VẤN ĐỀ CHĂMPA VÀ THUẬN THÀNH
DƯỚI THỜI NGUYỄN PHÚC CHU
NGUYỄN VĂN QUẢNG*
Đến trước năm 1691, thời điểm Nguyễn Phúc Chu lên ngôi Chúa, lãnh thổ của Chămpa (sử sách Đại Việt nhắc đến với tên gọi Chiêm Thành) chỉ còn lại một vùng đất nhỏ bé, khô cằn từ sông Phan Rang đến Bình Thuận ngày nay (thuộc tiểu quốc Panduranga) và bị kẹp giữa hai phần lãnh thổ của Đàng Trong là phần đất của chúa Nguyễn ở phía Bắc (từ Quảng Bình đến Khánh Hoà)[1] và phần đất ở phía Nam Chămpa (vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Biên Hòa ngày nay) – nơi được xem là “lãnh địa” của chúa Nguyễn trên lãnh thổ của Chân Lạp với rất nhiều người Việt đến sinh sống[2]. Bối cảnh địa dư đó có thể trở thành một mối đe dọa nặng nề cho sự sống còn của Chămpa, một vương quốc chỉ còn vài ngàn quân lính phòng thủ so với lực lượng quân sự hùng hậu của nhà Nguyễn[3].
Sau sự kiện năm 1653, Chămpa luôn làm tròn bổn phận triều cống hàng năm cho chúa Nguyễn. Về phần mình, với thế mạnh quân sự vượt trội, chúa Nguyễn hoàn toàn có thể tấn công, tiêu diệt Chămpa, chiếm lấy các phần đất còn lại của vương quốc này nhưng chúa Nguyễn đã không lựa chọn cách thức đó. Điều chúa Nguyễn cần là sự thoả thuận, tự nguyện ở một mức độ nhất định của Chămpa; sự thần phục tuyệt đối thể hiện qua việc triều cống hàng năm. Mặt khác, sự lựa chọn phương án đó cũng xuất phát từ một thực tế mà chúa Nguyễn nhận thức rất rõ, đó là thực lực của Đàng Trong trên vùng đất mới còn yếu, chúa Nguyễn có thể chiếm được đất nhưng chưa chắc giữ được, bởi lẽ nếu tiêu diệt Chămpa thì chúa Nguyễn chắc chắn sẽ đứng trước một cuộc chiến tranh phục quốc của người Chămpa; hơn nữa cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn vẫn còn tiếp diễn, việc giữ gìn lực lượng trong sự đối đầu với chúa Trịnh là điều cần thiết và lúc này sự can thiệp của chúa Nguyễn vào vùng đất Nam bộ ngày càng gia tăng. Do đó, việc tránh một lúc phải đối đầu với nhiều kẻ thù là điều hết sức quan trọng trong điều kiện thực lực chưa đủ mạnh, là một sự lựa chọn thông minh và sát thực với tình hình thực tế. “Nam tiến là một nhu cầu tất yếu, nhưng là một quá trình lâu dài, tiến từng bước bền bỉ, “chậm mà chắc”[4]. Thái độ mềm dẻo của chúa Nguyễn, tôn trọng sự tồn tại của Chămpa cộng với sự thần phục của Chămpa đã giúp cho hai bên sống trong cảnh hoà bình gần 40 năm, tính từ thời điểm dinh Thái Khang được thành lập (năm 1653) đến khi chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi (năm 1691).
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, thái độ hợp tác của Chămpa chỉ mang tính chất tạm thời, mỗi khi có điều kiện thuận lợi các thế lực chống Đại Việt sẽ nổi dậy đấu tranh nhằm lấy lại những phần đất đã bị mất.
Tháng 8 năm 1692, lợi dụng thời điểm Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi, vua Chiêm Thành là Bà Tranh hay Po Saut “họp quân, đắp luỹ[5], giết cư dân ở Phủ Diên Ninh (Khánh Hoà ngày nay)”[6]. Hành động này của vua Chămpa, dưới con mắt của chúa Nguyễn được xem là một sự bội ước với những gì hai bên đã thoả thuận trước đó, ngược lại đó cũng là cơ hội tốt để chúa Nguyễn thực hiện ý định thâu tóm phần đất còn lại của Chămpa. Sau khi được tin báo, Nguyễn Phúc Chu đã sai Cai cơ Nguyễn Hữu Kính làm Thống binh, lấy văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu suất lãnh quân chính Dinh, cùng quân Quảng Nam và Bình Khang đi đánh. Việc huy động một lực lượng quân sự lớn mạnh cho thấy quyết tâm của chúa Nguyễn Phúc Chu trong việc thu phục Chămpa. Tháng 2 năm 1693, vua Bà Tranh cùng bầy tôi là Tả Trà viên Kế Bà Tử và thân thuộc là Nàng mi Bà Ân bị bắt và sau đó được mang về Phú Xuân[7]. Chúa sai đổi nước ấy (Chămpa) làm trấn Thuận Thành[8].
Với sự thất bại trong cuộc chiến năm 1692-1693, phần đất còn lại của Chămpa, từ sông Phan Rang (Ninh Thuận) đến Bình Thuận ngày nay đã bị nhập vào lãnh thổ của Đàng Trong và được mang một cái tên mới, hoàn toàn Việt – trấn Thuận Thành. Công cuộc chinh phục Chămpa hoàn tất. Đến thời điểm này (tháng 3 năm 1693) Chămpa với tư cách là một vương quốc độc lập, được thành lập từ cuối thế kỷ thứ II giờ đây không còn tồn tại nữa.
Sau khi đánh bại Chămpa và đổi vùng đất từ sông Phan Rang đến Bình Thuận (vốn là vùng Panduranga của Chămpa) thành trấn Thuận Thành – một đơn vị hành chính của Đại Việt, Nguyễn Phúc Chu đã có những thay đổi trong chính sách cai trị vùng đất này. Lúc đầu (tháng 7 năm 1693), để đề phòng dư đảng của Chămpa, Nguyễn Phúc Chu đã cắt cử các đội quân chiếm giữ các vị trí xung yếu ở trấn Thuận Thành: cai đội Nguyễn Trí Thắng giữ Phú Hài, cai cơ Nguyễn Tân Lễ giữ Phan Rí, Cai đội Chu Kiêm Thăng giữ Phan Rang[9]. Sau đó một tháng (tháng 8 năm 1693), cùng với việc đổi trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận, chúa Nguyễn đã giao quyền quản lý cho những người trong dòng tộc Po Saut. Theo đó, tả Trà viên Kế Bà Tử làm Khám lý, ba người con Bà Ân là Đề đốc, Đề lãnh và Cai Phủ. Đáng chú ý hơn, chúa Nguyễn Phúc Chu đã bắt họ (Kế Bà Tử và các con của Bà Ân chứ không phải toàn bộ người Champa như có người đã nghĩ[10]) mặc quần áo theo lối người Kinh[11]. Chính sách này của chúa Nguyễn Phúc Chu cho thấy một sự mềm dẻo trong cách thức quản lý trấn Thuận Thành. Bằng nhãn quan của một nhà chính trị tài ba, Nguyễn Phúc Chu nhận thức rõ mối nguy hiểm của một dân tộc khi bị đẩy vào đường cùng. Với tiềm lực quân sự hiện có, chính quyền Đàng Trong có thừa khả năng để tiêu diệt tận gốc những gì còn lại của Chămpa nhưng ông không làm điều đó. Hành động giao lại quyền hành ở một mức độ nhất định cho những người trong hoàng tộc Chămpa sẽ góp phần vỗ về dân chúng, làm yên lòng dân. Việc bắt Kế Bà Tử và các con của Bà Ân mặc quần áo theo kiểu người Kinh là một chính sách mới, cho thấy sự khác biệt và tầm chiến lược lâu dài, chắc chắn của chúa Nguyễn Phúc Chu. Nó còn chứng tỏ chúa Nguyễn Phúc Chu xem họ như là những viên quan của Đàng Trong, mặt khác cũng bộc lộ ý định đồng hoá đối với những người Chămpa ở Thuận Thành. Đó là “nước cờ” của chúa Nguyễn nhằm quản lý hiệu quả vùng đất này, bởi hơn ai hết ông hiểu chiếm được đất thì dễ, nhưng giữ được đất mới khó. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi điều này diễn ra ở một vùng đất nhạy cảm như phủ Bình Thuận, nơi tập trung tất cả những gì còn sót lại của vương quốc Chămpa rực rỡ một thời, nên mức độ đấu tranh, phản kháng với xu hướng “Việt hoá”, với nỗi hoảng sợ bị xoá tên trong lịch sử sẽ diễn ra rất quyết liệt, quyết liệt hơn những cuộc kháng cự ở các địa phương của Chămpa mà chúa Nguyễn từng gặp phải[12].
Với tinh thần phản kháng sẵn có, chính sách cai trị của Nguyễn Phúc Chu ngay lập tức bị phản ứng một cách mạnh mẽ từ phía người Chămpa. Tháng 12 năm 1693, một người Thanh tên là A Ban cùng với Hữu Trà viên là Óc Nha Thát ở Thuận Thành nổi dậy, đánh chiếm các vị trí xung yếu ở khu vực phủ Bình Thuận (vùng Phan Rang, Phan Rí), chúa Nguyễn phải vất vả mới dẹp xong (tháng 2 năm 1694)[13]. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa này cho thấy sự bất lực trong nổ lực phục quốc của người Chămpa mà đứng đầu là tầng lớp quý tộc. Tuy nhiên, sau cuộc khởi nghĩa này, nhằm xoa dịu sự phản kháng của dân Chămpa, ổn định tình hình dân chúng sau nhiều năm loạn lạc, mất mùa, đói kém, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có sự thay đổi trong chính sách quản lý phủ Bình Thuận. Tháng 8 năm 1694, chúa cho đổi phủ Bình Thuận trở lại làm trấn Thuận Thành, vẫn cho Kế Bà Tử là tả Đô đốc để cai trị. Ba tháng sau, ông lại phong Kế Bà Tử làm Phiên vương trấn Thuận Thành, hàng năm phải nộp cống cho chúa Nguyễn[14]. Phàm những ấn, gươm, yên, ngựa và những người trước đây bị bắt đều được trả về hết[15]. Đến đây, có thể xem quá trình mở đất ở Bình Thuận đã chính thức bước vào thời kỳ ổn định. Mối quan hệ triều cống giữa Chămpa và Đại Việt (Đàng Trong) lại được xác lập ở một vị thế mới. Nếu như trước đây, Chămpa triều cống cho đàng Trong với tư cách là một quốc gia độc lập, thì giờ đây tính chất của mối quan hệ triều cống này đã thay đổi, vương quốc Chămpa không còn hiện hữu như một quốc gia độc lập nữa, nó đã trở thành một phần trong lãnh thổ Đàng Trong, việc triều cống không còn là một nhiệm vụ bắt buộc hàng năm. Điều này lý giải vì sao, sau năm 1695, việc triều cống của phủ Bình Thuận không được sử sách đề cập. Cũng cần phải nói thêm rằng, vấn đề chúa Nguyễn cần không phải là những cống phẩm do Thuận Thành mang lại, cái quan trọng là thái độ thần phục của những người đứng đầu đối với chúa Nguyễn và thái độ trung lập của họ trong việc tranh chấp của chính quyền Đàng Trong với Chenla (Chân Lạp).
Từ sau năm 1694, tình hình phủ Bình Thuận đi vào ổn định, quyền lực của chúa Nguyễn ở khu vực này đã được xác lập một cách vững chắc. Mặc dù, người dân Chămpa luôn coi vương quốc của họ vẫn còn tồn tại ở các khu vực Phố Hài, Phan Rang, Phan Rí, nhưng trên thực tế, Chămpa chỉ là vùng đất phiên thuộc của nhà Nguyễn, một đơn vị hành chính của Đàng Trong. Chúa Nguyễn là người cai trị cao nhất ở vùng đất này. Phiên vương trở thành người lãnh đạo về phong tục tập quán và kinh tế hơn là lãnh đạo về chính trị[16]. Sự ổn định chính trị ở phủ Bình Thuận tạo điều kiện cho Nguyễn Phúc Chu đi đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức hành chính và ổn định tình hình xã hội, vốn được xem là vấn đề phức tạp trong một vùng đất đầy nhạy cảm – nơi mà người Việt và người Chămpa cùng nhau sinh sống, bằng các định chế về pháp luật. Về cơ cấu tổ chức hành chính, bắt đầu đặt phủ Bình Thuận, lấy đất từ Phan Rang, Phan Rí trở về Tây chia làm hai huyện An Phúc và Hoà Đa[17]; xây dựng nhà công đường theo quy cách của Đàng Trong (tả văn, hữu võ), định thứ tự chỗ ngồi các phẩm khi làm việc công và khi xử kiện[18]. Tháng 9 năm 1712, chiếu theo đề nghị của Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử, Nguyễn Phúc Chu cho định điển lệ, tức quy định chế độ quản lý đối với Thuận Thành, gồm 5 điều:
- Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở vương phủ, thì tiền đòi sét mỗi viên tả hữu trà phải nộp 20 quan, mỗi viên tả hữu phan dung phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang thì mỗi viên tả hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên tả hữu phan dung nộp 2 quan.
- Phàm người Kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do Phiên vương và Cai bạ[19], Ký lục[20] xử đoán; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử đoán.
- Hai trạm Kiền Kiền và Ô Cam sai quân canh giữ nghiêm mật để phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trạm đài đệ.
- Khách buôn đến các sách Man để mua bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành.
- Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn (Gia Định), đều đã trả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên[21].
Các định lệ này cho thấy, tình hình Thuận Thành đã đi vào ổn định, việc tiếp xúc của người Chămpa với các tộc người khác đã trở nên dễ dàng hơn. Tình trạng sống chung, xen kẽ giữa người Việt và người Chămpa cũng đã dẫn đến nảy sinh những vấn đề tranh chấp về lợi ích. Và rõ ràng, ở đây đã có những sự khác biệt trong đối xử giữa người Chămpa và người Việt ở Thuận Thành (điều 2).
Tính từ thời điểm lấy được đất Thuận Thành, sáp nhập vào lãnh thổ của Đàng Trong (1693) cho đến hết đời, chúa Nguyễn Phúc Chu luôn thi hành chính sách mền dẻo, hoà bình đối với cư dân Chămpa. Chính điều này đã giúp cho chúa Nguyễn vượt qua được những chướng ngại trong việc hợp nhất lãnh thổ Chămpa vào Đàng Trong, cũng như ổn định tình hình trấn Thuận Thành và vỗ về, an dân, giúp họ làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý khi tìm hiểu về Chămpa và Thuận Thành trong giai đoạn này là việc chúa Nguyễn Phúc Chu sắc phong Kế Bà Tử làm Phiên vương Thuận Thành đã gây ra một sự ngộ nhận về sự tồn tại thật sự của Thuận Thành. Phần lớn các ý kiến hiện nay đều cho rằng, Thuận Thành tồn tại như một quốc gia tự trị cho đến đầu thế kỷ XIX, đồng nhất Thuận Thành với Panduranga/Chămpa[22]. Theo quan điểm của chúng tôi, kể từ sau năm 1693, Chămpa đã không còn tồn tại như là một quốc gia độc lập/tự trị nữa hay nói đúng hơn, lịch sử vương quốc Chămpa kết thúc vào năm 1693, còn những sự kiện lịch sử sau đó không phải là của Chămpa mà là của Thuận Thành/phủ Bình Thuận. Bởi thực tế, sau khi chiếm Chămpa và biến vùng đất này thành trấn Thuận Thành, sau đó là phủ Bình Thuận, mục tiêu của cuộc Nam tiến/mở đất của chúa Nguyễn đã kết thúc. Thuận Thành lúc này chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc lãnh thổ Đàng Trong như bao Trấn, Phủ khác, khác chăng là trấn Thuận Thành được trực tiếp cai quản bởi một Phiên vương người Chămpa là Kế Bà Tử. Tuy nhiên, người lãnh đạo chính trị cao nhất ở Thuận Thành không phải là Phiên vương mà là chúa Nguyễn, Phiên vương thực chất chỉ là người lãnh đạo về kinh tế và phong tục tập quán[23] và là người thực thi ý tưởng chính trị của chúa Nguyễn như một viên quan địa phương[24]. Quyền lực thực sự của Phiên vương cũng bị hạn chế và luôn nằm dưới sự kiểm soát của các quan lại người Kinh. Điều này được thể hiện rõ trong điều 2 của định lệ mà Nguyễn Phúc Chu đặt ra để điều hành trấn Thuận Thành: “Phàm người Kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do Phiên vương và Cai bạ, Ký lục xử đoán; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình Phiên vương xử đoán”[25]. Cuốn “Nghệ thuật tạc tượng Chămpa – nghiên cứu, sưu tầm các đạo giáo và tiếu tượng học” của J.Boisselier cũng ghi lại lời kể của một sĩ quan Pháp khi họ đến Ba Chanal (Phan Rí) vào năm 1720 rằng: một viên quan xứ đàng Trong đứng bên phải Phiên vương trong các buổi chầu, tuy chiếm vị trí thứ hai trong hội đồng nhà vua, nhưng sẽ không có gì có thể quyết định được nếu không có sự đồng ý của viên quan này[26]. Văn kiện xứ Panduranga, một tập hợp tài liệu thành văn của Nam Trung bộ trong hai thế kỷ 17 – 17I, được viết bằng cả chữ Hán, Nôm và Chăm cho thấy, khi đề cập đến người đứng đầu ở Thuận Thành đều dùng từ “Thuận Thành vương”. Một số văn bản nhắc đến việc Thuận Thành vương cai trị và bổ nhiệm quan lại địa phương nhưng cũng có cả nhiệm vụ thu thuế để nuôi quân lính Việt[27]. Và đặc biệt tài liệu cũng đã cho thấy trong việc mua bán ruộng và nô lệ hay vay mượn cầm đồ thì vua (Thuận Thành vương) cũng chỉ có vị thế như một người dân bình thường[28].
Có một hiện tượng khá phổ biến diễn ra sau sự kiện năm 1693, là có một bộ phận lớn dân cư đã theo các quý tộc Chămpa vào vùng hạ lưu và trung du sông Cửu Long, một số gồm những hậu duệ trực tiếp của vua Chămpa đưa dân lên vùng thượng nguyên mang theo nhiều di vật của hoàng gia cho thấy sự phản kháng, không đồng tình của họ với thiết chế mới lập nên ở phủ Bình Thuận[29]. Đáng chú ý hơn, sau năm 1693, tên gọi “Chămpa” hay “Chiêm Thành” không còn được nhắc đến trong chính sử, mà thay vào đó là “trấn Thuận Thành” hay “phủ Bình Thuận”. Từ năm 1702, tất cả các văn kiện bằng chữ Hán, chữ Nôm hay Chăm của Thuận Thành đều dùng niên hiệu của các vương triều Việt Nam từ Chính Hòa (1702), qua Bảo Thái, Vĩnh Khánh, Long Đức đến Cảnh Hưng, rồi chuyển sang Thái Đức (Tây Sơn) và Gia Long[30]. Điều này cho thấy, sự tồn tại của tước hiệu Phiên vương chỉ là trên danh nghĩa, Phiên vương chỉ có vai trò như một vị quan đứng đầu địa phương, thực thi mệnh lệnh của chúa Nguyễn[31].
Cùng với việc mở đất là quá trình di cư của người Việt đến vùng đất mới. Quá trình này diễn ra từ rất sớm trên vùng đất Bình Thuận, ngay từ khi chúa Nguyễn Phúc Tần mở đất đến Phan Rang (Ninh Thuận) (năm 1653). Đến khi chúa Nguyễn Phúc Chu xác lập phủ Bình Thuận, người Việt đã đến đây rất đông, đặt biệt là các vùng An Phước, Phan Rang (Ninh Thuận ngày nay), vùng Phan Rí, Chợ Lầu và Phan Thiết, Mũi Né. Cư dân Việt di cư tới đây có nguồn gốc từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, đến đây bằng đường biển hoặc đường bộ. Cư dân đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vào khai hoang, lập làng ở Phan Rí – Chợ Lầu hình thành nên trung tâm huyện Hoà Đa vào cuối thế 17 đầu thế kỷ 17I. Cư dân từ Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào định cư ở Phan Thiết, Mũi Né. Tốc độ di dân vào phủ Bình Thuận càng được đẩy mạnh hơn vào thế kỷ 17I[32].
Như vậy, sau nhiều thế kỷ mở đất về phương Nam (từ thế kỷ XI), đến cuối thế kỷ 17, lãnh thổ của Đại Việt đã kéo dài đến tận vùng Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay)[33]. Song song với quá trình Nam tiến của Đại Việt là quá trình thu hẹp và cuối cùng bị xoá sổ của vương quốc Chămpa và sau đó là Chân Lạp. Đó là kết quả của một quá trình lâu dài, gian khổ trước đòi hỏi của lịch sử. Trong thời gian cầm quyền, bằng nhiều sách lược khác nhau, Nguyễn Phúc Chu đã mang lại cho Đại Việt vùng đất còn lại cuối cùng của Chămpa (vùng Ninh Thuận – Bình Thuận), chấm dứt sự tồn tại của vương quốc này, tạo điều kiện cho người Việt đến đây sinh sống, làm ăn và ông cũng là người đặt nền tảng quan trọng trong quá trình chiếm lĩnh vùng đất Chân Lạp với việc lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và dinh Phiên Trấn (Gia Định) thuộc Phủ Gia Định vào năm 1698. Đó là công lao rất lớn trong suốt 43 năm cầm quyền của ông.
* Thạc sĩ, Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Huế.
[1] Năm 1653, sau khi đánh bại vua nước Chiêm Thành là Bà Tấm (trong văn kiện Chămpa là Po Nraup – NVQ chú), chúa Nguyễn Phúc Tần lấy sông Phan Rang làm giới hạn (tác giả Danny Wong Tzeken cho giới hạn này là phía đông Cam Ranh, nhưng điều này không có chứng cứ rõ ràng) từ phía Đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hoà) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh). Phủ Thái Khang có hai huyện: Quảng Phúc và Tân An; phủ Diên Ninh có 3 huyện: Phúc Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Đặt dinh Thái Khang (nay là Khánh Hoà) cho Hùng Lộc trấn giữ. Phía Tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ chức cống [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 62].
[2] Từ cuối thế kỷ XVI, đặt biệt là sau năm 1620, đã có nhiều cư dân Việt sinh sống tại vùng Gia Định, Mô Xoài, Đồng Nai. Năm 1623, trên cơ sở thoả thuận của vua Chetta II, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã lập sở thu thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn ngày nay), Kas Krobei (Bến Nghé ngày nay) và đóng đồn trên đất Chân Lạp. Đến năm 1628, vùng đất từ Prey Nokor (Sài Gòn) trở ra phía Bắc đến biên giới Chămpa đã có nhiều người Việt đến sinh sống. Sự can thiệp quân sự theo lời thỉnh cầu của Chân Lạp nhằm ổn định nội bộ, chống lại quân Xiêm vào các năm 1658 và 1674) làm cho vai trò của Đàng Trong ngày càng tăng lên, người Việt di cư vào lãnh thổ Chân Lạp ngày một nhiều và Chân Lạp trở thành nước thần phụ, phải triều cống hàng năm cho chúa Nguyễn [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 38-104].
[3] Po Dharma, Phong trào phục hưng Chămpa vào năm 1693-1694, http://www.champaka.org.
[4] Đỗ Quỳnh Nga, Công cuộc mở mang lãnh thổ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1777), Luận văn Thạc sĩ Sử học, phòng Tư liệu, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế, 2007, tr.53.
[5] Trên sông Phan Lang, thuộc địa phận xã Phú Thịnh, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Ninh Thuận ngày nay [Lương Ninh, Vương quốc Chămpa, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.217]
[6] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 106.
[7] Sau khi bị bắt, vua Bà Tranh bị giam ở núi Ngọc Trản (Điện Hòn Chén - Thừa Thiên Huế ngày nay), hàng tháng được chu cấp tiền gạo và vải lụa đủ dùng [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 107].
[8] Tháng 8 năm 1693, trấn Thuận Thành được đổi thành phủ Bình Thuận. Tháng 8 năm 1694, Nguyễn Phúc Chu lại cho đổi phủ Bình Thuận trở lại làm trấn Thuận Thành [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 107, 109].
[9] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 107.
[10] Danny Wong Tze-ken, Mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và vương quốc Chămpa: bước nghiên cứu sơ khởi”, Champaka.org, đăng ngày 24-9-2007.
[11] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 107.
[12] Công cuộc mở mang lãnh thổ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1777), sđd, tr.53.
[13] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 107-108.
[14] Lệ cống gồm có: Voi đực 20 thớt, bò vàng 20 con, ngà voi 6 cái, sừng tê 10 toà, khăn vải trắng 500 bức, sáp ong 50 cân, da cá 200 tấm, cát sủi 400 thúng, chiếu tre trắng 500 lá, gỗ mun 200 cây, thuyền dài 10 chiếc [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 109].
[15] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 109.
[16] Danny Wong Tze-ken, Mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và vương quốc Chămpa: bước nghiên cứu sơ khởi”, Champaka.org, đăng ngày 24-9-2007.
[17] Tháng 3 năm 1693 [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 111].
[18] Tháng 10 năm 1714 [Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr.131].
[19] Quản lý ngân khố
[20] Đảm trách vấn đề Tư pháp
[21] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 128.
[22] Lương Ninh, Vương quốc Chămpa, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.253.
[23] Danny Wong Tze-ken, Mối quan hệ giữa chúa Nguyễn và vương quốc Chămpa: bước nghiên cứu sơ khởi”, Champaka.org, đăng ngày 24-9-2007.
[24] Từ chúa Nguyễn Phúc Chu đến thời Tây Sơn, chức vụ Phiên vương (ở địa phương gọi là Putau – vua) đều do chúa Nguyễn hoặc triều Tây Sơn phong. Đến đời vua Nguyễn, Lệ này được bãi bỏ.
[25] Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, H, tr. 128.
[26]J. Boisselier, Nghệ thuật tạc tượng Chămpa – nghiên cứu sưu tầm các đạo giáo và tiếu tượng học, Bản dịch Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, H, tr.612.
[27] Văn kiện xứ Panduranga, Hội Á Châu Paris xuất bản năm 1984, tập 6, tờ 2a.
[28] Văn kiện xứ Panduranga, Hội Á Châu Paris xuất bản năm 1984, tập 6, tờ 12.
[29] Lương Ninh, Vương quốc Chămpa, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.250.
[30] Vương quốc Chămpa, sđd, tr.224.
[31] Văn kiện xứ Panduranga cho chúng ta thấy, Thuận Thành vương phải thực thi rất nhiều lệnh do chúa Nguyễn ban xuống như:
- Lệnh của Thuận Thành vương phải phòng bị đánh lui quân Khmer xâm lấn.
- Lệnh của Khâm sai Binh Nhung quan nhắc mọi chức dịch phải giữ nguyên vị trí và không có gì phải sợ hãi.
- Lệnh gom sắt để đóng tàu chiến.
- Lệnh cấp lương cho quân doanh.
- Lệnh kiểm kê dân số và thuế ruộng đất ở Thuận Thành…[dẫn theo Vương quốc Chămpa, sđd, tr.225].
[32] Công cuộc mở mang lãnh thổ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1777), sđd, tr.60.
[33] Trừ vùng Tây Ninh và Bình Phước ngày nay.
Bình luận bài viết