VÀI Ý VỀ VIỆC CẦN THẤU HIỂU KHI THỌ NHẬN PHÁP MÔN TU HỌC
NGUYÊN CHÂU
Phật giáo ra đời giúp nhân loại nhìn nhận thấu đáo nguyên nhân gây nên sự khổ, từ đó đề ra con đường diệt khổ. Đây là mục đích tối thượng của đạo Phật. Từ ý nghĩa này, mà Phật pháp có đến tám vạn bốn ngàn phương tiện, tuy có nhiều pháp môn nhằm ứng với từng trình độ căn cơ mỗi người, nhưng không ngoài mục đích dẫn dắt chúng sanh vào ngôi nhà giác ngộ giải thoát, như đức Phật khẳng định trong kinh Tăng Chi Bộ: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát” (Tăng Chi Bộ kinh III, chương Tám Pháp, phẩm Lớn).
Suốt quãng đời thuyết pháp độ sanh, đức Phật tùy tâm bệnh của chúng ta mà ngài trao cho pháp dược. Với người nhiều lòng tham, thì ngài dạy tu hạnh bố thí cúng dường; với người nhiều sân hận, thì ngài dạy tu tập tâm từ bi; với người nặng lòng luyến ái, thì ngài dạy quán bất tịnh; với người chấp trước vào bản ngã, thì ngài dạy quán vô ngã; người có trình độ giới hạn, thì ngài dạy hành thiện tu phước; với người có căn tánh cao hơn, thì ngài dạy tu tập Tứ diệu đế để vượt thoát sanh tử… Dù giáo pháp luôn tùy thuận từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, nhưng nền tảng căn bản không ra ngoài Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên, cùng với Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là phương tiện trợ duyên thù thắng nhằm giúp hành giả Phật môn làm chỗ y cứ quán chiếu soi rọi lại mình trên bước đường tu tập.
Theo giáo lý Thập nhị nhân duyên, các chi phần của Thập nhị nhân duyên đều là nhân và quả liên tục phát sinh cho nhau có điều kiện. Chẳng hạn như vì có điều kiện của Vô minh mà Hành có mặt, hay có điều kiện Tham ái mà sanh ra Thủ (nắm giữ), do Thủ (nắm giữ) mà tích tụ thành năng lực gọi là Hữu. Sức mạnh của Hữu khiến một chúng sanh có mặt, kéo theo bao hệ lụy của khổ đau chính là già, bệnh và chết. Như vậy, nó cứ nối tiếp không ngừng nghỉ. Người học Phật chúng ta nếu không muốn cuốn theo vòng nhân duyên này, thì theo tôi ít nhất là đừng nên tạo ra thêm những nhân khổ đau nữa và cũng như đừng tạo điều kiện để nó sanh khởi, nghĩa là nếu chúng ta muốn chấm dứt nguyên nhân gây ra khổ đau sanh tử luân hồi, thì cốt lõi vấn đề vẫn là tập trung vào Tham ái và Vô minh luôn hiện diện trong tâm thức của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể giải quyết tận gốc cội nguồn sự khổ.
Như chúng ta đã biết, theo Lý duyên khởi thì vật gì khởi sinh đều tùy thuộc vào những vật khác, tùy thuộc vào những điều kiện kèm theo. Nhưng có một điều chúng ta cần lưu ý, đó là ngay trong mỗi khoảnh khắc hiện hành, thì chúng ta đều luôn bị Vô minh sai sử dẫn dắt. Từ “Vô minh” mà khởi sinh “Hành”, cũng có nghĩa là khởi sinh ra “Nghiệp”, đó chính là Vô minh duyên Hành nghiệp. Do đó, chúng ta cần phải luôn chú trọng đến vấn đề tạo nghiệp trong đời sống, phải hết sức tỉnh giác để trong mỗi động niệm của chúng ta phải luôn xu hướng điều thiện, điều hay lẽ phải, để dần dần phát sinh trí tuệ ngay trong mỗi hành nghiệp. Chung quy lại, thì con người và cả thế giới này cũng đều do duyên sinh. Đức Phật thuyết giảng về Lý duyên sinh không ngoài mục đích là đưa con người hướng đến tuệ giác, biết rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến sự hiện hữu khổ đau và đâu là phương pháp loại trừ những lậu hoặc để đưa đến Niết bàn an lạc.
Lý duyên sinh là một chuỗi vận hành sanh diệt, dù muốn hay dù không muốn, thì nó vẫn hiện hành như vậy. Khi đã hiểu và thấy rõ sự vận hành này, thì chúng ta sẽ không dính mắc. Một khi không còn tâm ý muốn nắm giữ, thì chúng ta sẽ vơi bớt khổ đau. Chẳng hạn, khi ngũ uẩn tiếp nhận một điều kiện, thì ngũ uẩn đó bị thay đổi. Khi đã biết rõ như vậy, thì chúng ta sống tùy thuận vào sự thay đổi đó, mà không mê mờ lầm lạc vào huyễn cảnh.
Mặt khác, chúng ta nên lưu ý là thân ngũ uẩn của chúng ta cũng chỉ là một pháp sanh diệt như muôn ngàn pháp, cũng vô thường, khổ và vô ngã như muôn vàn pháp khác trong thế gian. Bởi nó là vô thường, vô ngã nên nó thay đổi liên tục trong từng sát na sanh diệt, do đó chúng ta đừng cố chấp và dính mắc vào đó. Từ đó, chúng ta sẽ thực hành đúng chánh pháp, có định hướng, có suy nghĩ đúng, có lời nói đúng, đưa đến hành động của chúng ta sẽ đúng, sẽ thành tựu được mục đích cuối cùng là giác ngộ giải thoát.
Đặc biệt, chúng ta cần có nhận thức sâu sắc rằng giáo pháp của đức Phật tuy có phân ra nhị thừa, tam thừa, hay ngũ thừa, thì đó chỉ là phương tiện tùy duyên mà đức Phật đã tùy căn cơ trình độ để làm lợi ích chúng sanh. Kỳ thật, giáo pháp của đức Phật chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát, chỉ nhằm mục đích duy nhất là khai mở con mắt tri kiến Phật. Nói cách dễ hiểu hơn, đó là giúp chúng ta nhận ra nguồn tuệ giác chân tâm, tức là nhận ra bản tánh sáng suốt thanh tịnh nơi mỗi con người, mà chúng ta thường gọi là Phật tánh, như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phương Tiện thứ hai, đức Phật dạy: “Các đức Phật Thế Tôn, chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời; các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời... Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác…”.
Qua lời đức Phật dạy, giáo pháp của đức Phật rất linh động, uyển chuyển cao thâm và thiết thực. Nhưng trên thực tế, chúng ta giống như những gã cùng tử lang thang vô định trong mười phương pháp giới, đến khi gặp chánh pháp, thay vì sử dụng các pháp môn phương tiện như một công cụ thiện xảo để chuyển hóa nghiệp chướng và tận trừ lậu hoặc, thì chúng ta lại chấp chặt vào pháp. Từ đó, phân chia ra các thừa giáo, tạo ra sự bất đồng tư tưởng trong môi trường học Phật.
Thật ra, những lời Phật dạy đều không ngoài mục đích nhắc nhở tất cả chúng ta giống như những gã cùng tử đang lang thang trong sáu nẻo luân hồi. Hệ thống giáo lý chính là phương hướng giúp chúng ta trở về lại với cội nguồn bản thể thuần tịnh hồn nhiên và trong sáng vốn hằng hữu nơi mỗi chúng ta, mà trong đó không hề có tỳ vết của bất cứ một pháp trần nào, kể cả tỳ vết của “ngón tay” mà chúng ta đang tạm thời nương vào đó để nhận diện “mặt trăng”.
Một điều thực tế là trên tiến trình phản bổn hoàn nguyên, chúng ta không thể nào rời xa phương tiện. Hiện nay, phần đông Phật tử chúng ta thường tu theo Tịnh độ và Thiền tông, ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ tu theo Mật tông, trong đó phương tiện niệm Phật của pháp môn Tịnh độ và phương tiện chỉ quán của Thiền tông được thực hành rất phổ biến. Đây là hai công cụ đắc lực sẽ giúp hành giả từng bước lọc sạch trần lao phiền não.
Theo lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn kinh, thì “Thiền” là đốn siêu phương tiện, tức là vượt lên trên sinh tử, nghĩa là không quan tâm đến thiền định hay giải thoát mà chỉ nhắm thẳng đến Phật tánh của chính mình. Trong khi đó, “Tịnh độ” và các tông khác, thì đối phó với sinh tử, nghĩa là tập trung vào thuần tịnh tam nghiệp và hướng đến sự nhất tâm bất loạn; và Mật thì giáp mặt với sinh tử, nghĩa là ngay trong từng cảm thọ, hoặc thô, hoặc tế cũng đều phải thấy rõ bản chất vô ngã của vạn pháp. Tuy nhiên, khi thọ nhận bất kỳ một pháp môn nào để tu học, thì chúng ta cũng cần phải nắm rõ bản chất cũng như nguyên lý vận hành của pháp môn đó...
Bình luận bài viết