VÀI NÉT VỀ THÁP DƯỢC SƯ CHÙA PHÚC LÂM - BIÊN HÒA
QUẦN ANH
Tháp Dược Sư đang thi công hoàn thiện
Tháp Dược Sư là một trong các hạng mục công trình trùng tu xây dựng Chùa Phúc Lâm giai đoạn 2023-2024. Tháp Dược Sư có kiến trúc tứ giác, gồm 7 tầng mái, với chiều cao 33 mét (tính từ cốt nền). Tháp Dược Sư được xây dưng bằng nghệ thuật bê tông giả gỗ theo phong cách kiến truyền thống Phật giáo Bắc bộ tại mảnh đất miền Đông Nam bộ. Dự kiến ngôi tháp này sẽ hoàn thiện trước thềm xuân Ất Tỵ 2025.
Theo như lời tâm sự của Thượng tọa Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm, mục đích xây tháp mang đậm nét chân quê mộc mạc bình dân, “để mọi thành phần đều có thể đến chiêm bái cửa Phật. Người khá giả thì lắng lòng tịnh tâm. Người khó khăn thì không mặc cảm tự ti”.
Trong thời gian xây tháp, do bị giàn giáo che chắn nên mọi người khó thấy được kiến trúc cũng như các hoa văn họa tiết của tháp như thế nào. Chỉ đến ngày các nghệ nhân hạ giàn giáo tầng mái thứ 6 để tiếp tục hoàn thiện tầng mái thứ 5 tháp, thì mới làm lộ diện kiến trúc tầng mái thứ 6 tháp Dược Sư với cổ lầu được trang trí bằng lan can hoa văn triện tàu lá vắt.
Thượng tọa Thích Minh Trí cho biết 5 tầng mái còn lại của tháp sẽ đồng kiến trúc như tầng mái thứ 6. Hiện nay, thi công hoàn thiện tháp Dược Sư có 3 nhóm thợ, tổng cộng 24 người. Nhóm thợ miền Nam hoàn thiện nội thất tháp. Nhóm nghệ nhân Hải Hậu, Nam Định hoàn thiện phần mái tháp. Nhóm thợ sơn giả gỗ hoàn thiện phần kèo cột, rui mè,...dưới tầng mái của tháp. Cả 3 nhóm thợ đều nỗ lực theo nhau hoàn thành mỗi tầng tháp một tuần.
Sau khi hạ giàn giáo tầng mái thứ 6 tháp Dược Sư, mọi người tràn ngập niềm hoan hỷ về kiến trúc tháp Dược Sư. Được biết, tháp Dược Sư chỉ có bản vẽ thiết kế kết cấu, chiều cao của tháp mà không có bản thiết kế chi tiết trang trí họa tiết. Việc định hình kiến trúc tháp, chọn tỷ lệ thước tấc cân đối giữa chiều cao mỗi tầng và mái cùng với việc chọn các họa tiết hoa văn trang trí tháp đều được thực hiện bằng quá trình quan sát, sự trải nghiệm xây dựng chùa và những kiến thức về văn hóa kiến trúc đình chùa miền Bắc mà thầy trụ trì đã tích lũy qua năm tháng.
Vì vậy, sau khi hạ giàn giáo tầng mái thứ 6 của tháp Dược Sư, nhìn tỷ lệ, hoa văn, màu sắc tầng mái ngắn thứ 6 và tầng mái đỉnh tháp rất cân đối hài hoà với nhau, không một chi tiết nào chống trái nhau. Nhiều người tin rằng hạng mục tháp Dược Sư chắc chắn thành công như mong đợi.
Trên thực tế, việc xây tháp tứ giác điểm khó nhất chính là tỷ lệ giữa mái tháp và thân tháp, giữa tầng mái ngắn trên và dưới, giữa thân tháp và cổ lầu dưới và trên. Những tỷ lệ này đều phải cân đối hài hoà trong không gian 3 chiều.
Điểm khó nữa của việc xây tháp tứ giác là độ cong của các góc mái sao cho không không quá cong vút làm gãy góc mái, không quá ngang làm mái thiếu đi sự mềm mại.
Điểm khó cuối cùng là trang trí cổ lầu thế nào để thân tháp không bị thấp xuống như người bị rụt cổ.
Để hoàn thiện tháp Dược Sư, ước tính sơ bộ:
- Về hoa văn họa tiết, các nghệ nhân làm và gắn: 28 đầu đao “rồng chầu phượng mớm”, 14 chữ Thọ tròn, 13 bánh xe Pháp luân, 96 lan can triện tàu lá vắt, 72 trụ đấu vuông, trên 2.000 lá Bồ đề, 28 bông lúa, hơn 300 hoa thị chạy bờ mái, đắp nổi 140 chiếc bẩy, 140 chữ Thọ vuông gắn đầu bẩy, 02 hoa văn chữ Thọ hóa trống đồng, dán 22.000 viên ngói mũi hài;
- Về xây tô, các thợ xây phải tô trát 850 m2 vuông tường, đắp 400 m2 rui mè, ốp tường 23.500 viên gạch (100x300), đắp hàng ngàn mét chỉ mạch gạch ốp tường, lát gạch 132 mét bục cầu thang, lót 150 m2 gạch nền v.v.
Những điều ít biết về công trình trùng tu xây dựng Chùa Phúc Lâm:
1/ Với diện tích khuôn viên chùa Phúc Lâm khoảng 2.000 m2, công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc đình chùa miền Bắc kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Chất lượng công trình kiên cố, tồn tại với thời gian ít nhất 01 thế kỷ.
2/ Bảo tồn và phát huy được các giá trị kiến trúc và các biểu mẫu hoa văn họa tiết chuẩn cổ của dân tộc Việt.
3/ Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, Phật giáo của mọi tầng lớp nhân dân bằng các hạng mục tín ngưỡng, Phật giáo miền Bắc.
4/ Đủ không gian tổ chức các lễ trọng của Phật giáo với khoảng 500 người tham dự.
5/ Đủ tiện nghi cho 10 sư tăng thường trú sinh hoạt trong chùa.
6/ Thượng tọa trụ trì vừa là đại diện chủ đầu tự, vừa là chủ thầu, vừa là công trình sư, vừa là kiến trúc sư, vừa là giám sát sư, vừa là người mua vật liệu xây dựng, trả lương thợ mỗi tuần.
7/ Chủ đầu tư không vay, không nợ dù chỉ một đồng của bất cứ ai từ khi khởi công cho đến ngày hoàn thành.
8/ Hiện nay, chỉ còn lại công trình chạm trổ hoa văn gỗ (hoành phi, câu đối, cửa võng, cuốn thư, khám thờ, bệ tượng, bàn hương án) để trang trí bên trong các hạng mục: Tây Phương Điện, Hộ Quốc Từ, Tổ Đường, La Hán Đường, Dược Sư Tháp, Linh Cốt Đường và Ký Linh Đường. Công trình này hiện đang được Nhà gỗ Tú Chinh khẩn trương thi công tại thôn Quần Anh, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Dự kiến công trình chạm trổ hoa văn gỗ, sơn son thếp vàng này sẽ hoàn thành viên mãn sau đại lễ Phật đản năm Ất Tỵ (2025).
9/ Riêng công trình 36 tôn tượng mộc chư Phật, Bồ tát, Hiền thánh tăng bằng chất liệu gỗ mít ta sẽ được khởi công sơn son thếp vàng tại chùa Phúc Lâm ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ (2025).
10/ Năm 2026 là năm đánh dấu kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển chùa Phúc Lâm; tròn 30 năm thầy trụ trì đơn thân độc mã đặt chân đến vùng đất Biên Hoà, đảm nhiệm trọng trách chấn hưng chùa Phúc Lâm khi tuổi đời chưa đến 27 mùa Xuân.
Vì vậy, Thượng tọa trụ trì dự kiến Lễ Khánh thành chùa và tháp Dược Sư sẽ được tiến hành tổ chức vào tháng 02 âm lịch năm Bính Ngọ (2026) để trùng với 02 cột mốc thời gian trên đây.
11/ Sau khi chính quyền Đồng Nai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023-2025, chùa Phúc Lâm có địa chỉ mới là: số 1272, đường Phạm Văn Thuận, khu phố 7, phường Tân Mai, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Bình luận bài viết