Thông tin

VÌ SAO KHÔNG ĐƯỢC TẬP HỌC

KINH ĐIỂN ỨNG PHÓ ĐẠO TRÀNG

(ĐỂ LÀM THẦY CÚNG)?

 

MINH QUANG

 


 

Ngài Châu Hoằng, tức Đại sư Liên Trì (1532-1612), tham khảo và rút tỉa trong Kinh Luật, biên tập quyển Sa-di LuậtNghi Yếu Lược (Tóm tắt những điều trọng yếu trong Luật nghi Sadi). Trong quyển Luật này ghi: “Không được chọn tập học kinh điển ứng phó Đạo tràng”. (Bất đắc giản ứng phó Đạo tràng kinh tập học”. Ngài Trí Húc, tức Đại sư Ngẫu Ích (1599-1655) nghiên cứu Kinh Luật, soạn sách Sa-di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu (Mười giới Sa-di và trích lục oai nghi trọng yếu) cũng chép: “Không được chọn tập học trước kinh quyển ứng phó Đạo tràng”. (Bất đắc giản ứng phó Đạo tràng kinh quyển tiên tập học). (Tục Tạng, quyển 60, trang 437). Vậy thế nào là kinh điển ứng phó Đạo tràng? Vì sao không được chọn tập học những kinh điển này trước?

Để trả lời cho câu hỏi này, Ngài Hoằng Tán (1611-1685), một vị Tăng thuộc Tào Động tông có ảnh hưởng sâu rộng đến việc giáo dục thiền môn ở Việt Nam, đã chú thích như sau: “Phàm học tập kinh điển nên cầu sự thông tỏ nghĩa lý, hoặc là để đọc tụng, thọ trì tu học. Nếu học tập kinh điển dùng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng (ứng) nhằm đi phó hội trai đàn cúng kiến (phó) thì không nên học. “Ứng phó” là sử dụng các khí cụ não bạt, trống kèn v.v… (để tụng kinh) theo lời mời của gia chủ mà đi phó thỉnh”.

Trong Phật giáo vốn không có danh từ “ứng phó”, huống chi là có “kinh điển ứng phó”? Nay nói kinh điển Ứng phó Đạo tràng là chỉ những kinh điển, sám pháp, cho đến các khoa cúng thủy lục v.v… mà các thầy ứng phó dùng để lễ tụng theo lời mời của gia chủ. Tuy nhiên, kinh điển, sám văn chính là Pháp bảo vô thượng của Như Lai. Chỉ cần thọ trì một câu kinh, một bài kệ thì tội diệt phước sinh, mãi thành hạt giống bồ-đề.

Thế mà có người xuất gia lại lấy đó làm phương tiện kiếm sống, đổi chác tiền tài, lợi lộc thế gian, thật quá đau lòng! Nếu có người đàn-việt tín tâm thỉnh mời chư tăng tụng niệm để cầu phước, làm lợi ích cho kẻ còn người mất, đức Phật chỉ cho phép các thầy Tỳ-kheo đọc kệ rồi chú nguyện, cho đến chỉ đọc một bài kinh cũng đủ để lợi ích gia chủ. (Sa-di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú, TụcTạng, quyển 60, trang 243).

Luật sư Thư Ngọc (1645-1721) cũng giải thích: “Nói không được chọn tập học kinh điển Ứng phó Đạo tràng là vì kinh điển thậm thâm do đức Như Lai nói ra để người thọ trì tu học, lợi mình lợi người. Nay nói “không được tập học” lỗi nằm ở nơi chỉ “chọn”, tức không được chuyên chọn lựa tập học (trống kèn, khoa nghi cùng kinh sám) nhằm mục đích đi phó thỉnh nơi các đạo tràng (chỗ cúng kiến).

Đạo nghiệp căn bản của Sa-di chưa thành, e tập khí (tham đắm tiền tài, hưởng thụ) hiện tiền, vì lợi mà quên đi giới luật!” (Sa-diLuật Nghi Yếu Lược Thuật Nghĩa, Tục Tạng, quyển 60, trang 315).

Lại nữa, trong Sa-di Luật Nghi Tỳ-ni Nhật Dụng Hợp Tham, Ngài Tế Nhạc bảo: “Du-già là chữ Phạn, có nghĩa tương ưng (hay ứng). Đây là nói những ai siêu vượt cơ thiền, thấu tận pháp yếu, mới có thể ứng phó tùy cơ, dẹp mê giúp người ngộ nhập. Kế đó là những người biết được nghĩa kinh, chân thật tu hành, được người cung kính mà mời lễ tụng thì cũng có thể ứng phó. Còn như người không biết nghĩa kinh, chỉ lấy việc tán tụng để kiếm tiền, ăn thịt uống rượu, trái luật trái pháp, dối lạm dùng chữ du-già mà không có thật chất tương ưng. Đây thật là đau lòng!” (Tục Tạng, quyển 60, trang 401)

Ý Ngài Tề Nhạc nói người ta dùng Du-già Thí Thực Khoa Nghiđể cúng thí cô hồn ngạ quỷ, nhưng người cúng không phải là chân thật là Du-già sư, tức hành giả có định tuệ tương ưng, đủ sức ứng cơ tiếp vật (ứng phó), nên “danh” và “thật” bất xứng. Lại nữa, theo sự quán sát của Ngài, nhiều người học theo nghi thức, lễ nhạc, tán tụng của khoa Du-già thí thực, ngồi đàn chẩn tế, nhưng họ lại không có tu hành, cúng kiến có giá cả sòng phẳng, đàn chẩn xong lại cùng nhau ăn nhậu! Đây là hiện tượng suy đồi của Phật giáo không những chỉ có ở thời đại của các Tổ xưa mà đời nay cũng vậy!

Kế đó, Ngài Tế Nhạc lại dùng hình thức hỏi đáp để giải thích thêm vấn đề này.

- Hỏi: Kinh sám Ứng phó Đạo tràng đều là Phật nói, vì sao không được học trước?

- Đáp: Ngài Thâm Thê nói: Kinh sám Ứng phó Đạo tràng cố nhiên là do Phật nói, đâu thể không học? Nhưng nếu học trước, bệnh ở nơi chữ “chọn”, vì người như vậy là kẻ chí khí hạ liệt, vì lợi không vì Đạo. Thơ Hàn Sơn bảo:

Hậu lai xuất gia tử

後來出家子。

Luận tình nhập cốt si.

論情入骨癡。

Bản lai cầu giải thoát

本來求解脫。

Khước khiến thọ khu trì.

却見受驅馳。

Chung triêu du tục xá

終朝遊俗舍。

Lễ niệm tác oai nghi

禮念作威儀。

Bác tiền cô tửu khiết

博錢沽酒喫。

Phiên thành khách tác nhi.

翻成客作兒。

Dịch:

Người xuất gia sau này

Nhập xương tủy nghiệp si!

Tu vốn cầu giải thoát

Lại bị đời sai đi!

Suốt ngày dạo nhà tục

Làm lễ tỏ oai nghi

Kiếm tiền rồi rượu thịt

Tụng kinh mướn quá si!

(Tục Tạng, quyển 60, trang 401)

Thật ra, đúng như lời Đại sư Hoằng Tán nói, “Phàm học tập kinh điển nên cầu sự thông tỏ nghĩa lý, hoặc là để đọc tụng, thọ trì tu học”. Ngoài ra, nếu người xuất gia phát Bồ-đề tâm, lập chí hướng thượng, chúng ta học tập kinh điển còn để phiên dịch kinh điển, hoằng Pháp lợi sinh ở tương lai!

Vì thế, đối với người sơ tâm xuất gia, nên phát tâm học tập giới luật để có nền tảng đạo tâm, đạo hạnh vững chắc. Luật Tạng ghi rõ: “Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật” (Sau khi thọ giới trong năm năm đầu phải chuyên tinh học tập giới luật). Trên nền tảng giới luật này, việc học tập kinh giáo, tham vấn thiền tu mới tránh đi vào ngã rẽ và có thành tựu chân thật! Luật Tạng ghi: “Ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền” (Sau năm tuổi hạ mới nghe giảng kinh điển hay tham thiền). “Thính giáo tham thiền” là việc chánh yếu của người tu mà còn phải theo thứ lớp học sau giới luật, huống chi là “trước chọn học kinh sám để cúng kiến, ứng phó đạo tràng”? Đây là kinh nghiệm quý báu của người xưa, hàng hậu học chúng ta không thể xem thường, bỏ qua!

Thật ra, nghi quỷ chẩn tế, thí thực cô hồn, kỳ siêu bạt độ v.v… là kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và nghi quỷ Phật giáo, nhất là Mật giáo mà các Ngài xưa đã đưa vào Phật giáo Trung Quốc, thạnh hành vào đời nhà Nguyên, nhà Thanh. Phật giáo thuần chánh vốn không có những nghi quỷ này! Theo sự truyền bá Phật giáo, những nghi quỷ này cũng được truyền vào Việt Nam. Ví dụ, trong Phật pháp không có từ “cô hồn”, tức một linh hồn cô độc, đói khát vì không có con cháu cúng tế cho ăn theo tín ngưỡng dân gian, hay đạo thờ ông bà tổ tiên. Nguyễn Du nói:

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc

Quỷ không đầu than khóc đêm mưa

Cho hay thành bại là cơ

Mà cô hồn biết bao giờ cho tan!

(“Văn Tế Thập Loại Cô Hồn”)

Từ “vô tự” trong văn tế trên có nghĩa “không có người kế tự”, tức không có con cháu để cúng tế cho ăn, vì thế họ sẽ trở thành “cô hồn” đói khổ. Trong khi đó, Phật giáo chỉ có từ “ngạ quỷ”, chữ Phạn là “preta”, tức quỷ đói. Đây là một loại chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi vì tham lam, bỏn xẻn mà chịu quả báo đói khổ. Ngạ quỷ đói khổ không phải vì không có người cúng cho ăn mà là ăn không được vì nghiệp bỏn xẻn! Vì thế, khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, tinh thần từ bi cứu khổ đã kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng ông bà của địa phương mà hình thành nên những nghi quỷ cúng chẩn tế thí thực hay trai đàn bạ0t độ.

Từ đó, việc chẩn tế cô hồn ngạ quỷ trở nên phổ biến, hình thành một phần sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo Đại thừa Đông Á. Đây là phương tiện thiện xảo của người xưa để lợi ích chúng sinh trong một hoàn cảnh văn hóa xã hội và thời đại nhất định. Ví dụ, lồng trong nghi quỷ cúng kiến, là những bài Pháp ngữ cảnh tỉnh vô thường, nhắc nhở nhân quả, tán dương Tịnh Độ, hay khai thị thiền lý. Những bài Pháp ngữ này không những văn chương hay đẹp mà còn có ý nghĩa sâu sắc, khai phát người nghe.

Lại nữa, không phải tất cả những vị “ứng phó Đạo tràng” đều “suốt ngày dạo nhà tục, làm lễ tỏ oai nghi, kiếm tiền rồi rượu thịt, tụng kinh mướn quá si!”. Thật ra, có những vị Tôn đức giới hạnh trong nghiêm, tinh thông sự lý, mượn “ứng phó Đạo tràng” làm phương tiện độ sinh. Đây là điều Ngài Tề Nhạc bảo: “Những người biết được nghĩa kinh, chân thật tu hành, được người cung kính mà mời lễ tụng thì cũng có thể ứng phó.” (Xem sách đã dẫn). Cho nên chúng ta không thể “quơ đũa cả nắm”!

Tuy nhiên, những bậc tôn túc đáng kính này không nhiều. Còn những người như thơ Hàn Sơn nói lại là hiện tượng phổ biến trong Phật giáo. Đây là hiện tượng mê tín dị đoan, tập tục cha truyền con nối của “thầy cúng” hay “thầy tụng”.

Trên mạng xã hội, chúng ta thấy có những vị mang hình thức xuất gia lại đóng giả Tam Tạng Pháp sư trong Tây Du Ký, cùng với giả Tề Thiên, Trư Bát Giới… đi đưa đám tang! Lại có người thân đắp hồng y kim tuyến, đầu đội mũ Địa Tạng, quay cuồng múa lửa nơi trai đàn hay đám tang! Lại có đội ngũ những vị xuất gia trẻ đánh phấn thoa son, điểm dấu son trên trán như Ấn Độ, đội mão Địa Tạng, đắp y bệt trắng bệt đen trong Tang lễ của một vị Tôn Đức! Ngoài ra còn có nhiều hiện tượng biến tướng quái dị khác mà những vị có trách nhiệm cần lên tiếng để chấn chỉnh.

Tóm lại, người xuất gia phải nắm vững giới luật căn bản, có chánh tri kiến Phật pháp và hiểu được hoàn cảnh lịch sử trong việc truyền bá Phật giáo mới có thể khế lý khế cơ, ứng dụng Phật pháp lợi mình lợi người. Lại nữa, người xuất gia sau này không nên mù quáng “xưa bày nay làm” như thế tục, mà có thể mạnh dạn bỏ những “phương tiện” không còn “thiện xảo” (khéo léo) nữa! Nên biết “bỉ nhất thời, thử nhất thời”, chư Tổ có thời đại của chư Tổ, chúng ta có thời đại của chúng ta, phải lấy giới luật làm căn bản và Phật pháp thuần chánh làm chỗ lập cước vững chắc, rồi sau mới có thể bước ra xã hội phương tiện làm lợi ích chúng sinh!

Lại nữa, nghi thức cúng quá đường trong Tỳ-ni Nhật Dụng đã bao hàm tinh thần từ bi thí thực trong đó. Đó là “cúng Phật cập Tăng, Pháp giới hữu tình phổ đồng cúng dường”, hay nghi thức “xuất sanh tống thực”. Có người hỏi: “Sao không thấy chùa Thầy cúng thí thực cô hồn?”. Bút giả đáp: “Tu Viện Thiện Tường thực hành từ bi quán, cúng thí thực cho quỷ thần, cô hồn ngạ quỷ mỗi ngày!”. Đây là nói, tuy ở hải ngoại, nhưng đại chúng trong tu viện vẫn thực thành nghi thức cúng quá đường và xuất sanh hằng ngày, dù chỉ có một người thọ trai! Bút giả đã biên soạn kệ xuất sanh như sau:

Quỷ thần các loại lắng nghe

Vì tham bỏn xen ngăn che tâm mình

Bấy lâu đói khổ linh đinh

Nay nương Pháp Phật dứt tình chấp sâu.

Từ bi nước tịnh nhiệm mầu

Cam lồ rưới tắt lửa sầu thế gian

Chúng sinh khác loại muôn ngàn

Xin về thọ thực niết-bàn siêu nhiên.

Tâm từ Pháp lực vô biên

Bảy hạt hóa khắp tam thiên cúng dường.

Nam-mô Phổ Cúng Dường Bồ-tát Ma-ha-tát (3 lần).

Đã nói: “Tâm từ Pháp lực vô biên, bảy hạt hóa khắp tam thiên cúng dường”, thì cúng cô hồn đâu cần phải bày biện đủ thứ, đầy chật cả bàn (hay nhiều hơn nữa) để tỏ ra linh đình! Vấn đề là mình có chân thành tin vào lực dụng Phật Pháp và trải tâm từ đến chúng sinh hay không?

Tóm lại, vì sợ người sơ tâm xuất gia quên mất lý tưởng và bản chất Sa-môn là “siêng tu giới định tuệ, dứt trừ tham sân si” (cần tức) mà chư Tổ đã răn dạy Sa-di không được “tập học kinh điển ứng phó Đạo tràng”. Nói “tập học” mà không phải “học tập”, vì đây là tập sử dụng những pháp khí phức tạp theo lễ nhạc Phật giáo, cũng như luyện giọng cúng kiến sao cho hay ho và ăn nhịp với lễ nhạc!

Thật ra, kinh điển, lễ sám v.v... là lời Phật ý Tổ. Do đó, việc học kinh chẳng những không có lỗi mà còn là cơ sở để sinh trưởng phước trí. Tuy nhiên, như Ngài Hoằng Tán dạy: “Phàm học tập kinh điển nên cầu sự thông tỏ nghĩa lý, hoặc là để đọc tụng, thọ trì tu học. Nếu học tập kinh điển dùng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng (ứng) nhằm đi phó hội trai đàn cúng kiến (phó) thì không nên học” (Sách đã dẫn).

Như vậy, người tu chỉ cần “chuông ngang mõ thẳng”, tụng kinh chí thành, rõ ràng để hướng dẫn đại chúng cùng tụng là đủ. Ngoài ra, người xuất gia nên theo lời khuyên bảo của Tổ Quy Sơn:

 


 

Hãy để tâm nơi giáo Pháp,

ôn tìm kinh điển,

tinh thông nghĩa lý,

truyền bá hoằng dương,

dẫn dắt người sau,

đền ơn đức Phật!

Thời gian cũng chẳng luống qua,

lấy đó giữ gìn Đạo nghiệp,

đi đứng oai nghi

là bậc Tăng tài Pháp khí!

(Quy Sơn Cảnh Sách, Sakya Minh-Quang dịch).

 

Riêng những vị chân chánh tu hành, có duyên dùng âm thanh Phật sự, lễ nhạc tán tụng để hướng dẫn chúng sinh, xin thường đọc lại Luật Tạng của người xuất gia để không đi lệch quỹ đạo Chánh pháp, đơn giản hóa và Việt ngữ hóa nghi thức tán tụng, và nhất là nhân đây hoằng pháp lợi sinh, lấy đó làm phương tiện độ mình độ người. Được vậy thật đáng kính, đáng quý biết bao!

Thuở nhỏ xuất gia, bút giả phước duyên được gần gũi Hòa thượng Thiện Tường là người hành trì và hoằng dương giới luật. Hòa thượng không cho chúng học tán tụng, nghi quỹ cúng kiến… vì sợ hư mất sơ tâm. Ngài chỉ cho phép tùy duyên tụng niệm kinh điển, khai thị nghĩa lý và chú nguyện khi gia chủ hữu sự.

Hôm nay, nhân dạy giới luật và oai nghi cho người sơ tâm xuất gia, đến đoạn “không được chọn tập học kinh điển ứng phó Đạo tràng”, bút giả tham khảo chú giải của các bậc Cổ đức để chia sẻ đại chúng. Đây là làm theo Tổ Quy Sơn dạy: “Nói năng phải hợp với kinh điển, luận bàn cần có chứng cứ xưa”. Chẳng qua, người viết chỉ nhìn vào hiện tượng Phật giáo hiện nay, đưa ra vài nhận xét và suy nghĩ của mình để cảnh tỉnh và khích lệ người sơ học.

Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát Ma-ha-tát.

 

Sa-môn Sakya Minh-Quang viết xong ngày 10 tháng 07, 2022
tại Chùa Quang Minh, Chicago

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6703337