VU LAN BỒN
VU LAN BỒN
VIÊN PHÁP
(Trích từ Tạp chí Từ Quang số 9, tháng 9 năm 1952)
YẾU LÝ QUYẾT NGHI
Năm nào đến rằm tháng Bảy, giới Phật tử hợp lại thiết lễ Vu lan, cầu siêu cứu khổ thân nhơn cho tồn vong đều được ích lợi. Một đàng xuất gia Tăng già thiệt hành cái lý: “Trên cầu Phật quả, hạ hóa chúng sanh”, dùng pháp thí, nguyện lực, để đổi lấy tài thí quyền dụng tu hành; một đàng cư sĩ tại gia thiệt hành cái lý: “Trên cầu Phật lực, hạ cứu thân nhơn”, lấy tài thí tâm thành, để cầu pháp thí chú lực, cho vong nhơn nhờ đó siêu thoát.
Mục đích và phương pháp cứu bạt, Phật đã dạy trong kinh Vu lan, nên giới Phật tử một lòng vưng theo, nương trong ánh Từ quang của Phật, như pháp Cứu vong độ sanh.
Đối với việc làm cứu bạt, đại chúng còn có nhiều chỗ nghi nan nhứt là trong giới tân học, nên có mấy điều quyết nghi sau đây:
1- Nghi về địa ngục
Có người cho là không có Địa ngục, có kẻ cho có mà giống như dương pháp. Có số người nhiễm thuyết duy vật, cho là không có thiên đường địa ngục gì cả; cũng phủ nhận luôn cả Tịnh độ Phật quốc. Họ chỉ nhận có nhơn gian thế giới mà ngũ quan trí ý cảm biết được. Họ cho sống là cứ làm cho thỏa mãn lòng yêu thích, bất cứ bằng cách nào; vì yêu thích thỏa mãn là hạnh phúc. Không cần làm lành lánh dữ, làm phước làm đức, tiêu tai diệt tội, vì không có Thiên đường, ai mà thưởng lành; không có địa ngục, ai mà phạt dữ; không có thiện ác, nhân quả, báo ứng gì cả, chỉ phải sống, sống một cách đầy đủ, đừng để ai đe dọa gạt gẫm. Họ thường thốt ra câu: “Tu nhơn tích đức già đời cũng chết. Con người ta kiếp chết là kiếp hết. Không cần lo nghĩ xa xôi gì cho mệt”. Theo Phật lý đó là cái sống Đoạn kiến(1). Người ta mạnh dạn như vậy, nên không điều ác nào không làm, rồi sau này Địa ngục sẽ đến cho họ, dầu muốn từ chối cũng không thể đặng. Người không có chánh tín như vậy, thì tốt hơn đừng nghe theo ai, làm việc che mắt thế gian, vì không ích lợi cho ai hết.
Một số người khác, đã theo đạo Phật, có lòng tín ngưỡng giáo lý, nên tin có Địa ngục, nên sợ Địa ngục, và có Tịnh độ, nên cầu về Tịnh độ; nhưng vì chưa rõ nghĩa lý Địa ngục và nguyên do của nó, nên hoặc cho Địa ngục là tự nhiên có, hoặc Trời sanh ra, hoặc Thánh thần sắp đặt. Họ tin cảnh Địa ngục như cõi Nhơn gian: cũng có vua, quan cai trị, phán quan thẩm xét, lính tráng giữ phạm, quỉ tốt hành tội. Vua, quan, lính, tù ở dưới Địa ngục, cũng có thân thể, cơm ăn, áo mặc, nhà ở, vợ chồng, tôi tớ, có tình thức như ở thế gian, cũng biết ăn lo ăn lót, cũng sợ thế lực
mạnh mà bỏ phép công. Nên ai có thân nhơn tiền căn tích ác biết phải đọa ngục, thì cố lo cho có vàng mã, món ăn, thức uống, đồ dùng, làm kho gởi xuống để vong tiêu dùng và lo lót các ông giam giữ hành hình, cho thân nhơn đỡ khổ. Người nào sẵn tiền lại thỉnh sư phá ngục, cho khổ vong chóng ra, rồi lại đốt vàng mã vật dụng, gái tơ xuống đó cho vong được ăn chơi tiêu dùng thỏa thích.
Vì nghĩ sai như thế, nên cuộc lễ Vu lan bồn có cái ý nghĩa là lo lót, để oan hồn đỡ khổ, là dùng oai lực của Phật để cứu vớt một thần hồn từ trong ngục tối ra khỏi chốn si mê. Như vậy thì si mê vẫn hoàn si mê, làm gì siêu thoát sanh Thiên, vãng Tịnh được. Phật cho hiểu như vậy là đọa vào Thường kiến,(2) là một cái tà kiến khác. Nếu hiểu như vậy, thì thà đừng thiết cuộc Vu lan bồn còn hơn, vì phí của, công mà vô ích. Tại sao? Tại nó không đúng với chơn lý. Có quan niệm Địa ngục như vậy là tưởng ngoài tâm có pháp, ngoài tâm có Địa ngục, nghĩa là ngoài tâm ác độc ra có Địa ngục riêng, ngoài cái tâm tự giác ngộ có sự cứu bạt riêng, ngoài tâm tự giải thoát ra, có ông Phật lo phá ngục riêng(3).
2 - Nghi bà mẹ ngài Mục Liên không chắc đặng độ
Có kẻ nói: Có lẽ Phật quyền nói phép giải đảo huyền để sau nầy Tăng già có phương tu học, cứu nhơn độ thế, chớ không lẽ độ vong được. Phương tu học, cứu nhơn độ thế, chớ không lẽ gì độ vong được vì:
a) Sự chú nguyện khó thành công
Nghi như vậy là không phải. Vì trong kinh Hoa Nghiêm, Phật thường nói cái lý “nhứt thế duy tâm tạo”. Còn trong Duy Thức, Phật nói: “Vạn pháp duy thức biến”. Như thế thì nhân quả cũng duy tâm mà cảnh trạng cũng duy thức. Khổ hình rùng rợn nơi địa ngục, ngạ quỉ, là hiện hành của tâm niệm tham lam độc ác. Còn những phúc lạc của cõi Trời, là sự thù đáp của tâm niệm hiền hòa nhơn đức tĩnh mịch. Đến như cảnh Cực lạc, muôn báu kỳ lạ, một màu thanh tịnh, lành đẹp trang nghiêm, là nhờ công đức của Phật A-Di-Đà và của người chuyên tu Tịnh độ hóa hiện. Cho đến tất cả bốn độ, mười giới, ba cõi, sáu đường, chi chi cũng đều tùy tâm mà biến hiện, tùy thức mà tỏ rõ.
Tâm tham lam, ngu si, độc ác hiện ra cảnh ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Tâm lương thiện, nhân từ, an tĩnh, hiện ra cõi nhơn gian, thiên đường. Tâm từ bi trí huệ, thanh tịnh hiện ra Phật quốc Tịnh độ. Đó là pháp tùy tâm sanh. Pháp lý Đại thừa duy Tâm thức nhận rõ căn do và hiện tượng muôn pháp như vậy mà nhận rõ một cách xác thực, như các cuộc phát minh của khoa học.
Đã biết toàn thể pháp giới đều ở trong một tâm, thì thiện với ác đồng ở một tâm. Đã đồng ở trong tâm thì phần Thiện tâm chế phần Ác tâm, rất là tự tại, dùng phép đối trị để điều ngự thì muôn ác đều tiêu trừ, muôn lành lại tăng trưởng. Như ta khởi một niệm quấy, ta hay biết (nhờ thường giác sát) liền khi đó ta khởi một niệm thiện để đối trị, thì niệm ác bị đánh tan ngay, mà niệm thiện càng hăng hái. Niệm trước là ác, niệm sau là thiện, hai niệm không rời nhau không xa cách, thì lấy đó trị đó, có tìm kiếm đâu xa, mà khó khăn trở ngại. Cứ xét cái tâm ta trong thân nầy, nó sanh lên ta diệt được nó, thì đủ biết. Nên Phật dạy ta cách tu hành, dùng bố thí độ tham lam, dùng trì giới độ hủy phạm, dùng nhẫn nhục độ sân si, dùng tinh tấn độ giải đãi, dùng thiền định độ tán loạn, dùng trí huệ độ ngu si, tự độ độ tha, như vậy luôn mãi. Cứ xét một cái tâm trong thân này, nó sanh ta phải lo diệt, mà ta diệt được nó thì đủ biết pháp của Phật trong hội Vu Lan phá được địa ngục, độ được khổ vong, có hiệu nghiệm thật vậy, vì nó đúng với Chơn lý Đại thừa, không còn nghi ngờ gì nữa.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật đã phát minh cái tướng trùng trùng duyên khởi đó của vô tận pháp giới. Tướng ấy ta thường nêu ra khi nói: “Đánh trống động chuông, bứt dây động rừng”. Vậy biết muôn sự vật dính líu khít khao nhau là bực nào! Khi ta liệng cục đá xuống biển, sóng dợn và lan ra khắp cả đại dương. Một làn sóng điện phát ra từ một nơi, biến mãn trong hư không thế giới. Một ngôi sao xa tít mù, phóng ánh quang tới quả địa cầu, trải qua mấy triệu “năm ánh sáng”(4). Đó là việc ta có thể hiểu được. Đến như dùng lực chú nguyện mà cứu bạt vong nhơn, mới nghe hình như việc đau Nam chữa Bắc, vô lối hoang đàng. Nhưng không. Dùng chú nguyện lành sáng mà cứu độ khổ nhơn, có thể kết quả tốt đẹp vì khế hiệp với Chơn lý.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nêu ra:“Sáu tướng viên dung, mười lý tức thị”(5)của pháp giới, trong đó cái lý “chủ, bạn viên dung đủ đức” đã được áp dụng tỏ rõ nơi đây. Chủ là Phật, Bồ tát trong hội Vu Lan; bạn là nạn nhơn thọ khổ, Phật và Bồ tát có đủ phúc tuệ, thì tồn vong thọ khổ, há không nhờ ảnh hưởng mà đặng phần nào sao, vì vốn đồng đều đủ kia vậy? Nhờ oai thần của Phật, lại nhờ lòng chí hiếu của thân nhơn, lòng hỷ xả của thí chủ, mà tâm thức xấu xa được chuyển biến thành tâm tốt lành. Hễ tâm chuyển thì cảnh dời, tâm lành thì cảnh sáng, không còn nghi ngờ gì nữa.
Đã biết tất cả sự vật trùng trùng làm nhân duyên nhau mà phát hiện, nên tâm của chúng ta nhờ lý ấy mà biến mãn, ảnh hưởng khắp trong tất cả pháp giới. Cái tâm bởi đó mà phổ biến; nếu có đủ đức tịnh minh, thì cá tâm biến thành phổ quang, phổ minh, phổ tịnh. Thế thì cá nhân tức là quốc gia, tức là xã hội, tức là pháp giới. Cá tâm thanh tịnh quang minh cụ đức, tức là toàn thể pháp giới tịnh minh. Một niệm sáng suốt siêu thoát, ảnh hưởng đến toàn thể pháp giới, trong thập phương tam thế, đâu đâu lúc nào cũng tưng bừng hoan hỷ. Toàn thể thập phương, tam thế pháp giới đó lại cải hoán một tâm. Một niệm thiện biến mãn hư không như vậy, một tịnh tâm biến mãn hư không như vậy, thì nhiều niệm tịnh thiện, nhiều tịnh tâm sẽ có cái oai lực thần thông diệu dụng, thật khó nghĩ bàn. Thế nên thức tâm tội khổ nhờ đó mà được chuyển hóa, thành phổ biến tịnh tâm, thể nhập trong vô tận tịnh minh pháp giới. Vậy thì mẹ ngài Mục Liên và các khổ vong khác làm sao lại không đặng sanh Thiên, vào Liên hoa cảnh?
Một điều nữa làm cho thêm tin, là trong Thắng hội Vu lan nhằm ngày Tự tứ, tất cả Thánh chúng, đạo rộng như trời, đức sâu như biển, một lòng đại định, đại xả, một ý thanh tịnh từ bi, một tâm vô uý hoan hỷ, một tánh tuệ giác linh thông, một trí mãnh quang soi chiếu, đủ cả “viên mãn, từ bi, trí huệ, Bát nhã, tam muội, kiết tường, phúc đức, công đức, biện tài, tán thán”, các ánh quang tốt đẹp đó đều rộng lớn cao cả sâu xa mãnh liệt. Bởi vậy nên khi các ngài phóng ra chiếu phá tam đồ ác cảnh, thì làm gì tâm mẹ Mục Liên không thâm cảm, rung động, mà chuyển hóa từ tâm tam độc thành tâm tam đức(6). Tâm ác đã chuyển thì cảnh ác đâu còn. Tâm thiện đã sanh thì cảnh lành phải hiện.
b) Nghi chú nguyện không bằng tụng kinh cho vong nghe
Phật pháp quyền dụng khó lường, có khi tụng kinh, có khi niệm chú, có khi thuyết pháp, có khi chú nguyện tụng kinh, thuyết pháp là hưỡn cứu, chú nguyện trì mật là cấp cứu.
Chú nguyện là sự tập trung tư tưởng, ngưng tụ tinh thần, đem hết ý chí trí lực vào một vấn đề gì, để cho nó phát huy tỏ rõ, thâu thập kết quả được như ý nguyện. Chúng ta thường thấy các nhà thôi miên huyễn thuật, chỉ gia công tu tập cái phép tập trung tư tưởng một vài ba năm, mà còn muốn sai khiến kẻ đối phương hành động theo ý muốn của mình được. Ấy là dùng tà định mà còn được kết quả như vậy thay, huống chi mấy vị cao tăng đạo đức là những bậc có một tinh thần trong sạch, có một định lực kiên cường, có một cái huệ quang sáng rực, há không có cái thực dụng để thành kết quả vạn bội hay sao?
Ví dụ như đem gương ra ánh sáng mặt trời mà lấy lửa. Bao nhiêu quang tuyến và nhiệt độ nhờ sự tập trung, theo luật khúc xạ, mà sự nóng sáng tản mát quí hóa thành lửa đỏ, thiêu đốt hiện vật. Lại cũng thí như bao nhiêu suối, ngòi, kinh, rạch, đều đổ về trong thung lũng hẹp dài, bờ cao, dốc đổ, thì dòng nước ấy mãnh liệt biết bao. Nếu đặt tại đó một cái máy sanh điện, số mã lực rất to tát.
Đại đức Thánh Tăng, sau một thời gian tu học khá lâu (sáu tháng hoặc ba tháng), luôn luôn sống trong lục hòa, thân khẩu ý một màu thanh tịnh, tánh sáng như gương, tâm trong như ngọc, không còn mảy trần tội lỗi, đức tướng quang minh, lục độ cụ túc, ngài nào cũng như hòn núi báu, chiếu sáng long lanh, vị nào cũng như ngọc ma ni, ửng sắc linh động, thì chú lực, nguyện lượng của các ngài sẽ công hiệu biết bao.
Các Ngài dùng nhứt tâm chú nguyện gom hết thần lực, ám thị độ vong, dưới sự hộ trì của huệ quang chư Phật, thành nước cam lồ tưới tan muôn lò lửa phẫn, thì tâm độc ác biến thành tánh thiện lương, khổ cảnh Địa ngục biến thành phước quả Thiên đường Phật quốc, hẳn làm được lắm, không còn nghi ngờ gì nữa.
Đó là dùng tinh ba y dược, hoặc đổ vào miệng, hoặc tiêm vào thân, cứu bịnh nhơn trong lúc nguy cấp, cho bịnh nhơn hoàn hồn thoát chết, rồi sẽ giảng kinh cho biết, thuyết pháp cho nghe mà duy trì cái tâm thiện lương mới được.
c) Nghi Phật không thể cải luật nhơn quả
Nghi như vậy là tin thuyết Định mệnh, là một thứ tà kiến khác nữa. Phật có thể nương theo luật Nhơn quả, mà cải luật Nhơn quả. Luật Nhơn quả có hai công dụng:
1 - Gây nhơn ác, chịu quả ác.
2 - Tu nhơn lành, hưởng quả lành.
Nương theo lý Nhơn quả duy tâm như trên, nên mới có thể tùy tâm mà diệt ác tu thiện, tại trong tâm mà lìa khổ được vui. Lại nương theo tánh cảnh duy tâm, nên có thể đổi từ mê mờ chuyển thành khai ngộ, lại trong tự tánh mà lìa tối ra sáng.
Lại nữa, Phật có thể cải luật Nhơn quả, là nương theo cái lý “tội tánh bổn không”, tội không có tự tánh(7). Trong Từ bi Thủy sám có câu: “Tội không tự tánh, tùy nhơn duyên mà sanh, bởi điên đảo mà có”. Bởi nó tùy nhơn duyên mà sanh, thì cũng nhờ nhơn duyên mà diệt được. Tội sanh là bởi cái nhơn duyên gần gũi bạn ác, tập tánh xấu xa, sa đà phóng túng. Nay muốn diệt tội trừ căn thì phải quy y Tam Bảo, gần thiện tri thức, chí thành sám hối, thì tội phải tiêu ma.
Kinh đó lại nói rằng: “Tánh của tội không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở giữa”. Bởi nhơn một ý hiểu lầm mà sanh ra, vọng có. Mà khi đã dứt trừ vọng niệm thì tội khổ liền tiêu; vì vậy mà nói tội không thiệt có. Cho nên theo Phật pháp thì không có Thiên đường đời đời cũng không Địa ngục vĩnh kiếp, nếu ta biết hoán cải tự tâm.
Tội bởi tâm sanh, thì bây giờ làm sao cho tự tâm trừ diệt, thì tội phải tiêu tan, cảnh phải biến mất. Trong trường hợp nầy, phải làm sao hoán cải được cái tâm ác độc tham sân của mẹ ngài Mục Liên, thành tâm hiền lương, hỷ xả, thì vạn sự tất cánh. Chớ không phải một kiếp lỗi lầm, muôn đời đau khổ. Tuy luật Nhơn quả không sai, nhưng nhơn nào thì quả nấy. Đã có thiện nhơn để trừ ác nhơn, thì há không có thiện quả để thay ác quả hay sao? Nhờ cái lý “tội tánh bổn không” đó mà ta có thể tự mình sám hối cho tội tiêu trừ. Nếu tội không thể biến đổi chuyển di, thì Phật dạy sám hối làm chi vô ích. Sám hối rồi phải lìa cái nghĩ đi nghĩ lại, vì nó sẽ kéo níu ta vào trong tội lỗi.
Có bài kệ rằng :
Tội từ tâm sanh, phải từ tâm sám.
Bằng tâm đã diệt thì tội đâu còn.
Tội diệt, tâm quên, hai sự đều không,
Vậy mới thiệt gọi là cầu sám hối.
3 - Nghi rằng nếu Mục Liên không cứu được mẹ, thì tu thành đạo, sao cứu được cửu huyền
Đó là sự nghi ngờ cần phải giải quyết. Nếu không thì thối chuyển thiện tâm, thật là oan uổng.
Nếu thấy riêng một việc dâng cơm, thì ngài Mục Liên không cứu được mẹ vì thiếu điều kiện. Còn nghe kinh Vu Lan, rồi thấy Phật dạy cứu đảo huyền, ngài làm y theo thì cứu được mẹ. Một mình ngài không cứu được mà nhờ đại đức chúng tăng dưới sự hộ trì của Phật thì ngài cứu được.
Vì sao một mình ngài cứu không được? Tuy hiếu tâm ngài cảm động thiên địa, quỷ thần, hiền thánh, cho đến tà ma ngoại đạo, mà không giải cứu được mẹ, là vì tình mẹ đối với con khinh lờn nhau, bà không có đức tin nơi con, nên không có sự cảm thông thấu triệt đến tâm bà, mà cải hoán cái tánh tham lam độc ác. Lại nữa, mẹ con cứu nhau là vì tư tình, không hạp với công lý. Mẹ ngài vì tham sân phạm đến tông giáo, công nghĩa, bà phải tội đối với Giáo hội nên phải cần cầu Đại đức chúng tăng, lấy lòng từ bi hỷ xả mà tha thứ và chú nguyện cho bà mới đúng công lý.
Đã vậy, bà còn phạm cái tội oán hại chúng tu sĩ. Phạm giới đó là phạm tăng(8) hủy giới, thì con bà phải thay mặt bà bố thí cúng dường sám hối với Đại đức Thánh Tăng, khổ khổ ai cầu, để cho chư tăng dùng giới luật tinh nghiêm, từ tâm tha thứ mà chú nghiệm cho bà thì mới được việc. Đã được việc, thì ngài Mục Liên đã độ được mẹ, chớ nào không. Bởi nhờ chánh pháp, Phật dạy đúng lẽ công bình:
- Phạm với Công chúng, phải nhờ Công chúng.
- Phạm giới luật, phải nhờ giới đức.
- Tội tham lam, phải cầu thí xả.
- Tội sân hận, phải cầu Đại định.
- Tội si mê, phải cầu Tuệ giác.
Đó là theo luật, vay ai trả nấy. Phạm giới gì, tu giới nấy.
Còn về phần riêng mẹ con ngài Mục Liên, ngài đối với công ơn dưỡng dục của mẹ, phải đem hết hiếu tâm mà vâng làm theo lời Phật dạy, sắm đủ các món trong kinh kể nói, mà phụng thắng hội Vu Lan, phải gian lao khổ sở, như vậy mới phải. Ngài phải xả thân cần cầu các vị thí chủ của ngài, dốc đem pháp thí đổi lấy tài thí, hầu có các món cần dùng thiết lễ Vu Lan(2). Lại phải cần cầu trước Phật, sau Đại đức Thánh Tăng, nhủ lòng từ bi, làm phép cứu bạt, thì tâm đại hiếu đó, ý nhiệt thành đó đã cảm thông đếm tâm mẹ ngài, làm cho bà thấy vì bà mà con bà gian lao cực nhọc, phí sức khổ tâm, nên phải cảm động mà hồi tâm cải ác. Lại bà thấy Phật và Thánh chúng từ bi vô lượng, thạnh đức vô cùng, nên hồi tâm hướng thiện, cải tà quy chánh. Đó là Mục Liên cứu được mẹ rồi.
Ta không nên thấy ngài Mục Liên(9) buổi đầu không cứu được mẹ mà sanh lòng nghi hoặc cho rằng tu hành không cứu được cửu huyền mà thối chuyển thiện tâm. Nếu ta y theo Chánh pháp Vu Lan mà cúng dường cầu cứu, đó là Phật dạy một phép hoàn toàn duy nhất cho tất cả đệ tử hiện tại và vị lai, thì chắc chắn cứu được cha mẹ bảy đời đã qua và cầu tăng phước thọ cho cha mẹ hiện tại.
4 - Nghi Phật là bực lưỡng túc tôn, đủ cả phúc tuệ, sao không cứu được mẹ Mục Liên, mà phải nhờ oai đức chúng tăng?
Nghi như vậy không phải, vì cái lẽ đã nói trên: Phạm với ai phải cầu với nấy, hủy cái gì phải đền cái nấy. Phạm với giáo pháp, phải nhờ Đại chúng tha thứ cho. Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn đức hạnh viên mãn, thì sức chú nguyện của Phật thật khó sai lường, vì Ngài là Tất cả, Tất cả là Ngài. Lấy sức Tất cả trọn lành mà chuyển hóa một tâm hồn đọa lạc lẽ nào lại không được? Nhưng sao chính mình Phật không ra tay cứu vớt mẹ ngài Mục Liên, lại dạy phép thiết lễ thỉnh tăng, cúng dường cầu cứu? Đó là Phật có cái diệu ý, muốn dùng cơ hội nầy đặng dạy đệ tử đời sau, khi Phật đã viên tịch.
Theo diệu ý của Phật, nếu để Phật tử ỷ lại nơi Phật, như con ỷ lại nơi cha, thì sau khi Phật viên tịch, đệ tử còn biết cầu cứu với ai độ cho thân vong đọa khổ, lợi ích tồn nhơn? Cho nên Phật là đấng Cha lành lại còn sáng suốt, dạy cái Chánh pháp duy nhứt, để cho đệ tử sau nầy, xuất gia cùng tại gia, quây quần đùm bọc lấy nhau, pháp thí, tài thí, giúp đỡ lẫn nhau, cho kẻ tu người trợ, tròn nên phúc tuệ. Nhứt gia hữu sự, đại chúng cộng ưu, hiệp đức cộng lực, dùng cái phước chúng như hải, nương theo oai thần của Phật, mà chú nguyện cứu độ cho thân nhơn thọ khổ nơi tam đồ ác đạo, cùng hiện thế đều được lợi lạc. Chúng ta tin như vậy, thì ngày Tự tứ, nên thành tâm cúng dường Tam Bảo, hộ trợ chư tăng, làm việc nghĩa thí, đỡ vớt đồng bào, mở lòng từ bi, phong sanh cứu vật, để cùng nhau góp sức hiệp thần, thành tâm chú nguyện, thì thế nào cũng đạt thành thiện nguyện báo hiếu, đáp nghĩa cha mẹ, thân nhơn, kẻ còn người mất.
5 – Nghi thời mạt pháp, sự cứu đảo huyền khó kết quả
Có người nghĩ rằng hồi Phật tại tiền, Chánh pháp thạnh hành, Tăng chúng nhiều vị đại căn, là nhờ Phật trực tiếp giáo hóa, nên đức hạnh trọn đầy, trí huệ trọn sáng, tịnh đức cực diệu, nên việc cứu đảo huyền được mười phần mỹ mãn. Chớ như nay, thời kỳ mạt pháp, xa Phật đã lâu, hiểu pháp rất cạn, nên đức hạnh trí tuệ, thiền định mười phần không đặng một, thì dù có thiết lễ Vu Lan e không kết quả như ý.
Nghi như vậy không phải. Trong kinh nói rằng: “Mười phương chư Phật thường ở thế gian, tiếng pháp không dứt, hương mầu đầy lấp, pháp vị ngập tràn, phóng ánh tịnh quang, chiếu soi tất cả, thường trụ diệu lý, đầy dẫy hư không”. Theo lời kinh thì Thắng hội Vu Lan thiết thi trong đời mạt pháp có thiếu một ai, có thiếu món gì? Vu Lan hội thượng, Phật và Bồ tát vẫn hiện tiền, pháp âm thần thông vẫn nguyên vẹn, ánh sánh từ quang cũng thường tự tại, hương mầu, pháp vị vẫn khắp hư không, thường trụ diệu lý, hiển hách vô cùng, thì còn lo gì đời mạt pháp vắng mặt Tam Bảo, khiếm khuyết quyền năng, mà e cứu nạn đảo huyền không được! Chỉ có một lòng chí thành của chư tăng và lòng tịnh thí của khổ chủ, trì trai giữ giới, đồng tâm hiệp trí, cầu nguyện nhờ ơn thường trụ Tam Bảo hộ trì, chuyển giúp hóa độ tâm uế ác thành tâm tịnh thiện, thì vong nhơn thoát khổ cảnh, thác hóa Tịnh bang, không còn phải nghi ngờ gì nữa.
Vì sao chắc vậy? Vì theo lý diệu huyền trong kinh Hoa Nghiêm thì: “Thập phương và tam thế tuy cách bức mà dễ thành tựu cho nhau”, thì Hội Vu Lan lập tại đâu, thời nào cũng có thập phương tam thế chư Phật Bồ tát hộ niệm, phú chúc, giúp cho được thành như nguyện. Ngôi thường trụ Tam Bảo ví như đài phát thanh cực kỳ tinh vi, thậm thâm quảng đại, có thể phát ra những Phạm âm, tiếng Hải triều, lớn hơn tất cả tiếng thế gian, cho chúng sanh trong pháp giới được nghe. Lại có thể thâu thanh âm cực kỳ vi tế, trong tâm niệm nhỏ thầm, theo lý diệu huyền “cực vi và vô biên nương nhau mà đứng vững”(10). Cho nên một tâm niệm gì của ta cũng có thể rền vang trong vũ trụ. Tâm niệm ác còn rền vang như vậy, ý niệm thiện lại chẳng diêu động trong tất cả Phật sát hay sao?
Cho nên tâm niệm thiện tịnh, chí thành, quyết định có ảnh hưởng sâu xa, hiệu nghiệm đối với chư Phật và vong nhơn. Đài phát thanh ta tuy nhỏ, không sánh nổi Đài lôi âm của Phật, nhưng mà lời nguyện chí thành của chúng tăng và thí chủ có cái điện lực mạnh, phóng đại vi âm ra làm rền vang trong pháp giới, thì chư Phật sẽ tường tri, mà chứng chiếu lòng thành, hộ niệm phú chúc cho thân nhơn ta thoát khỏi tam đồ, xuất ly khổ hải.
Nhưng nên nhớ đừng thêm vào Chánh pháp của Phật, tà pháp của ngoại đạo mới được. Vì tà pháp sanh tà tín, nên không được cảm thông đến chư Phật, mà lại còn trợ giúp tà nghiệp cho tồn tại. Thân thuộc vì đó phải còn thọ khổ dài lâu, bởi lẽ: “đồng thanh ứng đối với nhau, đồng khí tìm kiếm nhau”, nên tà chánh không thể dung nhau mà cứu độ nhau được.
(1) Họ chỉ sống bằng ròng rã cái xác thân trong sắc pháp (thế giới vật chất) tưởng chết rồi là tiêu tan mất cả.
(2) Thường kiến là tưởng khi chết rồi hồn còn hoài, sống như ở thế gian.
(3) Riêng, nghĩa ngoài một tâm. Sự thật chỉ trong một tâm tùy duyên biến hiện mà hành tướng có khác. Tâm độc ác hiện cảnh Địa ngục. Tâm thiện lương hiện cảnh Thiên đường. Cảnh nào cũng do nơi một tâm niệm của ta, không phải người khác.
(4) Années-lumirère.
(5) Sáu tướng viên dung: Đồng, khác, tổng, biệt, thành, hoại. Mười lý diệu huyền trong Một: 1) Đồng thời đầy đủ tiếp ứng nhau; 2) Một với nhiều, gồm mà chẳng đồng; 3) Các pháp (sự vật) đồng nhứt hóa tự tại; 4) Nhân rất nhỏ bủa tung toàn cảnh giới; 5) Vi trần và vô biên tế ôm nhau đứng vững; 6) Bí mật, biểu hiện đồng giúp nên nhau; 7) Rộng với hẹp chứa nhau không ngại; 8) Mười phương ba đời tuy gián cách dễ thành; 9) Chủ và bạn tròn sáng đức đủ; 10) Vào sự hiển lý để tỏ rõ.
(6) Tam đức: Giới, định, huệ.
(7) Không có tánh nhứt định, chơn thật. Ác tâm không phải ác hoài, ác luôn, không chuyển được.
(8) Nói giới tu sĩ mới phải.
(9) Ngài Mục Liên đã xuất gia lâu, ngài chắc không còn có của riêng đủ để dùng mà phụng lễ Vu Lan, nên phải lấy pháp thí của ngài mà đổi lấy tài thí của quyến thuộc.
(10) Le microcosme et le macrocosme se soutiennent.
Tin tức khác
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết