tự mãn. Nhưng điều đó thật khó biện minh. Phạm vi cho sự cải thiện còn bao la. Những vấn đề phải duyệt lại và phải điều chỉnh là rất nhiều. Trong mọi trường hợp, ngay cả việc duy trì những thành tựu của Phật giáo như hiện nay cũng còn cần đến nhiều cố gắng”. Và ngài đã đưa ra cả một chương trình nêu lên vài chục điểm phải thực hiện, chỉ để gìn giữ sự hiện diện của Phật giáo trong cuộc đời.

Tóm lại, việc tìm hiểu phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX để xác định được những bài học vẫn là điều cần được tiếp tục để có thể ứng dụng trong thời đại ngày nay.

 


* Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6114315