VĂN HÓA PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ:
QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Thượng tọa THÍCH THỌ LẠC*
Nam mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn đức,
Kính thưa quý liệt vị!
Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030, niên hiệu Thiên Thành thứ 2 đời Lý Thái Tông. Ban đầu Nghệ An được gọi là châu Trại, sau đó đổi thành trại Nghệ An, rồi Nghệ An phủ, Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (xứ Nghệ), bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh.
Phật giáo được truyền vào vùng đất này từ rất lâu đời. Sử liệu có nhắc đến nhân duyên học Phật của Chử Đồng Tử với nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên. Sách Nghệ An chí của tiến sỹ Bùi Dương Lịch có chép: “Huyền sử đời Hùng Vương tương truyền rằng Chử Đồng tử và nàng Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở Rú Bể nên gọi là núi Quỳnh Viên và đó cũng là cái tên xưa nhất của dãy Nam Giới này”.
Sở dĩ chúng tôi lấy mốc thời gian 1030, thời nhà Lý làm sự kiện, bởi nó gắn với thời kỳ độc lập tự chủ đầu tiên của dân tộc, sau suốt một nghìn năm chịu ách đô hộ của Trung Hoa. Khi được đặt tên, vùng đất này đã nằm trong ý thức xác lập chủ quyền, gắn với công cuộc trấn giữ, bình định của danh tướng Phật tử tài ba Lý Thường Kiệt.
Với tinh thần Phật giáo dấn thấn ấy, tình yêu nước thương dân luôn được thắp sáng trong lòng người Phật tử Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên vào thời Trần, tại mảnh đất này đã xuất hiện ngôi chùa mang tên An Quốc, nằm dưới núi Lam Thành (thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay). Một vị thiền sư chùa An Quốc vào cuối đời Trần đã có những lời ca tụng chí khí của vị tướng tài Nguyễn Biểu như sau: “Trần quốc xẩy vừa mạt tạo. Sứ hoa bỗng có trung thần. Vàng đúc lòng son một tấm. Sắt rèn tiết cứng mười phân…”.Nguyễn Biểu đã từng giận mắng tướng giặc Trương Phụ nhà Minh rằng: "Trong bụng thì mưu đánh lấy nước, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, lại đặt quận huyện, không chỉ cướp lấy vàng bạc châu báu, lại còn giết hại nhân dân, thực là giặc tàn ngược".
Chúng ta sẽ khó hình dung về văn hóa Phật giáo xứ Nghệ nếu không có bất cứ bối cảnh Phật giáo nào trong lịch sử. Các bậc quân vương, các trí thức Tam giáo, các vị thiền sư, cư sĩ là những người đã nối mạch cho nền đạo lý yêu nước thương dân ấy. Thời đại của họ là thời đại khẳng định độc lập, chủ quyền quốc gia và đẩy mạnh tinh thần khoan dung tư tưởng, xây dựng một xã hội nhân nghĩa, hài hòa.
Kính bạch chư tôn đức,
Kính thưa quý liệt vị!
Phật giáo xứ Nghệ dù trải bao thăng trầm, nhưng không bao giờ đứng bên lề xã hội một cách tách biệt. Cho dù ở bất cứ định chế văn hóa nào, ở những mức độ chi phối đậm nhạt nào, văn hóa Phật giáo vẫn đảm bảo sự phong phú, đa dạng và uyển chuyển theo tinh thần “khế lý”, “khế cơ”, nhằm đưa nhận thức và mức sống văn hóa của cộng đồng, trước nhất là cộng đồng Phật tử lên một mức cao hơn trong hành vi ứng xử. Xã hội không cần mọi tư tưởng phải giống nhau như hai giọt nước, nhưng rất cần chúng ta ý thức sống đúng với tinh thần ấy của tổ tiên.
Phật giáo xứ Nghệ vẫn còn đó những di sản văn hóa tinh thần không ngừng tái khẳng định sức sống của nó trong lòng dân tộc. Truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo xứ Nghệ đã trở thành một phần bản sắc của văn hóa Phật giáo Việt Nam. Dù có những lúc trong lịch sử, Phật giáo bị bài xích, kỳ thị ở những mức độ khác nhau, nhưng trong một mặt bằng văn hóa chung của dân tộc, Phật giáo không những tồn tại độc lập bên cạnh những tranh giành quyền lực thế tục mà còn nêu bật những giá trị văn hóa, nhằm phản tỉnh những cuồng nộ, tránh đem đến những xung đột đau thương cho dân tộc. Có thể nói người Phật tử ở bất cứ thời đại nào cũng không bao giờ đứng ngoài những biến động lành dữ của xã hội. Điều gì xa rời truyền thống yêu nước thương dân ấy thì chưa phải Phật giáo Việt Nam đúng nghĩa.
Sẽ có những thay đổi trong tiếp nhận những giá trị Phật giáo. Và trong sự chọn lựa, sàng lọc, mỗi cá nhân có thể làm chủ niềm tin của mình, cũng như tự cho phép mình thiết định những giá trị văn hóa trên một mặt bằng tri thức đã được tổng hợp, hài hòa. Mặt bằng trí thức ấy sẽ là cơ hội dẫn dắt con người vượt xa giáo điều. Họ vượt qua giáo điều không phải với thái độ bất trung luân lý, mà bởi nhận thức của họ đã trưởng thành khi nhìn nhận những giá trị văn hóa trong mối tương quan nhân quả.
Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ từ quá khứ ấy, nhìn vào tương lai để ý thức với vai trò điều chỉnh và thay đổi hành vi của con người theo chiều hướng tích cực ích mình lợi người. Đó cũng chính là ý nghĩa sống còn mà những giá trị Phật giáo cần phải được nhanh chóng khôi phục. Bỏ qua những giá trị lỗi thời, và bằng mọi cách giữ gìn những giá trị còn nguyên vẹn tính bảo đảm trong một tương lai lâu dài, Phật giáo xứ Nghệ dù phát triển nhanh hay chậm thì những giá trị chuẩn mực trong ứng xử vẫn phải đảm bảo những lợi ích thiết thực chung cho cá nhân, cộng đồng cũng như cho môi trường sống của mọi loài chung quanh.
Phật giáo là tôn giáo hòa bình và khoan dung, vì thế chính những ứng xử hòa bình và khoan dung đã làm cho Phật giáo không quan ngại đến những ứng xử bất khoan dung khác. Sức mạnh lớn nhất của văn hóa Phật giáo chính là niềm tin nhân quả được suy xét chi tiết từ trong ý nghĩ, lời nói và hành động. Khi nói nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa có ảnh hưởng chính từ các giá trị Phật giáo, thì không có nghĩa phải nói rằng tất cả người Việt Nam đều theo Phật giáo, đều là Phật tử, mà từ trong tâm thức ứng xử, những giá trị Phật giáo đến một lúc nào đó trong cuộc sống vẫn hướng sự xử sự của con người vào đó. Có nghĩa rằng đó là một giá trị mà khi đem so với những giá trị khác nó vẫn chưa tỏ ra lỗi thời và khuyết điểm.
Kính bạch chư tôn đức,
Kính thưa quý liệt vị!
Hẳn chúng ta còn nhớ những câu thành ngữ như “Đất vua chùa làng phong cảnh Bụt” hay “Tiếng chuông ngân ba cõi, bóng tháp ngả trùm đồng”. Dù bóng dáng nhạn Tháp, niềm tự hào của Phật giáo xứ Nghệ nay không còn, nhưng những di sản tinh thần của ông cha vẫn vẹn nguyên giá trị trong lòng người Phật tử xứ Nghệ và ẩn mình rải rác trên những vùng đất thiêng. Với hy vọng qua các phương pháp nghiên cứu khoa học, và bằng niềm tin thiết tha vào sự thanh bình ấy của quê hương xứ sở, thay mặt Ban Tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo năm 2012 tại Nghệ An, chúng tôi xin được long trọng tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “Văn hóa Phật giáo xứ Nghệ: quá khứ, hiện tại và tương lai”.
Xin kính chúc liệt quý vị sức khỏe, an lạc và thành công.
Xin cảm ơn!
* Phó ban Thường trực BTSPG tỉnh Nghệ An, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo năm 2012 tại Nghệ An
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết