Thông tin

VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI LỤC HÒA TĂNG

VÀ TỔ ĐÌNH HỘI KHÁNH BÌNH DƯƠNG

 

Đại đức Thạc sĩ THÍCH TÂM THÔNG

 

Tình hình chung

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để ngày nay những giá trị mà Phật giáo đem lại trở thành nhu cầu, thói quen của quần chúng nhân dân và tín đồ theo Phật giáo. Trong hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta để chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tinh thần vô úy của Phật giáo và trách nhiệm “Hộ quốc – An dân” của những Tăng, Ni, Phật tử, yêu chính nghĩa và tự do đem lại sự hòa bình cho đất nước, an lạc đến dân lành. Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra cho thấy sự tương đồng giữa truyền thống yêu nước của Phật giáo với mục tiêu chung của dân tộc. Sự tương đồng ấy đã trở thành động lực, ý chí góp phần cho sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân toàn quân, thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống xâm lược của hai đế quốc lớn.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào năm 1939, đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm đóng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng bào các tỉnh nổi dậy chống Nhật. Núp bóng quân đồng minh, được quân Anh hỗ trợ, thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, chúng ra sức đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng trong cả nước. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại Sài Gòn. Phong trào kháng chiến chống Pháp của đồng bào Tăng Ni, Phật tử dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển mạnh mẽ. Từ Nam ra Bắc, Phật tử tham gia kháng chiến. Các đoàn thể Tăng già cứu quốc và Phật giáo cứu quốc được thành lập khắp nơi. Đất nước sau ngày Cách mạng tháng 8 là một giai đoạn lịch sử hào hùng bất khuất của toàn dân tộc. Riêng đối với nhân dân Nam Bộ thì đó là những chuỗi ngày đấu tranh quyết liệt với giặc ngoại xâm, không thể nào phai nhòa trong ký ức của những công dân yêu nước, yêu hòa bình và không thích chiến tranh.

Phật giáo có nhiều hoạt động chuyển mình phù hợp để đồng hành cùng vận mệnh đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng:“Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”.1 Bắt nguồn từ các Hội Phật giáo cứu quốc ở các tỉnh thành, những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước của Chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử ngày càng nhân rộng, đã tạo nên động lực và nguồn hứng khởi sâu xa cho phong trào kháng chiến. Tình hình trở nên gấp rút hơn khi thực dân càng hung hăng càn quét và chính quyền cách mạng giải phóng càng quyết tâm hơn trong việc đánh đổ thực dân Pháp ra khỏi đất nước Việt Nam.

Do bối cảnh chính trị và an ninh xã hội như vậy, nên tổ chức Phật giáo cứu quốc buộc phải chuyển hướng và thay đổi hoàn toàn phương châm hoạt động. Vào năm 1949, để thực hiện theo yêu cầu chính trị, phù hợp với tình hình thực tiễn, Xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ đạo cho Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chuyển hướng sang hoạt động công khai hợp pháp. Cũng trong thời điểm lịch sử này, Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ tuyên bố tự giải tán tổ chức, mà chỉ để lại đại diện của Phật giáo trong các cấp Mặt trận Liên Việt.

Sau một thời gian chuẩn bị khá kỹ lưỡng trên các phương diện lý luận chính trị, văn hóa, ngoại giao, dân vận tuyên truyền và cả kỹ năng hoạt động đấu tranh. Tháng 2/1952 các vị lãnh đạo và Chư Tôn đức trong Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, chủ yếu là Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định phối hợp với Phật giáo cứu quốc với một số tỉnh thành Nam Bộ, chư vị Hòa thượng các khu vực lân cận đã qui tập về chùa Long An, số 136 Cộng Hòa (Sài Gòn) mở Hội nghị Tăng già thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và bầu ra Ban Trị sự Hội, gồm các vị:

- Hòa thượng: Thích Thiện Tòng trụ trì chùa Trượng Thạnh (là đệ tử của Hòa thượng Thích Từ Văn) làm Tăng trưởng.

- Hòa thượng: Thích Pháp Nhạc (chùa Long An) làm Phó Tăng trưởng.

- Hòa thượng: Thích Thành Đạo (chùa Phật Ân) làm Tăng giám.

- Hòa thượng; Thích Minh Đức (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám.

- Thượng tọa: Thích Huệ Chí làm Tổng Thư ký.

- Đoàn Trung Còn làm thủ quỹ.

- Hòa thượng Thích Pháp Lan (chùa Khánh Hưng), Hòa thượng Thích Huệ Thành (chùa Long Thiền), cùng phụ trách công tác hoằng pháp. Ngoài các vị chức sắc trong Ban Trị sự Hội còn có 9 Ủy viên gồm các Hòa thượng ở ngoại thành Sài Gòn – Gia Định. Văn phòng Trung ương Hội ban đầu đặt tại chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ Yersin, Sài Gòn, một thời gian không lâu sau đó, trụ sở dời về chùa Giác Lâm. Hội đã mở Trường Phật Học Lục Hòa nằm cạnh chùa Giác Viên (Gia Định) và cho xuất bản tạp chí Phật Học.

Sau khi được thành lập vào tháng 2/1952 (Nhâm Thìn), cũng trong lúc này phong trào đấu tranh Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, do yêu cầu kháng chiến nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tình hình tham gia hoạt động phong trào yêu nước, nên Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc, hoạt động theo tôn chỉ định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Hai tổ chức gắn kết song hành đó là “Hội Lục Hòa Tăng” và “Hội Lục Hòa Phật tử”2.

Ban Trị sự “ Hội Lục Hòa Tăng” do Hòa thượng Thích Thành Đạo chùa Giác Lâm làm Hội Trưởng, Hòa thượng Thích Huệ Thành chùa Long Thiền làm Tăng giám, Hòa thượng Thích Thiện Hương Tổ đình Hội Khánh làm Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương. Trụ sở đặt tại chùa Phật Ân, sau dời về chùa Giác Lâm (cùng địa chỉ với trụ sở Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam).

Ban Trị sự “ Hội Lục Hòa Phật tử” do Hòa thượng Thích Minh Thành làm Chánh Hội trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Hội trưởng, Hòa thượng Thích Minh Giác làm Tổng Thư ký. Trụ sở Hội Lục Hòa Phật tử, đặt tại chùa Long Vân (Bình Thạnh – Gia Định).

Trong giai đoạn này có một sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra có liên quan trực tiếp đến tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Đó là vào giữa năm 1953, do bộ phận trí vận (cơ quan của Mặt trận Việt Minh khu Sài Gòn – Gia Định) bị phát hiện, các đồng chí Thanh Đạm, Lê Văn Đồng, Lê Hoàng Minh bị bắt, các đồng chí này đều liên quan mật thiết với Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử. Tuy nhiên do nhanh nhạy nên các vị lãnh đạo và chư Tăng trong hai tổ chức này thoát nạn.

Một sự kiện đáng nhớ trong giai đoạn này nữa, do nằm trong khoảng thời gian mặt trận tại Điện Biên Phủ sắp mở màn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân dân ta đã chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường trong nước, buộc thực dân Pháp phải co cụm và dồn toàn lực cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trong thời gian này, nhằm xao lãng tinh thần đấu tranh và đánh lạc hướng sự chú ý của đồng bào cả nước, nhất là đối với người dân Nam Bộ, tại Sài Gòn chính quyền thực dân đã tổ chức ra nhiều cuộc vui chơi giải trí, trong đó có sự kiện tổ chức hội chợ tại vườn Bách Thú, cầu Thị Nghè dẫn vào khu trung tâm vui chơi bất ngờ bị sập đổ, khiến nhiều người dân đi xem chết đuối và bị thương. Nhân sự kiện này, quí Hòa thượng trong Ban Trị sự Lục Hòa Phật tử đứng ra làm đơn xin phép làm lễ cầu siêu cho đồng bào tử nạn, dự kiến lễ đài sẽ đặt tại cầu Thị Nghè, nhân khi đọc văn tế, sẽ tố cáo sự xâm lược đất nước của chính quyền Pháp và vạch trần âm mưu mị dân, vơ vét của công dẫn đến sự cố sập cầu, biểu tình phản đối chính quyền không coi trọng mạng người và đòi bồi thường nhân mạng. Song gần đến giờ làm lễ tên quận trưởng rút giấy phép và ra lệnh chỉ được hành lễ cầu siêu tại chùa...

Tháng 1/1953, quý Hòa thượng Pháp Nhạc, cư sĩ Lê Hoàng Minh (pháp danh Thiện An), trước là Ban Tuyên huấn Phật giáo cứu quốc bị bắt đày ra Côn Đảo.

Cuối năm 1953, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Trưởng Ban Hoằng pháp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã củng cố và mở rộng tổ chức Giáo Hội Lục Hòa Tăng, trong giai đoạn này, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Phó Hội trưởng, Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Tăng giám. Kể từ thời điểm này trở đi, ảnh hưởng của Giáo hội Lục Hòa Tăng càng được nâng cao và mở rộng khắp các tỉnh thành tại Nam Bộ.

Năm 1955, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (Tam Không) cùng Hòa thượng Thích Pháp Dõng và các Phật tử Tín Hải, Tín Tâm, Thiện Ngộ, Thiện Huệ đã tìm cách liên lạc với Giáo hội Lục Hòa Tăng hoạt động khẩn trương hơn, tổ chức đã phân công Thượng tọa Thích Minh Giác phụ trách chép tin, đọc tin phổ biến trong nội thành. Hoạt động ráo riết đúng một năm thì Lê Hoàng Minh và Lê Thanh Đạm bị bắt, đến năm 1959 các Phật tử Tín Hải, Tín Tâm, Thiện Ngộ cũng bị bắt đày ra Côn Đảo.

Nói về Giáo hội Lục Hòa Tăng, dù được thành lập vào tháng 2 năm 1952, nhưng mãi đến năm 1957, Giáo hội Lục Hòa Tăng mới chính thức được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hợp thức hóa công nhận tại quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 1/10/1957 do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập “Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam”. Hội có Điều lệ gồm 9 chương và 44 điều.

Cũng trong năm này Hòa thượng Đức Lâm (Thiện Nghị) Phó Tăng trưởng Lục Hòa Tăng Đô thành – Sài Gòn bị bắt đày ra Côn Đảo.

Năm 1960 cuộc đồng khởi long trời lở đất của nhân dân toàn miền Nam bùng nổ làm sụp đổ chiến lược chiến tranh đặc biệt và làm cho chính quyền ngụy hết sức lúng túng, bối rối bị động, tình hình này đã tác động mạnh mẽ đến tình hình thành phố, đến ngày 20/12/1960 tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, đại biểu các đoàn thể tôn giáo, đảng phái và các dân tộc ở miền Nam Việt Nam, họp Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam3, Hòa thượng Thích Thiện Hào, đại diện Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo Hội Lục Hòa Phật tử làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua chương trình 10 điểm với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và bọn tay sai bán nước gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhằm xây dựng một miền Nam Việt Nam hòa bình, trung lập, dân chủ và phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhất đất nước, Hòa thượng Thích Thiện Hào thay mặt Giáo hội Lục Hòa Tăng tuyên bố trên Đài Tiếng nói Bắc Kinh lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và từ đây tổ chức Lục Hòa Tăng được xem là đối địch với chế độ Ngô Đình Diệm4.

Nhìn lại quá trình trưởng thành và phát triển, chúng ta sẽ thấy, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng ra đời vào tháng 2/1952 (sau 5 năm hoạt động mới được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa công nhận tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5, Bộ Nội Vụ ký ngày 1/10/1957), là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1922) là hậu thân của tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1947), tiếp đó cũng từ thành phần lãnh đạo của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam xuất phát ra hai tổ chức, đó là Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Lục Hòa Phật tử.

Thông qua hai tổ chức giáo hội này, kể từ đây, ảnh hưởng của Phật giáo mang tinh thần cứu quốc ngày càng được nâng cao và mở rộng khắp các tỉnh thành tại Nam bộ. Và cũng từ sự kiện hai tổ chức này hợp nhất lại vào năm Kỷ Dậu – 1969, đã hình thành nên một giáo hội mới. Đó là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, mà tên thường dùng trong nội bộ Hệ phái Lục Hòa Tăng gọi là Phật giáo Cổ truyền và sau gọi là Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử.

Nhìn lại tình hình thời cuộc tại miền Nam, sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm của giới tướng lĩnh quân đội Sài gòn do Mỹ hậu thuẫn thành công, bối cảnh xã hội tại miền Nam Việt Nam cũng không có gì sáng sủa so với trước. Chánh quyền Sài Gòn dù đã được thay thế người khác, nhưng vẫn là tay sai cho đế quốc, đồng bào miền Nam vẫn sống trong cảnh kìm kẹp, khủng bố và đàn áp của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nhất là sau thất bại mùa xuân Mậu Thân (1968), chính quyền Mỹ - Thiệu phản kích kịch liệt các phong trào chính trị đô thị tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và vùng phụ cận, cùng với việc mua chuộc, phân hóa, ám hại các lãnh tụ phong trào chống đối chính quyền, chúng tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến, phong tỏa tịnh xá Ngọc Phương của Ni sư Huỳnh Liên, chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang...

Trước tình hình khó khăn với những diễn biến phức tạp này, trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/7/1968 (Mậu Thân), dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, mà người đứng ra tiếp tục vận động, điều hành là Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý, hai vị đã triệu tập Chư Tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử, vân tập về chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ yersin, Sài Gòn để bàn kế hoạch và cùng tham gia soạn thảo Hiến chương thành lập “Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”. Đậy là hội nghị khoáng đại để thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Sau khi Hiến chương đã được soạn thảo và sau mấy tháng vận động, vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu) dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Bửu Ý... mới chính thức tiến hành đại hội để hiệp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, kết quả cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam5, với một hiến chương hoạt động cụ thể, đã được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn, do Hòa thượng Thích Huệ Thành làm Viện trưởng Viện Tăng Thống, Hòa thượng Thích Minh Đức (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương) làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Hòa thượng Thích Trí Tấn (Bình Dương) làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống, Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo (tháng 3/1974, Hòa thượng Thích Bửu Ý được suy cử làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo) cùng Chư Tôn túc trong Tổng vụ của Giáo hội đã thành lập các Trường Phật học Lục Hòa tại các chùa Giác Viên6, chùa Giác Lâm, chùa Thiên Tôn và mở Trường Tiểu học ở chùa Lộc Uyển, Thiên Trường, quận 8 để đào tạo Tăng tài, truyền thừa mạng mạch Phật pháp và hệ phái, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức.

Chỉ trong một thời gian nỗ lực củng cố và phát triển không lâu sau đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng đã thành lập được 37 Tỉnh hội, thành lập 81 Quận giáo hội, với trên 2.000 ngôi chùa, tự viện thuộc hệ phái, có khoảng hơn 10.700 Tăng, Ni và trên hai nghìn tín đồ, ngoài hệ thống trường học đào tạo tăng tài, Hội còn cho xuất bản tạp chí Phật Học Lục Hòa do Hòa thượng Thích Thành Đạo làm chủ nhiệm... Đặc biệt là Thành hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng khu Sài Gòn – Gia Định cũng đã phát triển rất mạnh ngay sau đó, thành phần lãnh đạo gồm có các Hòa thượng Thích Hồng Năng (chùa Pháp Minh, quận 7), Hòa thượng Thích Thiện Nghị (chùa Đức Lâm, Tân Bình), Hòa thượng Thích Thiện Phú (chùa Giác Viên). Trụ sở đặt tại chùa Sùng Đức số 136 đường Hùng Vương, Chợ Lớn...

Qua tham khảo nhiều tài liệu, Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX (tập1, 2) của Thượng tọa Thích Đồng Bổn biên soạn (Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành), trong phần ghi nhận về Hòa thượng Thích Minh Đức, ghi rằng: “Năm Kỷ Dậu (1969), hai GHLHT và LHPT hợp thành GHPGCT, để huy động lực lượng đảm nhiệm vai trò mới. Ngài được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Trung ương kiêm Viên trưởng Viện Hoằng đạo...”7 còn phần ghi nhận về Hòa thượng Thích Bửu Ý, cũng ghi “... Đến năm 1969, ngài vận động Chư Tôn giáo phẩm thuộc hai GHLHT và LHPT hiệp nhất thành GHPGCTVN, cùng thiết lập các Trường Phật học ở chùa Giác Lâm, Giác Viên, Thiên Tôn, trường Tiểu học Lộc Uyển, Thiên Trường quận 8 để đào tạo Tăng tài, truyền thừa đạo mạch...”8. Những ghi nhận khác trong bộ sách Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ 20, cũng đều thống nhất năm thành lập GHPGCTVN là năm 1969 (Kỷ Dậu). Hơn nữa trong phần tiểu sử cố Hòa thượng thượng Bửu hạ Ý được công bố trong lễ tang Hòa thượng, do Trung ương GHPGVN biên soạn cũng xác định năm 1969 là năm thành lập GHPGCTVN...

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo, cho đến năm 1981 Đại hội thống nhất Phật giáo thì GHPGCTVN là tổ chức thành viên tích cực trong công cuộc xây dựng và hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ở Bình Dương

Chùa Hội Khánh với vai trò là trung tâm Phật giáo, nơi qui tụ được nhiều cao Tăng trong và ngoài tỉnh cùng với giới trí thức gắn bó với chùa. Từ những ngày đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Từ Phong và các vị cao tăng khác đến chùa Hội Khánh kêu gọi sự tham gia của Hòa thượng Từ Văn và nhà yêu nước Tú Cúc Phan Đình Viện tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa thượng Từ Văn quy tụ, tổ chức học tập giáo lý, trao đổi và nắm bắt các trào lưu, phát triển văn hóa Phật giáo và dân tộc. Góp phần xây dựng Phật giáo trong giai đoạn này Thủ Dầu Một trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Đặc biệt là sự bắt gặp tinh thần yêu nước giữa nhà Phật học Từ Văn và nhà sĩ phu yêu nước Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã lập ra Hội Danh dự yêu nước9 vào năm 1923 tại chùa Hội Khánh.

Tiếp nối tinh thần của các bậc tiền nhân cùng với phong trào chung của tổ chức Giáo hội, quý Hòa thượng trong tổ chức Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một trước đây cũng đứng ra thành lập Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương vào ngày 31/12/1953 (25/11/Quý Tỵ) do sự ủy quyền của GHLHTVN ngày 27/11/1953 và giấy phép chấp nhận của chính quyền tỉnh Bình Dương ngày 01/2/195410.

Lãnh đạo tổ chức này ở Bình Dương do Hòa thượng Thích Thiện Hương11 làm Tăng trưởng (chùa Hội Khánh), Hòa thượng Thích Quảng Nhu (chùa Long Thọ) làm Tăng giám, Hòa thượng Thích Thiện Khoa (chùa Thiên Tôn) làm Phó Tăng giám, Giáo thọ Thích Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng) làm Tổng Thư ký.

Ban Chứng minh gồm có: Hòa thượng Thích Trừng Quang (chùa Oai Đức), Hòa thượng Thích Như Phòng (chùa Hội Sơn), Hòa thượng Thích Giác Hoa (chùa Thiên Bửu).

Ban Hoằng pháp: Hòa thượng Chánh giáo sư (chùa Thiên Linh).

Chánh Ban tài chánh Sư cô Tâm Quốc (chùa Vạn Phước).

Ban kiểm soát Hòa thượng Thích Nhuận Tấn (chùa Phước Tường).

Ban phụ trách về Ni giới do Ni trưởng Hồng Minh (chùa Linh Sơn) và sư cô (chùa Khánh Long). Và nhiều ban khác.

Tôn chỉ của Hội đoàn kết trên tinh thần lục hòa cộng trụ, truyền bá chánh pháp, gìn giữ truyền thống yêu nước bảo vệ dân tộc. Trụ sở đặt tại Tổ đình Hội Khánh. Trong suốt thời gian từ ngày thành lập Hội đến năm 1970, Hội đã tổ chức 15 khóa học giáo lý cho Tăng chúng và các hội viên gồm: Lịch sử Đức Phật, Quy nguyên trực chỉ, Nhị khóa hiệp giải, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Địa Tạng... và mở nhiều khóa học giáo lý cho Tăng chúng tu học, ngoài ra Hội còn tổ chức các buổi giảng kinh cho trên 1.000 tín đồ Phật tử đến dự. Hội còn tái bản hàng nghìn kinh sách giáo lý và làm nhiều công tác từ thiện khác. Sau khi Hòa thượng Thích Thiện Hương viên tịch, đại hội suy cử Hòa thượng Thích Thiện Trang chùa Phước Long làm Tăng trưởng, sau Hòa thượng Thích Thiện Trang là Hòa thượng Thích Mỹ Định.

Tỉnh hội đã thành lập được tổ chức cấp Quận hội để điều hành Phật sự. Quận Châu Thành do Hòa thượng Thích Quảng Nhu (chùa Long Thọ) làm Tăng giám, quận Lái Thiêu do Hòa thượng Thích Giác Hoa (chùa Thiên Bửu) làm Tăng giám, quận Bến Cát do Hòa thượng Thích Thiện Đức (chùa Hương Sơn) làm Tăng giám, quận Phú Giáo do Hòa thượng Thích Thiện An (chùa Bửu Phước) làm Tăng giám.

Tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng ở Bình Dương lúc bấy giờ có trên 60 tự viện chiếm 70% các cơ sở tổ chức Giáo hội Phật giáo ở Bình Dương và trên 10.000 tín đồ Phật tử. Phải nói tổ chức này phát triển cực thịnh ở Thủ Dầu Một – Bình Dương cho đến nay.

Sau năm 1975, từ khi thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước và lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo, các vị lãnh đạo Giáo hội Lục Hòa Tăng Sông Bé (Bình Dương) đều tham gia tích cực và đóng vai trò chủ đạo. Từ năm 1983, Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Sông Bé (nhiệm kỳ I) các vị trong tổ chức Lục Hòa Tăng tham gia vào Ban Trị sự của Tỉnh hội đứng đầu là Hòa thượng Thích Trí Tấn và nhiều vị Tôn túc khác... Lúc bấy giờ tổ chức Lục Hòa Tăng và Tổ đình Hội Khánh ở Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực điều hành Phật sự tại địa phương. Hầu hết các tổ chức Phật giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tăng già Khất sĩ, Tịnh Độ cư sĩ… khi đến Bình Dương đều phải xin ý kiến để nhận được sự chấp thuận của Hòa thượng Thích Thiện Hương, lúc bấy giờ làm trụ trì đời thứ 8 Tổ đình Hội Khánh, thì mọi hoạt động Phật sự mới được hanh thông thuận lợi.

 


1. Thư Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30/8/1947.

2. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ TPHCM, 2015, trang 395.

3. Truy cập ngày 16/7/2019.

4. https://giacngo.vn/lichsu/2010/07/23/727012 Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911 – 1997) truy cập ngày 16/7/2019.

5. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ TPHCM, 2015, trang 402.

6. quangduc.com/a11483/mot-vi-cao-tang-truyen-dao-o-mien-nam-1900-1973-doi-thu-41-dao-bon-nguyen-tong-lam-te. PGS.TS. Trần Hồng Liên. Truy cập ngày 16/7/2019.

7. Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành Hội Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1995, tập I, trang 76

8. Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành Hội Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1995, tập II, trang 118

9. http://www.thuvienbinhduong.org.vn/?ArticleId=ebeba0f8-2aee-4237-9eb6-dddaf4fabbf7, truy cập 18/7/2019.

10. Thích Huệ Thông, Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Nxb Văn hóa văn nghệ TPHCM, 2015, trang 407.

11. Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành Hội Thành Phố Hồ Chí Minh ấn hành, 1995. tập II, trang 64.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6953842