Thông tin

VÀI SUY NGHĨ VỀ VỊ THẾ TAM GIÁO

TRONG CHÍNH SÁCH AN DÂN CỦA CÁC CHÚA NGUYỄN

 

NGUYỄN VĂN ĐĂNG*

 

1. Đặt vấn đề

1.1. Sự kiện Nguyễn Hoàng tránh mặt Trịnh Kiểm vào làm Trấn thủ ở vùng “Ô châu ác địa” - Thuận Hóa (1558), rồi Trấn thủ Thuận Quảng (1570), với ý đồ gây dựng một giang sơn riêng đã làm xuất hiện ở vùng này một vương quốc mới - xứ Đàng Trong bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Trong quan điểm chính thống xưa nay, rõ ràng đó là tư tưởng cát cứ, ly khai tạo nên tình trạng chia cắt đất nước. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, dưới chính sách an dân của các chúa Nguyễn, dân tộc ta tiếp tục mở mang lãnh thổ tới tận Cà Mau, khai phá đất đai, phát triển kinh tế, văn hóa, đặc biệt là mở mang kinh tế đối ngoại, biến vùng đất Thuận Quảng từ chỗ còn hoang sơ, thành một trung tâm lớn trung chuyển dân cư Đại Việt vào Nam bộ, hoàn chỉnh một lãnh thổ đất nước rộng lớn như ngày nay và đưa xứ Đàng Trong tiến kịp với Đàng Ngoài về mọi mặt là điều không thể phủ nhận. Lý giải những thành công của các chúa Nguyễn, đã có nhiều quan điểm được nêu ra và cũng còn nhiều điểm chưa thống nhất.   

1.2. Trong những nguyên nhân thành công của các chúa Nguyễn không thể không chú ý đến nguyên nhân từ trong lĩnh vực tư tưởng. Hay nói cách khác, đạo trị nước để an dân, cố kết nhân tâm mà các chúa Nguyễn đã tìm kiếm, sử dụng, vận hành là gì trong quá trình xây dựng nhà nước tập quyền? Điều này không hẵn là không còn giá trị gì trong công cuộc đổi mới đất nước một cách toàn diện như hiện nay. Các chúa Nguyễn đã dùng loại hình tư tưởng nào? Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo hay là sự kết hợp giữa tam giáo hoặc chỉ “chấp nhận một mức độ hợp giáo và thu nhận tất cả các tập tục và tín ngưỡng của địa phương có thể giúp họ tồn tại và phát triển[1]?

Về điều này, Li Tana[2], trong phần kết luận của công trình viết về Đàng Trong, một trong những luận điểm quan trọng của tác giả là đánh giá rằng: cách lựa chọn quan điểm của chúa có tính chất “phi chính thống”, “thực tế và thực dụng”. Nhưng tác giả lại đi quá xa khi viết “Nhu cầu hợp thức hóa quyền bính của họ đối với dân địa phương cũng đã đẩy họ Nguyễn bỏ xa các nguyên tắc của Khổng giáo để cổ vũ Phật giáo Đại thừa có nhiều thần thánh như một thứ Quốc giáo và tự xưng là Thiên vương giống với các nhà cai trị trong vùng lân cận hơn là vua Lê ở phía Bắc[3].   

Tiếp tục chiều hướng này, gần đây, trong một số phát biểu tọa đàm, hội thảo khoa học[4], có một số ý kiến lại cho rằng “các chúa Nguyễn đã lấy tư tưởng Phật giáo làm tư tưởng chính thống trong đường lối trị nước của mình” hoặc “trong một bối cảnh bất đắc dĩ không thể lựa chọn Nho giáo bởi họ Nguyễn muốn tránh tiếng soán nghịch, bất đạo theo quan điểm Nho giáo truyền thống… Phật giáo được lựa chọn như là một sinh lộ cũng gần như độc đạo trên cơ sở kế thừa, tích hợp các tín ngưỡng bản địa…[5].

1.3. Những luận điểm như trên có đôi điều cần bàn. Trước hết, là để cùng làm rõ hơn ý thức hệ của các chúa Nguyễn, diễn tiến của nó? Hai là góp phần lý giải những thành công trong chính sách an dân, cố kết nhân tâm để từng bước xây dựng chính thể mới trên một vùng đất mới, Thuận Quảng buổi đầu và cả xứ Đàng Trong sau đó.

2. Điều rất rõ ràng là trong quá trình đi về phương Nam, người Việt đã mang theo những vốn liếng về sinh kế, văn hóa tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng từ phía Bắc vào và đồng thời thu nhận, chuyển hóa các tập tục và tín ngưỡng của lớp người tiền trú, để thực sự trở thành chủ nhân của vùng đất mới. Trong lĩnh vực tư tưởng, với tư cách là người xây dựng vương nghiệp, các chúa cũng cần lựa chọn và định hình cho mình một bệ đỡ tư tưởng mới. Những tư tưởng đó tất yếu dựa trên truyền thống tư tưởng được mang theo từ Đàng Ngoài vào của cư dân, của chính bản thân các chúa và những di sản văn hóa tư tưởng của cư dân tiền trú, cư dân Việt đã vào đây trước đó; đồng thời nó phải nhằm mục đích an dân, thu phục cố kết nhân tâm để từng bước xây dựng chính thể mới, trong bối cảnh có chiến tranh với thế lực họ Trịnh ở phía Bắc... Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, chúng ta có một thời kỳ được gọi là “tam giáo đồng nguyên/ đồng qui” ở thời Lý - Trần, trên cơ sở Phật giáo thịnh đạt từ trước đó. Trong các thế kỷ XVI-17I cũng đã hình thành nên hiện tượng tam giáo đồng nguyên/ đồng qui, nhưng dựa trên cơ sở Nho giáo suy yếu dần, được thể hiện một cách đầy đủ và đặc trưng hơn ở xứ Đàng Trong.

2.1. Về Nho giáo, không thể nói các chúa Nguyễn, đặc biệt là Nguyễn Hoàng đã “bỏ xa các nguyên tắc của Khổng giáo” để “hợp thức hóa quyền bính” và để gần các nhà cai trị Đông Nam Á như Li Tana đã nói. Vị thế của Nguyễn Hoàng và con cháu ông buộc phải đề cao chính sách an dân; trước hết là để tồn tại, để khẳng định quyền lực, để chống lại chúa Trịnh hiệu quả chứ chưa có nhiều sự lựa chọn về ý thức hệ. Ông phải hành động hiệu quả thiết thực như một thủ lĩnh quân sự địa phương (như việc dùng người Quý hương, Quý huyện…) chứ không cho phép ông lựa chọn con đường văn trị như khi chiến tranh với họ Trịnh cơ bản đã kết thúc (1672) sau đó một thế kỷ. Bối cảnh còn sơ khai về học vấn của Đàng Trong buộc Nguyễn Hoàng phải nâng niu những gì mình có từ Đàng Ngoài và phải tích hợp thêm các tập tục tín ngưỡng bản địa…

Dòng dõi Nguyễn Cam - Nguyễn Hoàng vốn là công thần qua các triều đại, phục hưng vua Lê, lập nghiệp trong thời kỳ mà Nho giáo được dùng như lý thuyết cai trị và trở thành chuẩn mực xã hội. Cho dù vào thế kỷ XVI, Nho giáo không còn đậm đặc, ở vị thế độc tôn như thế kỷ XV, ta cũng dễ dàng nhận thấy Đoan Quận công Nguyễn Hoàng (1558-1613) được nuôi dưỡng và trưởng thành trong giáo lý Khổng Mạnh. Sử liệu ghi lại chính Nguyễn Hoàng đã được vua Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng thứ 18, trao chức Đề điệu tổ chức kỳ thi tiến sĩ khoa Ất Mùi (1595) lấy hợp cách được 6 người là bọn Nguyễn Viết Tráng[6]. Đó chính là vốn chính trị mà Nguyễn Hoàng không thể không dùng nó.

Kẻ sĩ Nho học còn quá ít là cái thiếu của Đàng Trong. Vì thế, có thể nói các chúa rất trọng nhân tài Nho học xuất thân từ phía Bắc. Nguyễn Phúc Nguyên đã gặp gỡ và trọng dụng Đào Duy Từ là một dẫn dụ tiêu biểu. Tinh hoa trong đường lối quân sự, ngoại giao và chính trị của Đào Duy Từ khi tác giả của Ngọa long cương cố vấn cho Nguyễn Phúc Nguyên là gì nếu không phải là tinh hoa của đạo Nho, nhưng không có đất dụng võ trên đất Bắc Hà, vì thân phận con nhà “xướng ca vô loài”. Ngoài Đào Duy Từ, có thể nói những tôi hiền, nghĩa sĩ theo phò Nguyễn Hoàng vào Nam và đóng góp công sức cho sự “khước từ” Đàng Ngoài thành công thời Nguyễn Phúc Nguyên đều ít nhiều được đào luyện ở “cửa Khổng sân Trình”. Tiêu biểu như Nguyễn Ư Kỷ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống, Nguyễn Phúc Kiều, Nguyễn Đình Hùng, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tấn,… Lời nói của Nguyễn Hữu Dật được các chúa nghe theo “… các tướng có phương lược thì không kể thân hay sơ đều cho cầm quân, còn những người họ hàng và cố cứu mà không biết việc binh thì hậu đãi, cho bỗng lộc, chớ để giữ binh quyền…[7] không chỉ thể hiện rõ cách dùng người, mà còn nói lên tính chất thủ lĩnh quân sự của chúa trong giai đoạn đầu xây dựng vương nghiệp.

Trong quá trình xây dựng chính quyền, trong cái thế khó khăn và còn nhiều mối quan hệ ràng buộc với Đàng Ngoài, đã xuất hiện nhiều thế lực chống đối ngay trong nội bộ dòng họ. Có thể kể đó là Chưởng cơ Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch, em ruột Nguyễn Phúc Nguyên; Nguyễn Phúc Anh, em ruột của Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648)… Những người này đều tìm cách mật báo liên kết với quân Trịnh, giành quyền bính. Khi bị phát giác, đương nhiên phải bị chém đầu, nhưng cái cách mà các chúa thương xót thể hiện cách hành xử theo Nho giáo. Nguyễn Phúc Nguyên đã nói: “Sao hai em nỡ trái bỏ luân thường?”…

Sau khi chiến tranh với chúa Trịnh tạm ngưng (1672), nền hành chính Đàng Trong ngày càng được củng cố, hoàn bị hơn, thì yêu cầu xây dựng nhà nước tập quyền văn trị buộc các chúa không thể không quan tâm đặc biệt đến giáo hóa Nho giáo. Ngoài việc cho tư nhân mở trường học, còn nhà nước (từ thời Nguyễn Phúc Chu) tổ chức các kỳ thi Nhiêu học, Chính đồ, Hoa văn cho sĩ tử ứng thí, chúa đã cho lập Văn miếu. Văn miếu Triều Sơn được lập thời Nguyễn Phúc Thái (1687-1690) để sau đó năm 1692, Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho sửa chữa và mở rộng. Ngay trên vùng đất rất mới là Biên Hòa của Thủy Chân Lạp, từ rất sớm (năm 1715) Văn miếu Trấn Biên cũng được lập[8]… Mặc dù nổi tiếng là những người sùng Phật, cho dù có pháp danh, có đạo hiệu, sự nghiệp “vương cơ’ đề cao vai trò quốc chúa theo giáo lý Khổng học, cũng được các chúa chăm chút ở ngay các tự quán, các chùa sắc tứ, quốc tự. Những thuật ngữ đạo hiệu, niên hiệu, quốc chúa hay quốc chủ, ngự đề, ngự chế… ở chùa Thiên Mụ (Huế), chùa Hộ Quốc (Biên Hòa) cho thấy điều đó.

2.2. Về Phật giáo, có thể nói rằng Phật giáo xứ Đàng Trong khá thịnh trị, trở thành chất xúc tác để hình thành tam giáo đồng nguyên, để cố kết nhân tâm vì mục tiêu của chúa; nhưng không vì thế mà có thể cho rằng dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo ở địa vị tư tưởng chính thống. Dù tinh thần “nhập thế”, tư tưởng “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo” của các đại biểu Phật học xuất sắc thời Lý - Trần được phục hưng trong sinh hoạt Phật học đương thời, dù thực tế đạo và đời song hành, gắn bó trở lại trên đất Đàng Trong, thì Phật giáo trước sau vẫn là một tôn giáo đúng nghĩa.

Ở thế kỷ X-XI, vai trò quốc giáo của Phật giáo là hiện hữu, nhưng ngay cuối thế kỷ XI, vua Lý đã phải mở đường cho Nho giáo đi vào cung đình, bằng cách mở ra các thiết chế cho Nho giáo xâm nhập vào giáo dục khoa cử (lập Văn miếu năm 1070, mở khoa thi Minh kinh bác sĩ Nho học năm 1075; mở trường Quốc tử giám năm 1076). Ở thế kỷ XVI-17 trên đất Đàng Trong, vị thế của Phật giáo cũng có những nét tương đồng như thời Lý - Trần, nhưng không còn và cũng không thể ở địa vị quốc giáo như thời trước được. Nguyễn Hoàng và các chúa cần cố kết nhân tâm, và họ thấy ngay ở Phật giáo một phương tiện để làm điều đó. Một đặc điểm chung của cả hai thời kỳ này là đất nước đều có yêu cầu xây dựng một nhà nước tập quyền vững mạnh và trong bối cảnh Nho giáo không mạnh, không còn đóng vai trò tích cực nữa thì Phật giáo được trọng dụng.

Một hiện tượng thấy rõ là các chúa Nguyễn đều tỏ ra là người sùng Phật. Chúa Tiên cho xây chùa Thiên Mụ năm 1601, trùng tu chùa Sùng Hóa (Phú Vang), xây chùa Long Hưng, Bửu Châu ở Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), chùa Kính Thiên (huyện Lệ Thủy) năm 1602. Chúa Sãi (hay chúa Bụt/ chúa Phật) là biệt danh của Nguyễn Phúc Nguyên, chắc hẳn ông có nhiều công lao với Phật giáo.

Có thể nhận thấy rằng, nền tảng của Phật giáo Đàng Trong buổi đầu chính là Phật giáo dân gian, do cư dân Việt mang từ Đàng Ngoài vào. Tư tưởng Phật học trong Phật giáo dân gian không còn có tính khái quát, định hướng cao siêu như giai đoạn trước. Yêu cầu phát triển Phật học lúc bấy giờ và các chúa đã ý thức được điều này là cần có một sự chấn hưng, ngoại viện học tập Phật học, đưa Phật giáo vào trong chốn cung đình, mới đáp ứng được yêu cầu của hệ tư tưởng, trở thành phương sách an dân như mục đích của chúa. Vì thế các chúa muốn “làm mới”, muốn tạo cho Phật giáo một diện mạo mới, có sinh khí hơn và nâng cao hơn nữa tính tư tưởng của Phật học. Do vậy, từ thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần về sau, xuất hiện trên đất Đàng Trong nhiều sư sãi Trung Quốc, chủ yếu ở vùng ven biển Đông Nam qua Đàng Trong hoằng dương Phật pháp. Có thể kể như sư Viên Cảnh, Viên Khoan ở Quảng Trị; Giác Phong, Minh Hoằng Tử Dung, Từ Tâm, Khắc Huyền, Huyền Khê, Nguyên Thiều, Minh Hải Pháp Bảo, Thiền sư Thạch Liêm, Từ Lâm… ở Thừa Thiên Huế.

Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) có pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng đạo nhân. Bằng sự kiên trì, bền bỉ thông qua sự giúp đỡ của sư Nguyên Thiều, Chúa đã mời được Thiền sư Thạch Liêm đến Thuận Hóa trong các năm 1695-1696, mở Đại giới đàn ở chùa Thiền Lâm, có đến 1.400 tăng sĩ thọ Tỳ kheo, Sa di; một số thọ Bồ Tát giới… Chính Quốc chúa đã tham học với Thiền sư, nhờ Thiền sư cố vấn cho đường lối trị nước; chúa có công lớn trong trùng tu Quốc tự Thiên Mụ mà nhiều di tích, di vật vẫn còn lưu lại ở chùa… Các chúa từ Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) đến Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) đều có đạo hiệu thể hiện sự tin dùng Phật giáo.

Kết quả của việc “xiển dương” Phật pháp đó là ở xứ Đàng Trong xuất hiện hai phái Thiền mới Lâm Tế (từ ngài Nguyên Thiều) và Tào Động (từ ngài Thạch Liêm). Đồng thời xuất hiện một phái Thiền mới là phái Liễu Quán do ngài Liễu Quán tham học Minh Hoằng Tử Dung (phái Lâm Tế) mà sáng tạo ra. Ngoài ra, sau một thời gian dài bị lưu lạc, phái Trúc Lâm bắt đầu trổi dậy trên đất Nam Hà với các Thiền sư như Viên Cảnh - Lục Hồ, Viên Khoan - Đại Thâm, Minh Châu - Hương Hải ở Thuận Hóa (Quảng Trị, Thừa Thiên)… Tư tưởng Phật học lúc này có đủ Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông kết hợp lại. Không chỉ vậy, nhiều Thiền sư Đàng Trong am hiểu cả Đạo học, Nho học…

Không thể phủ nhận Phật giáo thời chúa Nguyễn chủ yếu là Phật giáo Đại thừa; Thuận Hóa trở thành trung tâm/thủ đô Phật giáo; trong Phật giáo có nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng bản địa… Phật giáo lúc bấy giờ không chỉ tồn tại và gắn bó trong dân gian làng xã[9] như thời kỳ đầu Nam tiến, mà trở nên thịnh đạt cả trong cung đình (từ cuối thế kỷ 17). Phật giáo chính là cốt lõi, làm chất xúc tác để cố kết Nho, Đạo và các tín ngưỡng bản địa, hình thành tam giáo đồng nguyên; trở thành “phương tiện” để cố kết nhân tâm trong toàn bộ các chính sách an dân của chúa. Nhưng như thế cũng rất khó để đồng tình với quan điểm cho rằng Phật giáo ở địa vị “quốc giáo” của xứ Đàng Trong. Chúng ta chớ lấy “ngón tay chỉ mặt trăng mà cho đó là mặt trăng” như lời cư sĩ Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung thời Trần đã dạy.

2.3. Về Đạo giáo, nếu Đạo gia Trung Quốc phân định rõ giữa tư tưởng Lão Trang mang tính vũ trụ luận biện chứng và Đạo giáo hình thành khoảng đầu thế kỷ V[10] thì ở Việt Nam, những yếu tố của tư tưởng Lão Trang không nhiều, và cũng chỉ bắt đầu nổi lên từ sau hành trạng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trên đất Đàng Trong, có cả hai yếu tố này nhưng yếu tố của Đạo giáo vẫn mạnh hơn. Trong đó, cả Đạo giáo phù thủy và Đạo giáo thần tiên cùng hiện hữu. Những yếu tố Đạo giáo thật khó tách bạch với các tín ngưỡng bản địa và yếu tố Mẫu của vùng đất mới chưa chịu nhiều ảnh hưởng của Nho học - Nho giáo. Tiến trình tư tưởng của vùng đất Nam Hà thể hiện rõ đặc điểm của sự kết hợp này.

Trong dân gian, đối tượng thờ cúng của chùa làng vùng Thuận Hóa là vô cùng phong phú và phức tạp. Đó là nơi thờ Phật theo cách riêng của làng xã, là nơi tiếp nhận và chuyển hóa những tượng thần Hindu, nơi thờ Quán Thế Âm dưới những biểu hiện đa dạng và chùa còn là nơi tập hợp những vật thiêng không rõ nguồn gốc…[11].

Trong cung đình, trong bối cảnh Nho học, Nho giáo chưa thịnh, Phật giáo đậm tính dân gian thiếu yếu tố Phật học, thì Nguyễn Hoàng đã phải tiếp nhận và thâu hóa những yếu tố Đạo giáo đậm chất tín ngưỡng (đặc biệt là Nữ thần) để cố kết lòng quân, lòng dân. Tác giả Trần Đình Hằng phân tích/ nhận định khá thấu đáo về vai trò các nữ thần thời Nguyễn Hoàng. Từ hình tượng Bà Tơ (bà chúa Tơ - bao gồm cả giai thoại, truyền thuyết và lễ hội) có công phò Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang (ở 2 làng Bác Vọng Đông - Quảng Phú, Quảng Điền và An Mô - Triệu Long, Triệu Phong); đến Bà Trão Trão, vị thần sông Ái Tử giúp chúa đánh thắng tướng nhà Mạc - Lập Bạo và đặc biệt là Thiên Mụ (Bà Trời áo đỏ quần xanh) dọn đường/ chuẩn bị cho chúa xưng vương nghiệp[12]. Đó chính là thể hiện của sự kết hợp của Đạo giáo với Phật giáo và các tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian (chứ không nghiêng hẳn về Phật giáo) và sau đó dần dần đi theo quĩ đạo “Tam giáo đồng qui/đồng nguyên” từ cuối thế kỷ 17. Đọc lại sử liệu của buổi đầu thời chúa, điều dễ nhận ra là sự hiện hữu của các nhân thần, thiên thần, chuyện nằm mộng, điềm trời báo lành dữ chen vào việc triều chính khá phổ biến... Nó càng làm tăng tính chất thủ lĩnh quân sự trong buổi đầu chúa Nguyễn.

Đến cuối thế kỷ 17, với nền hành chính Đàng Trong ngày càng qui cũ hơn, thì sự kết hợp Nho - Phật - Đạo càng rõ ràng hơn. Nguyễn Hoàng được gọi là chúa Tiên, các chúa từ Nguyễn Phúc Chu về sau đều có hiệu là đạo nhân. Nguyễn Phúc Chu là Thiên Túng đạo nhân, Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) là Vân Tuyền đạo nhân, Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) là Từ Tế đạo nhân, Nguyễn Phúc Thuần là Khánh Phủ đạo nhân. Vậy “đạo hiệu”, “đạo nhân” là gì? Là Phật giáo hay Đạo giáo. Về pháp danh Hưng Long của Nguyễn Phúc Chu thì chắc hẵn là của Phật giáo rồi. Sau khi thọ giới Bồ Tát, ông được sư phụ (Thạch Liêm) đặt một tên mới là pháp danh, tức cũng là “đạo hiệu” (tên theo tôn giáo) và từ đó trở thành Phật tử. Còn các tên đạo nhân chỉ có thể là do cá nhân tự đặt, bởi sư phụ không thể ban cho 1 người 2 đạo hiệu (trường hợp Nguyễn Phúc Chu). Thường thì một người theo tôn giáo nào đó gọi là đạo nhân, nhưng có lẽ chỉ những người theo Đạo giáo mới tự xưng mình là “đạo nhân”. Các chúa Nguyễn ở đây, có thể hiểu, đã tán đồng học thuyêt Lão Tử và nhận mình như những đạo sĩ có tên riêng hẳn hoi. Hẳn những đạo hiệu như Thiên Túng, Vân Tuyền, Từ Tế, Khánh Phủ cũng đã phảng phất yếu tố Lão - Trang rồi. 

3. Vài kết luận

3.1. Thời các chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong đã đạt được những thành công đáng kể trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong các nguyên nhân thành công có nguyên nhân từ trong lĩnh vực tư tưởng. Tính chất “phi chính thống”, “thực tế và thực dụng” trong đường lối cai trị của các chúa Nguyễn là hiện hữu, nhưng không thể đi quá xa là “bỏ xa các nguyên tắc của Khổng giáo” hoặc đưa Phật giáo vào trong cung đình làm hệ tư tưởng chính thống như một số tác giả đã đề cập.

3.2. Một trong những thành công của các chúa Nguyễn là đã có nhiều chính sách an dân, cố kết nhân tâm hợp lý và sáng suốt, để từng bước phát triển thế lực, từ một lực lượng quân sự lánh nạn quân Trịnh, vươn lên xây dựng vương nghiệp, có một chính quyền riêng ở Thuận Quảng buổi đầu và cả xứ Đàng Trong rộng lớn sau đó. Nhằm mục đích an dân, các chúa Nguyễn đã chú trọng hơn đến tính thực tiễn trong Nho giáo/ Nho học mang từ Đàng Ngoài vào và đồng thời nâng cấp/ cung đình hóa Phật học từ Trung Quốc, Lão học/ Lão giáo từ trong dân gian; biến nó thành một hệ tư tưởng làm nền tảng tư tưởng cho các chúa trị nước an dân. Đó chính là tư tưởng tam giáo đồng nguyên/ đồng qui trong cung đình và cả trong dân gian xứ Đàng Trong.

3.3. Diễn trình của hệ tư tưởng đó mang những sắc thái đặc biệt không giống thời Lý - Trần. Trong buổi đầu thời chúa Nguyễn, yếu tố tín ngưỡng bản địa, thờ Mẫu của Đạo giáo rất phổ biến, Nho học chỉ tồn tại trong bộ phận những thủ lĩnh theo Nguyễn Hoàng, nhưng sau đó, khi áp lực chống Trịnh giảm đi (1672), Nho giáo được ươm mầm và phổ cập; các thiền sư Trung Quốc lần lượt sang Đàng Trong hoằng dương Phật pháp, làm cho Phật giáo sinh động, mới mẻ hơn, có vị thế cao hơn trong xã hội. Từ thời Nguyễn Phúc Chu trở đi, thể thức tam giáo đồng qui hoàn chỉnh hơn, dựa trên cốt lõi Phật học. Từ đó, tam giáo đã trở thành ý thức hệ làm bệ đỡ tư tưởng cho chúa Nguyễn trong vương nghiệp của mình ở xứ Đàng Trong.

Xuân Tân Mão
N.V.Đ



* Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Huế.

[1] Li Tana, Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, (Nguyễn Nghị dịch), NXB. Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999, tr.216.

[2] Li Tana, người Úc gốc Hoa, một trong những tác giả viết về Đàng Trong thành công. Bà đã viết về Lịch sử kinh tế xã hội xứ Đàng Trong thế kỷ 17 và 18 trong Luận án Tiến sĩ Sử học của mình. Đây là một công trình công phu, đã sử dụng được nhiều nguồn tư liệu khác nhau và đặc biệt đã phân tích và đưa ra những kết luận xác đáng về nhiều lĩnh vực của xứ Đàng Trong.

[3] Xứ Đàng Trong- Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, sđd, tr. 216.

[4] Hội thảo Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế do Phân viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật tại Huế, tổ chức ngày 07.5.2010

[5] Trần Đình Hằng, “Từ cô gái áo xanh đến bà trời áo đỏ, sinh lộ tư tưởng của vùng đất mới Nam Hà”,Tạp chí Xưa nay, số 317, tháng 10-2008, tr. 33.

[6] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, NXB. Sử học, 1962, tr.39.

[7] Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1995, tr.196.

[8] Phạm Hy Tùng Bách, “Tìm về Minh vương Nguyễn Phúc Chu qua bốn bài thơ Đường luật trên đồ gốm cổ”, Tập san Nghiên cứu Huế, tập năm, 2003, tr. 171.

[9] Nguyễn Hữu Thông (và nhóm nghiên cứu), “Có một bảo tàng dân gian trong ngôi chùa làng xứ Thuận Hóa”, Tài liệu Hội thảo khoa học Di sản văn hóa Phật giáo và vấn đề phát triển du lịch ở Huế, 07.5.2010, Phân viện Nghiên cứu VHNT tại Huế.

[10] Về Đạo giáo có thể bắt đầu từ năm 142 với tổ chức Thiên sư đạo của Trương Đạo Lăng và chính thức hình thành thời Đông Tấn (419)

[11] Xem thêm Nguyễn Hữu Thông, bài đã dẫn….

[12] Xem thêm Trần Đình Hằng, bài đã dẫn…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6112151