VU LAN VÀ ĐẠO LÀM CON
ThS. CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG
Cõng mẹ
Đại lễ Vu lan của Phật giáo diễn ra vào ngày rằm tháng 7 hằng năm trùng với ngày xá tội vong nhân theo truyền thống dân gian của người Việt Nam. Vu lan báo hiếu có ý nghĩa tâm linh, đạo đức và ý nghĩa xã hội sâu sắc, mang tính phổ quát. Bởi văn hóa xã hội và văn hóa tôn giáo đều gặp nhau ở việc coi trọng công ơn của các thế hệ trước, của các bậc sinh thành. Vu Lan mang tính nhân văn cao cả, còn được gọi là Ngày kết nối yêu thương, Ngày lễ hội văn hóa tình người,... tính nhân văn đó hòa quyện với đạo đức làm người với sự khoan dung, vị tha “xá tội vong nhân” được phổ biến rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Ngày Vu lan không còn là ngày mang tính tôn giáo chỉ riêng đối với đạo Phật, mà đã thấm sâu vào lòng dân tộc, đượm tình người, là một yếu tố có thể sưởi ấm tâm hồn làm cho con người trở nên thanh lương, không còn bơ vơ hoặc lạc loài cô đơn.
Đây là dịp để tất cả mọi người con tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ sau những tháng ngày mải lo cho cuộc sống của bản thân mình, bị cuốn theo vòng quay của cuộc sống và đã có lúc xao nhãng đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Truyền thống Vu lan theo tích truyện của Phật giáo bắt nguồn từ câu chuyện Phật giáo, hiếu kính mà Mục Kiền Liên - một trong Thập Đại Đệ tử của Phật, đã thỉnh theo lời Phật tiến hành pháp hội Vu lan để cứu Mẹ (Bà Thanh Đề) ra khỏi Địa ngục. Từ đó, vào dịp rằm tháng 7, tại các chùa Phật giáo lại tổ chức Đại lễ Vu lan kèm theo nghi thức cài hoa trên áo cho các Phật tử để tưởng nhớ đến công lao cha mẹ. Nghi thức “bông hồng cài áo” là biểu trưng cho đạo làm con và tình nghĩa cha mẹ. Màu sắc của mỗi bông hồng mang ý nghĩa khác nhau. Sắc hồng dành cho những người mẹ còn sống, sắc trắng dành cho những người mẹ đã qua đời, và đã là truyền thống văn hóa Phật giáo nhắc nhở mỗi người về đạo làm con.
Đạo làm con được Phật nhắc đến trong nhiều kinh sách, trong đó Kinh Thiện Sinh là bản kinh được trích trong Trường A Hàm, ghi lại thời kỳ Đức Phật thuyết pháp tại núi Kỳ Xà Quật thuộc thành La Duyệt Kỳ cùng với chúng đại Tỷ Khiêu 1.250 người. Bản kinh này dạy cách ứng xử của con người đối với gia đình, thầy bạn. Trong đó, đặc biệt là lời Phật dạy con người về bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Đức Phật dạy: “Cha mẹ là phương Đông… Phàm làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều: Cung phụng hiếu dưỡng cha mẹ không để thiếu thốn, muốn làm gì trước phải thưa cho cha mẹ biết, không trái điều cha mẹ làm, không trái điều cha mẹ dạy, không cản việc làm lành của cha mẹ”1. Nói cách khác, rộng hơn cả, đó là đạo làm người mà đức Phật chỉ dạy. Muốn trọn vẹn đạo làm người trước hết cần phải tròn đạo làm con. Đạo làm con được cụ thể hóa bởi những nguyên tắc đạo đức cụ thể, đó là năm nguyên tắc vàng thể hiện ngũ phương và mong muốn cha mẹ được an lạc và hạnh phúc.
Thứ nhất, nuôi dưỡng cha mẹ được thể hiện ở việc làm của người con, con cái phải chăm chỉ làm việc thiện, lao động chính đáng tạo vật tài, lợi lộc tăng thêm của cải để nuôi dưỡng cha mẹ, phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho chúng ta trưởng thành, trong suốt những năm ở tuổi vị thành niên. Người con hiếu thảo không chỉ biết vâng lời cha mẹ, làm việc tốt cho gia đình, xã hội mà trước tiên và hơn hết là lo phần đời sống vật chất cho cha mẹ mình. Chăm lo đời sống vật chất bao gồm việc đảm bảo cho cha mẹ vật tài, quý tài, thuốc thang, hết lòng chăm sóc và phụng dưỡng khi cha mẹ đau yếu.
Thứ hai, thay thế cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc, con cái cần chăm lo việc nhà, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, có ý thức trách nhiệm của một người con. Trong bổn phận làm con, ngoài mục đích mưu sinh để đảm bảo đời sống vật chất đủ đầy cho bản thân, ta còn phải gánh vác, đỡ đần công việc cho cha mẹ khi cha mẹ đã già yếu. Bổn phận làm con là sự thực thi tinh thần trách nhiệm của người con đối với cha mẹ tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cho phép. Nghĩa là, thực hiện đạo làm con không phải là bắt buộc mà đó là ý thức làm người.
Thứ ba, giữ gìn truyền thống gia phong. Đạo đức tốt đẹp thuần thiện là chất liệu sống, cần phải có trong các mối quan hệ giao tế, trong cách đối nhân xử thế giữa con người và các mối quan hệ xung quanh. Chất liệu tốt đẹp đó được chắt lọc, tích lũy qua nhiều thế hệ trước đó, để rồi cuối cùng kết thành truyền thống gia phong của từng gia đình người thân và quyến thuộc. Giữ gìn truyền thống gia phong tốt đẹp còn được hiểu là mọi người chúng ta phải tự hoàn thiện nhân cách, đạo đức cá nhân. Con cái không tự làm gì khi chưa hỏi cha mẹ và không được trái ý cha mẹ để mang lại điều tốt đẹp. Đây chính là bổn phận của người làm con khi tiến hành bất cứ một công việc gì cũng phải hỏi cha mẹ trước, mục đích để giữ gìn danh dự và không đi ngược với truyền thống gia đình.
Thứ tư, bảo vệ tài sản được kế thừa từ cha mẹ. Đạo làm con phải ý thức được rằng, tất cả những vật riêng của mình đều là của cha mẹ, do cha mẹ mà có, vì cha mẹ mà thành. Đạo làm con phải luôn tự giác dâng những tài sản, vật chất của mình cho cha mẹ khi cha mẹ cần, mà không giấu giếm giữ làm của riêng. Đây chính là thể hiện tinh thần tập thể của một gia đình, nhằm bảo vệ và làm tăng tiến tài sản thừa tự. Đạo làm con phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản thừa tự. Đây là một nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi của truyền thống gia tộc. Điều này có ý nghĩa giáo dục rằng, một mặt, con cái phải biết sử dụng gia tài và di sản của cha mẹ để lại đúng pháp và mặt khác phải là người kế thừa có đạo lý.
Thứ năm, khuyến khích cha mẹ hướng thiện. Đạo làm con phải luôn ủng hộ cha mẹ làm những việc thiện, việc phúc và việc lành. Thành tâm cùng cha mẹ công đức, chăm lo bố thí, giúp đỡ người nghèo khó, hoạn nạn, gần lành lánh ác. Đạo làm con phải luôn làm vừa lòng cha mẹ, bởi tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái không hề vơi cạn, luôn tràn đầy để nuôi dưỡng cho con cái lớn khôn và trở thành người hữu ích. Đạo làm con phải luôn phụng sự cha mẹ. Lời dạy của đức Phật cho thấy công ơn cha mẹ như biển cả muôn trùng, bằng một sự so sánh vô cùng ý nghĩa: “Này các Tỷ khiêu, sữa mẹ mà các thầy đã uống trong suốt quá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”.
Đạo làm con trong truyền thống văn hóa Phật giáo thấm nhuần với đạo làm người, kết hợp với truyền thống hiếu hạnh và tạo thành phong tục, văn hóa đặc trưng cho mỗi cộng đồng, dân tộc trên thế giới. Quan điểm của Phật giáo về đạo làm con cũng chính là đạo làm người, là những nguyên tắc đạo đức căn bản của con người. Đây là giá trị cao đẹp của Phật giáo phù hợp với những giá trị đạo đức xã hội cần được phát huy, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Theo quan điểm Phật giáo, đạo làm con đặt trên hết là bước đầu của đạo làm người. Làm con phải hiếu thuận với cha mẹ thì sẽ đầy vị tha với mọi người, trở thành một người có ích trong xã hội. Đây là lý tưởng sống cao đẹp mà các dân tộc tiến bộ trên thế giới đều yêu chuộng và giữ gìn.
1. Thích Trí Đức (tuyển dịch, 2003), Kinh Trường A Hàm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 238.
Bình luận bài viết