Thông tin

VỀ CHUYẾN SANG NAM HÀ - ĐẠI VIỆT

CỦA THIỀN SƯ THẠCH LIÊM

 

ĐÀO NGUYÊN*

 

Hải ngoại kỷ sự là tác phẩm đáng chú ý của Thiền sư Thạch Liêm, tức Đại Sán Hán Ông (1633 – 1704) được viết sau chuyến sang thăm miền Nam Đại Việt vào năm 1695 theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725). Đây là một tác phẩm có nhiều giá trị, nhất là giá trị về sử liệu và theo Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, thì với lần sang thăm Đại Việt vào năm ấy, đáng kể nhất là đã tổ chức Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm – Thuận Hóa, một trong những Phật sự tiêu biểu nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu trong hơn 30 năm trị nước. Thiền sư Thạch Liêm trở thành người có công lớn trong việc truyền bá dòng Thiền Tào Động vào đất Nam Hà cuối thế kỷ 17, tạo được ảnh hưởng rất tốt đối với đường lối trị nước của chúa Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Lang, sđd, NXB Văn học, H, 1992, tr. 220 – 242).

Ông Nguyễn Văn Xuân trong sách Phong trào Duy Tân (NXB Lá Bối, S, 1970) cũng đã dành một số dòng cần thiết để đánh giá về chuyến sang thăm Nam Hà cùng nhân cách của Thiền sư Thạch Liêm. Chúng tôi nghĩ, nhà nghiên cứu hầu như có toàn quyền bày tỏ quan điểm của mình về bất cứ một sự kiện lịch sử lớn nhỏ nào. Tuy nhiên, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật cũng như cố gắng để vươn tới sự thật vẫn là những cái mốc muôn thuở để thẩm định giá trị ý kiến của nhà nghiên cứu. Rất tiếc là những đánh giá của ông Nguyễn Văn Xuân đã hoàn toàn đi ngược lại những cái mốc giá trị vừa nêu, và đấy là lý do khiến chúng tôi phải có phần góp ý nầy.

Để bạn đọc nhận thấy rõ hơn về quá trình lập luận, suy diễn của ông Nguyễn Văn Xuân, chúng tôi xin được phép trích dẫn khá dài. Ông Xuân viết: “Ta đừng quên thời ấy, Công giáo cũng đang tràn sang ta mạnh mẽ, và nếu Công giáo ưu thắng thì sự thờ cúng sẽ suy sụp. Do đó, đổ Tứ Thư, Ngũ Kinh, tiểu thuyết lịch sử anh hùng tiết nghĩa vào, viện trợ những cao Tăng Trung Hoa tới tu ở Huế, Quảng Nam, Bình Định, là những phương pháp của thương gia Trung Hoa, bề ngoài muốn giúp ta xây dựng tôn giáo, nhưng bên trong là một kế hoạch gian thương nhắm hai mục đích:

a. Đẩy Công giáo là một tôn giáo có thể dẫn dắt nhiều nhà thương mãi ngoại quốc với óc kinh doanh, tài buôn bán quy mô, có thể hất cẳng thương gia Trung Hoa.

b. Lợi dụng Phật giáo, Khổng giáo để bày ra nhiều lễ nghi, tập tục, do đó họ sẽ bán được nhiều sản phẩm của họ.

Đây không phải là chuyện do tôi sáng tạo để gây sự nghi ngờ tôn giáo, các tôn giáo mà tôi đang nhiệt thành thắp hương học hỏi. Tôi chỉ muốn trình bày một sự thật và đi tới nhận định ai cũng thừa biết: cái gì do thực dân, thương gia, nhà truyền giáo ngoại quốc mang lại cũng đều có mang ẩn ý xấu xa, kể cả những việc lợi ích. Phật giáo do thầy Huyền Trang băng ngàn lội suối sang Tây Trúc rước về Trung Quốc không thể là Phật giáo do gian thương Trung Quốc mang sang ta. Điều chứng minh cụ thể nhất là Thích Đại Sán sang Việt Nam không phải để truyền giáo mà là để xin rất nhiều vàng của chúa Nguyễn Phúc Chu về dựng chùa, dựng miếu bên Tàu dưới danh nghĩa… cúng dường. Và Sán theo truyền thuyết là một nhà sư xấu xa, biết vẽ cả “một tập hình tố nữ với kiểu chơi bí mật rất khéo để dua mị các quý nhân, việc đó chưa biết chừng cũng có kiểu chơi bí mật nào?”. Mà với nhà sư mà dám có sự nghi ngờ đến thế thì thiết tưởng cần gì phải nói, cần gì phải nói cuộc vân du sang Nam Hà chỉ là cuộc buôn lậu khỏi thuế với số Tăng chúng mang hàng hóa những năm chục người…”. (Phong trào Duy Tân, NXB Lá Bối, S, 1970, tr. 85 – 87).

I. Trước hết, cần nói qua về lối suy diễn đậm đặc tính chất chủ quan của ông Nguyễn Văn Xuân để dẫn tới cái kết luận cho rằng: “Công giáo là một tôn giáo có thể…” hoặc “… lợi dụng Phật giáo, Khổng giáo…”, về giá trị của chúng, chúng tôi xin nhường việc đánh giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử. Ở đây, chỉ xin nêu lên vài câu hỏi:

1. Có phải tất cả các thương gia Trung Hoa sang buôn bán với miền Nam Đại Việt thời bấy giờ – hậu bán thế kỷ 17 đều là gian thương cả như ông Xuân đã nhận định? Tài liệu lịch sử nào nói đến vấn đề ấy? Nếu có thì giá trị của các tài liệu đó đến mức độ nào?

2. Có phải các vị cao tăng Trung Hoa sang Nam Hà truyền bá đạo Phật vào thời đó rồi trở thành những vị Tổ Khai Sơn các ngôi Tổ đình từ Thuận Hóa vào đến Phú Yên (Cụ thể như các thiền sư: Nguyên Thiều – chùa Thập Tháp – Bình Định, chùa Quốc Ân – Thuận Hóa. Giác Phong – chùa Báo Quốc – Thuận Hóa. Tử Dung – chùa Ấn Tôn tức chùa Từ Đàm – Thuận Hóa. Pháp Bảo – chùa Chúc Thánh – Quảng Nam. Hưng Liên – chùa Tam Thai – Quảng Nam. Pháp Hóa – chùa Thiên Ấn – Quảng Ngãi. Tế Viên – chùa Hội Tôn – Phú Yên…) đều là do sự viện trợ của các gian thương Trung Hoa, đều bị các gian thương Trung Hoa thời đó chi phối như ông Xuân đã viết chăng? Tài liệu lịch sử nào đề cập đến khía cạnh nầy? Nếu có thì cũng như vừa nêu trên, nhà nghiên cứu lịch sử phải cố gắng thẩm định giá trị của chúng chứ không phải chỉ biết nhắm mắt tin theo.

Không dựa vào những tài liệu lịch sử, các suy diễn của ông Xuân kể trên không những chẳng có một giá trị lịch sử nào mà còn khiến cho người đọc nghi ngờ về trình độ xử lý tư liệu của người nghiên cứu lịch sử.

II. Tất cả ý kiến đánh giá của ông Nguyễn Văn Xuân liên quan đến chuyến sang thăm Đại Việt cùng nhân cách của Thiền sư Thạch Liêm đã được chúng tôi cho in nghiêng và chúng tôi xin được lần lượt có ý kiến như sau:

1. Ông Xuân viết: “Các tôn giáo mà tôi đang nhiệt thành thắp hương học hỏi…”. Đây là một thái độ rất đáng trân trọng, nhưng rất tiếc đó chỉ mới là lời nói! Từ lý thuyết đến thực tế quả là còn vô vàn xa cách, bởi lẽ, nếu đã “nhiệt thành thắp hương học hỏi” thì ông Xuân phải nên tỏ ra thận trọng, khiêm tốn và công bằng hơn đối với một nhân vật tôn giáo có tầm cỡ như Thiền sư Thạch Liêm – một vị quốc khách của chúa Nguyễn Phúc Chu, được cả chúa, hoàng tộc, cùng triều đình cung kính, tôn trọng. (Chúng tôi sẽ bàn thêm ở phần sau).

2. Ông Xuân cho: “Phật giáo do thầy Huyền Trang băng ngàn lội suối sang Tây Trúc rước về Trung Quốc không thể là Phật giáo do gian thương Trung Quốc mang sang ta…”. Viết như thế, tác giả muốn chứng tỏ cho người đọc biết là mình cũng đã nghiên cứu và có những hiểu biết nhất định về Phật giáo. Nhưng thật ra, lối gán ghép vội vàng như vậy chỉ chứng tỏ người viết đã quá dễ dãi trong lối suy diễn chủ quan của mình:

a. Pháp sư Huyền Trang (602 – 664) băng ngàn lội suối sang Tây Trúc không phải là để rước về Trung Quốc một thứ Phật giáo đặc biệt nào, mà đây chỉ là vấn đề cầu học của một nhà sư lỗi lạc nhằm trang bị cho mình những kiến thức căn bản về kinh điển Phật giáo bằng Phạn văn, sau đó, Pháp sư đã mang về nước nhiều Kinh, Luận và đã dành trọn quãng đời còn lại của mình cho công tác dịch thuật, góp phần truyền bá đạo Phật, nối tiếp con đường hoằng dương Phật pháp mà các bậc dịch thuật tiền bối như Pháp sư Trúc Pháp Hộ (226 – 304), Pháp sư Cưu Ma La Thập (344 – 413) v.v… đã làm. Sau nầy, một số cao tăng Trung Hoa sang Việt Nam truyền đạo và trở thành những vị Tổ khai sơn các ngôi Tổ đình nổi tiếng ở miền Trung cũng là nối tiếp và phát huy con đường hoằng đạo ấy chứ không có gì khác.

b. Người đọc, nhất là người đọc có những hiểu biết về lịch sử Phật giáo Việt Nam có quyền đòi hỏi ông Xuân mô tả rõ ràng hơn, dựa theo tư liệu lịch sử, về dung mạo của cái mà ông gọi là “Phật giáo do gian thương Trung Quốc mang sang ta…”, chứ không thể chỉ là một kiểu nhận định khơi khơi như vậy!

Thực ra thì gian thương Trung Quốc chỉ có thể lợi dụng đối với một số nghi lễ phiền phức liên hệ đến chùa chiền Trung Hoa ở những nơi có kiều dân Trung Hoa sống đông đảo – ví như Hội An thời ấy – để dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc mua bán cùng tác động đến khía cạnh tiêu thụ của người dân bản xứ, chứ không làm gì có cái gọi là “Phật giáo do gian thương mang theo” như ông Xuân đã viết, bởi vì để làm tốt công việc truyền bá đạo Phật, các nhà sư, các vị cư sĩ đều phải là những con người có trình độ, bao gồm cả học thức và đức độ tu trì, điều mà hạng gian thương không thể có và không bao giờ có thể có được.

c. Ngược dòng lịch sử, chúng ta nhận thấy không phải đợi đến thế kỷ 17, thương nhân Trung Hoa mới sang Việt Nam buôn bán và một số tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đã theo thuyền buôn sang Việt Nam truyền đạo – để được ông Nguyễn Văn Xuân suy diễn một cách tùy tiện – mà sự việc ấy đã xảy ra từ lâu, từ những thế kỷ đầu của công nguyên, bấy giờ còn có cả thương nhân Ấn Độ, thương nhân các nước Tây Vực… nhưng chưa thấy có tài liệu hay nghiên cứu nào đã suy diễn một cách hồ đồ như ông Xuân. Điều cần nói thêm là, Phật giáo với truyền thống khế lý, khế cơ cố hữu, ngay từ buổi du nhập đã tỏ ra thích hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như đã góp phần vun bồi cái bản sắc ấy. Một số nhà Phật học lỗi lạc thời bấy giờ như Mâu Tử (160 hoặc 164 – 230), Khương Tăng Hội (200 – 280), không chỉ là niềm hãnh diện riêng của Phật giáo mà còn là niềm hãnh diện chung của văn hóa Việt Nam.

3. Người đọc nhận thấy ông Nguyễn Văn Xuân đã quá vội vàng hấp tấp trong việc đi từ một tiền đề khó có thể chấp nhận (Cho tất cả các thương nhân Trung Hoa sang Việt Nam buôn bán thời đó đều là gian thương) để dẫn tới cái quy kết cho rằng chuyến sang thăm Nam Hà của Thiền sư Thạch Liêm cùng đoàn tùy tùng chỉ là một dịp đi xin vàng, chỉ là một kiểu buôn lậu trá hình… lại càng khó có thể chấp nhận hơn nữa, vì nó đã bất chấp cả những sự thực lịch sử. Ở đây, những sự thực lịch sử ấy là gì? Linh mục Cao Văn Luận, nơi Lời giới thiệu cho bản dịch sách Hải ngoại kỷ sự đã viết: “Đọc Hải ngoại kỷ sự của Đại Sán chúng ta sẽ thấy được lòng sùng mộ Phật giáo của người thời bấy giờ, kể từ chúa thượng đến thần dân… Nói chung, Hải ngoại kỷ sự là một sử liệu quý và đáng tin cậy, các điều Đại Sán ghi lại về văn hóa xã hội tôn giáo đều là những sự kiện nghe thấy bởi tai mắt của một người có tài quan sát…”. (Hải ngoại kỷ sự, bd, Viện ĐH Huế, 1963, tr. 6). Rõ ràng là vị linh mục nầy, tuy không nghiên cứu lịch sử nhưng đã có những tiếp cận về sử liệu thấu đáo và công bằng hơn ông Xuân rất nhiều.

4. Để hỗ trợ cho cái quy kết vội vã của mình, ông Nguyễn Văn Xuân đã dẫn ý kiến của Mậu Thuyên Tôn, trong bài Thạch Liêm Hòa thượng sự lược được soạn vào cuối đời Thanh, sau ngày Thiền sư Thạch Liêm qua đời khá lâu, và họ Mâu, vốn có ác cảm với Thiền sư nên đã không tiếc lời bôi nhọ, thóa mạ. Người cung cấp tư liệu nầy là giáo sư Trần Kinh Hòa, với bài khảo cứu khá dài và khá công phu, viết bằng Hán văn, đã được những người dịch sách Hải ngoại kỷ sự dịch và cho in ở phần cuối sách. Trong bài khảo cứu nầy, ông Hòa đã dẫn ra nhiều tư liệu liên quan đến Thiền sư Thạch Liêm, khen có, chê có, của những người đương thời cũng như đời sau. Chẳng hạn, ông Hòa đã cho chúng ta biết tác phẩm Lục Ly Đường của Thiền sư Thạch Liêm có đến 16 vị danh sĩ đương thời đề tựa, tác phẩm ấy có phụ đính 34 bức tranh vẽ có giá trị của chính tác giả và trên những bức vẽ nầy đều có đề văn của các danh sĩ như Khuất Đại Quân, Tăng Xán, Lương Bội Lan, Vương Thế Trinh, Từ Phàm, Ngô Y, Ngô Thọ Tiềm, Cao Tằng Vân… (Hải ngoại kỷ sự, bd, sđd, tr. 244) chứng tỏ sự giao thiệp rộng rãi và cảm tình của các danh sĩ đương thời đã dành cho Thiền sư Thạch Liêm. Còn đây là ý kiến của người chủ thuyền Quảng Đông, chuyến 36 năm 1695: “Nói tóm tắt, Thạch Liêm tuy sinh quán tại Nam Kinh nhưng cư trú ở Quảng Đông hơn 20 năm, trong khoảng ấy, đức hạnh của ông rất thịnh sáng, bởi thế quan dân xa gần quy y rất đông. Trong bọn thương khách thuyền chúng tôi cũng có người từng đến Trường Thọ am lạy Phật…” (Hải ngoại kỷ sự, sđd, trang 244). Ngay cả Mậu Thuyên Tôn, khi viết về chùa Trường Thọ thời gian Thiền sư Thạch Liêm trú trì, cũng phải xác nhận đó là một thắng cảnh tuyệt vời do sự kết hợp hài hòa giữa cảnh thiên nhiên và bàn tay nghệ sĩ của chủ nhân: “Trước cửa am có hai tượng Thiên vương do tay Thạch Liêm vẽ, tinh thần linh động phi thường. Thiên qua phía Đông Nam, có ao chảy thông với sông Châu Giang, nước sông quanh co chảy qua trước điện rồi dội vào ao, có một hòn non bộ xây toàn bằng đá Anh (Đá non bộ sản xuất tại huyện Anh Đức, tỉnh Quảng Đông), lập vườn trồng cây, có nhà nghỉ mát, phía Bắc ao có Bán Phàm Thất, phía Bắc Hội Thông Hiên, phía Nam Hoài Cổ Lâu, phía dưới Lục Ly Đường, đều làm hồi lang nối thông nhau…”. (Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 248).

Như vậy, đối với một tác giả đa tài, nổi bật, lại là một Thiền sư từng là quốc khách của một vị chúa, mà dư luận khen chê nhiều khi trái ngược nhau, đáng lẽ ông Nguyễn Văn Xuân nên tỏ ra dè dặt, thận trọng và công bằng của một người nghiên cứu lịch sử - văn hóa trong việc đánh giá, thì trái lại, ông Xuân đã chỉ dựa vào một lời chỉ trích của Mậu Thuyên Tôn, xem đó là toàn bộ sự thực về nhân cách của Thiền sư Thạch Liêm là chưa đúng.

5. Đọc kỹ tác phẩm Hải ngoại kỷ sự, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa cho thái độ và trình độ xử lý tư liệu lịch sử của ông Nguyễn Văn Xuân. Nói cách khác, ông Xuân đã không hề đọc kỹ tác phẩm ấy, đã không chịu nghiên cứu kỹ đối tượng trước khi đưa ra các quy kết nặng lời. Mặc dù ông cũng đã viết rằng: “Tập tài liệu có một giá trị sử rất lớn…”. (Phong trào Duy Tân, sđd, tr. 87, lời chú 2), nhưng chúng tôi ngờ rằng đó chỉ là một lối nói cho có vẻ vậy thôi, vì nếu đã công nhận Hải ngoại kỷ sự “có một giá trị sử rất lớn” thì không thể viết rằng: “… Thích Đại Sán sang Việt Nam không phải để truyền giáo mà là để xin rất nhiều vàng của chúa Nguyễn Phúc Chu…”. Bởi vì, một trong những cái mà ông Xuân gọi là có một giá trị sử rất lớn của sách Hải ngoại kỷ sự chính là việc ghi lại khá đầy đủ về lễ Đại Giới Đàn tại chùa Thiền Lâm được tổ chức từ ngày 24 tháng 3 đến 12 tháng 4 âm lịch năm 1695, không chỉ truyền giới cho hàng xuất gia mà còn truyền giới cho cả gia đình chúa Nguyễn Phúc Chu cùng hoàng tộc và một số quan lại trong triều đình. Đây có lẽ là Đại Giới Đàn có tầm cỡ quốc gia vào loại lớn nhất trong lịch sử truyền bá đạo Phật ở Việt Nam đã được ghi chép lại tương đối đầy đủ. Ngoài ra, chỉ cần đọc kỹ phần những góp ý của Thiền sư Thạch Liêm về một số vấn đề trị nước an dân được ghi lại trong Hải ngoại kỷ sự cũng đủ thấy cái tầm nhìn vĩ mô về chính trị - xã hội của vị thiền sư lỗi lạc nầy, rất xứng đáng để được cá nhân và triều đình chúa Nguyễn Phúc Chu quý trọng.

6. Nhận định về chuyến sang thăm Nam Hà của Thiền sư Thạch Liêm như ông Nguyễn Văn Xuân rõ ràng là đã vô tình hay cố ý đánh giá thấp trình độ hiểu biết, trình độ tín ngưỡng của cá nhân chúa Nguyễn Phúc Chu cùng vương triều của ông. Đây là vị chúa được xem là thông minh, tài ba, ham thích văn học và mộ Phật nhất trong số các chúa Nguyễn một thời hùng cứ phương Nam nước ta. Chúng tôi cho rằng, chúa Nguyễn Phúc Chu cùng hoàng gia và triều thần hồi đó không đến nỗi dốt nát và mê muội để đi rước một vị thiền sư Trung Quốc sang tổ chức một Đại Giới Đàn có mình thọ giới, lại là một người sang Đại Việt chỉ để buôn lậu như ông Xuân đã viết.

7. Ông Xuân cho: “Điều chứng minh cụ thế nhất là Thích Đại Sán sang Việt Nam không phải để truyền giáo mà là để xin rất nhiều vàng của chúa Nguyễn Phúc Chu về dựng chùa dựng miếu bên Tàu dưới danh nghĩa… cúng dường”. Trước hai chữ cúng dường, ông Xuân đã dùng nhiều dấu chấm lửng hàm ý mỉa mai, và ở chú thích 1 trang 87 sách Phong trào Duy Tân, ông ghi: “Chúa cúng năm ngàn lượng (Ngũ thiên kim) khủng khiếp chưa! Đó là chưa kể tiền gạo, yến sào, dầu dấm, tương muối, hương đèn cho đến kỳ nam hương, trân châu, vàng bạc người ta đem đến tặng biếu ngày nào cũng có”. (Phong trào Duy Tân, sđd, tr. 87, lời chú 1).

Vấn đề nầy khá dài và chúng tôi cũng xin lần lượt góp ý sau đây:

a. Trước tiên là về số lượng năm ngàn lượng (vàng hay bạc?) mà ông Xuân cho là một tài sản khủng khiếp. Sự việc nầy, sách Hải ngoại kỷ sự chép: “Ngày hôm sau, Vương tiếp kiến mừng rỡ, ân cần cùng nhau thuật lại mối tình cưu nhớ. Vương hỏi rằng: “Nghe nói kinh các, nơi thường trú của lão hòa thượng xây cất chưa xong phải chăng? Ta đáp rằng: Kinh các do Thạch Chế Đài, Chu Vũ Quân và các quan Bố, Án tỉnh Việt Đông xây cất. Các vật liệu đã đủ cả. Chỉ còn Đại Hùng Bửu Điện, nguyên quan tỉnh Việt Tây hứa cất. Gần đây nghe nói người đã thăng bổ đi nơi khác nên còn thiếu đại điện chưa làm mà thôi. Vương hỏi: Sở phí chừng bao nhiêu? Ta nói rằng: Nếu làm trọn cả phải tốn độ bảy tám ngàn vàng (đồng?), nhưng nay vật liệu đã có chừng ba bốn ngàn, chỉ thiếu năm ngàn lượng nữa là xong việc. Vương sốt sắng bảo: Lão Hòa thượng qua đây, ta may mắn được làm đệ tử, nhưng tự thẹn chưa làm gì để đền đáp công đức. Nay lương tiền xây cất đại điện ta xin hoan hỷ đảm phụ. Sang năm, lúc lão hòa thượng trở về, xin cứ tùy ý xây cất, hao tốn bao nhiêu ta chẳng tiếc. Nhân thuật lại chuyện tại Trung Hoa chùa chiền đầy khắp thiên hạ, nhưng không có ngôi nào do vua chúa ngoại quốc xây cất, chỉ có chùa Pháp Tướng ở Chiết Giang do quốc vương Cao Ly xây dựng từ đời nhà Tống, đến nay người ta vẫn còn ca tụng. Nay nếu Vương hoàn thành đại điện chùa Trường Thọ, sẽ cùng chùa Pháp Tướng đều để tiếng tốt nghìn thu vậy. Vương vui vẻ nhận lời. Xin lão nhân nói rõ lai lịch chùa Trường Thọ cho nghe và nếu nơi thường trú chưa làm xong, xin sẵn lòng khuyến mộ công đức, hầu khiến sau nầy được biết rõ nguồn gốc ngôi Tổ đình vậy”. (Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 200 – 201).

Ở đây, cần chú ý khi dịch cụm từ “bảy, tám ngàn vàng” những người dịch đã mở dấu ngoặc để đánh dấu tồn nghi là đồng. Lật sang bài khảo cứu của giáo sư Trần Kinh Hòa, chúng ta thấy ông Hòa đã tóm tắt đoạn nầy như sau: “Ngày sau – ngày 16 – quốc vương mời vào yết kiến, thăm hỏi ân cần. Lúc nói chuyện đến việc xây cất chùa Trường Thọ, Minh Vương khẳng khái phát nguyện cúng năm ngàn đồng đảm phụ kinh phí kiến tạo đại điện chùa ấy. Đại Sán trở về chùa Thiên Mụ làm bài sớ nói về nhân duyên trùng tu của chùa Trường Thọ, khen công đức của Minh Vương, cho rằng có thể so sánh với việc dâng chùa Pháp Tướng tại Chiết Giang của quốc vương Cao Ly thời nhà Tống…”. (Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 267).

Chúng ta cần nhớ, ông Trần Kinh Hòa là người Trung Hoa, một vị giáo sư đại học, và ông đã nói đến số lượng “năm ngàn đồng” mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã khẳng khái phát nguyện hiến cúng, chứ không phải là năm ngàn lượng (hàm ý là vàng) như sự cả quyết của ông Nguyễn Văn Xuân. Cũng trong bài khảo cứu ấy, nhưng ở phần trước (phần II, tiểu sử của Thích Đại Sán), ông Trần Kinh Hòa đã có nhắc qua sự việc cúng dường của chúa Nguyễn Phúc Chu: “Gia dĩ Phúc Chu hưởng ứng nhân duyên trùng tu Trường Thọ Am của Đại Sán, khẳng khái xuất ra năm ngàn lượng bạc (Ngũ thiên kim) để cúng làm kinh phí kiến trúc Trường Thọ Am đại điện…”. (Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 252).

Chúng ta nhận thấy ở đây những người dịch đã thận trọng đưa ra nguyên văn Ngũ thiên kim và dịch là Năm ngàn lượng bạc. Vậy số năm ngàn lượng ấy là vàng hay bạc?

Rõ ràng là những người dịch – trong số đó có Linh lục Nguyễn Phương vốn là một giáo sư Sử học – dù không nêu bày dẫn giải, nhưng đã chấp nhận và dịch số lượng ấy là năm ngàn lượng bạc. Còn giáo sư Trần Kinh Hòa thì cũng vậy, dù không biện luận, nhưng ông đã dùng cụm từ năm ngàn đồng như ta đã thấy ở trên. Chỉ có mỗi ông Nguyễn Văn Xuân là cả quyết rằng số lượng ấy hàm ý là vàng! Cần có sự tham khảo thêm để thấy mức độ thận trọng của những người dịch:

* Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, nơi chữ Kim, nghĩa thứ 3 có nói thêm: Tục gọi một lạng bạc là nhất kim. (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 708).

* Từ Hải, Tập hạ, nơi chữ Kim, nghĩa thứ 3 có ghi chú: “Tần dĩ nhất dật vi nhất kim, Hán dĩ nhất cân vi nhất kim. Án nhị thập lượng vi dật, hoặc vân nhị thập tứ lượng vi dật. Kim ngân nhất lượng hoặc nhất viên thông xưng nhất kim”. (Nhà Tần dùng một dật làm một kim, nhà Hán dùng một cân làm một kim. Cứ 20 lượng là một dật, hoặc cho rằng 24 lượng là một dật. Ngày nay, về bạc, một lượng hoặc một viên được gọi là nhất kim. (Từ Hải, Đại Tự tu đính bản, Tập hạ, Đài Loan Trung Hoa Thư Cục Ấn Hành, 1971, trang 2936).

* Từ Nguyên (Tập hạ, Thượng Vụ Ấn Thư Quán, 1938, Tập tuất, trang 1) nơi chữ Kim, nghĩa thứ 3, có ghi chú: Kim diệc vị ngân nhất lượng viết nhất kim (Nay cũng gọi một lượng bạc là nhất kim).

Như thế thì đã rõ, Kim theo nghĩa thứ 3, có nghĩa là một thứ đơn vị tiền tệ thông dụng ngày xưa ở Trung Hoa và Một lượng bạc được gọi là nhất kim, nên Ngũ thiên kim trong sách Hải ngoại kỷ sự được những người dịch dịch là năm ngàn lượng bạc là hoàn toàn đúng.

b. Cúng dường là một sinh hoạt bình thường và thông thường trong Phật giáo, là bổn phận của người Phật tử đối với sự tồn tại và phát triển của Tam bảo trong cõi thế gian. Do vậy, người Phật tử, nhất là hàng Phật tử tại gia, luôn cảm thấy có nghĩa vụ cúng dường, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc bằng vật chất hay tinh thần, trước hết là giúp cho các vị tu sĩ xuất gia có thêm phương tiện để sinh hoạt, tu học, sau nữa là góp phần xây dựng chùa chiền, tôn tạo đền tháp, đúc chuông tô tượng, in ấn kinh sách, tổ chức các lễ lượt… Và khi các nhà đại phú hào, các bậc vua chúa trở nên những Phật tử thuần thành thì sự cúng dường sẽ lớn lao vô kể và vô giá. Lịch sử truyền bá đạo Phật đã cho thấy những gương mặt hộ trì Phật pháp lớn như Trưởng giả Cấp Cô Độc thời Phật Thích Ca còn tại thế, như vua A Dục của Ấn Độ, vua Lương Vũ Đế của Trung Hoa. Như thế thì việc chúa Nguyễn Phúc Chu hiến cúng cho Thiền sư Thạch Liêm để góp phần xây dựng chùa Trường Thọ là một sự cúng dường bình thường và đúng nghĩa, đã được sách Hải ngoại kỷ sự ghi chép lại khá đầy đủ, diễn biến tâm lý của người hiến cúng và kẻ nhận như vậy là hợp tình hợp lý. Thế mà ông Xuân vẫn nhìn sự việc một cách méo mó để xuyên tạc! Mà giả như Thiền sư Thạch Liêm có vận động để xin vàng của chúa Nguyễn Phúc Chu về xây dựng chùa chiền thì cũng là một sự việc thông thường, chẳng có gì để nhà nghiên cứu chân chính phải mỉa mai, xuyên tạc.

Nhưng ở đây, dựa theo ghi chép của sách Hải ngoại kỷ sự, cũng như căn cứ vào những việc đã làm của chúa Nguyễn Phúc Chu đối với Phật giáo Việt Nam, thì chúng ta có thể khẳng định rằng sự ghi chép của sách Hải ngoại kỷ sự là hoàn toàn chính xác, hay nói như giáo sư Trần Kinh Hòa là “Minh Vương đã khẳng khái phát nguyện hiến cúng”. Bởi vì, sau lần tổ chức Đại Giới Đàn tại chùa Thiền Lâm 1695, vào năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả Đại Hồng Chung ở chùa Thiên Mụ vào cỡ lớn nhất nước nặng 3.285 cân, rồi bốn năm sau, năm 1714, ngôi Tổ đình nầy được chúa cho đại trùng tu hết sức quy mô với một sự tốn kém mà chắc chắn ông Nguyễn Văn Xuân phải dùng đến một trăm chữ khủng khiếp cũng chưa đủ để diễn tả.

c. Chỉ xét riêng ở góc độ chính trị- xã hội, sự việc các bậc vua chúa bỏ ra những món tiền khổng lồ để cúng dường cho công việc xây dựng chùa chiền chẳng hạn, họ có thu lại được những lợi ích gì không? Xin thưa ngay rằng là có, và nhiều khi còn “lời” nữa là khác, nhưng với những con mắt thiển cận thì không thể nhìn thấy vấn đề. Có thể tham khảo ý kiến của giáo sư Trần Quốc Vượng trong sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 (NXB ĐH và THCN, H, 1983, tr. 409): “Nhà nước Vạn Xuân dù mới dựng, cũng bỏ tiền xây một ngôi chùa lớn, sau trở thành một trung tâm Phật giáo và Phật học lớn của nước ta. Đó là chùa Khai Quốc, tiền thân của chùa Trấn Quốc ở Hà Nội ngày sau. Ngay cái tên chùa Mở Nước cũng đã hàm chứa nhiều ý nghĩa”.

Như thế là câu trả lời đã lộ rõ và chúng ta có thể cho rằng, công việc tạo dựng một chỗ dựa tinh thần vững chãi để từ đó tạo được sức mạnh tổng hợp cho vương triều, cho đất nước mình, đó là những thứ tài sản vô giá mà bất cứ một triều đại chân chính nào cũng mong muốn có được. Phật giáo thời dựng nước Vạn Xuân, Phật giáo thời thịnh Lý thịnh Trần, cũng như Phật giáo thời chúa Nguyễn Phúc Chu đã góp phần chính để tạo được sức mạnh tổng hợp đó.

Đây là lời chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho ghi trên bia đá chùa Thiên Mụ:

Quốc gia yên vững bền lâu

Trong ngoài bốn cõi một bầu thanh cao

Vô vi đức hóa dồi dào

Một nhà Nho, Thích ra vào hoan hân…”.

(Nguyễn Sanh Mai dịch, Hải ngoại kỷ sự, sđd, tr. 284).

Để kết luận cho bài góp ý nầy, chúng tôi xin được nhắc lại câu nói của Abutalip đã được nhà văn Raun Gamzatốp dẫn ra nơi sách “Daghextan của tôi”: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. (Phan Hồng Giang và Bằng Việt dịch, NXB Cầu Vồng, M, 1984, tr. 9).

Đấy phải là điều tâm niệm muôn thuở của các nhà nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về lịch sử.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 03 năm 2011.

 



* Nhà nghiên cứu, Ban PGVN, VCN Phật học Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6125982