Thông tin

VẤN ĐỀ PHẬT GIÁO TỔNG HỘI

TRÊN TẠP CHÍ DUY TÂM PHẬT HỌC

 

TS. NINH THỊ SINH*

 

Trên báo Duy tâm, một số tăng sĩ, và cư sĩ đã ra sức hô hào, kêu gọi các hội Phật học thực hành theo tinh thần “lục hòa”, giáo pháp “vô ngã”, bỏ “cái riêng”, vứt “cái chấp” đặng cùng nhau “hiệp nhứt”, thành lập Phật giáo Tổng hội.

Vấn đề Phật giáo Tổng hội là nội dung đầu tiên trong chương trình 10 điểm đã được sư ông Lai (chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) xướng xuất ngay từ những năm đầu thập kỷ XX khi các vị tăng sĩ và cư sĩ tiến hành vận động chấn hưng đạo Phật trên báo chí quốc ngữ. Những bài viết của sư Tâm Lai về vấn đề này lần lượt được đăng trên các báo Khai hóa nhật báo số 1654, 1655 (ngày 9 và 10 tháng 2 năm 1927). Hiện nay, các bài viết này đã được tập hợp trong cuốn Phong trào chấn hưng Phật giáo: Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 đến 1938 của hai tác giả Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh. Căn cứ vào tư liệu trong cuốn sách này chúng ta biết được những nội dung cụ thể về Phật giáo Tổng hội mà sư ông Lai đã giải thích.

Trước hết, sư ông Lai nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc thành lập Phật giáo tổng hội. Đây là bước “cần nhất” để tiến hành chấn hưng đạo Phật. Vì có lập Phật giáo tổng hội mới có đủ người và đủ kinh phí mà thực hiện các việc chấn hưng. Sau đó sư ông diễn giải cụ thể về sự tổ chức trong Phật giáo tổng hội. Đó là một hội chung cho tất cả sư tăng trong cả ba kỳ. Quản lý hội là một hội đồng quản trị, gồm có ông tổng hội trưởng, hai ông phó hộ trưởng, tổng thư ký, phó thư ký, tổng thủ quỹ, cố vấn và kiểm sát. Hội phải có một quyển điều lệ chung. Ở ba kỳ sẽ có ba chi hội lớn, đặt ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Dưới chi hội lớn là chi hội nhỏ ở các tỉnh. Tương ứng với từng cấp chi hội đều có hội đồng quản trị đứng ra để điều hành các công việc1.

Như vậy, ngay từ những ngày đầu khi tiến hành vận động chấn hưng, vấn đề thành lập Phật giáo Tổng hội đã được đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình vận động, vì nhiều lý do, nên mỗi kỳ thực hiện chấn hưng trong phạm vi và khuôn khổ riêng của mình với sự ra đời và hoạt động của các hội Phật giáo trong từng khu vực. Điều đó cũng đồng nghĩa là việc “cần thiết” nhất để tiến hành chấn hưng đạo Phật – vấn đề thành lập Phật giáo Tổng hội vẫn chỉ là dự định.

Nói như vậy để chúng ta ý thức được một điều rằng, Phật giáo Tổng hội là một vấn đề quan trọng. Vấn đề này còn được nhắc tới trên nhiều tạp chí Phật học thời bấy giờ, ở nhiều thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin được bàn về vấn đề Phật giáo Tổng hội trên tạp chí Duy tâm Phật học của Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Tại sao lại là Duy tâm? Bởi lẽ vấn đề này đã được Lưỡng Xuyên Phật học Hội “trưng cầu ý kiến” và kêu gọi liên tục trong nhiều năm, từ năm 1937 đến 1941.

Ý tưởng thành lập Phật giáo Tổng hội xuất phát từ bức thư của ông Hội trưởng Cao Miên Phật giáo hội gửi cho Hội trưởng hội Lưỡng Xuyên, đề ngày 2 tháng 8 năm 1937. Vì tầm quan trọng đặc biệt của bức thư này, nên Hội Lưỡng Xuyên có đăng nguyên văn trên tạp chí Duy tâm số 24, ra ngày 1 tháng 9 năm 1937. Trong thư ông Hội trưởng Cao Miên đề nghị các Hội Phật giáo trong nước tổ chức thành một đoàn thể thống nhất để cùng lo việc chấn hưng đạo Phật2: “Việc chấn hưng Phật học, chẳng những tăng già, cư sĩ trong một Hội cần hợp tác, mà cả thảy Hội Phật trong nước, từ Nam chí Bắc, cũng cần liên hiệp nhau, lập ra cho có hệ thống”3.

Trên tạp chí Duy tâm, Hòa thượng Huệ Quang là người đầu tiên hưởng ứng đề nghị này4. Từ năm 1937-1941, có tất cả 8 bài viết bàn về Phật giáo Tổng hội của cả tăng sĩ và cư sĩ5. Cụ thể năm 1937 tập trung số lượng bài nhiều nhất - 3 bài, năm 1938 – 2 bài, năm 1939, 1940, 1941, mỗi năm có 1 bài. Các bài viết đều tập trung vào việc phân tích lý do cũng như ý nghĩa của việc “hiệp nhứt”, thành lập Phật giáo Tổng hội. Trong đó, có hai bài đề xuất về quá trình hợp nhất và mô hình của Phật giáo Tổng hội.

Đoàn kết, hợp nhất vì mục đích chung

Các tác giả đều thống nhất một điều rằng, các Hội Phật giáo ra đời trong bối cảnh Phật giáo suy vi.Đạo Phật bị “thất chân truyền”, bị “sai lạc”. Người theo đạo chỉ ưa chuộng hình thức mà không hiểu nội dung giáo lý sâu xa của đạo Phật. Do vậy, các hội cùng chung một mục đích, tôn chỉ là chấn hưng đạo Phật, gìn giừ và phát huy “một sự nghiệp có giá trị vĩ đại”, truyền bá chủ nghĩa từ bi, bác ái, bình đẳng của Đức Phật, đem giáo lý chân chính của Phật tổ giác ngộ cho tín đồ.

Phật giáo hẳn là cao siêu huyền diệu, rất có ích lợi cho nhơn sanh, nhứt là trong buổi tinh thần suy kém, vật chất thạnh hưng này, mà phần đông tín đồ nhà Phật lại bị thất chân truyền, chỉ tôn sùng tín ngưỡng bên ngoài, không hay tham cầu yếu lý bên trong, thành ra có lắm điều sai lạc. Bởi vậy các Hội Phật, vì chủ nghĩa hoằng hóa lợi sanh, mới lần lượt ra đời, để vãng hồi, cái hủ tệ bấy lâu, được có dìu dắc những người mê tín lên đàng chánh tín”6.

Từ mục đích chung như vậy nên các Hội Phật giáo, tăng già và cư sĩ đều có một trách nhiệm chung: “Tăng già lãnh phần duy trì chánh pháp, cư sĩ lo phần ngoại hộ Phật pháp. Các hội đều có bổn phận và thiên chức huấn luyện tăng già, hoặc đào tạo tín đồ và nghiên cứu các giáo lý chánh chơn của nhà Phật. Việc chi nên chấn chỉnh, hay bài trừ, điều nào nên bảo tồn hay canh cải cho hợp thời nghi, tùy theo phong trào trình độ của quần chúng mà tuyên truyền giáo pháp7.

Mặc dù cùng chung một mục đích và tôn chỉ nhưng về đường hành động, các hội lại mâu thuẫn và sai khác nhau, thậm chí công kích nhau (trường hợp Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội và Lưỡng Xuyên) khiến cho tín đồ không biết ai phải ai đúng, theo ai và không nên theo ai. Các tác giả đã chỉ ra thực trạng chia rẽ của các hội Phật giáo. Cư sĩ D.S.H phê phán sự “rời rạc”, “không có trật tự”, “thống hệ của toàn thể” của các Hội Phật giáo. Trong khi đó, thiền sư Huệ Quang lại chỉ ra về sự “mâu thuẫn”, “sai biệt” trong hành động của các hội Phật cũng như cách giải thích khác nhau của các tờ tạp chí “tạp chí Phật học ba kỳ đều có, mà không có tờ nào đặng năm bảy ngàn độc giả, lại thêm nội dung, ý kiến không đồng : tờ này nói vầy, tờ kia nói khác, thành thử cùng chung một mục đích chấn hưng mà chỗ hành động lắm điều mâu thuẫn8.

Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở ba kỳ, có một thực tế, đó là sự tồn tại của nhiều hội Phật cũng như nhiều tạp chí Phật học. Tính đến thời điểm năm 1937, ở Trung kỳ có ít nhất hai hội là Annam Phật học hội (1932) và Đà Thành Phật học hội (1937), Hội Phật giáo ở Bắc kỳ (1934). Riêng ở Nam kỳ, các hội Phật còn nhiều hơn nữa. Theo Pascal Bourdeaux, vào thời điểm năm 1935, có 6 Hội Phật giáo được chính phủ công nhận điều lệ gồm có: 1- Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội, thành lập ngày 26-8-1931, hội quán tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Douaumont, Saigon; 2- Tịnh Độ cư sĩ Phật hội, hội quán tại chùa Hưng Long (Chợ Lớn); 3- Lưỡng Xuyên Phật học hội, hội quán tại chùa Long Phước, Trà Vinh; 4- Long Xuyên Phật giáo Lương hữu hội; 5- Tương tế Phật học hội, hội quán tại chùa Thiên Phước, Sóc Trăng; 6- Thiên Thai Thiền Giáo Tông Lương Hữu hội, tại Phước An, Bà Rịa9.

Mỗi một hội Phật giáo lại xin phép chính phủ xuất bản một tạp chí Phật học làm cơ quan ngôn luận. Chẳng hạn như Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội có Từ bi âm, Annam Phật học hội có tạp chí Viên âm, Bắc Kỳ Phật giáo hội có tạp chí Đuốc tuệ, Đà Thành Phật học hội có Tam bảo chí, Lưỡng Xuyên Phật học hội có tạp chí Duy tâm,…

Sự tồn tại nhiều hội Phật giáo và tạp chí Phật học ở ba kỳ, với những sai biệt và mâu thuẫn, theo các tác giả sẽ làm nguy hại đến sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, khiến cho việc chấn hưng sẽ không đạt được hiệu quả. Mục đích mà các Hội cùng nhau theo đuổi mãi sẽ chỉ là mộng tưởng:

Các Hội rời rạc, không có trật tự thống hệ của toàn thể, các Hội đương rủ nhau đi đến bên bờ hồ Genève để vào “bàn hội tề, Hội Quốc Liên, hầu trù tính phương pháp bảo hộ cuộc hòa bình trong…mộng… Cùng một tôn chỉ chấn hưng Phật giáo mà hành động lại sai biệt thì dầu có đem hết nhiệt tâm nhiệt lực thi thố đi nữa, rồi cũng không khỏi người ta sẽ phê bình cho là cái “lối” của chàng Don Quichotte10.

Chính từ những lý do nêu trên, nên Duy tâm cùng một số tăng sĩ, và cư sĩ đã ra sức hô hào, kêu gọi các hội Phật học thực hành theo tinh thần “lục hòa”, giáo pháp “vô ngã”, bỏ “cái riêng”, vứt “cái chấp” đặng cùng nhau “hiệp nhứt”, thành lập Phật giáo Tổng hội.

Phật giáo Tổng hội được thực hiện sẽ mang lại ý nghĩa to lớn. Trước hết sự nghiệp chấn hưng đạo Phật “sẽ có quy mô rộng rãi, một nền tài chính dồi dào”, sau đó sẽ “mở mang nông nghiệp, thương mãi cơ sở cho người xuất gia tùy phương sinh hoạt”. Đặc biệt, Thái Không nhấn mạnh đến vai trò của đạo Phật trong xã hội và trong việc bảo tồn giá trị văn hóa: “Xướng xuất vấn đề Phật giáo Tổng hội, cốt để đam Phật giáo về mặt thật tế, nâng đỡ Phật giáo lên một địa vị tối cao, giữ gìn sự nghiệp của tổ tiên cho bền vửng và rực rỡ trong cõi đời văn hóa; cho quốc dân thấy rõ chỗ lợi ích của Phật giáo, cho nhân loại chung hưởng cái hạnh phúc Phật đà; hay nói một cách khác, cho Tăng già biết đến cái nghĩa vụ xuất già của mình”11.

Để cổ động việc thành lập Phật giáo Tổng hội, các tác giả còn chỉ ra rằng việc “hiệp nhứt” là phù hợp với quy luật “chia rẽ thì yếu không bao giờ làm được việc gì hay”, phù hợp với các trào lưu xã hội hiện thời “…ngày nay phong trào của xã hội đã lan rộng, đã lôi cuốn các dân tộc ở trên mặt địa cầu, người ta tự biết không lẽ sống lẻ loi trơ trọi”. Vả lại, sự thống nhấtPhật giáo không phải là chưa từng tồn tại. Ông Hội trưởng Hội Phật giáo Cao Miên đã chỉ ra những ví dụ rất điển hình về sự tổ chức Phật giáo tại Cao Miên và Ai Lao:

“Quý ngài cũng đã rõ : Phật giáo ở xứ Cao Miên và Ai Lao có hai điều đáng cho ta chủ ý: 1- Trật tự tăng già ; 2- Diễn dịch kinh luật. Về trật tự tăng già thì thật hẳn hoi, thứ tự. Trên thì có vua Sãi được triều đình kính phong, đủ quyền chưỡng giáo toàn quốc, dưới lại được tín đồ khâm phục tôn sùng…”. Về vai trò và địa vị của ông vua Sãi chúng ta có thể thấy rõ hơn khi đọc bài “Chúng tôi đi Cao Miên” của sư Thái Hòa (Hội Phật giáo Bắc Kỳ) vào cuối năm 1938 đầu năm 1939. Bài viết là những ghi chép cụ thể về tình hình Phật giáo Cao Miên mà Thái Hòa đã được tận mắt chứng kiến nhân dịp nhà sư được Hội Phật giáo Bắc Kỳ cử đi tham học kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pâli tại Cao Miên: “…Đối với quốc dân Cao Miên, tăng chúng chiếm một địa vị cao nhất, họ thực hành câu Phật quá khứ, Tăng hiện tại, hiện nay vẫn có một ông vua Sãi, dù cho nhà vua muốn cất một ngôi chùa mới, bắt làm lại một ngôi chùa cũ, cũng phải xin phép ông vua Sãi12.

Từ những sự phân tích cụ thể ở trên, rõ ràng đề nghị thành lập Phật giáo Tổng hội là sự thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa các hội Phật giáo ở cả ba kỳ, nhằm mang lại cho đạo Phật một tổ chức rộng rãi, tổ chức đạo Phật thành một tôn giáo có trật tự, có thống hệ. Vậy việc “hiệp nhứt” các hội cần tiến hành ra sao và mô hình nào cho Phật giáo tổng hội.

Mô hình nào cho Phật giáo Tổng hội?

Trên Duy tâm, chúng tôi thấy có hai bài viết đề cập đến vấn đề này. Thứ nhất là bài viết của Hòa thượng Huệ Quang, Chủ nhiệm tạp chí Duy tâm và cư sĩ Tự Giác, ở Trung kỳ13. Trong khi Hòa thượng Huệ Quang bàn về cách thức hợp nhất thì Tự Giác lại đưa ra mô hình tổ chức cho Phật giáo Tổng hội.

Theo Hòa thượng Huệ Quang quá trình thống nhất này, theo ngài gồm có hai phần: thống nhất tạp chí và thống nhất về mặt tổ chức. Đối với tạp chí thì “Các tạp chí Phật học nên thương lượng cùng nhau cho đồng ý kiến, rồi nhiệt liệt cổ động, chọn ngày nhóm lâm thời”. Riêng về mặt tổ chức, quá trình này phải trải qua hai bước: thứ nhất là thống nhất các hội trong từng kỳ, sau đó là thống nhất trên cả ba kỳ. Các Hội Nam kỳ thì nhóm tại Nam kỳ, Trung kỳ nhóm tại Trung kỳ, Bắc Kỳ nhóm tại Bắc Kỳ. Sau đó mỗi hội cử hai đại biểu, một tăng sĩ và một vị cư sĩ để tham dự hội nghị thương thuyết thành lập Phật học Tổng hội, tại Trung kỳ. Theo thiền sư, Phật học Tổng hội sẽ có 6 ban chính, gồm Ban Kiểm duyệt phụ trách việc kiểm duyệt các kinh, luật, luận; Ban Đạo sư Giáo dục phụ trách việc học tập của chư tăng ; Ban Luật sư để đi kiểm soát các hội, các chùa…; Ban Giảng sư phụ trách việc thuyết pháp; Ban Hộ pháp gồm những người có địa vị và thế lực để phụ trách việc giao thiệp với chính phủ và triều đình ; Ban Thanh tra chăm lo các việc về tài chính, đạo đức các sư, các viên chức. Cụ thể:

“1- Công cử một ban kiểm duyệt, Ban này chọn trong các hội những tăng già cư sĩ, học vấn uyên thâm, cử lên để kiểm duyệt các kinh, luật, luận, trước khi xuất bản, và các kinh, luật, luận bấy lâu đã dịch thành quốc âm lưu hành trong xứ, nên đem ra công lãm phê bình cho đúng với tinh thần Phật lý.

2- Công cử một ban đạo sư Giáo dục: a) để chỉnh đốn các giáo viên, Pháp sư, và chứng kiến cho cắp bằng để dạy các trường Thích học và thuyết pháp. b) Thảo chương trình giáo dục ban bố công đồng cho các trường Thích học, Đại học, Trung học, Tiểu học, trường nào mấy năm dạy kinh luật chi. c) xuất bản Phật Học Giáo Khoa để dùng trong các trường Đại – Trung, Tiểu và các chùa.

3- Cử một ban luật sư đi kiểm soát các Hội, các chùa, những đạo tràng; Kiết đan, truyền giải, Kiết hạ, gia giáo, xuất gia, thế độ, thọ giải, xã giải.

4- Cử một ban giảng sư để đi thuyết pháp các Hạt, các Hội, hay những chỗ có việc thỉnh cầu, Giảng sư phải rèn tập chuyên môn diễn giảng.

5- Cử một ban hộ pháp. Ban này lựa trong quan trường những hạng có tâm từ bi chân chính đối với Phật pháp hầu để trực tiếp với Triều đình Chính phủ; mong nhờ ơn đức Lưỡng triều chiếu cố, mới có thể đạt đến cái mục đích chấn hưng Phật học của nước nhà, và bày tỏ những việc bất minh, ám muội của kẻ ký sanh lợi dưỡng; hoặc mượn Phật pháp làm danh; hoặc dựa chủ nghĩa từ bi mà thủ lợi, hoặc giả danh sư tăng truyền bá những việc dị đoan, mượn Tông giáo làm quốc sự quấy rối cuộc trị an; mà bấy lâu những hành chân chính Phật giáo đồ hằng chịu lây cái ảnh hưởng.

6- Cử một ban Thanh tra. Ban này phải có cư sĩ hiệp với Tăng già để đi kiểm soát, đăng quyền kiểm soát tài chính, tánh đức, các sư các viên chức của các chùa các hội thuộc về dưới quyền tổng hội, và chùa nào bị những kẻ không đạo đức cường quyền áp chế xâm tổn Tam bảo thường trụ, hoặc chùa nào có đơn kêu nài việc bất bình xảy ra, thì ban kiểm soát đến tận nơi mà quan sát cho chu đáo, rồi sẽ lấy lượng hùng lực từ bi mà thương thiết, tổn phí ấy các Hội phải cùng nhau chung chịu. Thế mới đặng kỷ tha lưỡng lợi, chủ nghĩa từ bi lưỡng lợi của Phật đà, mới sáng suốt chói vọi nơi Phật sử”14.

Trên đây là những nét đại lược, ngoài ra còn nhiều việc cần bàn sau khi hợp nhất như pháp phục của chư tăng ni, việc trai đàn, việc thờ phụng…

Nhìn chung, cách thức mà thiền sư Huệ Quang đưa ra thể hiện rõ tinh thần “nóng lòng vì đạo”. Do vậy, thiếu tính cụ thể và rõ ràng. Ngay sau bài viết của Huệ Quang, Lưỡng Xuyên đã tiên phong trong việc mời đại biểu các hội Phật giáo ở Nam kỳ và Cao Miên tham dự Đại hội, dự kiến tổ chức trong ba ngày từ ngày 15-17/3/1938, tại chùa hội quán Lưỡng Xuyên. Mục đích của việc nhóm họp này là để “bàn về Phật học Tổng hội hợp nhứt, về phương diện tinh thần Phật pháp”. Tuy nhiên, nội dung cụ thể của buổi Đại hội này lại bàn về 3 vấn đề cụ thể gồm vấn đề Thích Học đường, bộ biên tập dịch kinh và vấn đề Phật học tạp chí:

“1- Thích Học Đường: a. Nhứt định vị trí tại chỗ nào cho thuận tiện đi lại, đặng các Hội gửi học sanh đến học; b. Tổ chức ban giáo dục; c. Về việc học phí; 2- Tổ chức bộ biên tập dịch kinh; 3- Phật học tạp chí: sắp đặt tôn chỉ nhứt luật, để trao đổi ý kiến cho dung hộp nhau, mới tránh khỏi lối xung đột bút chiến lôi thôi trên đường ngôn luận”15.

Thiết nghĩ ba vấn đề này là những vấn đề cụ thể, chỉ nên bàn sau khi đã hợp nhất thành công.

Trái với hòa thượng Huệ Quang, cư sĩ Tự Giác, đến từ Trung kỳ, một người nhiệt thành với vấn đề Phật học Tổng hội “sáu bảy năm nay” đã đưa ra một mô hình về Phật giáo Tổng hội. Bài “Phật giáo Tổng hội” của Tự Giác đăng trên Duy Tâm số 3316, cho chúng ta thấy mô hình mà cư sĩ đưa ra có hai cấp rõ rệt, gồm Tổng hội và Tỉnh hội. Tổng hội do một vị Pháp chủ đứng đầu. Vị Pháp chủ này chính là “Đức Giáo Hoàng bổn quốc”. Tự Giác đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của vị Pháp chủ “có người làm Pháp chủ (Đức Giáo Hoàng bổn quốc) có tôn ti thượng hạ, có luật có lịnh thì mới có hưng có thịnh, có tiến có hóa được”. Tổng hội phải có một bản Điều lệ chung và Giáo luật để tất cả các tỉnh hội phải tuân theo. Bản Điều lệ ấy do Ban thường trực cùng với Đại biểu của các tỉnh hội soạn thảo và thông qua trong kỳ hội nghị Tổng hội. Ban Thường trực gồm 6 vị, trong đó có 3 vị đại sư đại diện cho Pháp môn, do Pháp môn cử ra và 3 vị cựu học, tây học, ngoại ngữ học. Ban thường trực đặt ở thành phố nào mà thuân lợi cho việc khảo cứu và in báo. Các tỉnh hội căn cứ vào Điều lệ và Giáo luật sẽ soạn thảo ra những bản quy tắc riêng (règlements intérieurs). Bản quy tắc riêng này trước khi thi hành phải được sự duyệt y của Tổng hội.

Tổng hội cũng có một Ban quản trị do ông Hội trưởng đứng đầu. Ông Hội trưởng phải biết dựa vào 5 loại hội viên để lo các việc hành chính.

Về hội viên, Tự Giác kể ra 5 loại gồm có danh dự hội viên, ân nghĩa hội viên, vĩnh viễn hội viên, tán trợ hội viên, chân chánh hội viên. Trong số 5 loại hộiviên này thì 4 loại đầu sẽ giúp cho hội các việc về tài chính, về ngoại giao… Chân chính hội viên có vai trò quan trọng nhất. Họ là rường cột của hội, gồm các vị đã thệ nguyện tu và hành, dù xuất gia hay cư sĩ, các vị này sẽ làm lễ cho hội, làm lễ cho hội viên.

Về tỉnh hội, theo Tự Giác, bất kỳ hội nào, dù là Phật giáo, Lão giáo hay Khổng giáo nếu tán thành Điều lệ của Tổng hội, đều có thể trở thành chi cuộc của Tổng hội. Do vậy, ở cấp tỉnh, một tỉnh có thể có ba chi hội về Tam giáo khác nhau.

Về các hoạt động cụ thể của Tỉnh hội, cần phải căn cứ vào chương trình kỷ luật của Tổng hội để soạn kinh soạn sách, đào tạo hội viên đủ trí, đức, học trò mạnh giỏi… Tùy theo sức của Tỉnh hội có thể mở trường học chữ, học đạo, học nghề, các việc cứu tế; chấn chỉnh việc cúng tế, bỏ các lối tạp nhạp, mê tín, dị đoan; diễn thuyết, giảng kinh.

Không chỉ dừng ở mộng tưởng Phật giáo Tổng hội, Tự Giác còn mong một ngày nào đó Phật giáo Việt Nam có “mặt ở trong Phật giáo Thế giới Hội”. Để thực hiện được điều này thì cần phải tổ chức công cuộc “khai hóa” theo từng phái. Chẳng hạn như phái Ấu học, tổ chức theo lối Hướng đạo sinh đủ tài đủ trí, làm việc thiện việc nghĩa; Phái Trung học để hộ pháp lo về muôn việc trong thế gian; Phái Đại học gồm các bậc thượng sư để đưa đường chỉ lối nêu cao trình độ tôn giáo nước nhà.

Cuối cùng, cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề Phật giáo Tổng hội có thu được kết quả hay không? Chúng tôi xin mượn lời của Thái Không để trả lời câu hỏi này:

“Anh linh của báo Tiến Hóa! Ngày sắp từ giã cõi đời, song cũng còn cố sức chống trả với thần chết, nứt lên một tiếng cúi cùng để trăng trối với Tăng lữ Việt Nam! Nhưng mà tăng lữ Việt Nam - đúng hơn là Tăng già Nam kỳ - vẫn là… vẫn là… không động lòng! Than ôi!

Báo Duy tâm đã lạc giọng, đã đuối sức, tiếng nói đã khao, chót lưỡi đã đớ, thế mà cũng cương quyết đánh tan bao nhiêu sự mệt nhọc nặng nề, để kêu gào Tăng lữ Việt Nam, để yêu cầu khuyên thỉnh đám người con Phật; Nhưng cũng hỡi ôi! Niềm bạn đồng thuyền, nghĩa người đồng hội, nào mấy ai đâu!”17.

Rõ ràng, việc thành lập Phật giáo Tổng hội rất cần thiết và quan trọng đối với sự nghiệp chấn hưng đạo Phật nói riêng và đối với tiền đồ Phật giáo nói chung. Nhưng đó không phải là một vấn đề đơn giản, không thể nóng vội và nó chịu sự chi phối của nhiều nhân tố. Thực tế lịch sử đạo Phật đã chứng minh, kể từ thời điểm xướng xuất vấn đề Phật giáo Tổng hội cho đến khi Phật giáo Việt Nam thực sự được thống nhất trong một tổ chức, chúng ta đã mất hơn nửa thế kỷ.

 


* Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội II.

1. Xem “Sư ông Lai, Vấn đề chấn hưng Phật giáo, Khai hóa nhật báo số 1655, ngày 10-2-1927 trong sách Phong trào chấn hưng Phật giáo : Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 đến 1938, tr. 58-63 của hai tác giả Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh”.

2. Cao Miên Phật giáo hội của người Việt tại Cao Miên, thành lập vào năm 1935, do ông Trần Văn Phép, một viên chức trong nền hành chính của chính phủ bảo hộ, quê quán ở Nam kỳ làm Hội trưởng. Hội quán của hội đặt tại chùa Sùng Phước, Phnom pênh.

3. Bức thư của Hội Phật giáo Nam Vang, Duy tâm, số 24, 1-9-1937, tr. 689.

4. Thích Huệ Quang, Vấn đề Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 25, 1-10-1937, tr. 37-40.

5. Ban Trị sự Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 28, tháng 1 và tháng 2 năm 1938, tr. 153-155 ; D.S.H, Cảm tưởng của tôi sau khi đọc bài Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 28, tháng 1 và tháng 2 năm 1938, tr. 156-159; Duy Tâm, Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 32, 1938, tr. 336-342; Tự Giác, Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 33, tháng 10 năm 1938, tr.378-382; Duy Tâm, Bàn về Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 37, tháng 5-6 năm 1939, tr. 1-4; Duy Tâm, Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 40, tháng 6 năm 1940, tr. 152-157; Thái Không, Nhắc lại vấn đề Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 43, 1941, tr.247-251.

6. Bức thư của Hội Phật giáo Nam Vang, Duy tâm, số 24, 1/9/1937, tr. 688.

7. Nt, tr. 689.

8. Thích Huệ Quang, Vấn đề Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 25, 1/10/1937, tr. 38.

9. Pascal Bourdeaux, Émergence et constitution de la communauté du Bouddhisme Hòa Hảo: Contribution à l’histoire sociale du delta du Mékong, 1935-1955, Luận án Tiến sĩ, Lịch sử, 2003, Trường Cao học Thực hành, Pari, Pháp.

10. D.S.H, Cảm tưởng của tôi sau khi đọc bài Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 28, tháng 1 và tháng 2 năm 1938, tr.157-158.

11. Thái Không, Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 43, 1941, tr. 218.

12. Thái Hòa, Chúng tôi đi Cao Miên, Đuốc tuệ, số 103, ngày 15-2-1939, tr. 14-15.

13. Thích Huệ Quang, Vấn đề Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 25, 1-10-1937, tr. 37-40; Tự Giác, Phật giáo Tổng hội,Duy tâm, số 33, tháng 10 năm 1938, tr. 378-382.

14. Thích Huệ Quang, Vấn đề Phật học tổng hội, Duy tâm, số 25, ngày 1-10-1937, tr. 38-40.

15. Ban Trị sự Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Phật học Tổng hội, Duy tâm, số 28, tháng 1 và 2 năm 1938, tr. 155.

16. Tự Giác, Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 33, tháng 10 năm 1938, tr. 378-382.

17. Thái Không, Phật giáo Tổng hội, Duy tâm, số 43, 1941, tr. 217.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6115528