Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA
TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ ĐẤU TRANH
CỦA NHÂN DÂN BẾN TRE
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN*
Những hoạt động chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng và cuộc vận động cách mạng của những người cộng sản song hành trong lịch sử; một bên đạo, một bên đời tưởng chừng như không liên quan với nhau, nhưng thực chất đó là hai con đường cùng hướng về một mục tiêu là giải phóng những người dân Việt Nam đang sống lầm than đau khổ dưới ách thực dân, phong kiến.
Hòa thượng Khánh Hòa xuất gia tu hành từ năm 19 tuổi (1895) và mất năm 1947-hơn 50 năm ấy cũng là thời kỳ lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân Nam bộ, Bến Tre và trên phạm vi cả nước diễn ra vô cùng sôi nổi. Hòa thượng Khánh Hòa là người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở quê hương Bến Tre và tiếng vang lan rộng cả nước. Hơn 10 năm sau khi ngài mất, Bến Tre lại là quê hương đi đầu trong phong trào đồng khởi quật cường ở Nam bộ. Phải chăng từ danh hiệu quê hương chấn hương Phật giáo đến quê hương đồng khởi có mối liên hệ nhân quả, và trong đó có dấu ấn ý chí bền bỉ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa?
Hai con đường, một mục đích
Thực dân Pháp bắt đầu quá trình xâm chiếm và đô hộ nước ta từ giữa thế kỷ XIX (1859). Kể từ đó, người dân Việt Nam bắt đầu nếm trải cuộc sống của người dân thuộc địa - “một cổ hai tròng”. Mặc dù chưa đủ sức chống lại thực dân và phong kiến, nhưng cũng từ đó tinh thần tự hào dân tộc bị tổn thương và sĩ phu yêu nước là tầng lớp cảm nhận sâu sắc sớm nhất, nên tinh thần tranh đấu cho độc lập dân tộc cũng bắt đầu nung nấu từ tầng lớp trí thức rồi lan tỏa trong nhân dân.
Người thanh niên 19 tuổi Lê Khánh Hòa xuất gia theo học Phật pháp từ năm 1904 - tức là sau khi đất nước đã bị thực dân Pháp đô hộ hơn 30 năm. Thực tế xã hội lúc bấy giờ đã tác động đến đời sống và tình cảm của nhân dân Việt Nam, trong đó các tu sĩ Phật giáo như Lê Khánh Hòa.
Phật pháp không phải là môn học để làm chính trị mà là môn học làm người nhân ái để “cứu nhân độ thế”. Những người khốn khổ thời đó không ai khác chính là những người dân Việt Nam đang mang trên người gông cùm thực dân và phong kiến. Mục đích của đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng nhằm để giải phóng nhân dân ra khỏi gông cùm ấy. Như vậy, tinh thần Phật pháp và tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc có chung một chí hướng, chung một mục đích là giải phóng người dân khỏi nỗi đau thuộc địa và nghèo khó.
Là người thông minh và ham học, tu sĩ trẻ Lê Khánh Hòa nhanh chóng tinh thông Phật pháp và sự giác ngộ đó cũng là sự thấm nhuần tinh thần yêu nước, thương dân, do đó, ngài muốn dùng Phật pháp để thức tỉnh tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc -trước tiên cho các Tăng đồ…Vào thời điểm đó (1916), ông về trụ trì chùa Tuyên Linh ở Bến Tre và cảm nhận rất rõ tình thế rất khó khăn: “Phật giáo suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết…” - tình thế đó đặt ra yêu cầu trước mắt và cấp bách là phải “chấn hưng Phật giáo” để có thể tuyên truyền Phật pháp và tinh thần dân tộc cho đông đảo chúng sinh. Mặc dù “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với Lê Khánh Hòa, ngài không quá bi quan mà tin vào sức mạnh ý chí của những người yêu nước, thương dân. Ngài nói với những người hoài nghi rằng: “vàng, bạc bao giờ cũng ít, ngói đá bao giờ cũng nhiều” -đó là lẽ thường, nhưng ai đã dám “lìa bỏ cha mẹ, gia đình và cuộc sống cao sang quyền quý để vùi thân trong núi tuyết rừng già…” vì lý tưởng Phật pháp thì hoàn toàn có thể thành công trong sứ mệnh chấn hưng Phật giáo.
Từ nhận thức và quyết tâm ấy, năm 1920, Lê Khánh Hòa cùng một số tu sĩ có cùng chí hướng đã lập ra “Hội Lục Hòa” với hy vọng tạo thành hạt nhân đoàn kết nhằm thu hút những người cùng chí hướng chấn hưng Phật giáo. Ngài có tầm nhìn xa nên đã vận động thành lập trường đào tạo lớp Tăng tài mới, có tư tưởng Phật học tiến bộ nhằm hòa nhập vào cuộc tranh đấu vì quyền lợi của nhân dân, vận động các vị cao tăng, cư sĩ cùng với mình trực tiếp biên dịch các bộ kinh, luận, luật ra chữ quốc ngữ nhằm phổ cấp rộng rãi những tinh hoa triết lý Phật học.
Sự nghiệp chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa và những người cùng chí hướng bước đầu gặp không ít khó khan, trở ngại, bởi… “Tăng đồ hủ bại đến thế là cùng”, nhưng không thể khuất phục được ý chí kiên định và niềm tin vững chắc của ngài về chấn hưng Phật giáo. Điều đó thể hiện rất rõ trong những dòng di chúc chân thành, tâm huyết và tràn đầy lòng từ bi của Ngài: “Phật giáo đang hồi suy vi, nước nhà vào cảnh loạn ly mà tôi không làm được việc gì… sau khi tôi tịch rồi không nên dùng gấm lụa… long vị thếp vàng… cần phải tiết kiệm để bố thí cho người nghèo…”.
Cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng Khánh Hòa không thể hiện tính cách cứng rắn như đá, hay sắc nhọn như sắt thép nhưng ý chí kiên định và bền bỉ của ngài thì không gì so sánh được.
Trong thời kỳ Hòa thượng Khánh Hòa kiên trì vượt khó để vận động chấn hưng Phật giáo cũng là thời kỳ những chiến sĩ hoạt động cách mạng tiến hành cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản và vận động cách mạng giành độc lập dân tộc rất sôi nổi trên phạm vi toàn quốc.
Những hoạt động chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng và cuộc vận động cách mạng của những người cộng sản song hành trong lịch sử; một bên đạo, một bên đời tưởng chừng như không liên quan với nhau, nhưng thực chất đó là hai con đường cùng hướng về một mục tiêu là giải phóng những người dân Việt Nam đang sống lầm than đau khổ dưới ách thực dân, phong kiến. Đó cũng là đặc điểm của tinh thần Phật giáo nhập thế Việt Nam.
Từ quê hương chấn hưng Phật giáo đến quê hương đồng khởi
Công cuộc chấn hưng Phật giáo được khởi xướng ở quê hương Bến Tre từ những năm đầu thế kỷ XX, chỉ là cuộc vận động về tư tưởng nhằm ngăn chặn đà suy thoái của Phật giáo Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng và Tăng đồ, hoàn toàn không có yếu tố bạo lực.
Hơn nửa thế kỷ sau, cuộc đồng khởi đầu tiên ở Nam Bộ nổ ra ở Bến Tre (1960), thực chất là cuộc khởi nghĩa vũ trang của những người nông dân nổi dậy đánh đuổi bọn cường hào, địa chủ để đòi lại ruộng đất mà chính quyền đương thời đã cướp đoạt của họ.
Hai sự kiện diễn ra ở hai thời điểm cách xa nhau, đồng thời hoàn toàn khác nhau về tính chất và hoàn cảnh lịch sử. Vậy hai sự kiện ấy có điểm nào tương đồng và có sợi dây nào kết nối?
Điểm tương đồng rõ nhất là đều diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Khó khăn lớn nhất của phong trào chấn hưng Phật giáo là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ tầng lớp tu sĩ Phật giáo, dẫu biết đạo Phật đang suy đời và Tăng đồ hủ bại. Tình thế trước cuộc đồng khởi mang tính hiểm nghèo vì nông dân bị bọn địa chủ cướp đoạt hết ruộng đất, những người kháng chiến cũ bị khủng bố trắng bằng luật 10/59, đặt công sản ra ngoài vòng pháp luật, bắn giết không cần xét xử, lực lượng đảng viên bị tổn thất gần 90%...
Như vậy, điểm tương đồng của hai sự kiện là đã vượt qua khó khăn thử thách to lớn bằng ý chí kiên cường, bền bỉ và đã trở thành những trang vàng trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của nhân dân Bến Tre, Nam Bộ và Việt Nam…
Các sự kiện lịch sử không lặp lại nhưng dường như vẫn có những sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, đó là sự kế thừa những tính cách, năng lực và những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của mỗi cộng đồng, dân tộc và quốc gia mà các thế hệ sau phải biết trân trọng, bảo tồn và vun đắp.
* Ban Nghiên cứu Phật giáo Miền Nam.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết