VĂN HÓA VÀ ĐẠO ĐỨC
HT. THÍCH THIỆN ĐẠO
Từ ngàn xưa, văn hóa được xem là cái đẹp, cái tự hào, là linh hồn sống động, là chỗ dựa vững chắc của dân tộc. Mỗi thời đại, mỗi quốc độ có truyền thống văn hóa không giống nhau, nhưng bản chất của văn hóa vẫn là làm đẹp cuộc sống hướng thiện con người. Văn hóa luôn luôn đi tới, vươn lên, tự hoàn thiện để làm nền tảng và định hướng phát triển xã hội. Văn hóa và đạo đức là hai phạm trù không thể thiếu trong sự nghiệp giải phóng con người và nâng cấp xã hội. Văn hóa là nét đẹp, nét đẹp đó không tìm ở đâu khác ngoài con người.
Truyền thống văn hóa của dân tộc ta đã được hun đúc, tích lũy, được chắc lọc trên bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Bản chất nền văn hóa dân tộc là tính tự hào, tính đoàn kết, tính nhân ái, biết tôn trọng tự do và hạnh phúc của người khác, biết hy sinh vì đại nghĩa, biết xa lánh và đẩy lùi cái xấu cái ác ra khỏi lòng mình. Ở đâu và lúc nào các hiện tượng phi đạo đức xuất hiện phổ biến trong cuộc sống cộng đồng, như tranh giành, kỳ thị, bảo thủ, độc đoán tôn thờ vật chất, lừa đảo, manh động, thì biết rằng ở đó văn hóa đã bị suy đồi đã bị lãng quên, con người đã bị mất gốc, đã bị tụt hậu. Tiến bộ vật chất chưa chắc đã có văn hóa, tri thức khoa học chưa chắc đã có văn hóa, nếu sự tiến bộ và tri thức đó được sử dụng để phục vụ cho tham vọng cá nhân hay một nhóm người, phục vụ cho sự tàn phá và huỷ diệt loài người.
Một học giả phương Tây đã cảnh báo về một nền văn minh thiếu đạo đức rằng: “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự thiêu huỷ tâm hồn”.
Một nền văn hóa chân chính phải được bắt nguồn từ giáo dục và đạo đức. Giáo dục là hạt nhân, đạo đức là gốc rễ, văn hóa là cành lá. Thiếu giáo dục cây không có hạt nhân tốt, thiếu đạo đức, gốc rễ không thể bám sâu vào lòng đất, thiếu văn hóa cành lá không thể xanh tươi phát triển được. Giáo dục là hạt nhân để cấu tạo con người, đạo đức là yếu tố nền tảng để con người phát triển đúng hướng, và văn hóa là nhựa sống là nét đẹp nội tâm được phát tiết ra trong cách hành xử, giao tế. Thiếu văn hóa chúng ta xử sự với nhau thiếu lịch sự, thô lỗ, mất cảm thông, mất vô tư trong sáng.
Đã đến lúc chúng ta phải có sự biến chuyển rung động sâu xa từ nội tâm để xây dựng và phát triển con người xã hội trên nét đẹp văn hóa tâm linh. Nét đẹp văn hóa tâm linh giúp chúng ta suy nghĩ hành động theo tiêu chuẩn đi lên mà cuộc sống hôm nay cần phải có. Nét đẹp văn hóa tâm linh có mặt và hướng dẫn mọi thành phần xã hội.
- Nhà giáo dục có văn hóa tâm linh sẽ nói năng chừng mực, không ba hoa, khiêm tốn, hòa nhã, biết tôn trọng người nghe, tất cả vì kiến thức của học trò và phát triển xã hội, không rơi vào tư tưởng hưởng thụ.
- Nhà nghệ sĩ có văn hóa tâm linh biết lắng nghe và tiếp nhận tâm tư nguyện vọng của quần chúng, biết ca tụng và phát huy cái hay cái đẹp tâm hồn, biết chối từ và đẩy lùi cái xấu cái ác trong cuộc sống, tất cả vì con người văn minh và cuộc sống tốt đẹp.
- Nhà thầy thuốc có văn hóa tâm linh luôn luôn biết ôm nỗi đau của bệnh nhân vào lòng, không phân biệt đối xử, không giấu tay nghề, không thờ ơ lãnh đạm trước nỗi đau của kẻ khác, tất cả vì hạnh phúc và an nguy của bệnh nhân như lòng mẹ hiền trang trải bảo bọc con thơ.
- Nhà chính trị có văn hóa tâm linh xem nhân dân đất nước là môi trường để phát triển tài năng và lý tưởng phục vụ, không tham lam, không độc đoán, không chèn ép, không nhũng nhiễu, không xâm phạm tự do và hạnh phúc của người khác, biết nâng đỡ và tha thứ, tất cả vì mục tiêu cao cả: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Nhà tu hành tôn giáo có văn hóa tâm linh cao, luôn luôn vì an lạc và hạnh phúc của số đông, biết gây ý thức sâu sắc trong dân chúng hiểu được sự giả tạm của các pháp, sự đau khổ của kiếp người, sự bấp bênh của cuộc sống, để giảm thiểu mọi hành vi làm đau khổ cho nhau không cần thiết, luôn luôn tự rèn luyện nội tâm, thăng hoa cuộc sống. Đặc biệt, không gây hiểu lầm giữa chánh và tà, không xây dựng niềm tin vu vơ vào thế giới vô hình, vào quyền lực trần gian, vào tương lai mộng ảo, xác định rõ ràng con người là chủ nhân của đời mình. Con người đẹp thì xã hội đẹp, con người xấu thì cuộc sống bất an đau khổ, rằng hạnh phúc và tương lai tốt đẹp nằm trong tay của mỗi chúng ta.
- Nhà kinh tế có văn hóa tâm linh, luôn luôn hoài bão vì mục đích dân giàu nước mạnh, xã hội phát triển đi lên, không đầu cơ, không giả hiệu, không lừa đảo, không quá đam mê lợi nhuận cá nhân mà bóp chẹt người khác, biết chia xẻ trang trải các thành quả cho cộng đồng, cho đồng nghiệp, xem sự phát triển thành đạt của người khác như chính sự thành công của chính mình.
Để kết thúc dòng suy nghĩ này, tôi xin mượn lời của nhà hiền triết Kali Gibran để nói lên tâm sự mình: “Nếu thưởng phạt là mục đích của tôn giáo, nếu ái quốc là phục vụ cho tư lợi, và nếu giáo dục là phương tiện để tiến thân, thì tôi xin dược là một kẻ vô tín ngưỡng, một người vô tổ quốc và một đứa thất học ngu si”.
Bình luận bài viết