VỀ PHẬT A DI ĐÀ VÀ “TAM KINH NHẤT LUẬN”
VỀ PHẬT A DI ĐÀ VÀ “TAM KINH NHẤT LUẬN”
LÊ SƠN PHƯƠNG NGỌC
Liên quan đến kinh A Di Đà Phật, có các thuyết “Tịnh Thổ tam kinh”, “Tịnh Thổ ngũ kinh”, “Tịnh Thổ tam kinh nhất luận”...
Tịnh Thổ tam kinh gồm “A Di Đà kinh” do Cưu Ma La Thập thời Diêu Tần dịch, “Quán Vô Lượng Thọ kinh” do Cương Lương Da Xá triều Lưu Tống dịch, “Vô lượng Thọ kinh” do Khang Tăng Khải thời Tào Ngụy dịch.
Tịnh Thổ ngũ kinh thì gồm ba bộ kinh trên, cộng với 2 phẩm: phẩm “Đại Thế Chí Bồ tát Viên thông” trong “Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm kinh” do sa môn Bàn Thích Mật Đế dịch, và phẩm “Phổ Hiền Bồ tát Hành nguyện”, trong bộ “Đại Phương Quảng Hoa nghiêm kinh” do sa môn Bát Nhã thời nhà Đường dịch.
Hai phẩm ấy trong hai bộ kinh, nếu như người trước đây giảng thuật chủ yếu khuyên chúng sinh nhất tâm niệm Phật, thì nhất định Phật “hiện tiền đương lai” cho nên “nhất định kiến Phật”. Người sau này chủ yếu giảng mười Đại hành nguyện của Bồ tát Phổ Hiền.
“Tịnh Thổ tam kinh nhất luận” là chỉ 3 bản dịch kinh “A Di Đà Phật kinh” thêm vào “Nhất luận” tức “Vãng sinh luận” do Bồ tát Thế Thân viết, được Bồ đề Lưu Chi thời Bắc Ngụy dịch. “Tịnh Thổ tam kinh nhất luận” là kinh điển chủ yếu mà Tịnh Độ tông Trung Hoa dựa vào.
Đơn giản như sau:
“A Di Đà Phật kinh” 1 quyển, còn có tên “Tiểu Vô Lượng kinh” do Cưu Ma La Thập thời dịch. Kinh này tại Trung Hoa có 3 bản dịch, ngoài bản dịch của Cưu Ma La Thập ra, còn có bản dịch của Cầu Na Bạt Đà La thời Tống dịch lấy tên là “Phật thuyết Tiểu Vô Lượng Thọ kinh”, bản dịch của Đường Huyền Trang lấy nhan đề là “Xưng Tán Tịnh Độ Phật nhiếp thọ kinh”. Bản dịch của Cầu Na Bạt Đà La đã bị thất lạc, hiện chỉ còn lại chú văn và lợi ích văn mà thôi. Bản dịch của Cưu Ma La Thập lời văn gọn gàng sáng sủa nên được nhiều người thích, lưu hành rất rộng.
Bản kinh thuật chuyện Phật A Di Đà trang nghiêm ở Tây phương Cực lạc, chư Phật chân thành khuyên dạy chúng sinh vãng sinh Tịnh Thổ, ấn chứng và trì danh lục phương chư Phật, khiến cho việc tín ngưỡng Tịnh Thổ minh xác và bình dị. Bản kinh được chú thích rất nhiều, cơ bản so với bản “A Di Đà Phật kinh nghĩa ký” 1 quyển của đại sư Trí Giả, so với bản “A Di Đà Phật kinh pháp sự tán” 2 quyển của đại sư Thiện Đạo, so với bản “A Di Đà Phật kinh sớ” 1 quyển, cũng như “A Di Đà Phật kinh thông tán sớ” 3 quyển của đại sư Khuy Cơ và so với bản “A Di Đà Phật kinh sớ” 1 quyển của sa môn người Tân La (Cao Ly) là Nguyên Hiểu.
Ngoài ra, còn có một bản “A Di Đà Phật Âm Thanh Vương Đà La Ni kinh”, gọi tắt là “Cổ Âm Thanh Vương kinh” hoặc “Cổ Âm Thanh kinh” 1 quyển, không rõ người dịch. Kinh này thuật chuyện Phật Đà khi ở tại Chiêm Ba thuyết giảng cho các Tỳ kheo về thế giới Cực lạc ở Tây phương cũng như thuyết giảng về công đức trang ngiêm của đức Phật A Di Đà, đồng thời đức Phật Đà cũng cho biết nước Phật của Phật A Di Đà tên là Thanh Thái. Tên cha là Nguyệt Thượng, tên mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan, tên con là Nguyệt Minh, tên người học trò thân cận nhất là Vô Cấu Xưng, học trò trí tuệ nhất tên là Hiền Quang. Sau đó, đức Phật Đà thuyết giảng “Thọ Trì Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni”, mười ngày mười đêm chắc sẽ được gặp Phật A Di Đà. Kinh này nổi tiếng vì có nói về cha mẹ của Đức Phật A Di Đà, lưu truyền rất rộng rãi.
“Quán Vô Lượng Thọ kinh”, toàn bộ 1 quyển do sa môn Da Xá thời nhà Lương dịch, kinh này còn có tên là “Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh”, “Quán Vô Lượng Thọ Phật Quán kinh”, “Vô Lượng Thọ Phật Quán kinh”, “Thập Lục Quán kinh”, gọi tắt là “Quán kinh”.
“Quán Vô Lượng Thọ kinh” ban đầu giảng về một thiên cố sự như sau:
Nhà vua Tần Bà Sa La nước Ma Kiệt Đà, có một vị Thái tử tên là A Xà Thế. Thái tử nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa, người đối địch với Phật giáo. Thái tử tên là A Xà Thế bắt giam phụ vương, bỏ đói tính cho chết để chiếm lấy ngôi vua. Mẹ của A Xà Thế là phu nhân Điếu Đề Hy tìm cách cứu chồng, bà nhồi mật ong với váng sữa, giấu vào người, tìm cơ hội lén cấp cho vua Tần Bà Sa La ăn. Qua mấy ngày, thấy phụ vương không bị chết đói, rất lấy làm lạ, dò xem mới biết được chuyện mẹ mình lén cung cấp thức ăn cho vua cha mỗi đêm, A Xà Thế nổi cơn lôi đình tính giết người mẹ, nhưng các vị đại thần khuyên giải, cản trở không cho giết, A Xà Thế liền cho tống giam mẹ mình là phu nhân Điếu Đề Hy. Trong tù ngục, phu nhân Điếu Đề Hy cầu xin Phật Đà. Bấy giờ, Phật Đà đang ở trên núi Linh Thứu, nơi thành Vương Xá nghe được lời thỉnh cầu của phu nhân Điếu Đề Hy, liền dùng phép thần thông bay đến bên cạnh phu nhân. Phu nhân Điếu Đề Hy thấy đức Thích Ca Mâu Ni, liền sụp lạy, kêu khổ không ngừng, cho rằng vợ chồng mình sẽ chết nay mai không còn thấy được thế giới này nữa. Phật Đà giảng thuyết về tình huống của thế giới Cực lạc Tây phương.
Đức Thích Ca Mâu Ni giảng thuyết khái quát nội dung 16 phương diện gọi là “Thập lục quán”, trong đó 13 quán đầu tiên chủ yếu giới thiệu cái tốt đẹp của Tây phương Cực lạc, cũng như về các loại công đức và diệu tướng của “Tây phương tam thánh”, 3 quán sau đức Như Lai giảng về “Cửu phẩm vãng sinh”. Đồng thời, đức Phật giảng vãng sinh pháp gồm “Tam phúc”, “16 quán pháp”.
Đại sư Thiện Đạo thời nhà Đường cho rằng kinh này lấy Quán Phật Tam muội làm tông, lại lấy Niệm Phật Tam muội làm tông. Tương đối ở các đại sư Tịnh Ảnh Tuệ Viễn, Gia Tường Cát Tạng lập Thập lục quán đều thuyết của định thiện, lập 16 quán mà 3 quán sau cùng là tán thiện của Cửu phẩm. Lại còn bảo tuy Phật giảng rộng về ích lợi của hai môn tu Định và Tán nhưng ý của Phật chỉ là gọi lên danh hiệu Phật A Di Đà. Căn cứ vào câu văn “hạ phẩm hạ sinh”: “Như là tiếng tâm linh không dứt, niệm đủ mười niệm, xưng Nam mô A Di Đà Phật”. Giải thích “nãi chí thập niệm” của 18 nguyện trong “Vô Lượng Thọ kinh” tức chỉ 10 tiếng xưng Phật, dùng thiện tâm xưng danh vi thiết thiện ác thì dù là kẻ phàm phu cũng được vãng sinh chính định nghiệp. Tăng nhân Nhật Bản là Nguyên Không dựa theo thuyết này sáng lập Tịnh Độ tông Nhật Bản.
Kinh này là một cuốn kinh cùng với các kinh “Quán Phật Tam Muội Hải kinh”, “Quán Di Lặc Thượng Thăng Đâu Suất Thiên kinh”, “Quan Thế Âm Quán kinh” cùng một loại hình thuộc “Quán kinh”, còn giảng tam thánh Quán Di Đà, Quán Thế Âm, Thế Chí cùng với pháp của Cực lạc Tịnh Độ trang nghiêm. Trong 16 quán còn dùng quán thứ 9, chân thân quán của Phật A Di Đà làm quán hành tối trọng yếu, kinh đề cũng theo đó mà lập nên.
Việc phiên dịch kinh này thì bất nhất.
Sách “Xuất Tam Tạng ký tập – Quyển 4” viết không rõ ai dịch kinh này. Sách “Lương cao tăng truyện – Quyển 3” viết kinh này do Cương Lương Da Xá dịch vào thời Lưu Tống, Tăng Hàm chấp bút. Từ sách “Pháp Hoa lục” trở xuống thì các kinh sách đều vận dụng các sách trên. Sách “Lịch đại Tam Bảo kinh – quyển 4, quyển 7” thì ngoài việc cho rằng người dịch là Cương Lương Da Xá, sau còn nói là có hai bản dịch, một bản thời Hậu Hán không rõ tên người dịch với bản dịch thời Lưu Tống của Huyền Ma Mật Đa đều đã bị thất lạc.
Các bản sách chú thích kinh này cũng khá nhiều, trong đó đáng kể là sách chú thích của Tịnh Ảnh Tuệ Viễn, sách “Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ” 1 quyển của đại sư Trí Giả, “Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ” 4 quyển của đại sư Thiện Đạo, “Quán Vô Lượng Thọ kinh đồ tụng” 1 quyển của đại sư Truyền Đăng, “Quán Vô Lượng Thọ kinh ước luận” 1 quyển của Bành Tế Thanh. “Quán Vô Lượng Thọ kinh phù tân luận” 1 quyển của Giới Độ, trong đó sách “Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ” 4 quyển của đại sư Thiện Đạo được ưa chuộng hơn cả, lưu thông rất rộng.
“Vô Lượng Thọ kinh” cộng 2 quyển, do Khang Tăng Khải dịch, còn gọi bằng các nhan đề như là “Song quyển kinh”, “Lưỡng quyển Vô Lượng Thọ kinh”, “Đại Vô Lượng Thọ kinh”, “Đại kinh”. Bản kinh viết rằng vào thời “Thế Tự Tại vương Phật” có một ông vua xuất gia làm tăng, hiệu là Pháp Tạng, thệ nguyện độ hóa cho tất thảy chúng sinh đều được đến thế giới Cực lạc. Như trong 48 nguyện có câu:
“Thập phương chúng sinh dốc lòng tin, muốn sinh vào nước Cực lạc của ta thì niệm Phật 10 niệm, nếu người nào không được sinh vào nước Cực lạc của ta, thì không giữ được chánh giác”, về sau thành Phật hiệu là “Vô Lượng Thọ”.
Quốc thổ tại Tây phương, tên là An Lạc, hoặc tên là “Cực lạc”. Trong kinh tường thuật sự trang nghiêm của Tịnh Thổ, còn khuyên bảo chúng sinh và chư thiên tinh tấn tu hành, để cầu về với quốc thổ nước Phật.
Bản Hán dịch bản kinh này rất nhiều, xưa nay cho rằng có 12 loại bản dịch “ngũ tồn thất khuyết” tức:
1. Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do An Thế Cao thời Đông Hán dịch, ngày nay không còn.
2. Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, 4 quyển, do Chi Yến Gia Tạng thời Đông Hán dịch.
3. A Di Đà Phật kinh, 2 quyển, do Ngô Chi Liêm thời Tam Quốc dịch.
4. Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do Khang Tăng Khải thời Tào Ngụy dịch.
5. Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, 2 quyển, do Bạch Duyên thời Tào ngụy dịch, nay không còn.
6. Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn dịch, nay không còn.
7. Vô Lượng Thọ Chí Chân Bình Đẳng Giác kinh, 1 quyển, do Trúc Pháp Lực thời Đông Tấn dịch, nay không còn.
8. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do Phật Đà Bạt Đà La thời Đông Tấn dịch, nay không còn.
9. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do Bảo Vân thời Lưu Tống dịch, nay không còn.
10. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do Huyền Ma Mật Đa thời Lưu Tống dịch. Nay không còn.
11. Đại Bảo tích kinh Vô Lượng Thọ Như Lai hội, 2 quyển, do Bồ Đề Lưu Chí thời nhà Đường dịch.
12. Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm kinh, 3 quyển, do Pháp Hiền thời Bắc Tống dịch.
Tuy nhiên, các học giả người Nhật Bản thời cận đại, như các vị Thường Bàn Đại Định, Vọng Nguyệt Tín Đình, Trung Thôn Nguyên…, căn cứ kinh lục ghi chép tư liệu mới tìm được ở di chỉ Đôn Hoàng nghiên cứu đối chiếu với nguyên bản tiếng Phạn cho đến quan điểm phát triển của giáo lý, đề xuất nghi vấn đối với 12 tài liệu dịch nêu trên. Họ cho rằng các bản dịch trên kia trước sau có thể phân ra làm 5 loại dịch bản. Bản dịch thứ 3, thứ 5, thứ 11, thứ 12, còn có thể thêm vào bản dịch thứ 6 nữa, Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do Trúc Pháp Hộ thời Tây Tấn dịch, thì các bản dịch kia phần lớn là các ghi chép của người khác dịch mà thôi. Học giả Nhật Bản là Dã Thượng Tuấn Tĩnh còn tiến một bước cho rằng bản dịch của Trúc Pháp Hộ vào niên hiệu Vĩnh Gia thứ hai nhà Tây Tấn (308 CN) không phải là bản dịch của Khang Tăng Khải. Bản hiệu đính “Đại A Di Đà Phật kinh” 2 quyển của Vương Nhật Hưu vào niên hiệu Thiệu Hưng thứ 30 nhà Nam Tống (1160) là bản “A Di Đà Phật kinh” được lưu truyền rất rộng. Bản “Đại A Di Đà Phật kinh” của Vương Nhật Hưu nêu trên hiện còn tồn 4 bản dịch (trừ bản “Đại Bảo tích kinh Vô Lượng Thọ Như Lai hội”) có thể dùng để tham chiếu vì không phải dịch trực tiếp từ bản gốc tiếng Phạn.
Bản kinh gốc bằng tiếng Phạn cũng có mấy dị bản.
Năm 1883, học giả người Anh Alex Muller cùng với học giả Nhật Bản Nam Điều Văn Hùng cùng hợp tác xuất bản bản gốc. Muller còn dịch ra tiếng Anh lấy tên là The Larger Sukhãvati – vyũha.
Năm 1908, Nam Điều Văn Hùng đem đem bản dịch này chuyển thành tiếng Nhật.
Năm 1917, học giả Nhật Bản là Địch Nguyên Vân Lai lại căn cứ vào bản tiếng Phạn cùng với bản dịch do hai người Nhật phát hiện được ở Ni Bạt Nhĩ, đem sửa sang lại, cải đính bản tiếng Phạn của Muller đã xuất bản, rồi dịch sang tiếng Nhật. Ngoài ra, hai học giả Tự Bản Uyển Nhã và Thanh Mộc Văn Giáo, kẻ trước người sau đem bản dịch tiếng Tây Tạng dịch ra tiếng Nhật, tiếng Anh. rồi xuất bản. Ngoài ra, hai học giả người Nhật khác là Tự Bản Uyển Nhã, Thanh Mộc Văn Giáo kẻ trước người sau cũng dịch bản tiếng Tây Tạng ra tiếng Nhật rồi xuất bản.
Từ khi các bản dịch với các loại ngôn ngữ khác nhau tiếp tục in ấn phát hành thì giới học thuật có cơ sở nghiên cứu và đối chiếu, trong đó có những vị rất nổi tiếng đã tiến hành đối chiếu so sánh các bản Hán dịch với các bản gốc tiếng Phạn. Người ta làm cuộc đối chiếu toàn bộ chương đoạn của bộ kinh. Vấn đề nguyện văn nhiều ít, số lượng đại tỳ kheo họp lại, sổ mục danh xưng chúng Bồ tát, sổ mục của pháp tạng Bồ tát sở kiến chùa Phật. Thuyết trong kinh văn có câu “Di Đà nhập diệt, Quan Âm phác xử”, câu văn “Ngũ ác đoạn”, số vị Phật Quá khứ và nhị thập quang Phật, có hay không sự sai biệt vị trí các bài kệ tụng, thì các bản dịch không khớp với nguyên bản tiếng Phạn.
Bản kinh đã làm điển tịch căn bản của tư tưởng Tịnh Thổ. Các vị chú giải xưa nay liên quan đến bản kinh này, trọng yếu có sách “Vô Lượng Thọ kinh Ưu Bà Đề Xả Nguyện Sinh kệ” của Bồ tát Thế Thân người Ấn Độ, tức “Tịnh Thổ luận” trứ danh của Thế Thân, còn có tên là “Vãng sinh luận”. Sách “Vãng sinh luận chú” 2 quyển của tác giả Huyền Loan thời Bắc Ngụy, sách “Vô Lượng Thọ kinh nghĩa sớ” 2 quyển của đại sư Tịnh Ảnh Tuệ Viễn thời nhà Tùy, sách “Vô Lượng Thọ kinh nghĩa sớ” 1 quyển của tác giả Cát Tạng thời nhà Tùy, sách “Vô Lượng Thọ kinh sớ” 3 quyển của đại sư Viên Trắc, sách “Vô Lượng Thọ kinh tông yếu” 1 quyển của tác giả Nguyên Hiểu người Cao Ly (Tân La), sách “Vô Lượng Thọ kinh thuật nghĩa ký” 2 quyển của tác giả Nghĩa Tịch người Tân La, sách “Vô Lượng Thọ kinh ký” 3 quyển của tác giả Huyền Nhất thời nhà Đường, sách “Vô Lượng Thọ kinh thuật nghĩa” 3 quyển của tác giả Tịch Chứng thời nhà Đường, sách “Vô Lượng Thọ kinh liên nghĩa thuật văn toản” 3 quyển của tác giả Hoàng Hưng người Tân La, sách “Vô Lượng Thọ kinh khởi tín luận” 3 quyển của tác giả Bành Tế Thanh thời nhà Thanh.
Sách “Vô Lượng Thọ kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sinh kệ” trọn bộ 1 quyển, còn có các tựa là “Vãn sinh luận”, “Tịnh Thổ luận”, “Vãng sinh Tịnh Thổ luận”, “Vô Lượng Thọ kinh luận”, “Vô Lượng Thọ Ưu Bà Đề Xá kinh luận”, “Vô Lượng Thọ Ưu Bà Đề Xá”, “Nguyện sinh kệ” tức “Nhất luận” của “Tịnh Thổ tam kinh nhất luận”, Thế Thân người Ấn Độ viết, Bồ đề Lưu Chi thời Bắc Ngụy dịch.
Bồ tát Thế Thân dựa vào “Vô Lượng Thọ kinh”mà sáng tác ra kệ này, ca ngợi sự trang nghiêm của Tịnh Thổ Cựu lạc, đồng thời viết ra luận giảng thuyết xiển dương cho tu tập ngũ niệm môn là lễ bái, tán thán, tác nguyện, quán sát, hồi hướng, huyên vãng sinh Tây phương. Bảo rằng tu tập ngũ niệm môn thì có thể đạt được các loại thành tựu, lại tiếp tục còn được 5 loại công đức là cận môn, đại hội chúng môn, trạch môn, ốc môn, viên lâm du địa môn. Bốn loại công đức đầu là công đức người, có thể nhập vào thế giới liên hoa tạng, tự thọ pháp lạc. Còn loại công đức viên lâm du địa môn là công đức xuất, tức là hồi nhập phiền não sinh tử, du thần thông đến giáo hóa địa, như là tự lợi lợi tha, nhanh chóng thành tựu Bồ đề.
Bản luận này là bản duy nhất tuyển thuật luận bộ Tịnh Thổ ở Ấn Độ, nên Tịnh Thổ tông Trung Hoa trọng thị đặc biệt, cùng với 3 kinh “A Di Đà Phật kinh”, “Quán Vô Lượng Thọ kinh”,“Vô Lượng Thọ kinh” hợp thành “Tam kinh nhất luận” là kinh luận cơ bản của Tịnh Thổ tông.
Luận thuật của nó khá là tinh diệu, nhất trí với thuyết Thập bát viên tịnh của Bồ tát Vô Trước trong “Nhiếp Đại thừa luận”. Đại sư Huyền Loan thời Bắc Ngụy viết tác phẩm “Vãng sinh luận chú” 2 quyển, xiển thích luận này, cũng được lưu hành rất rộng.
(Dịch từ sách TỊNH ĐỘ TÔNG,
Ba Thục thư xã, 2009)
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết