Thông tin

VÀI NÉT NGÔN NGỮ VĂN HỌC PHẬT GIÁO

TRONG TÁC PHẨM LỤC ĐỘ TẬP KINH

 

THÍCH NỮ HẠNH THIỆN

 


 

Phật giáo ra đời tại xứ Ấn Độ, sau đó truyền bá khắp các lãnh thổ, tồn tại và phát triển đã hơn 25 thế kỷ. Phật giáo đã để lại cho nhân loại nhiều những chứng tích di sản văn hóa, tư tưởng và tín ngưỡng tâm linh, có giá trị vượt thời gian. Trong đó, so với các tôn giáo lớn trên thế giới như Bà la môn giáo, Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Hồi giáo… thì Phật giáo là một trong những tôn giáo có hệ thống Tam tạng giáo điển vĩ đại nhất. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho một nền văn hóa Phật giáo, quy mô đồ sộ và phong phú nhất từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Cho nên, để hiểu được các loại hình ngôn ngữ văn học Phật giáo, và nhất là xác định được phạm vi và mốc lịch sử của một tác phẩm văn học Phật giáo. Trước tiên là cần phải tìm hiểu qua các tác phẩm kinh điển đó, đã dùng những thể loại ngôn ngữ nào để chuyển tải các thông điệp mà các tác giả, tác phẩm muốn đề cập đến.

Vì vậy, trong giới hạn nghiên cứu người viết xin tìm hiểu qua “Vài nét ngôn ngữ văn học Phật giáo trong tác phẩm Lục độ tập kinh”. Tính đến thời điểm hiện tại, Lục độ tập kinh được Khương Tăng Hội dịch vào thời Tam Quốc, từ nguyên bản Lục độ tập kinh bằng tiếng Việt, gồm có cả thảy 91 truyện. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một tác phẩm kinh điển, sẽ cung cấp cho ta một lượng lớn dữ kiện mang tính lịch sử. Nhằm góp phần vào việc nghiên cứu về bản sắc, tư tưởng, văn hóa, truyền thống nhân đạo của Việt Nam thời đại Hùng Vương và Phật giáo Việt Nam. Từ đó, thông qua Lục độ tập kinh một lần nữa giúp ta có dịp tìm hiểu những sinh hoạt, tư tưởng, tín ngưỡng và văn hóa học thuật trong đời sống nhân dân. Lục độ tập kinh không đơn thuần chỉ là giáo lý Phật giáo, mà còn là niềm tự hào của cả một dân tộc Việt Nam, trong suốt quá trình đấu tranh gian khổ nhưng hùng tráng cho độc lập dân tộc, cho việc hình thành một mẫu người Việt Nam lý tưởng.

1. Ngôn ngữ trong tác phẩm Lục độ tập kinh

Mục đích đức Phật thuyết pháp độ sanh là vốn muốn cho hết thảy chúng sanh ngay đây được liễu sanh thoát tử, đức Phật đã dùng đủ muôn ngàn phương tiện thích ứng với mọi người, mọi vật, mọi hoàn cảnh để hóa độ tất cả những ai mà Ngài đủ duyên đã gặp trên đường truyền đạo của Ngài. Không phải chỉ ngoài đời, mà ngay trong Tăng đoàn của Ngài, Ngài cũng tùy theo căn cơ; tâm lý của mỗi đệ tử mà áp dụng nhiều phương pháp để biểu đạt cho thích hợp từng chúng đệ tử.

Trong đó, ngôn ngữ văn học Phật giáo qua tác phẩm Lục độ tập kinh đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trong việc tiếp biến văn hóa, tập thành những câu truyện chuyển tải “những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước, v.v… làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam”1, đã luôn hòa mình hợp nhất góp phần viết nên trang sử truyền thống văn hóa văn hiến của dân tộc Việt Nam, và ngược lại, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu những gì từ Phật giáo. Xưa nay, đạo và đời luôn gắn liền với nhau, tựa như hai mặt của một đồng tiền, tương ứng với câu “佛 法 不 罹 世 間 法”. Chính nhờ truyền thống văn hóa Phật giáo ấy, trải qua bao độ thịnh suy với sức ép đồng hóa dân tộc bành trướng của nhà Hán, nhưng Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam vẫn luôn đồng hành không bị đồng hóa mà trái lại luôn tư duy theo cách hiểu của mình, để thay đổi và làm giàu thêm cho nền văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Tư duy chính là hình thức biểu cảm của ngôn ngữ, nó gắn liền với chức năng biểu đạt cảm xúc của văn chương. Cho nên, khi bước vào biển văn học Phật giáo thì hình ảnh đầu tiên tạo cho người viết nhiều những cung bậc cảm xúc nhất, đó chính là hình ảnh của đức Phật và các vị Bồ tát. Tám mươi năm thị hiện nơi cõi đời, với chí nguyện “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, Ngài đã để lại cho hậu thế một hệ thống giáo lý, gồm Kinh, Luật và Luận, nó như chìa khóa vạn năng, dù trải qua hơn 2.000 năm vẫn ứng hợp với mọi trình độ căn cơ của người học Phật mọi thời đại.

Bản chất của ngôn ngữ văn học Phật giáo là cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, luôn mang tính gợi mở chia sẻ, hướng dẫn và tìm ra phương cách để dung hòa, hầu giúp cho mình và cho người có một cuộc sống tốt đẹp, trong gia đình và các mối quan hệ xã hội. Tư tưởng và giáo lý của Lục độ tập kinh ra đời cũng không nằm ngoài mục đích “xây dựng bức tường thành văn hóa có khả năng chặn đứng mọi âm mưu xâm lược và đồng hóa của kẻ thù, mà Khương Tăng Hội chính là cột mốc trong bức tường thành đó”2.

2. Vận dụng các hình thức biểu đạt ngôn ngữ vào trong tác phẩm

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của văn học. Bởi vì, nó là chất liệu, là phương tiện góp phần giao lưu và phát triển xã hội, là nguồn cảm hứng để tác giả xây dựng thành công hình tượng cho một tác phẩm, như màu sắc đối với hội họa, như âm nhạc đối với thanh nhạc, mà nhà văn Nga Maksim Gorky cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngôn ngữ trong sáng tác văn chương, ông nhận định rằng: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ”.

Qua tác phẩm Lục độ tập kinh do ngài Khương Tăng Hội tập thành, chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều các hình thức biểu đạt ngôn ngữ qua từng câu truyện đặc trưng của Lục độ tập kinh. Khi viết Trần Thái Tông & Khóa hư lục nhìn từ góc độ văn học, Thượng tọa TS. Thích Phước Đạt đã có nhận định rằng: “Có bao nhiêu hình thức tư duy thì có bấy nhiêu hình thức diễn đạt sắc thái được Thế Tôn vận dụng. Suy cho cùng, ngôn ngữ trong văn học Phật giáo là các hình thức biểu đạt mọi thông tin, ý nghĩa, ngữ nghĩa của giá trị thông điệp giải thoát mà người truyền đạt muốn chuyển tải đến người tiếp nhận hành trì”3. Nếu như ngôn ngữ nói mang đặc tính bình dân, hiện thực, trực tiếp bao nhiêu thì ngôn ngữ viết mang tính đa dạng, gián tiếp, triết học bấy nhiêu. Vì lẽ đó, ngôn ngữ là một sinh ngữ bởi theo thời gian và điều kiện phù hợp thì những từ mới nghĩa mới này sẽ được phát triển, nảy nở thêm bên cạnh các từ cũ, nghĩa cũ. Mặc dù, kinh điển Phật giáo, dù cho có trải qua thời gian hay không gian, dù cách dùng từ của các vị Tổ tuy có nhiều sai khác với những kiến giải của từng người, nhưng vẫn hàm chứa những lời dạy của đức Phật, đó cũng là một nét đặc thù mà không thể nhầm lẫn vào đâu và mãi không thể lạc hậu cùng với không gian và thời gian bất tận.

Cứ mỗi lần đọc và tìm hiểu tác phẩm Lục độ tập kinh, người đọc sẽ cảm nhận được hình ảnh của đức Phật trải qua bao nhiêu kiếp sống thực hành Bồ tát hạnh cũng chỉ vì thương cho chúng sanh, mà Ngài không từ gian lao thậm chí còn hy sinh cả thân mạng như truyện số 3 “thay cho bọn cá nhỏ, để chúng nó được toàn mạng trong chốc lát”, không những thế Lục độ tập kinh còn dành hẳn 3 quyển với 26 câu chuyện để ca ngợi về sự bố thí không mệt mỏi, điển hình như truyện 25 Bồ tát lập nguyện: “Mong cho loài chúng sinh, quỷ đói núi Thái, và lao ngục vua đời sớm được thoát nạn, thân an mạng toàn, như ngươi hiện nay… chúng sanh bồn chồn, thật khổ vô lượng. Ta xin làm trời, làm đất, vì hạn làm mưa, vì trôi làm bè, kẻ đói cho ăn, khát cho uống, lạnh cho áo, nóng cho mát, vì bệnh cho thuốc, vì tối cho sáng. Nếu đời ô trọc, điên đảo, ta sẽ ở trong ấy thành Phật, độ chúng sanh kia”4. Có tìm hiểu kinh văn mới thấy đất nước ta và truyền thống tư tưởng văn hóa dân tộc, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử đầy cam go, nhưng hào hùng và hoành tráng như giai đoạn mà tác phẩm đã ra đời.

Như vậy, ngôn ngữ văn học Phật giáo chính là tâm ngữ vì nó xuất phát từ tấm lòng đại bi thương khắp mọi loài chúng sanh của đức Phật. Vì thế, các loại hình ngôn ngữ Phật giáo cũng không ngoài sử dụng ái ngữ, bằng sự bi tâm đó mà diễn đạt nội dung cần chuyển tải và áp dụng trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh. Qua những tiêu chí đó chúng ta có thể đề cập đến một số loại hình ngôn ngữ được trình bày nhiều trong hệ thống Kinh tạng như: Ngôn ngữ ẩn dụ; Ngôn ngữ biểu tượng; Ngôn ngữ thí dụ v.v… dùng để diễn đạt những tư tưởng, truyền bá giáo lý đến người tiếp nhận và thực hành chúng.

3. Ngôn ngữ Ẩn dụ (thí dụ)

Nói đến ngôn ngữ văn học Phật giáo, như chúng ta đã tìm hiểu và được biết, ngôn ngữ ẩn dụ tức thí dụ, là ngôn ngữ diễn đạt về một hình thái cụ thể, một trường hợp cụ thể để minh hoạ cho một vấn đề nào đó được đề cập. Như trong tác phẩm Lục độ tập kinh tác giả đã mượn những câu chuyện qua hình ảnh của từng nhân vật xuyên qua đó, mục đích là nhằm phục vụ cho yêu cầu truyền bá, thuyết giảng giáo lý Phật giáo về Nhân quả và Nghiệp báo, biết Quy y Tam bảo, giữ gìn năm giới thực hành mười hạnh lành và tu tập các con đường giác ngộ, cũng là vừa thực hiện chức năng chủ trương cho sự độc lập nước nhà trong buổi đầu bang giao ấy.

Do vì, nhu cầu hoằng pháp truyền bá giáo lý nên một số truyện trong Lục độ tập kinh đã được địa phương hóa một số những chi tiết cho phù hợp với bối cảnh xã hội, văn hóa, tư tưởng của dân tộc ta thời bấy giờ. Trong hệ thống của “Lục độ tập kinh hiện được ghi có 91 truyện, nhưng kiểm tra lại thì chỉ có 85 truyện mà thôi, như đã nói. Trong số 85 truyện này, thì có 16 truyện được cải biên lại ít nhiều để thành 7 truyện mới, đó là truyện 9 với truyện 33 và truyện 39; truyện 12 với truyện 31; truyện 25 với truyện 49; truyện 28 với truyện 58; truyện 29 với truyện 63 và truyện 37 với truyện 59. Như thực tế số chỉ 78 truyện mà thôi”5. Mục đích của sự cải biên này, nhằm minh họa và thuyết giảng giáo lý của Lục độ tập kinh về sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát nhằm phục vụ giữa người truyền đạt và người được tiếp nhận giáo lý dễ dàng tiếp thu một cách có hiệu quả nhất. Nếu đem 78 truyện của Lục độ tập kinh do Ngài Khương Tăng Hội dịch so sánh với truyện của các dòng văn học bản duyên Pali, cụ thể là tập Jataka Tiểu bộ kinh, trong đó có 78 truyện thì đã có tới 36 truyện tương đương.

Lục độ tập kinh mà ta hiện sử dụng để dịch ra tiếng Việt, thực chất là một dịch phẩm tiếng Việt, chứ không phải từ nguyên bản tiếng Phạn. Và cũng chính vì dịch từ một nguyên bản tiếng Việt nên mới có hiện tượng sử dụng những thuật ngữ thuần túy của người Việt Nam như nhân nghĩa, nhân đạo, hiếu thuận, trung trinh v.v… thậm chí còn đi đến chỗ cải biên một bộ phận các truyện, nếu có những tình tiết rườm rà có thể lược bỏ bớt những chi tiết thật sự không cần thiết, hoặc là hư cấu thêm những tình tiết mới, để có sự kết nối gần gũi giữa giáo lý Phật giáo và nền văn hóa, tư tưởng của người bản xứ. Bằng con đường nhập thế tích cực Phật giáo Việt Nam đã luôn đồng hành cùng dân tộc qua bao độ thịnh suy, chính Lục độ tập kinh đã tạo nên những giá trị tuyệt vời ấy. “Như thế, ngoài yêu cầu thuyết giảng giáo lý, nghĩa là không phải muốn thuyết giảng giáo lý sao cũng được, mà phải thuyết giảng trong một mô hình được khắc họa theo tiêu chuẩn văn học nghệ thuật, tức trong một mô hình đẹp, thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn thẩm mỹ của người đọc và người nghe”6.

Trong số 36 truyện tương đương, chúng tôi xin trích truyện 25 và 49, nó có sự tương đương với truyện Saccankira (Jataka. 322) BS 73, để trình bày.

Khi đọc qua truyện 25 và truyện 49, ta thấy có khả năng hai truyện này cùng xuất phát từ Bổn sanh Saccankira hay một nguyên bản Phạn văn tương tự, chúng được cải biên thành hai truyện để minh họa giáo lý bố thí và nhẫn nhục. Truyện Saccankira kể rằng: có bốn sinh vật bị nước cuốn trôi trên sông, một hoàng tử ác độc, một con chuột, một con rắn và một con vẹt. Có một đạo sĩ sống ở gần sông. Nửa đêm nghe tiếng kêu cứu, bèn ra vớt chúng lên. Rắn, chuột và vẹt đều trả ơn. Chỉ chàng hoàng tử độc ác, khi đã lên ngôi vua, liền đưa nhà đạo sĩ ra pháp trường. Ở pháp trường, dân chúng, lúc nghe hết nỗi niềm của đạo sĩ, đã phẫn nộ, xông đến giết nhà vua đang ở trên lưng voi, rồi tôn đạo sĩ lên làm vua.

Cũng vậy, căn cứ vào truyện 25 thuyết minh về giáo lý vô thường, khổ, không và vô ngã. Phần đầu kể chuyện một nhà giàu đi chợ, thấy bán ba ba, bèn mua đem về thả. Sau ba ba đến trả ơn, đến báo cho biết rằng có trận hồng thủy và khuyên nên đóng thuyền bè trước, trận hồng thủy quả có xảy ra. Người nhà giàu thấy rắn và cáo bị nước cuốn trôi, bèn vớt lên. Cuối cùng, gặp một người bị nước cuốn, bèn cũng vớt, tuy rắn và cáo phản đối. Sau cáo đào hang, gặp một trăm cân vàng ròng, đem đến biếu. Người bị nước cuốn thấy vậy, đòi chia một nửa vàng mà cáo đào được. Vị nhà giàu không chịu, bèn đi tố quan là người nhà giàu đào mả cướp vàng, nên bị bắt. Rắn và cáo hội ý cứu, rắn bò vào cung cắn thái tử. Người nhà giàu được rắn cho thuốc, chữa thái tử sống, được phong làm tướng quốc, rồi giảng bốn yếu quyết Phật giáo là vô thường, khổ, không và vô ngã.

Truyện 49 kể về một vị vua, biết đời là vô thường. Bèn vứt bỏ vinh hoa, mặc áo pháp của đạo sĩ, giữ giới sa môn tu ở rừng, thấy một chiếc hang có thợ săn, rắn và quạ bị rớt vào, không lên được, bèn cứu lên. Quạ cắp viên minh nguyệt châu của hoàng hậu đem cho đạo sĩ để trả ơn. Thợ săn biết, đi tố quan. Đạo sĩ bị bắt, đem hành hình. Rắn đến cứu, đưa thuốc cho đạo sĩ, rồi vào cung cắn thái tử. Thái tử chết, đưa hỏa táng. Khi đi ngang nơi hành hình, đạo sĩ xin cứu, thái tử sống, bèn được tha, chia nửa nước vẫn không nhận.

Trong số 91 truyện của Lục độ tập kinh hiện còn, thì riêng truyện 49 này có một nét hết sức đặc biệt, có khả năng giải quyết một số vấn đề vướng mắc không chỉ giới hạn trong giáo lý nhà Phật, mà còn giải quyết những vấn đề mâu thuẫn giữa Phật giáo và Nho giáo. Nó chỉ rõ tính ưu việt của giáo lý Phật giáo: “Tôi ở đời nhiều năm, tuy thấy Nho sỹ tích đức làm lành, há có ai như đệ tử Phật, quên mình cứu người, ở ẩn mà không nêu danh ư?”7. Việc phê phán Nho giáo này, ngay từ thời của Ngài Mâu Tử, Lý hoặc luận cũng đã tiến hành, khi so sánh Nho giáo như sông ngòi, đèn đóm, Phật giáo như biển cả trời trăng. Ta thấy đây là một mặt trận bảo vệ văn hóa dân tộc nhất quán của giới Phật tử Việt Nam lúc bấy giờ, trước làn sóng tấn công ồ ạt của nền văn hóa nô dịch Trung Quốc. Ngoài ra, câu chuyện còn làm nên tính thẩm mỹ của người đọc, người nghe và đã khắc họa hư cấu thêm tình tiết tham lam, keo kiệt, bủn xỉn, vong ơn của vợ chồng chàng thợ săn, qua cuộc trao đổi giữa hai vợ chồng và việc dọn cơm mời vị Đạo sĩ. “Xa thấy Đạo sĩ lại, thợ săn nói với vợ: Kia là người chẳng lành đến, khi ta bảo nàng dọn bữa, thì cứ từ từ mà dọn, người ấy quá ngọ là không ăn”8.

Truyện 29 và truyện 63 kể rằng xưa có Bồ tát làm vua Oanh Vũ (truyện 29) hay chim chúa bồ câu (63), khi bị bắt, do nhịn ăn lâu ngày, mình ốm, bay thoát ra khỏi lồng. Truyện 29 tả cả đàn oanh vũ làm theo, nên cả đàn được thoát, trong khi truyện 63 nói vì đàn bồ câu phản đối không nghe, nên một mình chim chúa thoát. Truyện Vattaka cũng kể đồng nhất, chỉ có yếu tố bắt chim cho vua ăn, mà hai truyện 29 và 63 đều nói tới, thì nó không có. Thay vào đó, nó đề cập đến một tay săn chim chuyên nghiệp, sống nhờ vào nghề bắt và bán chim. Việc cải biên thành hai truyện 29 và 63 như thế cũng để phục vụ cho việc minh họa giáo lý giữ giới và tinh tấn.

Trong số các truyện của Lục độ tập kinh cải biên, truyện 23 lại mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và rất đặc biệt đối với dân tộc ta, đó là truyền thuyết trăm trứng, truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc ta. Có nhiều tương tự với chính bản anh hùng ca Đại Bhara-ta. “Đem nó mà so sánh với những truyện do Lục độ tập kinh và Bách thoại truyện, ta thấy truyện Lục độ tập kinh tỏ ra gần gũi nó nhiều hơn cùng truyện của Bách thoại cùng truyền bản Hán, Phạn và Tạng Hậu kỳ”9. Ta thấy truyện 23, không chỉ ảnh hưởng trong lịch sử văn học mà tình tiết trăm trứng còn ảnh hưởng đến chính nguồn gốc truyền thừa của dân tộc. Kể từ ngày Ngô Sỹ Liên lấy truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái để lập nên Kỷ Hồng Bàng trong Đại Việt sử ký toàn thư qua câu chuyện “Lạc Long Quân tên là Sùng Lãm, con trai của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra một trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng) là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam, phong con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi”10. Như vậy, nếu so sánh một bọc thịt của Soạn tập bách duyên kinh và một bọc thịt của bản anh hùng ca Đại Bha-ra-ta với tình tiết một trăm trứng của Lục độ tập kinh cho thấy, sự nỗ lực địa phương hóa và bản địa hóa truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Lục độ tập kinh tạo nên một tư tưởng mới, biến nó trở thành một bộ phận không thể phân ly và làm nền tảng cho một thời kỳ văn hóa mới của dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, ngôn ngữ Ẩn dụ hay sự cải biên của các truyện trong Lục độ tập kinh được xem là ngôn ngữ đặc trưng, chủ yếu để phù hợp theo tinh thần khế lý khế cơ hay tinh thần bất biến tùy duyên. Khế lý là phù hợp với chân lý bất biến của nhân sinh vũ trụ, khế cơ là phù hợp với căn cơ và thời đại mà tùy nghi sử dụng phương tiện. Người truyền bá giáo lý Phật pháp lúc nào cũng linh động nhưng không bao giờ nói sai chân lý. Thông qua các ví dụ này, người đọc sẽ chiêm nghiệm, tự thân thấy rõ chân tướng của giáo pháp. Ở đây, ẩn dụ và thí dụ dường như là một, bởi nghệ thuật dùng từ ngữ đã đạt đến sự điêu luyện. Nếu ẩn dụ và thí dụ xuất hiện với tần số cao thì ẩn dụ ấy có tính ước lệ hoá, biểu tượng hoá. Đọc kinh Phật, quả là một thử thách đối với người đọc, cả một chuỗi ẩn ngữ mà Đức Phật đã dùng đã khiến cho người đọc từ thích thú tò mò muốn khám phá đi đến một ấn tượng khó quên nghĩa là ghi nhớ rõ ràng. Ngày nay, cách dùng ẩn dụ để thuyết giảng là một phương pháp tối ưu được mọi người tiếp nhận và thực hành một cách hữu hiệu.

4. Ngôn ngữ biểu tượng của Phật giáo

Ngôn ngữ biểu tượng của Phật giáo là một yếu tố văn hóa và được con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ chuyển tải những thông điệp, tư tưởng, giáo lý có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn hóa của con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng của Phật giáo cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hóa và xã hội loài người.

Hầu hết, các kinh điển Ðại thừa đều được sử dụng bằng ngôn ngữ biểu tượng. Tuy nhiên, rải rác trong kinh tạng Nguyên thủy, vẫn dùng hình ảnh biểu tượng. Ðiều quan trọng cần phân biệt đối với kinh tạng ở đây là ngôn ngữ biểu tượng, chứ không phải là hình ảnh biểu tượng. Vì lẽ, hình ảnh biểu tượng thì hầu như kinh nào cũng có. Nhưng ngôn ngữ biểu tượng có thể nói là ngôn ngữ đặc thù riêng của kinh tạng Ðại thừa.

Ngôn ngữ biểu tượng của Phật giáo chính là hệ thống tam tạng thánh điển của Phật giáo gồm (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng) là kho tàng của trí tuệ Bát nhã, là chìa khóa của sự thành tựu đạo nghiệp. Ngôn ngữ biểu tượng của Lục độ tập kinh chính là sáu phẩm chất vượt bờ của vị Bồ tát trong thời kỳ đầu của Phật giáo tại nước ta đó là: mẫu người lý tưởng của Phật giáo là mẫu người có từ tâm rộng khắp không có sự phân biệt (Bố thí), tự biết kiểm soát lấy mình (Trì giới), dù cho có bị người khác ganh ghét, tìm cách mắng chửi, vu oan, ám hại nhưng vẫn luôn từ bi và không hề oán ghét (Nhẫn nhục), với quyết tâm mạnh dạn nhanh chóng loại bỏ tính bê tha, dễ vui, phóng túng, chính là tác nhân của sự hôn trầm biếng nhác đánh mất đức tính siêng năng (Tinh tấn), sẽ làm cho tạp niệm của tâm trí lắng xuống bằng cách quan sát hơi thở (Thiền định) và chúng ta có thể đoạn trừ tất cả vô minh, vọng tưởng và thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh (Trí tuệ). Đây cũng chính là hệ thống được định hình và lên khuôn mẫu nhằm áp dụng vào trong cuộc sống thông qua các câu chuyện tiền thân của đức Phật, cho các tín đồ Phật giáo Việt Nam thời Khương Tăng Hội.

Tóm lại, Phật giáo đã tồn tại và gắn liền với dân tộc Việt Nam hơn 20 thế kỷ. Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử, Lục độ tập kinh đã không ngừng đóng góp cho kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam mà còn chứa đựng những tinh hoa trí tuệ của cả dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là cơ sở xác định nền văn hóa học thuật Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ rất phát triển và phong phú đa dạng. Nhưng tất cả đều có sự sắp xếp theo từng thể loại và có hệ thống khoa học, sự phân định đó sẽ là điều kiện tất yếu không thể thiếu đối với việc nghiên cứu và phân tích một tác phẩm văn chương.

Tư tưởng cơ bản của Lục độ tập kinh thuộc hệ tư tưởng Ðại thừa, ca ngợi mẫu hình lý tưởng là các vị bồ tát “quên mình cứu người”. Những nội dung đó đã xác định nền Phật giáo mà người Phật tử Việt Nam đã lựa chọn từ đầu là Phật giáo Ðại thừa, nó không chỉ gồm các phạm trù tâm linh cá nhân, mà việc tu tập vì mục tiêu giải thoát giác ngộ gắn liền với đời sống xã hội, với hoàn cảnh thực tế của nước ta, cụ thể là vì sự thanh bình của đất nước. Ðây cũng chính là nền tảng ban đầu của Phật giáo Việt Nam.

Ngôn ngữ văn học Phật giáo Việt Nam giai đoạn này nở rộ, không chỉ với sự có mặt đầy đủ các hệ tư tưởng Phật giáo Ðại thừa, mà còn phong phú trong bộ phận văn học chú giải, lịch sử (bi ký, bi minh), trước tác sám văn, đặc biệt là trào lưu văn học vận động cho nền độc lập và phát triển của dân tộc như đã nói. Có thể nói, đây là giai đoạn văn học mang tính bản lề của nền văn học Phật giáo Việt Nam và văn học dân tộc.

Lục độ tập kinh vì thế là một tác phẩm văn học lớn không chỉ của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn là của lịch sử văn học tư tưởng và văn hóa dân tộc. Nó kiến tạo nên giai đoạn văn học đầu tiên của lịch sử văn học Việt Nam. Đồng thời, còn khẳng định sự độc lập không chỉ về mặt tư tưởng văn hóa. Chính vì vậy, Lục độ tập kinh chiếm một vị trí vô cùng quan trọng không chỉ của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn của lịch sử văn học tư tưởng và văn hóa Việt Nam.

 


1. Lê Mạnh Thát (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế, tập 1, Nxb. Tổng Hợp TP. HCM, tr. 47-48

2. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. TP.HCM, tr. 378-379

3. Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc lâm, Nxb. Hồng Đức, HN, tr. 266

4. Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Tu thư Đại học Vạn hạnh, TP.HCM, tr. 363-364

5. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. TP.HCM, tr. 442

6. Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. TP.HCM, tr. 482

7. Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, S, tr. 436

8. Lê Mạnh Thát (1975), Khương Tăng Hội toàn tập, tập 1, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, S, tr. 436

9. Lê Mạnh Thát (2005), Lục Độ Tập Kinh và Lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr. 55

10. Đại Việt sử ký toàn thư, tái bản (2009), Nxb. Văn hóa - Thông tin, HN, tr. 45

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6712997