XUÂN ĐẠO VÀ TÂM ĐẠO
XUÂN ĐẠO VÀ TÂM ĐẠO
TRỊNH SÂM
Nói đến mùa xuân, chúng ta thường nghĩ đến một trường nghĩa tích cực, mùa tốt lành, thời tiết dễ chịu, chim hót líu lo, cây cối đâm chồi nảy lộc. Thật ra, đây là những phổ niệm, tức những ý niệm phổ quát có tính nhân loại. Chúng xuất phát từ những ẩn dụ ý niệm, Đời người là một năm, Đời người là một ngày, Đời người là là cỏ cây và hàng loạt ẩn dụ kéo theo. Nói rõ hơn, bốn mùa trong một năm tượng trưng cho bốn giai đoạn khác nhau trong đời của một người; các thời đoạn khác nhau trong một ngày từ binh minh - lúc mặt trời mọc mang ánh sáng đến - cho đến hoàng hôn - lúc mặt trời lặn, bóng tối tràn về, là tương ứng với cuộc đời một người; quá trình phát triển của cây cối, thực vật từ lúc nẩy mầm, sinh trưởng, đơm hoa kết trái cho đến tàn lụi là tương ứng với cuộc đời của một người.
Điều thú vị là con người và tự nhiên, hai thực thể song hành vận động theo những quy luật khác nhau nhưng lại có sức cuốn hút và tương tác lẫn nhau.
Xuân đến, xuân đi, xuân trở lại; ngày qua đi và ngày sẽ đến, cây cối tàn tạ trong mùa đông nhưng sẽ đầy nụ non, chồi biếc để chào đón chúa xuân. So với tự nhiên, thời gian đời người hữu hạn hơn nhiều, không lặp lại và không theo chu kỳ. Do vậy, trong nỗi bất lực trước sự hủy diệt của nó, đặc biệt quá luyến tiếc thời đoạn mùa xuân - tuổi trẻ, Xuân Diệu phải đau đớn thốt lên:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
(Vội vàng)
Thế có nghĩa là con người không được như tự nhiên bởi còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.
Phật giáo tuy có đề cập đến luân hồi, nhưng rất đề cao cuộc sống bây giờ, ở đây, thậm chí cách sống, cách hành xử hôm nay vừa là nghiệp quả của trước, vừa là nhân của sau. Cần thấy, hành xử là một khái niệm rộng, có thể lược quy về hai phạm trù: hướng nội, hành xử với bản thân và hướng ngoại, hành xử với người khác và hành xử với tự nhiên, mà lý tưởng, cái đích cuối cùng là vươn tới được vô sắc giới.
Xét về phương diện hướng nội, quá trình con người học đạo, khi chiêm nghiệm về vô niệm cả mặt lý thuyết cũng như thực hành thì việc hướng về tâm giác có ý nghĩa quan trọng. Nếu như năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác là những cơ quan cảm nhận thế giới bên ngoài một cách trực tiếp thì tâm giác lại là một sự tái tạo có tính chất trừu tượng khó định hình, định vị. Nói theo tri nhận luận, năm giác quan thụ cảm của con người là năm đầu vào, những cảm nhận ban đầu phải thông qua bộ lọc của hệ thần kinh trí não và thông qua cái vỏ ngôn ngữ mới hình thành nên những ý niệm, trong đó ý thức, kinh nghiệm của chủ thể có ý nghĩa quyết định. Còn diễn giải theo nhà Phật, mọi thông tin từ năm giác quan ấy phải thông qua người chỉ huy tối thượng, quyền hành vô song là tâm giác, tâm giác tịnh biết gạn đục khơi trong, biết kích hoạt và tác động theo hướng chính định; tâm giác nhiễm không vững vàng, bị chi phối bởi ngoại cảnh thì dễ rơi vào con được lầm lạc, u mê.
Xét về phương diện hướng ngoại, xuân về với nhiều tín hiệu chuyển biến theo quy luật tự nhiên. Đây là chỉ báo có tính ngoại cảnh, nhưng nếu tâm không tịnh để thật sự lắng nghe và cảm nhận lẽ huyền diệu của trời đất thì tất cả đều có thể là huyễn hoặc bởi như đã nói, chức năng của tâm giác không chỉ là phân tích, đánh giá kết quả thụ cảm của năm giác quan mà còn là nơi đưa ra kết luận cuối cùng. Nói rõ hơn, nếu không sáng suốt, không minh tuệ thì tâm sẽ bị lực cản của dục giới và sắc giới. Ngược lại, nếu tâm giác vươn tới được bến bờ của giác ngộ thì kéo theo một hệ quả vô cùng quan trọng, các giác quan cảm nhận, lý giải được những điều mà bình thường không thể cảm nhận, lý giải được.
Cho nên có thể nói, từ xuân đạo đến tâm đạo, rồi từ tâm đạo trở lại xuân đạo là một hành trình có tính tương tác, chúng dài hay
ngắn, quang đãng hay u tối, tùy thuộc vào năng lực hóa độ và cơ duyên của mỗi người.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 26 – THÁNG 10 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
Bình luận bài viết