VU LAN, SUY NGHI VỀ VIỆC DẠY CON
VU LAN, SUY NGHĨ VỀ VIỆC DẠY CON
TRẦN QUỐC TRIỆU
I. Giáo dục con cái trong gia đình và nhà trường
Tháng Bảy về, Phật tử khắp nơi lại hân hoan tổ chức lễ Vu lan báo hiếu, tôn vinh công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây là một nét văn hóa, một di sản phi vật thể đặc biệt mà đạo Phật đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng nền tảng nhân cách ở mỗi con người. Mùa Vu lan, chúng ta thấy rất nhiều gia đình sống trong niềm vui khi con cái sống có đạo đức, trí tuệ và hiếu thuận. Bên cạnh đó, cũng không ít gia đình với bao người mẹ, người cha đang phải rơi nước mắt cho những đứa con, đang đau khổ khi là nạn nhân của chính lối dạy dỗ thiếu phương pháp và trí tuệ. Nhìn vào thực trạng xã hội ngày càng có nhiều những điều bất an xuất phát từ gia đình làm chúng ta không khỏi lo lắng, xót xa cho con em, cho thế hệ tương lai khi liên tục xuất hiện những kẻ phạm pháp là trẻ vị thành niên, thanh niên mới lớn và đối tượng phạm tội đang ngày càng trẻ hóa.
Mỗi ngày, lướt qua những trang báo, xem qua những con số thông kê của cơ quan nhà nước về bạo lực xã hội, học đường, bạo lực gia đình không khỏi làm cho chúng ta giật mình. Điều đó cho thấy rằng, chúng ta cần phải làm nhiều hơn việc báo hiếu để cha mẹ không còn buồn lo và xã hội được an bình. Đó cũng là mục tiêu mà mỗi người Phật tử cần đặt ra để ông bà, cha mẹ và con cháu đều sống an lạc vào tất cả những ngày trong năm chứ không chỉ có những ngày Vu lan này. Đây là một mục tiêu hết sức khó khăn cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường, các cơ quan, đoàn thể và toàn xã hội. Nhìn nhận thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cũng đã được không ít người đề cập đến trong nhiều bài viết và đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi mong muốn xin được chia sẻ với quý độc giả một góc nhìn khác về vấn đề này.
Trong cuộc đời niềm vui, niềm hạnh phúc được làm cha mẹ là mong muốn của hầu hết mọi người. Không hạnh phúc sao được khi con mình bước những bước đi chập chững, khi con bập bẹ gọi tiếng mẹ, tiếng ba đầu đời... Dòng sữa ngọt ngào, tiếng ru à ơi của mẹ cho con lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà… Từ những bước chân chập chững rồi con cũng bước vào lớp Mầm, lớp Chồi, lớp Một… mọi điều tốt đẹp đều được dành cho con. Từng ngày, từng ngày, cuộc sống của con thêm những nhu cầu có quần áo mới, sách vở mới… Cha mẹ phải gạt đi những mệt mỏi, những căng thẳng, những lo toan thường nhật để gắng cho con bằng bạn bè khi con vào lớp học, dành thời gian để đón đưa con sớm trưa, không kể nắng mưa. Niềm hạnh phúc khi được thương yêu, nuôi nấng và dạy bảo con cái đã vượt lên cái được cho là bổn phận, là trách nhiệm, trở thành niềm vui, nghĩa vụ thiêng liêng của cha mẹ.
Khi chúng ta có con, những “cục cưng” đó trở thành trung tâm của mọi sự quan tâm và những điều con trẻ nhận được từ người thân đã hình thành thói quen nhận lãnh và tất cả đều đơn giản cho rằng nó mặc nhiên là như vậy. Mầm mống của khổ đau bắt đầu chính từ đây! Hầu hết các bậc cha mẹ đều có quan niệm rằng trẻ em còn bé và chưa biết gì nên phải yêu chiều. Có phải như vậy không? Ngay từ khi lọt lòng, đứa trẻ đã biết dùng tiếng khóc để thông tin với người lớn rằng nó đói, nó khó chịu… Lớn hơn chút, vẫn tiếng khóc đó nhưng để mặc cả với người lớn yêu cầu của mình. Rồi lớn nữa thì ăn vạ, phá phách, thậm chí hỗn láo… để đòi hỏi. Có bao giờ cha mẹ đặt điều kiện nào đó khi chăm lo cho con cái của mình đâu. Thế là chúng ta tìm mọi cách thỏa mãn nó, sự thỏa mãn vô điều kiện ấy chính là chất liệu nuôi dưỡng cái tôi ích kỷ, nuôi dưỡng cái bản ngã quen đòi hỏi của trẻ lớn theo năm tháng. Chính cái bản ngã quá lớn của cả hai thế hệ làm cho khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng rộng, càng xa. Khi đó, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, con cái không vâng lời và hầu hết cha mẹ thường dùng quyền uy, đòn roi để đánh mắng, để áp chế con phải tuân theo mình và chúng ta mất con lúc nào không hay.
Chúng ta cần phải thừa nhận một thực tế là vai trò giáo dục của cha mẹ hết sức quan trọng, đặc biệt khi những hạt giống này được tưới tắm, nâng niu, chăm sóc trong giai đoạn đầu đời, giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nền tảng đạo đức và nhân cách. Nếu mỗi một gia đình đều có nền tảng đạo đức, tri thức và văn hóa thì chắc chắn đó là những tế bào tốt, lành mạnh. Những tế bào hạt giống này sẽ là nền móng cho một xã hội tốt, một xã hội lành mạnh với những con người có đạo đức, văn hóa...
Ngoài gia đình, trẻ được đến trường để học kiến thức, học các kỹ năng sống… Chúng ta thường bắt gặp câu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong trường học, và nếu thực hiện được điều này cũng là một thành công rất lớn. Tuy nhiên, thực trạng học sinh đánh nhau, đâm chém, hỗn láo, trộm cắp, bỏ học… đang diễn ra tại nhiều ngôi trường thì ta thấy rằng đó mới chỉ là khẩu hiệu để hô hào cùng với nhiều khẩu hiệu khác. Một nền giáo dục tốt cần hướng tới hai mục tiêu là đào tạo con người xã hội và con người chính nó. Một nền giáo dục thiếu một trong hai mục tiêu ấy đều gây cho xã hội những hậu quả khôn lường. Hiện nay, giáo dục của chúng ta dường như mới chỉ hướng vào giáo dục con người xã hội mà thiếu đi giáo dục con người của chính nó, nói cách khác giáo dục để tạo ra một con người cá nhân tốt.
Sự trưởng thành của con người nhờ vào những yếu tố chính như: môi trường giáo dục của gia đình, môi trường giáo dục ở nhà trường, môi trường sống của xã hội và sự tự ý thức, tự rèn luyện của chính con người đó. Những yếu tố này kết thành đạo đức, lối sống, suy nghĩ và nhân cách con người. Tuy nhiên, có một nghịch lý đáng lo ngại khi xã hội ngày càng phát triển hiện đại thì con người dường như ít chú trọng đến đạo đức, ít quan tâm đến nhau, trong giao tiếp, giải quyết các mối quan hệ thì tỏ ra vô văn hóa, không biết kính trên nhường dưới, luôn đặt lợi ích cá nhân, lợi ích vật chất lên trên các lợi ích khác. Thêm nữa, những giá trị nhân văn cơ bản không được chú trọng, đưa con trẻ đến những hành xử côn đồ với bạn bè, vô lễ với thầy cô và người lớn, thiếu đạo đức khi sớm tìm đến những thú ăn chơi, tiêu khiển nhằm thỏa mãn dục vọng của bản thân mà không cần biết tương lai sẽ ra sao.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị góp ý “Dự án hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức ngày 16/4/2013, tại thành phố Hồ Chí Minh, ở Thái Bình, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc xuất hiện băng nhóm người chưa thành niên sử dụng vũ khí quân dụng hoặc súng tự chế, vũ khí thô sơ chống người thi hành công vụ, bắn nhau, cướp tài sản. Năm 2012, cả nước đã xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với năm 2011) do gần 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra, trong đó độ tuổi từ 14-16 chiếm 31,9% và từ 16-18 tuổi chiếm 61,1%, tập trung nhiều nhất ở bậc trung học cơ sở (41,8%), kế đến là trung học phổ thông (31,9%). (Theo TTXVN)
Theo số liệu thống kê tội phạm học của Viện Tâm lý học, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề kinh doanh bất hợp pháp chiếm 51,94%; gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%; 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà đi hoang, sống bụi, trộm cắp, tỉ lệ trẻ vị thành niên có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 5%. Tỷ lệ thuận với số trẻ em phạm pháp, tỷ lệ các em gái ở tuổi vị thành niên tham gia các tệ nạn xã hội, nạo phá thai cũng làm cho người lớn chúng ta phải giật mình.
II. Đâu là nguyên nhân
Như đã trình bày ở trên, cha mẹ và thầy cô giáo đóng vai trò chính trong việc giáo dục con trẻ. Vậy một thực trạng xã hội với nhiều đối tượng vị thành niên vướng vào các tệ nạn xã hội,
phạm tội có tổ chức như đang diễn ra chúng ta cần hết sức nghiêm túc xem xét vai trò của gia đình và nhà trường trong câu chuyện dạy dỗ con cái này. Chúng ta có thể cùng xem xét một số nguyên nhân sau:
Trẻ em sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí có cả những hành vi phạm tội, bố mẹ bất hòa, hay đánh chửi nhau, đánh bạc, nghiện rượu, nghiện ma túy, buôn lậu, trộm cắp... khiến một số em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp. Số trẻ hư này sẽ là tác nhân gây ảnh hưởng đến những trẻ khác sống trong cùng cộng đồng hoặc trường học nếu những trẻ bị lây nhiễm này không nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình chúng.
Sự lơ là, thiếu thời gian dành cho con cái, không quan tâm đến việc giáo dục, chăm sóc con cũng là một trong những nguyên nhân khiến con trẻ dễ bị hư hỏng. Hiện nay, một số bậc cha mẹ suốt ngày dành thời gian cho công việc, cho giao tế và các hoạt động bên ngoài xã hội, ít có thời gian dành cho gia đình, cho con cái; để bù đắp lại sự thiếu hụt ấy, họ cho con nhiều tiền, tặng cho con những món quà đắt tiền, hoặc là đáp ứng những đòi hỏi, những yêu cầu về tiện nghi vật chất, về tiền bạc của con cái một cách dễ dàng, đẩy trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cho bảo mẫu, hoặc cho nhà trường.
Một số gia đình có điều kiện hơn cũng có dành thời gian cho con cái, nhưng lại chỉ ép con phải lao vào học kiến thức nhằm có được nhiều thành tích, nhằm có được địa vị trong xã hội trong tương lai để thỏa mãn cái sự sĩ diện của bố mẹ, của con... Nhóm cha mẹ này có kiến thức và địa vị xã hội nhưng chỉ dừng ở mức tri thức thế học, kiến thức cho cuộc sống thế gian mà chưa thấy hoặc học được những điều hết sức cơ bản về nhân quả, nghiệp báo… Chính ở đây con trẻ cũng không được học bài học nhân quả và trẻ cũng không hứng thú với những khái niệm nhằm mục đích hạn chế những đòi hỏi bất tận của mình.
Giáo dục ở nhà trường chỉ tập trung đến truyền đạt kiến thức làm cho con trẻ phát triển thiên lệch. Người thầy đến trường với tâm thế của người đi dạy kiếm sống, không cảm thấy mình có nhiều trách nhiệm lắm trong quá trình tạo ra một sản phẩm xã hội đặc biệt. Thầy cô chỉ đến trường và truyền đạt kiến thức một cách máy móc, chỉ dạy những gì được yêu cầu trong sách giáo khoa theo chương trình quy định của Nhà nước. Thêm nữa, thu nhập của thầy cô chưa xứng đáng với công sức dành cho việc dạy học ở trường nên người thầy phải làm thêm, dạy thêm các môn khoa học và không có thời gian quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, nhân cách của học sinh.
Kinh tế thị trường với những mặt tiêu cực của nó hiện nay đang có những tác động mạnh mẽ vào thế hệ trẻ. Xác định một lý tưởng cho thanh thiếu niên bây giờ khó khăn hơn nhiều so với cách đây vài ba chục năm. Xã hội nhìn nhận đánh giá giá trị của con người cũng khác trước. Ai là hình mẫu lý tưởng? Người giàu có hay người học hành tử tế? Thế nào là người thành đạt? Việc thanh thiếu niên đi tìm mục đích cuộc sống cho mình vừa dễ vừa rất khó. Trong điều kiện đó, khi trẻ vị thành niên rơi vào trạng thái tinh thần, tình cảm tiêu cực nếu không có định hướng đúng, họ sẽ rất dễ có những hành vi vi phạm pháp luật.
Sự bùng nổ của thông tin, truyền thông cho trẻ cơ hội tiếp xúc sớm với những thông tin từ truyền hình, Internet… Trẻ em hiện nay được xem truyền hình từ vài tháng tuổi, nhất là phần quảng cáo. Cha mẹ sử dụng truyền hình như là một phương tiện để khuyến khích trẻ ăn. Khi trẻ biết đi, biết chạy, thì cha mẹ dùng truyền hình để giảm sự hiếu động của trẻ. Ngoài gia đình, trẻ cũng được xem truyền hình tại nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo để cô giáo có thể làm việc khác. Ngay trong phim hoạt hình, trẻ chịu ảnh hưởng của bạo lực qua những màn đấm đá, giết hại nhau với tần suất khoảng 20 lần/giờ. Trẻ xem những hình ảnh bạo lực qua truyền hình nhiều giờ trong tuần sẽ có những hành vi bạo lực như đánh, đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè. Truyền hình còn chiếu những hình ảnh gợi dục, ma túy, rượu, thuốc lá… trong những phim dành cho người lớn.
III. Một vài phương cách
Như thế, môi trường giáo dục trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, sự hình thành nhân cách của con trẻ. Tình thương yêu, sự chăm sóc của mẹ, sự dạy dỗ của cha là dưỡng chất quan trọng để con cái chúng ta trưởng thành. Mong rằng những ai đã, đang và sẽ làm cha mẹ sẽ soi sáng mình bằng sự sáng suốt của Như Lai và tìm được phương cách hoàn thiện bản thân, giáo dục con cái hướng tới những điều thiện lành và biết làm những điều có ích cho gia đình và xã hội.
Trước tiên, chính cha mẹ cần phải học, phải hiểu và thực hành những điều thiện lành trong cuộc sống. Không có bài học nào tốt hơn cho con bằng chính sự mẫu mực, đạo đức và nhân cách của cha mẹ. Đừng để mình là nạn nhân của chính mình, của phương pháp giáo dục thiếu trí tuệ. Hãy hướng cho con đến những điều thiện lành với một lòng yêu thương chân thật, một lòng nhân từ của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni… Hãy nhân rộng lòng yêu thương, nhân từ với những chúng sanh trong các cõi để con cái chúng ta nhận ra và học lại bài học yêu thương đó. Khi những hạt giống yêu thương, nhân từ luôn sẵn trào tuôn cho sự tốt đẹp của muôn loài thì chắc chắn con cái chúng ta cũng sẽ nhận lại được sự an lành trong đời sống.
Trong những dịp lễ như Phật đản, Vu lan… cha mẹ nên đưa các con đến gặp quý Thầy, các bậc thiện tri thức để cùng con hiểu rõ hơn về bản chất cuộc sống, tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: Ta là gì? Mục tiêu của mình trong kiếp sống này là gì? Nhân quả, nghiệp báo là gì? v.v… Nếu chúng có phước đức, trí tuệ và có duyên để thấy ánh sáng của Phật pháp thì chắc rằng không khó để tìm ra câu trả lời. Khi có được câu trả lời xác đáng thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng thấy ra được cách tốt nhất để dạy con cái mình. Ngược lại, nếu chính chúng ta còn mù mờ về bản thân, về nhân quả, còn tiếp tục bị vô minh che mờ, xem dục lạc như nguồn hạnh phúc lớn nhất trong đời và đắm chìm trong đó thì đừng mong một kết quả tốt đẹp hơn ở con cái mình. Khi đó chúng ta cùng con cái sẽ cần thời gian và phải trả giá để học ra bài học của mình.
Con người không ai là hoàn thiện, do ngu dốt chúng ta đã tạo biết bao lỗi lầm trong nhiều đời nhiều kiếp. Cần sớm thấy ra sự thật của cuộc đời để dần hoàn thiện mình, sám hối những lỗi lầm đã tạo, từ bỏ những suy nghĩ, việc làm bất thiện. Hãy thay đổi nhận thức và hành vi để đời sống có những phút giây an lạc, lợi ích. Khi đã có nhận thức đúng, hành vi đúng và tốt chúng ta chỉ cần trở về trọn vẹn với hiện tại thì an lạc nằm ngay ở đó. Khi làm bất cứ điều gì chúng ta hãy thật thận trọng, chú tâm và thực hành quan sát với trí tuệ của sự giác ngộ. Điều kỳ diệu nằm ngay trong chúng ta, ngay khi thân, tâm trọn vẹn với từng đối tượng sự vật, công việc. Khi chúng ta làm được điều này, hãy hướng dẫn cho con cái chúng ta cùng thực hành. Lợi ích mang lại từ điều này sẽ làm chúng ta bất ngờ. Hãy thử xem!
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Chúng ta cũng nên đem bài học này áp dụng vào mọi công việc hằng ngày. Khi chúng ta ham mê cờ bạc, nên nhớ cái kết quả của nó sẽ là tán gia bại sản, thiếu trước hụt sau, nợ nần chồng chất. Khi lăm le muốn gần tửu sắc, hãy xét đến kết quả của nó sẽ làm thân thể hao mòn, đa mang tật bệnh, danh dự chôn vùi, gia đình tan nát. Khi nóng giận muốn làm hại người, nên xét cái kết quả của nó về sau là “oan oan tương báo”, hại người tất sẽ bị người hại lại. Khi mống niệm tham lam trộm cướp tiền bạc của cải của người, nên xét kết quả về sau là bị bắt bớ, tù tội v.v... Hãy thực hành và khuyến khích con cái chúng ta suy nghĩ và xem xét trước sau khi làm bất cứ điều gì.
Nhà trường cần tổ chức lại cách giáo dục đạo đức cho trẻ em thông qua việc lồng ghép các chương trình đào tạo về giá trị cuộc sống, giá trị nhân văn và tinh thần vào trong chương trình học tập tại trường. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh, các đoàn thể xã hội, các tu viện… tổ chức các chương trình sinh hoạt ngoại khóa như: Giáo dục giới tính, sức khỏe vị thành niên, dân số kế hoạch hóa gia đình, đền ơn đáp nghĩa, hướng dẫn trải nghiệm và chuyển hóa kiến thức thành trí tuệ tự thân… Qua đó, giúp các em hình thành những giá trị đạo đức căn bản về tinh thần trách nhiệm trong các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè; trung thực trong học tập và cuộc sống; dám nhận lỗi và chịu trách nhiệm về những hành vi của mình; biết sống đoàn kết, yêu thương và vì người khác.
Hãy dành thời gian đưa con đến thăm các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em nghèo vô gia cư, trẻ em khuyết tật, bệnh viện, nơi cai nghiện, cải tạo, cơ sở tôn giáo. tín ngưỡng v.v… cho con em thấy mình may mắn như thế nào khi được sinh ra có đầy đủ mọi thứ so với biết bao nhiêu số phận thiệt thòi, lỡ lầm khác. Thêm nữa, cần cho con em chúng ta có những trải nghiệm sự khó khăn trong cuộc sống về vật chất cũng như tinh thần để ít nhiều cảm nhận và khơi gợi những điều thiện lành yêu thương chia sẻ với nhau. Mục tiêu xa hơn là để các con thấy ra được giá trị chân thật của cuộc đời này mà chắt chiu điều thiện, gạn lọc điều xấu… khi đó chúng sẽ thay đổi nhận thức và hành vi để sống có đạo đức, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội cũng như biết rõ con đường đi đúng cho cuộc đời mình.
Tin tức khác
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết