Thông tin

VĂN HÓA PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ

 

BÙI VĂN CHẤT*

                                     

1. Văn hóa xứ Nghệ và văn hóa Phật giáo xứ Nghệ qua các tư liệu

1.1. Xứ Nghệ

Tỉnh Nghệ An vào đầu thời Nguyễn, gồm: 9 phủ, 25 huyện và 2 châu[1]. Trong đó có:

Bốn phủ thanh giáo:

1. Phủ Đức Quang gồm 6 huyện: La Sơn (nay là Đức Thọ), Thiên Lộc (nay là Can Lộc), Nghi Xuân, Hương Sơn (4 huyện trên nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh) Thanh Chương và Chân Lộc (nay là Nghi Lộc).

2. Phủ Anh Đô gồm 2 huyện: Nam Đường (nay là Nam Đàn) và Hưng Nguyên.

3. Phủ Diễn Châu gồm 2 huyện: Đông Thành (nay là Yên Thành) và Quỳnh Lưu.

4.Phủ Hà Hoa gồm 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh). Cả 2 huyện nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Năm phủ ki mi:

1.Phủ Qùy Châu gồm 2 huyện: Trung Sơn và Thúy Vân (nay là các huyện: Quế Phong, Qùy Châu, Qùy Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ thuộc tỉnh Nghệ An)

2. Phủ Trà Lân gồm 4 huyện: Kỳ Sơn, Hội Ninh (nay thuộc Tương Dương), Tương Dương và Vĩnh Khang (nay là huyện Con Cuông)

3. Phủ Trấn Ninh gồm 7 huyện (nay thuộc nước bạn Lào)

4. Phủ Ngọc Ma có châu Trịnh Cao

5. Phủ Lâm An có châu Quy Hợp.

Hai châu Trịnh Cao, Quỳ Hợp nay là các huyện Vụ Quang, Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Năm 1831, Nghệ An chia thành 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh, địa giới như hiện nay.

Thời thuộc Pháp, Nghệ An gồm các phủ: Diễn Châu, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Tương Dương, Qùy Châu.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, vẫn giữ nguyên địa hạt hành chính là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như cũ.

Năm 1976, hợp nhất hai tỉnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh.

Năm 1991, lại chia ra 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

1.2. Văn hóa xứ Nghệ 

Xứ Nghệ núi cao nước sâu, phong thổ trọng hậu, khí tượng sáng sủa, nơi quần tụ của nhiều tộc người cùng sinh sống, là thắng địa của nước Nam ta. Từ thuở Văn Lang, nơi đây, đất biên viễn vốn đã là nơi then chốt thành trì vững chắc, nơi núi non trùng điệp ẩn chứa biết bao kỳ tích.

Từ di chỉ Làng Vạc, thời kỳ văn hóa Đông Sơn - Sức sống trổi dậy trong đêm trường Bắc thuộc, năm 722, Mai Hắc đế đã: 

“Cát cứ Hoan Châu địa nhất phương

Vạn An thành lũy Vạn An hương

Tứ phương hưởng ứng hô Mai đế

Bách chiến uy thanh nhiếp Lý Đường

Lam nguyệt giang thanh, thanh lãng ngạc

Hùng phong sơn tĩnh, tĩnh yên lang

Lệ chi tuyệt cống Đường nhi hậu

Dân đáo vu kim thụ tứ trường”             

(Theo Tiên Chân Bảo Huấn tân kinh[2])

Dịch thơ :

Cát cứ Hoan Châu đất một phương

Vạn An thành lũy Vạn An hương (thơm)

Bốn phương hưởng ứng hô Mai Đế

Trăm trận uy thanh át Lý Đường[3]

Lam thủy trăng thanh, thanh sóng ngạc (kình ngạc)

Hùng sơn gió lặng, lặng mùi lang (lang sói)

Từ đây cống vải cho Đường, dứt

Mãi mãi dân ta hưởng lộc trường. 

Bùi Văn Chất dịch           

          

Trải qua các triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê… thời nào đất và người xứ Nghệ cũng góp công lao xứng đáng. Đặc biêt, là thời Quang Trung Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài, tốc chiến tốc thắng đại phá quân Thanh.

Nước non Xứ Nghệ hãy còn vang âm hưởng câu thơ vua Trần Nhân Tông, ngày 26/12 năm Giáp Thân, Thiệu Bảo thứ 6(1284), khi quân Nguyên đánh vào các cửa ải, quân ta bất lợi phải lùi về Vạn Kiếp, đã đề lên đuôi thuyền, nhằm khích lệ tinh thần tướng sĩ:

“Cối Kê cựu sự quân tu ký

 Hoan Diễn do tồn thập vạn binh”[4]

(Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ

Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)

Đó chính là hồn cốt “Nền văn Xứ Nghệ”.

Xứ Nghệ non xanh nước biếc, cảnh trí nên thơ. Sự kỳ diệu của nó là những nơi “Đẹp mà Thiêng” ấy, mỗi góc núi bến sông, mỗi tên làng tên bản đếu lưu dấu ấn lịch sử; đều có những làn điệu dân ca, ví giặm; những nhịp trống kèn đàn sáo; những tập tục nghi lễ thờ cúng, ma chay, cưới hỏi, mừng lão khác nhau. Đến cả  thú chơi và cách săn bắt thú rừng, chim trời, cá nước mỗi miền cũng khác.

Trải hàng ngàn năm lịch sử, cư dân nơi đây đã quây quần với nhau  lập thành làng xã, hợp sức chống chọi với thú rừng, với bão lụt thiên tai, với bọn ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ làng nước, qua đó đã sản sinh những anh hùng dân tộc mà tên tuổi cùng sự tích của họ còn truyền mãi trong dân gian; Họ đã cùng “dĩ nông tàng Nho” (lấy nghề cày nuôi sự học), chăm lo việc học hành mở mang trí tuệ. Nhờ vậy, đã xuất hiện ngày càng nhiều những bậc hiền tài, nguyên khí quốc gia và tên tuổi của họ đã được ghi trong trang đầu Đỉnh Khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, trong lịch triều khoa bảng của các tổng huyện, trong các bia Văn chỉ.

Xứ Nghệ nổi tiếng là xứ sở của Thần linh, thế nên dân gian vẫn thường lưu truyền rằng: “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”, và “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”

Nghệ An quốc tế tứ linh từ chi đệ tam/ y cổ sùng hồng minh tại thạch.

 Minh Mệnh Kỷ Hợi vạn tư niên chi nhị thập/ tùng kim thể thế ngật như sơn[5]

Đây là ngôi đền đứng thứ 3 trong số 4 ngôi đền của Nghệ An tế tự theo nghi thức nhà nước, như từ xưa đã được tôn sùng, khắc sâu vào đá;

 Sự kiện này một lần nữa được xác nhận vào năm Kỷ Hợi Minh Mệnh thứ 20, từ nay thể thế và vị thế của đền cao như núi.. 

2. Văn hóa Phật giáo Xứ Nghệ     

2.1. Chùa chiền        

Văn hóa xứ Nghệ - văn hóa Hồng Lam, tuy có nét riêng biệt, song lại rất gần gũi với văn hóa Đồng bằng Bắc bộ và văn hóa Phật giáo Nghệ An cũng không ngoại lệ. Ở các phủ huyện được gọi là thanh giáo, nói ở phần 1.1, hầu hết các làng xã đều có đình,  chùa, đền, đài, đàn, miếu…

Đối với thần linh thì danh hiệu, đẳng cấp, Thiên thần hay Nhân thần, đều do Sắc chỉ nhà vua phong chuẩn. Phần nghi thức tế lễ ở các đền cùng việc phân phối quả phẩm do các nhà chức trách địa phương  quy ước, đảm trách.

Trong khi đó, về Đạo Phật, trong tiềm thức của mọi người từ thuở xa xưa, già cũng như trẻ, đã gắn Trời với Phật, Bụt với Tiên và hình ảnh các đấng nhân từ cứu khổ luôn gắn liền vào những câu chuyện cổ tích.

Việc dựng chùa đúc tượng do các nhà hảo tâm góp công đức gây nên. Việc trông coi chùa chiền, tụng kinh niệm Phật, do các vị sư chủ trì hướng dẫn các đệ tử thực hiện.

Ở Nghệ An, những ngôi chùa cổ kính thường gắn với công tích của các yếu nhân, như:

Chùa Bà Bụt gắn với công tích Thái tử Lý Nhật Quang (988 - 1059) và vùng đất xứ Nghệ; Chùa Đại Tuệ trên động Thăng Thiên Đại Huệ gắn sự nghiệp Hồ vương (1400 - 1407); Chùa Hương Tích trên đỉnh núi cao nhất của dãy Hồng Lĩnh với sự tích các vua Trần… 

Danh hiệu đền đài miếu mạo đình chùa Nghệ An thời trước còn lưu trong thư tịch gồm: 32 văn bia đền thờ thần; 28 văn bia từ đường dòng tộc, thờ tiên tổ; 18 văn bia văn miếu, văn chỉ thờ Khổng Tử và ghi danh các nhà khoa bảng bản địa và 1 bài văn khắc trên chuồng Văn miếu Nghệ An hiện treo trên gác chuông Võ miếu Vinh; 41 văn bia các loại khác.

Và 16 văn bia của 13 ngôi chùa, gồm: Bia chùa Vạn Lộc dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710); Bia chùa Phúc Long, xã Vạn Phần, huyện Đông Thành, (Nay là xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu), dựng năm Thành Thái thứ 4 (1892); Bia chùa Viên Quang xã Thanh Thủy, nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, dựng năm Hoằng Định thứ 5 (1605); Bia trùng tu chùa Quang Phúc, xã Lộc Điền, nay là xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên, dưng năm Thận Đức 1 (1600); Bia chùa Long Khánh, ở làng Phúc Hậu, nay thuộc xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên, dựng năm Hoằng Định 13 (1612); Bia chùa Khánh Sơn, thôn Phú Điền, nay là xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên, dựng năm Hoằng Định 15 (1614); Bia gác chuông chùa Khánh Sơn, dựng nămVĩnh Tộ 9 (1627); Bia chùa Ngọc Đình ở Nam Đàn, dựng năm Vĩnh Tộ 3 (1621); Bia chùa Lý Châu, xã Thuần Trung, H.Anh Sơn, nay thuộc xã Trung Sơn, Đô Lương, dựng năm Cảnh Hưng 23 (1762); Bia chùa Bảo Lâm xã Hoa Thành H.Yên Thành 2 cái, 1 dựng dưới thời Thiệu Trị (1841-1847); Bia chùa Diệc ở thành phố Vinh, dựng năm Canh Ngọ (1870); Bia trùng tu chùa Diệc năm 1914; Bia chùa Vòng, làng Cẩm Cầu Quỳnh Thạch, dựng vào thời Tự Đức (1848-1883); Bia chùa Hiến Sơn ở xã Bùi Khổng, nay là xã Hưng Yên, Hưng Nguyên do Danh nhân Đinh Bạt Tụy (1516-1589) xây dựng vào cuối TK XV; Bia ghi việc trùng tu vào năm Bảo Đại 16 (1941).

Đó là những danh lam cổ tính còn lưu lại những nội dung về thời gian, không
gian và xuất xứ cùng công đức dựng chùa đúc tượng, đã được in trong Văn bia Nghệ An năm 2004.

Về thư tịch còn phải kể đến Bùi Huy Bích, danh sĩ Hà Thành, trong 4 năm (1777-1781) sống và làm việc trên đất Hoan Châu đã sáng tác 154 bài thơ về xứ sở “Lam giang Hồng lĩnh đáng tương tri”, đó là tập Nghệ An thi tập, quyển I, trong đó có 27 bài thơ ngợi ca cảnh trí các chùa, bày tỏ lòng mình khi được thưởng ngoạn các  danh lam: Chùa Hương Tích trên động chủ Hồng Lĩnh; chùa Linh Vân phía trước trấn Vĩnh Doanh; chùa Đại Tuệ trên động Thăng Thiên Đại Huệ...

2.2 Thiện đàn và Trai đàn       

2.2.1 Thiện đàn.      

Vào đầu Thế kỷ XX, khi các cuộc vận động của Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục bị đàn áp gắt gao, các sĩ phu yêu nước phải náu mình trong màu áo tôn giáo, trong trào lưu của hoạt động “Hướng Thiện” nổi lên ở miền Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, ở Nghệ An đã lập được một số Thiện đàn để hoạt động, truyền bá tư tưởng tiến bộ, “kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và chấn hưng nền văn hóa dân tộc”, đã tạo không gian văn hóa tâm linh độc đáo như:

Văn Thiện đàn thuộc đền Phượng Giang, thôn Ngọc Long, xã Vân Trụ, huyện Yên Thành, mùa Xuân năm Tân Tỵ, Bảo Đại (1941), đã thỉnh kinh bổn Trần Đại vương chính kinh từ Đền Ngọc Sơn, sắm gỗ thị, mời thợ về khắc chữ, in, phổ cập cho các Thiện Đàn trong vùng.

Trần Đại vương chính kinh, cuốn kinh do Trần triều Đại vương giáng bút, soạn, vào giờ Mùi, ngày Rằm tháng Mười một nămTân Mão, niên hiệu Thành Thái (1894) tại Đền Vọng Lạc. Kinh gồm 34 trang kinh bổn và 29 trang Nghi thức Thí thực, Phóng sinh. Hiện mộc bản bộ kinh của Văn Thiện đàn hãy còn đủ bộ, nét chữ  tươi nguyên. Mùa Thu năm Đinh Hợi (2007), ông Trần Xuân Hiêng, người thủ thư, bảo quản hàng chục năm nay, trải qua thời chiến tranh khốc liệt, kinh sách vẫn được bảo toàn, đã hiến bộ mộc bản cùng  pho Từ điển Khang Hy quý hiếm, gồm 24 cuốn, cho Thư viện Nghệ An.

Chủ đề tư tưởng của Chinh kinh chủ yếu là nhấn mạnh “Ngũ luân”: Làm con phải tròn chữ Hiếu; Làm tôi (người dân) phải trọn chữ Trung; Anh em phải giữ chữ Hòa; Vợ chồng phải giữ chữ Kính; Bạn bè lấy chữ Tín làm đầu. Và phải nghiêm với những điều giới sát: Chửi mắng cha mẹ người; vu oan giáng họa cho người là khẩu sát; Cố tình làm sai lệch hồ sơ chứng án; xui người kiện tụng; phỉ báng đặt điều; bày mưu, cài bẫy ám hại người... là tâm ý sát...

Lạc Thiện đàn ở Làng Đông xã Thông Lãng, hiện hữu trong khuôn viên Khu Di tích Lê Hồng Phong. Thiện Đàn do anh em cụ Lê Huy Quán, thân sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong lập năm nào chưa rõ, chỉ biết cuốn “Tiên Chân Bảo Huấn tân kinh” do Vân Hương Đệ nhất thiên tiên, thay mặt, soạn thảo,  Đệ tử Lạc Thiện đàn phụng tả khắc in vào ngày 28/5 năm Khải Định 6 (1921), là bằng chứng về sự hiện diện cùng hoạt động “Hướng Thiện” của Thiện Đàn nay, trên đất Hưng Nguyên, từ thời các sĩ phu Xứ Nghệ đang dò dẫm tìm đường cứu nước. Trong số 24 đầu sách lưu tại Lạc Thiên đàn, có: 

Tiên Chân Bảo Huấn tân kinh ứng tác những bài thơ ca ngợi công đức của các vĩ nhân: Mai Hắc đế, An Dương vương, Tấn quốc công, Tống đại vương, Độc Lôi đại vương; Lời dạy bảo của các vị đế quân và cuối cùng là 10 điều nghiêm giới: 1. Hoại tâm thuật; 2. Táng phẩm hạnh; 3. Thương (tổn) tính mệnh; 4. Làm ô nhục tổ tông; 5. Mất gia giáo; 6. Băng hoại gia sản; 7. Sinh chuyện; 8. Lìa anh em ruột thịt; 9. Phạm pháp; 10. Gây tai họa.

Ích trí thần thư do Giảng Thiện đàn ở Thượng Đình xã Phú Hậu, huyện Quỳnh Lưu khắc in năm Giáp Tý Khải Định (1924). Trong thần thư có bài minh 100 chữ (Bách tự minh), có nghĩa là khắc sâu 100 chữ:

Bách tự minh

Quả dục tinh thần sảng; Đa tư khí huyết suy (sai)

Thiểu bôi bất loạn tính; Nhẫn khí miễn thương tài

Qúy tự tân cần đắc; Phú tòng kiệm ước lai

Ôn nhu chung hữu ích; Cường bạo tất chiêu tai

Chính trực chân quân tử; Điêu toa thị họa tai

Ám trung hưu phóng tiễn; Xảo xử tàng ta tai

Dưỡng thiện tu tu thiện; Khi tâm uổng khiêt trai

Luân thường vật quái xuyến;Tộc đảng yếu hòa hài

An phận thân vô nhục; Phòng phi khẩu mạc khai

Uý thiên tồn nhất niệm; Tai thoái, phúc tinh hồi

Nội dung đại ý của bài viết về 100 từ khuyên con cháu cần ghi nhớ để tu thân dưỡng tính, như: “Ít ham muốn tinh thần sáng suốt; Nhiều tư lự khí huyết sút kém/ Uống ít không loạn tính; Nén giận dữ ít hao của...”

Tới thăm Lạc Thiện đàn, điều khiến mọi người chú ý và khâm phục nhất là: Chiếc lọ hương men sứ  thời Lê, khắc 3 chữ “Lạc Thiện Đàn” an vị trên bức bình phong cùng 2 cặp câu đối ấn nổi trên 4 trụ chính mặt tiền ngôi miếu nhỏ:

“Tự hóa[6] năng khốc quỷ; Kiếm luyện khả thành tiên”

“Thần đạo dĩ thiết giáo;Từ môn khả cứu sinh”

Đó là một tuyên ngôn về mục đích tôn chỉ của Thiện đàn này. Chúng phản ánh rõ tư tưởng cách tân ngay từ ngày đầu của nhóm người sáng lập.

Họ không chỉ dùng con chữ của chân kinh cải hóa, làm cho quỷ phải  hàng phụcmà họ còn nói rõ, phải khổ luyện thành thục tay kiếm, mới có thể thành tiên. Họ cho rằng, đối với người dân mất nước, Tiên là bậc thần thánh đủ tài năng đức độ và có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ấy là những con chữ có sức thuyết phục giáo hóa lòng người, khiến cả quỷ cũng phải hàng: “Tự hóa năng khốc quỷ” (Khốc quỷ, chữ trong câu thành ngữ: “Khốc quỷ kinh thần”), có nghĩa là, làm cho quỷ phải khóc, thần phải sợ.

2.2.2 Trai đàn

Trai đàn là đàn làm chay cầu cho vong linh  khi gặp những cái chết bất đắc kỳ tử được siêu thoát, cầu mong sự bình yên cho dòng tộc hoặc làm lễ cầu tự cho gia chủ. Cũng có khi cả làng xã lập đàn cầu cho vong linh vừa trải qua cơn binh hỏa để tỏ lòng tri ân và an ủi thân nhân, khích lệ tinh thần dân chúng. Các tư liệu trong dân gian liên quan tới trai đàn, đối với trường hợp thứ nhất, thường thấy lưu trong gia phả của dòng họ, tư liệu này có thể cho con cháu về sau biết được biến cố mà tổ tiên đã gặp cùng tên tuổi những người đã khuất và đang sống vào thời điểm làm chay. Đối với trường hợp thứ hai, qua “trai đàn ngôn niệm”, phần lớn là những tác phẩm có giá trị văn học phản ảnh một sự kiện lịch sử và qua đó khích lệ tinh thần yêu nước thương nòi của dân tộc.

“Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm”  là một tác phẩm như thế.

Hạnh Lâm là nơi nổ ra cuộc biểu tình của nông dân của các xã vùng ven Sông Giăng, vào sáng ngay 1/5/1930, phá đồn điền Ký Viễn. Để đàn áp quân chúng biểu tình, sáng ngày 2/5, chúng cho máy bay lên dọa và bắt hào lý tập trung dân chúng đến  Đình Làng Hạ để hiểu thị. Song, hàng ngàn người tới đây, nhân đó  bao vây bọn quan lai để đòi trả lại đường đi làm ăn bị các đồn điền chiếm đoạt. Tới sáng ngày 4/5, không giải tán được đám biểu tình, chúng nã súng vào quần chúng biểu tình, làm 18 người chết và 17 người bị thương.

Ngày Rằm tháng Bảy Nhâm Ngọ (tức ngày 7/9/1930), tại chùa Cúc Hoa, thuộc Làng Thượng, Hạnh Lâm, nhân dân đã làm lễ truy điệu các liệt sĩ.

Tại buổi lễ này, đã đọc bài “Hạnh Lâm xã trai đàn ngôn niệm” do cụ Giải nguyên Nguyễn Văn Chinh soạn. Cụ Giải Chinh là thân sinh của 3 anh em ông Nguyễn Côn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước ta.

 Nguyên văn bài ngôn niệm: (Xem phần phụ lục kèm theo)

 3. Nhân vật, công trạng tiêu biểu của Phật giáo xứ Nghệ trong lịch sử.  

Qua các tư liệu Hán Nôm gần đây mới sưu tầm được thì hoạt động của các Thiện Đàn lâu nay ít được nhắc tới. Song, có thể nói, hoạt động của các Thiện đàn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc và động viên khích lệ tinh thần yêu nước thương nòi của các tầng lớp nhân dân. Trong số đó, Lạc Thiện Đàn Thông Lãng là một Thiện Đàn hoạt động có hiệu quả nhất.

Vốn con nhà dòng dõi, tổ họ Lê là người đàng ngoài, dưới thời Lê Trang Tông tị nạn trên đất Trung Cần, (nay thuộc xã Nam Trung, Nam Đàn, hữu ngạn Sông Lam). Về sau, nhánh cả li tổ, vượt sông sang định cư trên đất Làng Đông, Thông Lãng. Cụ Lê Huy Quán, thuộc đời thứ 12, là thân sinh Lê Hồng Phong. Lê Hồng Phong, tức Lê Huy Doãn (1902-1942) và  Lê Thiết Hùng (1908-1986), vị tướng đầu tiên của Quân đội ta, là anh em họ[7]

Những di sản ở Lạc Thiện đàn hiện hữu trong Khu lưu niệm Lê Hồng Phong, đủ để chứng minh công tích của của họ Lê, làng Đông, Thông Lãng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.  Lạc Thiện đàn  xứng đáng là một Di tích Văn hóa được xếp hạng; Những người sáng lập xứng đáng là những nhân vật của Phật giáo xứ Nghệ có công trong lịch sử  dân tộc.

4. Xây dựng Phật giáo Nghệ An hiện tại và tương lai

 Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một bộ phận không nhỏ tồn tại trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Song trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc kéo dài, cộng thêm thiên tai và một phần do sự suy nghĩ thiên lệch của một bộ phận người đã dẫn đến sự biến mất của nhiều di tích Phật giáo. Hiện tại, mặc dù đã có sự quan tâm của nhà nước, có Luật Di sản tạo hành lang pháp lý cho sự bảo tồn tôn tạo, nhưng lại gặp phải những trở ngại lớn khác như thiếu hiểu biết về quá khứ, về văn hóa Phật giáo cũng như những thiết chế văn hóa chùa chiền xứ Nghệ trong quá khứ dẫn đến hoạt động khôi phục văn hóa Phật giáo xứ Nghệ nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung đang vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Do thiếu không gian hoạt động văn hóa tâm linh, trong khi nhu cầu về văn hóa tâm linh của quần chúng nhân dân ngày càng cao, nên không ít kẻ lợi dụng, dựa vào ảnh hưởng của Phật, gợi trúng tâm lý của một bộ phận quần chúng, họ đã lập đàn tại nhà riêng, truyền đạo, hành nghề, ngoài sự kiểm soát của đạo lý và phát luật nhà nước.

 Đây là một thực trạng rất đáng quan tâm và theo chúng tôi, đó cũng là một việc nên bàn trong Hội thảo hôm nay.

 


Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Dương Lịch (1757-1828), Nghệ An ký, bản chữ Hán in khắc ván, Nxb. KHXH, H. 2004.

2. Bùi Huy Bích (1744- 1818), Nghệ An thi tập, bản chữ Hán, kí hiệu VD-TL Trường Đai học Sư phạm Hà Nội.

3. Trần Đại Vương chính kinh

4. Thư tịch trong Di sản Lạc Thiện đàn.

 

Phụ lục:

Hạnh Lâm xã Trai đàn ngôn niệm

Than niệm rằng:

Ba ngàn thế giới, đất mười tầng nước nước non non;

Một kiếp phù sinh, trời muôn dặm mưa mưa gió gió.

Từng mấy độ mây lồng trăng bạc, dưới sông Giăng lúc tỏ lúc mờ;

Đã bao phen gió cuốn bụi hồng, trên núi Phủ chốn tơ chốn ổ.

Ầm ầm một tiếng, sấm thiêng đánh nổ ngọn Kim Nhan

Cuốc cuốc năm canh, lụt máu lũng xiêu hồn đỗ vũ

Dây oan nghiệt đã già tay trói buộc, lắm nỗi bất bình;

Xác trần hoàn chưa vẹn kiếp phù sinh, ấy hồn bất tử.

Chạnh nhớ xưa/ hình hài tạo hóa, không có, có không.

Phải tìm nay/ hồn phách quy y, đó đây, đây đó.

Cũng có kẻ/ ngoài ngàn dặm thây phong da ngựa, gan tướng quân đâu sợ quả địa lôi.

Cũng có người/ trong ba canh mình cưỡi đầu voi, hàm sư tử còn ngậm sao Thiên cẩu.

Cũng có kẻ/ tán tiền tài mở lòng hỉ xả, niệm Nam mô thấu đến lục thông;

Cũng có người/ cúng ruộng vườn làm cỗ đồng chung, khói đàn Việt lưu hương thiên cổ.

Ngao ngán trời cao đất thấp, không cửa kêu oan;

Tơi bời gió thảm mưa sầu, nào phương cứu khổ.

Nhờ tay tế độ, vớt kẻ trầm luân/ rộng đức từ bi, thương người quá cố.

Thuyền bát nhã chèo qua bể khổ/ phép thần thông nhập bộ Kim Cương.

Kìm liên hoa chặt đứt dây oan/ ơn siêu độ hằng hà sa số.

Đệ tử chúng tôi, phụng thỉnh hương nguyền, đặt đàn hội chủ.

Ba giáp là con, một thôn là hộ, Bồ Tát là ông, Thích già là tổ.

Chùa Cúc Hoa là cổ xát danh lam; Núi Yên Lạc có san hô cổ thụ.

Ôi thương ôi! Chín đất hoàng tuyền, một trời thượng lộ; Lấp lóe lửa huỳnh, tờ mờ bóng thỏ.

Ôi thương ôi! Đá nát vàng phai/ bèo trôi sóng vỗ/ Cạn lạch Đồng Nai / nát chùa Thiên Mụ.

Ôi thương ôi! Gió táp màu hoa/ sương dầu ngọn cỏ/ Kia mả Kinh Kha/ nọ mồ Lã Bố.

Ôi thương ôi! Phong cảnh ngày xưa/ Đi về lối cũ/ Một giọt máu đào/ Hai hàng lệ đỏ

Ngao ngán nhỉ, cõi u minh đà lắm nẻo/ Lòng chín khúc đi đi lại lại biết bao là nay đó mai đây;

Gớm ghê thay, con tạo khéo vô tình/ Khiếp ba sinh nổi nổi chìm chìm  khôn xiết kể đường kia nỗi nọ.

Thôi, trăng lụi bụi hồng đành lạc lối/ Thỏa linh hồn rồi vẹn kiếp ba sinh;

Nay, hoa thơm hương đỏ thấu tấc thành/ Chứng thiện quả để lên miền cõi thọ.

Hỡi ôi! Thương thay!

(Bùi Văn Chất sưu tầm chuyển ngữ từ chữ Nôm. Tư liệu hiện còn được lưu giữ trong dân)



*  Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An

[1]. Bản chữ Hán, in khắc ván.Tr6

[2].Theo “Tiên chân bảo huấn tân kinh”, cuốn kinh do Vân Hương Đệ nhất Thiên tiên soạn  thay (Thực chất là ứng tác của nhóm sáng lập), Lạc Thiện đàn tàng bản, khắc in năm Khải Định 6 (1921).

[3]. Lý Long Cơ tên húy Đường Huyền Tông

[4]. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb KHXH, H.1985, Tr49

[5]. Theo Tờ khải của Bùi Thế Đạt, Trấn thủ Nghệ An lập ngày 02/6 năm Cảnh Hưng 31 (1770) (bản chữ Hán, ký hiệu VHv 2497 tại Thư viện KHTƯ) và câu đối chính tại Tam quan đền Bạch Mã, Võ Liệt.

[6]. “Tự hóa”, chữ trên cột  Lạc Thiện đàn hiện có là đã tô nhầm là “Tự thành”

[7]. Về dòng tộc, tư liệu do Thầy Thái Duy Bich, Phó Chủ nhiệm Đề tài Bảo tồn phát huy Di sản Hán Nôm huyện Hưng Nguyên cung cấp.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6115593