Thông tin

VAI TRÒ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TẤN

TRONG TỔ CHỨC

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

 

Hòa thượng THÍCH THIỆN DUYÊN
Ủy viên HĐTS GHPGVN
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự
GHPGVN tỉnh Bình Dương

 

Đầu năm Kỷ Dậu (1969) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập sau khi hiệp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử, lúc bấy giờ Hòa thượng Thích Trí Tấn được Chư Tôn đức tại Đại hội suy cử làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Ở cương vị này, Hòa thượng Thích Trí Tấn đã có những cống hiến đáng kể cho sự phát triển của tổ chức Giáo hội đương thời và đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong một giai đoạn gay cấn của lịch sử dân tộc. Nhằm tri ân một bậc tiền nhân có bề dày công đức với đạo pháp và dân tộc, nhất là làm sáng tỏ vai trò, vị trí của ngài trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nhân dịp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc”; tôi xin mạo muội đóng góp cùng Hội thảo bài tham luận “Vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam”.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một tổ chức Phật giáo yêu nước, dù trải qua các thời kỳ với các danh xưng khác nhau như Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ (1947), Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng (1952), Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (1969), thì Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vẫn luôn là những tấm gương sáng về tinh thần tích cực trong các phong trào đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã tiên phong, nỗ lực trong công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà, đặt nền móng cho sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay, trong đó có sự đóng góp trí tuệ và công sức của Hòa thượng Thích Trí Tấn, trên tinh thần này, tham luận sẽ có các nội dung chính sau đây:

1. Hành trạng của một bậc chân tu giàu lòng yêu nước

Hòa thượng Thích Trí Tấn thế danh Huỳnh Văn Xông, sinh năm Bính Ngọ (1906), tại làng Dư Khánh, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa. Thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Bẩm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nghe; năm 12 tuổi, ngài được Sư ông Giới Biên trụ trì chùa Hưng Long tiếp nhận vào chùa công quả, năm Canh Thân (1920) ngài được Sư ông cho xuất gia, đặt pháp danh Nhật Quân tự Nhất Bổn. Năm 1923, ngài thọ giới Sa di tại chùa Hưng Long, sau khi thọ giới, ngài được Sư ông Giới Biên gửi đến chùa Hội Khánh cầu pháp với Hòa thượng Thích Từ Văn, tại đây ngài có vinh dự được Hòa thượng Từ Văn cắt cử làm thị giả cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Hồ Chủ tịch), trong khoảng thời gian này ngài cảm nhận sâu sắc nổi khổ của người dân mất nước, tinh thần yêu nước nơi ngài được hun đúc từ đây.

Năm 1925, ngài thọ cụ túc giới tại giới đàn chùa Hưng Long do Đại lão Hòa thượng Tái Khai làm Hòa thượng đàn đầu, đến năm Đinh Mão (1927) thầy bổn sư viên tịch, sau khi an táng và đứng ra xây tháp tôn thờ thầy bổn sư, ngài giao chùa cho huynh đệ trông coi rồi lên đường tầm sư học đạo, lúc bấy giờ ngài được 22 tuổi, ban đầu, ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Tâm Thường tại chùa Long Hương huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai, tại đây ngài được Hòa thượng Tâm Thường đặt pháp hiệu là Nhựt Tinh - Trí Tấn. Năm 1931, ngài về làm tri sự Tổ đình chùa Long Thiền (Biên Hòa); năm 1935, ngài được chư sơn thiền đức công cử làm trụ trì chùa Hưng Long, đây là nơi ngài đã xuất gia tu học, với đức độ và uy tín, vào năm Canh Thìn (1940) ngài được suy cử làm Giáo thọ A xà lê tại Đại giới đàn Trường hạ chùa Long Hương (Long Thành, Biên Hòa). Song song với công tác Phật sự, ngài còn tham gia các hoạt động yêu nước, vào năm Ất Dậu (1945), ngài làm Tổng Thư ký Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam bộ, ngài đã động viên bốn tu sĩ chùa Hưng Long tham gia kháng chiến chống Pháp và các vị này đều đã hy sinh trong năm 1947, cũng trong khoảng thời gian này, ngài cùng tổ chức tham gia treo cờ cách mạng tại chùa Long Thắng thể hiện việc chào mừng Hồ Chủ tịch ký Hiệp ước Paris và thiêu hủy chùa Hưng Long nhằm hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến.

Vào năm Đinh Dậu (1957) ngài được cung thỉnh làm Yết ma A xà lê tại đại giới đàn trường hạ chùa Long Sơn (xã Thới Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa), đến năm 1958, ngài được Giáo hội suy cử làm Tăng giám Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Biên Hòa, trực thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Đặc biệt vào năm Kỷ Dậu (1969) khi Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, ngài được Chư Tôn đức suy cử làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước trở đi, ngài luôn được cung thỉnh làm pháp sư giám luật và làm chánh chủ khảo các kỳ thi tại các trường hạ, điển hình như Trường hương chùa Thanh Long tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa vào năm Canh Tuất (1970). Đến năm Tân Hợi (1971), ngoài trọng trách là Tổng Thư ký Viện Tăng thống Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngài còn kiêm nhiệm chức vụ Tăng trưởng Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Biên Hòa. Năm Nhâm Tý (1972), tại giới đàn chùa Bửu Phong (Biên Hòa) ngài được toàn thể chư sơn thiền đức công cử lên hàng giáo phẩm Hòa thượng. Năm Canh Thân (1980), ngài làm Hòa thượng đàn đầu tái khai Đại giới đàn chùa Long Vân, thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai. Đến năm Tân Dậu (1981), ngài là trưởng phái đoàn Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại thủ đô Hà Nội. Tại đại hội, ngài được suy tôn làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Tại địa phương, vào năm 1983, Đại hội Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ nhất tiến hành, ngài được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé trong suốt bốn nhiệm kỳ từ năm 1983 đến năm 1994; trong thời gian này, ngài đã tổ chức thành công ba Đại giới đàn và ngài làm Hòa thượng đàn đầu tiếp dẫn hậu lai, dìu dắt Tăng Ni trên bước đường tu học. Vào tháng 11 năm 1992, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 3, ngài được Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy cử làm chủ tọa phiên họp để bầu Ban Thường trực của hai hội đồng. Bên cạnh đó, về công tác đoàn thể xã hội, từ năm 1975 đến năm 1983, ngài là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Uyên; từ năm 1983 đến năm 1995, ngài là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sông Bé.

Nói đến thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng Thích Trí Tấn, trước hết đó là hành trạng của một bậc chân tu giàu lòng yêu nước, song song với lý tưởng tu hành giác ngộ giải thoát và hoàn thành viên mãn các công tác Phật sự, ngài còn tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, điều đó không chỉ thể hiện qua việc ngài đã đứng ra vận động bốn tu sĩ chùa Hưng Long lên đường tòng quân chống Pháp, tham gia treo cờ cách mạng tại chùa Long Thắng chào mừng Hồ Chủ tịch ký Hiệp ước Paris và thiêu hủy chùa Hưng Long nhằm hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến vào năm 1947, mà điều đó đã được ngài thể hiện trong suốt quảng đời từ khi ngài giác ngộ cách mạng vào năm 1945, cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất, nhất là những hoạt động yêu nước của ngài thông qua vai trò Tổng Thư ký Viện Tăng thống Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khởi sự từ năm Ất Dậu (1969) trở đi.

2. Vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Như chúng ta đã biết, nói đến Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là nói đến một tổ chức Phật giáo yêu nước, bởi trong hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gần như quy tụ hầu hết các bậc chân tu giới đức, đều mang nặng tấm lòng yêu nước thương dân, đều có quá trình cống hiến nhất định cho đạo pháp và dân tộc, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Tấn, ngài là vị thầy bổn sư đáng kính của tôi.

Đối với tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Tấn trên cương vị Tổng Thư ký Viện Tăng thống của Giáo hội, ngài đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của tổ chức từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vào năm 1969 cho đến ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Đối với Tăng, Ni, Phật tử của hệ phái, ngài luôn thể hiện một nhân cách mô phạm và mẫu mực, nhất là trách nhiệm tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức của ngài. Có thể nói rằng, quá trình hành đạo của ngài luôn gắn liền với các hoạt động yêu nước, đối với ngài, việc tham gia đấu tranh chống giặc ngoại bang chính là Phật sự và việc hoàn thành mọi công tác Phật sự cũng là cách thể hiện tinh thần yêu nước và cũng chính nhận thức này đã hình thành nơi ngài một nhân cách lớn, một mẫu người mà các thế hệ kế thừa trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như chúng tôi phải khắc cốt ghi tâm, một nhân cách mà hầu hết Tăng Ni Phật tử của Phật giáo Bình Dương phải noi theo trên bước đường tu học và hoằng pháp lợi sinh.

Hòa thượng Thích Trí Tấn sống đơn giản nhưng trí tuệ, mộc mạc nhưng sâu sắc, cống hiến nhiều nhưng thầm lặng, vô ngã; nói như vậy cũng không phải quá lời, vì từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công vào năm 1945, ngài đã từng là Tổng Thư ký Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam bộ, cho đến khi được suy cử làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngài đã phát huy tinh thần yêu nước trên nền tảng giới hạnh và trí tuệ của Phật giáo vào các hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc, chính vì vậy, khi nói đến vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, tức là nói đến tính cách và phong thái của ngài trong quá trình cùng chư tôn đức hệ phái tổ chức điều hành Phật sự cũng như tham gia các hoạt động đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước.

Như chúng ta đã biết, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một bộ phận trong hệ thống Tăng già và là một tổ chức của Phật giáo yêu nước, được hình thành do yêu cầu của đất nước và hoàn cảnh của Phật giáo thời bấy giờ, chính vì vậy mà vai trò của các bậc giáo phẩm lãnh đạo trong tổ chức Giáo hội đương thời cũng có sự linh động uyển chuyển nhằm thích ứng với tình hình trong từng giai đoạn lịch sử; theo đó, vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được chia ra làm ba giai đoạn và có một số đặc điểm như sau:

* Hòa thượng Thích Trí Tấn với vai trò tham mưu và cố vấn của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam từ năm 1969 đến năm 1975

Vào đầu năm 1969, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã được thành lập với một hiến chương hoạt động cụ thể, được chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ là Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn. Theo đó, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thành lập hai Viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Viện Tăng thống do Hòa thượng Huệ Thành (Tổ đình Long Thiền) làm Tăng thống, Hòa thượng Minh Thành (chùa Long Vân) làm Phó Tăng thống, Hòa thượng Trí Tấn làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống; Hội đồng Viện Tăng thống gồm quý Hòa thượng Hoằng Thông (chùa Long Hội, Mỹ Tho), Hòa thượng Pháp Tràng (Tiền Giang), Hòa thượng Trí Hiền (Đồng Nai), Hòa thượng Trí Tấn (chùa Bà Thao, Tân Uyên, Thủ Dầu Một). Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chức vụ Tổng Thư ký Viện Tăng thống do Hòa thượng Trí Tấn đảm nhận có vai trò chủ yếu là cùng Chư Tôn đức tổ chức và điều phối các hoạt động của Giáo hội, tổng hợp ý kiến của các thành viên trong tổ chức hệ phái phản ánh đến Trung ương Giáo hội… Như vậy vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đã được quy định rất cụ thể trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thời bấy giờ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội và nhất là do tính đặc thù trong sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nên vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn cũng phản ảnh một số đặc điểm quan trọng, trong đó có vai trò tham mưu và cố vấn, có thể nói, đây là vai trò rất phù hợp với trí tuệ cũng như tính cách của ngài đã được Chư Tôn đức giáo phẩm trong tổ chức hệ phái đương thời tín nhiệm.

Nhìn lại lịch sử Phật giáo thời cận hiện đại, chúng ta sẽ thấy, mặt nổi trong sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam kể từ sau ngày thành lập vào đầu năm 1969 trở đi, gần như hầu hết các hoạt động của tổ chức này đều do quý Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Bửu Ý… đảm trách và xuất hiện thường xuyên trước công chúng, trong khi đó chúng ta rất ít khi có thông tin về Hòa thượng Thích Trí Tấn cũng như sự xuất hiện của ngài trong giai đoạn này.

Với đặc điểm và cũng là truyền thống trong sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Chư Tôn đức trong hệ phái Giáo hội Lục Hòa Tăng luôn gắn kết và rất tôn trọng ý kiến của nhau, nhất là đối với các sự kiện trọng đại của Giáo hội và của đất nước, với tư cách là Tổng Thư ký Viện Tăng thống, đương nhiên Hòa thượng Thích Trí Tấn sẽ đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho hoạt động của Giáo hội, nhất là với tư tưởng yêu nước thương dân đã hun đúc nơi ngài từ khi ngài cận kề với Hòa thượng Thích Từ Văn và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhất là những kinh nghiệm hoạt động đấu tranh đã được tích lũy trong quá trình ngài từng làm Tổng Thư ký Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam bộ vào năm 1945, điều này cho thấy, song song với vai trò của một Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như Hiến chương tổ chức Giáo hội này quy định, thì Hòa thượng Thích Trí Tấn còn đóng một vai trò vô cùng quan trọng của Giáo hội, đó là vai trò tham mưu và cố vấn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

* Hòa thượng Thích Trí Tấn với vai trò cầu nối và gắn kết các cấp Giáo hội của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong khu vực miền Đông Nam Bộ từ năm 1975 đến năm 1981

Trên cương vị là Tổng Thư ký Viện Tăng thống, Hòa thượng Thích Trí Tấn đầy đủ tư cách và điều kiện thuận lợi để gắn kết các cấp Giáo hội trong khu vực miền Đông Nam Bộ, ngược lại, đối với các Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng các tỉnh thành khu vực miền Đông Nam bộ, nhất là đối với Tỉnh hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Thủ Dầu Một, Chư Tôn đức Tăng trưởng các Tỉnh hội hay các vị Tăng giám các Quận, Huyện, Thị trong Tỉnh hội, khi tổ chức các sự kiện của Phật giáo hay tiến hành các hoạt động đấu tranh đều có thể tranh thủ ý kiến của ngài một cách nhanh chóng và luôn được ngài chỉ đạo nhiệt thành, mang lại hiệu quả cao trong mọi công tác Phật sự cũng như trong các hoạt động đấu tranh phục vụ lợi ích dân tộc ngay trong lòng địch.

* Hòa thượng Thích Trí Tấn với vai trò đại diện của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội, tiến tới việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981

Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, tình hình Phật giáo trong nước dần dần trở lại ổn định. Tuy nhiên để Phật giáo có được sự ổn định và phát triển bền vững, cũng như góp phần hiệu quả vào công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, thì điều kiện đầu tiên là cần phải thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước lại thành một mối trên tinh thần “lục hòa cộng trụ”.

Trước yêu cầu cấp thiết này, vào tháng 8/1975, hầu hết Chư Tôn đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam như quý Hòa thượng Minh Nguyệt (Chủ tịch), Hòa thượng Bửu Ý (Phó Chủ tịch), Hòa thượng Thiện Hào (Tổng Thư ký); Hòa thượng Pháp Dõng, Hòa thượng Hiển Pháp, Thượng tọa Từ Thông, Đại đức Huệ Xướng, Đại đức Thiện Đức, Đại đức Thiện Xuân… đều hóa thân thành những bậc lãnh đạo và các thành viên nòng cốt của Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1976, quý ngài đã toàn tâm toàn ý, tận tụy nhiệt tình, nỗ lực ngày đêm vì sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà, trong khi đó, Hòa thượng Thích Trí Tấn vẫn giữ nguyên vị thế của một lãnh đạo cao cấp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, và cuối cùng, khi Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập vào ngày 12/2/1980, thì Hòa thượng Thích Trí Tấn là lãnh đạo đứng đầu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, bên cạnh các vị lãnh đạo các tổ chức hệ phái khác như Hòa thượng Thích Nguyên Sinh là lãnh đạo của Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam; Thượng tọa Thích Thiện Siêu lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa thượng Thích Giác Nhu đứng đầu Giáo phái Khất sỹ Việt Nam… Từ sự sắp xếp này cho thấy, vị trí và vai trò của Hòa thượng Thích Trí Tấn đích thực là vị trí lãnh đạo đứng đầu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và ngài đóng vai trò bậc giáo phẩm đại diện cho tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tham gia Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, một Đại hội mang tính lịch sử của Phật giáo Việt Nam thời đại mới, tiến đến sự kiện ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần này, Hòa thượng Thích Trí Tấn (trụ trì chùa Hưng Long, Tân Uyên, Sông Bé), Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam làm Trưởng đoàn, đã được toàn thể Đại hội suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh và Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam... Điều này khẳng định Hòa thượng Thích Trí Tấn luôn được Chư Tôn đức trong hệ phái Cổ truyền Lục Hòa Tăng tín nhiệm và kính trọng, ngài có một nhân cách tuyệt vời nên mới được Chư Tôn đức trong hệ phái suy tôn và tiến cử làm bậc lãnh đạo đứng đầu đại diện cho hệ phái tham gia Đại hội quan trọng này, từ đó cho thấy Hòa thượng Thích Trí Tấn đóng vai trò đại diện của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong ngày hội lớn của Phật giáo nước nhà, ngày hội mà 9 tổ chức hệ phái của Phật giáo Việt Nam cùng đồng lòng siết chặt tay nhau vững tin tiến vào kỷ nguyên mới.

Hành trạng tu hành, hoằng pháp lợi sanh và dấn thân đầy tâm huyết vì sự tồn vong đạo pháp và dân tộc của Hòa thượng Thích Trí Tấn đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xương minh Phật pháp, sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như sự nghiệp thống nhất và phát triển Phật giáo nước nhà. Điều rất đáng kính trọng và ngưỡng mộ, đó là hành trạng rất cao cả, công đức rất sâu dày, nhưng tính cách của ngài rất đỗi khiêm nhường, phong cách chân thành mộc mạc, có thể nói đây là bài học quý giá cho bản thân tôi cũng như cho hàng hậu học kế thừa trong tổ chức hệ phái Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 50
    • Số lượt truy cập : 6953832