Thông tin

VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

VÀ SỰ ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC

 

Hòa thượng THÍCH THIỆN TÍN
Trưởng Ban nghi lễ tỉnh An Giang,
Trưởng Ban Trị sự Thị xã Tân Châu

 

Đạo Phật truyền vào đất Việt từ rất sớm và cũng từ đó đạo Phật luôn đồng hành cùng bao thăng trầm của đất nước. Phật giáo đã trờ thành truyền thống của dân tộc. Giáo lý nhà Phật từng bước đã thấm nhuần vào mọi tầng lớp trong xã hội từ vua chúa, quan lại, tướng lãnh cho đến các tầng lớp bình dân.

Vào đầu thế kỷ XX, Chư sơn thiền đức Tăng cả ba miền Bắc –Trung – Nam bước vào công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo. Năm 1920 tại ba miền Bắc –Trung – Nam xuất hiện các trường gia giáo như chùa Linh Tiên của Tổ Khánh Hòa (Bến Tre), chùa Phi Lai của Tổ Chí Thiền ( Châu Đốc), chùa Kim Huê, Chùa Vạn An, chùa Phước Long (Sa Đéc)…, chùa Thập Tháp ( Bình Định), chùa Thiên Ấn (Quang Ngãi)… chùa Sở, chùa Bút Tháp, chùa Bồ Đề… Phong trào chấn hưng Phật giáo đã đem lại sinh khí mới cho Phật giáo cả ba miền đất nước. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, bị đế quốc thực dân nô dịch, Phật giáo tiếp tục là một lực lượng tiêu biểu của phòng trào cách mạng1.

Đến những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, trước tình hình đất nước bị chia hai. Phật giáo dấu tranh miền Nam cũng bước vào giai đoạn quan trọng. Nhiều tổ chức Phật giáo lần lược ra đời. Đây là một biểu hiện tích cực, vì đây cũng là biểu hiện của sự đoàn kết các lực lượng Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Việc tập hợp lực lượng đó bước đầu cho thấy ý thức tổ chức, ý thức bảo vệ Tăng đoàn, và ý thức cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 2 năm 1952, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng ra đời tại chùa Long An, số 136, đường Cộng Hòa, Sài Gòn. Do Hòa thượng Thích Thiện Tòng làm Tăng trưởng. Sau đó hàng loạt Tỉnh hội Lục Hòa Tăng ra đời từ Tỉnh hội Lục Hòa Tăng Tiền Giang, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bình Định, Quy Nhơn, Long An, Trà Vinh, ….các cơ quan đại điện của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng nhanh chóng được thành lập. Riêng khu vực Tây Nam Bộ, Chánh Đại diện miền Tây là Hòa thượng Huệ Đức, văn phòng đặt tại chùa Già Lam (Phụng Hiệp).

Do nhu cầu và điều kiện hoàn cảnh, sau một thời gian phát triển Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng hình thành hai tổ chức trực thuộc: Hội Lục Hòa Tăng, và Hội Lục Hòa Phật tử. Cả hai tổ chức này hoạt động và cơ cấu theo tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng.

Đến năm 1957 Tổ chức Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng được chính thức công nhận theo quyết định số 93/BNV/NA/P5 của Bội Nội Vụ Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ký ngày 1/10/1957. Với điều lệ gồm 9 chương 44 điều2. Do Hòa thượng Thích Thiện Tòng làm Đại Tăng trưởng.

Song song với việc Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng ra đời một tổ chức Phật giáo khác cũng được thành lập, đó là Giáo hội Tăng già Nam Việt (05/6/1951), Hòa thượng Thích Đạt Thanh được bầu làm Pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt.

Cuộc chiến tranh vẫn kéo dài và khốc liệt. Sự tác động của nó đến nền chính trị và hội của miền Nam vô cùng lớn. Khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, Mỹ từng bước thay thế họ tại Việt Nam. Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), Ngô Đình Diệm chấp chính Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Người Pháp rút khỏi Việt Nam, người Mỹ từng bước biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới3.

Trước những biến chuyển như vậy vê chính trị xã hội, Phật giáo cũng có những chuyển biến lớn. Tại Nam Việt Nam, xuất hiện hàng chục tổ chức Giáo hội của các giáo phái Phật giáo. Sự phát triển mạnh mẽ đó sớm cho thấy sự thức tỉnh của tinh thần của tất cả những người Phật tử, biểu hiện sự trưởng thành hơn về mặt tổ chức lẫn đấu tranh. Từ đây phong trào đấu tranh của tín dồ Phật giáo nói riêng Tăng Ni Phật giáo nói chung đã có một bước phát triển mới, góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc.

Từ khi Ngô Đình Diệm nắm chính quyền tại miền Nam, sự phân biệt và đàn áp đối với Phật giáo ngày một nhìu hơn. Bản thân chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng thấy được sự ít nhiều liên hệ của Phật giáo và Việt Minh. Chính vì thế Phật giáo trở thành mục tiêu để đàn áp. Chính sự kiện cấm treo cờ Phật giáo tháng 5/1963 tại Huế làm ngọn lửa đấu tranh bùng cháy dữ dội. Trước thách thức tồn vong của Phật giáo các tổ chức Phật giáo của cả miền Nam đều tham gia mạnh mẽ.

Thấy được sự phân tán, chia rẻ sớm làm giảm đi sức mạnh đoàn kết đấu tranh của Phật giáo, ngày 20/8/1963, một tổ chức thống nhất các giáo phái Phật giáo tại toàn miền Nam Việt Nam ra đời, đó là: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đệ Nhất Tăng thống. Đến ngày 4 thánh 1 năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức được chính quyền Sài Gòn công nhận.

Sau khi ra đời, vốn được tập hợp sức mạnh của toàn thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phát triển mạnh về mọi mặt. Tuy nhiên, do phát triển nhanh nên dẫn dến bất đồng về lập trường chính trị. Dẫn đến năm 1967, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phân liệt thành hai tổ chức4: khối Ấn Quang và khối Việt Nam Quốc Tự. Chính từ sự chia rẻ này nhiều tổ chức từng tham gia thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuyên bố tách khỏi Giáo hội. Giáo hội nhanh chóng mất kiểm soát đối với phòng trào Phật giáo toàn miền Nam VN.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đánh mất vai trò lãnh đạo của mình, phong trào Phật giáo Nam Phần vẫn tiếp tục phát triển5. Nhầm đáp ứng nhu cầu của thời đại cũng như phục vụ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tháng 7 năm 1968, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời với Hiến chương, Điều lệ được chính quyền Sài Gòn dưới thời Thủ tướng Trần Văn Hương. Cơ cấu tổ chức gồm hai Viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Các cơ sở được thành lập ở 37 Tỉnh, Thành hội và 81 Quận, Huyện hội với hơn 2000 ngôi chùa và hơn 10.700 Tăng Ni và hơn hai trăm nghìn tín đồ.

Trong hoàn cảnh hiện thời, toàn cõi Nam Việt Nam không dưới 10 tổ chức Phật giáo. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn ảnh hưởng rộng, dù là khối Ấn Quang hay khối Viêt Nam Quốc Tự. Riêng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có sự phát triển khá mạnh. Đồng thời, có một sự thật mà chúng ta pháp chấp nhận đó là sự trùng lấp về quản lý của hai tổ chức giáo hội này. Vì vậy, khi nghiên cứu Phật giáo giai đoạn trước 1981 cần phải thận trọng. sự nhập nhằn này không chỉ về quản lý Tăng Ni mà còn các tự viện lẫn tín đồ.

Đơn cử như khu vực Tân Châu - Châu Đốc – Long Xuyên thuộc An Giang giai đoạn này Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khối Việt Nam Quốc Tự - Nha Tuyên úy Phật giáo vẫn là đối tượng quản lý chủ đạo. Tuy nhiên, phía trong lại là nuôi dấu cách mạng và nhận chỉ thị từ khối Ấn Quang. Sự tác động của Giáo hội Cổ truyền Việt Nam vô cùng mờ nhạt. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn quản lý và có Ban Đại diện tỉnh An Giang qua các thời kỳ: Hòa thượng Thích Tắc Phước - Chánh Đại diện đầu tiên. Và Hòa thượng Thích Chí Đạt là Chánh Đại diện cuối cùng (Hòa thượng Chí Đạt làm Chánh Đại diện được chưa tròn 1 năm thì đến ngày giải phóng 30/4/1975).

Đơn cử một số ngôi tự viện tại An giang giai đoạn này như:

1) Chùa Long Hưng (Chùa Giồng Thành – Tân Châu) giai doạn này dưới sự trụ trì của Hòa thượng Chơn Như tự Đàm Hoa. Chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khối Việt Nam Quốc Tự, tuy nhiên Hòa thượng tham gia nuôi dấu cách mạng và được nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất.

2) Chùa Phước Long Cổ Tự (Tân Châu). Giai đoạn này Hòa thượng Thích Thiện Quang trụ trì. Vừa là Trưởng Đại diện huyện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại xã Long Phú, Tân Châu, An Giang (Quyết định số 014/CĐD/VP-QD 13/7/1964 Hòa thượng Thích Tắc Phước ký)

3) Chùa Tây An (Châu Đốc) do Hòa thượng Thích Bửu Thọ trụ trì. Đây cũng là ngôi già lam từng nuôi dấu cách đồng chí hoạt động cách mạng từ những ngày đầu. nhưng về hình thức quản lý vẫn thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

4) Chùa Châu Viên, (Châu Đốc) thời kỳ này do Hòa thượng Thích Chơn Niệm trụ trì. Hòa thượng Thích Chơn Niệm tự Hồng Đồng, nguyên là cố vấn tối cao Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Châu Đốc, kiêm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Châu Đốc.

Nói tóm lại, vì hoàn cảnh phức tạp đặc biệt của miền Nam Việt Nam nên việc các tổ chức Giáo hội của Phật giáo ra đời dẫn đến sự quản lý chồng chéo với nhau. Tuy thế, chúng ta cần nhận thấy ở đây có một mục đích chung của Chư Tôn Hòa thượng là giữ vững sự trường tồn của ngôi Tam bảo. Hình thức tổ chức có thể khác, danh xưng có thể khác, pháp môn tu tập có thể khác, phương pháp hành trì có thể khác, nhưng tựu trung vẫn vì sự bảo tồn của Phật giáo và giáo đồ, đồng thời là góp phần vào công cuộc cách mạng giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước.

 


1. HT Thích Thiện Hoa , 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Tập 1, 1970

2. HT Thích Huệ Thông , Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Nxb VHVN năm 2019 trang 164

3. Trần Đức Cường, Lịch sử Việt Nam 1954 -1975 Nxb KHXH 2017

4. Đoàn Nô – Tìm hiểu tôn giáo với dân tộc - đạo với đời. Nxb Hồng đức 2013, trang 103.

5. Nguyễn Đình Lê, Phan Văn Hải: Biến chuyển xã hội miền Nam Việt Nam 1954 - 1975, Nxb KHXH, trang 143 - 150.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 39
    • Số lượt truy cập : 6953990