Thông tin

VÀI NÉT VỀ QUỐC CHÚA MINH VƯƠNG

 

THÍCH LỆ THỌ*

 

Minh vương Nguyễn Phúc Chu (明王阮福淍, 1675 -1725) là vị chúa Nguyễn thứ sáu của chính quyền Đàng Trong. Ông là người gốc Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Nguyễn Phúc Chu là con cả của Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn. Mẹ ông là Tống Thị Đôi ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Bẩm chất thông minh xuất chúng, lại được nuôi dưỡng ăn học cẩn thận, cho nên hội đủ văn hay chữ tốt, lại thêm nghiệp võ tinh thông. Ông được phong là Tả binh dinh Phó tướng, Tộ Trường Hầu. Khi nối ngôi chúa mới có 17 tuổi (1691), lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân, một hiệu mới mẻ sùng đạo Phật, gọi là Chúa Minh hay có sách ghi là Quốc Chúa Minh Vương.

Minh vương là một vì chúa hiền. Khi mới lên ngôi, ông đã quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu thị khắp nơi, sẵn lòng lắng nghe lời phải, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt hình ngục. Ông còn cho xây dựng một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ[1], chùa Mỹ Am. Bản thân chúa cũng ăn chay, thương dân như con, thường phát tiền, gạo cho người nghèo. Có thể nói, dưới thời của Minh Vương thống nhiếp thiên hạ được thái bình. Ở ngôi 34 năm, chí hướng của chúa được thể hiện trên một bài “minh” do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ đúc năm 1710: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí”.

Chúa là người thông hiểu Phật pháp. Luôn lấy đức hiếu sinh làm phương châm sống. Trong thời gian trị vì, chúa cho  mời nhà sư Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang để bồi bổ Phật pháp cho tăng ni và quần chúng ở kinh thành và Đàng Trong, khi về nước, nhà sư có viết sách Hải ngoại kỷ sự , hết lời ca ngợi chúa.

Điều đặc biệt nên nhắc tới là trong Hải ngoại kỷ sự, sư gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là Quốc Vương, Đại Vương, Vương v.v, còn xưng nước ta là Đại Việt. Trong bài Khải (啟), sư dâng lên cho chúa lúc mới đến Thuận Hóa có những câu: “…Quý Vương quốc từ xưa khai sáng Thuận Hóa, Thanh Hóa, tám trấn Tam Giang, hùng cứ bốn mươi bảy châu. Quý Đại Vương nối nghiệp đã có, Kiến Bình, Tân Bình bao la, thiên sơn vạn thủy… Nay kính, Đại Việt đức chúa điện hạ ngân an…”. Việc xưng hô này cũng là một điều rất hiếm xảy ra đối với nhân sĩ Trung Quốc lúc bấy giờ, trong mắt họ các nước lân bang là Rợ, Di, Man v.v.

Chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn sâu rộng. Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào thường xuyên buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chúa lại chủ trương sách lược dùng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp, nhờ vậy mà quân đội đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh đồng thời tiếp thu những mặt thành tựu về khoa học kỹ thuật. Dùng người có tài nhiếp phục như, Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu để khai khẩn đất hoang. Sử dụng các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi. Ngoài ra, dưới thời chúa cũng được cải cách cơ chế tổ chức hành chánh từ cấp trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm. Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử.  Với tầm nhìn chiến lược đó, chúa đã đặt một nền móng vững chắc cho cả vùng đất nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Qua 34 năm cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đóng góp được nhiều công lao vào việc mở mang đất nước, cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở kinh thành và Đàng Trong  vào đầu thế kỷ 17I với những thành tựu đạt được:

1/ Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu (1697) gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở lên phía Tây.

2/ Đặt phủ Gia Định.

3/ Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa).

4/ Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương.

5/ Canh Dần năm thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, dựng bia, năm Giáp Ngọ năm thứ 23 (1714) trùng tu chùa.6/ Năm Nhâm Thân (1692) có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, chúa cho quân đi bắt, nhân thể đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận thành, sau đổi thành phủ Bình Thuận.

7/ Năm Mậu Tý (1708), thương gia Mạc Kính Cửu (鄚敬玖)[2] người Quảng Đông, không phục nhà Thanh, bỏ chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha (?). Mạc Kính Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, ra Thuận Hóa (Huế) dâng thơ lên Quốc Chúa, xin đem đất đó quy thuận nước ta[3]. Quốc chúa nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên. Nước ta mở rộng bờ cõi đến Hà Tiên.

8/ Năm Kỷ Sửu (1709) Chúa sai đúc Quốc bảo. Đó là chiếc ấn khắc chữ “ĐẠI VIỆT NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO”. Chiếc ấn này đã được lưu truyền cho đến các đời vua nhà Nguyễn sau này.

9/ Thời gian tại vị, chúa đã khuyến khích hoàng tộc ăn chay, các hoàng thân quốc thích đều xây chùa riêng để làm công đức. Tính kế thừa tốt đẹp đó cho đến ngày nay, quanh năm, cơm chay, cỗ chay thường xuyên có mặt trong gia đình người Huế.

Trong hành trình xây dựng và phát triển đô thị xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn đã rời bỏ mảnh đất Phú Xuân, không phải chỉ ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê-Trịnh, và càng không phải cát cứ phong kiến đơn thuần vì lợi ích của dòng họ Nguyễn. Nó còn phản ánh một ước nguyện muốn thực thi những chính sách cai trị khác với đường lối chính trị của Đàng Ngoài lúc đó, đang theo xu hướng hoài cổ rập khuôn thời Lê sơ, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Về mặc khách quan, việc làm của Nguyễn Phúc Chu có lợi thế cho xu hướng phát triển của lịch sử dân tộc[4]. Mỗi con người đều gắn liền với một vùng đất lịch sử, với những phận số khác nhau. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu là người đã nhìn ra phương Nam là vùng đất hoàn chỉnh để tạo nên một đất nước trải dài, như một con rồng uốn lượn. Đồng cảm trước vẻ đẹp của vùng đất trù phú, người phương Tây đã gọi là hòn ngọc Viễn Đông!

Ngày nay, chúng ta lật lại những trang sử Việt hào hùng, không chỉ để ghi nhớ công đức sâu dày, mà còn là sự tuyên thệ, phải sống xứng đáng với ước vọng của tiền nhân. Luôn phát huy sức mạnh dân tộc, tô đẹp gấm vóc giang sơn, gìn giữ từng tấc đất để không phụ long ước vọng của tiền nhân. Ngoài ra, những vùng đặc thù của Huế: Trường An, Thủy Xuân, Kim Long, Bạch Đằng… nên chăng có các phố ăn chay, để người dân nơi đây không chỉ nghe có tiếng chuông tĩnh giác mỗi sớm tinh sương, nhớ về công đức của tiền nhân, mà còn là sự duy trì tuyệt vời tinh thần tu nhân tích đức của ông cha. Nhìn dưới một góc độ tâm linh, chúa Nguyễn Phúc Chu là một Phật Hoàng thứ hai sau Trần Nhân Tông. Tôi tin chắc rằng, bất cứ du khách nào đến đây, chẳng những được nghe lịch sử hào hùng, mà còn nếm cả văn hóa ẩm thực, thì Huế sẽ đa dạng và hấp dẫn hơn rất nhiều. Thái Lan và Campuchia được mệnh danh là xứ chùa tháp, có những khúc sông hơn chục cây số không đánh bắt tạo nên một thiên nhiên tuyệt vời. Huế có nhiều chùa chiền vào hàng nhất nước với hơn 400 chùa và 230 niệm phật đường. Về nông thôn mỗi làng đều có chùa, vậy tại sao không thể là thành phố du lịch tâm linh! Một chiến lược phát triển đất nước theo cấp vĩ mô, hội tụ hồn thiêng sông núi, anh linh các vì vua phò hộ dân tộc Việt mãi vạn xuân. Chúa Nguyễn Phúc Chu là một vì sao sáng giữa bầu trời, càng nhìn càng sáng!

27/06/2011

 


* Đại đức, Tiến sĩ, Phó Tổng Thư ký VNC Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

[1] Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 8, trang 17.

[2] Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả.

[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, S, 1968, tr. 331.

[4] GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 45
    • Số lượt truy cập : 6573242