Thông tin

VĂN HÓA GIẢI THOÁT

VĂN HÓA GIẢI THOÁT

TS. HOÀNG VĂN LỄ

 

Khái niệm về văn hóa nói chung, chỉ ra tất cả những sáng tạo của con người, là những gì trong tự nhiên không có. Tuy vậy, trong từng nét văn hóa, nếp sống, lối sống và lẽ sống là biểu hiện văn hóa gắn với sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Có người thích ăn (ăn nhiều, ăn ngon) nên sành ăn là một điệu nghệ, tất nhiên ở người có của cải; có người thích mặc (thời trang đa dạng); có người chạy theo yêu đương (những mối tình lã lướt, thi vị) hoặc tính dục; có người thích lang bạt, ngược lại có người thích nhà cao cửa rộng; có người ham học bất chấp cái nghèo, cái đói đe dọa v.v.. Cái yêu thích đó nếu không làm hại ai, đúng sức mình, gắn bó hợp lý và đạo lý với mọi người trong cộng đồng coi như không có gì phải bàn, trừ khi ta bàn về văn hóa giải thoát sống như Đức Phật hoặc sống theo lời dạy của Ngài.

Một lối sống đang làm tha hóa con người, không chỉ vượt lên trên các loại yêu thích theo bản năng sinh tồn nêu trên, mà vượt nhu cầu hưởng thụ quá sức tạo dựng của chính mình, quá mức mặt bằng chung của cộng đồng, cố len vào tầng lớp “quí tộc thời đại”. Đó là lối sống chạy theo dục vọng, văn hóa dục vọng lôi kéo, tha hóa con người và cộng đồng. Để thỏa mãn nhu cầu vật chất theo lối sống dục vọng, nó gần như không có điểm dừng (cứ muốn giàu thêm mãi, ăn - mặc - ở đến mức cầu kỳ tốn kém, hoang phí của cải xã hội, bất chấp xung quanh còn nhiều người đói khổ, tật nguyền…). Trả giá cho nhu cầu vượt chuẩn, họ phải làm lụng cật lực theo một chu kỳ lao động chặt chẽ, từng phút, từng giờ trong ngày; theo lịch tuần, lịch tháng, quí, năm. Bấy giờ con người như một bộ phận của guồng máy xã hội. Và khi gặp bất trắc (khó tránh khỏi), dao động từ nhỏ đến lớn dẫn đến bế tắc, bi quan; có người bức xúc tự tử. Tuy vậy người ta cứ lao vào và coi đó là đẳng cấp cần đạt và phải đạt cho bằng được, dù bất cứ giá nào. Xã hội vì thế hỗn loạn từng cơn, khủng hoảng theo chu kỳ, theo nhịp xung đột nảy sinh trong quá trình cạnh tranh khốc liệt mạnh được yếu thua. Nhìn vào độ hào nhoáng của xã hội, tưởng rằng vinh quang và hạnh phúc, thực chất người giàu cũng khổ có khi còn bức xúc hơn cả người nghèo, vì nổi khổ từ cái tâm nhiều hơn và lớn hơn từ cái thân xác.

Trước bế tắc của lối sống dục vọng, người trí đi tìm lối sống giải thoát khổ đau, văn hóa giải thoát được nhận ra, đó là lối sống của Đức Phật và sống theo lời dạy của Ngài.

Hơn 45 năm tại thế, Đức Phật truyền giảng bằng nhiều phương thức khác nhau, để lại hàng trăm ngàn bài thoại được các Đại sư nhiều lần kết tập thành hàng trăm ngàn bản kinh để chỉ dạy con người về con đường giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử, luân hồi. Tu tập theo Ngài là cả một quá trình lâu dài (trải qua nhiều kiếp người), song đã được làm người, cái cỗ máy kỳ diệu làm thành thân xác con người là ta đã có một năng lực tuyệt vời để tự mình có thể vượt cạn lên bờ giác ngộ. Đó là tiềm năng mà Đức Phật gọi là Phật tánh, Ngài dạy rằng: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”, một Bổn sư điều ngự trí tuệ siêu phàm lại bình đẳng khôn cùng với hàng chúng sinh còn chưa dễ dàng hiểu thấu nhiều ẩn dụ thâm thúy của Ngài.

Phải chăng Ngài đã chỉ ra lẽ “vô thường”, rất là tất yếu, không khó diễn giải vì ai cũng biết các pháp (chỉ sự vật, hiện tượng, quá trình) luôn thay đổi, biến đổi, chuyển đổi; nhưng người phàm tục cứ muốn giữ yên, sợ mất đi, lo tai ương, họa biến. Rồi tai ương đến, hoảng hốt, đau xót; nỗi khổ niềm đau cứ chất chồng; không phải không có niềm vui nỗi sướng, song rồi qua mau; cái đọng lại là khổ đau của kiếp người. Người nào quán được lẽ vô thường, người ấy khởi đầu con đường giải thoát; tu tập từng bước mà mỗi bước tiến lên là một lần lột xác không kém phần đớn đau; chuyển kiếp cũng là một lần lột xác, thậm chí phải thay đổi thân xác, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn do nhân duyên tu tâm, tích đức của mỗi người.


Bài giảng pháp đầu tiên Đức Phật thuyết phục 5 anh em Kiều-trần-như là “Tứ Diệu đế”(1), nói lên thực trạng kiếp nhân sinh, rồi chỉ ra con đường tu tập giải thoát là “Bát chánh đạo”(2). Sau chuyển pháp luân này, coi như giáo hội Phật giáo hình thành đủ 3 bộ phận cơ bản nhất: Giáo chủ là Đức Cồ-Đàm, giáo lý giải thoát và Tăng đoàn (tức tu sĩ). Ngày nay, Phật giáo truyền khắp hoàn cầu, giáo lý từ bi và nhân bản nhất, tinh thần hòa hợp bình đẳng bậc nhất, được nhiều nhà tư tưởng đương thời đoán định là tôn giáo hiện tại và tương lai của con người. Nền văn hóa giải thoát ra đời hơn 2.500 năm nay được ngưỡng mộ trọn vẹn chăng?

Đức Phật chỉ ra phương pháp tu tập từ dễ tới khó, nhưng thật ra không dễ, cũng không khó; từ cụ thể đến trừu tượng, song cần trí quán tưởng mới thấu đáo các lời pháp của Phật dạy. Rất dễ để giữ 5 giới nhà Phật đối với người cư sĩ ? Vì lẽ một người sống lành mạnh bình thường, không là Phật tử cũng không hiếu sát làm vui, không gian dối, không gian dâm, không trộm cướp, không rượu chè say sưa, có thể còn thêm không nghĩ bậy, nói liều, không lười nhác…Người cư sĩ, tu sĩ giữ giới nghiêm ngặt hơn là tất yếu, nhất là tu phải hành, và hành một cách tự giác có ý thức.

Tu tập theo Bát Chánh đạo là lối sống đã nâng lên tầm trí tuệ. Các nhu cầu bản năng được tôn trọng để thân xác này khỏe mạnh càng nhiều càng tốt làm chỗ dựa cho tu tập chánh kiến, chánh định, chánh tư duy thuộc tâm thức trừu tượng; biết đủ không tham là nếp sống của người tu Phật; không khỏe mạnh khó có thể tu tâm được. Thực hành “chánh mạng” được xem là tránh xa những lối sống bất lương thiện và sống đời chân chính, với lao động chuyên cần góp cho đời, tạo dựng cuộc sống cho mình. Đạt tầm “chánh tư duy” con người thấu đáo lẽ nhân sinh, thoát qua ải khổ. Bát Chánh đạo từ 2.500 năm nay chưa ai nói khác, chỉ diễn giải thêm theo thời thế và sức hiểu ngày một tăng của con người. Nhưng dù là sự thật hiển nhiên, nếu không thuyết thì nhiều người không phục, trách nhiệm của người tu, từ Sa-di đến Bồ-tát còn có trọng trách thuyết pháp cứu người; cư sĩ cũng góp phần học Phật và thuyết giáo thâm nhập các tầng lớp chúng sinh. Đó là quả phước trên đường tu tập của mỗi người.

Bức tường ngăn trọng yếu nhất trên con đường giải thoát là “vô minh” khởi đầu của vòng xoáy 12 nhân duyên (3) của luân hồi, sinh tử. Cách thức dẫn giải coi vô minh như bụi bám làm mờ gương, làm trí tuệ con người không nhìn ra lẽ vô thường nói trên, nên không tự lý giải thấu đáo lẽ sống cho chính mình. Thực tế đây không chỉ là đám bụi mà là bức tường chắc, chặn trước trí tuệ con người. Phá được nó không đơn giản chút nào, phải trì chí hành Ngũ giới, hành Bát Chánh đạo và quán nhiều kinh kệ của Nhị thừa, tiến lên đạt đến thượng thừa của “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”.

Đó là đỉnh cao của văn hóa giải thoát, đạt quả vị Phật; còn như cư sĩ chúng ta, các bước tu tập sẽ còn rất dài; hóa là chuyển biến dần dần (thuộc tính phổ biến), nên việc tu tập phải từ nếp sống lành mạnh, rồi hành theo Phật pháp chỉ dẫn, sống sao cho có ích cho đời và không ngừng tích lũy phước báo, nỗ lực tu tập để giải thoát khổ ải trầm luân là mục đích cuối cùng. Phải sớm bắt đầu mới có ngày đến đích, dù trải qua muôn vạn ức kiếp cũng không sờn lòng là chánh định trong tâm thức của chúng ta.

Tháng 8-2012. 


Chú thích:

(1) Tứ Diệu đế, là gốc cơ bản của giáo pháp đạo Phật. Bốn chân lí đó là: 
1. Khổ đế (
苦諦), chân lí về sự Khổ; 2. Tập khổ đế (集苦諦), chân lí về sự phát sinh của khổ; 3. Diệt khổ đế (滅苦諦), chân lí về diệt khổ; 4. Ðạo đế (道諦), chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ.

(2) Bát chánh đạo bao gồm:

1. Chánh kiến (正見): gìn giữ một quan niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lí Vô ngã; 2. Chánh tư duy (正思唯): suy nghĩ hay là có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm; 3. Chánh ngữ (正語): không nói dối, nói phù phiếm; 4. Chánh nghiệp (正業): tránh phạm giới luật; 5. Chánh mệnh (正命): tránh các nghề nghiệp mang lại giết hại như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện; 6. Chánh tinh tiến (正精進): phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu; 7. Chánh niệm (正念): tỉnh giác trên ba phương diện Thân, khẩu, ý; 8. Chánh định (正定): tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian (Bốn Niệm xứ).

(3) Mười hai nhân duyên gồm :1. Vô minh (無明), 2. Hành (行), 3. Thức (識), 4. Danh sắc (名色), 5. Lục căn (六根); 6. Xúc (觸), 7. Thụ (受), 8. Ái (愛), 9. Thủ (取), 10. Hữu (有), 11. Sinh (生), 12. Lão tử (老死)


Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6125922