Thông tin

VỊ THẾ PHẬT GIÁO

TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ CỦA CƯ DÂN XỨ NGHỆ

 

CHU TRỌNG HUYẾN

 

1. Vị trí địa – tôn giáo của Nghệ An

Nghệ An là tỉnh thứ hai của miền Trung kể từ ngoài đi vào (sau Thanh Hoá). Thời Hai Bà Trưng nơi đây thuộc quận Giao Chỉ trong xứ Giao Châu của nước Nam Việt. Đến đầu thế kỷ XIV, Nghệ An với tên gọi Hoan Diễn (gồm cả đất Hà Tĩnh) thì Đèo Ngang là biên thùy cực Nam của đất nước và cũng là địa giới của tỉnh này. Bên kia Đèo là nước Chiêm Thành[1]. Bấy giờ đạo Phật đã được truyền vào nước ta khá lâu. Đến thời Lý Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Xác định toạ độ địa lý và khung thời gian như vậy để chúng ta tìm hiểu: Phật giáo đến với đất Nghệ tự bao giờ ? và từ đâu truyền tới? Đời sống văn hoá Phật giáo của cư dân xứ Nghệ ra sao?

Đối với đất nước ta, sách xưa có ghi rằng: Khi vua Cao Đế nhà Tề (479-483)[2] hỏi sư Đàm Thiên về Phật giáo ở Giáo Châu, sư Đàm Thiên nói rằng: “Xứ Giao Châu tuy nội thuộc nhưng chỉ là một nơi bị ràng buộc mà thôi vậy ra nên chọn các sa môn có danh đức sai sang đó để giảng hoá. May chi sẽ làm cho tất cả nhân dân được  phép Bồ đề”. Thì nhà sư ấy thưa: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc (Ấn Độ). Phật giáo truyền vào Trung Quốc chưa đến Giang Đông mà xứ ấy đã xây ở Luy Lâu 20 bảo tháp, độ được 500 vị tăng, dịch và truyền bá được 15 bộ kinh rồi”.

 Như vậy là không phải đợi những bản sao kinh Phật từ sau chuyến đi của sư Huyền Trang (thế kỷ VII) mà trước đó, đất Giao Châu đã có những bộ kinh như thế từ Ấn Độ chuyển tới. Bà Ngô Quốc Thái, mẹ của Ngô Tôn Quyền (chúa nước Ngô thời Tam Quốc, 220- 280) đã cho mời các nhà sư ở Luy Lâu sang Kiến Nghiệp (thủ phủ của nước Ngô) để  thuyết giảng về giáo lý đạo Phật cho nhân dân bên đó[3].

Đối với Nghệ An, nằm ở vị trí nói trên của đất nước, nơi đây có mấy nét đặc biệt về địa lý: Phía bắc, giáp với Thanh Hoá, xứ sở của sông Mã, sông Chu, là phần đất phía bắc của quận Cửu Chân kể từ thời Đông Hán. Sông Mã từ vùng Thượng Lào đổ về. Sông Chu có một phụ lưu chảy qua đất Quế Phong của Nghệ An. Miền Tây Nghệ An là một vùng rừng núi bạt ngàn có đỉnh Pulaileng cao 2772m. Và nói đến Nghệ An là phải kể tới Lam Giang tức sông Lam[4].

Sông Lam phát nguyên ở phía tây nam dãy núi Hưa Phan thuộc cao nguyên Sầm Nưa của nước bạn Lào. Sầm Nưa cũng là nơi bắt nguồn của của dòng Nậm Khan. Nậm Khan đổ vào sông lớn Mê Kông ở Luăng Prabăng.

Quốc lộ số 7 bắt đầu từ Ngã ba Diễn Châu (Nghệ An) xuyên biên giới Việt-Lào ở Nậm Cắn, sang đến Tha Do tại một khu rừng (Forêt Denses) thuộc Trấn Ninh thì gặp Quốc lộ số 6. Ngược lên một quãng, Đường 6 gặp Đường 4 xuất phát từ Viêntian rồi theo hướng trái, sang Thăng Long (Hà Nội).

Quốc lộ số 8[5] xuất phát từ Vinh, một thị cảng đặc biệt quan trọng, là trung tâm của xứ Nghệ từ buổi mới khai phá. Con đường này vượt sông Lam ở Ngã ba Phù Thạch (Hưng Nguyên) để sang Đức Thọ rồi đi hết đất Hương Sơn (hai huyện này thuộc Hà Tĩnh) thì vượt con đò (về sau có Cầu Treo) ở thượng nguốn sông Ngàn Phố (một nhánh của sông La) dưới chân cao nguyên Cam Muộn. Từ đấy người ta đi đến Tha Khẹt, đất Lào ở sát sông Cửu Long mà bên kia bờ là tỉnh Lạc Hòn của nước Thái.

Các con lộ quan trọng vốn là đường mòn, những lối đi của dân gian thời cổ sơ ấy dễ dẫn những con người có sức, có gan được sinh ra trên lưu vực sông Lam miệt mài đi đến cả Nê Pan của xứ Thiên Trúc để thỉnh đạo và chép kinh ở chính quê hương của Đức Phật.

 Yếu tố thứ hai, người Nghệ dựa lưng vào các núi và cao nguyên để nhìn ra biển.

Ở Bắc Bộ, biển lõm vào thành vịnh. Đến Nghệ An, bờ bắt đầu ưỡn ra như để trụ với sóng và gió. Các nhà địa lý và phong thủy học bình luận nhiều về hiện tượng tự nhiên này và có một ý niệm chung là con người ở đây đứng đầu trong việc sẵn sàng đón nhận những phong ba, bão táp. Kể thì bờ biển từ đấy đi vào cho đến Đèo Cả (Phú Yên) cứ uỡn dần ra để tạo nên dáng chữ S, là hình hài của đất nước. Nhưng về sự ưỡn ra ấy, Nghệ An là điểm khởi đầu.

Đường vô xứ Nghệ quanh queo

Non xanh nác biếc như treo hoạ đồ.

Ai vô xứ Nghệ thì vô!

Khách bộ hành từ Bắc vào đến đây mới thấy hiện tượng “nác (là nước) biếc”. Nước sông Hồng mang sắc đỏ của phù sa. Hệ thống sông Thái Bình luôn nhợn nước mặn và pha màu nước sông Hồng. Sông Mã ở Thanh Hóa phát nguyên từ cao nguyên hoàng thổ Pu Loi, khi gần ra biển thì giao nguồn với sông Chu và mang màu nước bạc. Phải vào đến Nghệ An mới thấy rõ “nác biếc” (trừ dịp tháng Tám là mùa lụt lội). Và hiện tượng sông luôn mang màu xanh ấy thì Lam Giang cũng là khởi đầu cho các sông của miền Trung.

Vậy mà biển xứ Nghệ lại hiền hoà. Khi cảng Cửa Hội chưa rõ tên tuổi thì thời Lý - Trần đã có Cảng Xước, đoạn đầu của bờ biển thuộc huyện Quỳnh Lưu. Các vua nhà Lý sùng đạo Phật đi công cán phương Nam thường cho thuyền ngự vào cảng này neo đậu. Đời Trần, năm Tân Hợi(1311) vua Trần Anh Tông tiếp tục đi về  phía trong bằng đường thủy và đã gặp sóng dữ nên cho thuyền vào nơi đó nghỉ lại. Trong giấc khuya, ngài mơ thấy một người đàn bà hiện lên giúp, nên sáng ra thì biển lặng sóng. Rồi hơn một thế kỷ sau, năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông cũng trong một chuyến công cán ở miền trong, lại vào đấy nghỉ rồi để lại bài thơ Dạ nhập Xước Cảng (Đêm vào nghỉ ở Bến Xước) trong đó có câu: “Phong đào thôi tỉnh Anh Tông mộng” (Cảnh sóng to gió dữ  đã xui ta nhớ đến giấc mộng của vua Trần Anh Tông).

Cũng từ phía Nam, người Nghệ còn có thể tiếp nhận văn hoá về chùa tháp của người Chăm từ phía bên kia Đèo Ngang và xa hơn nữa là của người Khmer. Người Khmer chịu ảnh hưởng văn hoá Bàlamôn từ rất sớm. Trên các tiểu công quốc của họ, những công trình kiến trúc dạng văn hoá Bàlamôn kết hợp với nghệ thuật chùa tháp Ấn Độ còn lại đã có niên đại không muộn hơn so với các nước khác trong khu vực.

Hoạt động chinh phục lẫn nhau giữa các quốc gia phong kiến thuở trước có một phản tác dụng là dẫn đến hiện tượng giao lưu văn hoá bằng sự qua lại của những tập thể con người. Chưa kể là từ thiên niên kỷ đầu tiên, thương nhân ngoại quốc từ  phía Bắc xuống và từ phía Nam như Diệp Điều, Chà Và…lên, đã đến với các bến sông đất Nghệ. Ngoài Cảng Xước là Cửa Cờn, Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng… Những nơi ấy thuyền buôn tứ xứ thường đến trao đổi, mua bán. Cùng với nhu cầu kinh tế là giao lưu văn hoá từ các khách buôn có tín ngưỡng. Những người đi truyền đạo cũng theo đến. Và ngược lại, có những người từ đây đi theo các con thuyền ấy mà đến ăn mày nơi cửa Phật. Họ lần đến cả những xứ sở thật xa, mang được kinh kệ về phổ biến cho bà con mình.

Tóm lại về vị trí địa - tôn giáo, đạo Phật (cũng như đạo Thiên chúa sau này) đã khá dễ dàng được truyền vào đất Nghệ.

2. Xứ Nghệ không phải là nơi đạo Phật thịnh hành

Người Nghệ cũng như cư dân Việt Nam nói chung, khi ước mong một điều gì đó thì họ cầu Trời, khấn Phật rồi mới nhờ đến thần thánh, tổ tiên, ông bà… Tức, họ đặt đức Phật sau vị trí ông Trời.

Hình như lịch sử, trong đó có phần tôn giáo chọn Nghệ An làm một trong những nơi khai sáng, mở đầu, tạo điển hình nhưng rồi sự mẫu mực hay là đỉnh cao ấy không được nhân rộng và phổ biến mà phần đó là thuộc về nơi khác.

Rất nhiều luận cứ cho rằng chùa Thiên Tượng (cũng gọi là chùa Hương) trên núi Hồng Lĩnh là có trước chùa Hương Tích ở Hà Nội), tại đây xưa có một làng lấy tên là Bụt Đà (nay thuộc xã Đà Sơn, huyện Đô Lương). Cuối thời Trần, hoàng hậu  Trần Thị Ngọc Hòa, vợ vua Trần Duệ Tông (1373-1377) đã về quê cha, là làng Tri Ban, xã Thổ Hoàng, huyện Hương Khê lập ra Diên Quang Tự, tức chùa Am (nay thuộc xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Vùng ấy hiện còn có mấy cơ sở của nhà chùa và một phần di tích về tháp mộ của Hòa thượng Thích Trí Liễn (thế danh là Nguyễn Tất Tố, 1868-1938). Trên đất Nghệ - Tĩnh thuở xưa, các chùa có sư nổi tiếng trụ trì như vậy là không nhiều.

Ngoài chùa Thiên Tượng và chùa Am, xứ Nghệ cũng còn một số ngôi chùa cố kính khác như ở Vinh có chùa Diệc (cơ bản đã bị phá hoại), chùa Cần Linh (tức chùa Sư Nữ, vì các đời sư trụ trì ở đây đều là các vị nữ tu)… Một số địa phương khác ở đồng bằng và trung du cũng có những ngôi chùa được tuyền tụng là linh thiêng nhưng rất hiếm nơi có sư trụ trì cũng như là có vãi, có tiểu túc trực mà phần nhiều là cửa đóng then cài. Khi một ai đó cần đến thì chùa mới mở cửa. Khói hương khấn vái xong, cảnh chùa liền trở lại tĩnh mịch như cũ[6]. Ngay cả ở miền xuôi cũng nhiều làng không có chùa. Miền núi cao thì đền thờ thần cũng là hiếm. Ở đấy có vị anh linh tối cao là trời rồi đến thần, sau đó là ma. Các vị thầy cúng và những người làm then có nhiệm vụ chủ yếu là làm phép, trừ ma để mong chủ nhà hết ốm đu, hoạn nạn.

Ở Nghệ An vốn là miền đất cổ nhưng không thể có được những nơi thờ Phật như chùa Keo, chùa Yên Tử cũng như chùa Thiên Mụ trên bờ sông Hương, nơi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634, lấy Phật danh là chúa Sãi, dù trong đó là vùng đất mới mở sau này).

Vì sao?

Có lẽ bởi ở xứ này, thiên nhiên đặt con người trước quá nhiều thử thách: hạn hán, bão tố, lụt lội để dẫn đến đói nghèo, bệnh tật và chết chóc. Hơn nơi đâu hết, ở đây con người có ý thức rất cao về sức phấn đấu tự thân. Các quy luật cũng là pháp lệnh cho con người ở đây là: “khôn sống - vống chết”; trước sức tàn phá của bão lụt thì “mình phải tự cứu lấy mình”, làng xóm phải che chở cho nhau. “Tay làm hàm nhai; tay quai miệng trễ” khi mà sau các trận lụt lớn, ruộng nương còn lại là “đồng trắng, nác trong”. Con người phải nhân sức mình lên gấp bội để có lại phần của cải nhỏ nhoi như cái đã bị thiên nhiên tước đoạt. Nhưng có những cái con người ở đây không thể tìm lại được! Đó là có những trận lụt, lở đất, cuốn trôi cả đền chùa, miếu mạo, cả những bãi tha ma trên đó có phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ! Bấy giờ họ nghĩ thần, phật có linh thiêng sao không ra tay cứu nguy? Không phải thiên nhiên không đem lại cho con người trên lưu vực sông Lam những mối lợi rất lớn nhưng phần mà tạo hoá thường tước đoạt đi ở nơi này là như vậy. Rồi có những ông quan, những cai phó tổng, lý hương, những điền chủ “miệng luôn tụng niệm Nam mô nhưng bụng thì chứa ba bồ dao găm”. Cho nên người dân lao động xứ Nghệ tin có đức Phật cũng như tin ở các đấng thần linh cứu nạn, cứu khổ khác nhưng tuyệt đại đa số trong họ, họ tự chủ trương: “Phật tại tâm”. Đại diện cho họ sau này có một một Nguyễn Thiếp (1723-1804): “Thế sự chi bằng đọc với cày”; một Nguyễn Du (1766-1820): “Thiện căn ở tại lòng ta”; và một Nguyễn Công Trứ (1788-1858): “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.

Nhưng nói như vậy không phải là trong các thời cổ, trung và cận đại của lịch sử, xứ Nghệ không đậm màu văn hoá Phật giáo khi mà trên đất này có một học giả đã có tác phẩm về Phật học nổi tiếng là Trần Trọng Kim (1887 - 1953). Điều này xin được dành cho một bài viết khác.



[1] Năm Bính Ngọ (1306), hoàng đế Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành và sính lễ có được là hai châu Ô và Lý. Năm sau, Đinh Mùi(1307), ngài cho đổi vùng đất đó thành 2 phủ Lâm Bình và Thuận Hoá rồi chọn người trong dân chúng ở đấy, bổ làm quan, giao cho họ quản lĩnh vùng đất mới này

[2] Có sách chép người hỏi đó là Đường Cao Đế (603-617). Xin xem Hoàng Xuân Hãn. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. tập 2. Nxb. Giáo Dục, HN 1998.  tr 500-501 và Chu Trọng Huyến. Tìm hiểu đặc tính con người xứ Nghệ. Nxb Nghệ An. 2004, tr. 92-93.

[3] Đinh Gia Khánh. Các vùng văn hoá Việt Nam. Nxb  Văn học, HN 1994, tr. 16-17, được Chu Trọng Huyến dẫn trong tác phẩm nói trên. tr. 93.

[4] Hồng Lĩnh- Lam Giang (gọi tắt Lam - Hồng) là cảnh trí. Còn núi cao nhất của Nghệ An là  Pulaileng , thuộc phần địa đầu của hệ thống Trường Sơn.

[5] Các tuyến đường loại xa lộ liên tỉnh, liên quốc gia  ở Trung Đông Dương do người Pháp khảo sát và thiết kế vào những năm đầu của thế kỷ XX là chủ yếu họ dựa vào các con đường mòn do tiền nhân dọc theo các miền vùng ấy khai phá.

[6] Sau Cách mạng tháng Tán (1945), vùng này có chủ trương hợp tự rồi sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hầu hết các chùa làng trên đất Nghệ đã không còn dấu tích.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6130347