VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH ÂM ĐỌC CHỮ HÁN
NGUYỄN HẢI HOÀNH
Chữ Hán ở thời xưa do chưa được tiêu chuẩn hoá, chưa được thống nhất trong phạm vi cả nước, cho nên đụng vào chỗ nào cũng thấy phức tạp rắc rối, rất khó học khó dùng. Nhìn chung chữ Hán có đặc điểm số lượng chữ quá nhiều, kết cấu chữ phức tạp, lại thiếu hệ thống biểu âm hoàn chỉnh.
Ngôn ngữ học thời nay có nhiệm vụ thực hiện tiêu chuẩn hoá chữ Hán trên nhiều mặt. Người Trung Quốc gọi đó là nhiệm vụ “Bốn xác định (Tứ định)”, gồm Định hình (ấn định tự hình chuẩn của chữ Hán), Định lượng (ấn định số lượng chữ cần dùng), Định âm (ấn định âm đọc của chữ), Định tự (ấn định thứ tự sắp xếp chữ, ví dụ chữ trong tự điển).
Bài này bàn vấn đề định âm. Từ “định âm” tương ứng từ tiếng Anh “accordatura” có nghĩa chung là xác định/cố định âm của nhạc cụ, ví dụ lên dây đàn violon. Trong bài, “định âm” được hiểu là xác định âm đọc tiêu chuẩn của chữ Hán.
Chữ Hán là chữ biểu ý (ideograph), chữ viết không có quan hệ với âm đọc, nhìn chữ không thể tự đọc âm của chữ. Muốn đọc được chữ Hán thì phải được thầy dạy đọc. Nhưng vì Hán ngữ thời trước không có hệ thống biểu âm, tức không có các ký hiệu biểu thị âm đọc chữ Hán nên trong cả nước Trung Quốc chưa thống nhất được tiếng nói, cũng tức là chưa thống nhất được âm đọc chữ Hán (năm 2020 mới có 80% dân Trung Quốc nói tiếng Phổ thông, thứ tiếng thống nhất toàn quốc). Nhiều người vẫn đọc chữ Hán theo tiếng địa phương (phương ngữ) họ quen dùng, hoặc đọc tiếng Phổ thông chưa chính xác, vì thế thầy dạy cũng có thể đọc sai âm. Cũng vì thời xưa chưa có hệ thống ký hiệu biểu âm chữ Hán nên các tự điển chữ Hán không có cách ghi chú được âm đọc chữ, nghĩa là không thể tra tự điển mà biết âm đọc chữ Hán.
Nhìn chung, người Trung Quốc dù đã biết chữ nhưng vẫn có thể gặp không ít chữ Hán họ chưa biết nên đọc thế nào. Ngay cả Quách Mạt Nhược, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc, được cho là người biết nhiều chữ Hán nhất, có lần than phiền: Đọc sách báo thường gặp những chữ chẳng biết phát âm ra sao.
Tóm lại, vấn đề âm đọc của Hán ngữ rất phức tạp, gây khó cho người học và dùng chữ Hán. Nhiều chữ/từ không biết nên đọc thế nào. Có âm thời xưa, âm thời nay, có âm phương ngữ lại có âm tiếng Phổ thông. Ngoài ra, còn có vấn đề chữ đa âm (một chữ nhiều âm) và chữ đồng âm (nhiều chữ chung một âm).
Để giải quyết các vấn đề trên, phải xác định được âm đọc chuẩn (âm đọc quy phạm) của chữ Hán, thực hiện mỗi chữ có một hoặc một số âm xác định. Dĩ nhiên, phải lấy ngữ âm Bắc Kinh làm âm tiêu chuẩn, bởi lẽ Trung Quốc có hàng trăm phương ngữ khác nhau, người nói phương ngữ này thì không nghe hiểu phương ngữ khác.
Vấn đề chữ đọc khác (chữ dị độc)
Đầu tiên phải xử lý vấn đề chữ dị độc 异 读 字. Ở đây, dị độc nghĩa là đọc khác (variant pronunciation), được hiểu là đọc khác với âm Bắc Kinh hiện nay. Chữ dị độc là một chữ cùng nghĩa (không đa nghĩa, ý nghĩa không biến đổi) mà có nhiều âm đọc khác nhau; và Từ dị độc 异 读 词, tức một từ cùng nghĩa mà nhiều âm đọc khác nhau.
Do nhiều nguyên nhân lịch sử, Hán ngữ có rất nhiều chữ/từ dị độc. Nếu không tìm cách giảm số chữ/từ dị độc này thì sẽ gặp rất nhiều rối loạn về cách đọc chữ Hán.
Nguyên tắc xử lý thứ nhất là loại bỏ mọi âm đọc khác với âm Bắc Kinh hiện nay, cụ thể là khi làm lại tự điển, sẽ không ghi các âm đọc khác âm Bắc Kinh ấy nữa. Ví dụ, chữ 指, trong 指 甲 (móng tay) đọc zhi, trong 手 指 (ngón tay) lại đọc zhǐ; nay quy định chỉ đọc âm zhǐ, tức âm Bắc Kinh. Hoặc chữ 波 có 2 âm là bo và po; nay chỉ đọc bo… 肋 骨 xưa có 2 âm lèigǔ và lègǔ, nay chỉ đọc lèigǔ; 硕 士 nay chỉ đọc một âm shuòshì, bỏ âm shíshì.
Nguyên tắc xử lý thứ hai là nếu chữ/từ nào có 2 âm đọc khác nhau, một là âm dùng khi đọc sách và một là âm khẩu ngữ, thì loại bỏ âm khẩu ngữ, chỉ đọc âm đọc sách. Như chữ 避có âm đọc sách là bì, âm khẩu ngữ là bèi, nay chỉ giữ lại âm bì.
Nguyên tắc xử lý thứ ba: Trong một từ đơn âm hoặc phức âm, nếu một từ tố nào đó có vài âm đọc (có thể là âm đọc sách hoặc âm khẩu ngữ) mà các âm đó đều rất phổ biến trong tiếng Bắc Kinh, thì sẽ tham khảo các phương ngữ miền Bắc khác và tham khảo quy luật diễn biến âm thời xưa, âm thời nay, qua đó chọn lấy âm nào tương hợp với các phương ngữ miền Bắc khác và với quy luật diễn biến cổ/kim âm làm âm tiêu chuẩn. Ví dụ 耕 chỉ đọc geng, không đọc jing; 粽 子đọc zòngzi, không đọc zhòngzi.
Ngoài ra, còn vài nguyên tắc xử lý nhỏ nữa, ở đây không trình bày vì quá dài.
Năm 1956, Viện Khoa học Trung Quốc lập Ủy ban Thẩm âm tiếng Phổ thông, để thẩm định âm đọc các từ dị độc. Năm 1963, Ủy ban này xuất bản “Sơ cảo Tổng biểu 3 lần Thẩm âm từ dị độc tiếng Phổ thông”, quy định âm đọc tiêu chuẩn của hơn 1.800 từ dị độc (trong đó có hơn 920 chữ dị độc) và 180 địa danh.
Nguyên tắc thẩm âm: coi từ là đối tượng, không coi chữ là đối tượng thẩm âm. Như chữ 率có 2 âm là lǜ và shuài, trong từ 效 率 chữ này chỉ đọc lǜ , nhưng trong từ 率 领 lại chỉ đọc shuài, cho nên 2 âm đọc khác nhau của 率 trong 效 率và trong 率 领thì không coi là đối tượng thẩm âm, tức không bị bỏ đi.
Tháng 6/1982, Trung Quốc tái lập Ủy ban Thẩm âm tiếng Phổ thông, tiến hành sửa đổi “Sơ cảo” nói trên. Năm 1985 hoàn thành. Ngày 27/12/1985 công bố “Thông tri về Biểu Thẩm âm từ dị độc tiếng Phổ thông”. Một số âm đọc đã xác định trong “Sơ cảo” nay được sửa. Ví dụ từ 呆 板 áibǎn, nay âm đọc 呆 sửa là dai. Từ 从 容 congróng, nay âm đọc从sửa là cóng v.v...
Rõ ràng, với việc ấn định âm đọc chữ Hán, một số âm đọc trong quá khứ sẽ dần dần mất đi mãi mãi. Điều đó, tuy giúp làm cho chữ Hán chuẩn hoá, nhưng cũng gây khó khăn khi đọc các văn bản thời trước. Khi ấy lại phải dùng các tự điển thời trước.
Tuy vậy, hiện hãy còn tồn tại một số chữ dị độc, như 谁 shéi, shuí; 这 zhè, zhèi; 血 xě, xuè… Trong tương lai, ngôn ngữ học Trung Quốc còn phải tiếp tục giải quyết tồn tại này.
Vấn đề chữ đa âm đa nghĩa
Mới đây, chúng tôi đọc báo, gặp hai chữ苗 圩 là họ tên của ông Bộ trưởng Bộ Công nghệ Tin học Trung Quốc, phải tra tự điển mới biết chữ 圩 cóhai âm đọc là[xu] và[wéi], thế nhưng vẫn chưa biết nên đọc âm nào? Lại phải tra công cụ Google mới biết chữ này đọc là [wéi]. Thật rắc rối.
Đó là do không ít chữ Hán có đặc điểm: Cùng một chữ nhưng có nhiều âm đọc khác nhau và do đó có nhiều nghĩa khác nhau. Loại chữ này gọi là Chữ đa âm đa nghĩa (polyphonic and polysemous), sau đây gọi tắt là chữ đa âm. Những chữ không biết nên đọc thế nào ấy lại rất nhiều, chiếm khoảng 10% tổng số chữ Hán thường dùng.
Chữ đa âm đa nghĩa làm cho việc dịch tiếng Trung Quốc trở nên rất khó, dễ sai sót, nhất là khi dịch miệng rất dễ bế tắc, vì lúc ấy lấy đâu ra máy tính và internet để tra cứu?
Đa âm đa nghĩa là một nhược điểm lớn làm cho tiếng Trung Quốc kém chính xác, khó phổ cập, khó quốc tế hóa. Nhược điểm này làm đau đầu người Trung Quốc suốt 3.300 năm nay, nhưng họ chẳng thể sửa được, bởi lẽ bản chất chữ Hán là chữ biểu ý, không biểu âm.
Thống kê của nhà ngôn ngữ học Châu Hữu Quang cho biết: “Tân Hoa tự điển” bản in 1971 có734 chữ đa âm, chiếm 10% tổng số chữ Hán trong tự điển. Nhà ngôn ngữ học Lý Như Long cho rằng nếu thống kê đầy đủ thì trong 8.000 chữ Hán của Tân Hoa tự điển có tới trên 1.000 chữ đa âm (trên 12,5%).
Trong 2.000 chữ thường dùng để xoá nạn mù chữ ở Trung Quốc, có 334 chữ đa âm, chiếm 17% - một tỷ lệ quá cao, gây khó khăn lớn cho người học chữ Hán.
Từ điển lớn nhất Trung Quốc là “Từ Hải”, bản in năm 2019 tập hợp hơn 18 nghìn đơn tự, trong đó có 2.641 chữ đa âm, cụ thể gồm: 2.112 chữ hai âm, 422 chữ ba âm, 81 chữ bốn âm, 18 chữ năm âm, 7 chữ sáu âm, 1 chữ tám âm (chữ 那).
Trong “Tân Hoa tự điển”, điển hình nhất là chữ 和 có nhiều âm đọc hơn cả: 5 âm. Nói chung, nhiều người chỉ biết hai âm đọc đầu tiên.
Âm đọc thường dùng nhất, phổ biến nhất là âm [hé], âm Hán-Việt là“hòa”, có nghĩa là “và” (quan hệ ngang bằng nhau), ví dụ, “bạn và tôi” 你 和 我, một nghĩa nữa là “hòa bình, hòa dịu”, ví dụ, “dĩ hoà vi quý 以 和 为 贵”.
Âm đọc thứ hai của 和 là[huo], âm Hán-Việt là“hoà”, không có ý nghĩa thực tế, thường đi sau động từ hoặc hình dung từ để biểu thị một trạng thái, ví dụ 暖 和 (ấm áp), 搅 和 (chen lẫn, hòa lẫn).
Âm đọc thứ ba là [hè], âm Hán-Việt là “họa”, là một động từ, nghĩa: họa theo, phụ họa (hành động bắt chước hoặc làm theo người khác). Ví dụ, “tùy thanh phụ họa 随 声 附 和”: sau khi người A nói một câu gì đó, người B nhắc lại câu ấy, tỏ ý tán thành. Hoặc “họa thi 和 诗 tức “họa thơ” hoặc “thơ xướng họa”.
Âm đọc thứ tư là [huó], âm Hán-Việt là“hòa”, rất hiếm gặp (thường đọc nhầm là [huò]), nhiều người không biết âm này, nghĩa là “trộn, nhào”, vídụ 和 面 là “nhào bột mì”. Âm đọc này còn có một cách dùng đặc biệt, ví dụ和 丸 “hòa hoàn” là mẹ dạy con chăm học.
Âm đọc thứ năm là [hú], âm Hán-Việt là“hòa”, nghĩa là“ù”: từ chuyên dùng, thể hiện sự thắng một ván tổ tôm hoặc ván bài 打 麻 将 或 斗 纸 牌.
Mời các bạn đã học chữ Hán đọc thử câu này sẽ thấy đa âm đa nghĩa là một tử huyệt của chữ Hán: 小 孩 子 又 尿 了 一 泡 尿 (Thằng bé lại tè ra một bãi nước tiểu). Có lẽ chẳng mấy ai đọc được đúng âm của câu này nếu không tra tự điển.
Nhiều ngôn ngữ khác cũng có tình trạng đa nghĩa, riêng chữ Hán có thêm tình trạng đa âm. Đây là một tai họa. Có nhiều cách giải thích vì sao chữ Hán lại có tai họa này. Các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra một số cách tinh giản chữ đa âm, nhưng họ đều kết luận là không thể nào khử được hết nạn đa âm trong chữ Hán. Trên thực tế, các tự điển chữ Hán bản mới nhất vẫn có những chữ đa âm, chưa thấy giảm được mấy. Và vì thế, chữ Hán vẫn có nhược điểm tù mù, kém chính xác, gây khó cho người học và dùng chữ Hán.
Bình luận bài viết