Thông tin

VÀI NÉT VỀ NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC

THỜI LÝ Ở CHÙA PHẬT TÍCH

                                       

PGS.TS.NGND. HOÀNG VĂN KHOÁN*

 

Phật Tích hay Lạn Kha là tên một dãy núi ở xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nhân dân thường gọi ngôi chùa tọa lạc trên đó là chùa Phật Tích. Tên chữ của chùa được khắc trên bia là Vạn Phúc tự.

Theo văn bia, chùa được xây dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 dưới thời vua Lý Thánh Tông (tức năm 1057, sau khi Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long 47 năm). Ngôi chùa đó không còn nữa, nhưng bề thế của ngôi chùa còn để lại nhiều vết tích, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc.

Trong bài tham luận này, tôi xin nêu 03 tác phẩm điêu khắc mang đặc trưng thời Lý:

1. Mười tượng thú chia thành cặp đặt ở thềm bậc nền thứ 2 của chùa.

02 tượng voi, 02 tượng ngựa, 02 tượng hổ, 02 tượng tê giác, 02 tượng sư tử. Tất các các tượng này đều được tạc bằng đá nguyên khối, đã được Bảo tàng Bắc Ninh phục chế đặt ở sân Bảo tàng.

Trong 05 cặp thú đó thì cặp sư tử có tính phổ biến trong một số chùa hiện nay như chùa Bà Tấm ở Đông Anh, Hà Nội; chùa Lạng ở xã Minh Khai, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Các chùa này cũng được xây dựng dưới thời Lý, nhưng đã bị đổ nát, một số tác phẩm nghệ thuật còn lưu lại, đặc biệt là tượng sư tử.

Sư tử là loài động vật có nguồn gốc châu Phi. Nó là loài mãnh thú, chùa Sơn Lâm, được Phật lấy nhân tâm thu phục và trở thành con vật phục vụ cho Phật, hoặc đội tòa sen, hoặc giữ cửa Phật, hoặc để Phật cưỡi. Ở Việt Nam, cũng như các nước Đông Nam Á, múa sư tử phổ biến trong các dịp lễ hội truyền thống.

Sư tử thời Lý có những đặc điểm sau:

- Bộ lông ở cổ được chạm nổi các hình dấu hỏi, đó là cánh hoa của loài hoa cúc đại đóa. Đặc điểm này xuyên suốt toàn thể mọi chi tiết trong thân hình con sư tử: Từ bắp chân, khuỷu chân đến mông, mép, miệng, lỗ mũi, đỉnh sọ…

- Bàn chân sư tử có 5 ngón, mỗi ngón có 3 đốt, những nết nhăn và móng chân rất giống bàn tay người.

Đây là những đặc điểm chung, nhưng tùy trường hợp cụ thể mà người nghệ sỹ thể hiện mỗi con một phong cách. Con sư tử ở chùa Phật Tích trong tư thế ngồi, 2 chân quỳ, 2 chân chống, đầu nghiêng, đôi mắt hình quả trám nhìn ra vẻ dữ tợn nhưng lại vẫn mang nét hài hòa.

Con sư tử ở chùa Lạng và cặp sư tử ở chùa Bà Tấm được người nghệ sỹ thể hiện rất sinh động: Miệng bè, lưỡi thè ra, chân bám chặt vào đất, trong tư thế nặng nhọc, cố sức chịu đựng trọng lực bệ sen và tượng Phật.

2. Rồng thời Lý

Rồng là một biểu tượng phổ biến ở chùa Phật Tích. Rồng ở bệ tượng, ở chân tảng kê cột, ở tháp… Đẹp nhất, chuẩn xác nhất là đôi rồng biểu hiện trong một lá đề. Thân hình uốn khúc theo kiểu thắt miệng túi, chân rồng có 3 móng rất giống móng chim, các khuỷu chân đều có một đốm lông bay ra sau.

Chân trước, chân sau mỗi con hợp lực nâng một búp hoa sen chưa nở. Chân giữa hai đầu rồng nâng một búp hoa như thế. Xung quanh lá đề được viền bằng các cánh hoa cúc đại đóa. Nền lá cũng vậy. Rồng dâng hoa cho Phật được thể hiện trong lá đề, ta cũng tìm thấy nhiều tiêu bản ở Hoàng thành Thăng Long. Đó là một hình tượng biểu hiện tư duy và tinh cảm hết sức trân trọng đối với Phật. Đây là một tác phẩm tuyệt vời thời Lý ở chùa Phật Tích.

3. Pho tượng Phật ngồi thiền trên một tòa sen.

Pho tượng có nét mặt từ bi, hiền hòa, từ búi tóc nhục khóa, nếp áo đều thể hiện rất tự nhiên, mềm mại. Mỗi cánh sen đều có một đôi rồng, các lớp đế tượng cũng đều có rồng hoặc nhạc công.

Dưới thời Lý, rồng, phượng, hoa sen, hoa cúc, sóng nước được kết hợp với nhau một cách hài hòa, tạo ra một không khí trang nghiêm, tâm linh, thanh tịnh chốn cửa Phật.

Có thể nói những tác phẩm điêu khác thời Lý ở chùa Phật Tích là những kiệt tác, khó nơi nào địch nổi. Các nghệ sỹ đương thời đã trút hết tâm tư và tình cảm của mình một cách chân thành, trân trọng với Phật.



* Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 97
    • Số lượt truy cập : 6952490