Thông tin

VÌ SAO TỪ HÁN-VIỆT KHÔNG PHẢI LÀ

MỘT PHƯƠNG NGỮ CỦA HÁN NGỮ?

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH

 


 

Hán ngữ có đặc điểm là tồn tại rất nhiều tiếng địa phương, gọi là phương ngữ (dialect), có phát âm ít nhiều khác với tiếng Hán tiêu chuẩn (nay gọi là Tiếng Phổ thông). Một thống kê cho biết Trung Quốc có 129 phương ngữ. Các loại tiếng địa phương được gọi là phương ngữ của tiếng Hán đều phải cùng nguồn gốc với tiếng Hán. Ví dụ Tráng ngữ (tiếng Choang) của 17 triệu người dân tộc Tráng khác nguồn gốc với tiếng Hán, cho nên không phải là phương ngữ của tiếng Hán.

Có người thấy tiếng Việt có rất nhiều từ gốc Hán, tức từ Hán-Việt, bèn cho rằng tiếng Việt là một phương ngữ của tiếng Hán. Đúng là rất nhiều từ Hán-Việt có âm đọc giống các từ Hán đồng nghĩa tương ứng, như nam, nữ, quốc, trung, an, bảo, đọc lên nghe gần giống như tiếng Hán. Nhưng thực ra tiếng Việt dù có bao nhiêu từ Hán-Việt cũng không thể nào trở thành phương ngữ của tiếng Hán, bởi lẽ tiếng Việt khác nguồn gốc với tiếng Hán. Hơn nữa, trong tiếng Việt, từ Hán-Việt được sử dụng theo ngữ pháp tiếng Việt khác với ngữ pháp tiếng Hán, cho nên người Trung Quốc không thể nghe hiểu một câu nói toàn là từ Hán-Việt.

Để phân tích vấn đề này, cần nhắc lại vài kiến thức ngôn ngữ học liên quan. Ngôn ngữ học xếp các ngôn ngữ có chung nguồn gốc vào cùng một ngữ hệ (Language family, họ ngôn ngữ) - thuật ngữ chỉ một tập hợp ngôn ngữ có liên quan với nhau về nguồn gốc. Theo đó, tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), tiếng Hán và tất cả các phương ngữ của nó thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (Sino-Tibetan). Tiếng Tráng thuộc ngữ hệ Tai-Kadai. Như vậy tiếng Việt và tiếng Tráng khác tiếng Hán về ngữ hệ, tức khác về nguồn gốc, cho nên không phải là phương ngữ của tiếng Hán.

Khi xem xét nguồn gốc một ngôn ngữ, người ta chia từ vựng của ngôn ngữ làm hai loại:

1) - “Từ cơ bản” là loại từ gắn với nguồn gốc dân tộc, tự nó làm nên ngôn ngữ dân tộc, hình thành cùng với sự hình thành dân tộc. Từ cơ bản trong tiếng Việt được gọi là “Từ thuần Việt”, trong tiếng Hán là “Từ thuần Hán”. Ví dụ từ cơ bản là những từ chỉ các bộ phận cơ thể con người (mặt, mũi, tay, chân), từ nhân xưng (bố, mẹ, con, mày, tao), tên gọi gia súc (trâu, bò, gà, lợn), gọi vật dụng gần gũi nhất (bát, đũa, guốc, chăn), gọi hành vi cần nhất (ăn, uống, ỉa, đái) v.v… Nói chung là những từ gần gũi nhất với con người, những từ mà trẻ em học nói được học đầu tiên. Từ thuần Việt cực kỳ phong phú. Như trên đã nói, tiếng Việt khác nguồn gốc với tiếng Hán, điều đó thể hiện rất rõ ở chỗ âm đọc các từ thuần Việt hoàn toàn khác âm đọc các từ thuần Hán tương ứng.

2) - “Từ văn hóa” là loại từ vay mượn (loan words) của ngôn ngữ khác, xuất hiện khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác, thường là từ chỉ các khái niệm trừu tượng. Từ văn hóa xuất hiện sau từ cơ bản rất lâu, có thể tới hàng nghìn năm, vì thế không thể tác động đến nguồn gốc ngôn ngữ. Khi xem xét nguồn gốc ngôn ngữ, chỉ được dựa vào từ cơ bản mà không được dựa vào từ văn hóa.

Từ Hán-Việt thuộc loại từ văn hóa, xuất hiện sau khi dân tộc ta tiếp xúc nền văn hóa Trung Hoa, tức sau từ thuần Việt hàng nghìn năm, vì thế không thể tác động gì đến nguồn gốc tiếng Việt. Vả lại, từ Hán-Việt được dùng theo quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt. Đúng là tiếng Việt có rất nhiều từ Hán-Việt, nhưng vì nó không phải là loại từ cơ bản, do đó cho dù loại từ gốc Hán này nhiều đến đâu cũng không thể biến tiếng Việt thành ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Hán-Tạng. Từ Hán-Việt là “từ vay mượn” - vay mượn những từ văn hóa của tiếng Hán sau khi đã phiên âm sang tiếng Việt, nhằm bổ sung cho kho từ vựng tiếng Việt. Người ta chỉ vay mượn từ văn hóa mà không ai vay mượn từ cơ bản, bởi lẽ ngôn ngữ nào cũng đều đã có đủ từ cơ bản. Người Việt có thể nói chuyện với nhau hoàn toàn bằng từ thuần Việt, hoặc bằng từ thuần Việt pha lẫn từ Hán-Việt, nhưng không thể chỉ nói bằng từ Hán-Việt, bởi lẽ như vậy sẽ rất khó hiểu. Có thể suy đoán: dân tộc ta thời cổ chỉ nói từ thuần Việt, sau khi phát minh từ Hán-Việt mới bắt đầu nói pha trộn từ Hán-Việt, và do từ Hán-Việt tăng nhanh, nên ngày càng nói nhiều từ Hán-Việt.

Tình trạng dùng nhiều từ vay mượn như thế không có gì lạ. Trong tiếng Trung Quốc hiện đại, có khoảng 70% từ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn là từ vay mượn tiếng Nhật. Đó là các từ vựng người Nhật cuối thế kỷ XIX chuyển ngữ các từ vựng ngoại văn Anh, Pháp, Tây Ban Nha v.v... sang chữ Kanji, tức chữ Hán-Nhật. Ví dụ, từ chính phủ, chủ nghĩa, xã hội, tư bản, cộng sản.

Tóm lại, tiếng Việt dù có dùng bao nhiêu từ Hán-Việt cũng không phải là một phương ngữ của tiếng Hán, đó là do tiếng Việt khác nguồn gốc với tiếng Hán, do ngữ pháp tiếng Việt khác ngữ pháp tiếng Hán, và do từ Hán-Việt không phải là từ cơ bản.

Giới ngôn ngữ học chính thống của thế giới và Việt Nam xếp tiếng Việt vào ngữ hệ Nam Á, nhánh Môn-Khmer, nhóm tiếng Việt (nhóm Việt-Mường, Vietic); xếp tiếng Hán vào ngữ hệ Hán-Tạng. Bản thân cách sắp xếp đó đã công nhận tiếng Việt không phải là phương ngữ của tiếng Hán.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 221
    • Số lượt truy cập : 6296749