Thông tin

VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

TRONG VIỆC ĐOÀN KẾT PHẬT GIÁO

CÁC NƯỚC VÙNG SÔNG MÊ-KÔNG

 

HT.TS. THÍCH THIỆN TÂM(*)

 

Đặt vấn đề đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông là cách đặt vấn đề rất mới, rất sáng tạo, vì thế có yêu cầu cao trong việc định hình lý luận.

Cụ thể, chúng ta phải trả lời những câu hỏi:

- Thành phần của khối đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông sẽ ra sao?

- Định dạng hình thức đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê- kông sẽ như thế nào, với những hoạt động gì?

- Mục tiêu, yêu cầu của việc đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông là những nội dung gì?

Trả lời những câu hỏi trên, chúng ta sẽ có một dự thảo sơ nét về hoạt động đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông.

1. KHÁI NIỆM PHẬT GIÁO CÁC NƯỚC VÙNG SÔNG MÊ-KÔNG VÀ PHẬT GIÁO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á ĐẤT LIỀN

Chúng ta đều biết Phật giáo là một trong những tôn giáo chính của các quốc gia Đông Nam Á.

Từ khi Việt Nam tham gia vào khối ASEAN, chúng tôi, với tư cách một tu sĩ Phật giáo hoạt động trên lãnh vực ngoại giao nhân dân, đã luôn nghĩ đến một hình thức nào đó thích hợp đoàn kết Phật giáo các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Vì tổ chức hoạt động đoàn kết một tôn giáo trong một khối quốc gia đa dạng tôn giáo, thì bên cạnh tác động đoàn kết, sẽ có thể phát sinh tác động chia rẽ ngoài ý muốn. Trong môi trường đa tôn giáo, sự cố kết trong riêng nội bộ chỉ một tôn giáo có thể làm tăng thêm sự ngăn cách giữa tôn giáo đó với các tôn giáo khác trong khối quốc gia đó. Nói cụ thể hơn, tổ chức một hình thức đoàn kết riêng Phật giáo trong khối ASEAN có thể tạo ra một sự cách biệt giữa khối Phật giáo đó với các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… trong khối ASEAN. Điều có lợi cho sự đoàn kết nội bộ Phật giáo các nước ASEAN, nhưng có thể là điều bất lợi cho toàn khối ASEAN. Nếu tôn giáo nào, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành… trong ASEAN đều tổ chức những dạng cố kết nội bộ tôn giáo họ trong ASEAN thì tình hình sẽ không sáng sủa cho sự đoàn kết toàn khối.

Trong khi đó, tôn giáo là vấn đề dễ gây chia rẽ hàng đầu. Vì vậy, đặt vấn đề đoàn kết một tôn giáo trong bối cảnh đa tôn giáo của một nhóm nước, một khu vực là vấn đề cần hết sức thận trọng.

Ở đây chúng ta cần giải quyết vấn đề với quan điểm toàn diện, nhìn thấy tất cả các mối quan hệ xung quanh vấn đề, và quan điểm lịch sử cụ thể. Với những quan điểm như vậy, thì không phải là phải bác bỏ mọi hình thức đoàn kết riêng cho Phật giáo trong nội bộ khối ASEAN. Cái chúng ta cần là sự khéo léo và mục tiêu của bài viết này là tìm một cách thức khéo léo đó, vừa đáp ứng được yêu cầu đoàn kết riêng Phật giáo, vừa đáp ứng yêu cầu đoàn kết chung toàn khối ASEAN. 

Khái niệm đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông thực tế là một gợi ý để giải quyết mâu thuẫn nêu trên. Trong phần dưới đây của bài viết, chúng ta sẽ đi vào chi tiết của gợi ý giải quyết trên.

2. VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Trong phác thảo mà chúng tôi đề ra dưới đây, vai trò của Phật giáo Nguyên thủy Theravada là hết sức lớn lao, có tính chất quyết định. Đó không phải do cái nhìn chủ quan của chúng tôi, một tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy, mà xuất phát từ hiện trạng khách quan của tôn giáo trong khu vực.

Phật giáo Nguyên thủy Theravada là tôn giáo chính, tôn giáo đa số tuyệt đối của các nước vùng sông Mê-kông.

Ở Việt Nam, tuy Phật giáo Nguyên thủy không phải là hệ phái đa số, nhưng ở khu vực châu thổ sông Mê-kông, Phật giáo Nguyên thủy cũng có vai trò lớn lao, nhất là đối với người dân tộc thiểu số Khmer. Vì vậy, Việt Nam vẫn là một quốc gia Phật giáo Nguyên thủy.

Còn lại, trong các quốc gia vùng sông Mê-kông, chỉ có Trung Quốc hầu như không có Phật giáo Nguyên thủy.

Vì vậy, nếu chúng ta áp dụng hai tiêu chí:

- Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông

- Phật giáo Nguyên thủy Theravada

Thì sẽ định hình khối Phật giáo Nguyên thủy Đông Nam Á đất liền, với danh nghĩa Phật giáo Nguyên thủy các nước vùng sông Mê- kông. Đây là một công thức lý tưởng.

Phật giáo Nguyên thủy các quốc gia vùng sông Mê-kông là bước khởi đầu rất thích hợp cho hình thức đoàn kết Phật giáo Đông Nam Á. Do ở các nước Đông Nam Á đất liền Phật giáo là tôn giáo đa số (khác với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, Phật giáo là tôn giáo thiểu số).

Phật giáo Nguyên thủy các quốc gia vùng sông Mê-kông sẽ không có Phật giáo Trung Quốc, quốc gia vùng sông Mê-kông hầu như không có tông phái Phật giáo Nguyên thủy trừ một số trường hợp cá biệt. Do đó, Phật giáo Nguyên thủy các quốc gia vùng sông Mê-kông là Phật giáo các nước Đông Nam Á đất liền nhưng tránh được danh xưng Phật giáo các nước Đông Nam Á, nghĩa là không vướng vào lo ngại như chúng tôi đã trình bày ở trên. Phật giáo Nguyên thủy các quốc gia vùng sông Mê-kông chính là khởi đầu Phật giáo Đông Nam Á nhưng không dùng tên gọi Phật giáo Đông Nam Á, hay Phật giáo Đông Nam Á đất liền.

Phật giáo Nguyên thủy các quốc gia vùng sông Mê-kông bao gồm hầu hết các quốc gia Phật giáo Nguyên thủy, thực chất đã hình thành khối Phật giáo Nguyên thủy. Riêng trường hợp Sri Lanka, quốc gia Phật giáo Nguyên thủy là tôn giáo đa số nhưng không thuộc vùng sông Mê-kông thì vẫn có thể liên kết theo phương thức “cộng một” (+ 1).

Nhìn từ lợi ích Phật giáo thì đây chính là sự hình thành khối Phật giáo Nguyên thủy, là cơ sở để hình thành khối đoàn kết Phật giáo các nước Đông Nam Á.

Nhìn từ lợi ích khối ASEAN, đây là hình thức liên kết tôn giáo trong nội khối, có tác dụng gia tăng tính đoàn kết, nhưng không tạo tiền lệ cục bộ tôn giáo. Hình thái Phật giáo các nước vùng sông Mê- kông là hình thái tổ chức theo địa lý, theo lưu vực sông, tránh được danh xưng khối Đông Nam Á.

3. ĐOÀN KẾT PHẬT GIÁO CÁC NƯỚC VÙNG SÔNG MÊ-KÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Đối với Phật giáo thế giới, trong đó có Phật giáo Nguyên thủy, đoàn kết trên phạm vi liên quốc gia là một nhu cầu lớn và trong thực tế vẫn còn là một hạn chế. Phật giáo thế giới, Phật giáo Nguyên thủy vẫn trên con đường nhiều khó khăn hướng về sự đoàn kết. Vì vậy, mọi hình thức đoàn kết Phật giáo dù ở quy mô nào, ở khu vực nào đều rất tốt cho Phật giáo.

Chúng tôi hướng về mục tiêu đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông với sự hoan hỷ vô hạn.

Để có đoàn kết, yêu cầu đương nhiên là cần có một tổ chức. Nhưng để đi đến một tổ chức, cần có một lộ trình.

Dưới đây là một lộ trình đề nghị:

Bước 1: Tăng cường giao lưu giữa Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông bằng nhiều hình thức như thăm viếng, giao lưu văn hóa, tổ chức hội nghị, hội thảo xuất bản văn hóa phẩm (sách phim), công trình nghiên cứu khoa học…

Bước 2: Tổ chức diễn đàn theo hình thức tiền tổ chức, tiền hiệp hội.

Bước 3: Tổ chức Ban vận động thành lập Hiệp hội Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông.

Bước 4: Thành lập tổ chức Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông như một tổ chức phục vụ hoạt động ngoại giao nhân dân (không phải tổ chức giáo quyền tôn giáo).

Bước 5: Hoàn thiện, củng cố, phát triển tổ chức Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông, bổ sung mở rộng nhiều hoạt động mới, làm cơ sở phát triển thành tổ chức Phật giáo các nước Đông Nam Á khi có thuận duyên.

4. NỘI DUNG ĐOÀN KẾT PHẬT GIÁO CÁC NƯỚC VÙNG SÔNG MÊ-KÔNG

Chúng tôi quan niệm Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông là tên gọi tế nhị của Phật giáo các nước Đông Nam Á đất liền, là bước khởi đầu của Phật giáo các nước ASEAN, nên hoạt động Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông không tự giới hạn trong phạm vị “sông Mê-kông”, mà “sông Mê-kông” chỉ là một cách diễn đạt tế nhị khái niệm Đông Nam Á đất liền, bước đầu của việc hướng tới mục tiêu toàn Đông Nam Á.

Do đó, tất cả mọi hoạt động trên nền tảng Đông Nam Á đều được tính đến, với “sông Mê-kông” là yếu tố cốt lõi, bước đầu.

Hoạt động đoàn kết Phật giáo các nước vùng sông Mê-kông đặt lợi ích đoàn kết Phật giáo Nguyên thủy nói riêng, Phật giáo các nước Đông Nam Á lên hàng đầu, tăng cao ảnh hưởng Phật giáo trong việc giải quyết tất cả các vấn đề liên hệ đến các nước Đông Nam Á, trong đó, có các vấn đề đối với sông Mê-kông, nhưng không tự giới hạn chỉ ở những vấn đề riêng sông Mê-kông.

Tuy nhiên, việc lấy sông Mê-kông làm cảm hứng chính trong hoạt động vẫn là điều nên chú ý đặc biệt. Cụ thể là góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái sông Mê-kông, bảo vệ nguồn sống sinh vật trên dòng sông, khai thác dòng sông phù hợp với quan điểm Phật giáo, đẩy mạnh hoạt động văn hóa xoay quanh đề tài sông Mê-kông…

Cụ thể, trước mắt có thể tổ chức việc rước xá lợi Phật bằng thuyền trên sông Mê-kông, ghé thăm nhưng ngôi chùa Phật ven sông Mê- kông, giao lưu đường sông giữa các nước có thể giao thông bằng sông Mê-kông.

Việc rước xá lợi Phật được tổ chức gắn liền với cuộc vận động bảo vệ môi trường sinh thái dòng sông, bảo vệ sinh vật (thí dụ tổ chức phóng sinh cá con, cá giống trên sông theo lộ trình rước Phật). Tổ chức hoạt động đón rước xá lợi Phật tại các chùa ven sông thành lễ hội Phật giáo đoàn kết liên quốc gia.

Lễ hội là hình thức dễ tổ chức nhất, nên được tính đến trước tiên. Sau đó, các hình thức khác đều được nghiên cứu, triển khai.

Sông Mê-kông chứa đựng trong việc sử dụng, khai thác nhiều nguy cơ về sự bất đồng, mâu thuẫn, mà hiện nhiều vấn đề trong số đó đã bộc lộ khá rõ, khá nóng. Theo ý kiến riêng tôi, Phật giáo không nên vướng sớm vào những vấn đề như thế, không có lợi cho tình đoàn kết Phật giáo. Việc tham gia vào những vấn đề gai góc của dòng sông Mê-kông nên để sau, với trách nhiệm chính đương nhiên thuộc về các chính phủ.

Phật giáo nên tránh những vấn đề gai góc phức tạp, mà chỉ nên tạo bầu không khí hòa hợp, đoàn kết, gắn bó, cảm thông, hữu nghị để từ đó hình thành hoàn cảnh thuận lợi để giải quyết bất đồng.

 


*. Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 61
    • Số lượt truy cập : 6953899