Thông tin

VỤ TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC

 

Hòa thượng THÍCH ĐỨC NGHIỆP

 

Với mục đích nêu gương Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi của Phật giáo Việt Nam mà Hòa thượng Thích Quảng Đức đã quên mình vì đạo, vì dân, đồng thời ghi lại tất cả sự thật về vụ tự thiêu này để các Phật tử chúng ta, ở trong và ngoài nước, hiện tại và tương lai phải nghĩ gì, và làm gì cụ thể trên tiến trình hoằng pháp, lợi sinh và góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới chung của Dân tộc và Đạo Pháp. Tôi viết hồi ký đặc biệt này với tư cách là chứng nhân Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn, trong suốt cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 đối với chính quyền Ngô Đình Diệm. 

Sở dĩ có công cuộc vận động này, là phát xuất từ chính sách kỳ thị tôn giáo và gia đình trị của chế độ ông Diệm từ cuối năm 1954 đến cuối năm 1963, từ vĩ tuyến 17 tới Cà Mau Việt Nam. Lý do phong trào Phật Giáo Việt Nam năm 1963 được thành công rực rỡ, có một không hai, là vì có chính nghĩa, đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân và phù hợp với xu thế tiến bộ, dân chủ và bình đẳng chung của toàn thế giới. Thêm vào đó, bấy giờ Phật giáo lại áp dụng phương pháp bất bạo động để giác ngộ cho đối phương. Nói chung, biến cố lịch sử 1963 xảy ra, được như sau và chỉ đặc biệt chú trọng riêng về vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. 

Xuyên qua những dữ kiện lịch sử, thì việc cố tình kỳ thị tôn giáo của chế độ ông Diệm đã tiềm phục từ lâu, cụ thể thì từ 1957 tới 1963 qua những bản phúc trình của Phật giáo Trung Việt. Đặc biệt vào lễ khánh thành nhà thờ Đức Mẹ La Vang tại Quảng Trị, trùng hợp với đại lễ Phật Đản hàng năm, từ ngày 8-4 đến 15-4 Âm lịch trên toàn quốc. Vào dịp lễ khánh thành này, ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn, Giám Mục Ngô Đình Thục cùng đi dự lễ. Trên đường tới nhà thờ tại Quảng Trị, phải đi qua thành phố Huế, thấy trang hoàng cổng chào nhà thờ và cờ Phật giáo rợp trời, ông Diệm mới hỏi người tùy tùng và được trả lời : Đây là cờ Phật giáo. Do đó, ông Diệm liền hạ lệnh cho Quách Tòng Đức, Đổng lý văn phòng phủ Tổng Thống, cùng đi theo : "Hãy gởi gấp công điện, khắp nơi phải hạ cờ Phật giáo xuống !". Đó là nguyên nhân chính xảy ra cuộc tranh đấu Phật giáo chống chính quyền ông Diệm vào mùa Phật Đản, năm 1963. 

Tiếp đến là vụ thảm sát các hàng Phật tử hồi 9 giờ tối, đêm ngày 15-4 ÂL (8-5-63) trước đài phát thanh Huế để nghe tin tức về đại lễ Phật Đản, do các công lực của chính quyền gây ra. 

Kết quả là tám (8) Phật tử chết tại chỗ; và bốn Phật tử bị thương phải mang vào bệnh viện cấp cứu !

Sáng hôm sau, Hòa thượng Hội Chủ, Thích Tịnh Khiết, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, khẩn cấp triệu tập một phiên họp bất thường, gồm các vị lãnh đạo cao cấp Phật giáo, tại chùa Từ Đàm, Huế để tìm phương tiện đối phó với chính quyền và chính thức soạn thảo một bản Tuyên Ngôn gồm 5 điểm như sau để gởi tới Tổng Thống Ngô Đình Diệm : 

1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ giáo kỳ Phật giáo. 

2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa giáo đã được ghi trong đạo dụ số 10. 

3. Yêu cầu chính phủ chấm dứt trình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo. 

4. Yêu cầu cho Tăng Ni Phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo. 

5. Yêu cầu chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ chết oan vô tội và kẻ chủ mưu giết hại phải đền bù xứng đáng. 

Đến ngày 10-5-1963, bản tuyên ngôn gồm năm nguyện vọng nêu trên đã được gởi đi khắp nước. Riêng tại Sài Gòn, đã được một sĩ quan Đại úy, người Phật tử, đích thân từ Huế mang vào chùa Ấn Quang và Xá Lợi đầy đủ bản Tuyên Ngôn nói trên cùng những hình ảnh về vụ thảm sát các Phật tử và chính quyền Huế. 

Ngay sau đó, theo văn thơ chỉ thị của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đã thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam, gồm tất cả 11 tập đoàn giáo phái Phật giáo, dưới sự lãnh đạo tối cao của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, để trực tiếp gặp Tổng Thống Diệm hầu mong giải quyết đẹp đẽ mọi vấn đề giữa Phật giáo và chính phủ. Song, không đạt được bất cứ việc gì cho Phật giáo. Bởi vậy, Ủy Ban Liên Phái bắt buộc phải hành động theo phương pháp bất bạo động. 

Ở Sài Gòn, hành động đầu tiên là cử Thầy Thích Thanh Minh ra Huế để kiểm tra mọi biến cố giữa Phật giáo và chính quyền hữu quan. 

Tiếp theo Thượng tọa Thiện Minh ở ngoài Huế vào tường trình mọi sự việc đã xảy ra.... Đồng thời cho mời cá nhân tôi đến chùa Ấn Quang dùng cơm trưa với Thượng tọa Tâm Châu và Thượng tọa Thiện Hoa. Sau bữa ăn, Thượng tọa Thiện Minh có mời tôi giữ chức Trưởng ban ngoại giao và điều hành mọi Phật sự trong Ủy Ban Liên Phái. Thêm ý kiến, Thượng tọa Thiện Hoa đề nghị tôi giữ chức Đại đức Tổng Tư Lệnh, còn Thượng tọa Tâm Châu, chủ tịch Ủy Ban Liên Phái, thì hoàn toàn tán thành cả hai ý kiến của hai Thượng tọa Thiện Minh và Thiện Hoa. Biết rằng lúc đó tôi là Giám đốc Trường Trung Học Vạn Hạnh của Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam, đồng thời tôi là giáo sư Anh ngữ tại các trường Trung học Vạn Thắng, Nguyễn Công Trứ và Thăng Long tại Sài Gòn. Nghĩa là tôi chưa đi học tại Mỹ. 

Bấy giờ, phải nói rằng : Ở Huế thì có chùa Từ Đàm, Báo Quốc, Linh Quang và Diệu Đế; ở Sài Gòn, thì có chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Minh và Từ Quang. Tất cả đều là trung tâm đầu não để xuất phát những cuộc biểu tình, tuyệt thực, thuyết pháp và họp báo để đương đầu có hiệu quả đối với chính quyền. Đặc biệt, lúc đó, Sài Gòn là thủ đô của ông Diệm và các phái bộ ngoại giao cũng như các nhà báo quốc tế đều tập trung ở đây, dễ đương đầu có hiệu quả đối với chính quyền. 

Ngày 21-5-1963, giáo lệnh của Hòa thượng Tịnh Khiết ban bố khắp nơi, đều phải tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân Phật tử tại đài phát thanh Huế. 

Tại Sài Gòn, chùa Ấn Quang vâng lệnh tổ chức rước linh từ chùa Ấn Quang tới Xá Lợi để làm lễ cầu siêu. Mặc dầu Phật giáo có báo tin trước cho chính quyền Sài Gòn biết, tối hôm trước, ông Quách Tòng Đức, Đại diện Tổng Thống phủ; ông Nguyễn Phú Hải, Đô trưởng Sài Gòn Chợ Lớn và ông Quận Trưởng quận 5, đều đã có mặt tại chùa Ấn Quang để xin ngưng việc rước linh tới chùa Xá Lợi. Nhưng việc rước linh và diễn hành đầu tiên vẫn được tiến hành như đã dự định của Ủy Ban Liên Phái. 

Vào 14 giờ, ngày 30-5-1963, đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ở Huế đã ra chỉ thị cho các cấp Phật giáo phải tổ chức tuyệt thực đòi hỏi chính quyền thực thi năm nguyện vọng. Tại Sài Gòn, Ủy Ban Liên Phái chúng tôi tuân luyện tổ chức ngay một cuộc biểu tình tại Công trường Lam Sơn trước quốc hội, từ 12 giờ 5 phút tới 5 giờ chiều, rồi diễn hành, căng biểu ngữ, về tới chùa Xá Lợi tuyệt thực suốt 48 giờ. Dịp này có Hòa thượng Thích Quảng Đức tham dự và Ngài có gởi một bức tâm thư xin tự thiêu lên Ủy Ban Liên Phái, để ngày 27-5-1963. Tuy nhiên, Ủy Ban Liên Phái bác bỏ nguyện vọng tự thiêu này. 

Sau cuộc tuyệt thực đó, Ủy Ban Liên Phái lại tổ chức rước linh hàng tuần vào mỗi buổi sáng ngày chủ nhật, để luân phiên cầu siêu tại các chùa trong Sài Gòn; Chợ Lớn, Gia Định, là trụ sở chính của mỗi giáo phái trực thuộc Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam. 

Thế nhưng, về phía chính quyền, ông Diệm vẫn cứ trơ trơ trước dư luận lên án gắt gao của nhân dân Việt Nam và thế giới. Độc ác và bất nhân hơn nữa là ông Diệm lại còn hạ lệnh bắt bớ thêm, phong tỏa thêm các chùa trên toàn quốc, thậm chí ông còn cho những thuộc quyền thẳng tay cắt đứt điện nước và tuyệt đường lương thực của các chùa chủ yếu. 

Bởi vậy, vào 8 giờ tối ngày 10-6-1963, hai Thượng tọa Tâm Châu và Thiện Hoa có cho xe vào Ấn Quang, mời tôi (Thích Đức Nghiệp) ra Xá Lợi bàn Phật sự gấp. Khi tới Xá Lợi, tôi gặp hai vị Thượng tọa đang ngồi phòng khách. 

Thượng tọa Thiện Hoa nói là :

- Phật giáo mình đương bị lâm nguy quá, nhất là tại Huế hiện nay.... 
Thượng tọa Tâm Châu nói theo :

- Ngày mai, buổi sáng chủ nhật, tới phiên tôi rước linh và cầu siêu tại chùa Phật Bửu Tự, do Hòa thượng Thích Minh Trực tổ chức, tại đường Cao Thắng, Quận 3. Vậy Thầy về hỏi lại ý nguyện tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức, hiện đương tụng kinh Pháp Hoa tại Ấn Quang. Nếu Hòa thượng đồng ý, thì ngay sau khóa lễ ở Phật Bửu Tự, trên đường về Xá Lợi, Thầy tìm mọi cách có hiệu quả nhất, để Hòa thượng Quảng Đức được tự nguyện tự thiêu, đồng thời để cứu nguy cho Phật giáo hiện nay. 

Khi về, tôi gặp ngay Hòa thượng Quảng Đức ở chùa Ấn Quang.

Sau khi tôi hỏi: - Hòa thượng còn giữ nguyện tự thiêu như lá thơ Hòa thượng đã gởi cho Liên Phái trước đây không?

Hòa thượng mừng rỡ trả lời: Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện của Phật giáo. 

Tôi (Thích Đức Nghiệp) nói thêm : 

- Vậy Hòa thượng hãy đi nghĩ và sáng mai, con sẽ tổ chức cho Hòa thượng tự thiêu cho Hòa thượng được thành tựu viên mãn.

Song Hòa thượng nói thêm :

- Đại đức cho tôi được lễ tạ Phật và Thượng tọa Thiện Hoa, tôi sẽ nói: Ngày mai tôi phải đi xa vì Phật sự, đồng thời cho tôi viết một lá thơ gởi cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. 

Tôi trả lời đều được cả, nhưng tuyệt đối Hòa thượng không nên để cho ai biết việc tự thiêu này. Sau đó, tôi đến phòng Thượng tọa Thiện Hoa mới ở Xá Lợi về để xin ít tiền mua sắm xăng để thiêu và vải để viết biểu ngữ cho sáng ngày mai. Tiếp theo tôi gọi anh lái xe ô tô Austin của Phật tử Trần Quang Thuận gởi ở Ấn Quang và nhờ anh ta đi mua xăng và vải, đồng thời tôi nhờ anh ấy chở Hòa thượng Quảng Đức đi dự lễ tại Phật Bửu Tự. 

Kế đó, tôi họp ngay mấy Thầy lại để phân công vào việc sáng mai : 

Thầy Chân Ngữ có trách nhiệm đổ hết xăng từ đầu tới chân Hòa thượng Quảng Đức khi cùng ngồi trên xe Austin để đi tới ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước tòa Đại sứ Cao Mên. 

Thầy Trí Minh phải ngồi cùng hàng ghế trước để bảo anh lái xe phải dừng lại ở ngã tư đường nói trên, rồi làm bộ chữa xe để Hòa thượng bước xuống đường và ngồi tự thiêu. 

Thầy Hồng Huệ giữ trật tự, Tăng Ni đi thành hai hàng và xe của Hòa thượng từ từ đi ở giữa. 

Tôi (Thích Đức Nghiệp) đi bên cạnh xe của Hòa thượng. Khi xe ngừng lại Hòa thượng bước xuống, tôi trao tay Hòa thượng bao quẹt và bao diêm để Hòa thượng tự bật lửa thiêu. 

Bùng cháy! Ngọn lửa ngất trời! Không thể nào tả xiết nỗi bàng hoàng của tất cả Tăng Ni và những người đứng xung quanh! Lệ rơi! Tiếng khóc vang lên! 

Lập tức, tôi yêu cầu hai mươi vị Tăng Ni ra nằm chặn ở bốn đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào nơi thiêu của Hòa thượng Quảng Đức. Biết rằng trong lúc tự thiêu này, có cả Simon Michaud, đại diện hãng thông tấn AFP của Pháp; Malcome Browne, đại diện AP của Mỹ và Neel Shihanm, đại diện UPI; đều chứng kiến tận mắt và xe của Đại tướng Hakins Mỹ cũng tới chỗ hỏa thiêu này. 

Sau 30 phút, thi hài của Hòa thượng Thích Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo. Tới cổng chùa ông Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới thi hài của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giảng. Rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ tát đã thiêu thân. Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều kính cẩn đưa tin tự thiêu này. 

Thật vậy, tin này đã làm rung chuyển lòng người trên khắp địa cầu, năm châu bốn biển, đã làm cho cả một chế độ gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của ông Diệm phải lung lay. Vì thế, ông Diệm đã thúc giục hai bên, Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái, sớm ngồi hội nghị và cùng ký bản thông cáo chung. 

Cũng chính nhờ công đức hy sinh cao cả của Hòa thượng Quảng Đức mà ông Diệm ra lệnh phải giải tỏa tất cả các chùa, đồng thời dùng máy bay dân sự đặc biệt để đón Hòa thượng Tịnh Khiết, Thượng tọa Mật Nguyện, Thượng tọa Trí Quang, Thượng tọa Thiện Minh, Thượng tọa Huyền Quang và Đại đức Thích Đức Tâm từ Huế vào Sài Gòn, để tiến hành gấp thủ tục và nhân sự cho phái đoàn Đại diện Ủy Ban Liên Phái, đi dự hội nghị cùng Ủy Ban Liên Bộ tại hội trường Diên Hồng, Sài Gòn, từ ngày 14 tới sáng ngày 16-6-1963. Kết quả hội nghị này là hai bên đã nhất trí đưa ra một bản thông báo chung, trong đó có chữ ký của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Bởi vậy, danh sách của hai phái đoàn gồm những thành viên chính thức như sau: 

I. Ủy Ban Liên Bộ của chính phủ gồm có:

1. Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ kiêm Bộ Trưởng kinh tế.

2. Ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng quốc phòng kiêm B.T. Phủ Tổng Thống. 
3. Ông Bùi Văn Lương, Bộ Trưởng bộ nội vụ. 

II. Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam gồm có: 

1. Thượng tọa Thích Thiện Minh, Trưởng phái đoàn.

2. Thượng tọa Thích Tâm Châu, Ủy viên.

3. Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Ủy viên.

4. Thượng tọa Thích Huyền Quang, Thư ký.

5. Đại đức Thích Đức Nghiệp, Phụ tá thư ký.

Sự thật chính phủ ông Ngô Đình Diệm ký thông cáo chung với Phật giáo, chỉ là một kế hoãn binh để tạm thời xoa dịu khí thế của Phật giáo đương lên, được mọi người trong nước và ngoài nước tích cực ủng hộ về mặt ảnh hưởng và công luận. 

Chẳng những như vậy, mà sau đám hỏa táng thi hài của Hòa thượng Quảng Đức tại An Dưỡng Địa lại có một hiện tượng phi thường, đó là trái tim bất tử của Ngài không cháy và vẫn tồn tại như một hình thể Bông Sen. Bên cạnh đó, ngày 7-7-1963, ông Nguyễn Tường Tam, nhà văn Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn, đã tự sát để noi gương vô úy và từ bi của Hòa thượng Quảng Đức. Nhân vụ án này, cô Deepe đại diện tuần báo Newsweek tại Sài Gòn, đã viết một câu đầy ý nghĩa đã báo trước sự sụp đổ của chính phủ ông Diệm. 

"Sau vụ tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức, cái chết của Nhất Linh sẽ đóng thêm một cái đinh vào quan tài ông Tổng Thống Diệm (After the most venerable Quảng Đức 's self-immolation, Mr Nhat Linh 's suicide willdrive one more nail into President Diệm 's coffin)". 

Và chính đám táng ông Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) đã rước tới cổng chùa Xá Lợi, rồi mang di ảnh và bát nhang của ông vào làm lễ Phật và xé khăn tang cho mấy chục ngàn người vào sáng ngày 3-7-1963, bất chấp sự có mặt của công an và cảnh sát ông Diệm. Tôi đứng ra điều đình với ông Mai Thọ Truyền để tang gia và bạn bè, hiếu quyến được vào thấp hương và hành lễ thoải mái. 

Về phía Phật giáo, chúng tôi đã kiên nhẫn trông chờ sự thực thi thông cáo chung của chính phủ. Trái lại, sự vi phạm và ngấm ngầm phá hoại thông cáo chung mỗi ngày thêm trầm trọng. Vì thế, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đã công khai gởi một văn thơ tới ông Diệm chủ ý là, kể từ ngày 14-7-1963, Phật giáo sẽ tái phát cuộc vận động bằng phương pháp bất bạo động để chính phủ mau chóng thực hiện bản thông cáo chung mà hai bên đã ký sáng ngày 16-6-1963. 

Tiếp theo, văn thơ tái phát động này, vì chính quyền ông Diệm thiếu thiện chí, ngày 17-6-1963, chư Tăng thuộc Ủy Ban Liên Phái tại chùa Xá Lợi đã biểu tình trước tư dinh ông Frederic Nolting, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, vì ông này đã thiên vị ông Diệm, và tuyên bố với hãng UPI (United Press Intermnational) của Mỹ rằng: 

"Ở Nam Việt Nam không có vấn đề kỳ thị tôn giáo và ngược đãi các Phật tử". 

Chính vì lời tuyên bố trên, nên ông Frederic Nolting đã bị ông Cabot Lodge thay làm Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn vào ngày 22-8-1963. 

Và tiếp đó, ngày 1-8-1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, lãnh đạo tối cao của Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam, đã chính thức gởi một văn thơ tới Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy, để phàn nàn về lời tuyên bố trên của ông Đại sứ Mỹ Frederic Nolting là hoàn toàn không chính xác. 

Cũng nhắm theo xu thế chung, là đòi hỏi chính quyền ông Diệm hãy thực thi nghiêm chỉnh bản thông cáo chung cùng buổi sáng 17-7-1963; tại chùa Giác Minh (hiện nay nằm trên đường Điện Biên Phủ); Thầy Quảng Độ đã tổ chức cuộc biểu tình gồm hàng ngàn Phật tử đi ra chùa Xá Lôi để thăm các vị lãnh đạo Phật giáo đương tuyệt thực để yêu cầu chính phủ áp dụng thực tiễn bản thông cáo chung, trong khi Thầy Chánh Lạc lại hướng dẫn trên ba trăm Tăng Ni từ Xá Lợi ra trước chợ Bến Thành để đòi thực thi bản thông cáo chung. Dĩ nhiên hai cuộc biểu tình này đều bị đàn áp và bắt bớ, giam tù. 

Ngày 23-7-1963, Sư bà Diệu Huệ, thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội, cùng Sư bà Diệu Không tổ chức cuộc họp báo vào 8 giờ sáng tại chùa Xá Lợi và tuyên bố rằng : 

- Nếu chính quyền Ngô Đình Diệm không thực thi bản thông cáo chung, thì Sư bà sẽ tự thiêu. 

Cũng trong cuộc họp báo này, đại diện hãng Thông tấn Reuter hỏi tôi (Thích Đức Nghiệp) rằng : 

- Đại đức nghĩ gì về thái độ của chính phủ đối với bản thông cáo chung ? 

Tôi trả lời : 

- Đó là nụ hôn của Judas (phản bội) đối với Chúa. 

Tiếp đến David Halberstam, phóng viên của tờ New York Times anh ta hỏi: 

- Ông quan niệm thế nào về lời tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân) rằng : 

Mấy ông sư trẻ chích thuốc mê vào Hòa thượng Quảng Đức, rồi nướng sống ông (barbercue) ấy ?". 

Riêng tôi nhận thấy : 

- Bà Ngô Đình Nhu là hiện thân của Lady Macbet (âm mưu xúi chồng để giết vua anh). Còn việc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức, xin anh Simon Michaud của hãng AFP và anh Malcome Browne của hãng AP vui lòng trả lời giúp tôi, vì việc tự thiêu này hai anh đều thấy tận mắt. 

Sau đó hai nhà báo Pháp và Mỹ đều xác nhận là chính xác và thực tế, tuyệt đối không có vấn đề chích thuốc mê, rồi thui sống Hòa thượng Quảng Đức. Tất cả mọi người có mặt đều vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.... 

Tới đây, tôi phải nói thêm rằng : 

"Chính nhờ ngọn lửa tự thiêu đầu tiên của Hòa thượng Quảng Đức, đã vận động thêm sáu vụ tự thiêu khác của Tăng Ni trên toàn quốc, kể cả đầu tháng 8-63 tới cuối tháng 10-63, cộng với những cuộc biểu tình, tuyệt thực, đình công, bãi khóa của các giáo sư, sinh viên, học sinh và đồng bào Phật tử". 

Thí dụ : 

1. Ngày 4-8-63, tại đài Chiến sĩ, trước tòa Tỉnh Trưởng Phan Thiết, Thầy Nguyên Hương đã tự thiêu. 

2. Ngày 13-8-63, trong khuôn viên chùa Phước Duyên, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Thầy Thanh Tuệ đã thực hiện tự thiêu rất hào hùng và anh dũng. 

3. Ngày 15-8-63, tại quận Ninh Hòa gần tỉnh Nha Trang, Ni sư Diệu Quang, người đầu tiên trong Ni bộ, cũng tự thiêu để noi gương của Hòa thượng Quảng Đức. 

4. Ngày 16-8-63, tại chùa Từ Đàm Huế, Thượng tọa Tiêu Diêu đã tự thiêu để cứu nguy Phật giáo và Dân tộc. 

5. Ngày 5-10-63, trước chợ Bến Thành Sài Gòn, Thầy Quảng Hương từ Ban Mê Thuộc vào đây tự thiêu. 

6. Ngày 27-10-63, trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Thầy Thiện Mỹ người sau cùng, đã tự thiêu trong khi phái đoàn Liên Hiệp Quốc đang có mặt tại Sài Gòn và trước năm ngày khi có cuộc đảo chính, 1-11-63. 

Đối lại, chính quyền ông Diệm đã dùng những thủ đoạn thâm độc để triệt hạ Phật giáo. Thí dụ : "Dùng gậy ông đập lưng ông" như cho thành lập hai tổ chức giáo gian với danh nghĩa : 

1. Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam. 

2. Ủy ban Liên hiệp Phật giáo thuần túy Việt Nam để đánh lừa dư luận quốc nội và quốc tế. Hơn thế nữa, ông Diệm còn cho áp dụng "Kế hoạch nước lũ" và biểu tình của thương phế binh nhằm phá hoại ngầm uy tín các vị lãnh đạo Phật giáo đối với quần chúng đương nhiệt tình ủng hộ Phật giáo. 

Và cuối cùng, ông Diệm đã cho lệnh bố ráp các chùa và bắt giam tất cả Tăng Ni trên toàn quốc kể cả các vị lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam tại chùa Xá Lợi Sài Gòn vào đêm 20-8-63. Tuy vậy, vào 17 giờ cùng ngày, David Halberstam, ký giả báo New York Times đã đích thân lái xe riêng tới chùa Xá Lợi và cấp báo rằng : 

- Đêm nay (20-8-63) ông Diệm sẽ cho quân lính và cảnh sát đặc biệt vào khám chùa và bắt các Tăng Ni đấy. Vậy ông (Thích Đức Nghiệp) có muốn t?ạn thì đi ngay với tôi. 

Tôi nói : 

- Làm ơn chờ tôi 10 phút để hỏi ý kiến mấy vị lãnh đạo xem sao ! 

Tôi liền gặp các vị Thượng tọa Tâm Châu, Trí Quang và Thiện Minh hiện cùng ở trong chùa Xá Lợi. Các vị đều cương quyết trả lời : "Không đi đâu hết, cứ ở đây, sống chết cùng Tăng Ni và các Phật tử". 

Ngay sau đó, tôi đi ra gặp lại anh nhà báo nước ngoài : 

- Xin cảm ơn anh. Tôi không đi. 

Thế rồi, đúng 12 giờ 5 phút đêm 20-8-1963, sự việc khám chùa Xá Lợi và bắt tất cả Tăng Ni về trại giam của công lực ông Diệm xảy ra đúng như lời nhà báo Mỹ đã nói. Duy chỉ có hai Tăng Sĩ là trốn thoát sang sở USOM bên cạnh chùa Xá Lợi và sau đó riêng Thượng tọa Trí Quang xin tị nạn tại tòa Đại sứ Mỹ. Còn chúng tôi Ủy Ban Liên Phái thì bị đưa về trại giam của Đại tá Lê Quang Tung, trên đường nằm giữa tổng tham mưu quân đội và phi cảng Tân Sơn Nhất. 

Vì thế sau đó ba ngày, Đại sứ Mỹ ông Cabot Lodge đã sang Sài Gòn thay thế ông Frederic Nolting và tại New York một khối quốc gia gồm 16 nước mà đứng đầu là ông Đại sứ Ceylan (Srilanka), Tích Lan tại Liên Hiệp Quốc, đã ra công bố, lên án : Tại Nam Việt Nam đã vi phạm nhân quyền của Phật giáo. Lúc đó, Thượng tọa Nhất Hạnh đang dạy học tại Đại học Columbia, New York, sau khi Thượng tọa đã học ở Đại học Princeton, New Jersey và tốt nghiệp ở Đại học Columbia về ngành triết học. Nghĩa là, Thượng tọa cũng ngồi tuyệt thực một tuần lễ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tích cực vận động Liên Hiệp Quốc công cử một phái đoàn sang điều tra tại Sài Gòn, Nam Việt Nam. Kết quả Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn gồm bảy người tới Sài Gòn 12 giờ 30 phút giữa đêm ngày 24-10-1963 và trở về New York vào 6 giờ chiều, ngày 3-11-1963, sau khi có cuộc đảo chính ông Diệm, theo tài liệu bản phúc trình của phái đoàn Liên Hiệp Quốc điều tra sự việc tại Nam Việt Nam (Report of United Nations Fact Finding Mission of South VietNam) trang 8 và 21. 

Biết rằng : Trước và trong thời gian phái đoàn Liên Hiệp Quốc làm việc tại Sài Gòn, Thầy Thích Thanh Nhân (Thích Minh Thông) đã bí mật hoạt động ráo riết cùng quý vị Tăng Ni, sinh viên và Phật tử tổ chức biểu tình và hai vụ tự thiêu, như : 

- Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 5-10-1963, Thầy Thanh Nhân đã bố trí an toàn và tổ chức chu đáo cho Đại đức Quảng Hương tự thiêu tại chợ Bến Thành Sài Gòn. 

- Vào sáng ngày 27-10-1963, Thầy Thanh Nhân tổ chức thành công cho Đại đức Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, trong khi đó có bốn người của phái đoàn Liên Hiệp Quốc cũng chứng kiến. 

Trước ngày đảo chánh, phái đoàn Liên Hiệp Quốc đã gặp riêng Đức Hội Chủ Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang, ngày 27-10-1963 và vào trại giam của Đại tá Lê Quang Tung, ngày 30-10-1963 đến 31-10-1963 và sáng ngày 1-11-1963 để phỏng vấn Hòa thượng Trí Thủ, Thượng tọa Quảng Liên, Thượng tọa Tâm Giác, Thượng tọa Tâm Châu, Đại đức Thích Đức Nghiệp, Thượng tọa Thiện Minh và ông Mai Thọ Truyền. 

Sau đó, phái đoàn Liên Hiệp Quốc về khách sạn. Đúng 1 giờ chiều, ngày 1-11-1963, tiếng súng Cách mạng quân đội bắt đầu nổ, chấm dứt chế độ và mạng sống của ông Diệm, ông Nhu. 

- 8 giờ sáng, ngày 2-11-1963, tất cả quý vị lãnh đạo Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Việt Nam và tôi được thả.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6712190