Thông tin

VÌ SAO TÔI DỊCH KINH KIM CƯƠNG?

 

THIỀU CHỬU

 

Tiền đức nói: "Đạo bản vô ngôn" nghĩa là đạo nguyên không phải là cái lấy lời nói mà diễn tả ra được; diễn tả ra tức là sai với đạo rồi. Lại có câu rằng: "Văn sở dĩ tải đạo" nghĩa là có văn chương mới dắt dẫn cho người tỏ đạo được.

Xem hai câu này, nghĩa trái hẳn nhau mà xét đến cội nguồn thì lại đúng nhau. Sao biết? Vì rằng có áng văn hay mới khiến cho người ta ham đọc, có ham đọc mới biết con đường hay mà theo, cũng như cảnh chùa Yên Tử rất đẹp, nhưng người chưa đi đến, thì biết đâu là đẹp mà đi. Vì có bài ca Hành trình đi Yên Tử của cụ Bạch Liên có những câu như:

Anh em ai kẻ tu hành

Có vào Yên Tử mới đành lòng tu.

Bấy giờ mới có cái hứng thú đi xem, nhân đi xem rồi mới biết đến công đức và mầu đạo của Trúc Lâm Tam Tổ, bấy giờ mới học kinh đọc luật, nhờ kinh nhờ luật tới đạo Bồ đề, thì lúc ấy không cần phải đọc bài Hành trình đi Yên Tử nữa, thế chả phải là nhờ có văn chương mới tỏ được đạo là gì?

Nước ta, tin sùng đạo Phật, đã mấy nghìn năm rồi. Các bậc thượng đức khắc bản các Kinh sách của Trung Quốc cũng đã nhiều lắm, làm ra sớ sao để giải nghĩa Kinh luận cũng không phải ít, nhưng vì tính ta kém phần tự lập về tinh thần, cho nên cứ vùi đầu với chữ Hán, ít người dám phiên sang tiếng ta. Không rõ rằng những Kinh chữ Hán ta tụng đó, có phải là chính tiếng Phật nói đâu, cũng là nhờ các bậc Pháp sư phát tâm cứu thế dịch tiếng Ấn Độ (chữ Phạn) ra chữ Hán cả. Kinh chữ Phạn dịch ra chữ Hán được thì dịch ra chữ ta cũng được chứ có hề chi. Như chữ Quốc ngữ của ta ngày nay thì lại rất dễ phổ thông, dịch âm thần chú lại đúng hơn chữ Hán, chỉ vì ta học đạo chưa hiểu thấu, cho nên không dịch hay đó thôi, nếu học hiểu rồi thì tôi dám quyết rằng Kinh nào cũng có thể dịch được hết. Muốn chứng thực lời tôi nói tôi xin biên tập các bản kinh bản ca của Tổ ta xưa đã làm hay đã dịch ở chữ Hán ra mà lần lượt in ra. Văn chương luyện đạt, như gấm thêm hoa, nghĩa lý sâu xa bể khơi còn kém, các Ngài đọc sẽ rõ. Dám mong ai người hữu tâm hoằng đạo, xin quy chính và giúp đỡ cho sau này Kinh sách dịch ra chữ Quốc ngữ, cũng như những Kinh chữ Hán dịch từ chữ Phạn ra, thì thật là bổ ích cho nền Phật học của ta nhiều lắm.

A di đà phật !

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6705192