XÂY DỰNG LẠI NHỮNG GIÁ TRỊ BAN ĐẦU
XÂY DỰNG LẠI NHỮNG GIÁ TRỊ BAN ĐẦU
NGUYÊN CẨN
Những chuyện lùm xùm đầu năm học
Đầu năm học này cả nước bỗng xôn xao, lùm xùm vì chuyện một số trường áp dụng Công nghệ giáo dục (CNGD) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (HNĐ), vốn ban đầu chỉ là một clip trên mạng trình bày cách một cô giáo dạy học sinh đánh vần. Ngay sau đó đã có hàng trăm clip phản ứng đến mức cực đoan như xé sách giáo khoa... Thực ra, chương trình CNGD của HNĐ đã có từ 40 năm nay và được một số trường học miền Bắc thực hiện. Đến năm học 2014-2015 đã có 37 tỉnh thành áp dụng, còn hiện nay là 49 tỉnh thành, dạy cho khoảng 800.000 học sinh. Nhưng vì sao như Chủ tịch Quốc hội đã nói: “Thực nghiệm gì mà mấy chục năm rồi vẫn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thí điểm, khổ học sinh lắm!”. Trách nhiệm ấy là của Bộ Giáo dục. Còn khi số lượng học sinh tăng lên đến 800 ngàn thì số tiền bỏ vào mua sách giáo khoa lên đến con số trên 300 tỷ. Và chẳng hiểu sao người ta gây bão trên mạng, từ xỉ vả, nguyền rủa cho đến kéo đến tận các Sở Giáo dục đề nghị không cho con em học loại sách ấy! Đã có những tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… quyết định không theo CNGD. Chúng tôi không đi sâu vào việc bàn cãi đúng sai ở đây vì nhóm chủ trương cho rằng với phương pháp học này, học sinh sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành mà CNGD quan điểm đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể. Từ khái niệm khoa học, học sinh sẽ phân tích những khái niệm đó và dần dần sẽ hiểu được cụ thể. Nhưng phụ huynh cho rằng, họ không hỗ trợ được con mình vì không biết về phương pháp này.
Tại sao lẽ ra phải thấy mừng khi giáo dục đang có nỗ lực để cải cách, để thoát khỏi lạc hậu, trở nên đa dạng, nhiều chọn lựa hơn theo chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, phụ huynh lại có phản ứng tiêu cực như vậy? Có lẽ đến từ thực tế họ không tin tưởng việc cải cách giáo dục tốn kém trong nhiều năm qua với hàng chục nghìn tỷ đồng ném vào Cải cách giáo dục rồi mà vẫn rối rắm, bất cập, từ hệ thống chương trình cho đến phương thức thi cử tuyển sinh?
Với hơn 23 triệu học sinh, nếu có được phương pháp giáo dục hiệu quả, chắc chắn tương lai Việt Nam sẽ có được nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Nhưng rõ ràng là chương trình và phương thức giáo dục hiện nay vẫn chưa đáp ứng hữu hiệu cho điều này, nên việc cải cách, đổi mới vẫn còn hết sức bức thiết.
Trong khi chờ đợi bước chuyển mình ở tầm “vĩ mô” về chương trình, phương pháp, thì nên chăng hãy nhìn lại giáo dục chúng ta và đề ra những mục tiêu cấp thiết trước mắt cần thực hiện ngay.
Trở lại những giá trị cốt lõi ban đầu
Chúng ta đã rơi vào những cuộc tranh cãi bất tận bao nhiêu năm nay về nội dung và phương pháp mà không thấy rằng trẻ em chúng ta dù theo chương trình hay phương pháp nào thì hiện nay cũng đã “quá tải” đến mức bà Chủ tịch Quốc hội phải kêu lên: “Tôi thấy rất thương trẻ con, học sinh bây giờ học rất khổ sở”. Hình ảnh những em học sinh vai đeo cặp táp nặng từ 8 đến 13 kg mỗi buổi sáng, mắt nhắm mắt mở đến trường, tay cầm nắm xôi hay ổ bánh mì vừa ngồi trên xe vừa ăn; hay những ông bố bà mẹ đến tối mịt còn mòn mỏi chờ con trước cổng trường, nhất là vào những đêm mưa gió có làm quan chức nào động lòng không? Chắc ít có trẻ em nào trên thế giới lại phải “khổ” hơn trẻ em chúng ta hiện nay! Những lời kêu gọi giảm tải chương trình, trả lại mùa hè, trả lại “hoa vàng trên cỏ xanh”, hay trả tuổi thơ cho các em dường như rơi vào hư vô khi nhiều bậc thức giả, nhiều nhà báo cứ nói, nhưng những người có trách nhiệm và thẩm quyền lại ít hay không hề lưu tâm. Có người cay đắng thì cho rằng vì con em quan chức học trường quốc tế hay đi du học cả rồi nên họ không quan tâm đến nỗi khổ của cả một thế hệ và những người làm cha mẹ.
Còn nếu nói chuyện “vĩ mô” như triết lý giáo dục hiện nay là gì, nguyên lý sư phạm nào chi phối nền giáo dục chúng ta thì chắc sẽ còn nhiều tranh luận. Chỉ xin nói ngắn gọn: Trong khi chờ đợi, hãy trở lại những giá trị cốt lõi như cha ông ngày xưa từng dạy con trẻ trong “Quốc văn giáo khoa thư”, thậm chí như trong “Gia huấn ca” của Nguyễn Trãi... Những con người đó được giáo dục trong những thời đại ấy đã làm nên những thành công rực rỡ trong bảo vệ Tổ quốc và gìn giữ non sông nguyên vẹn cho đến ngày nay! Chúng ta cần xây dựng con người với những kỹ năng sống và biết yêu thương vì dù lấy triết lý nào làm nền tảng cho giáo dục thì sự giáo dục tâm hồn của con người, với những bài học về thương yêu, công lý, khoan dung và kỹ năng sống hòa hợp vẫn cần phải đưa vào chương trình, bằng cách nào đó, trực tiếp và gián tiếp, từ mẫu giáo đến đại học. Cụ thể là rèn luyện kỹ năng sống về mặt xã hội, tình cảm và đạo đức.
Kỹ năng yêu thương
Sống là phải biết yêu thương bởi lẽ thiếu lòng nhân ái, tuổi trẻ sẽ rất dễ bị cuốn theo môi trường sống độc hại, gia nhập bè đảng, tính tình trở nên hung bạo, thiếu kiềm chế. Chúng ta giáo dục hướng ngoại nhiều hơn hướng nội nên con người có thể thành công trong đời sống vật chất, kiếm ra nhiều tiền nhưng không sao thoát khỏi trầm cảm, nỗi cô đơn và stress. Chúng ta có thể nhận ra qua tình trạng bạo lực học đường gia tăng khi các trẻ em không biết cách giải quyết xung đột và chọn việc sử dụng bạo lực như là phương cách duy nhất trong giải quyết bất đồng trong cuộc sống.
Kỹ năng yêu thương khiến tuổi trẻ khám phá những cái đáng yêu, cái tốt trong cuộc sống và sẽ ít khi bị dồn nén bởi cô đơn, tù túng trong tâm hồn. Kỹ năng ấy phải bắt nguồn từ cha mẹ - gia đình. Trong tam giác gia đình - nhà trường và xã hội thì cha mẹ là những vị thầy cô đầu đời của các em. Ở đó, các em học được bài học đầu tiên về tình yêu thương.
Thống kê cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình bất hạnh hay đổ vỡ dễ mất niềm tin vào tương lai, vào cuộc đời và có những phản ứng khó kiềm chế, hay buông theo hoàn cảnh bất hạnh của mình để sống bất cần. Cha mẹ còn là tấm gương đầu tiên cho các em soi bóng mình vào đó để noi theo, để mơ ước.
Học kỹ năng yêu thương nơi thầy cô, bè bạn
Sau cha mẹ thì thầy cô chính là nơi mà tuổi trẻ học kỹ năng yêu thương vì ở đó các em sẽ được học những điều mới lạ với những “cha mẹ” thứ hai trong đời. Có những học sinh nghe lời thầy cô còn hơn cha mẹ.
Nhà trường cũng là nơi mà cái thiện phải vượt trên cái ác, phải là một ngôi nhà đáng sống trong suốt thời tuổi trẻ vì ở đó các em chưa phải đối phó với những phong ba bất trắc, các em được gần gũi với những bạn trẻ cùng trang lứa, những đồng đội tuyệt vời. Tóm lại, đó là những người sống gần gũi và luôn có mặt trong việc xây dựng nên con người mai sau của các em. Giáo dục tâm hồn phải được nêu lên hàng đầu và làm thế nào thực hiện được đòi hỏi nỗ lực vượt bậc tự thân từng học sinh, từng thầy cô, từng người làm công tác quản lý. Hiện tượng đáng buồn gần đây khi phụ huynh hành hung cô giáo, ngược lại thầy cô và cả bảo mẫu vẫn dùng roi vọt với học sinh đều là hai mặt của một vấn đề: thiếu giáo dục tâm hồn. Hơn lúc nào hết, tâm khoan dung, nhẫn nại, đặc biệt là lòng từ bi và tư duy chánh niệm là những phẩm chất cần huân tập và phục hoạt vì đã “ngủ quên” trong lòng người, dù có hay không một tôn giáo làm niềm tin trong đời sống
Những nhà quản lý giáo dục phải thiết kế chương trình sao cho hài hòa giữa khối lượng kiến thức với thời gian sinh hoạt tập thể, dã ngoại, hoạt động xã hội, qua đó hình thành tinh thần tập thể và nếp sống cộng đồng. Cũng qua đó, thầy cô, anh chị trong đoàn, đội, Ban Giám hiệu có điều kiện tìm hiểu tâm tư nguyện vọng các em để hướng dẫn và ngăn ngừa những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh do bất mãn, cô đơn, buồn phiền. Đó phải chăng cũng là điều mà chủ trương hiện nay “trường học thân thiện” được đề ra nhưng chưa triển khai cụ thể.
Kỹ năng ứng xử
Phải tăng cường thiết thực nội dung môn “Giáo dục công dân” và đưa vào hệ thống chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Hãy tập cho các em câu nói đầu tiên là “Xin phép”, “Xin lỗi”, “Cảm ơn”. Nhiều người Việt ra nước ngoài giật mình vì trẻ em bên đó luôn tỏ ra lịch sự, lễ phép. Người lớn cũng thế! Không ai hút thuốc trong phòng máy lạnh, nghe điện thoại lúc hội họp; nói gì đến chuyện vất xác chuột ra đường phố. Làm sao khi người lớn đưa tay dắt một em nhỏ qua đường hay lên xe buýt, em cũng sẽ trân trọng “Cảm ơn”. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu dành ra gần mười năm để giáo dục công dân Singapore không xả rác hay khạc nhổ, làm bẩn đường phố. Trẻ em phải biết xếp hàng khi lên xe hay vào siêu thị. Chúng ta cũng vậy, sẽ cần nhiều cẩm nang hướng dẫn về “etiquette”, ngoài cuốn “Quốc văn giáo khoa thư”. Qua đó, học sinh biết lễ phép với người lớn, đứng nghiêm khi nghe quốc ca, khi chào cờ, hay ngả mũ khi thấy đám ma đi ngang qua, nhường đường cho xe cứu thương, nhường ghế cho người già và phụ nữ... Hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất ngay trong từng gia đình, từng lớp học trước khi thực hành ngoài phố...
Nhìn lại văn hóa ứng xử của chúng ta, hình ảnh người Việt giờ đây trong mắt bạn bè thế giới cũng phần nào hoen ố về những hình ảnh xấu mà chúng ta đã gây ra trên thế giới. Chỉ nói riêng một số thói quen thường thấy khi đi du lịch hay làm việc ở nước ngoài: ồn ào, không xếp hàng, giành giựt, không giữ vệ sinh chung...!
Kỹ năng sống trung thực và biết ước mơ
Ngoài niềm tin vào thiện tâm con người, còn phải kể đến việc tránh tình trạng “tư duy đồng phục” như đã nêu trong một vài bài báo trước đây khi chúng ta dạy học sinh nhiều văn mẫu quá, buộc các em tư duy trong những “chiếc hộp” do người lớn đề ra, chạy theo thành tích nhưng vô tình (hay cố ý) bóp chết tính trung thực, sự sáng tạo trong tâm hồn các em. Không khéo, chúng ta đang khuyến khích tính ỷ lại, dối gạt, nhận vơ thành quả công trình người khác làm của mình. Đó sẽ là mầm mống sinh ra các ngài tiến sĩ “đạo” luận án, các nhạc sĩ “đạo” nhạc, các ông tác giả viết sách bằng văn người khác!
Chúng ta phải biết xây dựng “thần tượng” hay ước mơ cho tuổi trẻ. Sẽ không phải là những anh ca sĩ biến thái uốn éo trên sân khấu, những kẻ khuấy động showbiz ồn ào nhưng rỗng tuếch... Sẽ không phải là ông quan to quan nhỏ trong một loại nghề nghiệp được ưu đãi nào đó giàu lên đột xuất… Mà phải là những trí thức có tâm huyết, có năng lực, những anh hùng trong đời thường, những người giàu biết làm từ thiện, những nghệ sĩ chân chính... Xa hơn, cao hơn, có thể các em mơ thành Warren Buffet, Mark Zukerberg, Bill Gates,... không chỉ ở ý chí vươn lên hay tinh thần sáng tạo mà còn là tinh thần thiện nguyện khi họ đồng ý cống hiến từ 90% đến 95% tài sản của mình cho những công trình từ thiện. Phải đánh thức ước mơ tuổi trẻ. Phải làm các em ý thức về giá trị của đời sống và hạnh phúc nằm ở sự an lạc tâm hồn chứ không phải mớ áo quần diêm dúa, những thời trang phù hoa nhất thời... Ta hiểu thói quen tạo nên tính cách con người. Vào thời đại của mình, Kant đã nhận xét: “Chúng ta sống trong kỷ nguyên của nguyên tắc, văn hóa và sự tao nhã nhưng chúng ta phải vượt qua một chặng đường lớn nữa mới tới được kỷ nguyên của đào tạo đạo đức” trong khi đó nỗ lực đầu tiên trong giáo dục đạo đức là hình thành tính cách. Tính cách chính là sẵn sàng hành động theo phương châm đặt ra, lúc đầu là những phương châm của nhà trường và sau này là phương châm của nhân loại. Thoạt đầu đứa trẻ tuân thủ các quy tắc. “Tính cách không phải là một món quà của tự nhiên mà được hình thành qua một quá trình thông qua giáo dục... Con người chỉ có thể trở thành một hữu thể đạo đức khi lý trí của anh ta phát triển thành tư tưởng về trách nhiệm và luật pháp” (Kant).
Kỹ năng ứng xử với truyền thông
Với sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông khác có thể nói chúng ta đang ở trong một cuộc chiến trên mặt trận truyền thông. Những vũ khí của cuộc chiến này phức tạp hơn súng đạn nhiều. Cuộc chiến này không chỉ để đánh bại đối thủ, mà còn làm tê liệt tính độc lập, tự chủ của cá nhân hay tập thể trong xã hội. Ý thức sức mạnh của truyền thông, chúng ta phải làm thế nào tránh được những tiêu cực do tâm tham lam và thù hận của con người gây ra, làm ô nhiễm đời sống chúng ta với những xúc thực, đoản thực độc hại... Có nhà xã hội học còn quy trách nhiệm của những hành vi tội ác do nhiễm từ phim ảnh, games, video clips... Ngày nay, việc nói dối, tung tin bịa đặt lại có nguy cơ lan rộng nhanh vì công nghệ internet. Những trang mạng xã hội đang trở thành một thứ công cụ hai mặt; cả tích cực và tiêu cực, phần tiêu cực không phải là ít, mà rất đáng kể. Mặt tích cực là khi người ta có không gian “mạng” để tự do ngôn luận, người ta mau mắn chia sẻ ý tưởng, thúc đẩy thông tin lan nhanh và trên diện rộng, khích lệ đổi mới, sáng tạo trong nhiều lãnh vực. Nhiều nước đã có luật cấm các hình thức phát ngôn khiêu khích, bôi nhọ, kích động bạo lực... dù “hate speech” có thể hiểu một cách tổng quát rằng đó là những phát ngôn cổ vũ bạo lực, sự căm ghét, phân biệt chống lại người khác, đặc biệt vì nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo, giới tính, xu hướng tình dục, khiếm khuyết cơ thể, nguồn gốc quốc gia hay tình trạng di cư..., (theo định nghĩa của Facebook). Trong nhiều trường hợp, lằn ranh giữa có tội và vô tội là khá mong manh. Các mạng xã hội đều có muốn nhanh chóng gỡ bỏ những nội dung kích động hận thù quá rõ ràng, nhưng thực tế đặt ra nhiều vấn đề không dễ xử lý, như một số nội dung có thể mang ý xúc phạm nhưng lại dưới hình thức châm biếm thiếu thẩm mỹ, nếu phạt thì lại có nguy cơ xâm phạm quyền tự do ngôn luận (?) Với tuổi trẻ, chúng ta phải tập cho các em xây dựng chánh ngữ. Chánh ngữ theo Tương Ưng Bộ Kinh định nghĩa: “… là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm”. Như vậy không chỉ nói điều không thực, mà nói những lời hại người, khích động thù hận cũng phải lên án và cần ngăn ngừa hành vi ấy!
Tất cả những điều trên không chỉ là những kỹ năng mà là nền tảng xây dựng tính cách hay phẩm giá con người cho các em, dù có học theo chương trình, nội dung hay phương pháp nào đi nữa. Giáo dục phải làm được những điều ấy, nếu không, chúng ta đã và đang xây một ngôi nhà thiếu móng! Mong thay!
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết