Thông tin

VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

TRONG TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO VÀ DÂN TỘC

 

Thượng tọa Tiến sĩ THÍCH NGUYÊN HẠNH
Ủy viên Hội đồng Trị Sự GHPHVN
Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng VNCPHVN

 

1. Duyên khởi

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, tên gọi đầy đủ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, hay còn gọi Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng. Có nhiều tên gọi như vậy, vì tiền thân Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Lục Hòa Phật tử. Trong bối cảnh thời cuộc tại miền Nam Việt Nam, sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, chính quyền mới của Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục kiềm kẹp, khủng bố và đàn áp; cùng với việc mua chuộc, phân hóa, ám hại các lãnh tụ phong trào chống đối chính quyền, tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến…

Trước tình thế khó khăn, Giáo hội Lục Hòa Tăng và Giáo hội Lục Hòa Phật tử tổ chức Phật giáo yêu nước luôn bị chính quyền theo dõi. Cho nên, khi Hiến chương được soạn thảo và sau mấy tháng vận động vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu), dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Bửu Ý… chính thức tiến hành Đại hội hiệp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, được chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn.

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thành lập lưỡng viện, gồm Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo, với tầm hoạt động trải rộng 37 Tỉnh /Thành hội, 81 Quận/Huyện hội với 2000 ngôi chùa, tự viện và hệ phái; có khoảng hơn 10.700 Tăng, Ni và trên 200.000 tín đồ Phật tử. (Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019, trang 203.) Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thành lập Trường Phật học Lục Hòa tại chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Thiên Tôn và Tiểu học ở chùa Lộc Uyển, chùa thiên Trường (Q.8) để đào tạo Tăng tài, truyền thừa mạng mạch Phật pháp và hệ phái, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức. Bên cạnh đó, còn cho ra tạp chí Phật Học Lục Hòa do Hòa thượng Thích Thành Đạo làm chủ nhiệm.

Từ ngày thành lập, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam luôn đồng hành đạo pháp và dân tộc trong phong trào đấu tranh kỳ thị tôn giáo; cùng tham gia mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả. Thật sự, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có một vai trò và vị trí trong truyền thống tôn giáo và dân tộc.

2. Vai trò và vị trí phật giáo cổ truyền

2.1 Phong trào đấu tranh Phật giáo

Sau khi bị thất bại nặng nề trong chiến dịch tiến công nổi dậy của dân và quân trong cả nước năm 1968, dưới sự lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định với quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ cho bằng được sự an toàn của cán bộ và giữ vững cơ sở. Khu ủy thành lập các tổ nòng cốt hoạt động yêu nước, có sự tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (khối chùa Ấn Quang), Ni giới Khất sĩ và Giáo hội Hoa tông Việt Nam, trong đó có Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam gồm Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thiện Nghị, và ông Lê Hoàng Minh làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ hàng đầu của tổ nòng cốt là tập trung tăng cường phục vụ quần chúng, từ đó mạnh dạn phát động quần chúng tập hợp lực lượng đẩy mạnh đấu tranh, nhất là xây dựng và phát triển thực lực cách mạng ngày càng mạnh mẽ đều khắp. Củng cố lập trường giai cấp công nhân, nắm vững đường lối quần chúng của Đảng, giải thích chính sách tôn giáo của Đảng chống mê tín, tôn trọng chánh tín, thực hiện tự do tín ngưỡng, vạch rõ âm mưu Mỹ ngụy lợi dụng tôn giáo, tiêu diệt tôn giáo, sử dụng hai khả năng chính sách thực hiện kiểu mới xâm lược Việt Nam, quán triệt chủ trương đường lối và và các yêu cầu trên, tiến hành thực hiện mục đích xây dựng phát triển cơ sở thực lực mạnh mẽ, làm thay đổi lực lượng trong các đô thị và thành phố, thực hiện mục tiêu phương hướng cách mạng, đánh đổ đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, dành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.” (Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019, trang 207-208.)

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đương thời đã đáp ứng được kỳ vọng tâm tư của đa số quần chúng nhân dân là hòa bình, độc lập, thống nhất tổ quốc. Cho nên, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trở thành trung tâm tâp hợp các cánh tiến bộ trong tông phái, giáo phái tham gia mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước:

- Cuộc mít tinh biểu tình đòi Mỹ - Thiệu thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, thả tù chính trị, thực hiện hòa bình thống nhất đất nước vào ngày 27/03/1974.

- Thành lập Mặt trận nhân dân cứu đói do Đại đức Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch, Thượng tọa Thích Quảng Long làm cố vấn, trong thành phần mặt trận còn có sự tham gia của nhiều linh mục, luật sư, giáo sư, dân biểu, nghị sĩ… vào ngày 21/09/1974.

- Cuộc biểu tình trước đại lộ Lê Lợi hưởng ứng chương trình “xách bị gậy đi ăn mày” có trên 400 nhà báo tham gia tố cáo chính quyền độc tài bóp chết báo chí, bần cùng hóa nhân dân, vơ vét của cải phục vụ cho chiến tranh vào ngày 10/10/1974.

- Cuộc biểu tình quy mô 10.000 người tại chợ Bình Tây, chợ Cầu Muối, liên Quận/Huyện đồng loạt tổ chức đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng… vào ngày 27/12/1974.

- Cuộc mít tinh biểu tình thực hiện việc tuyệt thực, lực lượng hưởng ứng trương băng rôn, biểu ngữ, trao kiến nghị vào ngày 27/03/1975 về việc hủy bỏ sắc lệnh 002/72, hủy bỏ lệnh tổng động viên và cho toàn thể Tăng Ni sẽ tập hợp về chùa Sùng Đức làm lễ cầu nguyện hoà bình cho đất nước.

- Nhận lệnh khởi nghĩa, vào sáng ngày 30/04/1975, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam vận động toàn thể Tăng Ni và Phật tử nhất tề đứng dậy cùng đồng bào các địa phương giành lấy chính quyền một cách trọn vẹn.

Như vậy, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ được đề ra một cách vẻ vang, làm nên đại thắng lịch sử vào mùa xuân năm 1975. Những cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa của Tăng Ni và Phật tử nói lên vai trò đồng hành sắc son cùng dân tộc, thể hiện trách nhiệm trước vận mệnh đất nước.

2.2 Công cuộc vận động thống nhất Phật giáo

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vai trò Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam không dừng lại, mà tiếp tục vì tương lai Phật giáo Việt Nam ổn định, phát triển bền vững; cũng như góp phần tái thiết, xây dựng đất nước; tiếp nối truyền thống “Lục hòa cộng trụ” vận động thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam theo nguyện vọng chung của Chư Tôn thiền đức Tăng Ni và Phật tử cả nước.

Trước nhu cầu cấp thiết đó, tháng 8/1975, Chư Tôn đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc yêu nước Phật giáo Tp.HCM do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Phó Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Tổng Thư ký, các ủy viên có Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Thượng tọa Thích Hiển Pháp, Thượng tọa Thích Từ Thông, Thích Huệ Xướng, Thích Thiện Đức (chùa Pháp Vân), Thích Thiện Xuân…

Đến ngày 12/02/1980, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời. Các vị tôn túc Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam cũng đứng ra gánh vác trọng trách. Khi đó, Ban Chứng minh do Hòa thượng Thích Đức Nhuận đứng đầu, Ban Thường trực do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng Ban, Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Phó Trưởng ban kiêm Phó Ban dự thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1980 - 1981), Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký.

Trong vai trò lãnh đạo Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt nhiều lần phát biểu: “Phật giáo có thống nhất, thì Phật giáo mới hưng thịnh. Phật giáo có thống nhất, thì Phật giáo mới ó cơ hội điều kiện để đồng lòng chung sức đóng góp cho dân tộc, xây dựng đất nước, cho nên thống nhất Phật giáo trong giai đoạn này mới là biểu hiện của lòng yêu nước. Tôi cho rằng, yêu nước là động cơ thúc đẩy cho sự thống nhất Phật giáo, tôi nghĩ ngày nay công cuộc thống nhật Phật giáo Việt Nam cũng phải xây dựng trên cơ sở đó. Chính vì vậy mà Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra đời”… (Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019, trang 301-302.)

Hòa thượng Thích Bửu Ý bày tỏ sự vui mừng phấn khởi trước sự kiện lịch sử Việt Nam đang bước đi trên con đường thống nhất, “Tôi quan niệm Phật giáo chỉ có một, nhưng từ lâu phân chia ra nhiều hệ phái, vì thời cuộc, vì chế độ thực dân cũ, và với âm mưu chia rẽ để lợi dụng bằng cách này hay cách nọ nhằm phục vụ ý đồ thống trị của chúng. Nay đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất là một cơ duyên thuận lợi rất tốt để thống nhất Phật giáo thành một mối trên tinh thần hòa hợp Tăng già, chung sức chung lòng vì đạo pháp và dân tộc”… (Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019, trang 301)

Bậc tôn túc trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam không nề hà tuổi già sức yếu, khó khăn, mệt nhọc, ngày ngày đến các địa phương, tỉnh/thành động viên thăm hỏi các Tổ đình, cũng như các hệ phái. Trải qua 5 năm kiên trì vận động đi khắp mọi miền đất nước, từ Nam ra Trung, rồi từ Trung ra Bắc, có những chuyến đi rất nhiều ngày, tham gia nhiều buổi tọa đàm, hội nghị; chỉ với tâm tha thiết mong Giáo hội thống nhất sum vầy một nhà.

2.3 Công cuộc thống nhất Phật giáo

Ngày vui chờ đợi đã đến, Đại hội Phật giáo toàn quốc diễn ra trọng thể vào ngày 07/11/1981 tại chùa Quán Sứ, thành công rực rỡ sau bốn ngày làm việc thành tựu viên mãn. “Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam theo cùng một ý chí, một hiến chương và chương trình hành động, trong cùng cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, nhằm mục đích chung là duy trì chánh pháp, đề cao chánh tín, góp phần tích cực cùng toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình cho dân tộc và cho nhân loại…” (Trích trong tâm thư gửi Chủ tịch Nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trường Chinh).

Trong đại hội lịch sử này, có rất nhiều vị cao Tăng tiêu biểu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được suy cử vào các chức vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (Chủ tịch Hội cứu quốc Nam bộ tiền thân Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam) được suy tôn làm Phó Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Huệ Thành (Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam) được suy tôn làm Phó Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Bửu Ý (Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Hào (Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Khải (Thành viên Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Trí Tấn (Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh và Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Sự tín nhiệm của Đại hội đối với Chư Tôn đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một thành tựu rất lớn lao, là niềm tự hào về sự đóng góp vào thành công chung của dân tộc và đạo pháp.

3. Kết luận

Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời trong một thời điểm thích hợp, đã tích cực gánh vác sứ mệnh cao cả, đóng góp thiết thực và hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Có phải chăng tư tưởng nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hun đúc tinh thần nhiệt huyết, hy sinh, phấn đấu không mệt mõi của Chư Tôn đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Các ngài như vị Bồ tát lướt thuyền từ vào trong biển khổ giúp chúng sanh chằng từ gian khó. Khi đất nước lâm nguy, dân tộc rơi vào cảnh nguy biến các nhà sư sẳn sàng “cởi áo cà sa mặc chiến bào, quên mình vì nước sá chi bao”. Hoặc như Hòa thượng Thích Thế Long (Thành viên lãnh đạo Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam) hỏi Hòa thượng Thích Bửu Ý (Trưởng đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc): “Hòa thượng nghĩ gì về chư Tăng miền Bắc?”, Hòa thượng Thích Bửu Ý trả lời: “Phật giáo từ thời Lý - Trần đã có lòng yêu nước, nay vì đất nước thuận theo lòng dân mà cầm quân đánh giặc, trong khế kinh cũng có nói: Hộ quốc tùy dân, hưng binh đấu giả, đắc phước vô tội”... Khi đất nước hoàn toàn độc lập, các nhà sư tiếp tục vận hành chuyển bánh xe pháp, đem lời hay ý đẹp của Phật vào trong cuộc đời, nâng cao giá trị đạo đức cá nhân cho cuộc sống càng thêm tốt đẹp.

Điều này có thể khẳng định, vai trò và vị trí của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trong quá trình cống hiến cho đạo pháp và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử là không thể phủ định. Đó là mắt xích không thể thiếu được trong tiến trình của Duyên khởi, đưa đến thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HT. Thích Thiện Hoa, 50 năm Chấn hưng Phật giáo, Davibooks, 1970.

2. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn Học, 2019.

3. Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2019.

4. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Phật Giáo VN tập 1&2, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1995.

5. Minh Không Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng Pháp nạn 1963, NXB Giao Điểm, 2003.

6. https://phatgiaolongan.org/xin-cho-biet-ve-giao-hoi-luc-hoa-tang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu/

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6795723