Thông tin

VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỆ TỬ PHẬT

TRONG XÃ HỘI HÔM NAY

 

THÍCH NỮ DIỆU CÚC

 


 

Người tu sĩ là người bỏ đời sống thế tục, xuất gia sống trong chuẩn mực đạo đức và thực hành theo những lời Phật dạy. Tăng là người thay Phật tuyên dương giáo pháp, vì vậy giữ gìn phẩm chất dung mạo của Tăng cũng chính là bảo vệ Phật  pháp. Chính vì vậy mỗi người phải biết được vai trò và trách nhiệm của mình, để mình sống tốt trong cương vị là người xuất gia.

1. Đời sống người tu sĩ

Thời đức Phật người xuất gia đi khất thực để duy trì sự sống cho người tu sĩ nhưng đây cũng là một cách để đem giáo lý giảng dạy cho những quần chúng hữu duyên. Hoạt động khất thực của người xuất gia khác với người ăn xin đó là sự không cầu cạnh, xin xỏ mà khất thực chỉ để thực hành hạnh tu của người con Phật đó là: “những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích, không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống1. Đức Phật luôn nhắc nhở đệ tử rằng đừng tham đắm vào thức ăn, ăn chỉ để nuôi thân tiến tu đạo nghiệp và nhằm hỗ trợ phạm hạnh2. Chính vì vậy người tu sĩ luôn nhận sự cúng dường với tâm hoan hỷ. Đức Phật cũng dạy chúng Tăng khi đi khất thực như sau: “Này các Tỳ kheo, hãy giống như mặt trăng khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông xáo (appagabbha)3.

Trong kinh kể về câu chuyện ngài Xá Lợi Phất lúc này chưa quy y theo Phật, nhưng khi nhìn thấy đạo phong thanh tịnh của tôn giả Assāji là đệ tử Phật đã cảm sanh lòng quy ngưỡng Phật pháp, và sau đó đã xuất gia theo Phật.

Vậy đời sống phạm hạnh của người không ra ngoài ba việc là tiêu trừ ba nghiệp tham, sân, si.

Ngày nay tu sĩ ở nước ta thì không còn đi khất thực nữa mà ở tại chùa, các tịnh xá tự viện. Và việc tiếp cận với Phật tử cũng chủ yếu là tại chùa thông qua các chương trình như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan… Rồi các chùa cũng tổ chức các khóa tu niệm Phật, khóa tu Bát quan trai, hay tụng kinh Pháp Hoa, tổ chức các lễ như cầu an, cầu siêu… để tạo điều kiện cho Phật tử thân cận với giáo pháp của đức Phật.

Số lượng người xuất gia đông, học vấn rộng, nhưng sự thấu đạt giáo pháp thì hạn chế. Giáo pháp của đức Thế Tôn rất thiết thực, áp dụng là có kết quả ngay. Nhưng nếu chúng ta chỉ học thôi mà không thực hành, thì dầu có làu thông Tam tạng, rành rẽ giáo pháp, có thể giảng nói kinh nghĩa, kệ ngôn thao thao bất tuyệt, tháng này qua tháng nọ; phân tích chi li từng mục4… nhưng nếu chúng ta chưa nếm được hương vị của Pháp, chứng nghiệm Pháp, sống trong Pháp… thì cũng không lợi ích gì cho bản thân cả.

Bên cạnh đó, ngày nay Phật giáo được đông đảo quần chúng ủng hộ, đời sống vật chất khá đầy đủ. Nhưng từ đây cũng phát sanh vấn đề là giới tu sĩ có nhiều tư tưởng lệch lạc, đi ngược với lời Phật dạy như việc tụng kinh cầu siêu, đi đám tang, cúng cầu an… chỉ mong lợi dưỡng mà quên đi bản hoài và sứ mệnh của mình. Người xuất gia chân chính phải thấy việc đi tụng kinh, hay tổ chức các buổi lễ… chỉ nhằm mục đích là nhân đó để giới thiệu giáo lý của Phật tới quần chúng, giúp họ bớt khổ đau. Khi chúng ta, làm một việc gì chỉ nghĩ đến việc là đem ánh sáng Phật giáo chiếu rọi vào tâm thức những con người đang đau khổ, không một lòng mong cầu đền đáp thì người viết tin tưởng việc làm của chúng ta sẽ được chư Phật gia hộ và mọi công việc Phật sự cũng được thành tựu viên mãn.

Người tu sĩ phải luôn lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy việc phụng sự chúng sanh là báo đền ơn Phật, luôn nêu cao tinh thần dấn thân để cứu đời.

Mỗi người chúng ta phải luôn luôn tâm niệm rằng, ơn Phật lớn lắm, dù chúng ta có làm được bao nhiêu Phật sự cho đời mà chúng ta chưa thấu đạt được chân lý mà Phật muốn ta chứng ngộ thì chúng ta vẫn chưa thể đền ơn chư Phật, chư Tổ được. Chư Phật và các vị Tổ sư thương chúng ta như thương đứa con một. Nhưng chư Phật và chư Tổ khác với các người cha, người mẹ thế gian là cha mẹ thế gian có thể cho đứa con của mình sự nghiệp, cho danh vọng, cho chức quyền, tài sản… nhưng những thứ đó không giúp ta an lạc, giải thoát. Nhưng chư Phật và chư Tổ cho chúng ta cả một gia tài pháp bảo. Cái gia tài của thế gian dù tốt, dù đẹp, dù sung sướng tới đâu thì nó vẫn bị chi phối bởi định luật vô thường, còn Pháp bảo mà Phật cho chúng ta là bất tử, là niềm hỷ lạc, không mất đi, nhưng muốn đạt được điều đó chúng ta phải thấy được pháp và chứng ngộ pháp thì gia tài đó mới phát huy tác dụng. Chính vì vậy chúng ta phải luôn luôn khắc khoải sự tu hành của mình. Ngày nào mình còn chưa thấy con đường mình đang đi sẽ đưa mình về đâu thì ngày đêm chúng ta phải suy tư về vấn đề giải thoát, có như vậy thì dù gặp chướng duyên nghịch cảnh gì chúng ta cũng nghĩ rằng đó cũng chỉ là bồi đắp cho tâm mình thêm sức mạnh, không gục ngã trên bước đường tìm cầu giải thoát cho chính mình.

2. Trách nhiệm và bổn phận của người tu sĩ

- Ngăn người làm điều ác

Đấu tranh chống lại cái ác là trách nhiệm của người tu sĩ. Người xuất gia phải tìm mọi cách để ngăn chặn những cái ác, cái bất thiện. Cho đến khi nào cái ác, cái bất thiện còn hiện hữu thì các tôn giáo, các tu sĩ còn trách nhiệm và bổn phận phải làm. Theo quan điểm của Phật giáo, điều ác là điều hại mình, hại người, hại cả hai trong hiện tại và tương lai. Đó là tiêu chuẩn để đánh giá một hành vi, lời nói, ý nghĩ ác mà đức Phật dạy. Vậy tu sĩ phải luôn nhắc nhở tín đồ xa rời những việc làm, lời nói, hay ý nghĩ ác, đồng thời phải luôn làm việc thiện, nói lời thiện lành, và nghĩ những điều lành. Là Phật tử để tránh xa những cái ác thì Phật dạy người cư sĩ nên giữ năm giới, hoặc giữ bát quan trai giới.

- Khuyến khích Phật tử làm điều thiện

Ngoài việc ngăn chặn tín đồ làm ác, thì người tu sĩ cũng phải khuyến khích, động viên họ tích cực làm điều thiện. Những việc làm thiện lành đó cũng là một cách để tiêu trừ nghiệp bất thiện của mình. Ví dụ như chúng ta khuyên Phật tử thực hành hạnh bố thí. Tất nhiên là bố thí thì sẽ có phước đức rồi, nhưng cái cốt yếu của sự bố thí đem lại đó là tiêu trừ tính tham của mình. Mọi nỗ lực của con người dù âm thầm, hay công khai nhằm bệnh vực cho cái thiện, cái tốt đẹp được tồn tại thì nó luôn thăng hoa giữa cuộc đời. Sự bảo vệ âm thầm ấy có đôi khi phải đánh đổi, hy sinh cả thân mạng để đổi lại sự lợi ích cho những người xung quanh mình. Với chức năng là luôn khuyến khích con người hướng thiện, nên tôn giáo luôn nhận được sự tôn trọng của quần chúng. Người tu sĩ phải làm cho cái thiện, cái cao thượng hiện hữu thăng hoa giữa cuộc đời thì khi đó sự có mặt của mình mới có ý nghĩa, có giá trị. Chính vì vậy, để hướng dẫn cho người cư sĩ đi đúng đường, thực hành tốt những lời Phật dạy thì người tu sĩ phải luôn là tấm gương, đầy đủ giới đức. Khi mình đầy đủ công đức mình dạy người, người sẽ làm theo. Nhiệm vụ của tu sĩ là luôn dạy cho người bỏ ác, làm thiện. Phật tử nên cố gắng thực hành theo.

 


 

- Tâm từ thương chúng sanh

Là người xuất gia học đạo, chúng ta nhận thức rằng đời sống của con người mong manh, luôn bị chi phối bởi định luật vô thường. Cuộc sống thế gian dù giàu hay nghèo cũng đều ẩn chứa mầm mống khổ đau. Xuất gia là từ bỏ cái tình thương nhỏ hẹp trong ngôi nhà của gia đình ruột thịt của mình mà vào sống trong ngôi nhà tâm linh, với tình thương rộng lớn. Chúng ta phải có tình thương đối với tất cả chúng sanh, vì sao? Như đức Phật đã dạy: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy, nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta5. Chúng ta phải nhận thức được rằng cuộc sống này khổ nhiều vui ít, ta được may mắn sanh làm người, lại được học Phật pháp. Chúng ta phải nương theo gương hạnh của Phật đó là luôn thương xót chúng sanh đang chìm trong bể khổ mà phát tâm phụng sự, phát tâm dấn thân, không sợ khó, không sợ khổ, chỉ một lòng mong muốn đem lợi ích cho chúng sanh. Khi mình làm với tâm từ, mình không so đo, tính toán, lợi ích, được mất hơn thua, mà chỉ làm với tình thương rộng lớn. Có như vậy thì trên bước đường đem đạo vào đời, dù hoàn cảnh có lúc khó khăn ta cũng không chùn bước, dù có nguy hiểm ta cũng không nao lòng. Làm được như vậy mới đúng là người tu chân chánh xuất gia vì một hạnh nguyện lớn là giúp đời. Nói là giúp đời nhưng cũng chính những hạnh lành đó cũng là cách ta tiêu trừ nghiệp chướng cho chính mình. Trên con đường làm đạo, tất cả những việc mình làm với tâm cứu độ chúng sanh, đều chứa đựng hai mặt đó là tiêu trừ nghiệp chướng cho mình mà cũng là lợi ích cho tha nhân, đó cũng là cách để mình đền ơn chư Phật, chư Tổ, các bậc Thầy đã dày công gìn giữ và phát triển giáo pháp cho đến hôm nay.

- Dạy dỗ họ những điều chưa nghe

Những người tu sĩ có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ làm tròn các bổn phận và trách nhiệm của họ đối với tự thân, gia đình và xã hội. Khi tiếp xúc với tín đồ chúng ta cần lắng nghe những khó khăn, những thiếu sót về sự hiểu biết của họ để ta có phương pháp, hướng dẫn họ đem lại lợi ích thiết thực. Là người tu sĩ, là người thầy hướng đạo chúng ta phải thường xuyên tìm cách làm thế nào để tín đồ có thể đạt được những điều tốt đẹp, an vui trong cuộc sống. Chúng ta phải hướng dẫn họ vượt lên những thú vui tầm thường, không lợi ích, hướng tâm đến những điều lợi ích. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp miễn sao hướng dẫn họ vào đạo, dạy cho họ những điều từ trước giờ chưa được nghe, để họ có thể ứng dụng trong đời sống đem lại lợi ích an vui. Như khi họ chưa biết đến đạo thì ta cũng khuyên đến chùa, thắp nhang, lễ Phật. Nhưng khi thành thục rồi, ta khuyên họ nên bố thí, cúng dường trước là tiêu trừ tâm tham, sau nữa là tạo công đức. Tiếp đến, ta chỉ dạy họ ăn chay, giữ giới, thực hành Bát chánh đạo…

- Làm cho thanh tịnh những điều được nghe

Khi chúng ta dạy cho tín đồ những điều Phật dạy, không phải chỉ để cho họ nghe suông mà không ứng dụng. Vì lời dạy nào dù có giá trị đến đâu nhưng nếu nghe chỉ để mà nghe thì nó không phát huy tác dụng. Chính vì vậy chúng ta phải thường xuyên sách tấn, nhắc nhở tín đồ áp dụng những lời dạy ấy vào trong đời sống hàng ngày. Khuyên họ phải luôn quan sát, khi áp dụng một điều gì, xem điều đó có đem lại lợi ích cho mình, cho người không, phương pháp ứng dụng như vậy, có hiệu quả chưa để mình kịp thời thay đổi.

Chư Tăng phải truyền giới và hướng dẫn cư sĩ lãnh thọ giới, thực hành giới để đem lại đời sống an vui. Khuyến khích người cư sĩ lãnh thọ, ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới và sách tấn họ tự học kinh điển hoặc có thể đến chùa tham học với các vị thầy, vị sư cô.

Với năm bổn phận trên của người tu sĩ, chúng ta thấy được trách nhiệm của mình đối với tín đồ đó là ngăn ngừa họ làm ác, khuyên họ làm lành, luôn lấy tâm từ bi mà khuyên răn dạy bảo những điều họ nên làm, không nên làm, để đạt được an lạc hạnh phúc cho đời này và đời sau. Như vậy trách nhiệm cốt lõi của người tu sĩ là chăm lo hạnh phúc cho con người ở đời này và đời sau, đó là trọng trách thiêng liêng của tôn giáo. Như vậy người tu sĩ đúng nghĩa phải luôn có tâm phụng sự, mình sống không phải chỉ lo lợi ích cho cá nhân mà luôn hướng đến lợi ích cho chúng sanh.

Tóm lại:

Là người đệ tử, với chí nguyện là mong muốn Phật pháp được truyền lưu mãi ở thế gian, để tất cả chúng sanh đều được hưởng lợi ích. Để làm được điều đó, mỗi người phải biết bổn phận và trách nhiệm của mình. Người xuất gia có bổn phận học pháp, hành pháp, hoằng pháp. Nếu như, mỗi người làm tốt những bổn phận và trách nhiệm của mình, thì cũng đã góp phần trong việc kế thừa và phát huy mạng mạch Phật pháp, giúp cho ánh sáng của Phật được lưu truyền trong thế gian. Nhưng để làm tốt sứ mạng đó, mỗi người con Phật phải thực sự là người thực tu, thực chứng. Nghĩa là người xuất gia muốn đem đạo vào đời, thì trước hết mình phải là người đã học, đã hiểu, đã thấm nhuần và mình thực sự được an vui và hạnh phúc khi mình sống trong giáo pháp này. Có như vậy, mình mới chia sẻ Phật pháp được với người bằng chính những kinh nghiệm của mình, chứ không còn là lý thuyết suông nữa.

Muốn đem đạo vào đời thì bản thân mình phải đạt được sự vững chãi từ nội tâm. Nghĩa là: “Dù xã hội có điên đảo, người tu vẫn thanh thản mới là bóng mát cho người nương tựa6. Còn nếu chỉ học thôi mà không ứng dụng thì mãi khổ đau. Nên “khi đức hạnh và trí tuệ của Phật được hiện thực hóa bằng hành động của con người, cuộc đời sẽ trở nên an bình và hạnh phúc hơn7. Vì vậy, là người con Phật, mình đã có đầy đủ phước duyên gặp được Phật pháp, thì mình phải trân quý những gì mình đang có để cố gắng nỗ lực tu tập, để được an vui, giải thoát trong hiện đời. Chớ để thời gian trôi qua vô ích, khi mất thân người thì khó mà tìm lại được.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giới Nghiêm dịch, Mi Tiên vấn đáp Milindapañha, Giới Đức (Hiệu đính), Nxb. Phương Đông, 2015.

Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn giáo, 2012.

Kinh Trung Bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, kinh Tất cả lậu hoặc, VNCPHVN, 1992.

Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1993.

Kinh Tương Ưng Bộ, tập 3, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1993.

Thích Trí Quảng, Hai mươi mùa an cư, quyển 1 A, 1995-2002.

Viên Trí, Đạo Phật qua lăng kính xã hội, Nxb Phương Đông, năm 2013. 

 


1. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 3, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1993, tr.172.

2. Kinh Trung Bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, kinh Tất cả lậu hoặc, VNCPHVN, 1992, tr. 25.

3. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 2, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1993, tr. 342.

4. Giới Nghiêm dịch, Mi Tiên vấn đáp Milindapañha, Giới Đức (Hiệu đính), Nxb. Phương Đông, 2015, tr.73.

5. Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb. Tôn giáo, 2012, tr. 34.

6. Thích Trí Quảng, Hai mươi mùa an cư, quyển 1 A, 1995-2002, tr.31.

7. Viên Trí, Đạo Phật qua lăng kính xã hội, Nxb Phương Đông, năm 2013, tr.15.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 91
    • Số lượt truy cập : 6952575