VÀI SUY NGHĨ VỀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VÀ NGHI LỄ PHẬT GIÁO Ở MỘT NGÔI CHÙA
VÀI SUY NGHĨ VỀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
VÀ NGHI LỄ PHẬT GIÁO Ở MỘT NGÔI CHÙA
LƯƠNG THỊ THU
Nói về tín ngưỡng, tức nói về niềm tin vào cái thiêng. Nghi lễ nhà Phật nếu thoát ly ra khỏi cái thiêng thì không còn mang màu sắc của tôn giáo nữa. Không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện cụm từ “hồn thiêng sông núi”. Niềm tin tôn giáo là một hệ thống niềm tin hướng vào thế giới thiêng. Sự chuyển hóa thiêng qua phàm và từ phàm qua thiêng có một lằn ranh rất mỏng. Hơn nữa, bất kỳ tôn giáo nào cũng phải giải quyết ba vấn đề lớn: cái chết, hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống. Và Phật giáo có thể giải quyết ba vấn đề này, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân ở mỗi giai đoạn dù có khác nhau về cách thể hiện nhưng bản chất thì như nhau. Và trên đường đi của Phật giáo không tránh khỏi những sự cuốn hút ảnh hưởng của Ấn giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Cuối cùng, thì Phật giáo giúp chúng ta cái nhìn về nhân sinh, vũ trụ rất hay nhưng không được quên những tôn giáo khác, những văn hóa tín ngưỡng bản địa. Trong đó, nghi lễ Phật giáo chuyển tải, quy phạm hóa những lời dạy của đức Phật và nghi lễ không phải là sự bắt buộc mà là hướng đích xã hội. Trong thiết chế của Phật giáo, sự bài trí các tôn tượng hoặc nghi lễ, lễ hội mang tính biểu tượng của một thực thể xã hội. Cần thiết cho sự chuyển tải giá trị luân lý đạo đức trong lòng xã hội hiện đại đang là một nhu cầu cho mọi đối tượng: xuất gia lẫn tại gia.
Đã từ rất lâu, chùa chiền Việt Nam là nơi diễn ra nhiều lễ hội dân gian và là nơi bảo lưu văn hóa truyền thống. Những công trình kiến trúc nổi tiếng trong mấy thế kỉ đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ, tiêu biểu cho nền nghệ thuật thời đại và trở thành những danh thắng, hầu hết đều là những chùa chiền. Ở đó không chỉ có những nghi thức tôn giáo mà còn có những sinh hoạt đậm đà màu sắc dân dã với những tập tục lưu truyền từ đời này sang đời khác, ở đó có sự giao lưu Phật giáo và những tín ngưỡng dân gian. Truyền thuyết về Man Nương, về Chử Đồng Tử, về Tiên Dung, về Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không trong Lĩnh Nam chích quái, truyền thuyết về thần Phù Đổng ở Việt điện u linh đều cho thấy sự thâm nhập lẫn nhau giữa Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian cũng như văn hóa dân gian. Chùa dung thông tín ngưỡng và nghi lễ, tiếp nối những nét văn hóa dân gian Việt Nam, chùa Viên Giác, chùa Định Thành, chùa Kim Cương... tại Thành phố Hồ Chí Minh là những ngôi chùa nghi lễ. Nghi lễ như một pháp môn tu tập. Trong tổ chức các pháp hội có sự dung hợp Tam giáo và tín ngưỡng trong cách bài trí và nội dung, cách thức tiến hành pháp hội được cộng đồng Phật tử khắp nơi tụ về rất đông và nhiều giới tín mộ tham dự. Vì sao? Tín ngưỡng dân gian cùng đạo Phật Việt Nam đã từng gắn kết và phục vụ cho nhu cầu tâm linh từ xưa đến nay hoặc cũng có ý kiến cho rằng Phật giáo đã thâm nhập vào tín ngưỡng dân gian và cả dạng thức tín ngưỡng truyền thống Nho giáo, Lão giáo. Qua bề mặt của pháp hội hay bài trí chọn lọc tôn tượng mà quý sư thầy ở các chùa đậm màu nghi lễ đã uyển chuyển sử dụng tâm thế đạo Phật để tiếp nhận vốn văn hóa đặc thù này bằng phương pháp chuyển hóa tư duy qua nghi lễ. Đó là nhân tố quan trọng góp phần thể hiện đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Triết lý của đạo Phật rất cao siêu, không phải người nghiên cứu một sớm một chiều mà có thể hiểu và quán triệt được toàn bộ. Vì vậy, đối với người bình dân khó có thể thâm nhập khi bước đầu học Phật được tức khắc. Nghi lễ là con đường đưa người vào đạo bằng con tim, chứ không phải bằng khối óc. Quý sư đã sử dụng con đường nghệ thuật hóa triết lý. Thông qua các yếu tố của nghi lễ, đạo lý cao siêu thâm nhập vào tâm thức của người đã xuất gia lẫn hàng ngũ tín mộ đạo Phật và thực hành theo giáo lý nhà Phật, triết lý được nghệ thuật hóa một cách nhẹ nhàng và mang âm hưởng của văn thơ, ngôn ngữ, diễn tả cảnh tình hết sức thanh thoát. Bằng phương pháp tham dự, chúng ta hãy nhập cuộc vào từng lời lẽ triết lý: “Từng nghe rằng: Mặt trời gác núi, tối sáng giành nhau. Bầu trời đầy sao, thế giới bùng lên ánh lửa (lửa tham lam, sân hận, si mê). Từng đàn chim bay về tổ ấm, kẻ nông phu người ngựa dắt díu nhau về. Trên chòi cao đầu làng, thỉnh thoảng điểm trống cầm canh, dưới bờ suối róc rách tiếng gió lùa vào ngọn cỏ. Lầu cao đã kín cổng, chòi cỏ cũng thâm u. Chính lúc này là thế giới của ngạ quỷ, vì vậy nên mở lòng từ khai đàn pháp sự để cứu độ chư âm linh oan hồn uổng tử”. Lúc này, đến với đạo Phật bước đầu không phải là con đường suy tư và lý luận mà là bằng âm thinh. Trong đó, ngôn ngữ và âm nhạc đã góp phần làm cho nghi chẩn tế cô hồn được cảm nhận bằng trực giác hay tình cảm. Quan trọng hơn cách bài trí tái hiện khung cảnh lung linh màu sắc âm giới của lễ hội là một sự thật tâm lý đã đè nặng và hằn sâu nhân loại về cõi chết. Đến chùa không phải cầu mong sớm thành Tiên, thành Phật mà chỉ cầu may mắn, làm ăn phát tài, tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, người sắp chết được Phật cứu vớt, người đã chết mong được siêu thăng. Đáp ứng tính thực tiễn này đã lý giải một phần nào đó việc cúng sao giải hạn, cầu siêu cầu an... Những pho tượng thờ có làm mờ nhạt đi vai trò tự lực của con người không? Điều này cho thấy trách nhiệm hướng đạo của Phật giáo rất lớn. Đối với bậc Đạo sư đã dựa vào tự lực để tầm đạo, học đạo và chứng đạo nên trong 45 năm hoằng pháp độ sanh, lời dạy chủ yếu của Ngài cho các đệ tử cũng là lời dạy tự lực tự tri: “"Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác...”1. Trước hết, đức Phật xác nhận cầu xin và ước vọng không có lợi ích gì, không những trên con đường thực hành chánh pháp mà còn cả vấn đề ước vọng thế gian. Không phải do nhân cầu xin, nhân ước nguyện mà thành tựu. Ngay trong cuộc sống hiện đại, con người với những tiện nghi tối đa vẫn chưa đủ đảm bảo cuộc sống an lành mà luôn bị bệnh tật, cái chết, thua lỗ trong kinh doanh, lo lắng tài sản không giữ được, lo lắng chức quyền sẽ không trụ lại được... Sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, chạy đuổi theo những danh vọng tiền tài, hạnh phúc luôn là mục tiêu hướng đến mà quên đi lý tưởng sống của bản thân mình. Sống vì cái gì? Sống vì ai? Sống cho ai? Nhịp độ ảo càng lúc càng tăng. Sự đơn độc, lo sợ càng lúc càng lớn dần. Nỗi ám ảnh làm giàu, làm cho họ trượt dài trên những thủ đoạn bất chính. Vai trò Phật giáo trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, đặc biệt trong môi trường văn hóa Việt Nam xem ra cũng không dễ dàng. Giáo lý nghiệp không thể truyền dẫn bằng con đường triết luận đối với cộng đồng đa tôn giáo, đa sắc tộc. Tính chất tùy thuận, tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo Bắc tông đã góp phần lớn vào việc định hình đặc điểm và tính chất của mình, khi truyền vào một địa phương nào, đất nước nào, đạo Phật đã nhanh chóng thích ứng với phong tục, tập quán của địa phương ấy, dân tộc ấy. Sự thích ứng ấy đã lưu giữ lại trên điện thờ Phật giáo nhiều thần linh địa phương. Họ đã trở thành những vị Hộ pháp, Khuyến thiện, Trừng ác, làm chức năng giữ chùa như trường hợp của Quan Vân Trường đã trở thành Già lam Thánh chúng trong chùa. Ở chùa Viên Giác (quận Tân Bình), hai bên bức bình phong bước vào chánh điện, một bên là tôn tượng ngài Kim Cang Mật Tích, một bên là Quán Thánh Đế Quân còn được gọi là Già Lam thánh chúng. Nhưng điểm chung nhất của tất cả các ngôi chùa Nam bộ là vị Bồ tát Quan Âm lộ thiên trong tư thế đứng. Biểu tượng cho lòng từ bi cứu khổ cứu nạn và chùa Viên Giác có đến 4 tượng. Trong điện Tiếp dẫn, dưới cổ lầu, phía trước hiên chùa hóa thân là Tiêu Diện... một tôn tượng Quán Âm lộ thiên và trên hết chính những pho tượng đó được phủ lên màu triết lý đạo đức sống thanh lương, sống tri ân báo ân, sống tự lực hướng thiện bằng những bài pháp, bài sám, bài tán tụng sống động. Có lẽ tác động bằng âm thanh, bằng ngôn ngữ, bằng diễn xướng... mà Phật tử có thể đối thoại được với chính mình, quá trình hướng nội được tu dưỡng hằng đêm thời khóa lễ dành cho Phật tử luôn được quý thầy nghiêm khắc nhắc nhở. Đạo Phật là đạo ra đời nhằm độ thoát chúng sinh với trí tuệ sẵn có của mình để giúp chúng sinh đó tiến đến giác ngộ thì tất nhiên đạo Phật không thể đem điều mê tín dị đoan cho chúng sinh được. Nhưng trên con đường đi của đạo Phật, ít nhiều bị dân gian hóa theo những tín ngưỡng của từng địa phương mà có ít nhiều thay đổi, để rồi qua thời gian dài người ta cứ nghĩ là đạo Phật nặng màu sắc dị đoan và phai nhạt đi màu trí tuệ giải thoát.
Trong hoạt động Phật sự, phóng sanh là một sinh hoạt thường xuyên của nhà chùa nói chung. Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp trong đời sống xã hội, dân gian có tục cúng đưa Ông Táo về trời kèm việc phóng sanh chim, cá. Đặc biệt là phóng sanh cá chép. Đây là một nét văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam được lưu giữ từ ngàn đời… Có yếu tố nội sinh về nguồn gốc của cái thiện, không sát sanh, tôn trọng sự sống của muôn loài trong đạo lý của nhà Phật được cách điệu trong tín ngưỡng dân gian “Tục cúng Ông Táo về trời”. Đạo Phật ngoài ý nghĩa giáo dục lòng từ bi, về mặt xã hội còn mang ý nghĩa cải tạo môi trường sống. Trong nhiều năm qua, chư Tăng, Phật tử tại trú xứ Viên Giác thường xuyên tổ chức các hoạt động phóng sanh cá, góp phần cải tạo trên môi trường sống trên kênh Nhiêu Lộc, đặc biệt những ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, Vu lan...Đồng thời, thông qua các buổi thuyết giảng, nhà chùa cũng tích cực kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xanh, sạch trong cộng đồng. Năm 2015, chùa được trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2015. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang đã ký quyết định số 1292/ QĐ-BTNMT tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015, tôn vinh các tổ chức cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó chùa Viên Giác là đơn vị Phật giáo duy nhất tại TP. HCM được trao giải thưởng này.
Tóm lại, nghi lễ gắn liền với giáo dục đạo đức Phật giáo bao giờ cũng có mảnh sống thiêng của nó. Nếu một ai đó trong cuộc đời vinh nhục đua chen đã mỏi gối, chồn chân, hãy đứng trước ngôi già lam vào buổi chiều nắng tắt bên tiếng chuông ngân như giục giã chúng sanh hãy nhanh chóng quay về miền tịnh thổ thì sẽ cảm nhận:
"Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm”.
(Mạn hững ở Sơn Phòng 1- Trần Nhân Tông)
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết